Thursday 31 December 2020

NHỮNG MÙA SINH CỦA CHÚA…. Nguyễn-Tư

 


NHỮNG MÙA SINH CỦA CHÚA….

           *tùy-bút Nguyễn-Tư

Gia đình tôi không theo bất cứ Đạo nào, chỉ thờ cúng Ông Bà trong những dịp lễ Tết …nhưng đến khi tình hình chiến sự ở miền Nam ngày càng khốc-liệt, khoảng thập niên 60, lúc ba anh em nhà tôi đều ở lính, thì Bố Mẹ tôi bắt đầu thấy quớ ngay, không biết dựa vào đâu để cầu-an cho bọn tôi, ông bà mới rước hình bà Quan Âm về thờ, chịu khó đi Chùa nhiều hơn và ăn chay trường …nhất là Mẹ tôi, không đêm nào mà bà ông mặc áo dài cầm nắm nhang nghi-ngút khói, ra giữa sân đứng trước bàn thờ “Ông Thiên” miệng lâm-râm khấn nguyện gì đó rồi chắp tay lạy bốn phương trời, mười phương Phật để cầu xin ơn trên phù hộ cho ba anh em tôi bình yên …đặc biệt những khi bà nghe tiếng súng từ dãy Trường-sơn dội về dồn-dập, vì bà biết có mấy đứa con bà đang chiến đấu ở đó …Bà ưa lên Chùa cầu xin, niệm Phật và thưa với ông Sư cho tụi tôi mỗi đứa một cái bùa hộ mạng, hình thù như cái gối bé tí-teo bằng ngón tay cái, bên ngoài vẽ đường ngòng-ngoèo bằng kim tuyến như dời bò, có sợi dây đỏ để tròng vào cổ thì ra trận sẽ bình yên. Nhưng tôi chỉ cầm cái bùa bóp-bóp thấy họ độn cái gì trong nớ mềm-mềm như tóc, mà Mẹ tôi nói ông Sư đã “yếm” bùa để chống lại rủi-ro, tai nạn…Tôi chỉ ậm-ừ cho Mẹ tôi vui thôi chứ thực lòng tôi không tin …nên khi Mẹ tôi về thì tôi cởi nó ra bỏ trong ba-lô để kỷ niệm quà của Mẹ vậy thôi …trong khi tụi lính, tôi thấy chúng đeo nanh heo rừng. hay móng cọp… để hộ mệnh, ai lại mang cái bùa ni giống như con nít “cầu tự” dị-kỳ quá, khi  mình đã đeo cái thẻ bài trên cổ kêu leng-keng suốt ngày y như mấy con chó đeo lục-lạc đã thấy bực …Như vậy Đạo Phật nhà tôi chỉ là do ứng biến theo thời thế do Mẹ tôi quá thương con chứ chả phải Đạo nòi gì…

Nhưng  khi chừng năm tuổi, tôi nhìn thấy chị Hai Mến con gái đầu lòng của Bác tôi ở đâu xa về thăm nhà với bộ đồ nhà Dòng áo chùng đen, mang kiếng trắng, khăn đội đầu màu trắng người mập-mạp …thì tôi mới biết chị ấy đi tu Đạo Chúa  đâu từ thời con gái mới lớn mà Mẹ tôi kể lại do bà mẹ kế  của chị độc ác quá chịu không nổi nên đành trốn nhà để nương nhà Chúa, thì cũng chỉ là thứ ứng biến gia đình khác mà thôi ….

Bố tôi, thời Pháp thuộc làm quan Đốc-học  triều Nguyễn, nhưng nhờ ông là lớp trí thức VN đầu tiên do Pháp đào tạo, nên dĩ nhiên tiếng Pháp rất nhuần, do vậy ông ưa chơi “Tennis” với ông  Sứ Tây(xếp một tỉnh) hay Tây đồn điền, kể cả với mấy ông Cha …mà khi gặp gỡ nhau họ đấu hót tiếng Pháp như bắp rang …người dân Địa phương chả hiểu mô tê gì cả ngoài sự nể phục, dù Bố tôi không phải là con chiên …

Trong làng tôi, có một cái xóm Đạo nhỏ, oái-oăm thay lại cạnh ngôi Chùa lớn nhất trong làng …Những tín hữu chừng hơn trăm người, họ ở quấn-quít bên nhau, quanh cái nhà thờ lợp bằng tranh, nền rất cao nơi khỏanh đất xinh-xắn có con đường hai bên trồng toàn cây Thiên tuế… nhìn ra quốc lộ 1 . Trên đỉnh nhà Thờ có gắn cái Thánh giá gỗ thực to sơn màu trắng tươi mà tôi nghe người ta nói để cho máy bay Pháp thấy mà tránh oanh tạc …khi ngôi làng tôi trở thành vùng đất thuộc “Liên khu 5” do Việt minh thời ấy chiếm đóng …Lâu-lâu, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, nhà thờ kết đèn hoa rực-rỡ từ sân nhà thờ ra tới cổng chính luôn… tôi có thấy một ông Cha Đạo, mặc áo dòng đen đội nón cối trắng…cỡi chiếc xe đạp cà-tàng từ thời xưa còn sót lại mà không biết ông từ đâu tới chứ trong làng không hề có ông Cha nào cả . Dĩ nhiên là họ Đạo rất mừng khi Cha đến thăm và giảng lễ. Tôi thấy ông ngồi trên cái ghế đẩu và có hai thằng con trai đứng quạt hai bên, như chừng người ông Cha đang rất nóng vì mặc áo quần Dòng trùm kín khắp thân, mà lại gồng mình đạp xe từ xa đến trên những đoạn đường làng đất đá gồ-ghề dù hình ảnh này phải nói trong thời kháng chiến trông hơi kỳ vì Việt minh họ đang phát động phong trào chống Phong-kiến “cường hào ác bá” triệt để…nên họ rất ghét kiểu phục vụ quan cách này như mấy ông Quan Huyện ngày xưa thường bắt lính hầu phục vụ như vậy, nhưng tôi nghĩ mấy con chiên này họ rất hãnh diện làm như vậy cho người chủ chiên của họ, thay mặt Chúa chăm sóc phần linh hồn cho họ  …Nhưng có điều làm tôi rất cảm động khi ông Cha này (gọi là Cha Ngọc) lại hay ghé nhà tôi chỉ để thăm Bố tôi thôi vì là bạn chơi quần vợt ngày xưa lúc hai người còn trẻ làm việc ở Bồng-sơn trong thời Pháp thuộc… Bây chừ Bố tôi bị cho về vườn lại thuộc thành phần “Địa-chủ, trí thức tiểu tư-sản” (mà lão Mao ví như “cục phân”) do Việt minh gán cho,  thêm tội từng làm việc cho Tây trước kia, nên phải khó-khăn trăm bề …Nhà  tôi sa sút thấy rõ, đói quanh năm, chỉ ăn rau muống và khoai sắn cầm hơi vì lúa làm ra phải đóng thuế hết cho nhà nước vì cái tội “bóc lột” ngày xưa, nên nhà tôi chỉ sống bằng nghề nông và trồng rau quanh vườn, bởi vậy ngày nào Bố tôi cũng ở trần trùng-trục chỉ mặc cái quần đùi vải ta, da nám đen, cái lưng đôi khi phồng lên như cái bánh tráng nướng do nắng …còng thân gánh đôi thùng nước tưới cây …nhưng  Bố tôi luôn dặn hễ khi thấy ông khách Cha Cố nào đến thăm thì báo động ngay cho Bố biết bằng ba tiếng ho liên tiếp nhau … thì Bố tôi sẽ bỏ gánh nước tức thì để vội chui xuống hầm bí mật cạnh đó mà trốn nhanh dù Bố tôi nói rất thương người khách này, vì ngặt thay “Thiên Chúa” và “Địa Chủ” là hai kẻ thù mà Việt minh chiếu-cố rất kỹ, họ luôn cho mật thám trong làng theo dõi thấy động tĩnh thì báo cho họ hay ngay . Có lần bất ngờ quá không chạy trốn kịp bố tôi đành ở lại khu vườn bắt tay ông Cha, và rồi theo thói quen tiếng Pháp như bắp rang dù chỉ nhỏ vừa đủ nghe thôi ….Có lần mụ mật-thám tên Bốn Điền cạnh nhà tôi thấy được thế là Bố tôi bị kiểm điểm, hăm-he …nên mỗi lần có trống dưới  Xóm biển giục báo động, và chiếc bồ màu đen được kéo lên trên đỉnh đồi  - y chang như hai câu thơ trong Chinh phụ ngâm ngày xưa: “Trống tràng thành lung-lay bóng nguyệt / Khói cam-tuyền mờ mịt thức mây”…trong cảnh chiến tranh thời Mạc …giờ là cảnh chiến tranh Đông dương lần nhất, cách báo động có khác gì nhau…đó là những chỉ dấu tàu Pháp đậu ngoài khơi muốn đổ bộ… thì mấy người Dân quân mang gươm  mác tới nhà tôi đưa bố tôi lên núi ngay trước cả thường dân chỉ vì họ sợ Bố tôi  thuộc thành phần “phản-động”, giỏi tiếng Pháp sẽ làm Việt gian cho Tây chỉ điểm này nọ thì chúng sẽ bị lộ hết …Điều này thấy rõ từ những khẩu hiệu chúng kẽ khắp nơi trên tường nhà dân chúng “Ở đây không nói chuyện quân sự, cơ quan, công tác” bên những câu bằng tiếng Pháp kêu gọi lính Lê-dương hãy hồi hương kẻo chết oan mạng, cũng có những câu cho lính QG như “Hỡi anh em ngụy-binh, hãy trở về với Dân tộc đừng tàn sát dân lành sẽ bị trừng trị.” …Khi trống báo động ngưng, chiếc bồ màu đen hạ xuống và bồ màu trắng được kéo lên thì họ mới cho Bố tôi về nhà ….Về ông Cha, lúc đó tôi rất thương cảm ông ấy, khi tôi báo động đúng lúc, Bố tôi đã chạy trốn kịp thời, chỉ còn tôi ở lại tiếp ông, nói “Thưa Cha, Bố con đi vắng!” thì nét mặt ông buồn thấy rõ, ông đưa tay kéo cái nón cối trắng xuống một chút nói nghẹn-ngào “Bố về nói tôi có ghé thăm” rồi ông dắt chiếc xe đạp già như ông xuống ngõ một cách buồn phiền, lòng tôi rộn lên nỗi đau dù lúc đó tôi còn rất bé và đã hiểu vì sao …nên tôi rất thương cả hai ông bạn già này trong một hoàn cảnh Lịch sử rất đáng chê bai, hai người bạn xưa rất thương nhau nhưng lại không được phép thăm viếng nhau công khai trong những buổi gặp gỡ hiếm-hoi lúc đang mùa sinh của Chúa…Tôi cũng đã xấu hổ khi đồng lõa với Bố tôi trong việc này dù cũng biết nếu không làm vậy thì cả Bố tôi lẫn ông Cha sẽ gặp những khó khăn và đi tù như chơi …

Dù tôi là người ngoại Đạo (nghĩa là theo lối suy nghĩ của người Thiên-chúa giáo thì tôi là “kẻ lạc đường,” bởi vì khi có một người nào đó được rửa tội để vào Đạo thì họ bảo người đó “trở về Đạo”) nhưng tôi vẫn tin ở Trời, Phật mà không tin ở “Thầy” và “Cha” , bởi vì họ cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, mang theo những hỉ-nộ ái-ố của cuộc đời như trăm ngàn người bình thường khác, mà đôi khi có kẻ còn “tệ” hơn người thường nữa, mà người ời ưa gọi là “Sư hay Cha hổ mang”. Họ cũng chịu những giới-hạn, của hoàn-cảnh cuộc đời mà triết Tây gọi là “Situations limites”. Có điều, những người này đều là những người có ý-nguyện từ bỏ những phù vân của cuộc đời ngay từ lúc còn rất trẻ, được huấn luyện bài bản về Đạo,  mà xả thân phụng sự cho Chúa, Phật do họ đã lựa chọn như một lý tưởng , nhưng không ai cản họ trở lại “Đời” bằng một cách nào đó còn nhanh hơn cả những người thường nữa, mà người ta ưa gọi là “tu xuất”(Chúa) hay “hoàn tục” (Phật). Điều đó thấy nhiều trong lịch sử Tôn giáo Đông Tây cũng như trong kinh nghiệm cá nhân của mọi người. Dĩ nhiên, không phải Cha Thầy nào cũng thế, nhưng sỏi đá bao giờ cũng nhiều hơn kim cương….Ở trong vùng VM, những người Thiên Chúa giáo bị đối xử rất tồi tệ, và họ muốn kéo theo người dân để làm việc đó, y như sau 75 họ bày trò cho dân Bắc ném đá những người VNCH ra đó cải tạo, vì họ cho các Đế quốc phương Tây đi xâm lược các nước nhược tiểu như VN chả hạn, thì trước tiên họ gửi những vị Thừa-sai đi giảng Đạo, đặt nền móng căn bản…rồi từ đó mới đưa quân đội đến chiếm đóng từ từ với chiêu bài bảo vệ các vị truyền Đạo của họ, cuối cùng họ đặt nền đô hộ vững chắc luôn …Hồi đó, dân làng hay gọi cái Thánh giá là  cái “thập ác”(mười điều ác), đôi guốc là “đôi Nguyễn-Thân”(tên ông Quan theo Pháp)…. Nhất định đây là những từ ngữ chẳng tốt đẹp gì, mà tôi nghĩ do chính quyền hồi đó bày ra, cùng lúc với những câu ca dao bôi-bác đạo Chúa rất đắng cay như: “Đức Chúa Cha ăn ba xơ mít/Đức Chúa Mẹ chê ít không ăn/Đức Chúa Con lăng-xăng ăn hết…” Tôi nghĩ không phải tự dưng mà có những câu hát này, nó là một chính sách toàn quốc. Và những câu dành cho bọn tôi rằng “Lấy chồng bần cố là tiên/ Vớ phải Địa chủ là duyên con bò” nhưng trong thực tế tôi thấy mấy cô gái trong làng chỉ ưa làm bạn với các anh tôi vì dù sao họ cũng con nhà nòi, mặt mày sáng sủa, học giỏi và được giáo dục tử tế hơn bọn “bần cố nông”  mặt đục như nước cơm  -  mà lão Lénine gọi là “khối ngu” (masse ignorante) dốt nát, ăn nói cộc-cằn, hỗn xược ai cũng gọi bằng “thằng” nhờ dựa hơi “đoàn” hay “đảng” …Những câu hát trên làm cho đám Giáo dân ngày càng thu nhỏ lại bên căn nhà thờ rách nát. Tôi mủi lòng theo những xốn-xang, nên tôi chẳng bao giờ đùa nghịch nghêu ngao mất dạy như rứa… Mùa Giáng sinh đã qua đi một cách thầm lặng ở ngôi nhà thờ mái tranh này với những chiếc lồng đèn bánh ú, đèn ông sao cũ rích được cất kỹ trong kho đợi lấy ra dùng mỗi năm trong mùa lễ lớn, chỉ khác ngày thường là Giáo dân tề tựu đông hơn, với những chiếc áo dài đen nhàu nát quay-quần bên nhau cùng đọc kinh. Nhưng khi Hiệp định  Genève chia hai đất nước, VM ra Bắc, những người lính QG vào tiếp thu xứ này thì họ chỉ đóng quân trong nhà Địa chủ như nhà tôi chả hạn và nhà các Giáo dân mà thôi và chính đám Giáo dân nhỏ bé và đầy chịu đựng này, dưới thời ông Diệm lại được nắm những chức vụ cốt cán nơi chính quyền xã ấp, trong “phong trào Cách mạng Quốc gia” và dĩ nhiên họ phản kháng lại bọn địa phương cũ bằng những hành động không đẹp mắt gì để bù vào những thua lỗ mà lâu nay họ gánh chịu, hóa ra, trong một ngôi làng nhỏ bé như thế này mà cũng đã có nhiều thù hận…Tệ hơn những năm sau, khi VC ngoài Bắc phát động cuộc chiến tranh đánh chiếm miền Nam thì đám địa phương cũ này xuất hiện ra mặt, phần lớn “nhảy núi” để lâu-lâu tràn xuống làng bắt bớ giết người xã ấp và thu thuế nuôi quân đem lên núi…Thế là cuộc tương tàn ngày càng khốc liệt hơn khi dân làng bỏ quê lên Tỉnh lánh nạn hầu hết  …trong đó có gia đình tôi dù không hề dính gì tới chánh quyền QG sở tại….

Rồi những ngày lớn khôn, tôi lên tỉnh học, Bố tôi cũng bỏ làng lên đó đi dạy lại, thì tôi mới biết cái “thập ác” ngày xưa có tên thực là cái “Thánh giá”. Tôi lại được trọ học tại căn nhà nhỏ cạnh cái nhà thờ bằng ngói đỏ thực to, được xây từ thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là của những ông Tây, nên bề thế hơn nhiều so với ngôi nhà thờ làng tôi. Nó nằm trên một khu đất rộng đẹp nhất vùng này. Mái ngói rêu phong với những tháp chuông cao ngất và những khung cửa hình “gothic” màu xanh rất đẹp… Những buổi sáng  trời lạnh như cắt tôi vẫn thường nghe tiếng chuông nhà thờ ngân-nga và những tiếng hục-hặc ho của những người Giáo dân già đi lễ sớm ngoài đường. Mùa Giáng sinh bây giờ đối với tôi có vẻ khác xa những mùa Giáng sinh ở quê nhà mộc-mạc và dửng-dưng, được thu gọn trong mái tranh của ngôi nhà thờ chỉ có cái Thánh giá là lớn… Trong Tiểu khu Quân đội tổ chức hội chợ với những gian hàng, những trò chơi, những máng cỏ, đèn hoa giăng mắc khắp nơi. Nhạc Thánh ca trổi dậy tưng bừng đón mừng khách thập phương với áo quần sặc sỡ…nhất là mấy cô gái Huế, Bắc và Đà nẵng… trú ngụ nơi đây vì họ đến từ những thành phố Văn minh do Pháp chiếm đóng thời chiến tranh giờ họ theo gia đình đến đây hay những người mở tiệm kinh doanh như tiệm sách, tiệm uốn tóc, tiệm bán tạp hóa…, một sinh hoạt mà trước đây không hề có …. Bởi vì tỉnh tôi thuộc vùng VC cũ nên dĩ nhiên rất điêu linh, thành phố đập nát trong kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến” y như Liên xô thời Thế chiến, nhưng tôi không hiểu sao ngôi nhà thờ này vẫn còn nguyên, khi ngôi biệt thự rất đẹp gần bến xe ngựa, nơi Bố tôi từng làm Trưởng nha Học-chánh thời Trần-Trọng Kim đã bình địa tan hoang …Quanh ngôi nhà thờ này phần lớn là các con Chiên làm Công-chức từ Bắc vào nên con cái họ ở đây rất đông khá xinh xắn và ăn nói rất ngọt ngào lễ phép, lúc nào họ cũng ăn mặc áo dài chỉnh tề khi ra đường, đi xem lễ, hay đi học…Tóc họ để dài sau lưng có kẹp to bản buộc ngang, đi lễ thì mang theo cuốn kinh Thánh trên tay, đi học thì luôn ôm cặp da …khác với người địa phương bọn tôi rất nhiều, quen với lối sống ruộng vườn  đơn giản, không có cặp da gì,  ra khỏi lớp là bỏ áo ra ngoài quần ngay …Tôi có dọ hỏi mấy cô bạn cùng lớp người Bắc này về sự khác biệt đó, nhất là phần lớn họ đều lịch sự, và xinh gái …Họ chỉ cười nói rằng họ được dậy dỗ rất kỹ từ Bố Mẹ lẫn nhà thờ,  và “xinh xắn” là chắc do khi Mẹ hoài thai mấy bà hay ngồi cầu nguyện  trước hình bà Maria này nọ nên hình ảnh Đức Mẹ tác tạo nên khuôn mặt đứa bé chăng ? Sau này lớn lên học Triết môn Tâm-lý tôi cảm thấy đúng ….khi biết rằng trong chiến tranh những bà Mẹ thường sinh ra những đứa bé dị dạng  tật nguyền vì họ từng chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi, hay hãm hiếp… hoặc họ chính là nạn nhân bị những ám ảnh khủng khiếp này nhiều năm…đôi khi sốc nặng bị sẩy thai hay đẻ non luôn ….Tôi nói với mấy bạn dù không phải con chiên nhưng tôi rất yêu Đức Mẹ, hơn là Chúa, nên trong bóp tôi lúc nào cũng có hình Bà nhỏ xíu, không hiểu  tại vì cái xinh-xắn hiền thục của mấy “o” thừa hưởng từ Bà, hay vì tôi có mặc cảm rằng tôi “không có Mẹ” ngay từ tấm bé, bởi lúc sinh tôi Mẹ bịnh nặng nên người ở phải bồng tôi đi “bú mày” khắp xóm làng, và tuổi thơ tôi không có may mắn cạnh Mẹ nhiều hơn mà tôi chỉ là con số dư của một bài tính chia không trọn, trong một gia đình quá đông con tới hơn một tá…! Dù vậy, với nếp sống mới, tươi đẹp này, tôi vẫn không thể nào quên được mái tranh  của ngôi nhà thờ nhỏ bé xa xưa mà tôi thường hay đi ngang qua vào những buổi mai đầy sương mù, hay những buổi chiều tà tắt nắng với đàn bò của tôi  chen-chúc nhau trong làn bụi đỏ. Tôi vẫn nhớ những chiếc lồng đèn bánh ú, đèn ông sao cũ kỹ, có cái đã rách một bên gió thổi chập chờn giăng ngang trước sân nhà thờ với màu tím đỏ…và nhớ ông Cha Ngọc già nua thương yêu đến thăm Bố tôi vạm dặm nhưng ít khi được toại lòng ….

Rồi những mùa Giáng sinh ở Nha Trang, xứ của miền thùy dương cát trắng, tôi lại cũng trọ trong khu Phước-hải, cạnh nhà thờ, sát bên đường rây xe lửa, nên đêm hôm tôi trằn trọc không ngủ được bởi tiếng xe lửa chạy rì-rầm suốt đêm… Đặc biệt lúc này người ta không xài xe lửa chạy than nữa mà bằng đầu máy thực to chạy bằng dầu “diesel” nên nó có những hồi còi khi rời Ga ra Trung sao mà nghe buồn não-nuột, chỉ hai tiếng “te-tò…” thực dài và trầm khàn rất đục khác với còi tàu chạy than tiếng còi huýt lanh-lảnh từng hồi nghe rất vui tai …Tiếng còi trầm khi tàu vừa chuyển bánh từ từ ra Trung, làm nhớ quê hương của tôi xa lắc mà đã lâu tôi đã không trở về lần nào …Ngày Giáng sinh nơi ngôi nhà Thờ mà người ta gọi là “nhà Thờ đá” này, tôi hay ngồi một mình trên bờ thành nơi con đường quanh co dẫn lên ngọn đỉnh đồi vu-vơ nhìn người qua lại. Giáng sinh ở đây có vẻ tươi mát hơn nhiều so với những Giáng sinh mà tôi đã trải qua trước đó, vì nơi đây là thành phố du lịch được người Pháp chiếm giữ trong cả trăm năm , dấu tích còn để lại trên những bảng hiệu, khu Du lịch, khách sạn, nhà hàng, kể cả những bảng cấm nơi nhà hơi máy đèn đều ghi bằng tiếng Pháp “Défense d’entrer/ cấm vào”….như “Hôtel Beau Rivage”, “Grand Hotel”, “hay “Cité Pasteur” khu dành cho những gia đình nhân viên làm vệc trong viện bào chế . Dọc theo bờ biển là những biệt thự được thiết kế và sơn màu nâu đỏ y như bên Tây, có cả ngôi trường Pháp ở đây mà ngày xưa cô Tuyết-Mai xinh đẹp (sau này là bà Kỳ) từng theo học di chuyển bằng Cyclo hay chạy ngang qua ngôi trường Võ Tánh của tôi, thì chúng tôi trêu bằng những tràng vỗ tay không ngớt ,,, Ngôi nhà thờ ở đây đẹp nhất mà tôi từng thấy. Nó nằm trên một ngọn đồi nhỏ vừa đủ để xây cho một ngôi giáo đường, lại lọt ngay giữa lòng thành phố lớn. Bên dưới là một con đường nhựa rộng phẳng lì, rợp bóng me xanh, chạy dài từ nhà Ga xuống tận bãi biển… Nhưng tôi chẳng có kỷ niệm gì với mùa Giáng sinh trong thành phố biển đẹp đẽ này ngoài những chiều buồn tôi thường đạp  xe ra Hòn chồng ngồi bơ-vơ nơi trường Bết-lê-hem của khu Tin-lành, nhìn biển mênh-mông, thấy nhấp-nhô bên kia đồi là những dãy nhà ngói đỏ chập-chùng của tu-viện Lasan……xa-xa, là bãi sông xóm Cồn ăn lan ra biển, với những túp lều xiêu-vẹo, bên căn lầu cổ-kính chơ-vơ của ông Năm ( vì ông mang cấp bực Trung-tá Hải quân Pháp, người Y-sĩ đã chọn Việt-nam mà Tổ-quốc ông đã dày xéo, để nghiên cứu về bịnh yết-hầu, bịnh than…và khám phá ra Đalat - quê hương thứ hai tôi yêu thương nhất trong đời …để rồi ông chết tại Nhatrang với phần mộ  an-táng trên một ngọn đồi ở Suối dầu cách Nhatrang vài chục cây số có cắm tấm biển hình mũi tên đề “Tombeau du Dr Yersin” một  vĩ nhân mà tôi rất ngưỡng mộ vì tài năng lẫn đức hy-sinh vô bờ bến của một ông Quan 5 vốn trong đoàn quân Thực dân  viễn chinh Pháp…

Khu nhà tôi trọ cũng có nhiều gia đình Công giáo Bắc Di cư, con cái họ đều học trường tư, mà tôi chỉ học trường công nên không có cơ hội đấu hót như khi ở quê nhà, nhưng tôi lại hay rong chơi với cô bé hàng xóm con bác Hai Xích-lô, bác dù nghèo nhưng rất vui tính, bác gái hơi khó tính và ưa chì-chiết-ỳêu con gái mnh kiểu nhà quê trên Diên Khánh, nên mỗi lần tôi sà chiếc xe đạp cà-tàng trước nhà để rủ Loan đi tăm biển bằng vài câu huýt sáo báo hiệu, thì nhỏ chạy ra đứng trên gác vẫy tay bảo chờ chút nha, thì bà bác ở nhà dưới mắng lên “ngựa đi, ngựa đi nha mậy!” nghe tức cười, dù bà chả cản vì biết tôi hàng xóm vốn dân Trung kỳ chắc cũng khá giả mới đi học xa được, lại hiền lành lễ phép gặp hai bác đều chắp tay chào tử tê, và đang học Võ-Tánh là ngôi trường lớn miền Trung thi vào rất khó, không thua gì Quốc học Huế, nên bà cũng hỉ xả cho cô gái rượu của mình …Loan chỉ trang điểm sơ-sơ, mặc cái áo pull trắng, tròng  cái quần Jeans sọt xanh, ôm cái ruột bánh xe hơi bơm thực to rồi phóng xuống gác vội, thót ngay lên ba-ga sau xe tôi, ôm chặt rồi cùng chạy về hướng biển…đến chiều thì tôi mang Loan về  trả lại không mất ký-lô nào hết, tình anh / em sáng như gương nên hai bác cũng an tâm …

Gíáng sinh, phải nói là Đàlạt, xứ của nhà thờ, của ngàn thông vi-vút bốn mùa được điểm tô bằng những mùa “mưa diêm-sinh”, từ những chùm hoa thông rộ chín mà một nhà thơ nổi tiếng miền Trung trước 45  tên Xuân Diệu đã viết trong tập văn xuôi của ông: “Phấn thông vàng” cho đến nay tôi vẫn còn mê-mẩn, từng mô-tả  về loài phấn hoa kì bí này có sinh hoạt tình cảm như loài người tìm nhau rằng: “ Có phải là tình yêu đó chăng? Sự phung-phí đã thành mỹ-thuật, phấn thông vàng không hề uổng công…” Tôi yêu văn xuôi của XD hơn là Thơ của ông, cho đến nay tôi vẫn còn giữ tập “Phấn thông vàng” của ông …trên kệ sách

Giáng-sinh ở vùng sương mù này thật rộn rã, là nơi của các khách quí từ các nơi đổ về,nhất là Sài-gòn hoa lệ, nơi của những hẹn-hò, của bậc giàu sang. Hội chợ mở ra liên-miên khắp nơi mà người dân vẫn thường gọi là “Kermesse”. Cả, mấy tuần lễ trước ngày Chúa ra đời. Và nơi đây, tôi đã có những ngày Gíáng-sinh cuối cùng với người bạn nhỏ trong khu Hội chợ, tổ chức mãi bên đồi “Domaine de Marie”, nơi tôi đã  tham dự trò chơi “thảy vòng vịt” rất vui khi chân tôi dài nên cố nhoài người vào một vòng dây chắn ngang bụng để thảy cho được một chiếc vòng vào cổ con vịt, tôi thắng trong tiếng cười lớn của mọi người cùng Trâm với món quà bất ngờ này, chúng tôi lang-thang trong phố khuya đầy hơi sương trên những con dốc nhỏ xách theo con vịt dẫy-dụa về tặng cho Mẹ Trâm như món quà may mắn Giáng sinh đầu tiên cho bà và cũng là lần cuối cùng tôi xa thành phố của biệt-ly riêng tôi  này vì tôi tự biết sẽ chả còn có cơ-hội nào để trở lại đó bao giờ, đồng nghĩa với sự mất-mát dồn lên trong những ngày lính tráng vào tuổi thanh xuân, mà đáng lẽ ra tôi phải được la-cà ở các sân trường Đại-học như những người trai trẻ khác có chút chữ nghĩa trong đầu…

Rồi những ngày của Chúa ở Sài gòn, đồ-sộ thực, nhưng chẳng có mùi vị gì của Giáng-sinh, ngoài chuyện kẹt đường với những áo quần thời-trang nhất từng bước chen nhau trên những Đại-lộ đầy ắp hơi-người dẫn về ngôi nhà thờ Đức Bà quá nhỏ bé, so với số dân khoảng 10 triệu của một Kinh-đô. Tôi đứng lơ-ngơ một mình trên vỉa hè nhà sách Khai-Trí ở đường Lê-lợi tình cờ gặp lại người Giáo hữu Tin-lành ngày xưa mà tôi đã có lần đi lễ nhà thờ với nàng ở đường Trần-Hưng-Đạo, cách đó mấy năm. Người con gái lom-khom chọn những cành hoa vàng như chiếc áo màu hoàng-yến của nàng hôm đó. Người con gái ngỡ-ngàng sau tiếng gọi của tôi, một nụ cười buồn đồng lúc với những ngón tay mân-mê chuỗi ngọc trai buông thỏng trước ngực nàng, và một chút dỗi hờn nói “Em lên Đàlạt đã lâu làm công quả cho nhà Thờ!”. Sau khi nghe tôi hỏi “Bây giờ em ra sao?”…  Tôi nhìn người con gái từ trên xuống dưới làm nàng e ngại, rồi nàng chợt hỏi: “Sao anh lại nhìn em như rứa?” Tôi mỉm cười trong câu nói ba-hoa “Vẫn đẹp như thủa nào,  nhìn cho bù những lúc xa-xăm được không?” Người con gái bẽn-lẽn nói nhỏ vẻ so bì : “Vậy thì ai bù cho em đây? Trước khi đi  Đalat em có vào Đại-học xá Minh-Mạng tìm anh 2 lần , nhưng chẳng gặp, như vậy mình đã nợ-nần gì nhau không…?”Tôi buồn-buồn nói : “Tạ ơn em, nhưng lúc đó tôi đã là lính, Chúa sẽ bù cho em thay anh vậy thôi, và đừng trách những người đem thân giúp nước khi thân họ chả có gì, ngoài những chịu đựng thương đau” …

Rồi những ngày trong tù, tôi chỉ nhìn thấy Giáng-sinh nơi một người bạn nằm kế cạnh, hành lễ nửa đêm bằng những lời kinh rì-rầm trong bóng tối. . Hắn ngồi tựa lưng vào tường, 2 tay ôm vòng trước ngực, miệng thì-thầm qua những làn hơi đứt quãng giữa những tiếng ngáy đều của hàng trăm nạn-nhân  chứa đầy trong một căn phòng chật-hẹp, trên nền đất ruộng lạnh gồ-ghề, chỉ được lót bằng những tấm nhựa mỏng vừa đủ bờ lưng để làm nơi nghỉ-ngơi. Lời kinh của một người tù, buồn chưa từng thấy! Chúa và kẻ thù, ai quyền lực hơn ai? Người tù ngẩng nhìn vào khoảng không đầy bóng tối để nghĩ đến Chúa bên những sợi xích oan- khiên tròng vào cổ bởi những người học trong cuốn kinh-điển máu có câu: “Con người đã tạo ra Chúa, chứ không phải Chúa tạo ra con người” Hay độc địa hơn: “Tôn giáo là thuốc phiện của loài người”(Marx)…

Rồi những ngày hoang đảo Galang, tôi đón mừng ngày Chúa ra đời với người đạo hữu nhỏ trong ca-đoàn có tên một loài hoa chỉ nở về đêm: Quỳnh. Cô bé xinh-xắn và gầy nhom đó có một người tình chết  trong một trại tù ngoài Bắc xa-xăm với bài hát buồn trên ngọn đồi sau nhà thờ vào một chiều lộng gió. Lời nhạc chùng xuống như lòng người nghe giữa ngày vui của Chúa ra đời. Chủ-nhật nào là “ Chủ nhật buồn không nguôi-ngoai…” hở Quỳnh? Trái hẳn với những lời ca của những Thiên-thần báo tin mừng cho nhân loại. Tôi nhớ dáng Quỳnh bẹp xuống dưới những lời ca tội-nghiệp… và rồi cũng chỉ để chia tay. Quỳnh về phương Bắc, tôi giạt phương Nam. Mỗi người mang trong lòng những vết thương tưởng như không bao giờ lành được. Nhưng rồi mọi chuyện đã qua đi, qua mau như tháng ngày của Chúa…

Và 82, Gíáng-sinh ở nơi này, ngày tôi mới bước chân vào đến Hostel. Lại những đèn hoa và những lời chúc mừng với sự vinh-danh của Chúa trên trời dành riêng cho những kẻ “Thiện-tâm”…

Trong giữa khu nhà bàn rộng mênh-mông, mọi người đều hí-hửng, ngoại trừ những người tỵ-nạn Việtnam còn in những nét hằn sợ hãi chưa kịp phôi-pha bên những người di dân Châu Âu xa lạ như có mùi kỳ-thị ở những buổi đầu. Di dân là những người được trang-bị đủ thứ trước khi đến đây. Kể cả tiền bạc và nghề- nghiệp nhưng điều quan-trọng hơn là họ có thể trở về nước mình ngày nào và bao lâu cũng được, khác với người tỵ-nạn Việt-nam, đã ra đi là “mất lối quay về” dù có tự lường gạt lòng mình cách mấy đi nữa, trừ một phép lạ nào đó dành riêng cho giống dân suốt đời nhìn lửa đạn…

Trên tường nhà ăn đầy những câu chúc mừng ngày Chúa ra đời bằng đủ mọi thứ tiếng dành riêng cho mười mấy sắc dân cư ngụ tại-đây, mà chẳng thấy một lời chúc lành nào  cho người ty-nạn Việt nam rách-rưới, dù họ chiếm đến 80%  số người tạm trú trong khu tiếp-cứ sang trọng này. Như thể dân Việtnam không phải là “người”, và  không là “con của Chúa”?!!

Trên bàn thức ăn và bánh mứt ê-hề. Các nhân viên phục vụ và ban Giám đốc ăn mặc thật đẹp. Người nào cũng đeo nơ đỏ cài trên chiếc hoa vải màu trắng nơi ngực. Họ đứng 2 bên lối ra thành 2 dãy bắt tay từng người với lời chúc Gíáng-sinh và thăm hỏi ân-cần. Ông phó Giám đốc là một người Ấn-độ, dáng cao với nước da ngâm đen và bộ râu quai nón, một giống dân ở không xa lắm nước tôi đã một thời hưởng-nhiều lợi-nhuận qua nghề bán vải ở các thành phố Việt nam, bắt tay tôi cười, nói:

-Chúc mừng mày một mùa Gíáng sinh vui-vẻ.

Tôi cũng nắm tay ông thực chặt và…nói những lời tương-tự như ông bằng tiếng Pháp, vì tôi hy vọng phần lớn người Ấn-độ ở Việt nam đều biết ngôn-ngữ này khi thời trung học tôi chỉ chọn Anh văn như sinh-ngữ 2 mà giờ học nào tôi cũng trốn, nên cực dốt. Tôi nói vui-vẻ trong nụ cười, người Giám-đốc ngạc-nhiên, vỗ vai tôi cười rạng-rỡ nói:

-Mày biết tiếng Pháp sao?

-Biết chút-chút đủ hiểu mày…

Hắn mỉm cười, hỏi tiếp:

-Mày nghĩ gì về buổi Party do ban Gíam-đốc tổ chức mừng Chúa giáng-sinh hôm nay?

-Vui lắm cho những người Châu-Âu!

Hắn ngạc-nhiên hỏi giật lại:

-Tụi Á châu như mày không vui sao? Ngày sinh của Chúa mà?

-Tụi tao không phải con của Chúa, nên không được chúc mừng trên tường kìa. Mày xem kia trong mấy chục câu chúc mừng dán trên tường nhà ăn có câu nào cho người tỵ-nạn Việt nam tụi tao đâu, dù tụi tao ở đây đông nhất…!

Hắn ngỡ-ngàng quét mắt một vòng, vẻ bối-rối, rồi nó “Sorry.Sorry” luôn miệng. Tôi, nói để trấn- an hắn trong nụ cười bỡn-cợt.

-Không sao đâu bởi vì người Việt nam tao đã bị lãng quên lâu rồi. Nhưng để trả lời mày câu hỏi lúc nãy nghĩ gì về buổi Party này thì tao mơ rằng ngày nào Chúa cũng nên ra đời hết!...

Hắn biết tôi đùa nhưng cũng muốn biết tại sao tôi lại nói một câu kỳ-cục như thế. Khi tôi vừa mới than buồn vì không có lời chúc nào cho người tỵ-nạn Việt nam. Hắn cười, hỏi:

Sao vậy?

-Vì nếu ngày nào Chúa cũng ra đời thì ngày nào tao cũng được ăn ngon và cũng được ban Giám đốc của mày đứng 2 bên bắt tay…

Hắn bật ngửa người ra sau , cười to nói:

-Mày giỡn quá cỡ nha.!

Tôi nói giả-lả:

Người Việt nam tuy ở trong những hoàn cảnh đáng buồn tủi, nhưng lúc nào họ cũng tìm cách chịu đựng bằng những nụ cười….

Đó là mùa Giáng-sinh mở đầu trên đất mới, nơi mà tôi thấy sự kỳ-thị hay sự lãng quên đã bắt đầu, dù bên ngoài nó có vẻ công-bằng cho mọi người trong chính sách đa văn-hóa, vì quyền lợi của nước Úc nhiều hơn là vì tình người. Riêng đối với tôi, dù có Chúa ra đời hay không có Chúa ra đời thì trên mặt đất này vẫn chẳng có gì đổi thay. Người “thiện tâm” vẫn cứ bị áp bức trong nghèo đói, bịnh tật, trong lãng quên… Và Chúa vẫn mãi ở trên trời… dù trong mùa Giáng-sinh nào tôi cũng thấy trước mọi cổng nhà thờ  khắp nơi trên thế giới đều có treo tấm bảng thực lớn xác nhận rằng:

“ Vinh danh Thiên Chúa trên trời/Bình-an dưới thế cho người thiện-tâm…”

Tôi vẫn hằng mơ được làm người “thiện-tâm”để được Chúa cho tôi “bình-an” ở những ngày “dưới thế” đầy rẫy những đố-kỵ, thương đau này…

Rồi những ngày tôi tạm xa Sydney về nằm trên những ngọn đồi vùng biển Wollongong để quên đi những nhọc-nhằn trên căn lầu 3 của một tòa báo, cạnh ga xe lửa, mà suốt ngày tôi chỉ nghe tiếng tàu nghiến trên đường sắt rì-rầm. Tôi cố lòng quên đi mọi thứ kể cả những thứ không thể quên được, trong đó có ngôi nhà thờ với tháp chuông xanh, nơi có người tín-nữ tội tình rất trẻ gặp tôi lần cuối cùng cách đây đã khá lâu, cũng chỉ để nói một câu như múc cạn lòng người, mà tôi vẫn cố mang theo như một thứ hành-trang không nỡ quên trong những tháng ngày thầm lặng:  “Hai mẹ con em vẫn thường cầu-nguyện cho anh hằng đêm, có thể điều đó anh không tin, nhưng khi người ta muốn nói ra một điều gì, không có nghĩa rằng, người ta mong điều đó được tin…”

Tôi lặng thinh, ngồi nhìn những sợi khói thuốc lên cao, rồi tan dần trong khoảng không nơi căn phòng mù-mịt-những quá khứ. Tôi nhìn người thiếu phụ mới vừa đủ tuổi để trưởng-thành, với ánh mắt của người mang nặng trong lòng nhiều nỗi bất-an. Tôi muốn tìm một câu gì đó để nói với người thiếu- phụ đang ngồi cúi đầu trên chiếc Sofa mân-mê những ngón tay thon nhỏ, nhưng tôi chỉ thở dài, lắc đầu, rồi cầm cái mũ bước ra ngoài giữa những hồi chuông lễ nửa đêm thong-thả vang lên, từ một ngôi thánh-đường gần đó cùng lòng mơ ước với Chúa, tôi mãi mãi là kẻ “Thiện- tâm” dưới thế, và tôi thèm khát những “bình-an”, dù tôi chỉ là một kẻ lang-thang ngoài Đạo, có nghĩa là tôi chưa chịu “trở về” theo quan điểm của người Ki-tô… mà trong ký-ức tôi vẫn thấp-thoáng ngôi nhà thờ mái tranh nhỏ bé với chiếc Thánh giá sơn màu vôi trắng đã phai ….cùng ngôi Giáo đường có tháp chuông xanh nơi đây mà người thiếu phụ tôi quen vẫn hay thường đến đó cầu nguyện cho tôi, khi có lần từ nơi xa tôi bất ngờ trở về con phố nhỏ này, đụt mưa nơi bến Bus cạnh đó, nhìn qua cái tháp chuông lờ mờ bên kia lòng tôi bỗng dưng chùng xuống thực thấp và tôi tự hiểu vì sao?Bất giác tôi ghi lại những dòng này …không thì tôi sẽ không bao giờ viết lại được :




 NGÔI GIÁO-ĐƯỜNG,

CÓ THÁP CHUÔNG XANH ...


Tôi rất yêu những sáng trong lành, 

Đôi mắt buồn dưới nắng ...long-lanh, 

Em, một mình đi về nơi đó, 

Ngôi Giáo-đường có tháp chuông xanh ....?


Lời kinh nào, em nguyện cho tôi, 

Dù ai vẫn biền-biệt phương trời, 

Đôi lúc  - nghe lòng mình đốt lửa, 

Cháy ruột gan trong nhớ em, thôi!


Chuông nhà thờ vẫn đổ lưa-thưa, 

Tiếng kinh buồn hiu-hắt trong mưa, 

Tôi về một tối  -  dừng trên phố, 

Đứng lặng im ... nhìn tháp chuông xưa ...!


Em vẫn còn đến đó nguyện- cầu ?

Xin cho người ngoại-đạo như tôi, 

Một chút gì - như chừng thương nhớ,

Tôi từng mơ ...một thủa đã lâu !?


Mưa đêm rả-rích,

ngoài trời ... 


Co-ro hiên phố,

tôi ngồi với tôi!? 


Nghe thân ngựa,

mỏi rã-rời ...


Mới hay mình,

đã một đời lãng-du ....?!


                               *Nguyễn-Tư

Và, cứ mỗi lần chợt nhớ tới mình vào những dịp cuối năm khi những cành hoa Jaccaranda nơi đây nở tím , thì cũng là lúc mùa Chúa sắp ra đời mà tôi đã từng trải qua theo từng giai đọan của Lịch sử, vui buồn lẫn lộn, thì tôi không khỏi bùi-ngùi, như một lời tạ lỗi với chính mình qua một bài thơ chỉ để riêng tặng một người mà thôi là chính tác-giả:


BÀI HÀNH CUỐI NĂM


*Tặng: tôi


Tính sổ cuộc đời mà thống-hối,

Bàn tay không, vẫn chỉ là không,

Dăm ba cuốn sách làm tay gối,

Vài chục bức tranh buồn mênh-mông !


Tráng-sĩ ngày xưa là ly-khách,

Chừ - ta đi có mong ngày về,

Mấy chục năm trời trong xa cách,

Ta, có còn giữ vẹn lời thề ?(*)


Năm năm lửa đạn đời biên-trấn,

Tình nước non nằm giữa tâm can,

Lệ đá khô chảy thành từng ngấn,

Mà vẫn nghe lòng đất than-van !


Sáng thức dậy trơng cơn ngái-ngủ,

Cầm nắm cơm lội miết trong rừng,

Tay súng gờm như con thú dữ,

Dù “thư-sinh bạch-diện” -  đã từng …


Sáu năm tù, đổi thành “nợ máu”,

Tổ-quốc nào, ghi ơn tuổi xanh,

Biết bao kẻ chọn rừng nương-náu,

Gửi nắm xương tàn  -  ai vinh-danh?


Đất nước này, là đất nước chung,

Sao ta vẫn thương nhớ vô-cùng,

Hay vì đã một thời góp máu,

Mà không mơ làm kẻ “anh-hùng”?


Hôm nay - ngoài trời hoa tím nở,

Mùa Chúa sinh chuộc tội cho người,

Đôi tay rộng của Ngài vẫn mở,

Xin cho tôi một nửa môi cười !


Nỗi lòng cố-quốc vời thương nhớ,

Biết bao giờ cho ta nguôi-ngoai ?

Và - như trời đang mưa bụi bay,

Em cũng buồn như ta hôm nay ?


                       *Nguyễn-Tư

 

    (*)  Ghi chú: Các SVSQ trường Võ-khoa Thủ-đức  sắp mãn khóa đều phải làm lễ tốt-nghiệp tại Vũ-đình trường, được chủ tọa bởi môt ông Tướng từ SG xuống .Sau hồi quân nhạc hùng tráng , ông Tướng đứng trên khán đài đọc diễn văn rồi hô:“Quì xuống các ngươi !” thì toàn thể khóa-sinh mãn khoá phải quì xuống với gối phải, gối trái vuông góc với mặt đất , tay trái cầm Képi úp trên gối trái, …tay mặt buông thỏng  theo thân. Khi nghe ông Tướng hô: “Xin thề trung thành với Tổ quốc!” thì toàn thể Khóa sinh mãn khóa giơ tay phải  lên cao trước mặt rồi hô theo“Xin thề!”(3 lần) .  Xong lúc đó có tiếng mìn nổ ngoài  bãi tập rền vang, khoá đàn em đứng cạnh bên tiến lên móc lon Chuẩn-uý cho các Khóa sinh đàn anh mãn khóa… Tiếp đó ông Tướng ra lịnh: “Hãy đứng dậy các Tân sĩ-quan!” thì các Khóa sinh mãn khóa đồng loạt đứng  dậy, với cấp bực mới, chuẩn bị sau 10 ngày phép phù vân là phải ra đấu trường ….    

Nguyễn-Tư




Wednesday 16 December 2020

XÓM BIỂN… Nguyễn-Tư

 


XÓM BIỂN…

Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Người con trai mặt đầy mụn, có cái đầu trọc-lóc, bóng lưỡng như một vị thiền-sư. Hắn mặc một chiếc áo sơ-mi màu vàng nghệ vạt bầu, dài thoòng, xin ở kho xã-hội trên Đảo Galang, làm cho người hắn có vẻ lùn xuống. Bên dưới là chiếc quần ka-ki dày mo, có lẽ đem từ Việt Nam sang, nên thấy còn màu phèn nâu ở hai ống quần. Mặt mũi hắn trông hơi ngố, của một thanh niên nhà quê. Nghe nói hắn là tài-công phụ cho một chiếc tàu lớn 6 lốc, ở đâu miệt Bến-Tre. Hắn khom người bưng tô cháo đầy, nổi lỏng-bỏng những mảng mỡ và những vụn lá hành đã đổi màu. Nét mặt hắn có vẻ khổ-sở và ăn-năn….Người con gái nằm trên giường bệnh, phủ “drap” trắng trong một căn phòng nơi “Nhà thương mới” do Nhật thiết lập để tặng cho người Tỵ-nạn Đông dương. Cả hai người khoảng 20 tuổi ngoài. Người con gái có dáng thanh-cảnh nhờ đôi chân dài, và cũng  nhà quê nhưng có vẻ khá hơn. Đôi bàn tay thò ra ngoài chiếc mền, phía trên mu gồ lên những sợi gân xanh, da sần-sù và ngâm-ngâm đen. Khuôn mặt chỉ còn thấy được cái mũi nhô lên khỏi những lớp băng trắng quấn chằng-chịt, và hai lỗ mắt đen thui đủ để nhìn. Không thể nào đoán được người con gái này đẹp hay xấu? Người con gái trở mình rồi rên ư-ử trong cơn đau-đớn. Nàng rất khó-khăn nhổm người ngồi dậy. Người con trai đến phụ người con gái đỡ phía sau lưng. Người con gái đưa tay đẩy người con trai ra với vẻ khinh-bỉ, khó chịu. Người con trai đứng trân, nét mặt thảm-não, một lát nói: “Anh xin lỗi em mà, anh thương em quá, thành thử...” Người con trai bỏ lửng câu nói, rồi đi về phía chiếc bàn nhỏ có đặt tô cháo thịt, khom người xuống, cẩn -thận bưng đến cho người con gái. Người con gái vẫn lặng-lẽ. Người con trai bưng tô cháo đợi chờ, không thấy phản-ứng của người con gái, nên giọng cầu-khẩn, nói:

-Thôi mà, tha lỗi cho anh đi! Vì anh thương em quá hóa dại…

Xong, hắn bước tới gần người con gái hơn, và tiếp:

             -Em rán ăn tô cháo giùm anh cho nó khỏe, da nó mau lành đi cưng! Anh xin lỗi em mà!

 Khi sáng anh dậy sớm ra chợ đổi một chỉ vàng cho ông Năm để mua cho em ít thịt về                     bằm nấu cháo cho em ăn đó chứ, không dám mua đồ biển, sợ mưng mủ …làm độc mấy vết thương...

Hắn vẫn tiếp-tục kiên-nhẫn bưng tô cháo đã bắt đầu nguội sát khuôn mặt người con gái hơn. Bất thần người con gái đưa tay hất mạnh tô cháo, làm rớt xuống sàn vung ra tung-tóe, rồi nói:

             -Anh ra chỗ khác đi, tình-nghĩa gì nữa mà anh bò đầu tới đây lo cho tui, anh đã cố-tình giết tui mà. Anh đừng có ngó mặt tui nữa. Hổng cơm cháo gì hết! Anh đi đi, cho khuất mắt tui!

Người con gái bật khóc lớn, rồi nằm xuống xoay mặt vào tường. Người ta thấy hai vai nàng rung-rung theo tiếng nấc dưới làn mền mỏng….

Người con trai dáng thiểu-não, đứng làm thinh, rồi bước ra ngoài kiếm đùm giẻ và cái thùng rác bằng mủ có nắp đậy, ngồi xuống, nhẫn-nhục lau. Người con gái vẫn tiếp-tục khóc nức-nở, và kể lể:

        -Anh quyết giết tui, tui biết chứ, nhưng số tui còn nặng-nợ, nên Trời bắt phải sống trong

sự tàn-phế như thế này. Thà anh đâm tui một dao chết liền tại chỗ, tui còn vui lòng, cảm ơn anh hơn, đằng này..., đằng này...ác gì mà ác dữ vậy trời?! Anh đưa tui đi làm chi, để giờ này tui “thân tàn ma dại” chỗ “tứ cố vô thân”này, hở Trời...!?

Người con trai vẻ đau khổ, ăn-năn nói:

   -Tại anh thương em quá mà thôi!Anh bỏ nguyên cả gia-đình lại cũng chỉ vì muốn đem em đi theo thôi. Anh lỡ dại... “no mất ngon, giận mất khôn” em à! Thằng đó, nó đã có học, bảnh trai hơn anh nhiều. Lại đang làm thông-dịch cho phái-đoàn Mỹ, chứ anh đâu có cái thớ gì?!

-Thôi, anh đừng nói nữa. Bề gì thì tui cũng tàn-phế một đời con gái của tui rồi! Anh thâm 

độc lắm, anh có biết không? Anh nghĩ anh làm vậy để tui theo anh suốt đời chứ gì? Tui mà biết trước lòng dạ của anh hiểm-độc như thế này, thà tui ở lại với tía mẹ tui còn hơn. Tía mẹ tui đâu có đẻ tui ra gớm-ghiếc như vầy anh? Trời ơi, là Trời! Tui mình đồng da sắt gì cho cam. Rồi mai kia, mốt nọ, tui sống làm sao nè Trời?!!Người con gái nấc lên bùi-ngùi...

      Người con trai đến ghế ngồi một lát trong sự im lặng nhẫn-nhục, ngó cái lưng người con gái nói:

-Anh xin lỗi em mà, anh nóng quá, thương em quá, anh biết anh thua thằng cha đó xa, và 

biết sắp mất em, thành ra... thành ra...

Người con gái vẫn chẳng nói gì thêm, mà cứ xoay mặt vào trong tường khóc tức-tưởi. Người con trai cúi người xuống gầm giường, lượm những quần áo dơ của người con gái đem ra suối giặt như một người chồng lo cho người vợ những khi ốm đau. Hắn bước ra ngoài, nét mặt buồn hiu- hắt, ôm cái bọc “nylon” chứa quần áo đưa lên mũi ngửi-ngửi, rồi lủi-thủi đi về hướng khu 4, có con suối nhỏ chảy róc-rách bên vệ đường dẫn xuống cầu tàu….

                                        


Thằng Trạch là một thanh niên hiền-hậu, nhà nghèo ở nơi Xóm Biển với bố mẹ già và mấy đứa em gái nhỏ. Nó vừa lớn, gặp tuổi nghĩa-vụ chắc sẽ đưa sang “Campuchia” chiến đấu, nhưng nhờ có người chú đi tập-kết ra Bắc năm 54, sau 75 hồi-kết về Nam, rồi về vườn, được cử làm Âp-trưởng, nên Trạch thoát thân. Nhờ đó nó được ông Tám ghe lưới cá biển, thuê làm tài-công phụ cho tàu ông để đi đánh cá xa, có khi cả mấy tháng mới về. Ông Tám thấy nó mạnh khỏe, hiền lành, chăm-chỉ, lại được hoãn nghĩa-vụ, hơn nữa chú nó cũng có gởi-gắm cho ông, nên nó cũng được ông Tám tin dùng, mà cũng sợ ông Ấp-trưởng nắm quyền sinh-sát trong tay khi ông Tám khá giàu, nhờ có bán mấy cái ghe bự cho mấy ông Tàu đi đăng-ký …Có điều, ông Tám cũng sợ nó phản, vì chú nó là dân CM nhiều tuổi đảng từng tập-kết ra Bắc năm 54. Trong thâm-tâm, ông Tám biết  trước sau gì rồi nhà nước cũng “chặt đẹp” ông thôi, vì hiện giờ ông có 2 chiếc ghe đánh cá tốt nhất vùng đi viễn-duyên. Vả lại, trong đợt người Hoa đi “đăng ký” như đã nói trên, ông đã bán được 2 chiếc ghe lưới hoàn trước đây, nên ẳm khơi-khơi một cách ngon lành khoảng 600 cây vàng, chưa kể hàng trăm ngàn đô Mỹ, từ tay mấy tên đại xì-thẩu ở Chợ lớn, tìm cách thoát khỏi cái vùng đất bấy lâu họ đã nắm tất cả sinh hoạt kinh tế miền Nam. Vàng của Việt nam thì giờ trả lại cho Việt-nam, đâu có hề gì, miễn họ thoát ra ngoài được, thì sẽ “chặt đầu, lột da” trở lại, cũng của mấy thằng Việt nam lưu-vong mấy hồi, lo gì?...

Nhưng kể từ ngày ông Tám thấy thằng Trạch, cứ mỗi lần ghe vào bến, sau một tháng đánh cá ngoài biển khơi, thế nào nó cũng lựa vài con cá ngon, ném xuống cho con Lụa trong đám dân làng bâu tới nhặt cá vụn, thì ông bắt đầu tin nó. Thằng Trạch, mặt đầy mụn, dáng người vạm-vỡ, đứng trên sàn ghe, nhón người tìm con Lụa trong đám đông, đang cầm cái nón lật ngửa, mặt hớn-hở giơ lên cao nói: “Em đây, anh Trạch”, Trạch mừng rỡ nói; “Giơ nón cao-cao lên một chút đi! Em mạnh giỏi không? Chiều nay gặp ở nhà lồng chợ nghe, chạng-vạng...” Con Lụa cười tươi như hoa, hàm răng nó đều như bắp, da ngâm-ngâm đen, nhưng nhờ có lúm đồng tiền, nên nét mặt duyên-dáng hẳn lên….

Lụa là con của một Cảnh-sát viên VNCH ngày xưa trên tỉnh thành, bây giờ về sống ở quê Nội để làm ruộng, thay vì phải đi  khu “Kinh- tế mới”, nhưng nó cũng thường đến Xóm Biển để nhặt cá vụn kho ăn mỗi khi có ghe cá về, vì cuộc sống thời này rất khó-khăn bởi ruộng đất bắt đầu buộc vào Hợp-tác xã nhà nước hết nên thu-hoạch chả bao nhiêu. Lụa không đẹp, nhưng trông cũng mặn-mà…Trong xóm có nhiều thanh-niên theo đuổi, trong đó có thằng Trạch, làm tài-công phụ cho ông Tám ghe lưới hòan. Mỗi chuyến đi xa như vậy, thằng Trạch được hưởng một số tiền lương khắm-khá, và được lãnh một số cá ngon đem về cho gia đình hay biếu bà con. Con Lụa thấy thằng Trạch dễ thương, không bồ-bịch lăng-nhăng gì, mà lại được “hoãn nghĩa-vụ” do chú bao-che …Hơn nữa, ông chú CM đó, lại được chỉ định làm Ấp-trưởng, thì cũng đỡ cho cha Lụa rất nhiều, dù sao cũng chỗ “thông gia”, lẽ nào chú thằng Trạch lại không nhẹ tay trong những đợt công-tác đào mương, hay bố-ráp, hành-hạ “Ngụy-quân, Ngụy-quyền” trong những ngày lễ lớn, hoặc trong nhưng cuộc bầu-cử...Ông Tám ghe lưới thấy thằng Trạch có vẻ mê-mệt con Lụa, là con của “Ngụy”, nên ông bỏ bụng mừng thầm, vì chính ông trước 75 vốn cũng là một tên “lính kiểng” cấp bực binh-nhì trong một đơn-vị Địa-phương quân tỉnh nhà, bởi thế ông tin thằng Trạch không nỡ làm “tai mắt” cho CM, để dò xét rình-mò hành tung của ông, sau mỗi lần ông điền đơn xin đi tỉnh để mua vài món phụ-tùng mà tân-trang lại chiếc ghe hiện đang đánh cá của ông, nhất là những khi xin mua những đồ quan-trọng như cái “láp” hay “con heo dầu” dành cho những cuộc hải-hành xa. Theo ông, khi nó đã mê con gái “Ngụy” rổi, thì lập trường của nó cũng phải đổi theo….

Thằng Trạch, khi nó đã “mết” con Lụa “như điếu đổ” rồi, thì nó hay se-sua đi tỉnh hoài, mua toàn những thứ quí giá ngoài chợ trời, do những người ở nước ngoài gởi về với giá cắt cổ. Nó làm dáng cho nó đã đành, mà nó cũng mua quà cho con Lụa để “lấy điểm” mà cũng muốn cho con Lụa nở mặt với chị em trong xóm. Những buổi chiều đi biển về, ngoài việc liệng cho con Lụa vài con cá thực ngon vào chiếc nón lật ngửa giơ cao... với lời hẹn-hò, thì nó về nhà tắm rửa sạch-sẽ, chải đầu láng mướt như kép độc Hữu-Phước, mặc một chiếc áo sơ-mi màu đọt chuối mới tinh, dắt cây bút máy hiệu “Parker” của Mỹ nơi ngực, dù sức học chỉ lớp Ba, xịt một chút nước hoa lên cổ, chà-chà, đưa tay lên ngửi thử, rồi lấy điếu thuốc hiệu 3 con số 5 cắm lên môi, đi nhún-nhẩy về phía nhà lồng, nơi có quán ăn bà Bảy Mập, mà nó hay hẹn-hò với con Lụa mỗi chiều có ghe về. Con Lụa cũng mặc chiếc áo sơ-mi bâu lá sen, màu hồng nhạt bằng vải “soie” Pháp thượng hảo-hạng thời bấy giờ, do Trạch mua cho, dưới là chiếc quần đen mặc-nưa rất mịn-màng. Tay nó đeo chiếc đồng hồ phụ-nữ hiệu “Citizen” màu xanh của Nhật, có lịch ngày tháng, cũng do thằng Trạch tặng, mà Lụa chỉ chưng-diện trong những buổi đi chơi với thằng Trạch, hoặc trong những buổi lễ-lộc của xóm làng mà thôi, nhất là khi có những gánh hát rong hay đoàn văn-công Huyện về trình diễn cho đồng bào Xóm Biển xem. Tất cả những vật đó, dĩ-nhiên đều do thằng Trạch sắm, mỗi lần nó đi tỉnh về, sau khi lãnh lương từ ông Tám ….


Thằng Trạch lịch-sự kéo cái ghế mời con Lụa trước, rổi nó mới ngồi xuống sau. Bà chủ quán thấy cặp này vô quán là vui tươi ra mặt, vì biết thằng Trạch sẽ chơi rất sộp. bà Bảy Mập cầm cái giẻ lau đưa nhẹ trên mặt bàn bằng “mica” bóng nhẩy, nói:

-Chà, cậu Trạch lâu nay đi đâu mất tiêu, không thấy héng?

       -Dạ, ghe lưới hoàn mà Dì! Có khi tới 2,3 tháng chứ không ít à nghen. Tui ở tuốt ngoài khơi Mã-lai lận, không gần đâu Dì Bảy.

-Hèn gì ít thấy cậu lai-vãng tới quán tui. Đi lâu mới về có khác.

Thằng Trạch mỉm cười, hỏi:

       -Khác sao, Dì Bảy?

             -Áo mới tinh, dầu thơm phức!

Thằng Trạch khoái chí cười lớn, vừa cởi nút áo cốt cho lòi sợi dây chuyền vàng khè, rồi nắm bâu áo quạt phành-phạch, nói:

-Thì làm-lụng cực nhọc ngoài biển khơi mà Dì Bảy? Lâu-lâu lên bờ mình cũng xả hơi một phát với em út cho vui vậy mà...

Nói xong, nó lấy tay chỉ vô cái áo màu đọt chuối bằng vải “tetoron”, tiếp:

-Coi nè Dì Bảy, áo này của Mỹ “chính hiệu con nai vàng”, không phải đồ nhại đâu à nha,  còn nguyên trong hộp bày ngoài chợ trời. Tụi Mỹ nó bự con quá, tui lựa số nhỏ nhất, mà nó cũng hơi rộng, nhưng tui thích cái màu đọt chuối này, nên tui “chặt” đại. Nhưng ngon nhất phải kể là cây viết này Dì Bảy à, nắp bằng vàng 18 nghen, cũng của Mỹ, ngòi bằng bạch-kim thứ thiệt nha, chưa chắc ông Tám ghe lưới dám chơi à nghen...

Đoạn, nó đưa tay lấy cây bút gắn nơi ngực áo, rút nắp ra, rồi phóng cái rụp lên tấm cửa. Cây

bút cấm phập lên gỗ rung-rung... rồi nói:

-Dì Bảy thấy chưa? Cỡ viết này tui mới “chơi” chứ, đồ “xịn” mà!?

Bà Bảy ngạc-nhiên trố mắt nhìn vẻ khâm-phục vì từ hồi nào tới giờ bà chưa thấy cây bút nào 

ngòi cứng như thế cả. Bà nhìn chăm-chăm một lát sau, rồi thực tình, hỏi:

-Cậu mua cây viết đó chi, mà tốt quá vậy?

Thằng Trạch có vẻ lúng-túng về câu hỏi thực tình của bà Bảy, nhưng cuối cùng thì nó cũng 

tìm được câu trả lời:

-Tui thì ít chữ nghĩa, nhưng thấy nó tốt lại nắp bằng vàng, mình để “làm của” được chứ Dì 

Bảy, hơn nữa tui cũng dùng để viết thơ cho con nhỏ này nè, “ghẹ” của tui đó, Dì Bảy, Dì biết không?

Con Lụa mắc-cỡ cúi xuống một chút, trách yêu thằng Trạch:

-Anh kỳ quá hà. Lỡ mai mốt không thành rồi sao?

Giọng tự-tin, thằng Trạch nói “chắc như cua gạch”:

-Xỏ mũi em về nhà anh bây giờ, chớ ngồi đó mà “không thành”?

Bà Bảy xen vào:

      -Cũng xứng đôi, vừa lứa đó chớ!

Giọng thằng Trạch có vẻ tự-phụ, pha một chút hãnh-diện về con Lụa của nó, nói:

-Tui chọn mà Dì Bảy?

Bà Bảy vừa lui-cui trong bếp, nói vọng ra:

-Giờ cô cậu kêu cái gì đây?

Thằng Trạch làm ra vẻ sành-điệu, hướng về phía con Lụa, hỏi:

-Em muốn ăn gì thì cứ tự kêu đi nghen, đãi em đó, anh bao hết, mới lãnh lương mà!.

Con Lụa mắc-cỡ, nói:

-Gì cũng được, em ăn cơm ở nhà rồi!

Thằng Trạch vẻ bực-bội, nói:

-Trời ơi, đã hẹn trước hồi chiều, tối nay đi chơi mà lại ăn cơm nhà, em thiệt kỳ-cục quá!

       -Thôi, mình anh ăn đi, em ngồi chơi uông nước trà được rồi.

 -Trời ơi, lại khách-khứa nữa, ăn đại đi mà!

Rồi thằng Trạch quyết ép con Lụa ăn, bằng cách tự kêu cho cả hai người:

-Hai tô cháo lòng đặc-biệt đi Dì Bảy. Tiêu hành nhiều vô...Riêng tô con nhỏ này ít cay 

một chút. Tui thêm cái nếp than thượng hảo-hạng đi, còn em uống gì?

-Nước trà!

Thằng Trạch lại nhăn-nhó, phản đối:

-Trời ơi, mệt quá! Sao lại “nước trà”? Một “soda chanh đường” đi, Dì Bảy!.

      -Rồi, rồi, đây, có ngay...!

Ăn uống xong, thằng Trạch đưa con Lụa xuống một bờ đê, có ánh trăng mập-mờ, chiếu 

qua hàng cây so đũa. Hai đứa ngồi cạnh nhau trên một vạt cỏ để tâm tình. Một vài thằng thanh niên trong Xóm Biển đi qua đó thấy, một thằng trong bọn nói lớn phá chơi: “Thằng đó điếm lắm, nó dụ em đó, em đừng nghe, theo qua nè!...”Rồi chúng cười hắt lên. Một thằng khác chen vào: “Trạch ơi, mày mượn cái áo của tao gì mà lâu quá vậy? Nhớ mai giặt sạch ủi thẳng trả tao đàng hoàng, đi ăn đám cưới nha mậy...!”Cả bọn lại khoái-trá cười ồ, rồi kéo nhau lên quán bà Bảy Mập…ăn nhậu…

Thằng Trạch nói rì-rầm gì đó, rồi nắm tay con Lụa đưa lên mũi hun. Con Lụa rụt bàn 

tay lại, nói:.

-Anh kỳ quá hà, người ta thấy, họ dị-nghị tía em rầy chết.

Thằng Trạch mất hứng, làm mặt giận ngồi lặng thinh nhìn ra biển. Con Lụa làm lành hỏi:

-Bộ giận em thiệt rồi hở? Con trai gì mà mà dễ hờn quá vậy? Vừa nói nó vừa chồm tới lấy bàn tay xoa-xoa trên lồng ngực thằng Trạch, nói ngọt-ngào:

-Thôi mà, vuốt giận mà, sao nỡ giận người ta lâu vậy?

Thằng Trạch nghe con Lụa nói ngọt quá mà bàn tay mềm-mại của Lụa lại xoa-xoa lên 

lồng ngực vạm-vỡ của nó, làm cho nó sướng điên lên được. Rồi nó mỉm cười, âu-yếm nói:

-Lụa có thương anh thiệt hông chớ?

-Thương mà. Thương mới chịu đi chơi với anh đó chứ. Ở đây thiếu gì người, mà...

-Biết rồi, nhưng thương được bao lâu?

-Thì thương hoài...

-Thiệt hông, đứa nào nói gian, thì sao?

       -Thì “Ông Tà” vật...

Còn anh?

-Anh hở? Anh dân biển thề độc nghe: Anh mà có phụ em để “theo” người khác, thì cá mập, thuồng-luồng nó nuốt anh đi!

Nét mặt thằng Trạch lúc đó đanh lại một cách nghiêm-chỉnh như chừng nó quyết tâm đến 

vậy, làm cho con Lụa sợ hãi, chồm người tới lấy tay bịt miệng thằng Trạch lại, nói:

-Trời ơi, anh dân đi biển thứ thiệt mà nói em nghe ghê quá. Người ta nói con cá mập nó to dữ lắm, có hàm răng bén như dao, gãy cái nào mọc ra cái ấy như bà Chằn trong chuyện Thạch-Sanh vậy nha, lại khát máu, đánh mùi máu ở đâu là nó nhào tới liền. Anh thề chi mà ‘độc” quá vậy, ngày nào mà anh không ở ngoài biển ? Em sợ lắm nha, “miệng ăn mắm, ăn muối” mỗi ngày mà!

Mặt thằng Trạch vẫn còn vẻ cương-quyết:

-“Ông Tà” mà ăn nhằm gì? Anh dân biển thứ thiệt nè em?

Rồi nó tiếp, để xác nhận ý nó không lay chuyển:

-Thiệt mà! Giống như mấy người đi rừng mà thề sẽ bị cọp vồ thì ít khi họ dám vì linh lắm nha , còn anh dân biển cũng vậy, họ kiêng lắm, anh không dám nói gian đâu!

Thực ra, con Lụa cũng thương thằng Trạch vì tính ngay thật của nó, lai hiền lành chân-chất

làm ăn. Hơn nữa, nó cũng giúp được gia dình Lụa chút đỉnh, khi tía nó có vết chàm trên lưng, lại già yếu lao-động không nổi nữa, và Trạch vốn là người có tính rộng-rãi cũng có, nhưng cái mục tiêu chính là con Lụa muốn đi vượt biên để ra nước ngoài mà có cơ-hội giúp đỡ gia đình, y như người ta lấy Việt-kiều vậy, vì Lụa thấy tía mẹ nó, ngày càng kiệt-quệ, lại hay bị chính quyền địa phương làm khó dễ. Vả lại, ông bà đã già mà hay đau ốm liên-miên. Mẹ mắc bệnh suyễn, nên mỗi lần trở trời, thì bà nằm “đem hơi lên” như người hấp-hối, còn cha thì lại ho lao sau những tháng cải-tạo dù ngắn ngày, và thủy-lợi liên-miên.Tía mẹ Lụa cứ thay nhau khò-khè, ho-hen trong một căn nhà chỉ được che bằng những tấm phên làm bằng lá dừa nước đơn sơ...Lụa cũng có lần đi tỉnh chơi, ngang qua mấy gian hàng ngoài chợ trời thấy chưng bày đồ nước ngoài, mà ham quá. Thằng Trạch thì có lòng, được hết mọi chuyện, ngặt phải cái tội là nó học ít quá, hình như nó mới qua hết lớp 3, còn con Lụa dù gì, nó cũng lên được lớp 9 Trung-học cấp 2, nhưng vì gặp cảnh khốn cùng của tía nên nó phải bỏ học nửa chừng về nơi heo-hút này mà nhặt cá, nuôi vịt, làm ruộng sống qua ngày. Thực sự, tía con Lụa dĩ-nhiên chẳng ưa gì chú của thằng Trạch. Nếu xét về mặt lý, thì hai người không đội trời chung được, vì một ông làm Cảnh-sát bên này, một ông làm Công-an bên kia…thì thế nào 2 ông cũng đuổi bắt nhau, trước đây, nếu ông kia “đi B”một thời gian trong giai-đoạn hai bên đánh nhau dữ-dội ở miền Nam. Nhưng tía Lụa cũng rán làm ngơ để con Lụa dính-líu với thằng Trạch, vì 3 lý do: một là ông ấy tự biết mình là kẻ thua cuộc, thì như “cá nằm trên thớt” thôi, nó muốn bằm lúc nào chả được, thứ hai ông cũng muốn để cho thằng Trạch vì yêu con Lụa, mà giúp ông chút đỉnh trong những lúc ngặt-nghèo sa-cơ thất-thế, và quan-trọng nhất, biết đâu thằng Trạch đi vượt biên vì hoàn cảnh ông Tám giàu sụ vậy, thì trước sau gì ông cũng ra đi để bảo-vệ số tài-sản khổng-lồ đó mà ông biết chắc chúng nó sẽ có ngày giựt đi mất thôi, với bất-cứ lý-do gì cũng được cả, và như thế ông sẽ bị rủ tù …khi chúng nó kết tội …trong khi ghe ông là “ghe lưới hoàn”, nghĩa là được phép đánh cá ngoài biển xa lâu đôi ba tháng là chuyện thường …ngu gì mà không “zọt” luôn chớ. Tía con Lụa chỉ ngại thằng Trạch, nhờ có thân nhân CM từ Bắc về, lại là tai mắt chánh quyền địa-phương, vì thế có thể thằng Trạch không muốn đi vượt biên, nhất là khi nó tự thấy đời sống nó tại đây đâu thiếu gì? Chú nó lại làm lớn trong ấp, nên bao-bọc cho nó mọi điều, kể cả việc trốn nghĩa-vụ là điều mà thằng thanh-niên bình thường nào ở đây, đến tuổi cũng phải sợ vì sẽ phải bỏ mạng bên “Campuchia” như chơi …Điều nữa, Trạch tự biết mình ít học, chữ nghĩa “ăn đong” qua xứ Tư-bản làm trò gì, sao bằng bọn trí- thức gốc VNCH được? Nhất là nó cũng ớn cái gốc của chú nó VC bao-che nó tận tình, thiếu gì người ở Xóm Biển biết tỏng nó nên khi họ vượt biên qua bên đó, lỡ họ tư thù gì với gia đình nó mà tố nó “dựa hơi VC” hạch-sách lương-dân sau năm 75, thì coi như đời nó tàn...Tuy nhiên tía con Lụa vẫn cứ hy-vọng, vì không còn cách nào khác hơn, bởi trong cơn hoạn-nạn “thập tử nhất sinh”ai cũng mơ mình chụp được khúc củi khô trôi lạc giữa dòng nước lũ, còn hơn là đành chịu chết chìm ..Riêng con Lụa, thì tự-tin hơn nên nó lại ỷ vào chỗ thằng Trạch yêu nó một cách say-mê, nên nó chẳng ngại gì mà không đề nghị với Trạch một giải pháp để cứu gia đình mình. Dĩ-nhiên thằng Trạch phải kín miệng, vì thương con Lụa cũng có, mà vì sợ người chú CM của nó cũng có. Nên vào một đêm, cũng trên bờ đê hẹn-hò đó, trong lúc âu-yếm ngọt-ngào ra-rít, Lụa nói với Trạch ý nghĩ thực của mình. Lụa với vẻ mặt buồn-buồn, hỏi:

-Anh Trạch à!

-Gì cưng?

       -Anh có thương em thực không?

-Rồi, nữa rồi! Chời ơi, sao cưng lại hỏi vậy? Không thương em thì thương ai vô đây, em 

thấy anh đâu có “mèo chuột” gì, ngoài em?

 -Đúng rồi. Em cảm ơn anh héng. Nhưng anh có thương tía mẹ em không?

-“Chắc như bắp” rồi, ông bà mình ưa nói “Thương ai, thương cả tông chi họ hàng…”huống chi là những người đã sinh thành ra em? Không phải anh thương em, rồi anh nói nịnh đâu! Nhưng thấy 2 ông bà đã già mà đau rề-rề hoài, tội-nghiệp quá! Đó là lý-do anh hay lén ông Tám chôm cho em mấy con cá bự, ngon …mỗi khi ghe về để bồi-dưỡng cho tía mẹ em đó chứ, dù làm vậy ông Tám cũng đâu có ưa, vì anh làm ăn lương rồi mà…Thấy em đau lòng, anh cũng đứt ruột, chứ em. Tụi mình thương nhau mà!

Con Lụa cảm được lòng thành của thằng Trạch về gia-đình mình, nên nó rưng-rưng, lặng 

thinh một hồi lâu, rồi nó e-dè nói:

-Nếu bây giờ có cơ- hội thoát thân, anh có dám đưa em đi không? Nói giả-tỉ vậy thôi!

Mặt thằng Trạch não-nề, nói:

-Đi qua đó làm gì em?

-Em muốn giúp gia-đình em. Anh nghĩ coi, cứ cái đà này thì chết cả nhà hết. Em con gái tay yếu chân mềm, đâu có xốc-vác được như anh, mà lo cho tía mẹ? Đã vậy mà không có cơm ăn, bịnh không có thuốc uống như anh thấy đó. Làm  mấy công ruộng đó, đâu có ăn thua gì, trả công cho người ta và đóng thuế cho mấy ổng cũng hết, tía em lại gốc “Ngụy” nên cũng bị dòm ngó, tra hỏi, xỉa-xói hoài… sợ tía chịu không nổi mà cắn lưỡi chết thôi. Sự giúp đỡ của anh bấy lâu thì cũng có hạn, với lại cũng kỳ, tía mẹ em rất ngại. Đôi khi sự giúp đỡ của anh, người ta lại nghĩ tía mẹ em “lợi dụng” lòng tốt của anh. Dù nghèo nhưng tía mẹ em cũng biết nghĩ suy...

Nói đến đó, con Lụa cảm động thực sự, tủi thân, xấu hổ và khóc sụt-sùi...Thằng Trạch nắm tay con Lụa bóp-bóp, vừa nói an-ủi:

-Anh ít học thực, nhưng anh cũng biết nghĩ em à. Những điều em nói đều có lý cả.

Nhưng thôi, để anh về tính lại coi...Chuyện quan trọng, có liên quan đến nhiều người, nhưng quan trọng nhất là anh với em, bởi vì anh là một người đã quê mùa, lại rất ít chữ...sợ qua bển…Thôi, để anh tính lại em à. Mình còn nhiều cơ-hội mà em, nhất là một người ngày nào cũng ở trên biển khơi, là anh...dọt lúc nào chả được….

Lụa kéo vạt áo lau khô những giọt nước mắt, nở nụ cười nhỏ, vì ít ra Trạch đã nhận thấy 

những điều mình đưa ra chánh đáng, chỉ còn vấn đề “xét lại” mà thôi. Trạch cẩn trọng như vậy là phải….

Lúc đó, trăng sắp tàn, sương biển đã mù-mù, tiếng kẻng của trạm an-ninh biên-phòng gõ chậm rãi ở đầu xóm. Trạch đứng lên, nắm tay Lụa đưa nó về tới ngõ đầy những gió đang thổi dập vùi làm rung-rinh những liếp phên làm bằng lá dừa nước của căn nhà chỉ còn chờ ngày sụm xuống mà thôi...

                                                                           @


Trong một kỳ đánh cá xa, ghe neo ở ngoài khơi Mã-lai nghỉ đêm. Dưới ánh trăng xanh giữa 

cảnh trời nước bao la, ông Tám chủ ghe thấy thằng Trạch ra vào khoan thuyền, coi bộ bồn-chồn không ngủ được, bèn nói giễu:

-Đi mới có mấy bữa, bộ nhớ ghẹ hay sao mà ra vô hoài, vậy mậy?

-Đâu có chú Tám, nhớ ghẹ thì cũng có, nhưng...

-Nhưng nhị mẹ gì nữa. Có xỏ mũi thì xỏ liền đi, tao phụ cho một tay, con gái cỡ nó

mà mày chậm lụt quá, hụt giò à nghen. Có điều, ớn vụ ông chú mày đó, sợ ổng không bằng lòng, vì “kẹt” ông già con nhỏ kia “Ngụy” họ có ưa gì nhau đâu.?..

-Cái đó mà nhằm-nhò gì, chú Tám. Tui dân chịu chơi mà chú? Ông bà mình nói “Ăn cây nào thì rào cây nấy” là vậy, “vì đầu heo mà đèo gộc chuối” thôi,  tui khoái con gái ổng mà …?

Nghe thằng Trạch nói vẻ cương quyết như thế, thì ông Tám bỏ bụng mừng thầm, vì thằng 

này không coi trọng gì tới cái “bề thế CM” của người chú nó rồi. Nên ông sẽ tìm cách cho nó ra đi, giúp ông lái phụ với với thằng tài-công chính để đi thẳng tới đảo của “Indo” luôn. Bởi vì, nếu nó làm phản, thì đời ông “tiêu-tán-đường” luôn, “mất cả chì lẫn chài”. Khi không mà cho nó nghỉ việc, lại còn bị nghi-ngờ đậm nữa, ném nó xuống biển thì cũng tội, vì nó cũng hiền lành tội nghiệp, ông lại đang cần tài-công phụ, nhưng cứ ớn chú nó….ổng mà biết được coi như “banh ta-lông” luôn.  Nếu thằng Trạch bằng lòng đi, thì tốt quá, chỉ cần cho nó ít vàng, thêm cho nó kêu vài người khách riêng nữa, là yên! Sợ nhất, nó không đi, mà còn tố với chú nó nữa, thì chết cả đám. Người nắm nhiều tiền bạc trong tay như ông Tám, bao giờ cũng sợ đủ thứ, nhất là những gì liên quan đến VC. Ông Tám bắt đầu dò la nó từ-từ, ròi sẽ thổ-lộ kế hoạch với nó sau. Ông nói!

-Trạch à!

-Gì chú?

Giọng khích động lòng háo-thắng nơi thanh-niên, ông Tám tiếp:

-Tao nghĩ mày có con đào bảnh như vậy, mà chịu chết rục ở xó này, thiệt uổng! Tao mà 

được như mày thì tao, cõng con nhỏ “dọt” từ khuya rồi. Con nhỏ là dân ở tỉnh trước đây, mà mày cứ để nó đi cấy và lượm cá vụn hoài, coi không được! Tao thấy nó cũng xứng với mày đó chớ?

Thằng Trạch mỉm cười, mừng thầm vì ông Tám nói đúng phóc câu của bà Bảy Mập cách đây

không lậu, nên nó tiếp lời một cách khoái trá:

-Tui cũng nghe bà Bảy Mập bả nói vậy chú Tám à. Cặp của tụi tui thì coi cũng được quá, 

chú Tám héng?

-Đòi gì nữa mậy? Nhưng mà cứ lẩn-quẩn xóm Biển hoài, thì kỳ quá!

Thằng Trạch xác nhận điều ông Tám nói là đúng như con Lụa đã đề nghị, mà trên nguyên 

tắc nó đã thuận, bèn nói:

-Bởi vậy! Con nhỏ cũng khoái “dọt” lắm. Nó nói hà-rầm với tui hoài hà. Việc chú của tui 

thì ăn nhằm gì. Kẹt nỗi, bây giờ người ta đi cũng muốn hết. Còn lại đâu có đám nào nên thân, ngoài chú. Mà chú  thì chú nhát quá, ông không dám “chơi”! Chú mà “chơi”, tui cũng dám phóng lao theo luôn,  à nghen….

Ông Tám khoái chí, nhưng cũng tìm cách dò thêm lòng cương quyết của thằng Trạch cho 

chắc ăn:

-Mày nói giỡn chơi hoài, chú mày mà ổng nghe được, tao tàn đời luôn. Đừng xúi dại, mày ui!

Thằng Trạch xác quyết cho ông Tám tin tưởng, và chính bản-thân nó cũng là đứa ưa nói thực:

-Ổng mà có biết được gì là do tui nè ông. Ổng biểu tui “rình” ông đó, nhưng sức mấy mà tui nghe. Ổng ỷ thế, nhiều lần cũng chơi lấn ông già tui lắm, về việc ruộng đất gì của Nội tui để lại, tui cũng “hầm” lắm, nhưng nghĩ ổng là Chú ruột, tui lại kẹt tuổi lính nữa...sống chết nằm trong tay ổng, chứ tui cũng muốn dọt mẹ nó cho khuất mắt, ngặt nỗi tui “ít chữ” trong bụng quá, qua đó lấy gì làm ăn chú Tám? Ở bển người ta đâu có đánh cá kiểu như ghe Xóm Biển của tụi mình?

Ông Tám biết thằng Trạch quyết tâm, nhưng chỉ lấn-cấn vụ nó ít chữ, nên ông tìm cách 

thuyết-phục nó:

-Thằng này nói nghe tức cười quá. Mày thấy mấy thằng ở đây, có đứa còn tệ hơn mày, 

không biết nhứt chữ làm thuốc như thằng Bửng, mà giờ qua đó cũng ngon lành, thấy nó gửi hình về mặc bộ đồ tây, dựa bên chiếc xe bóng lưỡng, đeo kiếng đen, miệng ngậm điếu thuốc gì to bằng cán dao… ngon ơ mậy! Hơn nữa con đào mày nó học khá, cha nó lại thành phần “Ngụy”, thì chuyện gì mà nó không lo cho mày được? Không “Tình” thì cũng còn “Nghĩa”, chứ “cạn tàu ráo máng” hết, sao mậy? Ít ra, con đó có chữ trong bụng, thì nó đối xử với mày coi sao cho được con mắt chớ? Mày còn cứu được đời nó và cả gia đình nó nữa mà? Mày đừng lo, nếu có bề gì, thì còn có tao, tao cũng chỉ lính kiểng binh trơn ngày xưa chứ chữ nghĩa đâu có nhiều …..

Thằng Trạch vẻ đắn-đo, nói:

-Tui cũng nghĩ nát nước rồi đó chú Tám. Chú nói thì cũng phải thôi. Trời mà có bắt tui 

phải xa nó ở bên kia thì cũng đành chịu thôi, chứ làm sao? Thôi thì tới đâu hay tới đó. Có điều, chú Tám thấy ở đây, đâu có đám nào nên hồn, toàn là ghe cào không hà!

Ông Tám thấy con mồi của ông đã lọt bẫy, nên vui-vẻ nói xa gần:

-Được mà, được mà! Nếu mày chịu chơi thì dễ thôi...

-Thằng Trạch ngầm hiểu ý ông Tám, nên mừng rỡ chồm người tới đưa ngón tay trỏ ra 

“ngoéo” với ông Tám vừa vỗ vai cười, ông Tám cũng vỗ vai nó, nói nhỏ như chừng sợ những người khác nghe: “Kín miệng nghe mậy. Để tao tính sau. Lạng-quạng, mày mất đào, tao mất ghe còn ở tù mọt gông..chớ chẳng chơi đâu….”

Và, đúng như dự định, một tháng sau ông Tám ra đi, có thằng Trạch làm tài-công phụ, dĩ 

nhiên là nó mang theo con Lụa nữa…  Trong suốt cuộc hành-trình, con Lụa nằm liệt, ói mửa tùm-lum trên người thằng Trạch như đang ốm nghén vì đi biển không quen…Phần thằng Trạch, dù nó chỉ là tài-công phụ, nhưng  nhờ  được ông Tám tin tưởng, nên Lụa được ưu tiên nằm trong “cabine” ghe cùng với gia đình ông Tám như người nhà. Tuy đã làm vừa lòng được người yêu, nhưng tâm-tư thằng Trạch vẫn không vui, vì nó phải từ bỏ gia-đình gồm bố mẹ và mấy đứa em mà nó đã sống bên cạnh trong mấy chục năm không rời ngày nào, ngoại trừ những khi đi biển xa. Nhưng điều nó lo nhất vẫn là chuyện nó “ít chữ”, con Lụa thì khấm-khá hơn nó gấp bội về vấn đề này, nhất là ở một nơi, mà dân tứ xứ tập trung đến với biết bao người hơn nó về mọi phương diện. Con Lụa được coi là còn trẻ, dù không đẹp lắm, nhưng cũng dễ nhìn, cộng với cái vốn học thức nho-nhỏ đó...thì chắc cái nồng độ yêu thương của hai người sẽ bị giảm đi, nếu không nói là bị đe dọa...

Nét mặt nó có vẻ trầm-ngâm khi bưng chén cơm trên tàu lại cho con Lụa. Con Lụa phờ-phạc, hôi-hám, dơ-dáy như một người đau mới dậy, nhìn thằng Trạch mỉm cười, ngầm bày tỏ sự biết ơn, nói:

-Trời ơi, như vậy là mình thoát được rồi anh héng? Em mệt quá trời! Không biết trời trăng mây nước gì nữa cả!

Trằng Trạch cố mỉm cười, nói âu-yếm:

-Em rán ăn miếng cơm đi, hai ngày nay em đâu có ăn gì. “Say sóng” quá phải không? Tại em không quen đi biển đó thôi, chứ như anh đâu có sao?.

-Em chịu hết nổi, nhưng cứ nghĩ mình thoát được rồi, nên mừng quá. Anh đã cứu em và 

gia đình em. Lụa nắm tay thằng Trạch bóp nhẹ, mắt rưng-rưng mỉm cười rồi nằm xuống. Thằng Trạch sung-sướng, vì Lụa đã nói đúng câu nói nó mong muốn, mắt nó cũng rưng-rưng, rồi kéo tấm chăn lên dắp trên bụng cho con Lụa...

Khi tàu đến đảo, Lụa kiệt sức thực sự, không thế đứng dậy được nữa, nên thằng Trạch phải 

kè nó để bước lên cầu tàu. Lụa được đưa vào bệnh-viện, nằm ở phòng dưỡng-sức vài ngày, thằng Trạch đều phải đi nuôi đau...

Sau một thời gian ngắn thì Lụa bình-phục và xuất viện. Nó vui hẳn ra, vì biết mình đã có một

đời sống khác, và điều quan-trọng hơn là Lụa sẽ cứu được gia đình trong những ngày sắp tới không xa...khi trước kia chỉ là vô-vọng, hết đường binh, không cách gì cứu chữa nổi với cái vai vế một anh Cảnh-sát quèn như bố nó, có “chấm mút” gì được trong chế độ cũ đâu mà dành dụm ?. …!

Lụa đã bắt đầu ghi danh học Anh-văn cùng với Trạch, nhưng Trạch phải học ở lớp thấp 

nhất vì trình độ văn-hóa kém quá chỉ hơn người mù chữ một chút mà thôi. Đời sống thoải-mái về vật chất lẫn tinh thần đã làm cho Lụa phục hồi rất nhanh, nhất là nó vốn dân ở thành, nên thích nghi rất dễ với đời sống văn minh Tây phương.

Tháng ngày ở Đảo đã làm cho Lụa tươi mát trở lại, bỏ đi những ngày nhặt cá vụn ở Xóm 

Biển ngày xưa trước đó không bao lâu...Da nó đã bắt đầu nhả nắng, đỏ hồng, quên đi những dấu tích ruộng vườn mà nó đã gắn bó trong những tháng ngày lao khổ! Những người ở Xóm Biển ít ai ngờ được rằng con Lụa ngày xưa bây giờ đã phát mã đẹp gái ra, xinh-xắn với cái tên mới là “Hương”rất thơm-tho, cái tên chỉ có mỗi mình thằng Trạch biết, nên con Lụa rất khó chịu mỗi khi ai nhắc đến quá khứ Xóm Biển của nó. Đó là những triệu-chứng ban đầu đã làm cho thằng Trạch lo-lắng, có liên-quan đến những điều nó tiên-liệu ngày xưa trước khi ra đi, mà nó cũng đã tâm sự với ông Tám vào một đêm trăng thuyền bỏ neo ngoài khơi Mã-lai. Con Lụa vẫn cùng “form” với nó, với tư cách “vị hôn-thê” như đã thề-thốt bên nhà, trước khi ra đi.  Tấm giấy bìa màu xanh đó, đã ghi rõ-ràng tên Lê-Trạch và Nguyễn-Thị-Hương, một cái tên mới nghe rất xa lạ. Thằng Trạch cũng tự thấy tờ “form” màu xanh đó chắc cũng đủ ma-lực để gắn bó nó với con Lụa xưa nơi Xóm Biển suốt đời! Nhưng nó cảm thấy một điều gì đó rất bất-an, dù con Lụa cũng chưa biểu tỏ điều gì gọi là “hất-hủi” nó, nhưng nó nhìn nhận có sự đổi thay nơi con Lụa rất nhiều, ít ra là ở cái tên “Hương”! Nó vẫn yêu cái tên “Lụa” mộc-mạc ngày xưa, mà nó rất thường gọi một cách âu-yếm ở quán bà Bảy Mập, hay trên bờ đê hẹn-hò, hoặc những khi ghe vào nó đứng trên cao kêu con Lụa giơ cao cái nón để nó thảy những con cá ngon vào như một cử chỉ “anh-hùng độ-thế” …mà dân nhặt cá vụn khác vẫn lác mắt thèm khát. Nó vẫn nhớ cái hình ảnh quê mùa đầy hớn-hở của Lụa đứng bên ghe, nhất là khi con Lụa nở nụ cười hiền, có cái lúm đồng tiền nơi má thật dễ thương, đang cầm cái nón lật ngửa giơ lên cao, giữa đám người nghèo đói lô-nhô, với đôi mắt của Trạch dõi tìm, một tay vịn vào cột buồm, một tay kia xách 2 con cá mú tươi ngon nhất để liệng vào nón đánh thịch cho con Lụa mừng, vừa cười ngây-ngất. Những hình ảnh êm-đềm oai-phong đó của nó bây giờ không còn nữa. Con Lụa bây giờ trắng da, dài tóc, mượt như nhung. Những mụn ghẻ trên mu bàn tay Lụa trước đây do đói kém và cấy lúa ruộng phèn, nhặt cá vụn liên-miên… cũng từ-từ biến hết. Lụa bây giờ không còn mặc chiếc áo bâu lá sen màu hồng nhạt như ngày xưa Trạch đã tặng. Nó bây giờ mặc váy đầm màu trắng, áo “pull” xanh đậm, búi tóc cao để lộ chiếc cổ màu ngà trên bờ vai đầy-đặn. Tự nhiên thằng Trạch thấy mình lạc-lõng cùng-cực với những hình ảnh đổi thay mau chóng đó nơi con Lụa, dù có nét đẹp hơn, nhưng Trạch vẫn cố tự trấn-an rằng, con gái mà, ai cũng vậy thôi, như hàng ngàn cô gái trẻ khác lên Đảo này, luôn muốn làm đẹp. Trong lúc đó,Trạch vẫn còn mặc chiếc áo trôn bầu màu đọt chuối không giống ai, cái áo đắt tiền, nó chỉ dùng để đi chơi với con Lụa trong những buổi hẹn-hò ngày xưa...nhưng nó cũng muốn mặc chiếc áo xịn đó trong lần đánh cá cuối cùng, chỉ vì nó muốn che mắt thiên-hạ cùng xóm là bữa đó nó chỉ đi chơi mà thôi…Đôi lúc, nó cũng nghĩ đến lời khen “xứng đôi vừa lứa” của bà Bảy Mập và ông Tám, nhưng nó vẫn buồn… với những hoàn-cảnh mới, có ưu-thế cho những người thuộc giai-cấp trên khắm-khá hơn nó nhiều trên bến bờ Tự-do …


Tháng ngày trôi hờ-hững, nó và con Lụa vẫn sống gần nhau, lãnh thực-phẩm chung coi như

một đơn-vị gia-đình mà Cao-ủy qui-định. Nhưng con Lụa đã bắt đầu thấy mắc-cỡ với mọi người, mỗi khi lên phái đoàn để được phỏng-vấn, nhất là những mỉm cười  tủm-tỉm của người thông-dịch viên khi hắn điền chữ “Fiancee” vào ô liên-hệ của chính người con gái tên Hương, với người thanh niên tên Trạch. Con Lụa đủ sức thông-minh để hiểu những nụ cười nhỏ đó. Thằng Trạch thì vẫn đực mặt ra ngơ-ngác. Nó chỉ thực sự xấu hổ và cúi đầu xuống, khi nó phải trả lời với thông-dịch viên về trình-độ học-vấn của nó chỉ “lớp 3”, khi con Lụa đã trả lời cho chính mình trước đó là “lớp 9”...một sự chênh-lệch vô cùng bất tương-xứng trong quan-hệ vợ chồng sau này, mà người Á châu dù có rộng-rãi cấp-tiến cách gì cũng không chấp nhận được … vì họ quan niệm người chồng phải luôn-luôn hơn vợ mọi thứ như: tuổi-tác, công-danh, nghề-nghiệp, tiền-bạc, gia thế và nhất là học-vấn …chỉ để quản-lý gia đình tốt hơn …trong cái văn hóa ngàn đời vẫn “trọng nam khinh nữ” mà người Tây phương không có …

Thực lòng, con Lụa luôn-luôn nhớ ơn công lao của thằng Trạch đã cứu mình, bởi vì nếu

không có thằng Trạch, thì chắc cuộc đời con Lụa cũng như gia đình nó chắc-chắn sẽ chết dần mòn trong cái Xóm Biển tồi-tàn đó thôi, giữa những liếp phên xiêu-vẹo không che nổi gió mưa ..Nhưng nó vẫn thấy sự cách biệt một cách quá đáng giữa nó và thằng Trạch, mà cái xã hội ở đây nhìn thấy rõ-ràng trong sự mai-mỉa, dè-bỉu…dù không ai muốn thế, kể cả những người dễ tính nhất, nhưng không hề biết trách móc ai …vì có phải lỗi của họ đâu ?

Ngày qua ngày, trong sự lặng-lẽ của nhau, thằng Trạch vẫn tiếp-tục học tiếng Anh ở cấp vỡ lòng của mình. Con Lụa khá hơn, được chọn làm cô giáo thiện-nguyện coi sóc, dạy-dỗ lũ học trò ê-a tiếng Việt trên phòng Giáo-dục, với cái tên mới mỹ-miều là “Cô giáo Hương”.Thằng Trạch vẫn khó-khăn theo đuổi lớp Anh ngữ, mỏi-mệt vì buồn chán, lo sợ nhiều hơn vì cái vốn văn-hóa mới chỉ vừa đến lớp 3, và nó kiêm thêm công việc nấu bếp cho gia đình, bởi con Lụa bận rộn với công việc mới của nhà trường. Thằng Trạch vẫn tự an-ủi mình bằng hệ số của Định-mệnh, như nước liều mà có lần nó đã nói với ông Tám là “Nếu qua bên đó mà Trời bắt nó xa tui, thì cũng rán chịu, chứ sao”. Chữ “chịu” của nó bày tỏ sự chấp nhận những nghịch cảnh xảy đến cho mình, và đây là lúc nó lãnh hết sự rủi-ro có thể tiên liệu trước được đó. Nó an phận và chăm-chỉ làm những công việc một cách buồn phiền của mình. Nhờ có được số vàng do ông Tám trả công trong vai trò tài-công phụ, và vàng nó kêu khách riêng như một đặc-ân ông Tám cho phép để dụ nó đi mà không báo cho ông Chú VC của nó biết, giờ nó đem bán ra từ-từ để tiêu dùng trong những buổi chợ, với một ít hy-vọng mong-manh là sẽ có ngày con Lụa trở về với nó, không vì cái ơn nó “cải-tử hoàn-sanh”, mà vì sự hiểu biết tối thiểu của một con người có chữ nghĩa trong lòng như con Lụa, nhưng điều quan trọng hơn là chút “tình riêng” của nó đã đãi-ngộ thật tròn đầy đối với con Lụa trong những ngày Xóm Biển thuở con Lụa, đôi tay còn đầy những mụn ghẻ, cầm cái nón đã tưa ra, lật ngửa giơ lên cao...dõi mắt tìm nó. Con Lụa tối về, vẫn cùng nó ăn những bữa cơm có vẻ nặng-nề, không giống như những ngày mặn nồng ở quán bà Bảy Mập, nó chơi sộp kêu những món đắt tiền và hiên ngang cầm cây bút “Parker” Mỹ nắp vàng 18 carats, ngòi bạch-kim phóng mạnh lên cửa, trước sự ngưỡng-phục của mọi người, trong đó có con Lụa của những ngày phên liếp xa xăm...

Những khi đi học về, thằng Trạch thường hay ngồi ngoài đồi nhìn ra xa, và nó nhớ biển xưa dạt-dào, nhớ những đêm trăng thuyền bỏ neo dập-dềnh trên sóng nước bao-la, nhớ những chiều cập bến đổ, nó mình trần da ngâm, lồng ngực vun tròn, tay xách 2 con cá, ngóng tìm người yêu...Lòng nó bỗng chùng xuồng thấp và nó nuốt nước bọt nghẹn-ngào. Nó tự hỏi: cơn gió nào đã đưa-đẩy nó đến đây, để vĩnh-viễn xa rời Xóm Biển, nơi nó để lại một người mẹ già, một bầy em, và một ông cha suốt đời chỉ biết kể chuyện Biển cho nó nghe?

Sáng nay, phái đoàn Cao-ủy đi một vòng trại thăm viếng các cơ-sở Giáo-dục dành cho trẻ con.

Lụa bất ngờ gặp lại Cường, người thông-dịch viên trước đây đã thẩm-vấn Lụa. Cường hơi ngạc nhiên và lộ vẻ mừng rỡ, hỏi:

-Ủa, cô Hương làm việc ở đây sao?

      -Dạ, em mới làm việc ở đây được vài tháng.

Cường nói trong nụ cười giống hệt như trong ngày thẩm-vấn Lụa, nhất là khi nhấn mạnh hai chữ “ông xã”:

     -Sao, “ông xã” giờ làm gì?

Lụa ngâp-ngừng, vẻ áy-náy, nói hờ-hững:

-Dạ, dạ...ảnh cũng vậy, vậy thôi...

-Sao, cô thấy làm việc này vui không?

-Dạ vui. Nếu không thì em sẽ chán chết...trên Đảo sao nó phức-tạp, tù-túng quá anh à …

Giọng mỉa-mai, vì Cường đoán được ý của câu Lụa vừa nói, hắn tiếp:

-Sao vậy? Qua đây được rồi, thì phải mừng chứ!?

      -Biết vậy, nhưng mà...

Người thông-dịch, thừa hiểu những nỗi buồn của cô giáo, kể từ nỗi xốn-xang của Lụa trong 

lần khai lý-lịch ở Phái đoàn, nên gật đầu chia xẻ, nói an-ủi:

-Hương nên tin nơi số-mệnh đi.

-Nhưng “số mệnh” thường khắc-nghiệt, trớ-trêu quá, anh à!

      -Tôi hiểu, nhưng cụ Nguyễn-Du đã từng nói: “Xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều” mà Hương?

-Dạ, nhưng cũng “khó” quá anh à. Có những điều mình biết đó chứ, nhưng không nỡ quyết định, vì kẻ khác nhiều hơn là vì mình. Bởi vì sự “vô ơn” nào cũng đáng lên án hết, anh Cường!

-Nhưng có sự vô ơn nào cho bằng sự vô ơn đối với bản-thân mình đâu!? 

-Anh nói cũng đúng thôi, đôi khi làm “quân tử Tàu” hoài, cũng nhọc thân mình lắm!

Lúc đó sự thăm viếng của Phái đoàn sắp xong nên Cường vội nói:

            -Thôi, xin kiếu nghe, Phái-đoàn họ đã ra về kìa, có dịp sẽ nói chuyện sau cho vui.

-Dạ.

 -Chúc mừng cô giáo mới “yêu” nghề!

Trong lời vui giễu-cợt, cô giáo Hương, nói:

-Dạ, em cám ơn anh. Nhưng có những thứ đáng “yêu” hơn nữa anh Cường à.

Người thông-dịch viên cười hắt lên, vừa giơ tay ngoắt giã từ cô giáo Hương, đoạn theo phái đoàn

Cao-ủy được tháp tùng bởi ông Hiệu-trưởng trên phòng Giáo dục ra về...


Rồi, một chiều trên đường từ đồi trở về nhà, thằng Trạch bất ngờ khám phá ra con Lụa, đã 

lén nó đi tâm-tình với tên thông-dịch viên đã có lần thẩm-vấn nó. Nó nhìn thấy cái cổ ngà-ngà của con Lụa với mái tóc búi cao, tựa vào vai người đàn ông mang kiếng trắng trên một đồi cỏ, cách nơi nó đứng không bao xa, khi nắng hoàng-hôn sắp tắt. Lòng nó buồn vô-hạn, máu ghen lại sôi-sục trong lòng. Nhưng nó chợt nghĩ, ở đây đâu phải là Xóm Biển, có ông chú nó CM  phục-viên làm Trưởng ấp? Mà là nơi tên thông-dịch viên kia, nó chỉ chơi ác là mình tàn đời,làm “Chúa Đảo” muôn năm như chơi … dù nó cũng đã nghĩ rằng, đời nó cũng đã đổi thay theo một chiều hướng không thuận lợi chút nào, kể từ khi nó bằng lòng làm tài công-phụ cho ông Tám trong cái “ngoéo tay”, vào đêm trăng giữa biển khơi Mã-lai. Nó cố dằn lòng, lủi-thủi về nhà, mà vẫn còn níu kéo cái hy-vọng mong-manh là con Lụa sẽ trở về với nó, bởi Lụa sẽ bị dằn-vặt từ mặc-cảm “vô ơn”...

Thằng Trạch về nhà, ngồi hút thuốc nơi cửa, mà lòng rối như tơ, nhưng nó cũng cố nén, để 

coi thử con Lụa hành động ra sao?

Một lát sau, con Lụa lửng-thửng ôm cặp từ trường về như mọi bữa, vẻ mặt không vui, có lẽ 

vì nó tự thấy nó đã “phản” thằng Trạch, một người đã cứu sống nó và cả gia đình, bởi vì nó biết thằng Trạch chịu vượt biên chỉ vì nó, chứ thằng Trạch ở lại Xóm Biển thì “bề-thế” hơn ở đây nhiều...

Thằng Trạch đột nhiên đứng dậy, mỉm cười, hỏi:

-Sao hôm nay em về muộn hơn mọi bữa, vậy Lụa?

-Em bận làm sổ sách anh à. Có thêm mấy đứa học trò mới vào nữa, lu-bu quá. Mệt ghê!

Vừa nghe xong con Lụa nói dối trơn-tru nhãn-tiền như vậy, Thằng Trạch liệng điếu thuốc cháy dở xuống đất, rồi cười gằn - một nụ cười chưa bao giờ nó bày tỏ trong đời nó. Nhưng nó trấn tỉnh lại rồi xuống bếp bưng nồi cơm lên...

Hai người ngồi ăn cơm như mọi bữa, nhưng chẳng nói gì với nhau.Một lát sau, con Lụa

vẻ mặt buồn-bã hỏi rằng:

-Anh Trạch à, anh đã từng “chịu ơn” ai chưa?

Trạch chợt hiểu ý con Lượm, nên mỉm cười trả lời mềm-mại:

-Có chứ em, thí-dụ ông bà già mình, chú mình...

-Không, em muốn nói “người dưng” kìa…

-Không!

-Nhưng nếu anh chịu ơn người ta, thì anh làm sao?

-Thì mình tìm cách “trả ơn” cho người ta, chứ sao?

-Trả bằng cách nào?

-Bằng cách nào cũng tốt, đôi khi không trả cũng được, nhưng đừng để người ta nghĩ mình 

là “người vô ơn” là được rồi.

Lụa mỉm cười, nói:

-Khó héng?

Nói xong, con Lụa lặng im một lát, rồi ái-ngại nói, vừa dò xét phản-ứng của thằng Trạch:

-Ông Tám tính mỗi đầu người khách là bao nhiêu “cây” vậy anh Trạch?

-Hình như 2,3 cây gì đó, anh cũng không rõ nữa, bởi vì anh đâu có tổ-chức vượt biên để

kiếm lời, mà do ….Thằng Trạch bỏ dở câu nói vì sợ mình mang tiếng “kể công” …

 Câu nói của thằng Trạch có vẻ mỉa-mai về suy nghĩ của con Lụa, khi nó đoán chừng con 

Lụa muốn trả ơn nó bằng cách hoàn vàng lại như một người khách bình thường thôi, khi qua được nước thứ ba rồi đi làm dành dụm…. Con Lụa cũng khá thông minh để nhận ra điều thằng Trạch vừa mới nói, nên nó mỉm cười một cách gượng-gạo, rồi bỏ chén đứng dậy đi ra sau bếp rửa mặt. Xong nó lấy cái thùng gỗ làm ghế ngồi viết danh sách học sinh trên cái sạp.Thằng Trạch bỏ ra đồi ngồi hút thuốc, lòng rách nát sau khi con Lụa cho nó biết là tuần tới nó sẽ lên phòng Giáo-dục để ngủ trên đó, coi sóc sách sổ của lớp học luôn….


Ngồi trên đồi cao, thằng Trạch bị thấm đòn bởi những câu nói xa gần của con Lụa, từ việc hỏi thăm giá cả mỗi đầu người trong chuyến đi của ông Tám, đến việc con Lụa sẽ bỏ nó để đi ngủ chỗ khác, nhưng điều làm cho nó căm hận nhất, vẫn là hình ảnh tình cờ bắt gặp khi chiều, trên đường về. Chiếc cổ trắng ngà và mái tóc búi cao của con Lụa ngả-nghiêng trên vai người đàn ông mang kiếng trắng, làm cho nó nổi cơn ghen sùng-sục, mà nó biết lý do chính là vì con Lụa qua đây, trở nên đẹp hẳn ra, nhờ văn minh vật chất, nên nó quyết tâm giữ con Lụa ở lại với những xấu-xí, những đen-đủi, thô kệch, ghẻ...chóc...của những ngày Xóm Biển thuở nó yêu thương. Nó liệng điếu thuốc xuống đất, rồi hằm-hằm trở về lặng-lẽ, ra sau bếp lui-cui làm gì đó một lúc khá lâu. Khi đó khoảng nửa đêm, mọi người đều yên giấc. Con Lụa vẫn còn ngồi, cắm đầu viết danh sách học sinh trên sạp gỗ, và chấm xấp bài của sắp nhỏ học sinh, bên ánh đèn dầu bập-bùng như muốn tắt bởi những cơn gió biển.. Bỗng nhiên, người ta nghe một tiếng thét hãi-hùng giữa đêm khuya...Mọi người trong “barrack” vụt ngồi bật dậy đổ xô về phía có tiếng la. Người ta kinh-ngạc khi nhìn thấy con Lụa nằm bất động trên vũng dầu ăn còn bốc hơi - loại dầu xà-lách do Cao-ủy cấp phát cho mỗi gia đình để nấu nướng hàng ngày, ngay bên cạnh thằng Trạch còn đứng đó, tay cầm cái “xoong” đang bay hơi, chửi bới những lời tục-tằn nhất của một người đàn ông ghen trong cơn phẫn nộ. Sau đó, không lâu, một chiếc xe “Jeep” xanh của Cảnh-sát đến đậu ngay trước cửa “barrack”, một toán “Police” của “Indo” nhào tới, còng thúc-ké thằng Trạch tức khắc, rồi dẫn nó lên đồn giữa những cú đá bằng giày đinh kêu thình-thịch vào bụng của nó. Một lát sau, xe “Ambulance” từ “ nhà Thương mới”  tới, hụ còi ầm-ĩ với ánh đèn ưu-tiên xanh đỏ chớp nháy liên hồi. Người ta vực con Lụa lên “băng-ca” một cách vội-vã. Đầu cổ, và mặt con Lụa bong ra từng mảnh da đỏ hoét trông phát khiếp bởi một “xoong” dầu, đã được thằng Trạch đun sôi và đổ nguyên lên đầu người nó yêu dấu ngày xưa, khi nó tự thấy nó bị phản bội, vì nó nghĩ con Lụa do đời sống vật chất ở đây no đầy và vui vẻ hơn nên Lụa đẹp ra nhiều so với những ngày Xóm Biển cùn mằn của nó trước đây, nên nó nhất định làm cho con Lụa “xấu” đi để ở lại với nó như nó tin tưởng trước khi ra đi …kiểu như mấy bà ở VN đánh ghen bằng những ca “Acide” tạt thẳng vào mặt tình địch cốt chỉ để tàn phá dung-nhan của họ mà giữ chồng lại thôi, chứ không muốn giết người sẽ bị tử hình như chơi …


Một tuần lễ sau, thằng Trạch được tha ra với cái đầu bị cạo trọc lóc, một lối trừng phạt của Cảnh sát “Indo” cốt để làm nhục, và cảnh cáo với đồng hương của những người VN Tỵ-nạn vi-phạm kỹ-luật trên Đảo bởi những tội như sau: nấu rượu lậu, buôn bạch-phiến, đánh bạc, đĩ điếm, ăn cắp, đánh lộn, và giết người …


Sáng nay, thằng Trạch xách cái xô đồ dơ của con Lụa lửng-thửng đi xuống bờ suối. Nó ngồi trên kè đá lơ-đãng vò từng cái đồ. Dòng suối róc-rách từ trong núi chảy ra. Tiếng nước chạm vào những tảng đá nghe lỏng-bỏng, hốt-nhiên làm nó nhớ đến những chiều nước ròng trên bãi Xóm Biển của nó ngày xưa - vùng đất nó đã có con Lụa, lúc những buổi ghe về, nó đứng hiên-ngang trên ghe, tay vin cột buồm, tay xách hai con cá mú to đùng, dõi mắt tìm con Lụa trong đám sinh-linh nghèo nàn nhốn-nháo chờ xin nhặt cá vụn mà sống qua ngày, trong khi con Lụa thì được ưu-tiên hơn nhờ được nó yêu thương và đùm bọc nên con Lụa dĩ-nhiên có vẻ hãnh-diện công khai hơn, nên Lụa chỉ cần đứng ngoài xa, không cần chen lấn gì cho mệt,  giơ cái nón đã tưa lá lên, nở nụ cười cầu tài kêu “Anh Trạch ui, em đây nè!”, nhưng nhớ nhất là những đêm trăng hai đúa ngồi bên nhau trên bờ đê tâm tình, thề bồi đủ thứ…để rồi qua đây với tình trạng dở khóc, dở cười …Nó tự hỏi: ai đã đưa nó đến nơi đây, mà phải bỏ lại sau lưng tất cả như Cha Mẹ già và bầy em nhỏ dại không ai chăm sóc, kể cả cái Xóm Biển dù nghèo nhưng đầy tình yêu thương của nó từ bé…rồi nó tự trả lời với chính mình: chỉ vì nó yêu con Lụa “thực” mà thôi, và nó hết lòng tin vào mối tình mà nó tự biết không tương xứng, nhưng tình yêu thực, lúc nào cũng vượt lên trên được mọi thứ, kể cả sự phản-trắc và nó rưng-rưng nước mắt...nhìn vào khoảng xa-xăm...Nhưng cuồi cùng, bỗng dưng lòng nó lại trở nên mềm xuống, khi nó nghĩ đến khuôn mặt sần-sù, đỏ hoét, biến dạng khủng-khiếp của con Lụa mà  chính tay nó gây ra trong một phút cuồng-si không kiềm giữ được, nên nó bật khóc thành tiếng vì nó vẫn còn yêu con Lụa rất nhiều, mà nó cũng thừa biết nó sẽ mất vĩnh-viễn con Lụa thôi, dù con Lụa đã “thân tàn ma dại” do nó gây nên, cốt chỉ để giữ con Lụa lại một cách ngu-xuẩn và nông-cạn…Nó tự trách mình, nếu biết kèm chế và tha-thứ được một chút, vì dẫu sao con Lụa cũng đã trao thân con gái cho nó một thời gian rồi, dù vai vế nó chỉ là anh chài lưới “cụ trâu” mà thôi… thì đời nó và chính đời con Lụa cũng sẽ khác đi trên nước định cư thứ ba, con Lụa sẽ lấy được người nó yêu thương, cùng giai-cấp, còn nó chịu khổ đau rồi thời gian cũng nguôi đi, nó sẽ có gia đình với một cô gái khác hợp với tầng lớp của mình hơn, là điều hợp-lý thôi, sao lai dại khờ điên rồ vậy ?Nó lại khóc rấm-rức lớn hơn, mà miệng vẫn thì-thầm một lời gì đó không ai biết được, nhưng chắc không ngoài hai chữ “ví dầu” đầy vẻ ăn-năn …thì đã muộn …!!!

Nguyễn-Tư