Saturday 4 April 2020

CÚM TÂY BAN NHA - ĐẠI DỊCH KINH HOÀNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ


CÚM TÂY BAN NHA - ĐẠI DỊCH KINH HOÀNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Thế giới từng trải qua những đại dịch kinh hoàng với sức lây lan khủng khiếp, gây chết chóc cho rất nhiều người. Nhưng cúm Tây Ban Nha được ghi nhận là một trong những cơn dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Không rõ nơi xuất phát

Dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành dữ dội vào những năm 1918 - 1919 khi thế giới đang xảy ra đại chiến (Thế chiến thứ I). Trận đại dịch này giết chết 50 triệu người, hơn số người chết của 2 thế chiến cộng lại. Một phần ba dân số thế giới, ước tính khoảng 500 triệu người, vào thời đó nhiễm bệnh.

Đại dịch mang tên “cúm Tây Ban Nha” hoàn toàn không chỉ xuất phát từ Tây Ban Nha. Có thể trước đó nó đã lan truyền ở Anh, Pháp, Mỹ, nhưng bộ máy kiểm duyệt thời chiến ở những nước này đã ngăn chặn không cho đăng những thông tin về dịch bệnh. Trong khi đó, báo chí Tây Ban Nha không bị kiểm soát nên tin tức về dịch cúm lan ra, khi có đến hàng trăm nghìn người mắc bệnh.

Nắm lấy cơ hội này, các nước tham chiến nhanh chóng khuyến khích truyền thông đổ cho bệnh dịch phát xuất từ Tây Ban Nha để trừng phạt nước này vì thái độ trung lập đối với cuộc chiến. Chính trong bối cảnh như vậy, dịch cúm được mọi người nói đến một cách tự nhiên là “cúm Tây Ban Nha”.

Cho đến nay, nơi phát xuất dịch cúm từ đâu cũng không rõ. Một số người cho rằng, nó khởi phát từ châu Á hoặc ngay chính tại nước Mỹ. Hạt Haskell, bang Kansas đã được nêu lên như là nguồn lây lan dịch, do có nhiều trại nuôi súc vật cùng với 17 tuyến đường bay của loài chim thiên di ngang qua. Lúc đó, người ta cho là dịch cúm là từ chim hay lợn hoặc cả hai lây nhiễm cho con người.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ tử vong do dịch này ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi rất cao. Tiếp theo là nhóm từ 20 đến 40 tuổi. Các triệu chứng rất khủng khiếp: Người mắc bệnh bị sốt và khó thở. Thiếu oxy khiến khuôn mặt của họ nhuốm xanh. Xuất huyết làm đầy phổi và gây nôn mửa, chảy máu cam, nạn nhân bị chết ngộp trong chất lỏng tích tụ trong chính cơ thể họ.
Không có thuốc điều trị căn bệnh do virus này, các nhân viên y tế chỉ giới hạn trong việc khử trùng, cách ly và rửa tay. Điều không may là dịch cúm bùng phát trùng với thời điểm hàng nghìn binh sĩ Mỹ đến châu Âu để chiến đấu trong Thế chiến thứ I. Những trường hợp đầu tiên được phát hiện là ở trại Funston, thuộc căn cứ Riley, Kansas, với khoảng 100 binh sĩ nhiễm bệnh. Sau đó, số người nhiễm tăng theo cấp số nhân chỉ trong tuần lễ đầu tiên.


Các bệnh viện đông nghịt người nhiễm cúm Tây Ban Nha.
Lây lan nhanh, giết hại nhiều

Thời điểm chiến tranh ác liệt, không chỉ các binh sĩ Mỹ, mà cả người Anh và những người châu Âu khác cũng di chuyển khắp thế giới phục vụ chiến đấu. Do đó, dịch bệnh chẳng mấy chốc lan tràn khắp nơi. Ở Pháp, châu Phi, Mexico, Iran và Thụy Sĩ, có những ngôi làng sạch bóng người do tất cả dân cư đều chết do nhiễm bệnh. 

Dịch cúm hoành hành dữ dội khắp nước Mỹ và châu Âu từ giữa tháng 4 đến tháng 9 năm 1918, sau đó dường như chậm lại, cho đến một đợt bùng phát khác mạnh mẽ hơn xảy ra ở căn cứ quân sự Devin tại Massachusetts, giết hại 757 người chỉ trong vài tuần lễ đầu tiên. 

Đến tháng 10 năm đó, khoảng 195 nghìn người Mỹ chết vì dịch cúm và chế độ quân dịch trên toàn quốc bị đình chỉ. Người ta đồn rằng, các xác chết được chất đống khắp nơi, đợi đội mai táng chôn cất do các phòng đông lạnh lưu xác bị quân đội trưng dụng. Những nhà sản xuất xe đẩy tay ở địa phương đã phải hỗ trợ một số thùng bằng gỗ để làm quan tài.

Do nhiều nhân viên y tế có năng lực bị điều ra chiến trường, tình trạng thiếu điều dưỡng đã khiến Hội Chữ thập đỏ Mỹ phải  phát lời kêu gọi những người tình nguyện. Nhiều thành phố hủy bỏ các cuộc tụ tập nơi công cộng, đóng cửa nhà hát, rạp chiếu phim, trường học.

Tuy nhiên, ở thành phố Philadelphia thì khác. Sau khi một chiếc tàu Hải quân cập cảng từ Boston, để trấn an người dân ở đây, Wilmer Krusen, Giám đốc Y tế cộng đồng của thành phố, tuyên bố không có gì phải lo lắng, đồng thời các biện pháp của chính phủ được đề ra nhằm kiềm chế sự hoảng loạn. 
Người ta tìm cách che đậy cái chết của hai thủy thủ trên chiếc tàu trên, phủ nhận đó không phải là do cúm Tây Ban Nha.

 Nhưng ngày hôm sau đó, 14 trường hợp tử vong được tường trình và con số người chết tăng lên vào những ngày kế tiếp.
Bất chấp các dấu hiệu của dịch bệnh lớn, một cuộc diễn hành lớn dự định diễn ra ở Philadelphia vào ngày 28/9, mặc dù một bộ phận công chúng tỏ ra e ngại. Các tờ báo địa phương từ chối in những bài viết cảnh báo từ những bác sĩ về dịch bệnh có thể lây nhanh từ đám đông tụ họp. Thế là với sự đồng ý của Krusen, cuộc diễu hành vẫn diễn ra và trong vòng 6 tuần sau đó, có trên 12 nghìn người dân đã chết do dịch cúm.

Ngay khi đại dịch bắt đầu chậm lại, chiến tranh cũng chấm dứt. Binh lính Mỹ từ khắp châu Âu trở về nước trên những con tàu và được đưa ngay vào doanh trại quân đội để cách ly, rồi mới được giải ngũ về nhà.

Dịch cúm gây chết chóc kéo dài cho đến mùa hè năm đó rồi chấm dứt một cách bất ngờ. Theo các nhà khoa học, đó không phải nhờ con người đã tìm ra được cách khống chế virus, mà có thể vì nó đã giết chết tất cả những người nhiễm bệnh, đồng thời phát triển khả năng miễn dịch trên những người may mắn sống sót.

Theo ước tính, cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm 1/3 dân số thế giới, chỉ trong 3 đợt bùng phát mạnh giữa năm 1918 và 1919. Nó giết chết 250.000 người ở Anh, 400.000 người ở Pháp, 676.000 người ở Mỹ, 400.000 người ở Nhật Bản, 17 triệu người Ấn Độ (tương đương 6% dân số nước này), 138.000 người Ai Cập (tương đương 10% dân số), 1,5 triệu người ở Indonesia…


Ngay cả những đất nước bị cô lập như Tahiti, Samoa, Australia và New Zealand, số người tử vong cũng rất lớn. 

Sưu Tầm

Đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cái giá của loài người: Theo ...