Nguyễn
Duy An là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice
President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả được trao
tặng giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết đặc biệt của
ông dành cho ngày Lễ Cha năm nay.
Hình
bên: “...trên con đường nối liền Vũng Tàu và Quốc Lộ số 1, đi ngang
cuối làng Bình Giả, trước khi vào tới xã Tân Lập, có một chiếc cầu mang
tên cha tôi: Cầu Ông Minh.”
Cha
tôi không còn nữa! Cha tôi đã mất ngày 22 tháng 5 năm 1998 ở Việt Nam,
để lại cho tôi một gia tài vô giá. Đó chính là niềm tin, là lý tưởng, là
ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời.
Ông
nội mất khi cha tôi còn bé lắm! Mấy năm sau bà nội "đi thêm bước nữa"
nên cha tôi phải nghỉ học để tìm kế sinh nhai nuôi dưỡng 3 người em còn
nhỏ dại mặc dầu lúc đó cha tôi cũng chỉ mới 15 tuổi đầu. Cha tôi không
phải là người giỏi, cũng không có tài gì đặc biệt nên đã không thể làm
giàu về vật chất nhưng ý chí và nghị lực của ông thật tuyệt vời. Cha tôi
luôn luôn can cảm đối đầu với sự thật, cho dẫu có phũ phàng, và sẵn
sàng chấp nhận "thua một trận để thắng cả cuộc chiến!"
Lúc
còn ở miền Bắc, cha tôi đã từng đi "làm thuê ở mướn", can tâm chịu nhục
nhã để tìm phương tiện nuôi dưỡng các em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho
từng người "để cô và hai chú không phải tủi thân vì ông nội chết sớm!"
Sau
khi di cư vào miền Nam, ở Bình Giả một thời gian, cha tôi lại một lần
nữa đưa gia đình đi dinh điền Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh
Phước Long vì sợ con cái mắc phải những cơn bệnh ngặt nghèo vì "ngã
nước" nơi vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này.
Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình
Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long. Một lần nữa,
cha tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con,
làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.
Trong
thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm
học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, tôi phải ở lại lớp thêm một năm nữa. Tôi
biết lúc đó cha tôi lo buồn nhiều lắm; tuy nhiên, vì sợ tôi chán nản bỏ
bê việc học nên cha tôi chỉ ân cần nhắc nhở: "Con phải can đảm vươn lên.
Con là niềm tự hào của cha. Nếu tự con không được can đảm cho lắm, thì
cũng phải tỏ ra là mình can đảm. Người ta không phân biệt được một người
can đảm với một người tỏ ra can đảm đâu..."
Sau
năm 1975, khi biết anh em chúng tôi hầu như mất định hướng, không còn
hứng thú tiếp tục học, cha tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: "Các con phải
cố gắng mà học. Đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều
nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố
lên, đừng chán nản." Tôi không bao giờ quên giọng nói nghẹn ngào của
cha khi tôi từ giã gia đình trở lại trường học vào một buổi sáng cuối
thu năm 1975: "Cha không có một hũ vàng cũng không có một tủ sách để lại
cho con. Cha chỉ biết cày sâu cuốc bẫm để nuôi con ăn học cho tới đầu
tới đũa... Con đừng cầu mong của cải mà hãy cầu mong sự khôn ngoan, hiểu
biết, và lòng dũng cảm."
Chính
nhờ những lời khuyên dạy đó mà đầu thập niên 1980, em trai tôi đã trở
thành một giáo viên ở vùng "Kinh Tế Mới Xuân Sơn" gần Bình Giả thay vì
phải "thi hành nghĩa vụ quân sự" ở Campuchia như bạn bè cùng trang lứa.
Và cũng chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà sau khi tới Mỹ, tôi đã tìm
mọi cách rời khỏi nông trại của người bảo trợ để tự đi tìm cho mình một
tương lai qua việc học.
Những
ngày đầu gian khổ ở Mỹ, tôi đã nghĩ thật nhiều về cuộc sống vất vả của
gia đình đang lây lất qua ngày ở Bình giả, và thường xuyên ôn lại những
lời khuyên dạy của cha tôi để làm động lực thúc đẩy mình phải vươn lên.
Thời sinh viên độc thân, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi
cũng tạm đủ sống, nhưng đêm từng đêm tôi vẫn đi quét nhà, hút bụi, lau
cầu tiêu... để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam.
Tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày
đầu sống kiếp tỵ nạn, mặc dầu tôi không đủ khả năng để nuôi các em như
cha tôi đã từng làm, nhưng tôi cũng giúp đỡ cha mẹ và các em, các cháu
được phần nào qua cơn túng quẫn.
Trước
Tết Nguyên Đán năm 1998 tôi vội vã dẫn theo đứa con gái đầu lòng mới 8
tuổi trở về khi nghe tin cha tôi bệnh nặng, và sợ sẽ không còn sống được
bao lâu! Sau khi hoàn tất thủ tục Hải Quan và bước ra phía ngoài phi
trường, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cha già một tay
chống gậy, một tay bám vào vai em tôi mới có thể đứng vững để nhìn lại
đứa con trai sau bao nhiêu năm trời xa cách. Cha tôi gầy gò và xanh xao
quá!
Hai
cha con tôi ôm nhau khóc ròng, trong lúc mẹ và các em, các cháu cũng
khóc như mưa. Ngày tôi âm thầm lặng lẽ cỡi xe đạp rời Bình Giả ra Láng
Cát để xuống thuyền đi tìm tương lai, trời mưa như thác đổ. Chiều nay
tôi trở lại, trời Sàigòn nắng chang chang, nhưng sân phi trường cũng ướt
đẫm nước mắt của cha, của mẹ, của anh em và con cháu. Người ta trở về
trong tiếng vui cười hớn hở, cả Việt Kiều lẫn thân nhân đi đón; chỉ
riêng tôi trở về với nước mắt trong vòng tay gầy guộc, yếu đuối của cha
già. Khi ôm cha vào lòng để những giọt nước mắt yêu thương nhung nhớ của
cha ướt đẫm vai áo, tôi mới nghẹn ngào, nức nở thốt lên: "Cha ơi! Con
đã về!" Phải, tôi đã về! Tôi đã trở về bên cha già như đứa con hoang
đàng trong Phúc Âm tìm về với Người Cha Nhân Hậu... (Luca 15: 11-32).
Cha
tôi vốn ít nói, bây giờ lại bệnh hoạn, đi đứng nói năng đều khó khăn,
nhưng cũng không quên hỏi tôi trong nghẹn ngào: "Con có học được tới đầu
tới đũa như lòng cha mong ước không"" Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi
vòng tay ôm cha tựa sát vào người. Trời nóng lắm nhưng lòng tôi lại có
cảm giác buốt lạnh và đang được sưởi ấm từ từ nhờ hơi ấm của tình cha...
Chúng
tôi về tới Bình Giả lúc nào tôi cũng không hay vì trời đã chập choạng
tối nên tôi không nhìn rõ cảnh vật hai bên đường làng. Lúc xe đậu lại
trước nhà, tôi mới chợt tỉnh cơn mơ... Anh em bà con trong làng không
biết tôi trở về; do đó, khi thấy xe ngừng ở cổng, họ đoán là cha tôi từ
bệnh viện trở về nên chạy đến thăm hỏi đầy nhà. Một số người khi biết
nhà có Việt Kiều đã âm thầm rút lui vì sợ mang tiếng đến thăm Việt Kiều
chứ không phải thăm cha tôi. Khi nghe em tôi nói thế, tôi ra sân đứng
chào đón mọi người, nhưng hầu hết lấy cớ "để ông cụ nghỉ" và ra về. Cha
tôi mệt lắm, nhưng cũng cố gắng đứng lên nói vài lời cám ơn mọi người
rồi mới để em tôi dìu vô phòng nghỉ, sau khi quay sang dặn tôi: "Cha
biết con cũng mệt, nhưng cố được thì thay cha ngồi nói chuyện và cám ơn
mọi người. Ngày mai con đưa cháu đi một vòng thăm hỏi anh em bà con
trong họ, trong làng cho phải phép."
Mấy
ngày Tết tôi bận tối tăm mặt mày vì người vô ra liên tục. Việt Kiều nhà
người khác về quê mang quà đi biếu bà con, riêng tôi lại ngồi nhà nhận
quà của anh em bà con đến thăm cha tôi đang bệnh: Người mấy quả trứng,
người ít trái cây, hộp sữa... Ôi! Cái tình người ở quê tôi đẹp quá! Tôi
đã đi qua hơn một nửa quả địa cầu, đến thăm cả trăm thành phố khác nhau,
nhưng tôi chưa tìm được ở đâu người ta có "tấm lòng yêu thương chòm
xóm" như tại làng Bình Giả Quê Hương Yêu Dấu của tôi. Có những người
đã dọn ra Ngãi Giao hay vào Xuân Sơn, nhưng nghe tin cha tôi đi nhà
thương về cũng lặn lội đến thăm. Có người đã nói thẳng với mẹ tôi: "Nghe
nói có Việt Kiều về, nhà con cũng ngại lắm, nhưng biết ông ở nhà thương
về, không đến không được!"
Cha
tôi chỉ là một nông dân tầm thường, nhưng mọi người trong làng đều
thương mến... Tôi đã xúc động đến rơi lệ khi bà con trong làng nói cho
tôi biết trên con đường nối liền Vũng Tàu và Quốc Lộ số 1, đi ngang cuối
làng Bình Giả, trước khi vào tới xã Tân Lập, có một chiếc cầu mang tên
cha tôi: Cầu Ông Minh.
Tôi
đã chụp hình "chiếc cầu mang tên cha tôi" đưa về Mỹ, để chung vào hộp
với tài liệu tôi viết lại những lời khuyên dạy của cha từ ngày còn bé...
Đây chính là biểu tượng của một gia tài vô giá cha để lại cho tôi.
Đã
từ lâu lắm rồi, trên con đường mòn từ Bình Giả vào Tân Lập, có một đoạn
đi qua một con suối thuộc phần đất của gia đình tôi. Chính cha tôi đã
vận động bà con đốn cây xẻ gỗ làm một chiếc cầu khá tốt để giúp dân làng
vận chuyển nông sản qua lại, và mọi người vẫn gọi là "Cầu Ông Minh".
Khi chính phủ quy hoạch làm đường nhựa và xây cầu xi-măng, bà con trong
vùng đã xin phép được chính thức đặt tên là "Cầu Ông Minh" trong bản đồ
hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam.
Ngày
mùng 6 tết tôi phải lên đường trở về Mỹ. Cuộc chia tay nào cũng buồn
cả! Riêng tôi, khi nhìn thấy cha già chống gậy đứng bên cửa, nước mắt
lưng tròng nhìn theo... tôi bước không đành! Tôi ra xe, ngoảnh mặt lại
thấy cha giàn giụa nước mắt, tôi lại chạy vào. Ba bốn lần như vậy tôi
cũng không làm sao cất bước lên xe.
Em tôi sợ trễ giờ lên máy bay nên vừa khóc, vừa nói: "Cha vô nhà đi, anh mới ra xe được!"
Không
biết vô tình hay hữu ý, cha tôi nói một câu làm mọi người cùng bật khóc
nức nở: "Con không cho cha nhìn anh con lần cuối được sao""
Tôi
ôm cha vào lòng thật chặt và nước mắt tuôn trào. Con gái tôi cũng ôm bà
nội khóc nức nở. Cha tôi ôn tồn nói: "Con đưa cháu ra xe kẻo trễ. Đừng
khóc nữa... Con đi đi, cứ để cha đứng nhìn theo."
Tôi
chỉ còn biết "dạ" trong tiếng nấc và bước thụt lùi ra xe. Đó là hình
ảnh cuối cùng của cha tôi còn giữ mãi trong tim cho tới giờ này. Người
cha già chống gậy đứng bên cửa nhìn con ra đi, hay trông ngóng bóng con
trở về" !!!
Nguyễn Duy An