Tuesday 31 August 2021

ÁO TIỂU-THƯ… ( Nguyễn-Tư)



 ÁO TIỂU-THƯ…



*“Một hôm cơn gió tình yêu lại,

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu-thư" (Huy-Cận)


Khi thấy chữ "tiểu-thư", thì tôi nhớ đến em,

Ôi, những ngày xa-xăm... còn lại rất êm-đềm!

Em thục-nữ nhẹ bước qua sân chơi đầy nắng,

Tá áo trắng bay, nuôi hồn tôi mộng hơn thêm...!


Lúc đó, người con trai hai mươi tám tuổi đời,

Dù hay cười... nhưng lòng đã bạc trong tôi!

Giấu kín những gì, lỡ vận vào thân trước đó...

Như con thú buồn, nằm liếm những vết thương thôi?


Dẫu thế, tôi vẫn yêu những buổi nắng sân trường, 

Bởi tiểu-thư của tôi, sẽ hong lọn tóc buông...

Gió bay, tung những sợi tơ vàng lên óng-ánh,

Dải “bandeau” lụa xanh, ôm vầng trán yêu thương…!


Chỉ đến với em trong khoảng đời nhẹ thế thôi,

Bởi trời sinh tôi ra, không phải để cùng người,

Sẽ chịu cảnh chia xa, trong kiếp này chưa hết!

Khi "mệnh biệt-ly", tôi trót mang nặng không nguôi...


Trời bắt tôi, chỉ được phép nhớ thương đến em,

Coi như chút nợ-nần xưa, ưu-ái bù đền... 

Tôi phải bị cách biệt em, mãi là vạn dặm!

Và, cả em - cũng chỉ thế, không thể vơi quên?


Nên, tôi hiểu vì sao em hỏi tôi câu này:

"Nếu được ước một điều, người sẽ chọn gì đây?"

Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi em, đó!

Nghĩa là lời ước em, cũng chỉ giống như tôi!?


*Nguyễn-Tư 

    (Gửi: Niệm)



MỘT BÀI, HỌC HOÀI KHÔNG THUỘC… ( Nguyên-Tử )


 MỘT BÀI,

HỌC HOÀI KHÔNG THUỘC…



Sau cuộc tháo chạy có cờ,

từ Nam-vang tới Sài-gòn sụp…

đến giờ chưa phai…!?


Reagan tuyên-bố rất oai:

"Nước Mỹ tham-dự mọi cuộc chiến,

nhưng lại không muốn,

 đánh thắng ai... bao giờ!?”.


Các anh,

đừng có mà dại khờ,

chơi với tụi tui,

phi “tỉnh như sáo”,

chớ mơ-ban-ngày…! 


Không tin chú Sam,

toàn-tập tròn đầy,

vì sẽ phải “bán lúa giống”,

chả hay lúc nào !?


Quí vị không học được gì,

mà cứ nghĩ tà-tà:

"Nước Mỹ vĩ-đại vốn là Đồng-minh"

như ngài Sirik -Matak,

phó Thủ-tướng,

xứ Chùa tháp đẹp xinh...


Đã khắng-khái tuyên-bố,

khi Khmer Đỏ tiến chiếm Nông-pênh,

trong ngày...

rằng: "Tôi sẽ ở lại đây, 

để được chết trên đất nước này, Ông ơi!

xin cảm ơn Ngài Đại-sứ mở lời,

đến đây để được với tôi chạy cùng...

tôi rất hối-hận,

vì đã lỡ tin nước Mỹ to đùng,

nên mới ra nông-nỗi,

bi-hùng hôm nay"


Rồi Sài-gòn 75,

không kịp trở tay,

hơi thở sắp tắt,

từng ngày đếm lui...


Ông Thiệu chửi Mỹ,

trong nỗi ngậm-ngùi,

vừa vỗ túi áo đầy thư Nixon: 

“Mày cứ ký Hiệp-định đi,

chúng tao vẫn đang còn, 

chúng nó mà vi-phạm,

tao sẽ bỏ bom thấy bà…!”


Nhưng,

khi CS liếm thử,

 Ba-mê-thuột...Và,

thấy Mỹ vẫn cứ im như thóc,

thế là xắn vô...

“tỉnh-queo-như-người-Hà-nội” cố-đô,

Thiệu-Khiêm bỏ chạy chả hô lời gì …??

Sài-gòn ở lại sầu bi,

khóc cạn nước mắt,

còn chi nữa nào!?


Bi chừ,

Kabul bể dâu,

tái-diễn lịch-sử như màu VN…!!

trực-thăng lượn bay hà-rầm,

di-tản người Mỹ đang làm con tin ?


Dân nghèo hôi của linh-tinh,

chui vào dinh-thự cứ rinh tha-hồ...

tv, tủ lạnh, tiền đô…

mang đi thoải-mái bất ngờ, ai ngăn …?


Kẻ có máu mặt lăng-xăng, 

tìm đường trốn vội…

sợ ăn kẹo đồng!

mấy anh du-kích chạy rông,

mặt mày hớn-hở,

y “đồng chí” xưa?


Không dưng,

được của gió đưa,

“chó nhảy bàn độc”,

sướng chưa... hả trời??


Tổng Bảy năn-nỉ, ỉ-ôi,

vừa hăm “tao sẽ phải chơi nếu cần…!”

người Mỹ rán chạy sút quần,

nhớ 911 ta-li-bân... thuở nào…?!


Ai ơi, bài học này... Sao,

chả ai chịu thuộc lời nào hết trơn !?


*Nguyên-Tử


*Ghi chú: Sarik Matak bị giết do Khmer Đỏ,

 sau khi vào Nam-vang một ngày, 

một chính trị gia khẳng-khái, đáng phục thay!

Wednesday 18 August 2021

KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(2) - ( Nguyễn-Tư )



 KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(2)


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư



Lúc này nhà trường đã bãi học vĩnh-viễn để chờ ngày giao lại vùng đất này cho chế-độ mới Quốc-gia không còn bao lâu nữa. Những chuyến tàu lửa vội-vã chạy ngày đêm chở đông nghẹt người xuôi về phương Nam để đến cảng Qui-Nhơn tập-kết ra Bắc như hiệp-định Genève qui định. Tôi ở lại với những ý nghĩ mơ hồ là sẵn-sàng đón chờ sự đổi thay đời sống của xã-hội mới. Tôi vẫn nghĩ đến Ái nhiều hơn vì chẳng nghe Ái nói gì cả, dù tôi với Ái đã học chung từ dưới tiểu học lên đến lớp 7 cuối cùng… và có khá nhiều kỷ niệm riêng tư với nhau mà những học sinh khác cùng lớp không thể có….


Ái hơi gầy, nhưng nhờ khuôn mặt tròn với mái tóc "bom-bê"(như tóc tém sau này) làm cho Ái có vẻ phúc-hậu. Đôi má phúng-phính với làn da trắng mịn làm nổi bật đôi mắt đen như đôi mắt chú gà con trông nàng vui tươi, đôi khi làm tôi nói đùa:"Má miếng bầu, nhìn lâu thấy ghét" khiến cho Ái bí-xị xuống rất dễ thương…


Hồi đó học sinh chỉ mặc bà-ba đen hay nâu…hai màu này là vải ta trắng nội-hóa do người dân địa phương dệt bằng tay từ cây bông vải họ tự trồng, rồi nhuộm bằng hai thứ thuốc đơn-giản là vỏ cây “già” vì nó màu nâu (người Trung gọi màu “nu” hay màu “già” )…còn màu đen dùng lá cây “ngút”nấu, xong nhúng áo quần vào, đem vùi với sình sẽ ra màu đen …Cách nhuộm này rẻ tiền…rất thịnh hành để tránh máy bay Pháp cũng dễ. Nón lá màu trắng cũng phải bôi đen, nếu không sẽ bị VC nghi làm “điềm chỉ” cho máy bay địch ở tù như chơi …Vả lại, mặc hai màu tối này đi lao động khỏi sợ dơ vì thời này không có xà-bông …mà chỉ giặt bằng nước tro …


Hồi ở lớp nhất, trong những lần làm thủ-công bất cứ cái gì, Ái cũng nhờ tôi hết cả. Vào dịp Tết Trung-Thu nhà trường bắt mọi người phải làm một cái lồng đèn tùy ý để vui chơi. Ái đã phải cầm một con dao và mấy miếng tre đến tận nhà, nhờ tôi làm giùm. Ái cẩn-thận xếp gọn-ghẽ xấp giấy quyến trắng (loại giấy rất quí do người buôn lậu ở Tam-kỳ hay Đà nẵng mang vào để làm giấy cuốn thuốc rê mà hút thay vì lá chuối khô hay vỏ bắp của những người nghèo), bọc trong túi áo bà-ba, lủi-thủi đến tôi năn-nỉ:


- Anh Thi à, làm giùm cho Ái cái lồng đèn đi. Ái làm không được. Ngày mai phải nộp chấm điểm rồi...


Tôi cắc-cớ hỏi vẻ thắc-mắc:


- Sao cái gì Ái cũng nhờ tui làm hết vậy?


- Chứ Ái có biết nhờ ai đâu? Bọn dưới xóm nó du-côn quá Ái không dám

nhờ...


Tôi hỏi chọc Ái:


- Chứ tui không "du-côn" sao?


Ái chỉ mỉm cười, không nói, rồi bảo:


-Chịu khó làm cho Ái đi, anh Thi!


Tôi đưa tay đỡ con dao và mấy miếng tre, bảo Ái ngồi cạnh bên để sai vặt cho việc làm lồng đèn. Rồi tôi lại hỏi:


- Mà bây giờ làm lồng đèn gì mới được chứ?


Ái suy nghĩ một lát, sau đó nói:


- Làm cho Ái cái lồng đèn chậu đi!


Tôi cản mũi ngay:


- Đèn chậu làm khó lắm. Vì phải có cái ống trúc để chứa dầu, rồi phải dùi 4 cái lỗ ở dưới nữa. Vả lại, lồng đèn chậu tuy đẹp nhưng hay bị tụi trẻ nghịch-ngợm ưa ném đá vào cái miệng "chậu" to tổ-bố, bách phát

bách trúng, rách hết...


- Ừa, thôi anh làm lồng đèn gì vừa dễ mà vừa đẹp thì làm giùm Ái đi...


- Đèn ông sao là dễ nhất. Chỉ cần hai miếng tre bẻ thành hình ngôi sao, cột các đỉnh nhọn lại, chỏi cây nông bên trong, phất giấy là xong ngay, khỏi phải ống trúc, dùi lỗ gì cả. Chịu hông?


- Rồi, chịu! Làm cho Ái một cái. Bây nhiêu tre đủ không?


- Dư sức! Có thể làm thêm cho tui một cái nữa...


Ái mỉm cười nói đùa:


- Ừa, kẻ có “của” người có “công” chớ?


Tôi cũng đùa lại:


-Ái có biết người ta bảo “Của 1 đồng, công 1 lượng” không vậy ? Giờ tui trả "của" lại, Ái chịu hông?


Ái dẫy-nẫy nói:


- Không mô!


- Sao Ái khun quá vậy?


- Ừa! Rán chịu,  ai biểu khéo tay làm chi?Vụng như Ái chả ai mượn làm gì cả, hóa ra mình phẻ-re kha…kha ….


Tôi ngồi cầm cái dao chuốc từng nan tre thực cẩn thận. Ái ngồi nhìn theo và nói:


- Để Ái mượn dao chuốc lại cho bóng.


- Ừa, nhưng nhẹ thôi, kẻo gãy, thiếu nan à nghen!


- Ừa, bảo-đảm mà. Nếu thiếu là thiếu của anh chứ đâu phải của Ái, vì lồng đèn của Ái được làm trước mà, “thừa trong nhà mới ra người ngoài” anh quên câu ni rùi hả …???


Rồi Ái cười lên sặc-sặc như chừng mới chọc tức được tôi. Tôi bèn nói:


- Ngon há?!


Trong lúc cặm-cụi vót nan tre tôi bảo Ái vào nhà xin mẹ tôi chút bột năng, pha vô chút nước, bắc lên bếp khuấy hồ để dán giấy. Ái thoăn-thoắt đi nhanh một cách ngoan-ngoãn. Một lát sau, Ái ra với dĩa hồ trắng đục còn nổi bọt. Tôi bảo Ái lấy dao cắt một miếng bẹ chuối để làm cọ phết hồ. Cái gì Ái cũng làm thật gọn nhẹ. Thoáng chốc tôi uốn xong 2 chiếc lồng đèn ông sao dán giấy quyến trắng thực đẹp. Tôi cầm 2 cái lồng đèn mới tinh giơ lên cao ngắm-nghía. Ái cũng nhìn theo một cách thích thú. Nhưng bất chợt tôi bảo nhanh:


-Ái ra lu sau hè múc cho tui gáo nước.


Ái ngạc-nhiên hỏi:


-Anh uống nước lạnh à? Đau bụng chết!


- Không! Cho lồng đèn uống nước chứ không phải tui.


Ái thắc-mắc hỏi:


-Sao kỳ cục vậy? Xài đèn cầy “ông” ui!


-Thì mình biết uống, cũng phải cho nó uống chứ. Có uống nước thì đèn

nó mới sáng...


Ái dẫy-nẫy, bất-bình nói:

 

-Ái không chịu đâu. Lồng đèn bằng giấy quyến mỏng teng nó rã ra hết!


- Cho uống ít thôi. Đi lẹ lên, không thì đem đốt hết bi chừ...  

 

Ái bù-sụ đứng lên đi múc gáo nước với vẻ lo âu, không hiểu nổi những điều tôi nói. Một lát sau Ái đến với gáo nước đầy đưa cho tôi, nói giọng hờn dỗi:


- Nè “ông”!


Tôi mỉm cười đưa tay đón gáo nước, vừa bảo:


- Dang ra, dang ra! Cho đèn uống nước!


Rồi tôi hớp một ngụm nước nhỏ, giơ 2 cái lồng đèn lên, chu mỏ phun đều. Hơi nước bay ra như bụi mưa, bám trên những mặt giấy quyến, làm nhăn-nheo, xấu thảm. Ái rưng-rưng nước mắt, phụng-phịu nói:


-Anh chơi gì kỳ-cục vậy?  Đèn của Ái hư hết trơn rồi, bèo-nhèo thấy gớm như da bà già không hà. Anh đền cho Ái đi.


Tôi mỉm cười trấn-an Ái:


-Thôi, để tui làm cái khác cho.


-Trễ hết rồi! Làm sao kịp?


-Kịp mà!


Nói xong tôi cầm 2 cái lồng đèn ướt ẩm, đứng dậy nói với Ái:


-Thôi đem liệng hết cho rồi, nghe!


Ái lặng thinh cúi đầu, hai tay mân-mê các ngón, nước mắt nhỏ xuống mu bàn chân trông tội-nghiệp. Tôi cười lớn, nói:


-Gì mà mau nước mắt vậy bà, “mít ướt” quá hà? Dọa Ái cho vui đó, giờ tui đem lồng đèn phơi ngoài nắng chút xíu nữa. Ái sẽ thấy các mặt giấy khô căng thẳng đẹp tuyệt vời... làm lồng đèn "nghề" mà...! 


Ái ngước lên, đôi mắt còn đầy lệ, mừng rỡ hỏi:


- Thực hở?


- Ừa!


- Vậy mà Ái cứ tưởng anh chơi ác, cho Ái bị điểm “dê-rô”...


- Tui cũng bị ăn “trứng vịt” như Ái vậy chứ bộ…?


- Ừa hé?


Tôi xách 2 cái lồng đèn đem treo trên cành cây trúc-đào chỗ có ánh nắng vàng óng-ánh. Một lát sau 2 chiếc lồng đèn trở màu trắng lại như cũ. Các mặt giấy căng cứng như trống ếch. Gió đong đưa, 2 chiếc lồng đèn cọ vào nhau những âm thanh khô. Màu trắng trong nổi bật bên những chùm hoa trúc-đào đỏ hồng trông rất đẹp mắt. Tôi đưa tay chỉ cho Ái, nói:


- Đèn uống nước rồi, “cành hông” đẹp ghê chưa?


- Ừa, đẹp quá anh Thi hỉ? Ái đâu có biết!


- Thôi đi, bà "mít ướt" quá trời …!


- Ai biểu anh không cắt nghĩa làm chi! Cứ “hù” Ái hoài hà. Ỷ lớn ăn hiếp, nghỉ chơi với anh luôn .…

 

Tôi vội nói:


-Ừa, nghỉ chơi đi, tui khỏi giao lồng đèn, tui được lời 1 cái nữa …ha ha …


 Ái thấy mình hớ, bèn nói chữa:


-Ừa há, Ái ngu ghê nha, lấy lồng đèn trước, rùi nói “nghỉ chơi” sau, có phải hay hơn không, vừa cười tủm-tỉm mà đôi mắt vẫn còn long-lanh trông rất tội-nghiệp. Tôi cũng có vẻ hối-hận về trò chơi quái ác của mình đã bất ngờ làm cô bạn nhỏ buồn trong giây lát, nhưng tôi nghĩ niềm vui đã được đền bù cho Ái rồi ...


Đến khi lên Trung học, cả hai đã lớn, nên đối xử với nhau thân thiết hơn. Dù hết làm thủ-công nhưng Ái lại vẫn hay nhờ tôi vẽ, vì tôi có chút hoa tay. Vả lại, Ái cũng là một người ít nói, không thích giao du với ai, ngoại trừ tôi, vì tôi là người cạnh làng và đã học chung với nhau từ lúc nhỏ... Vẽ cho Ái, lúc nào Ái cũng được nhiều điểm, mà vẽ cho mình thì lại ít điểm hơn. Ái buồn cười giải thích: "Bụt nhà không thiêng". ...


Dĩ-nhiên lúc này Ái không còn nũng-nịu, mau nước mắt, ngây thơ như hồi còn bé nữa. Tóc Ái đã dài chấm ngang vai. Đôi mắt có vẻ mơ màng và ướt hơn. Nhất là đôi môi mọng đỏ và làn da mặt mịn màng đỏ hồng của những người con gái đến tuổi tự biết mình đã có những xao-xuyến trong lòng. Tôi không còn chọc Ái như ngày xưa nữa để phải làm cho Ái khóc. Tôi chỉ nói với Ái những điều thực cần-thiết mà thôi. Ái có vẻ rụt rè. Và tôi cũng thân mật chừng mực một cách nghiêm trang trong những khi tôi phải giải cho Ái một vài bài toán khó. Tôi cũng nhìn thấy nơi Ái những cử chỉ vụng về những khi vô tình gần-gũi nhau. Mỗi lần như thế Ái đều phản ứng bằng sự cúi mặt hay nhìn đi chỗ khác….


 Có một lần, vào một mùa lụt, nước ngập mênh-mông, trên con đường đi học về, Tôi đưa Ái qua một chiếc cầu khỉ khấp-khểnh đã bị nước cuốn trôi đi một khoảng ngắn độ bước nhảy ở phía đầu cầu bên kia. Nước dưới sông chảy cuồn cuộn bọt bèo trắng xóa. Tôi đi trước từng bước và Ái theo sau. Chân Ái run-run cố bám vào thân cây cau nhẵn thín với vẻ sợ-hãi. Tôi bảo Ái cẩn-thận, cởi dép ra máng vào ba-lô, và bám chân thực chặt, chỉ bước ngắn thôi, dù có gì cũng không được buông tay để tôi dìu đi. Tới đầu cầu tôi đứng chờ Ái một chút cho Ái đỡ sợ. Xong tôi lấy trớn nhún mình phóng qua khoảng hở một cách an-toàn. Ái đứng chần-chờ rất lâu bên kia. Tôi bảo Ái đừng bắt chước tôi mà nhảy một mình, không qua khỏi đâu. Tôi đứng bên này khoảng hở, một tay vịn vào cây cọc ở đầu cầu, tay kia đưa ra, chồm thực xa, vừa đủ để cho Ái nắm vào. Tôi thấy mặt Ái đỏ hồng lúng-túng. Tôi xoay mặt ra phía sau để tránh cho Ái những bối-rối... Rồi tôi cố trấn-an Ái, nói dịu dàng:


- Có tui đây, Ái đừng sợ. Hãy nắm lấy bàn tay tui thực chặt nha. Tui biểu sao Ái làm y như rứa nhé. Đừng sợ gì cả!Có gì, tui biết bơi mà! Đừng lo!


- Dạ! Nước chảy mạnh, khiếp quá anh Thi ơi!


- Đừng sợ! Đừng nhìn nó nha. Hãy nhìn bàn tay tui nè và nắm thực chặt. Đừng buông bất-tử nghe chưa!


Trong lúc đó tôi cố nhoài người thêm một chút nữa, cây cọc tre rung-rinh mạnh. Tôi xòe bàn tay nắm cứng cổ tay Ái. Cổ tay nhỏ xíu, tròn lẵng, trắng ngà chỉ biết dùng để bưng những rỗ hoa đem ra chợ bán trong những ngày rằm và đầu tháng cho người ta cúng Phật mà thôi. Tôi cảm thấy từng nhịp nhảy của động mạch tay của người bạn nhỏ. Tôi lấy thế đứng vững-vàng, rồi nói mạnh:


- Chuẩn bị nghe, khi tui hô "nhảy" thì Ái cứ việc phóng tới hết sức mình. Tui sẽ cố kéo Ái qua, chứ không còn cách nào hơn. Nhưng Ái phải bình-tĩnh. Đừng nhìn dòng nước chóng mặt đấy!


- Dạ! Ái thấy ghê quá!


- Không sao đâu! Tui giữ chặt tay Ái đây rồi, chỉ sợ cây cọc này nó phản mình, bung đi... thì “thua”,  nhưng không sao, tôi bơi nghề mà, nhờ những ngày chăn trâu trưa nào mà tôi không tắm sông …?.


Tôi bậm môi, siết chặt cổ tay Ái thêm nữa, nói quả-quyết:


- Nắm chặt thêm lên nha! Một, hai, ba… Nhảy!


Ái đem hết sức bình-sinh của mình lấy đà vọt tới, cùng lúc tôi giật cánh tay Ái thực mạnh. Toàn thân Ái bay qua gọn nhẹ vì Ái cũng gầy. Chiếc cọc bật mạnh, tôi ngã người ra sau... Ái đưa tay kia vội choàng qua cổ tôi như một phản xạ tự nhiên để lấy thăng bằng, mặt xanh dờn như tàu lá, hơi thở hổn-hển ấm phả nhẹ qua mặt tôi..Ái hơi nghiêng mặt qua hướng khác vì mắc-cỡ ....Khúc này nước chỉ tới đầu gối bớt chảy xiết, tôi dìu Ái đi từ-từ vào sát chiếc cọc hơn. Ái bối-rối nhìn tôi một cách bẽn-lẽn. Tôi cũng thấy ái ngại nói cho Ái đỡ thẹn:


- Hú hồn! May quá, không có gì, chỉ ướt áo sơ-sơ thôi...lát nó sẽ khô!


Ái mỉm cười thả ống quần xuống, nói:


- Dạ, may quá. Ái cảm ơn anh Thi...biết anh lội giỏi nên Ái rất an tâm, lỡ có chuyện gì thì anh cứu em mà…Không lẽ …


Tôi nói đùa:


-Không lẽ…xô xuống nước luôn phải không ?Tui đâu dám, con gái cưng của ông “Chủ tịch” mà, tù mọt gông! “Em” không dám đâu “Tiểu-thư” ui … …trong tiếng cười lớn …


Ái chồm tới xô nhẹ tôi một cái, vừa nói, con trai mà “nhiều chiện” nha!

 

Tôi vội nhảy tránh sang một bên, nói :


-“Tiểu thư” dữ quá, biết vậy để Ái nhảy qua một mình cho rảnh …


-Anh mà không kéo Ái qua, thì Ái đứng đó khóc rống lên, anh cũng phải dìu qua thôi …


-Tức vẫn sử dụng ngón đòn “mít ướt” như ngày xưa…?


-Đúng vậy, ai biểu anh sợ nước mắt phụ nữ làm chi, rán chịu! kha …kha …


Tôi bĩu môi chê:


 -Ai đời, xưng dân ruộng ở cạnh sông Cầu-Đập xanh dờn gì, lại không biết bơi, có ngày Hà-Bá níu cẳng nha…Chắc chưa chịu để “chuồn-chuồn cắn rún” chớ gì ?


-Ái sợ nước như mèo, chứ có anh “nam-nhi chi chí” một bên, để làm chi hả …?


Lúc đó, mặt trời đã xế chiều, tôi chợt nhớ tới điều gì đó nên nói, thôi mình về kẻo mẹ Ái trông vì mùa này lụt lội cầu cống hư kiểu này, con gái đi một mình như Ái, nguy hiểm quá .....


Ái đi bên tôi lặng thinh, như chừng còn xúc động về những sự việc vừa mới xảy ra bất ngờ mà cả tôi lẫn Ái đều chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi vẫn nhớ cái cổ tay Ái nhỏ xíu, tròn lẵng, đầy lông măng tơ, có những đường gân máu nhảy loạn xạ theo cơn sợ hãi cũng như xúc động bởi những biến cố bất thường xung quanh...Nét mặt Ái có vẻ trầm ngâm, không hiểu vì biến cố vừa xảy ra kinh hãi, hay vì lỡ ôm tay vào cổ tôi để giữ thăng bằng mà nàng không định ý, hay là vì nghe tôi nói những ngày ấu thơ rất vất vả tôi phải chăn trâu mà nàng chưa bao giờ biết tới chăng ? 


Nhưng điều đáng nhớ hơn, là những ngày chúng tôi học chung lớp 7 ở trường Cấp 2 nơi một làng vùng biển cách làng tôi khoảng chục cây số, mà chúng tôi phải băng qua một cánh đồng lúa mênh-mông khi trời vẫn còn mờ tối . Trường được xây trong rừng, dưới một tàn cây cổ thụ thực lớn để che mắt máy bay…Hầu hết học sinh ở xa như tôi và Ái đều phải mang theo cơm ăn bữa trưa, chiều tối mới về . Nhà tôi lúc đó rất nghèo vì thành phần “Địa chủ” nên chả còn cái gì gọi là của cải cả. Chúng nó lột sạch bách chỉ còn cái nền nhà bằng xi-măng thực cao, thực bự, dấu tích của một thời huy hoàng, nên cả gia đình bị đói liên-miên vì lúa làm ra chỉ để đóng thuế nuôi quân với tỉ lệ cao nhất trong các thành phần của xã hội để bù cho cái tội “bóc lột” dân nghèo trước đây. Cho nên, mẹ tôi dậy sớm chỉ luộc nồi khoai đủ thứ củ do chính nhà tôi trồng mọi mùa ăn quanh năm thay cơm ..Mẹ tôi bới bữa cho tôi trong mảnh lá chuối hơ lửa cho mềm bọc chừng vài củ khoai, rắc lên đó nhúm muối hạt bự chiên cho thơm để dễ nuốt vậy thôi, nên hồi đó tôi cao nhưng ốm lắm ..Các thành phần khác không phải con Địa-chủ thì họ khá hơn. Trong lớp có người anh họ của tôi, tên Quảng, nhà thuộc thành phần “Trung nông” nên đời sống sung túc hơn nhà tôi nhiều, anh ấy ăn cơm đàng hoàng và thức ăn là cá mặn kho tiêu vì nhà anh có nhiều ao nuôi cá …Nhà Ái cũng nghèo thôi nhưng nhờ bố là cán-bộ nên được mua gạo và thực phẩm phân phối của nhà nước … không ăn khoai ròng rã như tôi.  Vả lại Ái có bán thêm rau và hoa nên cũng có đồng ra đồng vào …Tôi nhớ cái gốc cây đại thụ nơi lớp học ấy, rễ chằng chịt quanh gốc, gồ lên như những con rồng khổng lồ dài cả mười mét là ít. Trong những giờ ra chơi chúng tôi ngồi trên những con rồng này tụ 5 tụ 7 tán dóc …Và, buổi trưa nghỉ học, học sinh ra đây ngồi, ăn những gói cơm mang theo của mình …Nhưng riêng tôi, vì tủi mình nghèo nên hay ra ngồi thực xa trên một nóc hầm trốn máy bay, một mình, vì tôi cũng có rất nhiều mặc-cảm nên không muốn ai thấy mình ăn gì? Ông anh họ tôi, thỉnh thoảng có cho tôi vài con cá mặn, tôi nói cảm ơn, nhưng sau tôi không muốn nhận nữa nên nói trớ là tôi không ăn cá được vì mùi tanh của cá đồng …Sau này, anh ấy bị VC bắt cóc lên núi, và mất tích luôn không hiểu vì sao ?


Ăn xong bọn tôi ra cái suối cạnh đó múc nước uống nhưng sao chả thấy đau ốm gì …có lẽ nhờ mình mới lớn mạnh khoẻ nên mọi bịnh tật đều vượt qua chăng?…Ái, lại hay thường ra nóc hầm ngồi ăn chung với tôi vì Ái nói không thích ngồi với đám kia chúng ồn ào lắm …Tôi cũng e ngại sợ Ái thấy mình ăn khoai mỗi ngày rồi khinh rẻ ...Ái có hỏi sao anh ăn khoai với muối hoài vậy mà không ăn cơm như Ái? Tôi chỉ mỉm cười nói tôi thích ăn khoai vì mùi nó rất thơm, mẹ tôi thường bới cho tôi đủ thứ khoai hỗ-lốn như khoai lang, khoai từ, khoai mì, khoai sọ, khoai lăng …luộc với lá dứa …thơm tuyệt cú mèo, nên rất ngon. Tôi có đưa một ít cho Ái ăn và Ái cũng nhận như vậy vì khu Ái ở toàn ruộng chỉ trồng lúa, rau và hoa mà thôi, làm gì có khoai đủ thứ như vậy mà ăn, chứ vùng tôi toàn rẫy thì khoai đậu là nhiều …Đôi khi Ái cũng múc cho tôi vài muỗng cơm bảo ăn chung với khoai cho đỡ ngán tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện mà thôi. Nhưng cứ kéo dài ăn khoai như vậy thì Ái cũng hiểu được rằng chắc vì nhà tôi nghèo, không có gạo ăn mà thôi, nên Ái rất chạnh lòng, nói xa-xăm: Ái hiểu hoàn cảnh Địa chủ của nhà anh Thi, nên ra đây ngồi với anh cho anh đỡ tủi, chứ như hồi trước anh con nhà Quan, nghe Mẹ mình nói đến kỳ giỗ chạp ăn mày khắp Huyện đều nhớ ngày tới ngồi đầy ngõ để chờ được ăn vì nhà anh rất phúc đức …với đôi mắt rưng-rưng vốn ướt át của Ái từ lâu … Dù Ái là con cán bộ, cháu ông Thủ tướng Đồng.. nhưng nàng không bao giờ tỏ ra hách về những ưu đãi đó …mà tôi  còn nhớ đến bây giờ…



 Hai đứa tôi ở hai làng nhưng gần nhau, chỉ cách cây cầu sắt, nên hay được lớp trưởng phân công chung giờ để tưới nước khu vườn “Tăng-gia sản-xuất” với nhau …trong miếng đất rộng trước lớp học …Bữa nào lao động thì hai đứa hẹn nhau đi sớm hơn một chút để tưới rau rồi vô học cho kịp giờ …Nơi vườn rau có cái giếng nước miệng rộng nhưng không sâu lắm …lần nào tôi cũng tình nguyện nhảy xuống giếng vì tôi là con trai mà, bơi cũng giỏi nên rất an toàn … rồi múc những gàu nước đưa cho Ái đứng ở trên mang đi đổ vào những rãnh rau muống khô cằn…Tôi nhớ những ngày lao động như vậy, Ái hay mặc áo bà-ba nâu, nhưng ngắn tay để tưới nước cho tiện … Nước da vốn trắng nõn của Ái làm nổi bật nhờ cái màu nâu sậm của tay áo ngắn, khiến cho Ái đẹp khác thường hơn mọi bữa, nên tôi hay nhìn chăm-chăm vào đôi cánh tay trần của Ái, Ái e ngại hỏi : 


-Răng mà cứ nhìn tay Ái chăm-chăm vậy hả? 


Tôi chỉ cười, nói: 


-Đôi tay Ái đẹp quá trời, xài để tưới nước rau hơi uổng …chỉ để bán hoa cúng Phật thôi nha…!


Ái mắc-cỡ đáp : 


-Lần sau Ái mặc áo dài tay để anh khỏi nhìn… “dị” muốn chết  nì!…


Nói vậy thôi, nhưng lần nào tưới rau Ái cũng mặc áo ngắn tay cả, không nâu thì đen, có lẽ Ái biết những ưu điểm của mình, chỉ nói chữa thẹn vậy thôi… Con gái mà…nên tôi vẫn thấy vui khi lao động chung với Ái …Mỗi lần tôi nhảy xuống giếng Ái đứng trên bờ cúi người xuống đưa cho tôi cái gàu không có dây …nhưng khi đưa nước lên tôi giả vờ nặng quá nên phải sụm gối xuống để Ái chồm người xuống thấp hơn mà kéo cái gàu lên, nhưng tôi  cứ sụm xuống thấp hơn nữa, Ái biết tôi ghẹo nàng nên la lên oai-oải: 


 -Đừng có mà ghẹo Ái nha! Không chơi với anh nữa mô! Ái rớt chúi xuống giếng bi chừ!


Tôi lại khoái chí cười lên sặc-sặc rồi đẩy gàu nước lên cao cho Ái bợ đi tưới rau, vừa nói câu ngày xưa: 


-Mình bơi nghề mà Ái, lo gì!?

 

Làm cho Ái “trẽn” …hơi cúi mặt xuống che dấu nụ cười bí hiểm về những kỷ niệm thời trước đó qua cầu gãy, vừa đẹp vừa tức cười ..


 Nắng ấm làm hai má Ái đỏ hồng lấm tấm mồ hôi trông rất đẹp, nhất là những sợi tóc bay-bay của gái dậy thì …vẫn là đôi tay trắng nõn, phơn-phớt những sợi lông măng vàng nhạt như tơ,  tương phản với màu nâu đậm của áo ngắn tay … hình ảnh tôi thích nhất từ người bạn nhỏ bé, mà…tôi đã từng nắm đôi tay này, có những sợi lông măng ngày ấy vẫn in sâu trong lòng tôi…chỉ khác lúc này chúng tôi đã hơi lớn khôn hơn…… (Còn tiếp)

 Nguyễn-Tư 

Thursday 12 August 2021

KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU… ( Nguyễn-Tư)

 



KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU…(1)



 *Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Dưới thời Pháp thuộc ông Năm thuộc một gia-đình hơi khá giả .Nhưng ông mồ-côi cha nên được mẹ gửi cho người Cậu làm trợ-giáo để học hành. Ông không được sáng dạ lắm, nên thi mãi cái bằng Tiểu-học tới 4 năm ông mới đậu. Điều nầy khiến cho ông nản không muốn học cao hơn vì sự lận-đận trong việc thi-cử đã làm cho ông lớn bộn. Nên con đường duy nhất mở ra cho ông thời bấy giờ là ông đăng lính Tây vì ông nghĩ với vốn liếng tiếng Pháp ông có được nhờ tấm bằng này, thì ông có thể giao tế với người Pháp thoải-mái thôi. Và, quả nhiên như vậy, vào lính chả được bao lâu ông đã đóng được lon “Cai đội”,vì vậy người ta thường gọi ông là "Đội Năm". Mỗi khi về làng trông ông rất bảnh chọe. Ông cỡi một con ngựa kim màu trắng ngà, mặc bộ đồ ka-ki vàng nhạt, trên cầu vai có miếng nỉ đen gắn lon “Cai” bằng kim-tuyến vàng. Đầu ông đội mũ kê-pi cũng bằng nỉ đen có cái vòng vàng chạy chung quanh giống như như cái mũ của ông De Gaulle, vị anh-hùng khét tiếng của nước Pháp trong thời Đệ nhị Thế-chiến. Chân ông mang một đôi giày “sơn-đá” bằng da đen, ống cao trông rất gồ-ghề. Tay ông cầm cây roi da quất lên hông con ngựa nhảy cà-nhông trên những đường làng, làm cho lũ nhỏ bọn tôi chạy theo coi, khiến cho những con chó hoảng hồn sủa ỏm-tỏi. Có khi Đội Năm dừng lại, cột ngựa vào một lùm tre để cho ngựa ăn lá, trong lúc đó ông vào xóm mượn một cái thúng mua cám bỏ vào đó đem ra cho ngựa ăn thêm, đồng thời ông cũng mua một ít mật đường mía hòa với nước lã trong một cái chậu cho ngựa uống. Con ngựa vừa uống, cái mũi vừa khì-khì, cái chân sau nhịp-nhịp xuống đất trông có vẻ rất thích-thú. Xong đâu đó nó hỉnh mũi lên trời hí vang. “Cậu nhỏ” dưới bụng nó thòng xuống đen sì trông phát khiếp, lũ nhỏ vỗ tay cười đùa chỉ-chỏ. Ông Đội Năm cầm cây roi da nhịp-nhịp vào chân ông, rồi cười, nói đùa: "Tụi bây làm sao mà con ngựa tao nó lòi ruột vậy hả?"…Xong ông đến bên con ngựa vuốt-vuốt cái bờm. Con ngựa lấy mỏ ủi-ủi vào người ông Năm ra chiều âu-yếm lắm. Đoạn ông Năm giơ chân đút vô bàn đạp sắt đánh phóoc người lên lưng con ngựa ngồi ngay ngắn, tay cầm cương giựt-giựt, đồng-thời lấy hai chân thúc-thúc vào hai bên hông con ngựa, nó lùi mấy bước, rồi phóng chạy tới, bụi bay mịt-mù... Lũ nhỏ chúng tôi đứa nào cũng phát thèm, mơ lớn lên thế nào cũng đăng lính làm ông "Cai" như ông Năm, đã có đồ mặc đẹp mà lại có ngựa cỡi hách xì-xằng vô cùng...


Nhưng đến sau, khi Nhật đảo-chánh Tây, rồi Nhật đầu hàng, Việt-Minh lên cướp chính quyền, người ta lại thấy ông Năm với cung-cách khác. Bây giờ ông Năm mặc bộ đồ bà-ba đen, lưng đeo súng ngắn, tay cầm kiếm dài. Một số người đi theo ông, gọi ông là "Đồng-chí" chứ không còn gọi là "Đội Năm" như ngày xưa nữa. Và mỗi khi gặp nhau, hay rời nhau họ đều đứng nghiêm, hai chân chụm lại, thẳng người, ngước mặt lên trời, rồi đưa bàn tay nắm lại như hình cái búa đặt ngang mang tai để chào nhau không giống kiểu chào lính Tây hay lính Nhật trước đó chút nào. Bà con ai cũng ngạc-nhiên và xầm-xì rằng ông Năm là "Du-kích Ba-Tơ". Dù vốn là Cai lính Tây, nhưng ông Năm đã âm-thầm móc nối với Việt-Minh từ những ngày ông còn ở trong quân-đội Pháp…Sau đó, ông bỏ vợ con lại làng rồi ông đi làm việc ở xa. Lâu lâu mới thấy ông về. Ông không còn cỡi ngựa, mặc đồ kaki, đội kê-pi, mang giày đinh nữa, mà ông chỉ đi bộ, mặc đồ bằng vải xi-ta xám (một loại vải của VM dệt cho lính mặc), đội nón cối đan bằng tre bọc vải bao lưới bên ngoài, mang dép râu... Ông Năm không còn cái oai-vệ của "Đội Năm" ngày xưa. Ông có vẻ ốm đi nhiều và buồn...


Khi thằng Đoàn được 15 tuổi, nó là con đầu lòng của ông Năm, cùng trang lứa với tôi, thì ông Năm không còn làm việc nữa, mà trở về làng làm ruộng bên gia đình như mọi người nông dân khác. Dù vậy, người trong làng vẫn gọi tước vị ông ngày xưa dưới thời Pháp thuộc là "Đội Năm" theo thói quen và dường như ông cũng thích thú về cái tên gọi xa-xăm một thời "oanh-liệt" đó... Ông Năm trở nên lầm-lì, lam-lũ làm ruộng, nhưng cũng không đủ lúa đế đóng thuế nông-nghiệp cho nhà nước. Ông bị xếp vào hàng "Phú nông", được kể là thành phần "bóc lột" sức lao động của nông dân, nhưng nhẹ tội hơn "Địa chủ" là thành phần "đại phản động" như gia đình tôi, nên phải cần bị “bao vây”(không cho làm ăn gì hết) và “đấu tố” nếu cần, chứ “Phú-nông” thì được kể là thành phần "liên-minh" nên cũng được nhẹ tay phần nào. Nhờ ông có góp công với Kháng-chiến chút đỉnh nên được bọn cán-bộ làm ngơ cho, không hạch hỏi gì ngoài chuyện đóng thuế cho đầy đủ...là được…


Thỉnh thoảng tôi có thấy thằng Đoàn mang cái “xấc-cốt” bằng da thật đẹp của ông lúc còn làm Cai, để đựng tập vở đi học. Đứa nào trong lớp cũng trầm-trồ sờ mó, kể cả ông thầy. Nhưng cái mũ kê-pi có gắn cái lon Cai thì nhất định ông bọc trong giấy kiếng máng trên cây cột gỗ bóng nhẩy ở nhà trên như là một báu vật trong quá-khứ của ông, mà ông rất hãnh diện từ thời trai trẻ. Những buổi chiều đi ruộng về, ông thường ngồi một mình nơi phòng khách hút thuốc rê và ngắm cái mũ thêu kim tuyến với những nụ cười chẳng ai hiểu nổi. Ông cũng còn một báu vật khác mà không bao giờ ông dám đưa ra khoe, sợ bọn VM tịch thu, lại còn ghép tội "phản động" tàng trữ dụng cụ quân sự. Đó là cái ống dòm thực bự, mà một dịp tình cờ tôi được thằng Đoàn lén kêu ra sau hè cho nhìn thử, thấy cảnh vật to đùng trước mắt rất hùng vĩ …. Sau này ông Năm hay được, đánh thằng Đoàn một trận nên thân, rồi ông tẩu-tán báu vật này đâu mất tiêu...


Thằng Đoàn học không giỏi, có lẽ vì nó mang cái bản-chất không được sáng dạ của cha nó, người đã phải thi Tiểu học đến 4 lần mà mẹ ông Năm cứ đổ hô là bị "Ông Táo bắt", khi mùa Đông ông Năm thường vào bếp sưởi ấm đã nghịch lấy phấn vẽ bậy lên đầu mấy ông Táo bằng đất cho vui... Dù vậy thằng Đoàn cũng lên được Trung học chung lớp 7 với tôi và nhỏ Ái trong làng bên...Đến khi hiệp-định Genève sắp ký kết để đình-chỉ chiến-sự tại Đông-Dương, thì mọi người đều xôn-xao về việc chia hai đất nước. Bọn CS hội-họp, bắt dân học tập liên-miên. Người dân suốt 9 năm ở trong cái hủ, đâu biết trời trăng mây nước gì, ngoài những cái loa và những tờ báo bằng giấy súc đen ngòm tên “Tổ quốc” và “Nhân dân” đâu từ ngoài Bắc gửi vào theo đường núi … được các cán bộ thông-tin ấp đọc mỗi tuần trên một cái chòi cao, bắt dân ngồi sắp lớp bên dưới mà nghe ngóng với bầy muỗi đói...Nhưng vấn đề nóng bỏng và xôn-xao nhất vẫn là chuyện “Tập-kết ra Bắc”đối với những thành phần có liên quan ít nhiều với CS. Sự tuyên-truyền của CS trước khi ra đi, quả là rất công hiệu, nhất là vấn đề bạo hành của lính Tây và "Ngụy" khi họ tiếp-thu miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào,  như phụ nữ sẽ bị hiếp dâm, hay bắt lấy Tây đen hoặc Ngụy làm chồng, cán bộ sẽ bị giết hay cầm tù Côn đảo …Dân nghe ai cũng khiếp sợ, đồng thời cái thời hạn 2 năm thống-nhất đất nước ai cũng nghĩ là sự thực...Chỉ có những người thuộc thành phần bất mãn với VM, như Trí thức, Địa chủ, Tiểu tư-sản… họ mới muốn ở lại với chế độ mới mà thôi, dù là Tây đi nữa cũng được. Giới trẻ rất xôn-xao vì có liên quan tới tương lai của họ và VC cũng muốn "hốt" lớp trẻ này, đem ra Bắc làm con tin cho những gia đình ở Nam và cũng là những cán bộ sẽ hồi-kết khi chúng phát-khởi phong trào xâm lấn miền Nam sau này...


Thằng Đoàn ngồi trên một cái rễ cây to tướng ở sân lớp học trong rừng (thời này tất cả các trường học lớn bé  ở Liên khu 5 của VM , gồm 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình. Phú, đều làm trong rừng dưới những tàn cây rất to để tránh máy bay Pháp từ Đà nẵng vào oanh tạc… Xung quanh trường đều có giao thông hào để tránh đạn. Trong giờ học đều có học sinh thay phiên trèo lên cây cao để canh máy bay, hễ nghe tiếng máy bay là gõ mõ liên hồi theo nhịp 3 để học sinh chạy túa ra hầm, hết máy bay thì gõ một hồi dài chậm chạp cho học sinh trở lại lớp học tiếp)… mặt nó vẻ lo âu, nói với tôi một cách buồn phiền:


- Thi à, không chừng tao tập-kết ra Bắc...


Đó là một từ-ngữ rất mới-mẻ thời bấy giờ, tôi ngỡ-ngàng hỏi:


- "Tập kết" là gì vậy mậy?


Dù thằng Đoàn hiểu rất lờ-mờ về ngôn-từ này nhưng nó cũng được nghe sơ qua bố nó, nên cố gắng giải thích:


- Hình như là phía mình phải tập-trung lực-lượng gồm Bộ-đội và Cán-bộ, cùng gia đình họ tụ lại hết một chỗ, để rút ra Bắc, chờ hai năm sau Tổng-tuyển-cử thống nhất hai miền, rồi mình về...


Tôi tỏ vẻ thắc-mắc hỏi:


- Bộ mày thuộc thành phần đó sao? Tao thấy cha mày là thành phần "Phú nông", thì chỉ đỡ hơn nhà tao “Địa chủ” một chút mà thôi? 


Thằng Đoàn nói với vẻ hãnh-diện:


- Dù cha tao thuộc thành phần phú-nông, nhưng ổng là "Cựu du-kích Ba-Tơ", nên tao được hưởng ân-huệ nhà nước đó.


Tôi có vẻ lo-lắng:


- Bộ mày đi luôn sao?


- Không, nghe nói là ra Bắc tao được đi du học ở Liên-Xô hay Trung-Quốc gì đó, xong 2 năm rồi về. Phần đất này sẽ tạm giao cho Tây và bọn “Ngụy” mà thôi.Tổng tuyển-cử mình sẽ thống nhất lại hết…


Tôi dò hỏi thằng Đoàn:


- Ý thực mày sao?


- Thực lòng, tao không muốn đi xa, nhưng nghĩ được đi du học Liên-xô hay Trung-quốc vĩ đại thì còn gì bằng. Vả lại mình chỉ đi có 2 năm thôi mà, rồi thống nhất đất nước mình về? Ra Bắc tao sẽ được gặp Bác Hồ mậy!


Tôi hỏi tiếp:


- Cha mày thì sao?


- Cha tao có vẻ lo âu, sau khi ổng bị thằng cha Huyện-ủy mời lên nói gì đó mấy lần. Mày thấy cha tao bây giờ đâu có làm gì, ngoài chuyện làm ruộng để thỉnh-thoảng nghe tụi bần-cố-nông nó xỉ-vả với từ khinh miệt “Lính Tây” cũng ủ-ê lắm...Chúng nó cũng ngại cha tao và mấy ông trí thức biết tiếng Tây như bố mày, vốn ghét CM…sẽ  làm “Việt gian” như chơi …Mày thấy không, mỗi lần Tây đổ bộ từ biển vào, thì tụi nó cho “Dân quân” tới nhà mấy người biết tiếng Tây kéo họ lên núi trước tiên, chỉ vì sợ mấy người này theo Tây điềm chỉ đánh phá CM …


Tôi mỉm cười nói giọng muốn khuyên thằng Đoàn ở lại, dù biết nó có mộng "du-học Liên-xô…":


- Mày có thấy là bọn “Hiệu-đoàn” (nhóm học sinh do VC gài vào ngành Giáo-dục để cai quản trường học kể cả các thầy cô đều phải sợ chúng) ở đây nó xếp mày với tao ngồi chung một chỗ trong lớp, cách biệt với bọn bần-cố-nông không hả?


- Có chứ. Chính vì vậy mà tao cứ do-dự, nhưng ngặt một nỗi, trước đây cha tao là lính Tây mà ổng lại theo Kháng-chiến, vả lại điều buồn là tao phải xa tụi mày. Nhưng tụi Tây nó chỉ ở đây có 2 năm, thì đâu lại vào đó thôi. Bây giờ mà tao không đi, chắc tụi  cán bộ sẽ làm khó dễ ông già tao trước khi chúng rút ra Bắc, tao nghe cha tao rì-rầm với mẹ tao thế...

Buổi chiều đó, tôi và Đoàn kéo nhau ra bờ biển ngồi chơi rất thoải-mái, vì lúc này đã hòa-bình nên cũng không sợ hải-pháo của mấy chiếc tàu Pháp bắn lên như trước đây mỗi khi chúng chạy qua biển ngang thấy dân lố-nhố. Từng luồng gió nhẹ thổi qua rừng thùy-dương vi-vút, thấp-thoáng những công-sự phòng-thủ của bọn du-kích dựng nên để bảo-vệ mặt biển ngày trước. Những cọng rong nâu từ biển giạt vào, những que củi mục, những quả dừa khô, những con sứa trong vắt như những chiếc mũ tai bèo... nằm rải-rác đó đây trên bờ cát phẳng lì làm cho tôi nghĩ đến kiếp sống nổi-trôi của con người, nhất là khi thằng Đoàn đã có ý-định ra đi. Tôi nói trong sự băn-khoăn với Đoàn:


- Buồn hỉ? Ngoài mày ra, trong lớp mình, có còn ai đi nữa không?


Suy nghĩ một lát như chừng kiểm mặt từng người, Đoàn e-dè nói:


- Hình như con Ái lớp mình, con ông Chủ-tịch xã nữa nha...


Tôi nói vẻ nghi-ngờ:


- Hèn gì, tao thấy nó nghỉ học mấy ngày nay. Có lẽ nó đang lo thủ-tục để đi...


Đoàn nhìn tôi, hỏi dò xét:


- Mày thấy sao?


Tôi chỉ lắc đầu làm thinh, một lát sau mới chậm rãi nói:


- Tụi mày đi hết, chắc hẳn tao buồn...


- Tụi tao cũng buồn vậy?


Tôi trả lời gọn lỏn:


- Ừa!


Chợt Đoàn quay về phía tôi hỏi:


- Mày muốn đi không?


- Không!


- Sao vậy?


- Chắc ra đó, rồi chúng cũng xếp ngồi riêng... Dù sao mày cũng còn cái gốc "Du-kích Ba-Tơ" của cha mày, con Ái con cán bộ, chứ tao con “Địa chủ rặc” có mong gì ?


- Không biết sao nữa. Nhưng cha tao ổng lại không thích nhắc tới cái quá-khứ “Ba-tơ” đó nữa, mà lại thích cái tên gọi "Đội Năm" thời lính Tây, dù ông ấy đã có lần chối-từ... Mấy ngày nay, tao thấy cha tao buồn dễ sợ, có lẽ vì ông ấy lo âu giữa đi và ở...


Đoàn lại nhìn tôi vẻ đùa cợt, hỏi:


- Còn trường hợp "em Ái của mày” thì sao, vì tao thấy tụi bay tình tứ lắm trong những lúc tưới rau với nhau nơi vườn rau “tăng-gia sản-xuất”, hay cùng ngồi ăn trưa trên nắp hầm trốn máy bay mà ? 


-Thôi mày ơi, nói vậy bọn “Hiệu-đoàn” nghe được nó kết tội tao “hủ hóa, tình cảm linh-tinh” thấy bà tao luôn đó nha! Mày không nghe tụi nó hát hà-rầm câu: “Lấy chồng bần-cố là tiên / Vớ phải địa-chủ là duyên con bò” đó sao? Nhưng tao chắc Ái phải đi, vì thuộc diện con cán-bộ….


Lúc này thì Đoàn nghiêm-túc hỏi dò xét bạn thân của mình:


-Hỏi thực nè,  Ái nó có nói gì với mày không?


Tôi mỉm cười nói:


- Mày lạ thực nha! Sao Ái lại phải nói gì với tao?


Đoàn nheo mắt nói:


- Thôi mà, còn ỏn-ẻn nữa. Biết hết rồi!


- Biết gì mới dược chứ?


- Chối hoài!


- Bằng chứng là Ái sắp đi mà có nói gì với tao đâu, dù nó đã nghỉ học sớm mà tao đâu biết lý do như trường hợp của mày ?


Ngẫm-nghĩ một lát tôi nói giọng mỉa-mai:


- Ái thuộc giai-cấp vô-sản, cha làm Chủ-tịch xã, đảng viên gộc làng mình, đâu có thèm nghĩ tới tao làm gì. Ai lại ngu đi chọn "duyên con bò" mậy?!


- Sao ở lớp tao thấy nó có vẻ quấn-quít bên mày lắm mà, nhất là ở những lớp dưới, hay khi tụi bây ra nắp hầm ngồi ăn chung với nhau trong những buổi trưa lớp 7, trong lúc tụi tao đều ngồi ăn nơi gốc đa …?!


Tôi giải-thích:


- Ở lớp quấn-quít gì đâu, Ái bận làm vườn và bán hoa tươi cho người ta cúng Phật mỗi đầu tháng và ngày rằm nên cũng cần hỏi đôi ba bài toán khó giải không ra vậy thôi, vì tao tương đối giỏi môn này, bọn con gái thường kém Toán mày ui!…Việc ăn cơm chung nơi nắp hầm vì tao ăn toàn khoai không có cơm, nó thương cảm tao nghèo, và muốn trả ơn công chỉ Toán  nên ra đó sớt cho tao ít cơm mà thôi … Còn ở tiểu học thì chúng mình đều là con nít cả mà. Lớn lên, ai cũng đủ khôn để chọn cho mình một con đường đi chứ? Mày nên nhớ Ái là cháu, kêu ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng “Ông” trong dòng họ Phạm ở đây, đó nha mậy, dù ông ấy ra tận ngoài Bắc để được cạnh Bác Hồ mà làm việc…?


Đoàn cười có vẻ không tin những điều tôi giải-thích, rồi nhìn mông ra biển, đôi mắt mơ-màng như theo đuổi một ý nghĩ nào đó vui tươi trong đầu. Lúc đó, trên bầu trời những cụm mây đen bay sà thấp, bóng chúng lướt qua nhanh, tạo thành những vùng tối sậm trên nền cát trắng như bông. Tôi nói với Đoàn nên về vì trời sắp nổi cơn giông. Cả hai đứng dậy, phủi những hạt cát dính vào đáy quần rồi đi bách bộ về nhà trên con đường mòn hun-hút giữa hai hàng gai dứa vươn cao. Chúng tôi lặng thinh đi bên nhau với những suy nghĩ riêng tư trong đầu mà mỗi người đang theo đuổi cho mình trong những ngày tới cận kề. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Đoàn, người bạn cùng lớp, cùng làng nhưng khác nhau những ước mơ tùy thuộc vào một thứ hoàn cảnh lịch-sử đeo cứng vào từng người... (còn tiếp)


Nguyễn-Tư