CHUYỆN MAI MỐI
Vì thương đứa cháu mồ côi nên mọi người trong đại gia đình xúm lại lo việc này. Một buổi chiều tôi đang nằm nhà thì anh Hai Tịnh - anh họ của tôi trong Nam - thình lình bước vô. Tôi ngạc nhiên hỏi anh ra Hà Nội hồi nào, sao không cho biết trước để tôi đi đón. Anh trả lời muốn đến bất ngờ để kiểm tra, khi biết tôi ở chung với một người bạn trai thì anh tỏ vẻ hài lòng và kêu tôi cùng đi ăn tối.
Trong bữa ăn anh Hai Tịnh giới thiệu tôi với hai vợ chồng ông quan huyện là người quen cùng đi với anh từ trong Nam ra thăm Hà Nội. Qua ngày hôm sau, anh Hai Tịnh đến gặp tôi:
- Ông bà huyện nghe nói em học trường Thuốc, ra tận đây gặp mặt và khen em nghiêm trang, nói năng đàng hoàng nên ngỏ ý muốn gả con gái cho em.
- Nhưng em chưa biết cô đó mà.
- Thì em đã gặp rồi!
- Gặp hồi nào?
- Tối hôm qua vừa đi ăn với nhau, đó là bé gái 11 tuổi mà em vò đầu nó đó.
- Trời đất, không được đâu anh Hai, con người ta mới có 11 tuổi mà cưới xin gì.
- Em nên nhớ học Thuốc phải mất bảy năm, chừng ra trường cưới cô vợ 18 tuổi là vừa. Ông bà huyện có hứa sẽ cho tiền mở phòng mạch, em khỏi lo gì hết. Anh Hai nghe vậy cũng mừng cho em.
- Thôi anh Hai ơi, hiện nay cổ còn quá nhỏ, sau này lớn lên còn thay đổi nhiều làm sao tính trước được. Hơn nữa cô Ba muốn em cưới vợ liền chứ không chịu để đến khi ra trường đâu.
- À nếu vậy thì em cứ về bàn với cô Ba xem sao.
Đến dịp hè, khi tôi vừa về đến nhà, cậu Tư kêu đến gặp:
- Cậu muốn nói với con một chuyện. Ông ngoại con ngày xưa là đại điền chủ, vốn hào hoa phong nhã, quanh năm suốt tháng tổ chức trò chơi nên phải bán ruộng lần lần để chi tiêu. Gần nhà ông ngoại có gia đình chú Hai Xiểu là người giàu có, bao nhiêu ruộng vườn ông ngoại bán đi, chú đều mua hết. Bây giờ chú có đứa con gái mới lớn, nghe nói con học trường Thuốc ở Hà Nội đang về đây nghỉ hè nên ngỏ ý với cậu Tư. Nếu con chịu cưới thì họ sẽ lo hết chi phí ăn học cho con, ra trường sẽ cho tiền mở phòng mạch và còn cấp thêm một số ruộng đất. Đây là dịp may để ruộng đất của ông ngoại sẽ trở về với gia đình mình. Con nghĩ sao?
- Thưa cậu Tư, ý cô Ba muốn con lập gia đình liền để có con trai nối dõi chớ không chịu chờ đến khi con ra trường đâu.
- Cô Ba con nghĩ vậy cũng đúng, thôi thì cô cháu bàn với nhau đi.
Trong khi đó cô Ba cũng giới thiệu với tôi:
- Trong làng mình có con Năm giỏi lắm, việc nhà việc cửa một tay nó lo: xắt chuối cho heo ăn, trồng cây, lại thùy mị nết na.
- Không được đâu cô ơi, chị Năm lớn hơn con hai tuổi, từ xưa đến giờ quen kêu bằng chị, làm sao con cưới làm vợ được!
- Không sao đâu, con không nghe ông bà mình nói: Nhứt gái lớn hai, nhì trai lớn một hay sao?
- Thưa cô, cô muốn con lập gia đình thì con xin nghe theo, nhưng xin cô cho phép con được chọn lựa người bạn đời theo ý mình.
- Con nói vậy thì cô bằng lòng nhưng với điều kiện phải được sự chấp thuận của cô cũng như mọi người trong gia đình.
Thế là cô cháu thỏa thuận được với nhau.
Tôi bèn kiểm điểm lại trong trí những người bạn gái trước đây xem ai có thể phù hợp làm người bạn đời của mình. Thời gian học ban Tú tài tôi có ba cô bạn gái thân và có cảm tình đặc biệt với nhau.
Trước tiên tôi đến gặp chị Hàn và ướm hỏi:
- Nếu một người cần cưới vợ để có con nối dõi gia đình, nhưng cưới xong người vợ phải ở lại nhà để làm dâu, còn người chồng phải đi học xa, năm sáu năm sau mới trở về, theo chị liệu có người con gái nào chấp nhận như vậy không?
Chị Hàn trả lời:
- Ai mà chấp nhận như vậy được. Chồng đâu vợ đó, chớ còn cưới xong bỏ vợ lại nhà, biết đâu chừng khi đi học xa lại quen cô khác thì sao? Thời buổi này mà anh làm như hồi thời xưa vậy!
Tôi rút lui lập tức, đến gặp chị Tường Vân. Tôi đặt câu hỏi như trên và cũng nhận được câu trả lời tương tự:
- Thời đại mới bây giờ, con gái cũng có quyền quyết định chuyện hôn nhân của mình chớ đâu phải cha mẹ đặt đâu con ngồi đó rồi cam phận về làm dâu nhà chồng như trước nữa.
Thế là tôi đến gặp Sương, người cuối cùng trong ba cô bạn gái. Trước đây tuy ít thơ từ liên lạc với nhau, nhưng trong thời gian học tại trường Trương Vĩnh Ký, Sương vẫn thường nhờ tôi mượn sách vì tôi giữ thư viện, nên giữa chúng tôi cũng có chút cảm tình. Sương đang có những nỗi buồn riêng trong gia đình nên trả lời:
- Nếu sống trong gia đình người chồng tương lai mà vui hơn trong gia đình mình thì cũng có thể chấp nhận được, vì mình tránh được một nơi buồn để đến sống ở chỗ vui hơn. Hơn nữa nếu đã thương nhau thật sự thì chuyện sống gần hay xa nhau cũng không ảnh hưởng gì, nếu có phải chờ đợi nhau mấy năm cũng chẳng sao.
Được lời như cởi tấc lòng, tôi nói luôn:
- Thưa chị, người con trai đó chính là tôi và tôi muốn đặt vấn đề xin lập gia đình với chị.
- Chuyện đó thì anh phải hỏi ý kiến ba tôi chớ đâu hỏi tôi được.
Tôi lập tức tìm xin gặp ông thân sinh của Sương. Ông cụ là người theo Tây học, ưa nói tiếng Pháp, đã biết tôi và có lòng thương cậu học trò giỏi trường Trương Vĩnh Ký trước đây. Sau vài câu chuyện, tôi thưa với ông:
- Cháu muốn xin được kết duyên với con gái của bác, nếu bác không phản đối thì cháu sẽ nhờ gia đình đến để người lớn gặp nhau bàn việc xin làm lễ hỏi.
Ông hỏi tôi bằng tiếng Pháp: “Tại sao cậu muốn cưới con gái tôi?”
Tôi thành thật trả lời về việc gia đình muốn tôi lấy vợ để có con nối dõi dòng họ. Người vợ phải ở lại Sài Gòn làm dâu trong nhà cô tôi, còn tôi sẽ tiếp tục đi học thêm sáu năm ở Hà Nội. Đặt vấn đề như vậy quả thật là có phần đường đột, nhưng không ngờ ông lại trả lời: “Tôi rất thích sự thẳng thắn”, và hỏi thêm “Vậy đây không phải là một cuộc hôn nhân vì tình à?”. Tôi thưa: “Quả thật đây là một cuộc hôn nhân vì lý trí chớ không phải vì tình, mặc dầu hai đứa con cũng vốn có cảm tình với nhau từ trước.”
Ông dang tay ra ôm lấy tôi, lặp lại một lần nữa: “Bác rất thích sự thẳng thắn, con cứ về nói với gia đình là bác đồng ý gả con gái”.
Được tin này cô Ba rất mừng, mọi người trong đại gia đình họp mặt lại tại nhà cô tôi để bàn định công việc. Năm đó Sương vừa đậu Tú tài, tốt nghiệp sau tôi một năm. Thời kỳ này con gái học lên cao rất hiếm, nên nghe nói vợ tương lai của tôi là một cô Tú thì mọi người cũng có phần dè dặt. Nhưng đến hôm coi mắt, khi Sương ra chào bên đàng trai, gương mặt để tự nhiên, đi chân không bước ra nhẹ nhàng êm ái khiến cô Ba rất ưng ý. Sương rót nước mời rồi ngồi cạnh quạt cho cô, vậy là hoàn toàn chinh phục được tình cảm của cô tôi. Cả gia đình đều hài lòng và chỉ trong hai tháng bãi trường đã hoàn tất việc lễ hỏi cho chúng tôi.
Sau hơn mười năm mồ côi cha mẹ, tôi lại có được người để gọi bằng ba má. Lần đầu tiên thốt lên tiếng gọi thân thương ấy tôi xúc động không thể tả. Nhạc mẫu tôi cưng con rể vô cùng, việc đầu tiên là sắm ngay một chiếc xe đạp hiệu Alcyon là loại rất sang lúc bấy giờ, để thay cho chiếc xe đã quá cũ tôi đang đi ngoài Hà Nội. Tôi cảm động vì món quà quí giá này và còn cảm động hơn vì tình thương và sự lo lắng của má vợ dành cho mình. Cha vợ thì tìm mua một mớ sách y khoa cho tôi đem theo ra Hà Nội.
Hết hè, khi tôi từ giã gia đình để ra Hà Nội, cô Ba ân cần dặn dò: “Cô nhắc lại lời dặn con năm xưa, phải nhớ không được để tiếng đờn gợi tình của con làm ảnh hưởng đến cuộc đời mình cũng như đến người khác. Năm nay cô càng phải nhắc nhở con kỹ hơn nữa. Ngày trước con tự do muốn đi đâu làm gì cũng được, giờ đây con đã đính hôn nên không có quyền đi chơi với ai khác. Đối với bạn gái phải phân định mối quan hệ cho rõ ràng.”
Trở ra Hà Nội, năm 1942 anh Trương Canh Thân sau khi đậu PCB đã chuyển qua trường Canh Nông, tôi tìm được người bạn khác thay chỗ anh để chia tiền nhà là anh Huỳnh Văn Tiểng. Anh Tiểng học Luật nhưng cũng thích văn nghệ và muốn đẩy mạnh các hoạt động âm nhạc như tôi.
Lúc này Mai Văn Bộ phụ trách tờ báo sinh viên, Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát, Huỳnh Văn Tiểng viết kịch và thỉnh thoảng viết bài cho tờ báo sinh viên. Nhóm chúng tôi một mặt lo học, mặt khác chuyên tâm vào các hoạt động xã hội, cũng là một cách tập sự đi vào cuộc đời.
Niên học 1942 - 1943, tôi bắt đầu học chương trình Y năm thứ nhứt, buổi sáng thực tập ở nhà thương còn buổi chiều đến giảng đường để học lý thuyết. Thông thường sinh viên phải đến nhà thương lúc 8 giờ sáng, riêng tôi 7 giờ đã có mặt. Các sinh viên ngoại trú chịu trách nhiệm từng phòng bệnh cũng có mặt từ 7 giờ sáng để soạn sẵn các loại thuốc theo toa của bác sĩ hay giáo sư đã kê cho từng bịnh nhân.
Tôi làm thân với một anh sinh viên ngoại trú người Lào tên là Oudom, anh thấy tôi siêng năng đi sớm nên cho tôi thực tập, phụ anh chích thuốc cho bịnh nhân, ban đầu là tập chích thịt, sau đó chích gân. Tôi luôn chú ý chọn những bịnh nhân có da có thịt để chích cho họ không đau, nhờ vậy mà thường được bịnh nhân khen: “Quan mát tay tiêm không đau” (lúc bấy giờ bịnh nhân vẫn gọi thầy thuốc là “quan”).
Mai Văn Bộ không được học bổng nên buổi sáng phải đi dạy thêm kiếm tiền. Do đó anh thường chọn chăm sóc bịnh nhân nằm giường gần những bịnh nhân tôi phụ trách, nhờ tôi coi giúp anh, ghi chép mọi chi tiết cần thiết, đến trưa anh vào tôi báo lại ngay cho anh nắm vững để trả lời khi giáo sư kiểm tra.
Một hôm anh Oudom bận việc, biết Mai Văn Bộ và tôi có khả năng nên giao cho chúng tôi thực hiện phần đầu một ca giải phẫu pháp y và anh sẽ đến sau. Chúng tôi rất thích thú vì công việc này chỉ có các sinh viên ngoại trú mới được quyền làm. Chúng tôi đã được xem mổ pháp y nhiều lần nên biết cách làm, không có gì phải e ngại.
Nhưng khi xuống trình giấy và nhận thi hài người chết từ nhà xác ra, chúng tôi lặng người: đó là một cô gái trẻ xinh đẹp chết vì uống phosphore tự tử. Làn da cô trắng mịn, thân hình đầy đặn, da thịt vẫn săn chắc hồng hào, suối tóc xõa dài, gương mặt thanh thản như đang nằm ngủ. Cả Bộ lẫn tôi đều chùn tay, không nỡ cầm dao rạch một đường dài trên ngực từ cổ đi xuống, mở rộng vùng bụng ra để cắt những bộ phận bên trong.
Chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau, nghĩ rằng cô gái này lúc còn sống hẳn phải được biết bao nhiêu người thầm yêu trộm nhớ. Thế mà không hiểu vì lý do gì lại quyết định kết thúc cuộc đời, bước qua một thế giới khác, để rồi giờ này nằm tại đây chịu đựng một sự xem xét tò mò của khoa học và pháp luật. Một tạo vật đẹp đẽ của thiên nhiên như thế này, ai là người có can đảm ra tay hủy hoại đi?
Nhưng dầu thế nào đi nữa cũng vẫn phải làm vì đã lỡ nhận nhiệm vụ. Mai Văn Bộ vẫn còn đứng ngẩn ngơ nên cuối cùng tôi phải làm cái công việc đau đớn ấy. Khi đưa tay rạch đường mổ đầu tiên, tôi có cảm giác như chính mình bị xẻ ra, rồi phải đưa tay banh bộ ngực đẹp đẽ, tiếng kéo cắt chiếc xương sườn nghe nhói tận tim gan!
Xong việc ra về, hai chúng tôi bâng khuâng nghĩ đến cái mong manh của cuộc đời, cái phù du của kiếp người, đến số phận của một người đẹp mà bất hạnh, đến độ khi chết rồi vẫn không được toàn thân. Đó là những ấn tượng day dứt đầu tiên trong nghề nghiệp.
Lần khác tôi thực tập ở một bịnh viện do giáo sư Tôn Thất Tùng hướng dẫn. Tôi báo cáo với giáo sư trường hợp bịnh nhân của tôi theo dõi có tất cả các triệu chứng của bệnh gan: da vàng, mắt vàng, phân vàng, ấn vào bụng chỗ lá gan thì đau.
Thầy Tùng không cần coi qua bản ghi chép của tôi mà chỉ nhìn phim X Quang rồi kết luận: “Bao tử bị ung thư, sưng to, không phải bệnh gan”. Thông thường sinh viên không dám cãi lời thầy, nhưng tôi vẫn nói:
- Thưa thầy, em đã xem kỹ và tin chắc bịnh nhân có triệu chứng đau gan.
Thầy Tùng khẳng định: “Phim chụp cho thấy bịnh nhân đau bao tử, sao anh cứ cãi cho là đau gan?”
- Thưa thầy, nếu vậy những điều thầy dạy về các triệu chứng của bệnh gan là sai hay sao?
- Không phải sai, nhưng chủ yếu bịnh nhân này bị đau bao tử cần phải mổ ngay. Nếu muốn thì ngày mai anh có thể lên xem ca mổ.
Khi giải phẫu thì đúng là ung thư bao tử. Bao tử của bịnh nhân bị sưng rất lớn nên đè lên gan khiến mật không điều tiết được. Thầy Tùng khen tôi: “Báo cáo của anh đúng đó, tuy chưa thật chính xác. Kinh nghiệm cho thấy là luôn phải phối hợp cả xét nghiệm qua X quang lẫn khám lâm sàng mới đi đến kết luận đúng được”.
(Hồi ký Trần Văn Khê)