TRƯƠNG-CHI MỴ-NƯƠNG
*Góc nhìn Nguyễn-Tư
Có lẽ trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, câu chuyện tình đẹp, đau khổ, bi thảm và thánh thiện nhất, vẫn là mối tình “Trương Chi Mỵ Nương”. Tr uyện đã được các nhạc sĩ nổi tiếng cảm đề như Phạm Duy, Văn Cao,...
Câu chuyện đẹp như thơ và buồn hiu hắt. Hồi
còn bé, có một lần nào đó, tôi chợt nghe mẹ tôi hát ru em tôi ngủ trên
một chiếc võng cột ở đầu hè , một bài ca dao thực buồn, theo cái giọng
Huế mơ màng sương khói của bà, mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ,dù mẹ
tôi đã mất:
..
“Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì rất xấu, hát thì thật hay...”
Rồi
những ngày lên tỉnh học trung học, một cậu bé 15 tuổi, tâm hồn trong
như khung cửa kiếng lớp học còn thơm nức mùi sơn, tôi lại tình cờ được nghe một chị bạn tên Lê, hồi đó được xem là “cái đinh” của nhà trường, có mái tóc dài, dáng điệu cao-cao, đứng một mình nơi cửa sổ lớp, trong giờ ra chơi, nhìn ra một khoảng đất rộng mênh mông đầy ruộng mía, hát nho nhỏ rằng :
“Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ ...Ai qua bến Giang đầu tha thiết, nghe sông than mối tình Trương Chi ”...(Văn Cao)
Tất cả một thời tuổi thơ, một thời mới lớn đầy hoa mộng của tôi ở đó, ở ngay trong mối tình Trương Chi. Và, có lúc tôi lại mơ, một ngày nào đó, mình trở thành Trương Chi, để được mỗi chiều tà, khi hoàng hôn xuống, ngồi trên một chiếc thuyền mong-manh, giữa sông nước bao la, ung dung thổi một khúc nhạc tình buồn cho Mỵ Nương con quan Thừa tướng nghe mà ai-oán nỗi lòng… Ngậm ngùi nhất là vào những đêm trăng, tôi trở về quê Ngoại, ngồi nơi bờ đá bến Thừa phủ, nhìn qua bên kia bờ sông Hương thấy Phú-văn lâu mập mờ trong khói sóng, lẩn trong cái u ám cổ xưa, hùng tráng của Thành Nội còn âm hưởng một thời uy nghi các vị vua Triều Nguyễn…
Rồi
tôi bỏ xứ ra đi, lưu lạc khắp bốn phương trời, dù lận đận, khổ cực đến
mực nào tôi vẫn giữ hình bóng Trương Chi trong trái tim nhỏ bé của tôi, lẩn với một vài mái tóc dài, một vài nụ cười bâng quơ, vài đôi mắt
long lanh nào đó, vừa đủ để cho tôi thấy rằng mình đang còn sống trong
kiếp người, một kiếp người đầy lầm than. Cho đến một ngày, trong một góc
thư viện ở thành phố biển mặn Nha Trang, tôi chợt đọc câu chuyện ngắn có tên “Vì sao”.(Pourquoi) Lúc đó, tôi vừa ngoài hai mươi tuổi, đã một phần nào thấm mệt vì những chông gai trong đời sống, mà mình đã lựa chọn đi qua. Câu chuyện được mô tả là truyện ngắn hay nhất thế giới và tôi bùi ngùi nghĩ đến Trương Chi dạt dào, tôi mới khám phá ra rằng (dù muộn màng) : tình yêu là một cái gì, mà suốt đời người ta phải đuổi bắt, đuổi bắt không cùng, đuổi bắt vô vọng... mà con người vẫn khát khao, tìm kiếm khổ đau. Nó là một trò chơi của Thượng đế dành cho loài người mà chính tay Ngài tạo ra từ một mẩu đất sét trong thuở hồng hoang, từ cái xương sườn của ông Adam trong vườn Địa đàng. Tôi nghĩ đến Trương Chi thật nhiều, đến người thanh niên đẹp trai mà tàn tật trong tập truyện ngắn “Vì sao”. Thế thì Tình Yêu (tôi muốn viết hoa) đích thực ở đâu? Có trên đời này ? Hay chỉ là một bóng mờ, một huyền thoại, một sáo ngữ để cho loài người tìm kiếm và đau khổ triền miên? Là một hình thức đọa đày của trời xanh , theo cái kiểu “hồng nhan đa truân” của Đông phương?
Người ta định nghĩa tình yêu bằng thơ văn, bằng triết học,bằng đủ thứ,
nhưng cuối cùng kiểm tra lại đời mình, ai cũng thấy mình sa sút, đau khổ
vì tình yêu...
Chuyện kể rằng,
có một anh chàng thực đẹp trai, chiều nào anh ghé vào cái quán rượu có
khiêu vũ, lúc nào anh cũng chọn chiếc ghế nhất định trong góc quán, từ
đó nhìn những sinh hoạt của quán qua những cặp trai trẻ yêu nhau, dìu
nhau trong điệu luân vũ mơ màng. Và chính trong quán này, anh đã quen
một cô gái thực đẹp, hai người yêu nhau (?) cuộc tình cứ mặn nồng theo những nụ hôn nồng cháy trong cái vẻ đẹp trai đầy trí thức của người thanh niên. Anh đã đi vào cơn mê hồn trận của tình yêu đôi lứa, mà người con gái thùy mị kia không
bao giờ hối hận cũng như chẳng bao giờ bỏ nhau. Người con trai cũng cố
tận hưởng những giây phút trong tình yêu mà người con gái xinh đẹp kia mang lại cho anh. Nhưng, trong cái tột cùng của Hạnh
phúc tình yêu, người ta thấy có một cái gì đó lo lắng , buồn phiền,
hoảng sợ trong đôi mắt của người thanh niên (có lẽ cái lo lắng muộn
phiền này cũng giống như lo lắng buồn phiền của Trương Chi trước ngày
diện kiến Mỵ Nương ở dinh quan Thừa tướng lần đầu, trong cái ý thức về
bản chất của thân phận mình, bởi vì không có ai hiểu rõ mình, bằng mình - trước tiên ). Rồi một ngày, cái mà người thanh niên sợ hãi kia đã đến , ngôi lâu đài tình ái bị sụp đổ tan hoang khi nàng bất ngờ mời chàng một điệu luân vũ để đánh dấu một cuộc tình đẹp như mơ, và cũng là một “niệm khúc cuối” cho cuộc đời tình ái của người thanh niên đau khổ kia.Người thanh niên lúng túng tìm mọi cách để chối từ, hầu kéo
dài sự che đậy một sự thực, mà lâu nay anh đã khổ đau như một trừng
phạt cho một đời người như anh, một sự thực mà anh muốn che dấu, muốn chối từ, cho đến giờ phút sau cùng, giờ phút không thể che dấu được nữa, và chính sự thực phũ-phàng này, trong một phút một giây đã đưa anh đến lòng vực thẳm , đã hủy bỏ mọi chắt-chiu. Cái lòng vực thẳm đó Trương Chi đã bước xuống và Trương Chi đã chết dưới đó, chết ngọt ngào, chết đau thương trong tiếng hét hãi-hùng,
bụm mặt của Mỵ Nương, trong lần diện kiến ban đầu. Dù cái chết này đã
đưa đến việc trái tim của Trương Chi hóa thành một khối ngọc tinh anh, để được trở thành một chiếc chén uống trà xinh đẹp trong nhà quan Thừa tướng, để được tay Mỵ Nương tình cờ nâng lên phảng phất mùi trà Đông phương bát ngát, trong đó Mỵ Nương chợt thấy bóng dáng Trương Chi ngày nào, trên con đò cùng tiếng sáo năm xưa ngậm ngùi sóng nước. Những giọt nước mắt Mỵ Nương nhỏ xuống, nhỏ xuống ... như một lời ăn năn, một lời thương xót, một cảm nghiệm Đạo đức, hay một hoài niệm tình yêu? Chén
ngọc tan ra trong hư vô là một tha thứ, một thấu nhập, một giận hờn,
hay một chạy trốn tình yêu? Tất cả đều lay động, đều ngậm ngùi, ngờ vực
và nó đã dừng lại nơi cái bối rối sau cùng của người thanh niên trong quán rượu nơi chuyện ngắn “Vì sao?”.Người con gái chợt hỏi anh ta: “Vì sao ?”khi thấy anh ta tần-ngần, miễn cưỡng không hứng thú đứng lên khi nàng mời một điệunhảy - một hành động rất đỗi bình thường của những kẻ đang yêu nhau. Người
đàn ông đau khổ đứng lên,can đảm đứng lên, như Trương Chi đã can đảm
bước vào dinh quan Thừa tướng. Người con trai khập khểnh trên một chiếc
chân què. Người con gái nhìn chàng sững sờ vì đã tự trả lời được câu hỏi của chính mình vì sao, mà nàng không cần đối tượng trả lời nữa và một ứng xử rất dã man, nhãn tiền lập tức xảy ra, máu lạnh, không hề có bóng dáng chất người… là nàng đã lặng-lẽ bước ra tỉnh bơ...mà người ta ưa mỉa mai bằng câu phủi tay sạch-sẽ “C’est la vie” (Đời là thế!) như lời biện minh cho sự phản trắc không cần suy tính mới khủng khiếp ….
Câu chuyện không có “hậu”, không có đoạn kết rõ ràng như câu chuyện tình “Trương Chi Mỵ Nương” của chúng ta, nhưng - chính vì thế, nó làm cho ta hiểu tác giả nhiều hơn, và nói đúng hơn: Ta hiểu cuộc đời này nhiều hơn. Cuộc đời đó, dù Đông hay Tây phương đều thể hiện một cách rõ rệt trong kiếp người. Như vậy, một thứ tình yêu lý tưởng kiểu “Amourplatonique” theo quan điểm của Platon ngày xưa, thì quả thực nó là một thứ ngọc quý của trần gian mà con người thì phải sống trong những “hoàn cảnh giới hạn”(situation limite) , nên khó lòng đạt tới nổi. Một thứ tình yêu viễn mơ, thánh thiện kiểu Lan và Ngọc trong “Hồn Bướm Mơ Tiên”
của Khái Hưng, là điển hình của một loại tình yêu đích thực như thế
theo nghĩa triết học của nó. Nghĩa là tình yêu chỉ hoàn toàn được xây
dựng ngay trên “bản thể”(substance) của đối tượng mình yêu, chứ không phải trên “tùythể”(accident) là những cái phụ thuộc, hào nhoáng, bất thường ở bên ngoài, ôm quanh bản thể - là cái tự nó vĩnh cữu, bất biến(invariable) không thể có cái gì thay thế được.Nếu yêu một người vì họ đẹp, họ giàu, họ hát hay, họ có chức vụ trong xã hội… thì đó không phải là tình yêu thực, mà là sự chiếm đoạt (possession) như một thứ của riêng, tức là đã vô tình “vật vị hóa”
khách thể yêu của mình, những thứ hào nhoáng đó là tùy thế, nó sẽ phải
tàn ( đẹp sẽ thành già xấu, giàu rồi sẽ nghèo đi ...) thì tình yêu cũng
sẽ phải tan theo sự đổ vỡ đó. Loại tình yêu này có thể thực hiện bằng vũ lực, bằng mua chuộc, dụ dỗ hay lường gạt, có thể thành công ở giai đọan đầu, nhưng sẽ thất bại sau đó, vì nó là “giả tình yêu” .Điều này, ta thấy rõ trong phim “Les Conquérants”(Những kẻ chinh phục), nhân vật chính là Thành cát Tư-Hãn - một vị tướng Mông cổ bách
thắng trên khắp chiến trường từ Âu sang Á, thế nhưng trong một đêm
trăng nào đó, ở miền đất mà hắn mới chiếm được, trong khi hàng vạn tinh
binh dưới trướng ngủ say, hắn lặng lẽ một mình, lên một ngọn đồi cao, bên lưng còn đeo một thanh trường kiếm, hắn đứng thẳng, hai tay dang ra và ngước mặt lên trời vừa thú nhận với Thượng đế một câu để đời cho những kẻ yêu nhau : “ Dưới gót ta, mọigiống dân đều bị chinh phục, thế mà trong vòng tay ta, một đứa con gáikhông chinh phục nổi ”.(Sous mon talon, des peuples domptés, mais dans mes bras une fille indomptable).
Còn một loại tình yêu khác được xây dựng trên “lòng thương hại” , tức là người yêu nhìn đối tượng yêu của mình thấp hơn mình, như một sự ban bố, như trường hợp những người đi yêu những người tàn tật, những người cóhoàn cảnh đáng thương đã gợi lên lòng trắc ẩn nơi họ mà họ “tưởng” là tình yêu… Đó cũng không phải là tình yêu đích thực mà cũng là một hình thức “vật vị hóa” tình yêu của chính mình. Trong tình yêu không có sự “cho ” và “nhận” vì nó không phải là một món đồ, nên không có chuyện “xin” và “ban bố”. Nói như Xuân Diệu : “Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận baonhiêu...” là
một sự thóa mạ tình yêu trong trường hợp này, nó chỉ ở mức độ là lòng
thương hại và dường như đó là loại tình mà Mỵ Nương dành cho Trương Chi.
Thực sự Mỵ Nương chỉ là người yêu “tiếng sáo” Trương Chi mà thôi (như một tùy thể) chứ không phải yêu chính “con người” Trương
Chi (như một bản thể) cho nên tiếng sáo Trương Chi là một ám ảnh không
nguôi ngoai đối với Mỵ Nương . Và chính sự xấu xí của Trương Chi (cũng
là một tùy thể) cũng đã ám ảnh và làm tuyệt vọng cái tâm thức lãng mạn của Mỵ Nương rất nhiều.Mỵ Nương đã “siêu hóa” trí tưởng tượng của mình quá, như đã đồng hóa “ tiếng sáo Trương Chi ” và “con ngườiTrương Chi” là một. Chính điều này, (do sự lãng mạn ) đã làm cho Mỵ Nương vỡ mộng rất nhiều khi gặp Trương
Chi lần đầu.Có thể Trương Chi yêu Mỵ Nương thực sự, điều này được diễn
tả trong những tiếng sáo Trương Chi (bởi vì tiếng sáo buồn thảm của
Trương Chi, cũng chính là nỗi lòng Trương Chi, theo cái kiểu “Style, c’est l’home”Văn là người của Tây phương, mà anh chỉ thổi lên ở khúc sông trước dinh quan Thừa tướng ( nơi có Mỵ Nương cư ngụ) và cuối cùng Trương Chi bịnh vì tuyệt vọng trong tình yêu, đến độ phải khô héo mà chết đi để mối khổ đau đã tích tụ lại trong quả tim thành ngọc, thì thấy là Trương Chi yêu Mỵ Nương đến ngần nào?Còn sự tan loãng của chén ngọc, khi những giọt nước mắt của Mỵ Nương
nhỏ xuống cũng chỉ là biểu tượng của sự tha thứ của Trương Chi đối với
người tình trong mộng của mình mà thôi. Sự tha thứ giống như Từ Hải chết
đứng giữa trời mà phải ngã xuống... khi Kiều khóc
dưới chân. Cho nên, mối tình Trương Chi chỉ là một mối tình lãng mạn
trong tuyệt vọng có tính cách đơn phương, một chiều, hoặc nếu có về phía Mỵ Nương thì cũng chỉ là lòng thương xót một người tài hoa, một nghệ sĩ khốn khổ vì những bất toàn của cơ thể - thế thôi, chứ chưa ở mức độ tình yêu, được hiểu như một sự “trao hiến”(không phải “xin/cho”) cho nhau, từ một “chủ thể yêu” và một “khách thể được yêu” trong bình đẳng, nhìn nhận nhau như một nhân vị….
Bởi thế - theo tôi, mối tình Trương Chi Mỵ Nương, ngoài cái biểu tượng lãng mạn của một dân tộc đa tình nó cũng là một dự phóng tất yếu của lớp người nghèo khổ dân tộc ta, dưới thời phong kiến, kéo dài quá lâu, cái khoảng cách giai cấp quá lớn - thực ra, ở nước ta thì chỉ mới ở mức độ “từng lớp”(caste) chứ chưa phải là “giai cấp”(classe). Họ luôn luôn muốn vươn lên một cuộc sống cao hơn, thoải mái hơn mà trong thực tế họ không có, luôn luôn muốn “tha hóa” (aliéner) luôn luôn muốn “trở thành” (devenir) một cái gì đó đẹp hơn, hoa mộng hơn, để quên đi những lầm than mà họ đang gánh chịu. Trương Chi(chỉ là một ngư phủ nghèo nàn,xấu xí) là đại diện cho lớp người đó và Mỵ Nương là dự phóng mà họ muốn vươn lên, đơn giản thế thôi?.
Trong cuộc sống chúng ta, ngay trên đất nước này, chẳng thiếu gì Trương Chi, chẳng thiếu gì “người thanh niên tàn tật trong quán rượu” nhưng có một điều - theo tôi nghĩ, dù có phải trong một phút một giây mà mất cả “một phương Hải Tần”, dù có phải bỗng dưng mà hóa người chết đứng giữa trời nắng cháy, như Từ Hải để được một người tình bé bỏng, ngoan hiền, thật dạ yêu thương như Thúy Kiều trong cái ý thức “tâm phúc tương cờ”.. sụt sùi khóc dưới chân, để được ngã xuống, thì cũng cam lòng. Bởi vì, ở đời này: dễ dầu gì mà có một người để ta yêu , và cũng không dễdầu gì có một người để yêu ta?! Theo đúng cái nghĩa tình yêu đích thực(real love) của nó . Người ta “có thể” yêu nhau vì tình, nhưng điều “dễ có thể” hơn, vẫn là yêu nhau vì một thứ khác thấp hèn hơn... như một nhân vật của Francoise Sagan đã nói đâu đó trong tôi: “... Dans un mois dans un an, tu ne m’aimerais plus”( trong một tháng, một năm, rồi em sẽ không còn yêu tôi nữa )... Như vậy, Tình yêu chỉ được tính theo đơn vị “tháng năm” chứ đâu phải một đời người? Buồn thay!
Nguyễn Tư