ĐI TÌM VUI THÚ ĐIỀN VIÊN
Vợ
chồng tôi đến Mỹ gần chẵn mười năm. Những lo lắng ban đầu vì sinh kế đã
tạm quên. Cũng đã
thực hiện được “cái mộng của người Mỹ” là mua được căn nhà khá khang
trang. Thêm vào đó, tiền tiết kiệm trong ngân hàng khá dồi dào. Cũng nhờ
công sức hai vợ chồng, làm ngày làm đêm, làm không quản ngại khó khăn,
không ngại thứ bảy, chủ nhật, đêm khuya, cứ
có việc là có làm, có tiền là có chúng tôi. Chúng tôi chưa biết chê làm
việc phụ trội bao giờ. Một hôm chủ nhật rảnh rang, thức dậy muộn, còn
nằm trên giường, hai vợ chồng nằm gác chân nói chuyện tầm phào. Vợ tôi
hỏi:
“Anh có nhớ câu: Một mai một cuôc, một cần câu của ông Nguyễn Bỉnh
Khiêm hay của ông Nguyễn
Khuyến? Câu nầy tác giả muôn nói gì anh nhớ không?” Được một người
nguyên là giáo sư Việt văn các lớp thi tú tài hỏi về văn chương, tôi
cũng khoái chí , làm bộ hiểu biết, trả lời:
“ Ông Nguyễn Khuyến hay Nguyễn Bĩnh Khiêm, không cần phải nhớ ai là tác giả làm chi cho
mệt, cứ nhớ là ông Nguyễn thôi cũng đủ rồi. Câu thơ ca ngợi cái thú thanh nhàn khi sống nơi thôn dã.” Vợ tôi nói tiếp:
“Ngày xưa, anh thường nói với em về giấc mơ khi đất nước hết chiến
tranh. Chúng mình sẽ
về quê, mua mấy mẫu ruông vườn, và vui thú điền viên. Sống đời thanh
thản hạnh phúc. Anh còn nhớ không?” “ Ừ, thì nhớ chứ. Giấc mơ ấp ủ suốt
một thời niên thiếu mà. Tiếc thay, sau khi hết mùa chinh chiến, thì đến
mùa tù tội. Mà không tù tội, thì cũng không
thể nào vui thú điền viên được trong cái xã hội vô cùng kỳ lạ, vô cùng
gò ép con người đó. Nghĩ cũng tiếc.” Vợ tôi nắm chặt tay tôi, nói với
giọng tha thiết:
“ Bây giờ mình muốn vui thú điền viên cũng đâu có muộn. Cái mộng anh
ấp ủ ngày xưa có thể
trở thành sự thực dễ dàng. Hay là mình bán nhà , mua một nông trại, lấy
hết tiền tiết kiệm ra đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Nuôi các thứ gà
vịt thả trong vườn, bán cho đồng hương Việt nam mình, trồng các thứ rau
ráng mà người Mỹ không sản xuất như rau
muống, bí bầu, bạc hà, tàng ô, rau răm, rau thơm vân vân, chiếm luôn
độc quyền … Bây giờ mình muốn vui thú điền viên cũng đâu có muộn. Cái
mộng anh ấp ủ ngày xưa có thể trở thành sự thực dễ dàng. Hay là mình bán
nhà , mua một nông trại, lấy hết tiền tiết kiệm
ra đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Nuôi các thứ gà vịt thả trong
vườn, bán cho đồng hương Việt nam mình, trồng các thứ rau ráng mà người
Mỹ không sản xuất như rau muống, bí bầu, bạc hà, tàng ô, rau răm, rau
thơm vân vân, chiếm luôn độc quyền cung cấp cho
thị trường. Và gởi máy bay chuyển hàng lên miền đông bắc, tây bắc nước
Mỹ mà bán. Không chừng mau phát đạt, mà lại nhàn nhã, có cơ sở vững chắc
cho con cái sau nầy tiếp nối.” Nghe thì khoái, nhưng tôi thở dài:
“ Em nghĩ cũng hay lắm. Nhưng anh tiếc công việc đang làm hiện tại.
Lương bỗng cũng khá.
Công việc làm đã quen. Mình trở thành chuyên viên rồi. Bỏ đi cũng uổng.
Vã lại, công việc em đang làm cũng khá bền vững. Bỏ cái bền vững, đi
tìm cái bấp bênh, anh cũng hơi ngại.” Vợ tôi cũng thở dài, tiếng thở dài
dài hơn và não nề hơn:
“ Công ty em đang làm, cũng chuẩn bị dọn qua một xứ Nam Mỹ, có nhân công rẻ hơn, để cứu
vản tình trạng thua lỗ từ mấy năm nay. Em chưa nói với anh, vì ngại anh lo.” Tôi hỏi vợ:
“ Ai bày cho em cái kế hoạch lui về làm nông trại, vui thú điền viên nầy? Em đã nghĩ kỹ
chưa, và có chương trình kế hoạch gì trong đầu chưa?” Vợ tôi trả tời tự nhiên:
“Không ai bày cả. Cách đây mấy tháng, một đêm mất ngủ, em bật truyền
hình lên. Xem một phim
kể về đời sống ở nông trại thời xưa. Sao mà thanh bình hạnh phúc như
trong mộng. Đời sống dễ thương quá. Và những lần đi chợ Á Đông, em thấy
họ bán rau muống, rau màu Việt Nam đắt như vàng. Bán khoai mì đắt như
sâm nhung. Em nghĩ mình có một nông trại sản
xuất ra các thứ hiếm hoi nầy mà cung cấp cho các chợ, thì có thể hốt
tiền thiên hạ như hốt lá. Anh xem, những lần tiệc tùng họp bạn, mà có
thịt gà tươi chạy bộ , ai ăn cũng khen rối rít, xít xoa. Đó là chưa kể
mình nuôi vịt bán cho thiên hạ làm tiết canh.
Mình cứ đánh đúng vào thị hiếu của họ, thì mặc sức mà hái ra tiền. Chỉ
một thời gian ngắn thôi, là hai vợ chồng mình thanh nhàn sung sướng,
thong thả, và khi đó thì có thể khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên, chứ
không làm việc túi bụi như bây giờ. “ Nghe vợ
vẽ vời hay quá, cái lãng mạn đã ngủ yên trong tôi bỗng dưng thức giấc
xao xuyến. Thanh nhàn, sung sướng, ai mà không ưa, họa là khờ. Và lại
còn khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên, chao ôi, đẹp quá chừng. Dù khoái
tai với cái mông tưởng của vợ, tôi cũng thử
vợ tôi thêm:
“ Em cũng biết, nhà anh suốt mấy đời chưa hề làm nông, chưa ai cầm
đến cái cuốc, cái cày.
Ông nội anh là nhà nho thất chí, suốt một đời mang áo dài the, cắp cái
dù đi lang thang nhà bạn bè bàn chuyện cần vương hưng quốc, ba anh thì
là nhà giáo, anh suốt đời cầm bút làm việc trong văn phòng, có biết chi
về canh nông, về chăn nuôi, mà dấn thân vào
đó.” Vợ tôi hăng hái thuyết phục thêm:
“ Anh cũng đã từng bị đi tù cải tạo, học tập lao động mấy năm, cũng
đã cuốc đất trồng khoai,
cũng có chút kinh nghiệm phần nào rồi chứ. Việc nào rồi cũng quen đi.
Anh xem, ngày mới qua Mỹ, mình đâu có biết việc gì, mà rồi việc gì khó
khăn đến đâu, cũng làm được cả. Đi qua biển với ngàn hiểm nguy như thế,
còn làm được, thì việc gì mà không làm được?”
“ Nầy, sao cái luận điệu của em hao hao giống luân điệu của những kẽ tự
xưng là nhân dân anh hùng, họ thường bảo rằng vượt Trường Sơn đánh Mỹ
còn được, thì việc gì mà không làm được. Anh nói thêm cho em rõ, học tập
lao động trong trại tù, là học được cái trây
lười, cái làm cho có. Và nếu lao động như thế để kiếm ăn, thì đói cho
vẫu mỏ ra.” Cứ thế, vợ tôi nhẹ nhàng thuyết phục tôi về một cuộc đời vui
thú điền viên, về cái hạnh phúc đơn sơ trong thanh nhàn, cái an bình
trong tâm tưởng, được làm chủ lấy mình, không
tùy thuộc vào công ăn việc làm của người khác, không lo kinh tế nay lên
mai xuống, bấp bênh sụt trồi.
Thấy
vợ tha thiết với nông trại, mà những vẽ vời của nàng cũng đẹp thật, tôi
cũng muốn làm vui
lòng vợ một lần. Vợ tôi đã khổ, đã chịu nhiều cay đắng trong đời khi
chồng đi tù, khi chồng về tù , và đã theo tôi đi qua bao đoạn đường
chông gai khó khăn của cuộc đời. Mơ ước của vợ tôi về cuộc sống nông
trại, cũng rất chính đáng. Tôi bằng lòng bán nhà,
mua đất làm ăn.
Chưa
bán được nhà, mà chúng tôi đã được mấy ông hành nghề địa ốc lôi chạy.
Chạy đôn chạy đáo
theo mấy ông từ vùng nầy, qua vùng kia, để xem đất, để xem các bảng
tính toán lỗ lời do các ông đưa ra. Hình như cuộc đất nào cũng tốt, cũng
đem lại một tỉ suất lời cao. Cuối cùng, chúng tôi cũng mua được một sở
đất năm mẫu, cách thành phố Dalas bảy mươi dặm
về hướng bắc. Lái xe chừng hơn một giờ thì đến thấu.
Năm
mẫu đất nằm giữa đồng không mông quạnh, gió thổi vun vút, mùa hè bụi
lốc xoáy mù. Chủ đất
và người hành nghề địa ốc dẫn tôi đi, lội cỏ lút đầu gối để chỉ các cột
mốc ranh giới. Tôi và vợ đi theo, mà thở hồng hộc, vấp té mấy lần.
Học
theo các chủ nông trại đi trước, chúng tôi mua một căn nhà tiền chế có
ba phòng ngủ, hai
phòng tắm và thuê xe kéo về đặt trên thửa đất. Căn nhà trông bên ngoài
cũng rất mỹ thuật, đẹp đẻ. Phòng ốc bên trong xếp đặt rất hợp lý và sáng
sủa. Ngồi trong nhà, không có cảm giác chi là căn nhà tiền chế. Vợ tôi
khen, căn nhà nầy còn mới, và rộng không
thua chi căn nhà cũ của chúng tôi. Nhìn cái xe của hãng sản xuất nhà
tiền chế kéo cái nhà về đặt trên sở đất mà ngán. Cái nhà dài lòng thòng,
và rộng bề ngang, kéo đi choán hết bề rộng mặt đường. Hãng phải xin
giấy phép đặc biệt để kéo đi. Cái nhà về đến trước
đường cái, chiếc xe từ từ nhích vào nơi chúng tôi muốn đặt căn nhà, mới
chạy được một đoạn ngắn, thì bánh xe lún xuống đất bùn nhão nhẹt và
quay tít. Lui không được mà tiến cũng không xong, tiếng máy xe gầm lên
từng hồi như con thú bị thương.
Thì
ra vì trời mưa suốt tuần trước, làm đất mềm và nhão, không đủ sức cho
bánh xe cán lên. Ông
tài xế râu ria xồm xoàm và ăn mặc áo da, giống như mấy tay găng tơ
trong phim xi nê nhảy xuống xe và chữi thề om xòm, làm như chính tôi là
thủ phạm làm xe ông mắc lầy. Tôi lãng ra nơi khác, không muốn thấy cái
thái độ thiếu lịch sự của gã. Ông đòi mượn ván
gỗ để chêm bánh xe, tôi làm sao có được, y chạy lui chạy tới như gà mắc
đẻ, rồi hét lớn; “ Tại sao không cho biết đất còn mềm, bây giờ làm sao
mà lui ra đây?” “ Tôi làm sao mà biết được đất cứng hay mềm mà nói? Đâu
phải là chuyện của tôi?” “ Thế thì cái nhà
nầy của ai đây? Không phải của anh chắc?” Ông tài xế lên xe, dùng điện
thoại kêu về công ty và ngồi chờ. Chừng hơn một giờ sau, có chiếc xe
khác tới phụ, lôi chiếc xe bị lún bùn ra. Cái nhà bị đẩy giật tới, giật
lui, lúc lắc. Cuối cùng, cái nhà được tạm thời
hạ xuống bên đường lề đường, và lấn ra, choán gần hết mặt lộ. Cái nhà
nằm khơi khơi trên con đường trông rất chướng mắt. Ông tài xế bảo tôi:
“ Cứ để tạm đó, chờ khi nào đất khô rồi kéo vào.” Tôi vô cùng bối
rối. Cái nhà choán mặt
đường, xe cộ ngược chiều đi qua không thấy nhau, và phải nhường cho
nhau đi qua trong một phần nhỏ hẹp của lòng đường còn lại. Mà chẳng có
bảng hiệu, bảng thông báo trước để xe chuẩn bị mà tránh nhau.
“ Thế thì bao giờ cái nhà mới được đem vào bên trong” Tôi lo ngại hỏi anh tài xế.
“ Không biết. Chờ” “ Để ngoài đường như thế nầy rất nguy hiểm cho người lái xe. Lỡ họ tông
hư nhà thì làm sao” “ Anh không phải lo” Ông tài xế trả lời tôi như nói với đứa con nít..
Không
biết làm gì hơn, tôi cùng vợ lái xe về, mà trong lòng không yên. Hôm
sau, chúng tôi đến
lại cuộc đất, thì thấy cảnh sát đã gài giấy phạt, và hăm phạt tăng
nhiều lần nếu còn để cái nhà choán đường lưu thông. Tôi đem giấy phạt về
công ty bán nhà và than phiền với hãng. Ông chủ hãng nầy không tiếp
tôi, mà giao cho người khác giải quyết. Anh chàng
nầy nói năng rất từ tốn, bảo là hãng sẽ giải quyết ngay, đừng lo. Thế
nhưng cả tuần sau, cái nhà mới được đưa đúng vào vị trí mong muốn. Tôi
tưởng đặt nhà là ở được. Nhưng không. Đi tiêu đi tiểu và nước thải đổ
vào đâu? Không lẽ lấy cuốc đào chút đất trong
vườn, sau khi đi tiêu, lấp lại như ở nhà quê sao? Thế là phải chạy đi
mua cái hầm tiêu tự hoại. Mua thì dễ, mà giấy phép đặt hầm cầu, thì có
những chi tiết kỹ thuật bắt buộc phải cung cấp cho văn phòng quận. Lại
mất thêm tiên cho công ty kỹ thuật lập hồ sơ.
Cái nhà tiền chế bị dịch lui dịch tới nhiều lân, làm gảy các ống nhựa
bắt sẵn bên trong, cho nên khi nối đường nước vào, thì nước chảy tung
tóe. Ướt hết từ trong ra ngoài. Tôi đứng nhìn mà ngao ngán. Phải chờ
thêm mấy ngày để chờ thợ ống nước đến sửa chửa.
Khi
tôi đến công ty điện, công ty nước để xin nối điện, nối nước vào nhà,
tôi mới giật mình
thấy cái bảng ước tính chi phí bắt điện, bắt nước. Nhà tôi xa đường dây
điện chính, phải trồng thêm nhiều trụ điện khác, mới chạy được đường
dây vào. Tôi phải chịu phí tổn đó. Không ai nói trước cho tôi điều nầy.
Dù chi phí cao đến mấy, tôi cũng phải cắn răng
mà ký tên vào tờ giao kèo, thỏa thuận. Không lẻ phải mua máy điện
riêng, lôi thôi chịu chi nỗi. Đã đâm lao thì phải theo lao, chứ làm sao
bây giờ. Đường nước, thì tôi may mắn hơn, nước đã đến cách cuộc đất
chúng tôi không xa lắm, nhưng cũng phải chi tiêu khá
nhiều để chuyển nước từ ống chính vào. Công ty nước đào đất, chuyển ống
đến đồng hồ mà thôi, sau đồng hồ nước là mình phải tự lo lấy. Thợ ống
nước tính tiền ngọt lắm, đào xới, lắp ráp, sửa chửa, chút chút là đòi
bạc trăm, bạc ngàn, mình không có dụng cụ, và
không có kinh nghiệm, nên cứ cắn răng mà trả, có kêu ca cũng vô ích.
Tôi đứng quan sát các anh thợ, để học lóm nghề, thì ra cũng dễ dàng như
chơi. Chịu khó mua một ít dụng cụ, thì cũng có thể tự làm được. Nhờ học
lóm, mà sau nầy, tôi tự chạy đường nước tưới
cây trong vườn.
Bốn
góc nhà, tôi bắt thêm bốn vòi nước, để dễ câu ra vườn. Đất mùa mưa nhão
nhẹt, không chạy
xe vào nhà được, tôi kêu xe đổ sạn trắng, làm thành một vòng cung ngay
trước nhà. Cái đỉnh vòng cung là cửa vào nhà, hai chân vòng cung nối ra
đường. Phải đặt ống cống cho nước trong mương bên lề đường thông thương.
Khi xe vào vườn, chỉ cần chạy một chiều,
vào bằng một cửa, ra bằng cửa khác. Vợ tôi ví cái đường vòng cung nầy
với sân tòa Bạch Ốc, cũng sang trọng và đẹp không kém.
Vợ
tôi sung sướng ngâm nga “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người
tìm chốn lao xao”. Ngâm
đi ngâm lại mãi. Vợ tôi bàn rằng, làm thêm một cái bệ gỗ bên cạnh nhà,
che song gỗ bên trên , mùa hè ban đêm cả gia đình ra ngồi ngắm trăng,
uống trà ăn kẹo ngọt, để nhớ miền quê Việt Nam. Cũng để xem ông thi sĩ
miền Bắc nước ta, bốc thơm đàn anh Trung Quốc
rằng “ Trăng nước Mỹ không đẹp bằng trăng Trung Quốc” có đúng không.
Nghe đã lỗ tai, tôi mua gỗ về hì hục, cưa đóng cả tuần mới xong. Tốn
tiền, mà sau nầy vì công việc nông trại tối mắt, tắt mày, chưa bao giờ
có thì giờ rảnh ra ngồi ngắm trăng uống trà, chỉ
có những khi mệt vã mồ hôi, ngồi bệt lên sàn nghỉ một chốc mà thôi.
Bây
giờ thì phải làm hàng rào bao quanh khu vườn lại. Tôi mua cọc sắt, và
lưới làm hàng rào.
Loại cọc mà bên Việt nam mình kêu là cọc sắt ấp chiến lược, và loại
lưới gọi là lưới B40. Nhìn vào bảng ước tính giá mua cọc và lưới mà mặt
vợ tôi nhăn lại như ăn dấm chua. Cũng mất mười mấy ngàn đồng. Không thể
chịu đựng nỗi chi phí nầy, tôi quyết định chỉ
rào khu chăn nuôi thôi, còn khu trông trọt thì cứ để trống. Ai mà chạy
xe ra đến đây để ăn cắp hoa màu cuả mình. Nước Mỹ chớ đâu phải châu Phi
mà lo. Hãng bán cọc sắt và lưới đổ cho tôi một đống lớn trong vườn. Mình
phải tự làm hàng rào lấy, chứ thuê thì tiền
đâu mà chịu nỗi. Tôi mua búa tạ và thang xếp, làm thành cái dàn. Con
gái tôi mới mười bốn tuổi, giúp bố giử cây cọc, tôi leo lên, dùng búa
giáng xuống. Sức dộng của búa rung cây cọc sắt, làm tay con tôi đau buốt
và buông cọc ra mà kêu thét lên. Tôi phải làm
một nùi vải, chêm vào tay cho nó cầm. Cứ đóng vài ba búa, là thấy cọc
có chiều nghiêng nghiêng, không đứng thẳng được. Tôi phải leo xuống,
dùng dây dọi điều chỉnh rất khó khăn. Vợ tôi dứng nhìn và nói:
“ Đóng cọc theo lối nầy, thì không chừng tốn cả năm trường mới xong
được.” Hai bàn tay tôi
đỏ và sưng lên. Con gái tôi cũng nhăn nhó mặt mày vì cái trò chơi không
mấy hứng thú nầy, và phải đứng ngoài nắng gió cả buổi. Để việc rào dậu
chóng hoàn tất, tôi phải tính đến chuyện thuê người làm phụ. Tôi bàn với
vợ, thuê một anh người Mễ. Vợ tôi ngại sẽ
bị lôi thôi với pháp luật, vì thuê người nhập cảnh bất hợp pháp. Tôi
bảo rằng, tôi không ra ứng cử dân biểu, nghị sĩ, thì sợ gì, có ai mất
công mà tố cáo tôi thuê người nhập cảnh bât hợp pháp.
Sáng
hôm sau, tôi lái xe về phía Nam nông trại, đi mất chừng hơn nửa giờ,
đến gần khu có cây
xăng, nơi đây các thanh niên người Nam Mỹ thường hay tụ tập, đứng lóng
ngóng chờ người đến thuê đi làm. Xe tôi vừa đậu lại, thì có hơn hai chục
thanh niên vây kín, lao nhao đòi đi làm. Có vài anh còn nhãy lên thùng
xe ngồi đó. Không ai biết tiếng Anh, mà tôi
thì mù tịt tiếng Mễ. Họ biết tôi cần người làm, tôi biết họ cần việc
làm, nhưng không ai nói cho ai hiểu là phải làm việc gì. Tôi nhãy xuống
xe, đứng cong lưng, hai tay đưa lên đưa xuống, ra dấu đóng cọc. Họ à à
gật đầu và cười, nói “ Ô kê, ô kê”. Tôi ra dấu, đưa
một ngón tay lên, bảo là chỉ cần một người thôi, thế mà bốn năm người
nhảy lên thùng sau xe ngồi, và chục người khác bu theo nhao nhao, nói gì
tôi không hiểu. Tôi chán quá, la lên và khoát tay, và lắc đầu, có ý bão
họ là không thuê ai nửa cả, đòng thời ra
dấu cho mấy người ngồi trên xe tôi đi xuống. Phải lâu lắm, tôi mới rời
được đám người nầy. Khó quá, mình không biết nói, mà họ cũng không hiểu
mình, và cứ đeo theo đòi đi làm. Tôi lái xe đi, giả vờ như không thấy
những người Mễ hai bên đường đang ra dấu, hỏi
tôi có thuê họ hay không. Dừng xe lại là họ nhào đến, không đi được.
Tôi đang phân vân, chưa biết phải làm thế nào, thì thấy có một anh Mễ to
lớn, mập mạp, đang đi một mình trên đường, tôi chạy xe chậm lại, và hất
đầu làm dấu như hỏi anh ta có muốn đi làm
viêc hay không. Anh vui vẻ gật đầu, tôi mở cửa cho anh lên xe, thì thấy
có nhièu người khác chạy gấp về phía tôi, và la lên, có người níu xe.
Tôi phải xua tay, và rồ máy chạy thẳng. Đến một góc đường xa, tôi dừng
xe lại. Hỏi anh Mễ muốn tôi trả bao nhiêu một
ngày. Hai bên không hiểu nhau, anh Mễ cứ đực mặt ra, như người điếc. Tự
nhiên tôi cảm thương anh Mễ , vì anh làm tôi nhớ tới thời mới tới Mỹ,
ai nói gì cũng không hiểu và chỉ cười. Tôi lấy giấy ra, ghi số tiền tôi
muốn trả cho anh ngày hôm nay, cao hơn lương
lao động tối thiểu chừng mười lăm phần trăm. Anh Mễ lắc đầu, ghi số
tiền gấp đôi. Tôi ra dấu cho anh xuống xe. Anh lấy giấy ghi số tiền thấp
hơn. Tôi lắc đầu. Cuối cùng, anh bằng lòng làm việc với số tiền công
tôi ghi ban đầu.
Đi bốc người, vừa đi vừa về mất hơn hai giờ, rồi buổi chiều phải mang trả anh ta tại chỗ cũ
nữa. Nhưng không thể làm việc một mình được.
Tôi
dẫn anh Mễ vào, dắt đi quanh vườn, ra dấu cho anh biết là tôi sẽ đóng
cọc hàng rào quanh
khu nầy. Hai người nói chuyện với nhau bằng tay, ra dấu, và tôi nói
tiếng Anh, anh ấy nói tiếng Mễ. Tôi cầm cọc sắt cho anh Mễ đóng. Tôi
nghĩ là với cái tướng dáng to lớn vạm vở đó, anh chỉ đóng ba búa cho mỗi
cọc, là đi tuốt xuông đất sâu. Nhưng không ngờ,
anh Mễ dáng búa lên, và gõ nhẹ xuống cây cọc, như sợ cây cọc đau, cứ từ
từ chầm chậm búa xuống, thong thả nhàn nhã và nhẹ nhàng. Đóng mãi mới
xong được một cây cọc. Vợ tôi đứng nhìn. Khi đóng qua cây cọc thứ hai,
thì vợ tôi hỏi:
“ Anh ơi, ông Mễ múa thể dục Tài Chi hay sao mà yểu điệu và khoan
thai thế. Đóng cọc theo
lối nầy, thì biết đến thuỡ nào mới xong được?” Tôi cũng nóng ruột với
cái dáng điệu khoan thai của anh Mễ, kêu anh xuống thang, và bảo anh cầm
cây cọc cho tôi đóng. Anh cầm cây cọc chắc lắm, tôi cứ đóng xuống là
thẳng đứng. Ừ thì ít ra cũng xữ dụng được cái
sở trường của anh nầy. Tôi tự an ủi là dùng người như dùng gỗ, dùng cái
ưu điểm của anh ấy thôi. Chưa lao động quen, mồ hôi cứ vã ra như tắm,
và tôi uống nước liên tục. Cứ nữa tiếng, là tôi nghỉ ngơi một chốc. Vợ
tôi phàn nàn rằng, thuê người để họ làm, chứ
đâu phải thuê người về vịn cây cọc. Sau nầy tôi mới được các bạn bè cho
biết, họ làm theo đồng tiền được trả, khi cho là ít tiền, thì họ làm
ít. Tiền nào của đó, và môt lý do nữa, là họ làm chậm, thì hy vọng công
việc làm được nhiều ngày hơn.
Buổi chiều, trả tiền cho anh Mễ, anh kỳ kèo đòi thêm, cứ đưa tay ra mãi. Bực quá, tôi cho thêm
năm đồng, anh vẫn chìa tay ra, tôi lắc đầu cương quyết không là không. Vợ tôi thấy tôi cho thêm tiền, tiếc của la lối:
“ Không làm được gì mà anh còn cho thêm tiền ư?” Vợ tôi kéo tôi ra nói nhỏ:
“ Em nghĩ anh Mễ nầy không được lương thiện lắm. Cứ nhìn trộm em
hoài., làm em sợ. Chắc
mình phải mua súng, để tự vệ. Chứ nơi đồng không mông quạnh nầy, có
chuyện gì xẫy ra chẵng biết làm sao.” Tôi cảm thấy lo, nói cho vợ yên
lòng:
“ Ừ, để rồi tính sau. Dễ mà, xứ nầy mua bao nhiêu súng cũng được, bất
cứ loại súng nào.”
Tôi ra dấu cho anh Mễ lên xe, để tôi chở trả anh về nơi cũ. Khi đến gần
nơi xuống xe, anh nói: “ Mà nha na, mà nha na” ( manãna: ngày mai), có ý
muốn ngày mai làm việc nữa. Tôi chỉ hiểu tiếng ngày mai thôi. Lắc đầu,
tôi nói “ Nô mà nha na.” Chẳng thể không
thuê người phụ đóng cọc được, hôm sau tôi lái xe về nơi cũ. Khi đi
ngang chỗ các anh Mễ, tôi gia tăng vận tốc chút xíu, thế mà cũng có
những cánh tay đưa ra ngoắt tôi. Lòng tôi lại chợt chùng xuống, và
thương những người lìa bỏ quê hương đi kiếm ăn. Tôi nghĩ
đến thân phận mình may mắn hơn, được vào Mỹ hợp pháp, được đi làm và
cũng có cơ hội đồng đều như người Mỹ sinh trưởng tại đây. Tôi liếc mắt
tìm những anh Mễ đứng đơn dộc, và chạy xe chậm lại kềm sát một người
đang đi ngược chiều. Tôi hất đầu làm dấu, anh Mễ
gật đầu. Tôi mừng vì anh nầy biết lỏm bỏm tiếng Anh. Tôi đưa giá, anh
bằng lòng ngay. Anh nầy cao, gầy, rắn chắc, tên là Pedro.
Rút
kinh nghiệm ngày hôm qua, tôi không nói trước là phải làm bao nhiêu
hàng rào để họ khỏi
tính chuyện câu giờ. Tôi giữ cọc sắt cho Pedro đóng xuống. Anh đóng ào
ào, mỗi nhát búa tạ của anh làm cây sắt đâm sâu xuống đất, sâu gấp hai
lần mỗi nhát búa của tôi. Tôi bằng lòng lắm. Vợ tôi đem nước cam và thức
ăn, cùng trái cây ra đãi trong khi chúng
tôi nghỉ xả hơi. Ngày hôm đó, chúng tôi đóng được gần ba lần ngày hôm
trước. Vợ tôi vui ra mặt và nói với tôi:
“ Sao anh không đề nghị cho Pedro làm khoán, có lẽ mình đỡ mệt, mà đi
lo việc khác.” Tôi
cố gắng lắm mới nói cho Pedro hiểu. Anh bằng lòng làm, và cho một cái
giá thấp mà tôi không ngờ được. Tôi chở Pedro về, và hẹn hôm sau trở lại
đón lúc bảy giờ sáng. Hôm sau Pedro đem theo một người bạn, hai anh
thay phiên nhau đóng cọc, và làm mãi cho đến
khi trời tối mịt mới nghỉ. Tôi đải hai anh nầy cơm nước, bánh trái rất
hậu. Vợ tôi nói “Ngày xưa Tào Tháo đải Quan Công e cũng chỉ đến thế mà
thôi.” Chỉ mấy ngày, Pedro và bạn anh đã hoàn tất cái hàng rào. Họ còn
nhổ lên và đóng lại những cái cọc xiên xẹo,
những cái tôi đã đóng lúc đầu.
Hôm
hoàn tất hàng rào, tôi làm tiệc đải Pedro, thịt nướng ăn với rau, có
mấy chục lon bia trợ
lực. Trả tiền, và tính lại thì tiết kiệm được rất nhiều tiền công, nếu
thuê hãng chuyên môn rào, thì tiền nhân công đắt gấp ba lần.
Xong
cái hàng rào, tôi mua hai trăm con vịt xiêm, ba trăm con gà, thả vào
vườn. Cho chúng mặc
sức mà đi lại, chạy nhãy và phá phách khu cỏ chưa trồng trọt. Vịt thì
ban đêm nó chui vào gầm nhà tiền chế mà ngủ, tránh sương tránh gió. Cứ
đầu hôm, chúng kêu om sòm. Có khi nữa đêm giật mình vì tiếng vịt kêu.
Con tôi cho rằng có lẽ vịt nó nằm mơ và la hoảng.
Tôi nghĩ là vịt nó núp dưới sàn nhà rất tiện lợi, đở tốn tiền làm
chuồng. Nhưng chỉ mới mấy ngày, vợ tôi la các con, hỏi có đứa nào đạp
phân gà vịt và mang vào, làm dính thảm nhà hay không, sao có mùi hôi
mãi. Tôi giật mình, thì ra vịt nó phóng uế đầy ngập
dưới gầm nhà. Thế là tôi phải lái xe đi mua vật liệu, về hì hục đóng
chuồng. Đóng một mình thì không được, phải có thợ phụ. Vợ tôi giúp, và
con gái đi học về cũng ra phụ. Tôi phải dùng vòi nước, bò vào gầm rất
thấp của căn nhà mà rửa cho sạch phân. Vừa chật,
vừa hôi, vừa khó chịu, tôi nghĩ mình dại quá, không nghĩ ra sớm cái
chuyện vịt phóng uế. Thôi thì phải trả nợ cái tội thiếu nghĩ xa.
Tôi
định rào lưới che hầm sàn nhà, thì có nhân viên của thành phố đến, cho
tôi biết rằng, theo
luật thành phố, thì cái nhà phải mặc quần, nghĩa là che kín phần dưới
chân lại, không có quyền ở truồng, vì mùa đông sợ lạnh bụng. Thế là phải
đi đặt hàng, mua vật liệu để che kín cái chân nhà lại. Tôi cũng mất cả
tuần mới hoàn tất cái quần cho căn nhà. Thức
ăn gà vịt, phải qua thành phố bên cạnh mà mua, chất đầy cả chục bao
trên xe, chạy về. Cũng chỉ có một mình tôi lăn xuống xe hơi , bỏ lên xe
kéo, và mang vào chất trong kho. Nặng nề, mệt lữ và bụi bặm. Không quen
lao đông, khi nào tôi cũng thở phì phò, có khi
quáng mắt, thấy đom đóm giữa ban ngày.
Phân
gà phân vịt tràn đầy cả sân cỏ, cả lối đi, nhão nhẹt và dơ bẩn. Tôi
dùng vòi nước xối rửa
mỗi ngày. Sau nầy, nhìn biên lai tiền nước, tôi giật mình không dám rửa
ráy thường xuyên và xài phí nhiều. Có tháng phải trả cả năm trăm đồng
tiền nước, mà chưa bán được đồng nào nông phẩm.
Gà
cũng thả rong, vịt cũng thả rong. Nhiều lúc chú gà trống lớn vô tình
lãng vãng đi gần đàn
vịt mái. Ông vịt xiêm đầu đàn hiểu lầm, phóng đến đánh đuổi chú gà. Thế
là có cuộc đọ sức , như hai võ sĩ thượng đài. Chú gà đâu có chịu thua
dễ dàng, nhảy lên, cắn vào mồng ông vịt, dùng hai chân đạp thốc vào ngực
vịt, có lẽ hai cái cựa nhọn cũng đâm sâu
vào địch thủ. Ông vịt dong hai cánh đập tạt vào, mạnh như roi quất. Có
khi làm chú gà lộn ngược nằm lăn ra đất. Cuộc chiến kéo dài, tôi và
thằng con trai ngồi coi khoái lắm, toét miêng cười, và có khi la hổ trợ
cho cuộc chiến. Vợ tôi thì nhãy đỗng lên mà gào:
“ Anh không ra mà can chúng ra, để chúng bị thương, có con chết đấy” “ Con nào chết thì
đem nấu cháo ăn” Tôi trả lời.
Ông
vịt hạ cái đầu xuông thấp , thẳng ra phía trước như võ sĩ đi xà quyền.
Chú gà ngóc đầu lên
cao mổ xuống. Ông vịt hất ngược cái đầu lên, thọc mạnh vào dưới hàm con
gà, và hai cánh vịt đập vào như trời giáng, chú gà ngã lăn quay. Dứng
dậy, bỏ đi mà không chạy trốn, rồi đập cánh bồm bộp, gáy hai tiêng dài,
như thổi kèn chiến thắng. Ông vịt chắc cũng
thấm đòn, gờm, không dám đuổi theo.
“ Sao con gà mà đấu thua con vịt hở Ba?” Thằng con trai tôi hỏi.
“ Vì con gà thiếu chính nghĩa. Léng phéng gần đám đàn bà của con vịt.
Vã lại, theo luật
quyền Anh, đây là một cuộc đọ sức không cân xứng, con vịt nặng gần gấp
đôi con gà?..” Tôi trả lời chưa xong, thì thằng con cắt ngang:
“ Chính nghĩa là gì Ba?” Vợ tôi nghe con hỏi, nạt tôi:
“ Thôi ba nó ơi. Đừng đầu độc con cái. Thấy gà vịt đánh nhau, đã
không can mà còn ngồi xem,
tán thưởng. Làm con nó quen với cái ác, hư đầu óc thơ ngây của chúng.”
Đám gà vịt nầy, ăn mạnh và lớn mau, đẻ trứng lung tung đầy vườn. Chúng
tôi phải đi nhặt cất vào thùng lớn, mua hộp có ngăn đựng trứng mà chứa.
Bây giờ thì phải nghĩ đến cách tiêu thụ trứng
nầy. Vợ tôi bàn rằng, mua một cái máy ấp, bán hột gà lộn hai mươi mốt
ngày, và bán luôn hột vịt lộn.
Cái
máy ấp đem về, mỗi lần ấp được ba trăm trứng. Ấp xong, tôi lựa những
cái trứng lớn cho gia
đình dùng. Trứng ấp tại nhà, ăn ngon vô cùng, Nước trong trứng ngọt
lịm. Tôi ăn một lúc sáu cái. Đứa con gái tôi rùn vai ghê sợ, không dám
ăn. Thằng con trai bắt chước bố, cũng ăn được năm cái, và bị sình bụng
suốt đêm nằm rên ư ử. Trứng ngon quá, đem đi bán
thì uổng, tôi bàn với nhà tôi, chủ nhật nầy, đem về thành phố tặng cho
các bạn bè bà con, mỗi người vài chục hột ăn chơi, hưỡng cái thành quả
đầu tiên của nông trại chúng tôi.
Thế
là chúng tôi mất thêm một ngày chủ nhật, chạy từ nhà nầy qua nhà kia,
chia cái vui của nông
trại cho bà con. Ai cũng khen, vồn vả tiếp đón, vì mấy khi có trứng lộn
tươi như thế nầy trên đất Mỹ. Chúng tôi ra về, dù đường xa mệt nhọc và
tốn xăng, tốn sức, nhưng lòng vui như hoa nở.
Tôi
đi ngoại giao, gặp các chủ tiệm bán thực phẩm Á Châu, hứa sẽ cung cấp
cho họ rau tươi, bầu
bí, gà vịt tươi, trứng lộn, với giá rẻ. Đa số đều vui vẻ, và bảo tôi
đem hàng đến cho họ xem, rồi họ sẽ mua. Về sau, trứng ấp được đem bỏ mối
cho các chợ , ban đầu thì bán rất khá, nhưng càng lúc, thì càng ế ẩm,
vì người ta ăn cho vui, ăn để nhớ hương vị quê
nhà, không phải ăn vì ngon, và muốn ăn thường xuyên. Trứng không để lâu
được, các tiệm bán không hết trả lui, tôi phải ôm về, còn phải năn nỉ
bạn bè để tặng không cho họ. Thế mà có người từ chối, và nói thẳng thừng
là không muốn ăn các thứ đó nữa. Đám gà vịt,
cũng không bán được bao nhiêu, trong nhà ăn mãi cũng ớn. Đem cho bạn bè
thì nhiều. Người thì làm tiết canh vịt, vịt xáo măng, gỏi gà, cháo gà,
phở gà. Gà tươi nuôi trong vườn thì ăn ngon. Cho thì họ ăn, nhưng mua
thì không mua. Tiền bán gà vịt gom lại, không
bằng tiền thực phẩm mua cho chúng ăn trong vài tháng. Ấp trứng thì lỗ
vốn lớn, có lẻ tiền bán được chưa đủ tiền điện, tiền xăng, chưa kể công
vận chuyển.
Khi
nuôi vịt, tôi nghĩ vịt là phải có nước cho chúng tắm, tôi chưa biết vịt
có thể ở khô. Tôi
thuê xe ủi đất, hì hục đào một cái hồ lớn, cái hồ chứ không phải là ao.
Mấy ngày ròng rã. Tôi vật lộn với cái máy ủi đất. Đào, xời hắt lên cao.
Khi đào xong cái hồ, thì tôi chợt nhận ra là cái xe ủi đất đang nằm
dưới lòng hồ, mà bờ hồ thì cao, dốc đứng, xe
không lên được. Tôi phải hì hục đào một đường dốc xiên cho xe đi lên.
Thế là vợ tôi có dịp để cười và chế nhạo. Đào hồ xong, thì phải xả nước
vào , và hy vọng mùa mưa khỏi phải tốn nước. Cuối tháng đó, đọc cái biên
lai tiền nước mà tôi hoa mắt, chóng mặt.
Tôi phải dấu cái biên lai tiền nước, không cho vợ biết, vì sợ vợ buồn.
Cái ao đã đào lỡ rồi, mỗi ngày nước bốc hơi, phải châm thêm cho đầy.
Nghe tiếng nước chảy, mà tôi đau như máu mình đang thất thoát. Bỗng tôi
đâm ác cảm với bầy vịt, ăn thì như hạm, phóng
uế vung vãi, bán thì khó. Để già thì thịt dai, không ai ăn, và họ có lỡ
mua một lần, thì lần sau không dám đụng đến nữa. Vịt già cũng sẽ làm
hại uy tín kinh doanh. Làm thịt bỏ tủ lạnh, thì tôi không đủ can đảm đầu
tư thêm cái máy làm gà vịt, không đủ vốn,
mà từ đó sinh ra nhiều chi phí khác nữa.
Cứ
nghĩ ra thêm một cái gì, thì tốn kém thêm tới đó. Có người mách tôi, cứ
đem gà vịt ra chợ
trời mà bán vào các ngày họp chợ, từ thứ sáu đến chủ nhật. Lại biết
thêm nghề bán chợ trời. Bán ở chợ trời thì chịu nắng nôi, nhưng nhiều
người mua. Về sau, tôi bán sĩ với giá rẻ cho những người bán lẻ. Như thế
thì mau hơn, đở tốn công, đỡ mệt nhọc.
Tôi
dựng giàn trồng bầu bí, chưa kịp đi mua gỗ đóng giàn, thì có người mách
bảo: “ Hãy mua ống
nước bằng nhựa, mua thêm các khúc ống nối thẳng, nối cong, nối chữ T,
chữ L. Cứ thế mà ráp vào thành giàn, làm mau như gió. Tội chi mà đóng
gìan gỗ cho khổ công mà mau mục ải.” Tôi nghe theo lời thầy bàn, nghe
thì có lý lắm, nhưng khi vào thực tế thì gặp không
biết bao nhiêu ván đế. Thứ nhất là quá tốn kém, thứ hai là giàn không
vững, khi gió thổi thì mấy cái giàn cứ đu đưa nhún nhẫy theo chiều gió.
Thế là phải mua thêm ống nước lớn mà chống chỏi, mà đâu phải là dễ
chống, vì ống nước nhựa trơn lu, không có nơi tựa,
mà đóng đinh thì xộc xệch lỏng lẻo. Lại tốn thêm bộn tiền. Phải mua
thêm lưới mắt cáo trùm lên cho bầu bí leo. Mỗi ngày, buổi chiều đi học
về, con gái tôi ra vườn tưới cây. Bầu bí lớn mau như thổi, chẳng bao lâu
dàn cây lá sum sê xanh mướt, ra hoa vàng rực,
và những nụ trái nhú ra đẹp như những nậm ngọc. Lũ ong bướm kéo đến
nhỡn nhơ. Tôi nhìn mà lòng vui không xiết. Rồi những trái bầu bí dài
thòng, nặng chĩu, phải buộc dây treo chúng lên.
Vợ
tôi bàn rằng, nên thuê người đổ đất làm một con đường chạy từ ngoài vào
đến cuối vườn, để
mai đây, khi nông phẩm nhiều, xe vận tải lớn có thể vào chuyên chở
thẳng ra chợ. Tôi thấy có lý quá, đi giao thiệp, và giao cho nhà thầu đổ
đất, cán đường, làm mương thoát nước hai bên đường. Lại tốn kém thêm
ngoài dự trù, nhưng nghĩ lại, mai đây, đở tốn công
thuê người khuân vác từ nhà ra đường. Sau nầy, con đường chưa được hân
hạnh đón chiếc xe vận tải nào đi qua, vì chúng tôi ước tính thì nhiều,
mà thành quả nông nghiệp không gặt hái được bao nhiêu.
Những
trái bầu non, nấu canh tôm ngọt nước, ban đầu thì ngon lắm, vợ chồng
khen tấm tắc và như
ăn canh thay cơm, nhưng ăn mãi thì cũng chán. Bạn bè bà con xa gần cũng
hưởng được thành quả của chúng tôi. Chúng tôi đem bầu bí ra bỏ mối ở
các chơ Việt Nam, có bao nhiêu bán được hết bấy nhiêu. Nhưng đó là thời
gian đầu mùa, về sau, dù xuống giá rẻ rề, cũng
không bán hết, phải mang các thứ trái cây héo về, đổ xuống làm phân
xanh. Tôi lại chuyển bầu bí ra chợ trời, bán sĩ cho các gian hàng, người
ta trả giá nào cũng phải bán tháo đi. Bạn bè bà con, ăn mãi cũng chán
bí chán bầu, không ai muốn nhận các món quà nầy,
vì ngoài chợ cũng rẻ rề.
Chúng
tôi tính toán sai cả, thì ra cái tưởng tượng khác xa thực tế. Chưa có
kinh nghiệm, chưa
từng trãi, cứ vẽ vời trong trí tưởng tượng mà đem ra thực hành. Đôi khi
tôi có cảm tưởng như vợ tôi là vị bí thư tỉnh ủy, cứ vạch hết kế hoạch
nầy, đến kế hoạch kia, mà tôi là nhân dân, chỉ biết thi hành,và sai thì
sửa, và càng sửa thì càng sai.
Mùa
đông đầu tiên, một buổi sáng thức giấc , dậy đánh răng rửa mặt, mở nước
không chảy. Tôi
tưởng hãng cung cấp nước tạm thời khóa nước để sửa chửa. Tôi định sẽ
kêu điện thoại than phiền vì khóa nước mà không báo trước. Nhưng sau tôi
mới biết là thời tiết lạnh, đã làm đông đá nước trong ống. Mấy đứa con
tôi không chịu đi học vì chưa đánh răng súc
miệng. Tôi cũng chịu thua. Ống nước bị lạnh đông đá, làm nhiều nơi bị
vỡ, khi đá tan, nước chảy lênh láng. Lại phải nhờ mấy ông thợ ống nước
đến sửa chửa với tiền công chém rất ngọt. Nhà tiền chế, tường mỏng, mái
mỏng, mùa hè thì thiêu đốt như lò lửa, mùa
đông thì lạnh căm căm. Tôi lại phải tốn thêm tiền mua hệ thống sưởi, hệ
thống điều hòa không khí.
Chỉ
một thời gian thôi, tiền tiết kiệm, tiền bán căn nhà, đã đổ hết vào cái
nông trại. Thấy
cạn tiền đầu tư cho mùa tới, vợ tôi bàn chuyện đi vay ngân hàng, đem
cái nông trại nầy ra mà cầm cố. Thôi thì cũng liều - Sống trên xứ nầy
không có nợ, thì không phải là người tốt - Một anh bạn tôi bảo vậy. Tôi
chở vợ ra ngân hàng làm giấy tờ vay mượn. Chỉ
mấy hôm sau, được giấy báo là ngân hàng đã chấp thuận. Chúng tôi hớn
hở, cứ còn nước thì còn tát, để cứu vãn cái nông trại nầy. Nhưng khi
nhìn vào bản chiết tính chi tiết các phí khoản vay, đủ các thứ chi phí,
vay thì ít, mà nợ tốn kém thì nhiều. Vợ tôi nhăn
nho, nói tiếng Việt Nam với tôi, trước mặt ông nhân viên cho vay:
“Bọn nầy là tụi ăn cướp ngày, ăn cướp có giấy tờ, ăn cướp có pháp
luật che chở. Vay chừng
đó, mà chi phí chừng đó, có chết thì thôi, tôi không mượn đâu. Thôi đi
về.” Không mượn được tiền, chúng tôi lo lắng lắm. Thôi thì tạm thời chi
tiêu bằng thẻ nhựa, chịu lãi suất cao, cũng còn đở hơn. Tôi thức khuya,
dậy sớm chăm nom lũ gà vịt, lũ rau ráng.
Có khi đến mười giờ khuya mà vẫn còn vác nặng trên vai những bao thức
ăn súc vật, còn xối nước tưới cây. Những lúc nầy, tôi cũng bắt chước vợ
mà hổn hển ngâm nga: “ Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người tìm
đến chốn lao xao..”, và thấy ông Trạng Trình
Nguyễn Bĩnh Khiêm viết sấm ký giỏi quá, dự đoán tương lai cho tôi đúng
phóc. Quả không có ai dại bằng mình., tìm đến nơi vắng vẻ nầy mà lao
động khổ nhọc, đốt hết tiền tiết kiệm trong bao nhiêu năm.
Một hôm nữa khuya thức giấc, vợ tôi nhẹ nhàng hỏi:
“ Anh có nhớ chuyện Tam Quốc Chí không? Khi đánh nhau, họ hay lập thế
trận ỷ dốc. Anh có
biết thế trận ỷ dốc là thế nào không?” “ Trời ơi, nữa đêm mà nói chuyện
Tam Quốc Chí, anh lao động quần quật từ sáng đên khuya, rã người, em để
anh ngủ cho có sức để mai còn lao động tiếp.” Tôi nghe tiếng thở dài
não nuột của vợ mà động lòng, trả lời ấm ớ
cho vợ khỏi buồn:
“ Anh không biết chắc ỷ dốc là cái khỉ khô gì. Nhưng có lẻ họ chia quân đóng hai vị trí
khác nhau, một nhóm tác chiến, còn nhóm kia yểm trợ “.
Vợ tôi như bắt được ý, hăng hái nói:
“ Em nghĩ, mình cũng nên bắt chước người xưa, lập thế trận ỷ dốc mà
cứu vãn cái nông trại
nầy. Có nghĩa là anh xin việc đi làm bên ngoài, đem lợi tức về bù đắp,
yểm trợ cho khu nông trại của chúng ta. Nếu một năm sau nữa , mà còn
không nên cơm cháo gì, thì bán quách, chúng ta đi làm công cho người
khác. Nếu thành công, thì anh nghỉ việc bên ngoài,
trở về với nông trại.” Nghe vợ bàn mà tôi tỉnh ngủ. Ừ, giản dị thế mà
cũng nghĩ không ra. Cứ lo lắng hoài. Đàn bà cũng có nhiều cái suy nghĩ
thật hay. Tôi nhẹ nhàng hỏi vợ:
“ Nhưng một mình em, có kham hết công việc trong nông trại nầy chăng? Việc thì bề bộn, nặng
nhọc, làm hoài không hết.”
"Những
việc thường thường, thì em có thể làm được, những việc nặng nhọc, thì
chờ anh đi làm
về giúp". Tôi nghe mà ngao ngán. Thế nầy là vui thú điền viên trong
tuổi xế chiều chăng. Ngày đi làm toàn thời gian, đêm về làm việc nặng.
Nhưng có lẽ không còn giải pháp nào tốt hơn. Rán thêm vài năm nữa, may
ra thời vận đến.
Nhờ
có chuyên môn, tôi xin được việc làm có đồng lương khá. Mỗi tháng đem
tiền lương về nuôi
lũ gà vịt, lũ rau ráng bí bầu. Công ty tôi làm đang đến đến hồi phát
triển mạnh, mỗi ngày tôi làm việc từ mười đến mười hai giờ, mỗi tuần làm
sáu ngày. Mịt mờ trời đất, thế mà đêm về cũng phải lo thêm việc của
nông trại nữa. Vợ tôi thỉnh thoảng phải thuê người
phụ làm trong vườn. Lương tôi cũng tạm thời đáp đổi chi phí của nông
trại. Ngày chủ nhật tôi phải lái xe đưa nông phẩm ra chợ bán. Nghĩa là
không có một ngày nghỉ nào trong tuần.
Thỉnh thoảng nghe vợ tôi than phiền về chồn cáo bắt mất một số gà vịt, tôi chỉ cười bảo:
“Chia cho chúng tha bớt, mất càng nhiều, thì em càng đở mệt.” Chồn
cáo xứ nầy khôn ngoan
lắm, chúng biết con chó săn trong nhà đêm đêm đi tuần rảo quanh hàng
rào, rồi vào nằm nghe ngóng canh chừng. Chúng lập kế đánh du kích , để
vài ba con kêu chí chóe xa xa về hướng đông, con chó chạy về hướng đó mà
sục sạo. Thừa thế, chúng lẻn vào hướng tây
mà bắt gà vịt lôi đi. Khi lũ gà vịt kêu lên thất thanh, con chó quay
lại, thì chồn cáo đã đem theo được chiến lợi phẩm mà cao chạy xa bay, ra
khỏi vòng rào.
Mấy
hôm, thấy lũ vịt không xuống hồ bơi lội mà đứng trên bờ ngơ ngác, lông
lá tả tơi. Tôi ra
xem, thấy mặt hồ đóng váng, như có ai đổ dầu, và quanh bờ thì có những
vờ bọt đen đặc quánh. Tôi vớt bọt, dùng cây mà quậy, thì thấy như có
chất dầu. Đem đốt thì cháy ra khói đen đặc và hôi mùi dầu. Tôi tái mặt,
và nhảy cẫng lên mà chạy mau vào nhà la lớn:
“ Em ơi, mình sắp thành tỷ phú rồi em à. Dưới đất của mình có vàng
đen. Dầu, dầu hỏa, mình
sắp thành phó vương dầu hỏa rồi. Thôi, dẹp hết, bỏ hết, chẵng có bí bầu
gà vịt chi nữa. Bỏ ra công sức thì nhiều, mà thu hoạch chăng bao nhiêu.
Bỏ ra cả trăm ngàn bạc mà thu lại chưa được vài ngàn. Trời thương chúng
mình, trời đãi chúng mình.” Vợ tôi chưa
tin, tôi ra hồ nước, vớt dầu vào làm thí nghiệm chứng minh. Vợ tôi thấy
dầu cháy, ôm lấy tôi hôn mà kể công, rằng đó là nhờ nàng đưa ý kiến làm
nông trại, mà nay thành tỉ phú. Cả tuần, chúng tôi bỏ không tưới cây,
gà vịt thì cho ăn cầm chừng. Kêu bạn bè đến,
bảo muốn bắt bao nhiêu thì bắt. Giàu rồi, thì kể chi mấy con gà, con
vịt lẻ tẻ. Nhiều đêm hai vợ chông tôi nằm mơ chuyện sang giàu, gởi con
qua Anh Quốc cho học trường lớn nhất, chuyện ngao du khắp thế giới. Tôi
chạy ngược chạy xuôi tìm hãng khai thac dầu.
Và niềm vui của tôi xẹp xuống, khi nghe người ta nói về việc khai thác
dầu. Hãng dầu còn xem trử lượng được bao nhiêu, có đáng khai thác hay
không, và khi biết mõ dầu có trữ lượng cao, thì họ chỉ thuê một khu đất
nhỏ,với giá rẻ mạt, không đáng vào đâu. Thế
là giấc mơ tỷ phú của chúng tôi xẹp xuống thảm hại.
Việc
trồng trọt và nuôi gà vịt quá nhọc nhằn, chúng tôi không kham nỗi, vợ
tôi bàn chương trình
nuôi dê, bò. Chúng tôi bán tháo hết đám gà vịt, mua hai mươi lăm con dê
cái, có con đã chửa bụng lưng lửng, và một anh dê đực râu xồm, có hai
cái sừng quăn lại, xỉa ra đàng trước. Mua thêm bốn con bò, ba con cái,
một con đực. Bọn dê tạp ăn, lá gì cũng bứt
và nhai nuốt, thật là dễ nuôi. Thả chúng long rong trong vườn. Cách
nuôi thật nhàn hạ, không cần chăm sóc chi nhiều. Bốn con bò cũng vậy.
Mỗi ngày, con dê đực làm tình với bọn dê cái liên miên, làm vợ tôi
ngượng. Con chó, cũng to lớn không thua gì con dê,
nhưng sống độc thân, mỗi lần thấy con dê đực nhãy cái, thì nó ghen,
chồm lên mà sủa om sòm. Có khi nó nhãy lên, tấn công sau mông con dê
đực. Con dê dực tức giận vì kẽ phá đám, quay lại, dùng sừng ủi đại vào
cho chó. Có khi con chó tránh đòn không kịp. Cũng
lăn kềnh ra. Vợ tôi đứng la lớn, bảo tôi can chúng ra. Sợ con chó bị
thương vì cái sừng nhọn của dê. Tôi cũng nạt nộ, la hét mà hai bên không
ngưng chiến. Tôi phải dùng cây roi da, vụt túi bụi vào cả dê lần chó,
chúng mới chịu dang ra.. Vợ tôi nói:
“ Con dê nầy hung tợn quá, có ngày con chó bị sừng dê đâm đổ ruột” Tôi cười:
“ Lỗi tại con chó. Trời đánh còn tránh bữa ăn. Huống chi nó đang làm
cái việc truyền giống
thiêng liêng, mà con chó nhãy vào phá đám. Ví như tụi mình đang vui vẻ,
có đứa nào phá đám, mình có nỗi điên lên không.” “ Thôi ông ơi, ăn nói
đàng hoàng một chút có được không?”- Vợ tôi cằn nhằn.
“ Mà con chó nó ghen tức cũng phải, nó thì chay tịnh, mà con dê thì
cứ làm tình lia lịa,
không ngứa mắt sao được?” Mấy con dê cái bắt đầu sinh con, những con dê
con như cục nhung mềm, môi đỏ hồng, hai mắt long lanh, dáng đi yếu
đuối. Mấy đứa con tôi cưng chúng lắm. Cứ ẵm bồng hoài. đi học về là ra
vườn ẵm dê con vuốt ve.
Chị tôi từ Úc Châu qua Mỹ thăm, anh chị thấy tôi ở giữa đồng không mông quạnh gió hú vi vu mà
ái ngại. Cứ lắc đầu mãi. Cứ nói mãi câu:
“ Cậu mợ tính như thế nầy là trật lất rồi. Mình đã xa quê hương,
thiếu tình đông bào, phải
sống nơi nào phồn hoa đô hội, cho bớt nỗi cô đơn. Lại gần chợ búa, gần
bệnh viện, gần các tiện ích công cộng, có bạn bè, có bà con láng giềng,
khi đau ốm, khi trái gió trở trời có nhau. Lại khi muốn ăn tiệm Việt Nam
cũng phải lái xe đi về hơn hai giờ , phí
công quá. Phải tính lại đi.” Một buổi sáng sớm, cả nhà ngồi uống cà phê
nhìn qua cửa sổ, thấy con dê đực đứng trước cửa chuồng, chổng râu dê
lên đón bọn dê cái. Mỗi khi có con dê cái đi ngang qua, thì dê đực nhãy
lên lưng làm tình. Liên tiếp mười mấy lần,
mà thấy chàng dê vẫn tỉnh táo như thường. Chị tôi phát mạnh vào vai anh
rể tôi cười mà nói:
“ Ba mầy chẳng bằng một phần nào của con dê cả.” Anh rễ tôi bình tỉnh nói:
“ Em xem, con dê đực thay đổi nhiều con dê cái khác nhau, chứ nếu chỉ
có một con dê cái
thôi, thì nó cũng chỉ làm một lần, chứ không làm đến lần thứ hai. Nếu
có hai chục bà khác nhau, thì anh đâu có thua anh dê kia chút nào.” Trưa
hôm ấy, một người bạn cũ của anh rễ tôi ghé nhà thăm, thấy bầy dê và
nghe kể lại chuyện tiếu lâm buổi sáng, mắt anh
sáng lên, rũ chúng tôi đi đến tiệm bán thịt dê của người Ấn Độ nằm về
phía Bắc của thành phố. Đi mua thịt dê về nhậu chơi, tăng cường sức khỏe
mà bổ dương. Mấy bà ở nhà, chúng tôi ba người đàn ông lái xe đi. Tiệm
rộng lớn, có hai căn, như một căn chợ. Nồng
nặc mùi cà ri, muì hương vị. Đủ loại cà ri, đủ loại hương vị trong bao
ni lông, chất đầy trên kệ. Bên kia thì dê dã lột da treo lòng thòng
nhiều con trần truồng. Khách hàng muốn mua cẳng, đùi, ngực, thì cứ việc
chỉ vào đó. Anh Ấn Độ đầu quấn khăn chà chóp
đem cưa dến, cắt ào ào gọn nhẹ lắm. Chúng tôi mua nguyên cái đùi sau
con dê, hơn mười cân Anh. Anh rễ tôi thấy nhiều cặp ngọc dương (dái dê)
tròn trỉnh, trắng tươi, gói trong giấy bóng rất bắt mắt, xuýt xoa, đòi
mua đến năm cặp. Tôi hỏi ai mà ăn hết, anh bảo
không ai ăn thì để cho anh. Mấy khi mà có thứ quý báu nầy trên miền đất
văn minh. Anh thì thầm: “ Ăn thứ nầy vào, thì phải biết. Không có hiệu
quả sao có ghi trong sách thuốc người Tàu?” Chúng tôi mua thêm một ít
hương liệu, rồi hớn hở chạy xe về. Ông bạn
anh rễ tôi dành làm bếp, nấu các món đặc biệt, mà ông nói đùa là món “
Ông ăn bà khen”. Ông bạn đem ướp ngọc dương rồi xào với hành tây, đem ra
nhậu trước. Mấy bà biết đó là cái gì, thì cứ la oai oái ngoãnh mặt đi.
Mười viên xào tròn trịa nằm trên dĩa, có
hành xắt lát, có tiêu rắc lấm chấm đen. Trông thật ngon. Tôi bắt chước
ông anh, gắp một viên đưa vào miệng, mới cắn sơ, đã có mùi thum thủm,
tôi muốn nhả ra. Trong lúc ông bạn của anh tôi thì gắp bỏ vào mồm, nhai
nuốt ực ngon lành, còn hít hà khen ngon. Ông
anh rễ tôi cũng thưởng thức tận tình và nói:
“ Bổ lắm đấy nhé. Cứ ăn vào là nghe máu chuyển rần rật , mặc sức mà
rượt các bà chạy có
cờ. Người Ấn Dộ và Trung Hoa biết món ăn nầy nên đông con là phải” “
Nếu có thêm rượu thuốc toa Minh Mạng nữa, nhấp vào, thì là một phối hợp
hết sẩy” - Bạn ông anh tôi tiếp lời – “Hồi còn ở bên nhà, tôi thấy mấy
ông già trộn huyết dê với rượu, uống vào thì
như thần dược.” Thịt dê được nấu càri, thêm nhiều hương vị khác, nước
cà ri vàng màu đỏ sền sệt, chấm với bánh mì mà ăn. Bà chị tôi nói:
“ Vẫn còn mùi mồ hôi dê. Nghe đâu khi làm dê, để thịt khỏi hôi, người
ta cho dê uống nước,
rồi cột dây, đánh nó chạy quanh một cái cọc, cho vả mồ hôi ra. Xong xối
nước tắm cho nó. Bao nhiêu mùi hôi đều ra hết. “ Vợ tôi xen vào:
“ Ở Mỹ mà làm thế là đi tù sớm, vì mang tội hành hạ súc vật. Ngon đâu
không thấy, đi tù
mệt lắm” Mấy hôm sau, có con dê cái trong vườn bị thương tích, ông bạn
của anh tôi đề nghị làm dê thui mời bạn bè ăn chơi. Ông nhận trách nhiệm
thọc thuyết và lột da dê. Cái chậu đựng rượu Vodka được chôn lưng chừng
xuống mặt đất, ông thọc dao vào cổ dê mà
ngoáy. Máu dê tuôn ra kêu ọc ọc. Các bà khiếp sợ la lên và bỏ chạy cả.
Mổ bụng ra, mối biết con dê có chửa. Cái tử cung chứa bốn con dê con đã
tượng hình. Ông bạn anh tôi xuýt xoa, bảo rằng thứ nầy quý lắm, để ông
làm dê “hà nàm” cho mà ăn. Cái bọc tử cung
để nguyên, đổ vào nồi, đặt lên bếp hầm với nhiều vị thuốc bắc. Khi chín
đem xuống, vớt ra dĩa, dùng dao mà cắt từng khoanh, thịt dê con mềm
nhũn, nuốt vào cổ như ăn đông sương. Con dê được xuyên qua cây cọc, quay
trên đống lửa than đá.
Tôi điện thoại mời đám bạn bè xa gần đến tham dự buổi tiệc thịt dê. Nghe có tiết canh dê, dê
thui, dê “ hà nàm”, ông nào cũng hớn hở, đòi mời thêm các bạn bè khác nữa.
Đám đàn ông ăn uống nhồm nhoàm, miệng môi đầy máu tiết canh, nói chuyện tiếu lâm bao quanh vấn
đề tình dục, không kiêng cử gì cả, và cười ha hả, làm nhiều bà nhăn mặt bất bình.
Buổi
tiệc thịt dê thật vui, anh em ra về hỉ hả, và hẹn có ngày trở lại làm
một chầu khác. Tối
hôm đó, tôi nằm chờ kết quả của dê “ hà nàm” và tiết canh dê, nhưng
không thấy gì cả, và ngủ quên cho đến sáng. Vợ tôi nhìn tôi cười hỏi:
“ Có thật thịt dê làm tăng cường năng lực sinh lý không?” “ Toàn cả
chuyện tào lao, tiếu
lâm chơi thôi, đàn ông ưa ăn tục nói phét, bịa chuyện cho vui bữa rượu
ấy mà” Bọn dê sinh sản nhanh, mau lớn, và ăn tạp, phá trơ trụi cả khu
vườn. Chúng biết đứng lên trên hai chân sau, mà bứt lá những cành cao.
Làm cho khu nông trại tiêu điều trông trải.
Mỗi chủ nhật, tôi đẩy dê lên xe, đem ra bán ở chợ trời. Thấy mình giống
mấy anh nông dân Âu Châu tả trong tiểu thuyết của Pháp, mà ngày xưa
thường hay đọc.. Đem dê bán cũng không phải là chuyện giản dị, đứng chờ,
trả giá, cò cưa. Loại người như tôi không thích
hợp với công việc thương mãi, nên cảm thấy chán lắm.
Một
lần đứng bán dê, có cô thư ký trong sở đi chợ trời, thấy tôi, nhãy đến
ôm chầm như gặp cố
nhân - Mà ngày nào không gặp nhau chứ - Cô cười nói huyên thuyên và ôm
hôn mấy con dê như người Mỹ thường hôn chó. Thấy cô thích quá, và hỏi
chuyên dê tíu tít, tôi cho cô một con. Lấy cái áo cũ bao mông nó lại,
đẩy lên băng sau chiếc xe hơi sang trọng của
cô thư ký. Con dê phá tan cả vườn hoa của nhà cô và hai vợ chông gây
nhau, suýt ly dị. Cô dem con dê trả lại cho tôi ngay tại sở. Tôi lại
phải khổ sở kiếm vải bọc mông con dê, cho lên băng sau chiếc xe mình,
chở về. Vợ tôi thấy con dê la lên:
“Dê bán không hết, anh mua thêm về làm chi?” Vợ tôi nhọc nhằn vì cái
nông trại quá, bàn
với tôi bán đi, về lại thành phố ở. Phải gần nữa năm mới bán được đám
đất nông trại. Bán lỗ vốn, vì chúng tôi muốn phủi tay cho xong. Căn nhà
tiền chế, người mua đất đòi chúng tôi trả thêm tiền họ mới nhận. Còn
không thì phải dẹp đi. Chúng tôi năn nỉ mãi,
họ mới nhận với điều kiện tất cả trang bị về máy sưỡi, máy lạnh, điên
nước để nguyên. Vợ tôi nói:
“ Ai đời cho không căn nhà mà phải năn nỉ người ta. Lại còn đòi hỏi
đủ điều.” Chúng tôi
thở phào, thoát ra được cái “ vui thú điền viên “ nhọc nhằn đó, dọn về
phố, thuê nhà ở. Dù còn nợ nần nhiều, nhưng chúng tôi cảm thấy như trút
được gánh nặng ngàn cân trong lòng. Hai vợ chồng đi làm công , chiều về
ngồi xem truyền hình, đọc sách đọc báo. Buổi
tối ngủ thẳng giấc không lo lũ chồn cáo du kích tấn công. Ngày nghỉ rủ
nhau đi chơi, đi phố, thăm bạn bè bà con. Thảnh thơi không lo lắng
nhiều. Suốt ba năm làm nông trại, tôi chỉ có được một lần vui toàn vẹn,
là lần mời bạn bè cùng ăn thịt dê. Tôi chưa có
một lúc rảnh rang để ngững đầu lên trời nhìn trăng, chứ khoan nói là
khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
Tôi bảo với vợ rằng:
“ Mấy ông thi sĩ, văn sĩ, cứ vẽ vời ra cảnh thơ mộng để gạt gẫm tụi
mình. Tiêu phí sạch
cả tiền bán căn nhà, tiền tiết kiệm, mà lại ngày đêm đầu tắt mặt tối
trong mấy năm. May mà thoát ra được. Sướng quá. Thôi nhé, từ nay em đừng
vẽ vời thêm chuyện thơ mộng nữa nhé.” Vợ tôi cười:
“ Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói rồi: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Lỗi tại mình, không chịu
hiểu nghĩa đen mà cứ hiểu nghĩa bóng. Nên mới ra nông nỗi.”
Tràm Cà Mau