Tuesday 2 March 2021

GIAO LẠI TUỔI THƠ…. ( Nguyễn Tư )



 GIAO LẠI TUỔI THƠ….


*Tùy-bút Nguyễn-Tư

*“Lòng rượi buồn theo thời dĩ-vãng...”(Lưu Trọng Lư)


Trong bài "Giao lại tuổi thơ" của Xuân-Diệu, một nhà thơ, văn lãng-mạn nổi tiếng thời tiền-chiến trong Văn học VN, đã viết:"Em chỉ có một lần mười sáu tuổi, chứ không có hai lần"...để nhắn gửi lại tất cả những ưu-ái của tuổi thơ hoa-mộng mình, một cách thiết-tha cho lớp đàn em, khi ông đã bắt đầu bước vào tuổi trưởng-thành, giã-từ nếp sống vô-tư, trong sáng… với muôn ngàn tiếc nuối thời vàng son êm-ả trôi qua không ngờ tới được...

Ông tiếc là phải, bởi tuổi thơ ông được đan kết bằng những tháng ngày “êm” và “đẹp”. "Êm" vì, dù được sinh ra trong thời nô-lệ, nhưng ông lại không bị nuôi lớn bằng lửa khói chiến-chinh. "Đẹp", vì ông đã sống hết những hoa mộng đầu đời của một đứa trẻ thơ rất trọn vẹn, đồng nghĩa với sự no đầy cơm áo, sự cắp sách đến trường, sự cưng chiều của Bố Mẹ trong tình yêu thương gia-đình, được xem như một xã-hội thu gọn, là nơi người ta cần có những tiếng cười thủy-tinh của những đứa trẻ thơ làm ấm lại cuộc đời, vốn nhiều gian-truân, mà con người thường-trực đương đầu với những hoài-nghi về mình, về đồng loại...

Trong tuổi thơ, ông đã chẳng làm-lụng gì cực nhọc, ngoài chuyện sáng chiều cắp sách đến trường học hành, vui chơi với bạn bè cùng lứa, được vỗ-về, dạy-dỗ trong sự đùm bọc của các thầy cô, để trang-bị cho mình một số niềm tin, kiến thức, coi là vốn liếng đầu tư, khởi sự một chặng đời, chờ mai kia sẽ làm "người lớn", như hầu hết những đứa trẻ thơ bình thường  khác trên cõi đời này... để khi bắt đầu biết cảm xúc ông đã trở thành một nhà Thơ khét tiếng về Tình yêu cực kỳ lãng-mạn đến nỗi người ta đã mệnh danh ông là “Ông Hoàng của Tình yêu” mà suốt trong chiều dài Lịch sử Văn học VN chưa ai được danh xưng ấy. Khi nói tới Xuân-Diệu, thì người ta nghĩ ngay đến hai chữ “tình yêu” như thể sờ vào người ông, dù bất cứ chỗ nào người ta cũng đụng đến chữ “tình” mà người mình ưa giễu cợt là “tình-ra-da”dù tình lên hương, hay tình đau khổ, kể cả thứ tình lệch-lạc mà sau này người ta ưa gọi là “pê-đê” để chỉ những người “đồng-tính luyến-ái” (homosexuel) như bài “Tình trai” của ông chả hạn …Đụng cái gì, đụng ai ông cũng yêu tha thiết, yêu chết đi được, yêu gió mây, yêu nắng mới mưa chiều như “Là thi-sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ-vẩn cùng mây” để cho lão CS gộc Trường-Chinh bôi-bác đau đớn rằng“Là thi-sĩ nghĩa là tru với chó…” nghĩa là ám chỉ XD cũng là “chó” luôn, chứ “người” làm gì biết “tru”? Nhưng ông yêu gái thì nhiều nhất, yêu khách làng chơi (Lời kỹ nữ) cuối cùng thì yêu “bác đảng” sau năm 45 nữa là hết, như thể trời sinh ông ra chỉ để yêu mà thôi ….

Ông vốn người Hà-tĩnh, nhưng Mẹ người Bình-định nên ông được sinh ra nơi đây và học hành ở Qui-nhơn, sau đó ra Huế học ban Tú-tài, rồi ra Hà-nội học Luật, nhưng chỉ ham Văn chương, nên ông làm báo, viết Văn , làm Thơ, in sách, từng có chân trong “Tự lực Văn đoàn” của Nhất Linh, nên ông nổi tiếng như cồn, cũng có lúc ông làm Công-chức ngành Thuế vụ ở Mỹ Tho….Nhưng kể từ năm 1945, ông theo CS ngoài Bắc thì ông tự-nguyện ly-khai quá khứ Thơ Văn của mình mà chế-độ ấy gọi là “đồi trụy” khi họ cho rằng thơ văn lãng-mạn là âm mưu đế-quốc, cốt chỉ để ru ngủ thanh niên hư-hỏng (y như ở VN bây giờ đài nào cũng có màn “trai gái tìm nhau” hú-hí ra-rít, giờ nào cũng có khắp cùng) ủy-mị nhụt chí đấu tranh chống Pháp thời bấy giờ mà thôi, nên ông quay 180 độ qua làm thơ CM để ca tụng “bác” và “đảng”, hô hào chém. giết  giai cấp “phản-động”(địa-chủ, tiểu tư-sản) do Tố-Hữu cầm đầu để ông“đái công chuộc tội” của mình mà sống sót qua ngày, cũng là lúc chế độ trả công cho ông “Giải thưởng Văn-chươg  HCM”thì coi như đời ông đã hết …Trong lúc đó miền Nam kể từ năm 54 vẫn còn coi ông là “Thánh thi về Tình yêu”, nên  những tập Thơ tình lừng danh của ông như “Thơ thơ” hay “Gửi hương cho gió” trước 45 đều được tái bản nhiều lần, luôn có trong cặp sách của đám học sinh, SV miền Nam như tôi…

Và, dĩ-nhiên giai đọan của những đứa trẻ sau ông, như thế-hệ tôi chẳng hạn, từ 45 đã không còn những thời kỳ trong sáng hồn nhiên như thế nữa, chỉ vì chúng tôi không có cái may-mắn của Lịch sử để được làm trẻ thơ bình thường, đã trót sống trên những vùng đất không có mặt trời, mà CS gọi là “Liên-khu 5”gồm các tỉnh miền Trung như Quảng-nam, Quảng-ngãi, Bình-định và Phú-yên - một nơi chốn âm-u đầy bóng tối, nhìn quanh chỉ thấy những tai-ương, đói khát, đấu tố, chửi rủa, tù đày, giết chóc, bom đạn… những khắc-nghiệt không phải dành riêng cho con người, được minh-định như một sinh-vật siêu linh, chỉ có thể lớn lên với nhân-cách của nó bằng áo cơm, chữ nghĩa và tình yêu thương….

Đó là tuổi thơ của chúng tôi, những người đã giao trọn thời bé dại của mình cho lửa đạn, đói rách, lam-lũ, cho ngu dốt và lòng thù hận... mà tôi đã cố-gắng ghi lại nơi đây, như sự mân-mê nỗi đau riêng không nguôi-ngoai như một con thú tật-nguyền, chỉ muốn nằm thu mình trong một góc tối nào đó thầm liếm vết thương mưng mủ của mình từ cuộc đời trao lại, muốn giấu kín những thiệt-thòi, nhưng không tránh khỏi những băn-khoăn, một thứ ưu-tư xao-động từ những tế-bào não bộ mỏi-mòn tưởng như đã ngủ yên, từng được nuôi lớn bằng những sắn khoai, đạn bom, vất vả trăm bề, sự ngu dốt và lòng hất-hủi... mà đáng lẽ ra, một đứa trẻ thơ như tôi, dù ở bất cứ thời-đại nào, nơi chốn nào, trên thế giới, cũng không nên rớ tới...

Và, hoàn-cảnh lịch-sử khốn cùng đó, đã lặp lại nhiều lần trên giải đất nhỏ bé, vốn nhiều nổi trôi như đất nước chúng ta, kể cả sau 75 và cho đến bây giờ nó vẫn thế, còn tinh-vi dã-man hơn nhiều…. Bởi vậy, tôi muốn ghi lại những hình ảnh sâu đậm đó, hằn lên trong một khoảng đời, ở một thế-hệ, bằng nỗi chân thành từ cảm-quan của một đứa bé tự làm nhân chứng cho chính đời mình, như một bản sao mà không cần làm “morasse”…. Bởi vì sự thực nào, cũng đáng ngắm nhìn với đôi mắt thứ-tha, nhất là về những suy nghĩ của thời bé dại, tự nó đã ngây thơ, hiền lành hơn bất cứ những mưu-toan nào của người lớn, dù ở bên này, hay bên kia của lòng nhân-ái, được hiểu là một thứ tình-cảm hiếm-hoi, đôi khi xa-xỉ, giữa mặt đất chật hẹp, mà lại đầy rẫy những cố-chấp thương đau này...

  Thời Pháp thuộc, gia đình tôi, đang sống ở Phan-thiết, Bố tôi với nghề thầy giáo, một cái nghề hiền lành mô phạm, nhưng khi Việt-minh (CS) nổi lên khắp nước trong phong trào “ Toàn quốc kháng-chiến” chống Pháp năm 46, thế là bố tôi bỏ thành phố biển yên bình này trở về quê là “Liên-khu 5” với quan niệm chết người được phô biến rộng rãi trong sách “Giáo khoa thư” của Trần Trọng Kim cốt dạy-dỗ cho lớp thiếu nhi lẫn người lớn về tình tự quê hương…bằng câu :“Không đâu đẹp bằng quê Hương mình” y như ý nghĩ thời sau 75 cũng thế đã khiến biết bao người bỏ lỡ cơ hội thoát thân chỉ có một lần cho mình trong đời…nó đã từng biến tuổi thơ của tôi trở thành Địa ngục …với cái mác“Địa chủ” mà chúng nó gán cho  gia đình tôi từ phong trào “Cải cách ruộng đất” nhập cảng từ Tàu, do chính cán lớn Tàu đến VN điều hành, khiến hàng trăm ngàn người bị giết oan khoảng đầu năm 1950 …Ruộng vườn mà Bố tôi có được là do bố tôi dành-dụm đồng lương mua, chứ có cướp giựt của ai đâu mà “Địa chủ bóc lột…cường hà ác bá”? …Dĩ nhiên là bọn tôi cũng sẽ tàn mạt theo …tôi phải bỏ học giữa chừng bậc Tiểu-học ở nhà để chăn bò thay cho người ở vì lúc này hắn ta như một “mật thám trong nhà” CS buộc gia đình tôi phải cho họ được ăn cơm, chứ toàn thể nhà tôi chỉ cạp khoai sắn quanh năm …Bố Mẹ tôi đều sợ họ như sợ cọp không bao giờ dám hó-hé lời nào …Và, họ cũng làm khó nay đòi về, mai đòi bỏ việc gây khó khăn cho gia đình tôi rất nhiều, mà tài chánh gia đình tôi mỗi ngày càng khánh kiệt, vì Mẹ tôi bán gần hết những gì quí giá trong gia đình như áo quần bằng gấm thời Bố tôi làm quan, chén đĩa sứ mua từ Pháp thời xưa , lư đồng, chân đèn trên bàn thờ …dù bán sạch vẫn không đủ tiền đóng thuế nuôi quân cho nhà nước, thế là họ xúi dân kéo tới trước nhà tôi huơ đuốc hô vang “Đả đảo Địa chủ trốn thuế” …Tá-điền người nào cũng lên mặt dù trước kia bố Mẹ tôi giúp đỡ họ rất nhiều…Ruộng giao họ làm ăn chia trước đây, giờ bố tôi ký giấy cho không chả lấy xu nào, họ chả thèm vì như vậy họ sẽ đóng thuế dù nhẹ hơn nhà tôi nhiều bởi họ thành phần nông dân được CS nâng đỡ, nên họ tính khôn: chi bằng mình cứ làm ruộng lợi tức nhiều mà chả đóng thuế gì cả sướng hơn …Nhưng đến năm 54 QG tiếp thu ruộng đó trở nên như vàng thì họ lại tới năn-nỉ …mới thấy con người tham lam chỉ biết có mình  ….           


                                               
                                                                           

Hồi đó, gia đình tôi 7 người, chỉ làm nghề nông, ruộng rẫy canh tác tối đa mà thuế nặng quá nên không đủ lúa ăn …đành phải bị đói quanh năm… Trong giấc ngủ thơ ấu của tôi chỉ có mơ được ăn cơm mà thôi hầu thay khoai sắn, y như nhà Thơ Nguyễn Bính sau 54 về Bắc đói nhăn răng nên trước khi chết có câu thơ “Miệng còn nhóp-nhép thèm cơm” cũng y như bọn tôi trong tù sau 75, cơm là cái gì vô cùng xa-xỉ mà không thằng tù nào dám nghĩ tới để thèm…Tất cả khoai sắn làm thực phẩm hàng ngày của gia đình tôi là do tự tay mình trồng và rau quả ăn kèm cũng do mình trồng sau vườn mà thôi, không có tiền để mua bất cứ thứ gì ngoài chợ, kể cả hạt muối cũng rất đắt nên đôi khi dân làng phải xuống biển múc nước mặn về cô lại mà xài …hoặc lấy tro cây cỏ tranh thay muối như người Thượng du…Tôi nhớ cả gia đình ưa ngồi quây-quần trên cái nền nhà, trải ra chiếc chiếu cũ, trên đó đặt cái nong lớn, giữa là một sàng rau muống luộc thực bự hái từ sau vườn, cùng những củ khoai lang trắng tím…bên tô đậu phụng rang cũng do nhà trồng …rồi cùng nhau ăn …mà vẫn phải gọi là “bữa cơm” …Cho nên, sau này tôi thấy ai ăn cơm “bỏ mứa”, nhất là khi đến Úc dân tỵ-nạn mình còn ở trại tiếp cư ăn cơm nhà bàn, có người tham kêu hai ba phần ăn, rồi bỏ dở… ăn đâu hết, bỏ cơm vung-vãi tùm-lum rất phí phạm nên tôi rất bực …vì nó từng là “giấc mơ” của tôi suốt thời bé dại, và thời tù ngục… chứ không phải một đôi ngày …

Toàn thể gia đình tôi đều phải lao động cực nhọc mỗi ngày, không ngoài đồng thì lên rẫy, hay lên núi như tôi. Tôi bắt đầu thay người ở cũ để chăn bò …Bò nhà tôi thuộc loại “chiến” mua từ Phú-yên, cày giỏi, bự con …vì ruộng nhà tôi thuôc “hạng A” rất lớn, mỗi đám có khi rộng cả mẫu và toàn đất sét đen nên trâu hay bò Phú-yên mới cày nổi, chứ bò tại xứ tôi nhỏ thó, chỉ cày nổi ruộng gieo hay rẫy toàn đất cát, hay sỏi mà thôi…Tôi thì bé, lại nhỏ tuổi, đói lâu ngày nên ốm tong-teo, so với đàn bò bự như vậy, lại có con bò “cầm bầy” nó rất dữ, sừng nhọn hoắt, dài ngoằng nên nó ưa húc bò người ta lủng bụng khiến bố tôi phải bồi thường hoài, nhất là có khi nó theo cái, tôi cản trở thì nó húc tôi té lằn cù …trầy sước tùm-lum sợ có ngày tôi chết nên bố tôi thuê người ta cưa cặp sừng cho bớt nhọn, do vậy nó bỗng dưng có tên là con “Cưa sừng” để phân biệt với những con khác thường đặt tên theo màu, như “con Nu”(nâu), “con Lem”(màu khói)… Nhưng tôi lại rất khoái con “Cưa sừng”, vì ba lý do: thứ nhất nó luôn giúp tôi cầm bầy đàn bò khi xuống núi nó chỉ cần rống lên vài tiếng là các con khác theo nó dừng ăn xuống suối uống nước ngay, thứ nhì nó là con bò duy nhất trong bầy chịu cho cỡi vì không phải con nào cũng chịu, nhột lưng nó nhẩy tưng-tưng như con “bull” của Mỹ, té gãy xương như chơi… thứ ba nó xung trận rất “chì” lúc nào cũng thắng khi có cuộc đấu bò trong làng mà thỉnh-thoảng chúng tôi lén tổ chức, nhất là dịp cận Tết, dù ở nhà rất cấm vì sợ bò gãy chân …hay bị máy bay Pháp bắn khi tụ tập…

Hồi đó, người Pháp có chính sách đánh phá nền Kinh-tế VC nên họ ưa dùng máy bay oanh kích từ Đà-nẵng vào, dội bom các con đập, đê… để gây khô hạn khiến mất mùa, và bắn phá trâu bò…để giảm sức cày của gia súc nên họ cứ cho máy bay lượn quanh trên núi hay đồng lúa tìm trâu bò mà bắn bất cứ nơi đâu mà chúng thấy từ máy bay khu-trục …Vì vậyVC cho tụi tôi học tập liên-miên về việc làm sao để bảo vệ trâu bò bằng cách phân tán mỏng, và làm lưới ngụy-trang bằng võng rách, trên đó kết những cành lá cây xanh rồi tròng vào lưng cho mỗi con trâu / bò y như lính tác chiến vậy….Nhà nào không tuân sẽ bị phạt tiền và tù vì tội chống nhà nước …Phân tán thì dễ, nhưng tròng lưới ngụy trang cho trâu bò vô cùng khó, vì chúng nhột lưng nhảy cà-tứng bốn chân lên một lượt y như thi cỡi bò mộng “Rodeo” của Mỹ  vậy trông rất vui…nhưng lát sau cái lưới banh luôn …nên tôi rất vất-vả về việc này … phải làm sẵn nhiều cái dự bị …

Cứ gà gáy hai hồi (lúc này không có đồng hồ, ban đêm chờ gà gáy, ban ngày đo bóng dưới mặt trời bằng độ dài của bàn chân mà thôi) thì Mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy để chuẩn bị lùa bò lên núi, sau khi bà đã gói sẵn cho tôi mấy cái củ khoai luộc trong chiếc mo cau, tôi chỉ cần lấy cái ống tre đổ nước giếng vào để uống, xách cái đòn xóc với cái liềm hay cái rựa nữa là xong …Sở dĩ phải dậy sớm như vậy vì mình tính sao khi đàn bò vượt đường xe lửa phải trước 7 giờ sáng không thì sẽ bị máy bay Pháp đi tuần oanh kích ngay …Hơn nữa, một tên chăn bò không chỉ lùa bò lên núi cho chúng ăn cỏ thôi, mà mình phải làm thêm một công việc khác nữa không kém vất-vả là khi chiều về trên vai phải có một gánh củi về chụm bếp hay gánh lá để về bỏ cho bò hay heo nằm trong chuồng làm phân bón ruộng …hoặc đội những bó cây sậy về bện thành những tấm mành-mành làm hàng rào chống gà cho Mẹ tôi trồng rau xanh … Có khi tôi bó sậy thành đuốc để tối đi soi cá, soi chim (những đêm trời trở gió dữ chim đậu dưới thấp, xù lông trắng như cục bông thành hàng dọc, mình chỉ cần cầm cây gậy quơ ngang là chúng rụng như sung), soi cá chỉ cần cầm bó đuốc huơ lên lửa rực cháy, cá nhìn trừng-trừng, cầm cái dao cán dài phập xuống… bảo đảm không trật phát nào …

 Có khi trẻ chăn bò phải hái trái cây núi về bán kiếm tiền tiêu vặt như người Thượng vậy, nhưng dân kinh ưa chê trái cây do Thượng hái vì họ đứa nào mình cũng đầy lác trông rất gớm, do vậy trái cây bọn tôi hái được người ta ưa chuộng hơn … 

Núi ở Trung trùng điệp qua tới Lào luôn, đặc biệt trái cây rừng rất nhiều mà chúng ưa tập trung thành một khu gọi là “truông” bằng phẳng, hay “hố” dưới sâu… …như “truông ổi”, hay “hố chuối” …nhất là cây ổi rất nhiều, kêu bằng bạt ngàn …Cây thấp lè-tè không cao như ổi vườn, cành sum-suê chỉ cần nhấc một cành ổi lên thì có vài chục trái màu vàng trắng mọng rất bắt mắt …trái chín rụng đầy mặt đất, trái nhỏ bằng quả chanh nhưng rất ngọt ruột đỏ lòm… Cây sim thì khỏi nói chúng mọc cả đồi …trái sống màu nâu đỏ rất chát nhưng chín thì màu đen rất ngọt, khi ăn phải bỏ cái tai của trái như phong tục dị-đoan địa phương nếu không muốn bị cọp vồ… Trái và hoa sim đi vào Văn nghệ rất nhiều qua âm nhạc hay ca dao: “Đói lòng ăn nửa trái sim / Uống lưng bát nước đi tìm người thương” hay “  Ôi,những đồi hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt”… Trái chà-là cũng vậy, ui chao chín đen thui, chỉ cần lật ngửa cái nón lá lên hứng vào chùm trái, cầm cây roi bò gõ mạnh là chúng rụng lia-chia. Đặc biệt trái xoay vỏ mướt như nhung ăn rất ngon, bán rất có giá nhưng không nhiều. Trái dâu đỏ rực từ gốc lên ngọn luôn nhưng không phải cây nào cũng ngọt… Trái lười-ươi là nhiều nhất, cây chúng to và cao lắm, thợ rừng ưa đốn mới hái quả được, trái khô rụng đầy gốc cây gặp mùa mưa chúng nở ra thành lớp nhầy trên mặt đất rất trơn vô ý trợt té như chơi, ở Úc các tiệm Á châu bán trái này rất nhiều nhập cảng từ Tàu hay VN nhưng rất đắt 3$  chừng 10 hạt mà thôi …Trái chuối cũng nhiều nhưng trái nhỏ hột nhiều ăn không ngon … Chôm-chôm cũng có nhưng trái nhỏ, hột bự, vỏ màu xanh hơn là đỏ …Trái trâm chín màu đen và ngọt lịm, vị nó như trái “cherry” ở Úc, cây rất cao nên khó hái …Trái gấm rất nhiều, trái từng chùm màu xanh, nhưng bên trong có vỏ cứng màu vàng nhạt, luộc ăn có vị  hơi đắng, ăn xong con nít ưa lấy vỏ tròng vào ngón tay chơi, y như mấy bà làm móng bây giờ vậy…Bữa nào lười, tôi chỉ mang cái rựa vào rừng chặt măng le hay đốn tre vót nan đan rế về tặng Mẹ tôi lót nồi làm bếp, hay rổ, rá để bà rửa rau khỏi mua tốn tiền …hoặc tôi bứt dây giang, bóc vỏ trắng tươi, đan những cái rế hình hoa thị rất đẹp, xong thêm 4 cái quai dài, kêu là cái “gióng” dùng để treo thức ăn chống mèo ăn vụng …Nhờ “nghề mọn” này mà sau 75 khi đi tù về tôi xin vô làm “Tổ hợp mây tre” ở Bố-thảo, ngày nào tôi cũng cỡi xe đạp có máng theo cái rựa… cà-tàng đến căn nhà bỏ hoang của một ông Đại-úy vượt biên bị phường tịch thu, ngồi dưới gốc cây vú sữa đối diện nhà thầy Múi, người tôi từng mời dạy môn Pháp-văn cho “Cours” tôi mở “Luyện thi Tú-tài 2” trước đó không lâu …Nơi đây, mỗi ngày tôi đan được hơn 10 cái cần-xé bằng cây lồ-ô để xuất khẩu chuối xanh, mà thầy Múi đang sống với hai cô cháu, vốn đều là học trò cũ của tôi trước kia ở HD, nhưng họ không hề hay biết gì hết…dù đang có một ông cưụ-tù giống “Phạm Ngũ Lão” đang miệt-mài ngồi đan sọt kiếm ăn mỗi ngày ở đây. Đúng là “Lịch sử lặp lại” …

Tôi rất thích cảnh núi rừng, đúng hơn là do tôi không muốn ở trong ngôi nhà của chính mình, nên ngày nào tôi cũng lùa bò lên núi …Bò đến nơi thì chúng tản ra gặm cỏ, còn tôi thì phải xông pha kiếm cái gì đó để chiều mang về …giúp gia đình vậy thôi. Có điều, cho đến bây giờ không hiểu sao, thời ấy tôi chỉ đi chân không, không hề mang giày dép gì hết, lại đi núi như vậy mỗi ngày lội trên gai, đá tai mèo bén như dao cạo…đâu phải dễ-dàng gì, mà bàn chân nhỏ bé vốn-con-nhà-quan của tôi (vì Bố tôi từng làm “Quan Đốc-học”” cho Nam triều), vẫn không sao cả, lòng bàn chân của tôi nó dày lên như mo, chắc là theo phản ứng thích-nghi ngoại cảnh tự nhiên của Darwin chăng? …Chứ giờ cởi dép ra, đi là tôi thấy đau dù chỉ trong nhà. nhất là khi đốn sậy hay cắt tranh thì nguy hiểm vô cùng vì gốc nó rất sắc, do người đi trước đã chặt, nên phần gốc còn lại luôn có hình mũi mác rất đáng ngại, kể cả trâu bò thường bị què vì gốc sậy này…Vì vậy, nên sau đó tôi có bán lần hồi khoảng mười gánh củi bửa (củi bửa bằng rìu từ cây lớn chứ không phải củi que, người ta không đun lò bánh được) cho lò bánh tráng cạnh làng, góp được 80 ngàn đồng VC, rồi cùng mấy thằng bạn vô Bồng-sơn mua được đôi dép râu để đi núi, lọai dép này hạng tồi, toàn bố chứ ít mủ nên rẻ nhất…Thời này, người ta đánh giá con người bằng dép râu, ai mang loại dép nhiều cao-su là hạng “xịn” y như thời nay người ta xài“Mobile” đời mới vậy …Thế mà, khi đem về sau khi đi núi vài lần tôi không dám để trong nhà, vì cứ hai ba ngày thì nhà tôi bị cháy bởi bom hay đạn lửa của máy bay Pháp, nên tôi treo nó trên cây mãng cầu trước nhà cho an toàn …Nhưng rồi sau một trận bom cuối cùng nhà tôi cháy, sập luôn … hàng xóm có đến chửa cháy giùm, rồi chôm luôn “đôi-dép-xương-máu” của tôi, tôi chỉ biết ngồi nơi bực cấp nhà còn nóng sém lửa, mỉm cười về tình lân-tuất trong cảnh tang thương trong thời buổi mạt vận này… Từ đó, tôi lại đi phải đi chân trần tiếp, đúng như câu thơ của Cung-oán ngày xưa “Đường thế-đồ gót rổ khi khu”mà tôi được học sau này…

Nếu cắt lá thì tôi sẽ phơi chúng trên các tảng đá to rất mau khô để chiều bó gánh về cho nhẹ. Buổi trưa tôi hay xuống suối bắt “ốc đá” nướng ăn cũng bồi dưỡng chất đạm phần nào …Xế chiều, phải chuẩn bị xong đâu đó, khi nghe tôi gõ chiếc liềm vào cái đòn xóc kêu lanh-canh mà tôi tập cho con “Cưa sừng” trước đó trước đó, thì nó rống lên mấy tiếng…chúng tôi xuống núi là vừa, không nên chậm trễ, đêm xuống có thú dữ đi tìm mồi tấn công cả vật lẫn người rất nguy hiểm …Xuống suối, bò uống nước thảnh thơi, nếu siêng mình tắm cho chúng, không thì bịt giỏ mồm chúng lại hết thực chặt để ngừa khi xuống đồng bằng chúng ăn lúa cây của người ta thì phiền lắm. Bò cầm bầy khôn lắm, bịt giỏ mồm xong, vỗ vào mông là nó tự động dẫn bầy bò về nhà cách núi rất xa mà không đi lạc bao giờ, thảo nào người ta nói “Lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu”…Nhưng nếu lỡ có thằng bé con nào dưới đồng bằng chơi nghịch tuột cái giỏ mồm bò ra thì chúng nó sẽ ăn lúa non hay lá khoai mì người ta trồng hai bên đường, mình sẽ bị thưa gửi bồi đền, chưa kể nếu bò ăn phải lá khoai mì thì chúng có thể chết, vì cây khoai mì có chất “cyanure” rất độc, cho nên đừng ăn khoai mì sống mà phải luộc lên thì độc tố này sẽ giảm. Trong trại cải tạo VC cho tù ăn toàn khoai mì và bắp, nước bắp luộc thì ngọt rất tốt cho tiểu tiện, nhưng nước luộc khoai mì rất độc, có người tù tưởng như nước bắp xin nhà bếp uống vào thì vĩnh biệt anh em, như ông Thiếu-tá Đ. (TQLC) chả hạn, rất tội nghiệp, giá ông từng chăn bò như tôi ngày xưa thì sẽ không bị chết oan…Bò về trước, mình thủng-thẳng gánh đồ về sau, nhưng trẻ bò tụi tôi ưa chờ nhau về cùng lúc …vì hồi đó chúng tôi rất ưa chơi đá banh, nên gom tiền lại ra Sông Vệ mua trái banh da, rồi đem giấu trong bụi rậm gần bãi đất trống, cạnh  đường xe lửa, khi nào về chúng tôi thấy trời còn hơi sáng, bởi giờ này máy bay Pháp không còn tuần tra nữa, thì mới dám chia phe đá banh, mà gôn là 4 cái nón lá… Khách xem là mấy cô bé “đồng nghiệp”, chỉ-chỏ, la hét om-sòm,vỗ tay tán dương, tôi chân dài, đá được 2 chân, nên ưa đi hàng “tiền đạo”chạy bao sân…Cảnh diễn ra rôm-rả không thua gì trận cầu quốc tế bỏ túi…bụi bay mịt-mù, mồ hôi nhễ-nhại…cũng vui! Cho nên, bữa nào tôi cũng về trễ, khi bò đã về tới nhà từ chiều …Dĩ nhiên, chiều nào về tôi cũng có gánh củi hay lá cồng-kềnh, đi ngoài con lộ trước nhà rất hẹp dành cho trâu bò, hai bên hàng rào gai mọc ra tua-tủa cọ vào củi hay lá gây tiếng động sột-soạt …thường vừa đúng lúc cả nhà tôi đang ngồi quay-quần dùng bữa trên nền nhà còn ám khói bom…lúc chập-choạng tối, thì Mẹ tôi luôn càm-ràm với gia đình: “Đó, giờ ni nó mới mò về, nghe sột-sột là biết nó ngay, cái thằng ham chơi quá, nói không nghe, cứ tập-trung đá banh kiểu ri, có ngày ăn đạn máy bay…”

Trẻ chăn bò, không phải chỉ chừng đó công việc mỗi ngày như vậy đâu, mà rất vất vả trong dịp mùa gặt phải thức trắng đêm lùa bò đạp lúa nơi sân nhà…Nghĩa là lúa gặt về, mở lạt ra, dựng trên sân thành một bãi tròn đường kính chừng 10m, rồi đem bò khoảng 6, 7 con, bện cổ chúng lại bằng sợi dây dừa bự thành hàng ngang, con bò trong cùng tội-nghiệp nhất nó không đi mà chỉ cứ xoay xà-quầng làm “rún”, đôi khi rơm quấn vào chân nó sắp ngã mình phải gỡ ra ngay…Các con còn lại đi chung quanh con bò rún, con ngoài cùng mệt nhất vì nó phải đi nhanh nhất …Trẻ bò như tôi chỉ cầm cái roi để thúc chúng đi, và kéo theo cái vợt tre đi theo sau để hứng phân bò kẻo dơ lúa …Đi trên lúa cây như vậy chân rất xót vì dằm lúa, nhưng rất buồn ngủ nên tôi suýt bị té hoài, có khi ngồi dậy chưa kịp thì bò đã lướt tới rất nguy-hiểm nên phải cần một thằng khác thay phiên nhau…Tới mùa cày dọn ruộng, trẻ bò phải đi cắt cỏ trữ để bồi dưỡng cho bò rất là cực, có khi phải qua những cánh đồng xa nơi ít trâu bò mới có cỏ mà cắt… Cho nên, khi nhìn thấy nơi nào cỏ tốt thì trẻ bò rất mừng vì mình sẽ được về sớm, nhất là những đám rẫy khoai, hay tranh…họ rào rất kỹ, vì sợ heo rừng, hay người phá, thì cỏ mới xanh cao …Trẻ bò như tôi dĩ nhiên phải lén chui vào cắt thực vội, rồi thoát ra ngoài liền, nhưng rủi bị chủ rẫy đi thăm phát hiện thì sẽ bị nhừ đòn, bị xiết nón, lột áo, lấy liềm, giựt giỏ hết …chỉ biết chắp tay lạy chủ rẫy mà thôi, về không dám vô nhà còn bị đòn thêm vì bố mẹ phải tới xin lỗi họ, bù đền để chuộc lại áo quần …Hình ảnh thấy cỏ tươi tốt ám-ảnh tôi suốt đời trong nỗi vui mừng lẫn những thương đau, nên khi vào lính mỗi lần dẫn “em” đi dạo chơi qua những đồn lính có hàng rào phòng thủ kỹ bằng bãi mìn, đầy kẽm gai, những vạt cỏ tươi vươn lên xanh rì, thì tôi đều đứng lại nhìn trân nói câu bất ngờ vừa cầm cái “képi” chỉ trỏ :“Kìa, coi kìa, cỏ tốt quá em ơi!” làm người bạn gái bên cạnh ngẩn-ngơ, vẻ giễu cợt trong tiếng cười, cô ấy nói: “Trời ui, kệ nó, sao anh lại hăm-hở vậy nhỉ, khi dạo chơi với em, bộ em không đẹp hơn cỏ sao!?“ …lúc đó tôi sựng lại, chỉ lặng thinh vì biết nàng sẽ không thể hiểu được ám-ảnh này và rồi dìu nàng đi nơi khác mà trong thâm-tâm tôi vẫn nhớ tới ngày xưa về cỏ …Nhưng khổ nhất về cỏ, vẫn là những buổi sáng tinh mơ ra đồng cắt cỏ, trời đầy sương, lúa hai bên bờ ruộng bắt đầu chín nặng hạt nên ngã rạp phủ hai bên bờ, khiến người cắt cỏ phải thu mình lại để chui vào hai mái lúa đang ướt đẫm, nên áo quần sẽ tèm-nhẹp hết, lại ngứa-ngáy khó chịu vô cùng vì lá lúa và dằm lúa rất bén cắt da đôi tay trần sướt tùm-lum, mồ hôi tuôn ra nghe rát …như xát muối, nhưng ớn nhất là gặp phải những bãi phân người bị bịnh sán xơ mít …Bãi phân lềnh-bềnh trên mặt nước ruộng màu trắng tươi lổn-ngổn những con sán xơ mít bơi-bơi như bánh canh…thì cả tuần lễ sau tôi không dám ăn mít, nhớ tới là phát ói ngay ….Giống như thời lính tráng sau đêm công đồn VC chết lềnh-khênh ngoài rào kẽm gai, ruột đổ ra xanh lè lòng-thòng, và nhìn xuống hố cá nhân phía trong đồn, thằng lính mình bị lựu đạn VC thảy trúng hầm, nó lại có mang theo trái khói vàng nên máu đỏ, xương trắng, cùng da người nám đen cuốn lại, trộn với màu trái khói vàng khè bể ra, biến căn hầm thành như nồi ca-ry, đặc-biệt tanh khủng khiếp …ruồi nhặng bay vo-ve ...thì tôi bỏ ăn món ca-ry nị này tới giờ …

 Tôi vốn là người rất “nặng tình” với mọi thứ: con người, kể cả đồ vật hay thú vật như đàn bò của tôi, miễn là tôi có gắn bó với nó thời gian lâu. Trong đàn bò tôi rất thương con “Lem”, dù màu không đẹp nhưng nó rất hiền, bao giờ nó cũng đi sau cùng đàn, bởi vì nó sợ con “Cưa sừng” nhất, cứ húc nó hoài ….dù mỗi lần như vậy tôi đều đập “Cưa sừng” bằng gậy chứ không phải bằng roi, nhưng chứng nào tật ấy …Lúc nào xuống suối “Lem” cũng đứng xa bầy trông nó sợ hãi, rất tội nghiệp nên tôi thường chỉ tắm cho nó mà thôi …vì tôi có thói quen ưa bù đắp cho những ai thiệt thòi, như tôi chiều người tôi không yêu hơn là chính người yêu, chỉ vì tôi quan niệm rằng người tôi yêu họ đã có trái tim của tôi rồi, là thứ quí nhất, còn đòi gì nữa chứ ?  Nhưng rồi, bỗng một ngày tôi mất con “Lem” trong nỗi thương đau tột cùng …Đó là dip cận Tết, trời miền Trung u-ám se lạnh trong mùa tháng Chạp, đợi lúc chiều tà, và thời tiết rất xấu, nên trẻ bò chúng tôi thấy quá giờ tuần tiểu thông lệ của máy bay Pháp từ Đà nẵng vào, vì thế chúng tôi tổ chức đấu bò Tất-niên chơi…Ai ngờ lúc đó, đang hào hứng cả thú lẫn người, bụi bay mịt mù, tiếng hò reo của trẻ bò hai bên la lên ỏm tỏi, vỗ tay rần trời, thì có hai chiếc khu trục đen thui vụt ùa tới …Thường chúng nó chỉ bay dọc theo đường xe lửa hay đường nhựa Quốc lộ 1 để bắn phá bất cứ cái gì chúng thấy mà thôi, nhưng lần này dù trời xấu, vừa chập choạng tối, chúng lại bay rất thấp trên rừng… nơi bãi đất chúng tôi tụ họp đấu bò Tất-niên …Thế là bầy trẻ bò biết việc gì sẽ xảy ra rất nguy hiểm, nên chúng hoảng sợ chạy tứ tản tìm nơi ẩn nấp, khi trâu bò vẫn tỉnh queo đấu nhau tưng bừng, bụi mù trời luôn …Tôi vội dắt dây mũi con “Lem” chạy xuống đường mương sâu tránh né …Loạt đạn đầu tiên nổ xé trời, mười mấy con bò ngã quỵ trong những tiếng rống hãi-hùng …Tôi ngồi xuống và rị dây mũi con Lem thực chặt, nói “Đứng yên nha mậy, dọt lên là chết đấy!”…Hai chiếc máy bay sà thấp hơn, quầng trở lại và loạt đạn thứ hai nhả ra …mười mấy con khác lại bị đốn ngã …tiếng rống lại thê-thảm hơn …Nguy thay cho giống bò khi chúng nghe tiếng rống đồng loại thì chúng tụ lại nhau ngay, để chúng bảo-vệ theo bản năng bầy đàn …Lần này thì con “Lem” vễnh tai lên, rồi bất ngờ nó giựt dây mũi thực mạnh sút khỏi tay tôi dù tôi rất cố rị lại, tôi dùng hết sức mạnh nhỏ bé của đôi tay mình và kìm chân xuống mặt đất, cộng với cái trọng lượng chừng 20 kg của tôi nữa …mà vẫn không giữ lại được “Lem”… Nó hùng-hổ chạy lên hiện trường trong tiếng kêu khóc thất-thanh của tôi: “Lem ui, đừng ngu bỏ tao, chết đấy!” …nhưng rồi loạt đạn ba đã nổ, con “Lem” trúng một viên đạn đum-đum (loại đại liên 20 ly sẽ nổ hai lần khi đúng đích)…Tôi nghe tiếng nó rống lên rồi ngã xuống, tôi bật khóc thành tiếng …mà chả biết làm gì khi máy bay vẫn còn tiếp tục oanh kích mấy chục con bò ngu xuẩn còn lại….Khi cuộc oan kích chấm dứt, tôi trèo lên khỏi bờ mương, lủi thủi tới cạnh con “Lem” thấy nó bị chỉ một viên đạn nơi mông, nhưng người nó to quá, viên đạn không luồn ra ngoài được mà chui lên phía trước, nổ tung lần nữa banh lồng ngực luôn, khi mỗ ra chỉ thấy đầy mảnh chì …Sau đó dân làng biết chuyện ai có thân nhân thì họ tự động chạy lên nơi xảy ra tai nạn, trẻ bò không ai chết cả nhưng trâu bò thì nằm lềnh-khênh… Có nhiều người khóc tức tưởi vì họ biết họ đã mất một số tài-sản không nhỏ khi đến ngày mùa lấy gì cày, đúng như lời thơ VC làm ra có tên “Lời gửi anh phi-công Ngụy” để địch-vận, có câu “Con trâu quí hơn vàng mười tuổi/Nếu giết trâu người phải kéo cày/Anh đừng theo lũ giặc Tây…”  Nhà tôi cũng có người chạy lên, rồi báo tin về xóm mượn thêm vài người nữa, anh Năm con cô tôi làm rẫy cạnh đó, hay được cũng tới thăm và dùng cái rựa mỗ bụng “Lem” xả bớt phân ra cho nhẹ người ta khiêng mới nổi … xác nó về …Tôi khóc suốt sụt-sùi …Con “Cưa sừng” không hiểu sao đêm đó trong chuồng nó không ngủ mà cứ rống hoài, như chừng nó chưa hoàn hồn trong cuộc thảm sát chiều qua, hay nhớ con “Lem”, vì không còn ai để nó ức hiếp? …Khi xẻ thịt “Lem” ra, Bố tôi rất buồn, đi nhờ hàng xóm mua giùm để kiếm chút vốn mua lại con khác, nhưng rất khó-khăn vì cả làng bị vài chục con chết cơ mà, thịt phải “ế” thôi! …. Trong nhà ai cũng ăn thịt bò ngon lành, ngoài trừ tôi và Bố, riêng tôi chỉ biết lặng lẽ khóc một mình …dù tôi đã cố cứu con “Lem” yêu dấu của tôi mà không thành .,..Thời đó, tôi cũng có nuôi bầy gà, không phải để ăn thịt vì tôi không bao giờ ăn con gì mà tôi nuôi …nhưng tôi nuôi gà vì tôi rất thích nhìn những chiếc đầu của mấy chú gà con lông tơ, lấp ló sau đôi cánh ướt sũng của mẹ nó…Chúng chỉ chui ra cái đầu lông tơ vàng mà thôi, và cái mỏ ngà trắng nõn, cùng những đôi mắt tròn đen lay-lay láo-liên, nhất là những chiều mưa, gà mẹ nghỉ kiếm ăn sớm, đứng trú nơi đầu hè nhà dưới có nước chảy róc-rách dưới hiên …Hình ảnh đó luôn đem lại cho tôi cái cảm giác ấm-áp, an-bình, mặn nồng, thiêng-liêng tình mẫu tử dù chỉ là súc vật, chuyền qua từ gà mẹ đến bầy gà con rất thơ ngây kia, mà nó sẵn-sàng hy sinh mạng sống để bảo-vệ trước sự tấn công của chồn, cáo, chim dữ…bất cứ lúc nào một cách hết minh …Đó là thứ sở thích mềm-mại của tuổi thơ tôi, mà tôi từng thiếu, hay chăng, đơn giản như nhân-vật Lennie trong “Of mice and men” của J . Steinbeck thuở nào, hắn chỉ mơ có một nông trại nhỏ để nuôi những con thỏ hay chuột mà sờ lên mớ lông trơn bóng êm mượt của chúng mỗi ngày ….Nhưng rồi… 

Đó là những kỷ niệm thời thơ ấu không may của tôi, nó không đẹp như mấy câu Ca dao chỉ để thăng-hoa (Sublimation) một hoàn cảnh bất hạnh đầy cơ-cực của trẻ con nghèo, mà người đời Á châu vẫn thường khinh thị với câu mắng: “Đồ chăn trâu!” - thực ra, rất đáng thương cảm: “Ai bảo chăn trâu là khổ/Chăn trâu sướng lắm chứ?”kiểu Thơ khẩu-khí của Lê-Thánh Tôn như những bài “Thằng mõ / Con cóc/Thằng ăn mày/Thằng bù nhìn…” vì thế tôi không bao giờ quên được, khi nó thực sự là sự vất-vả, nhọc-nhằn, buồn tủi, dốt nát vì chả được học hành gì, ngoại trừ nỗi đau, mà một đứa trẻ non dại chưa đủ khôn ngoan như tôi  không đủ sức chịu đựng để cưu-mang nó …

Tuổi thơ tôi như thế, và tôi đã từng sống như thế nhiều năm, hết luôn tuổi thơ dại của tôi, nên tôi chả dám trao lại cho bất cứ ai, và chắc chả ai dám nhận tuổi thơ này, ngoại trừ họ muốn hiểu được câu: “ La vie ne vaut que rien, mais rien ne vaut que la vie…” của André Malraux (Cuộc đời chả là cái chó gì, nhưng chả có cái gì bằng cuộc đời cả) làm tôi nghĩ đến câu hát của Vũ-Thành An: “Đời con gái cũng cần dĩ-vãng”… thì tôi thương Mẹ tôi hơn vì bà đã lấy chồng năm 15t, do cha mẹ để đặt, chưa hề biết yêu thương là gì, và năm 16t bà đã có con đầu lòng, thì bà cũng như tôi, đã bước qua tuổi thanh xuân để làm thiếu-phụ, mà trong Triết-học người ta gọi là “thăng hoa“ (sublimation) VC ưa gọi là “quá độ” giống như một trái cây dú ép ...Người đàn bà, họ đã chịu thiệt thòi hơn người đàn ông rất nhiều, chưa kể họ còn bị coi nhẹ bởi người đàn ông, như hầu hết dân Á châu, dù người đàn bà đã đẻ ra họ …Thượng đế đã tác tạo ra phụ nữ yếu đuối hơn người đàn ông nhiều về thể chất lẫn tâm hồn, nên được gọi “yểu-điệu thục-nữ” là vậy, họ chỉ hơn người đàn ông ở cái tuyến lệ nơi mắt họ, lớn hơn tuyến lệ người đàn ông, chắc Chúa chỉ muốn họ giải tỏa những thua thiệt, mà Chúa đã tạo ra kể cả họ “mang nặng đẻ đau” tới 9 tháng mười ngày, rồi nuôi con mọn, nhiều khi đâu phải một đứa mà 14 lần sinh nở như Mẹ tôi, dù chỉ sống có một nửa, như vậy ai đau thương nhất khi nhìn một nửa kia qua đời trong vòng tay của chính mình, Mẹ tôi không điên là may!?Tay chân họ mềm-mại, thân xác họ ẻo lả, nhỏ bé …là chỉ để ngã vào vòng tay vặm-vỡ đầy khoan dung của người đàn ông sẽ bảo-vệ họ, giọng nói họ thanh cao, ngọt-ngào, là để thì-thầm vào tai người đàn ông hầu vỗ-về họ mỗi khi họ bị vấp ngã, thất bại trong đời sống đầy bất-trắc và gian trá này….không ngoài cái “cưú-cánh tính”(Finalité) của ông Trời đã cố tạo ra người đàn bà như thế… Cho nên, đừng bắt người phụ-nữ phải có “nhiều dĩ-vãng”  - là thứ cần cho người đàn ông hơn, để trui rèn ý-chí của mình vươn lên hầu che chở cho người phụ nữ mà Nietzsche thường mơ ước là: “Volonté de Puissance” (ý-chí hùng-mạnh) …Người đàn bà không nên có dĩ-vãng như ông VTA nói, mà chính người đàn ông phải như thế, nên có lần tôi có nghe người bạn của tôi kể về người tình cũ của nàng khi anh ấy có cái xe mới bị sướt chút xíu mà cứ hít-hà suốt đêm, để nàng phải bật nói: “Anh phải đi lính trận một thời và nên đi tù cải-tạo nhiều năm như người ta, mới đáng gọi là đàn ông, vì từ đó thì mới biết anh là cái gì, và cuộc đời này là thứ chi?“…chứ người đàn bà mà đòi  họ phải “có quá-khứ”… thì tội-tình cho họ lắm, bởi thế cho nên tôi có lần viết rằng: “Tôi muốn yêu tâm-hồn con gái trong thân xác người đàn bà, hơn là yêu tâm-hồn đàn bà trong thân xác đứa con gái”….

Bởi vì tuổi thơ tôi không có, theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của nó, nghĩa là được cưng chiều, được no đầy, và được cắp sách đến trường học hành mỗi ngày, vui chơi với bạn bè thoải mái …như những đưa trẻ bình thường khác trên thế giới…Tuổi thơ tôi không vậy, chỉ thấy đói rách, đòn roi, sợ hãi, thất học, và vất-vả trăm bề…chúng đeo cứng tôi đến bây giờ kể cả trong những cơn ác-mộng mồ hôi vả ra như tắm… mà đúng ra, giống như nước đá, phải qua thể lỏng rồi mới bốc hơi, nhưng tôi từ thể đá bốc hơi ngay luôn, hiện tượng “đốt giai đoạn “ này, trong Hóa học người ta vẫn gọi là “thăng hoa” ……và, tôi đã chịu đựng như thế, với nỗi đau còn hơn một người lớn bình thường…


*Nguyễn-Tư