Wednesday 28 April 2021

KHÔNG THẤY MỘT NGƯỜI… ( Nguyễn Tư )

 


KHÔNG THẤY MỘT NGƯỜI…


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Biên ngồi thanh-thản trên một thanh cây sần-sùi bắc ngang những cọc gỗ trước nhà Thờ, nhưng

cũng đã có nơi mòn nhẵn bởi những tín-hữu đến đây la-cà chờ giờ xem lễ trong 6 năm nay, kể

từ ngày Liên-hiệp quốc thuê hoang-đảo này để thiết lập một trại Tỵ-nạn cho người Đông-dương.

Cha Dominici, gốc người Ý nhưng nói tiếng Việt rất sành vì Ngài từng làm việc cho

Giáo-hội La-mã tại VN khá lâu trước 75, ông cúi thấp người để nói cho Biên nghe một điều có

liên-quan đến tờ báo duy nhất trên hoang đảo này, bằng Việt ngữ nhưng có cái tên tiếng VN là

“Nguyệt-san Tự-do” lẫn tiếng Anh là “Tudo Magazine” mà ông làm Chủ-bút, với dụng ý coi

như là một sinh-hoạt-văn hoá cho hơn mười mấy ngàn người Tỵ nạn chen-chúc nhau trên một

khoảng đất bé tẻo-teo này, mà ngày nào ông cũng nghe những tai-ương từ đồn cảnh sát Indo đưa

qua, không giết người thì cũng trộm cắp, đánh lộn, nấu rượu lậu, đĩ-điếm…Cha lắc đầu ra vẻ

tuyệt vọng và nói:

-Thầy Chú thì coi bộ muốn “xuất” nhiều hơn là khấn-nguyện mình cho Chúa. Tờ báo rất

nhiêu-khê không người trông coi. Người ngoài thì mình không tin, tín-hữu thì cũng có vài đứa

nó phản, đôi khi ăn cắp vật-liệu lăng-nhăng…tiền thu vào thất bát, đôi khi còn lợi dụng Tòa

soạn kín đáo và riêng biệt với các Barracks để tâm-tình. Thực, Cha nhức đầu quá! Thôi thì bây

giờ Cha chỉ còn trông cậy vào các Sư-huynh còn muốn theo đuổi con đường phụng-sự Chúa để

họ cộng-tác với con mà giúp Cha trông coi tờ báo. Con nghĩ sao?

- Dạ, tốt thôi, chứ có sao đâu Cha? Nhưng Cha đã chấm ai chưa, nhất là người Quản-

lý?Còn chuyên-môn thì xin Cha để cho con, có thể cáng-đáng mà giúp Cha được.

- Rồi, có rồi! Cha đã chọn một Sư-huynh mà Cha nghĩ là anh ta làm được. Tính-tình hiền

hậu, ít nói và chăm-chỉ việc Đạo. Chiều nào Sư-huynh cũng đến đây đàm đạo với Cha. Cha nghĩ

là ông ta hợp với con đó, thế làm việc với nhau mới dễ-dàng….

-Thưa, Sư-huynh nào vậy Cha?

- Frère Kỉnh đó con. Cái ông gầy-gầy, cao-cao, tóc quăn tít, ăn nói nhỏ-nhẹ như con gái,

hay ngồi ở thanh gỗ ngang phía sau nhà thờ kìa… Cha sẽ dành cho ổng cái phòng nhỏ trong toà-

soạn hiện làm cái kho vật-liệu, giao cho ông ấy cái chìa khoá là xong, sẵn ổng làm “Ông Từ”

cho Toà soạn luôn, chứ giấy má, máy móc để tùm-lum mà chẳng có ai coi, người ta thường lén

vào ăn cắp vặt, nhất là giấy in báo gởi mua từ trong đất liền mà người ta cứ lấy làm đơn gửi cho

Cao-uỷ, và viết thư liên-miên gửi ra ngoài khắp thế giới với cái trại này hơn 10 người, mà một

người lấy một miếng, thì chết mình rồi! Ý con sao?

-Tốt thôi, Cha. Nhưng còn chuyện ăn-uống của Frère thì sao?

-Ông ấy sẽ về barrack ăn như mọi bữa, chứ sao?

-Cũng được, nhưng hơi bất-tiện, vì hình như ông ấy ở tuốt trên khu I này, mà ổng cầm

chìa khoá kho đi, thì mệt cho con lắm Cha ơi!

-Thôi được, để Cha nhờ một tín-hữu nào đó đến lo cho Frère và con luôn.

-Con thì lo gì Cha? Dân “bụi” mà? Chỉ sợ mấy Thầy Chú vốn sống kín trong tu viện

trước đây mà thôi…

-Thôi, để tính sau. Có mấy con nhỏ trong Ca-đoàn, chắc Cha nhờ tụi nó được. Tụi nó

thường rảnh và biết nấu ăn nữa…nhất là từ khi lên Đảo phải tự lo mọi thứ đâu phải như

bên VN mà cậy gia đình…


2


Biên nghe Cha Dominici nói đến “mấy con nhỏ trong Ca-đoàn”, làm chàng mỉm cười,

vì chàng có quen với mấy nhỏ trong nhóm này, nhiều đứa xinh ra phết, nên nói đùa với Cha:

-Cha lựa cô nào xấu-xấu vậy nghe Cha! Thứ nhất là để cho Frère “tu”, thứ nhì là mấy

đứa như vậy nó mới biết nấu ăn, và rất siêng…chứ đẹp thì đừng mong vì bận theo trai khà-

khà…

Cha Dominici nghe Biên nói đùa như vậy, ông cũng cười theo, nói:

-Kỳ nhỉ? Sao lại đòi gái xấu? Bộ mày muốn theo Frère Kỉnh sao? Nói chơi cho vui chứ

tao nhắm đám Thầy Chú sau đổi đời ở đây, tao chấm mỗi ông đó là đủ tin-tưởng thôi đó

mậy!

-Vậy thì nhất rồi!

Vừa nói Biên vừa đứng dậy chào Cha ra về, mà lo gõ bài cho kỳ báo tới. Cha Dominici

bắt tay chàng và nói:

-Nhớ giúp Cha, vài tháng nữa sẽ có người thay con. Giờ thì có Frère Kỉnh giúp con

rồi….

Biên nói:

-Cảm ơn Cha và hy vọng Frère Kỉnh giúp Cha được nhiều việc ở một nơi tập-trung đủ

mọi hạng người với những tình-cảm và suy nghĩ về đời sống khác nhau. Có người nghĩ

rằng, như vậy là họ đã có một đời sống toại-nguyện lắm rồi. Họ đã thoát được một nơi

mà họ đã tìm cách ra đi, vì ở đó họ phải chịu đựng một thứ cực-hình từ chế-độ đã đày-

đọa họ, nhưng cũng có thể do một người nào đó hành-hạ họ từ gia-đình, trong một thứ

tình-cảm đã tàn phai. Nhưng cũng có người rầu-rĩ vì họ thương nhớ gia-đình, mà họ biết

rằng khó lòng gặp-gỡ trở lại, hoặc họ hối-hận về những thứ tình cảm đã rách nát, về

những điều họ đã bị mất mát như họ đã vượt qua cái Đại-dương rộng mênh-mông, đầy

bão tố…như người thân bị chết trên biển, hay chính những sự mất-mát ngay trong đời họ

bởi những tên hải-tặc, để lại trong tâm hồn họ những dấu ấn không bao giờ nguôi-ngoai.

Họ có thể ngồi trên bờ biển này, mà nhìn về bên kia, qua những giọt nước mắt ăn-năn

với những mệnh-đề thường bắt đầu bằng 2 chữ: “Hồi hay, hồi hay…biết vậy, biết vậy…”

Biên cúi đầu chào ông Cha lần chót, rồi ra về, đổ dốc trên con đường từ đỉnh đồi

xuống lộ chính. Biên tự kiểm lại, coi thử mình thuộc hạng người nào trong những tình

cảm mà chàng đã nghĩ trên kia? Có lẽ, Biên thuộc một người vừa có tất cả những suy

nghĩ đó, nghĩa là vừa bỏ chế-độ, vì chàng là một người lính, bỏ những đày đoạ tâm hồn

vì sau những tháng ngày tù-tội trở về, mọi tình-cảm dấu-ái trong đời bỗng dưng cũng

mỏi-mòn như cái thây hết nhựa sống của một kẻ vô-dụng, nhưng còn cộng thêm cái suy

nghĩ của một người biết rằng mình sẽ sống như thế nào ở nước thứ 3 khi chàng từng

đụng độ với Cố-vấn Mỹ trong chính đơn vị mình thời chiến tranh, mà chàng sẽ nhận làm

quê hương một cách miễn-cưỡng và sẽ gửi nắm xương tàn ở đó cuối đời, trong sự ghẻ

lạnh, đôi khi khinh-bỉ từ người bản xứ. Và chính những niềm đau vô-cùng sẽ hành hạ

Biên suốt đời mà không cần qua những cực điểm như niềm đau ở bên nhà…

Biên trở về toà-soạn, thấy nhiều người Tỵ-nạn đã chen-chúc nhau trên những

chiếc băng làm bằng những thanh cây rừng, đang la-ó chỉ-chỏ khi xem một phim cao-bồi

Mỹ được chiếu trên một chiếc TV công-cộng, đặt trên ngọn đồi trước Toà-soạn. Trên hè

toà báo, trong bóng đêm, một vài cặp yêu nhau đang ngồi tình-tự. Họ nói những lời rì-

rầm trong nụ hôn vội, như sợ những chuyến đi ngày mai sẽ chia cách họ mỗi người mỗi

ngã, mà chẳng bao giờ họ còn được những giây phút nồng-nàn như bây giờ! Ở đây mọi


3


cái đều tạm bợ, kể cả Tình yêu, trong đó có lòng chung thủy của nhau, mà ít ai dám thề-

nguyền…

Biên đút chiếc chìa vào cái ổ khoá đã rỉ-sét, xoay một vòng. Cánh cửa toà-soạn

làm bằng những tấm ván sần-sù bật mở. Biên nghe tiếng những con chuột cống chạy

lung-tung, làm đổ những tấm giấy báo trên một cái kệ. Ở đây chuột và người cùng chia

nhau những bọc gạo Cao-uỷ. Chuột to bằng bắp chân, nhung-nhúc và kêu “ột -ột” như

những con heo nọc đang lên cơn nhảy, lì-lợm như ngườiTỵ-nạn và khoẻ vô

cùng…Thường thì chúng thắng Biên trong những cuộc “phòng-thủ thực-phẩm”, vốn đã

bị hạn-chế cho những người độc-thân như chàng. Biên chỉ có một cái xoong nhỏ bằng

cái tô, móp-méo tùm-lum của ông Chủ-nhiệm cũ đã đi định cư bỏ lại, nấu được nửa bọc

gạo và ăn trong 2 ngày, nếu qua đêm an-toàn không bị lũ chuột tấn công. Sau những bữa

cơm chiều, Biên thường lấy cái ghế dài nơi phòng khách Tòa soạn, lật ngửa, đè lên cái

xoong, và cẩn-thận đặt thêm 3 cục gạch nữa…thế nhưng lũ chuột vẫn lật tung được, và

ngày hôm sau chàng phải nhịn đói! Biên nghĩ huề vốn: Thôi thì, nó cũng có đời sống

như mình, cũng cần miếng ăn, nên an vui ngồi gõ tiếp bàn máy một mình mà quên đi

những bào-bọt của dạ dày…

Biên mở cửa nhà kho, bưng cái máy chữ ra bàn và gõ lách-tách. Nỗi vắng-vẻ ở

toà soạn làm cho chàng suy nghĩ nhiều thứ, nên đánh máy sai hoài….Biên mong Frère

Kỉnh đến sớm, để không khí toà-soạn đỡ tẻ nhạt. Chàng đánh máy bài thơ của một người

lạ, mà Biên biết cô là người con gái tóc dài quê Nhatrang, nơi chàng đã từng trọ học và

cũng nhiều thứ nợ-nần tình cảm không trả nổi, hiện cô làm ở phòng Thông-tin trên Ban

Đại-diện, thường đi ngang qua “Main Street” vào những buổi mai. Mái tóc dài bay-bay,

óng-ả dưới màu nắng vùng nhiệt-đới xứ Indo mà Biên tình cờ bắt gặp vào những buổi

sáng chàng hay ngồi nơi “Quán Nhớ” uống Café trước khi đi làm. Bài thơ tình-cảm,

cũng “tình” như người sáng tác và Biên cảm thấy vui lây…Nhưng vui hơn là sau này

nàng cũng định cư ở Úc có gửi cho Biên bài Thơ ấy cùng tấm hình chụp nàng ngồi trước

“capot” xe xịn với lời ghi chú buồn cười “không phải xe của em đâu nha, mà chỉ chụp ké

xe người ta” …chắc là nàng sợ người ta nghĩ mình mới tới mà đã giàu, trong lúc nhiều

người Tỵ nạn ưa khoe của …với người đồng hương khác, nhất là trong nước làm gợi lên

ý muốn ham giàu nhờ vượt biên dù nguy hiểm vô cùng, mà ai đã trải qua một lần sẽ tởn

tới già…Trong khi đặc-biệt trên các tài liệu của phái đoàn Mỹ đều có ghi câu rất bỉ-thử

khi họ biết tỏng suy tư dễ dãi của những người họ đang phỏng vấn rất kỹ lưỡng dù lúc

nào cũng có thông-dịch viên nhưng kỳ thực chính họ rất sành tiếng VN: “Khi đến Mỹ

đừng bao giờ mơ bạn chỉ cần gieo vài hạt giống mà lại có một mùa gặt” làm vỡ mộng

nhiều người ngây thơ cứ đinh ninh rằng ở Mỹ tiền đô dưới đất mọc lên như nấm tha hồ

mà xài ……

Đến 10 giờ, kẻng trên đồn Police gõ thong-thả báo hiệu giờ giới-nghiêm. Đó là

thời-điểm cho những tên cảnh-sát Indo bày tỏ những thứ quyền-lực mọi-rợ của những kẻ

tự-kiêu, vì tự cảm thấy họ được sinh ra ở nơi cho kẻ khác trú-ngụ trên vùng đất của

mình, dù Cao-uỷ phải trả một món tiền lớn để thuê những mảnh đất đó.

Đám người coi TV trên đồi đã thưa dần, tản về hướng về các barracks, nơi mà

bọn cảnh sát Indo có thể xông vào bất cứ giờ nào, nếu chúng muốn và đánh đập bất cứ


4


ai, mà chúng cần. Biên đã từng nhìn thấy một tên cảnh-sát Indo vặm-vỡ “lên gối” một

người Tỵ-nạn già ốm yếu, vốn là SQ cấp Tá VNCH được chỉ định làm “Barrack trưởng”

- một chức vụ mà ai cũng sợ bị đòn, chỉ vì mở cửa chậm, sau khi hắn đã đạp bung cửa

xông vào. Biên không đau lòng vì ông Barrack trưởng bị đòn, nhưng buồn về thân-phận

của những người bị đòn, nếu hướng về thân-phận của những người bị khinh rẻ vì đã để

mất quê-hương, trong đó có những quân-nhân đã buông súng tức-tưởi như Biên sau lịnh

đầu tháng của tên “Tổng thống 3 ngày” - một thời gian cũng vừa-vặn để hắn đủ tư cách

bán nước, bán sinh-mệnh của anh em, của mấy chục triệu người dân lương thiện miền

Nam…dù mang lon Đại-tướng VNCH nhưng hắn không bị đi Cải-tạo ngày nào và được

kẻ thù cho đi bầu cử tự nhiên được chiếu trên phim thời sự để cho chính bọn Biên coi lúc

đang tù tội…trong khi Biên chỉ cấp Úy lại phải bị gông cùm còn bị tước quyền công

dân, bị lao đông khổ sai, bị đánh đập, bị bỏ đói và bị nghe chửi rủa thậm tệ triền miên,,

Vậy hắn là ai, khi hắn từng chứa người em ruột là Dương Văn Nhựt cấp bực Trung tá

tình báo VC nằm vùng ngay trong “dinh Hoa Lan” của hắn trước 75, và cuối cùng hắn

được VC cho đi định cư ở Pháp bằng máy bay rất thong dong chứ đâu như Biên phải

vượt biển ngụp lặn dưới sình 4 lần mới xong, tốn đôi ba chục cây vàng dành dụm cực

nhọc chứ giàu có gì cho cam ?

Sân TV bây giờ trở nên vắng lạ thường. Biên nhìn ra ngoài thấy ánh trăng mập-mờ

trong những làn sương mỏng ẩm-ướt từ biển thổi vào. Tiếng của vài con cú kêu thê

lương ở bìa rừng nghe buồn thảm-não. Biên dẹp chiếc máy chữ qua một bên, để lấy cái

bàn làm chỗ ngủ như mọi đêm tiện coi sóc toà-soạn luôn thể. Bàn cũng chỉ là những

miếng gỗ không bào ghép lại sần-sù, dính đầy mực in từ chiếc máy quay Ronéo. Biên

lấy một xấp giấy báo làm gối. Từng giọt sương trên mái tôn rớt xuống vì hơi lạnh nghe

lộp-độp trên đầu một chiếc tủ đứng để cạnh đó làm tăng thêm vẻ lạnh-lẽo và cô quạnh

đêm hôm trên hoang đảo này. Biên hít từng hơi thuốc dài vô tận đáy buồng phổi, rồi phà

ra từ-từ, hơi khói tản-mạn trong căn phòng quá nhỏ, bay lên mái tôn rồi dội xuống la-đà

như sương mù…Từng bầy chuột bắt đầu hoạt động kêu nhau chạy loạn-xạ về phía Biên

có đặt xoong cơm. Chàng lấy tay vỗ xuống bàn để đuổi, chúng nín-khe nghe-ngóng, rồi

sau đó lại sột-soạt cạy những hòn gạch đè lên chiếc băng lật ngửa trên xoong cơm bé tí-

teo. Biên bực-bội buột miệng văng tục “Đù ngựa, ngày mai chưa tới ngày ông lãnh gạo

đâu nghe tụi bây!”. Trong lúc đó, nếu có người đi ngang nghe được, chắc họ sẽ nghĩ

Biên đang nói chuyện với một vài người nào đó…Trong nỗi cô-quạnh, con người

thường tạo ra những sinh-động an-vui…như có lần sau này Biên vẫn hay mở TV oang-

oang mà chả phải để xem gì…

Biên khẽ tính nhẩm, dù có Frère Kỉnh hay không có gì, thì chàng chỉ còn làm ở

đây không bao lâu nữa. Bởi vì chàng phải rời đảo để đến nước thứ 3, và chắc hẳn chàng

sẽ nhớ nơi này như một nơi mà chàng đã trải qua trước đây trong bước đường luân-lạc

của đời mình, như đã từng luân-lạc từ bao lâu nay… Chàng nghĩ dù sao nơi này cũng chỉ

là một hoang-đảo thuộc vùng nhiệt đới Á châu, nó cũng còn mang những hơi hướm của

quê nhà. Người Indo tuy xấu-xí đen-đủi, tóc quăn, nhưng những cử chỉ, những nghèo

đói, những cách đi đứng, họ chẳng khác gì người Miên trên xứ sở mình, nơi Biên gởi lại

phần đời của mình trong mười mấy năm trời làm việc. Những rừng cao-su, những bờ lau

sậy, những con suối róc rách, những vạt cỏ tranh, những bầy khỉ đu đưa trên những cành

cây ở bìa rừng, mà Biên đã bắt gặp vào những buổi chiều tàn chàng ngồi hút thuốc một


5


mình phía sau Barrack, làm cho Biên tự thấy mình hãy còn gần gũi quê hương lắm. Biên

tự biết, đó là những hình ảnh cuối cùng mà chàng có được lần chót, y hệt quê hương ở

cách xa chàng lúc đó khoảng 600 cây số đường chim bay, tức là khoảng một ngày xe để

đi từ miền Trung yêu dấu của chàng đến Sài Gòn thân thương…Biên biết những hình

ảnh đó sẽ không được lặp lại trong đời chàng lần nữa, ngoại trừ có một phép lạ nào đó.

Biên sẽ được thay những hình ảnh đó bằng những ngôi nhà chọc trời, bằng những mái

tóc hoe, bằng những cây sồi, cây tùng, cây bách, bằng những tuyết băng…Biên tự nhủ,

dù sao, hiện giờ,chàng cũng đang còn gần quê hương mình, xéo-xéo bên tay trái một

chút….

Ngày hôm sau, một gã đàn ông đến. Dáng người gầy và hiền lành….Gã mang một cái

túi chứa đồ lỉnh-kỉnh và Biên đoán là Frère Kỉnh. Biên chào Frère và chỉ cho ông căn

phòng nhà kho của tòa báo, cùng chiếc chìa khoá trao ông. Sư-huynh có vẻ vui, vì được

một nơi rộng rãi và yên lặng, rất thích hợp cho những vị tu hành, khác với những chiếc

sạp tập thể ồn ào và phức tạp ở các barracks, mà Frère đã ở trước đây. Một ông thầy tu

có thể được xếp nằm cạnh một cô gái điếm ở đây, là chuyện thường! Biên chỉ cho ông

một cái chổi để ông tự quét dọn chỗ nằm với tư cách Quản lý tờ báo đại diện cho Cha

Dominici, như đã xếp đặt. Biên nói, nếu có Frère ở đây thì chàng vui hơn, đỡ phải nhớ

nhà và giúp Biên coi sóc toà soạn mỗi khi chàng muốn lang-thang…Nhiều khi Biên

cũng muốn đi ngủ lang vài bữa cho vui, cũng như trở về barrack cũ của mình, là nơi

Biên chỉ có tên trong danh sách lãnh gạo mà thôi…

Kể từ ngày Frère Kỉnh về “đóng đô” trong cái tòa soạn đó, thì không khí ở đây

đỡ cô quạnh đi nhiều, nhất là những Giáo-dân trong ca-đoàn, những người mà Frère

thường tiếp xúc để sinh hoạt trong những buổi văn nghệ Công giáo trên nhà thờ. Nơi

đây, bây giờ có người ra vào, cũng có một vài bóng hồng thấp-thoáng làm cho toà soạn

nhộn hẳn lên, với những nụ cười khúc-khích, những câu bông đùa, những buổi tập ca,

những tiếng đàn thánh-thót…khác với trước đây chỉ có tiếng ho do nghiện thuốc lá của

Biên, tiếng gõ bàn máy lách-cách, tiếng chuột kêu, tiếng đổ những viên gạch trên nồi

cơm, tiếng dun-dế, và tiếng những giọt nước rơi âm thầm trên nóc tủ…Có những đêm

Biên đi chơi về thực khuya, thấy Frère Kỉnh vẫn còn thức, ánh bạch lạp lập-loè qua khe

hở của chiếc cửa ván ghép mong-manh, Biên buột miệng hỏi thân mật:

-Frère chưa ngủ sao?

Tiếng Frère nói dội ra:

-Chưa anh, tôi còn phải viết một vài bài cho kỳ báo tới có liên quan tới Công đồng

Vatican do Cha Dominici đưa qua, cùng với một bài giảng về Đạo-đức cho Giáo-dân mà

Cha đã nói chuyện ở nhà thờ trong kỳ xem lễ vừa rồi…

-Cha giảng về vấn-đề gì vậy Frère?

-Chuyện “mèo-chuột” gì của mấy người ở khu II, làm Cha buồn lắm, vì hậu quả

rất trầm trọng phải nhờ Cha giải quyết, dù trên Cao-uỷ đã đề phòng việc này bằng cách

nhờ Cha giảng Đạo đức thêm trong những buổi xem lễ, cũng như họ đã chỉ thị gấp cho

“nhà thương Mới” thông-báo bắt buộc mọi phụ nữ trên đảo, dù có chồng hay không đều

phải lãnh thuốc ngừa thai…từ 16 tuổi trở lên…

Biên cười hắt lên và nói:

-Vậy thì mấy ông Cao-uỷ này không rành Văn chương VN!

Frère Kỉnh ngạc nhiên trố mắt hỏi:


6


-Sao vậy anh? Vì trước khi công tác ở đây, họ đều qua một lớp về Văn hoá VN

đấy.

-Đúng rồi, nhưng chắc không học nhiều về ca-dao, nên mới có chuyện Cha

Dominici cằn-nhằn…. Frère còn nhớ về những câu hát ngày xưa của ông bà mình không,

nói về tục tảo-hôn của người mình?

-Anh đọc thử coi. Tôi học về kinh Thánh và Thần học nhiều, nên cũng không rành

mấy về ca-dao VN…

-Như thế này nhé, tôi đọc thử một đoạn cho Frère nghe, coi thử cái thông báo của

nhà thương có trật-lất không nhé:

“Lấy chồng từ thuở mười ba,

Đến năm mười tám, thiếp đà năm con,

Ra đường thiếp hãy còn son,

Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng”

Frère thấy chưa? Cao-uỷ đánh giá người Tỵ-nạn ta sai 2 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, sai

tới 3 tuổi trong khả năng làm mẹ từ 13 lên tới 16 nhé! Thứ nhì, là dân mình rất “mắn

đẻ”. Toàn chơi năm một! Lấy chồng từ thuở 13 mà tới năm 18 đã “sản xuất” 5 ti nhau

nhé, thì có quán-quân không chứ? Đó là chưa kể cụ tú Xương nhà ta, còn chơi nhanh

hơn thế nữa: “Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi” nghĩa là đầu năm 1 đứa, cuối năm 1 đứa!

Thảo nào, mà không phiền Cha Dominici! Cha đã ở VN 14 năm mà còn chưa rành,

huống hồ các ông Cao-uỷ…?

Frère Kỉnh thích chí cười ồ lên về những điều Biên vừa phân tích một cách hợp

lý, rồi nói:

-Ử nhỉ? Thôi để bàn lại với Cha…hạ xuống vài tuổi nữa cho chắc ăn, Cao-ủy sợ

nuôi thêm con nít mới trên đảo khi ngân quỹ LHQ ngày càng hẹp dần….

Gần mùa Giáng-sinh, không khí trên đảo vui hẳn lên. Trên đồi nhà thờ Thiên

Chúa giáo đèn hoa giăng mắc cũng khắp trên lối đi. Ban đêm nhìn lên khu đồi thấy như

một rừng sao. Giáo-dân lui tới tấp nập, người ngoại Đạo cũng đến đó vui chơi, mà quên

đi những ngày dài chờ đợi. Đôi khi họ cũng tin vảo một phép mầu nào đó đã cứu họ vượt

qua được những cơn hoạn nạn trên biển, hoặc họ cũng muốn cầu xin ơn trên giúp cho họ

được định cư ở một nước thứ 3 sớm hơn mà họ mong muốn. Bởi vì trong những tuyệt

vọng của con người, Đức tin về siêu-hình là cái phao cuối cùng để họ bám víu… Và, sự

bám víu đó, đôi khi các tổ chức Tôn giáo muốn lợi dụng bằng những ưu đãi trần gian,

không hề có liên quan gì tới Niềm tin. Thí-dụ những Giáo hữu, mới được lãnh đồ của

hội này, hoặc hội này chỉ bảo lãnh những tín hữu của họ. Có lẽ những ý nghĩ đó chẳng

bao giờ có trong những lời dạy của Chúa, hay Phật, nhưng nó lại có trong những hội

đoàn đã nhân danh Chúa hay Phật để làm việc có vẻ “Thánh-thiện” đó. Bên phía nhà thờ

Tin-lành dù là đạo Mỹ lại có vẻ nghèo nàn và ít bề-thế hơn, nhưng họ cũng rộn-ràng sửa-

soạn mừng ngày Chúa ra đời. Họ tổ chức những buổi chiều chiếu phim “Charlot” cho

mọi người xem, và dường như họ có ít điều lệ khe khắt hơn những ông Cha. Frère Kỉnh

ở toà-soạn cũng bận rộn hơn những ngày thường, vì Frère có liên-hệ bên ca đoàn ở nhà

thờ, nên có nhiều người đến sinh hoạt với Frère, đôi khi làm chật ních căn nhà kho tòa

soạn, vốn đã nhỏ xíu của Frère. Tiếng đàn Guitare lại rộn lên với những bài Thánh ca

huyền-diệu trong những bè hát nam nữ cao ngất và chấm dứt bằng những tràng vỗ tay


7


của chính họ, rồi những tràng cười cùng lời phê phán những lời hát sai nhịp mà Frère đề

nghị sửa lại….

Biên ngồi ngoài bàn viết để sửa lại lỗi “morasse” cho những bài đánh máy lần

sau cùng, cũng cảm thấy lòng vui hẳn lên, dù chàng chỉ là người ngoại Đạo. Một lát sau,

trong giờ nghỉ giải-lao, đám thanh niên nam nữ trong ca đoàn đổ ra ngoài và nói líu-lo,

trông họ vui vẻ rất trẻ-trung mà Biên thèm khát những tươi mát đó. Họ chỉ hát và hát

trong vòng tay của Chúa mở rộng. Đám ca đoàn bu quanh Biên và hỏi huyên-thuyên về

tờ báo Giáng-sinh sắp tới. Quỳnh, cô bé cùng chung barrack với Biên, chợt hỏi:

-Anh Biên nè, kỳ này có đi dự lễ “Nửa đêm” với em không?

Biên trả lời không đắn-đo:

-Không, bởi vì anh không có Đạo!

Quỳnh dài giọng:

-Chúa là Cha chung của mọi người mà?Anh đi “lạc” đó thui!

-Nhưng trong đó không có anh, bởi vì anh là đứa con ngoại hôn, không được

Chúa thừa nhận. Chúa chỉ thừa nhận những người ngoan-ngoãn và biết hát Thánh-Ca như

em mà thôi!

Giọng chất-vấn, Quỳnh nói:

-Thế, sao anh lại biết yêu bài “Đêm Thánh Vô-cùng” như có lần anh đã nói với em

trên đồi, mà anh bảo anh cảm thấy giống khi anh ở Đà-Lạt ngày xưa?

Giọng thành-thực, Biên nói:

-Thực sự, anh thấy bài hát hay, mà vì bài hát có liên quan tới một kỷ niệm không

thể quên được cũng có, khi anh mới 20 tuỏi như em bi chừ vậy!

Quỳnh, giọng đùa giỡn trong cái nhìn nghiêng, nói:

-Chắc anh đã “phải lòng” một em có Đạo và hát trong ca-đoàn hồi ấy rồi!?

Biên cũng nói đùa:

-Anh không “dám” yêu con gái có Đạo, nhất là người đó có chân trong Ca-đoàn…

Quỳnh ngúyt xéo, vẻ trách móc vừa nũng-nịu, nói:

-Sao vậy? “Đụng chạm” đó nha!

-Anh nói lại là anh “không dám”, chứ không phải “không thèm” yêu, vì người có

Đạo, họ yêu Chúa trên hết, Chúa chiếm hết các ngăn tim, thì anh anh trú vào đâu trong lòng

họ?

Quỳnh trề môi, vẻ phản đối, rồi nói:

-Thôi, nói vậy nghỉ chơi với anh luôn nha! Đùa thôi, chứ nghỉ anh thì em đâu còn ai

để tâm tình vì trong Barrack mình, hầu hết là mấy ông bà Cụ người Bắc khó tính quá bắt

bẻ nhiều điều nhức-nhối lắm, còn mấy thằng choai-choai kia chúng nó ăn nói thô tục, ít

học, có khi mắng em “ngu”, khi em nói ngày 21 là “twenty fìrst” thay vì “twenty one”

như tụi nó khẳng định, như vậy em có sai không anh nhi?

-Anh dốt tiếng Ăng-lê thấy bà, xưa đi học giờ này anh chỉ trốn, nhưng khi làm bài

kiểm tại lớp lúc nào điểm cũng cao, nên ông thầy rất ngạc nhiên nói giữa lớp thằng này

ưa trốn học Anh văn sao nó làm bài ok vậy hả tụi bây ? Cả lớp nhao-nhao giải thích:

thằng này nó khá tiếng Tây mà bài tập thầy cho đều trong cuốn sách dạy Anh Văn bằng

tiếng Pháp của Giáo sư Barat thì nó cứ coi phần tiếng Pháp viết ra tiếng Anh tất ok thôi

thầy ơi…!

-Vậy là anh khôn lõi rồi còn gì, mà em đúng hay sai hả? Nếu đúng em sẽ về mắng

“ngu” lại tụi nó cho hả dạ?


8


-Đúng, vì đó là số thứ tự không phải số đếm đơn vị, nhưng đừng mắng người ta

“ngu” nha, không nên bởi vì người Pháp họ ưa nói “Kẻ nào mắng người khác ngu, thì

chính họ mới ngu” (il n’y a que des imbéciles qui prennent pour les autres des imbéciles)

-Vậy em sẽ học thuộc câu này, về nói lại cho chúng nó biết anh nhà báo mà chúng

rất nể trọng từ lúc anh làm “Barrack trưởng” đã nói chúng nó sai và đừng dùng tiếng

“ngu” với em nữa, cho chúng chừa tật hàm-hồ và hỗn láo, dù sao em lớn hơn chúng nó

và cũng hết lớp 12 rồi chứ bộ …Nhưng nói gì thì nói Noel này anh nhớ về trại, em sẽ

cho ăn chè xôi nước chính tay em nấu nghe chưa! Cứ ôm riết cái toà báo này hả, chán

anh ghê đi. Nay có Frère coi “chùa” rồi đó, “phá-giới” một bữa thử coi! Nhớ nhé, lễ Nửa

đêm! Em chờ, đi lễ với em lần chót nhé! Sẽ không còn gặp nhau nữa đâu mà ham!??

Biên mỉm cười nói cho cô bé vui lòng:

-Ừa, được mà. Khó quá, như bà cụ non, hăm-he hoài!

Quỳnh là một cô gái Bắc đạo nòi, nhí-nhảnh nhất trong Barrack, học hết lớp 12

sau 75, nhưng là một người có tâm hồn nên hay làm Thơ gởi Biên đăng báo. dù Thơ có

vẻ trẻ con, nhưng cũng có những ý nghĩ ngộ-nghĩnh, nên Biên thỉnh-thoảng cũng đưa lên

mặt báo cho vui. Vả lại, nhìn trong Barrack, thấy toàn những ông bà già và những thằng

thanh niên ít học quê mùa, lên được đảo là nhờ “canh-me”… nên Quỳnh lại thích nói

chuyện với Biên trong những giờ rỗi. Biên ít nói, sống thầm lặng trong Barrack cho đến

ngày chàng được cái “job” rất hợp với mình trên toà báo, thì Biên ít khi nào trở về trại,

ngoại trừ những hôm phát thực phẩm, thì Biên thường nhờ Quỳnh lãnh giùm, rồi tạt

ngang mà lấy. Quỳnh đi một mình, nên đôi lúc Quỳnh nhớ nhà ngồi khóc sụt-sùi ở phía

sau Barrack, vào những khi chiều xuống. Do đó, Biên đề nghị với Quỳnh nên sinh-hoạt

trong Ca đoàn trên nhà thờ để nguôi-ngoai, vì Biên biết Quỳnh là người có Đạo, và có

giọng ca thiên-phú khi Quỳnh hát cho Biên nghe bài “Sombre Dimanche” lời Việt do

Phạm-Duy dịch lại đã lâu, vào một buổi chiều đi chơi với Quỳnh ngoài đồi phía sau nhà

thờ. Giọng của Quỳnh ấm, hơi “nhựa” một chút, nên nghe rất thiết-tha. Buổi chiều đó

Quỳnh không được vui, nét mặt ra vẻ nghiêm-trang. Tóc Quỳnh dài được cột gọn bởi

một sợi nylon màu xanh lấy từ tấm bạt của Cao-uỷ. Quỳnh không đẹp lắm nhưng Biên

yêu nét mềm mại, rất hồn nhiên của một người có tâm hồn như chàng. Biên ngồi trên

hòn đá đầy rêu khô, Quỳnh ngồi cạnh bên, trên đôi giép nhựa, mắt mơ màng nhìn ra biển

xanh. Biên chợt hỏi Quỳnh:

-Sao em lại chọn một bản nhạc buồn như vậy để hát ở nơi này?

Quỳnh lặng thinh cúi xuống, rồi thở dài, nói:

-Vì em thích nó từ những ngày còn ở Việt Nam và hôm nay có phải là ngày Chúa

nhật, không anh?

Biên gật đầu, nói:

-Đúng, ngày của Chúa, mà em?!

-Cũng là ngày của em nữa! Anh không hiểu nổi đâu, anh Biên!

“Sombre Dimanche” (Chủ nhật buồn) là tên của một bài hát. Đó là ngày có một người khóc

than bên quan tài của một người đã chết…Bài hát đã làm cho không biết bao nhiêu người

lãng-mạn nhảy lầu, khi bản nhạc đó được hát lần đầu tiên trên một đài phát thanh Bắc Âu…


9


-Họ không lãng-mạn đâu anh! Họ có cái lý của họ, như em có cái lý của em, khi

em chọn hát bài đó trên đồi này, đúng ngay vào ngày Chúa nhật, lưu-lạc bên anh. Thực lòng,

em xin lỗi, vì em đã làm anh không vui trong cuộc đi chơi đồi này, nhưng…

Rồi Quỳnh tiếp:

-Em không có cái may mắn, dù đau thương, để được ngồi bên quan tài của người

yêu mà khóc như trong bản nhạc đâu anh! Em ở xa người đó vô cùng, anh ấy là một SQ Dù

cải-tạo như anh, lúc em vừa tròn 18 tuổi…trong cái giọng chùng xuống rất nghẹn-ngào …

Biên cắt đứt dòng suy nghĩ của Quỳnh bằng một câu hỏi khác, bởi vì chàng biết Quỳnh

đang rơi vào chiếc lỗ hổng của quá khứ, chỉ làm cho nàng quay cuồng trong cơn buồn

điên dại mà thôi…Biên hỏi:

-Em đến đây được bao lâu rồi nhỉ?

Quỳnh tính nhẩm, rồi nói:

-Em đến sau anh mà! À, em vẫn còn nhớ cái ngày ấy anh làm “Barrack trưởng”,

chỉ chỗ cho em nằm cạnh cái cửa lớn ra vào, rồi nghĩ sao đó, anh lại đổi chỗ đó cho một

thanh niên khác, em nằm chỗ kín đáo hơn ở gần cụ Lãm…

Biên mỉm cười, nói:

-Mới đó mà mau em nhỉ? Giờ anh cũng sắp ra đi rồi!

Để tránh không khí buồn bã từ những suy nghĩ quá khứ Quỳnh, Biên hướng câu chuyện

có vẻ vui hơn, bèn hỏi:

-Đố em biết tại sao, lúc ấy anh lấy quyền “Barrack trưởng” để đổi chỗ nằm cho

em? Nói đúng thì được thưởng, mà sai thì bị phạt…

Quỳnh cười tươi, nói:

-“Thưởng” gì, và “phạt” gì mới được chứ?

-Tùy người thắng đề nghị.

-OK, nhưng thôi được. Bắt đầu nhé!

Quỳnh tủm-tỉm cười, giọng tinh-nghịch, nói:

-Để cho em nằm cạnh sạp anh, chứ gì?

Biên cười phá lên, phản đối:

-Úi xời! Mặt mũi anh thế này, đâu mà có ý tưởng“tồi” vậy cưng? Em nằm sát

cụ Lãm chứ đâu có gần anh nhiều. Vả lại, anh hay lên toà soạn nằm hoài, nhường quyền cho

Barrack phó, vì anh có việc mới coi như làm Công-vụ, em không thấy sao?

Quỳnh cười sung-sướng, vì thấy mình “trêu” được Biên. Rồi nàng lắc đầu, nói:

-Thế thì em chịu!

-Cho em thêm một cơ-hội nữa đó. Thua là thọ phạt liền đấy nhé!?

Vờ suy nghĩ, trong nụ cười Quỳnh nói:

-OK, tại vì chỗ đó trống quá, không thích hợp cho một người con gái gầy đét

như em nằm?

-Mới đúng 50%, còn lại 50% nữa, gắng lên cưng!

-Cho em khỏi lạnh vì gió biển.

-Giống như câu trên …sắp bị phạt …50% rồi đó nha!

-Em thua!

Quỳnh mỉm cười chăm-chú nghe Biên giải thích:

-Sở dĩ như vậy, vì anh sợ em sẽ bị đòn te-tua bất tử, nếu em nằm gần cửa lớn,

khi bọn cảnh sát Indo, tên nào cũng như trâu cuôi, tông vào đột xuất, đụng ai đánh nấy,

bất kể phụ nữ, ông già…Thà mấy thằng thanh niên vai u thịt bắp đó, lỡ có bị đấm cũng


10


không sao, chứ em thì chắc sẽ nằm một đống như cái mền, thân gái dặm trường” ra đi

một mình mà như rứa tội nghiệp!

Quỳnh thấy Biên nói có lý, nên cười, nói:

-À ra thế? Anh là một “Barrack trưởng” nhân-đức, đầy kinh nghiệm và biết

nhìn xa …

-Anh vốn là SQ tác chiến dưới tay có cả trăm lính mà em, trong bài “Lãnh đạo

chỉ huy” bọn anh luôn được dạy rằng “Chỉ huy là phải biết tiên liệu” để đối ứng với tình

thế bất ngờ …Rồi, chịu phạt chưa?

-Dạ chịu, nhưng đừng giống Cảnh-sát Indo nha, em sẽ thành cái mền rách

ngay!!

Biên cười vui-vẻ, ra lệnh:

-Không đâu, nhẹ thôi, nhảy một vòng cò-cò đi cưng!

Quỳnh đứng dậy, vuốt mái tóc gọn, rồi nhảy cò như chơi “đánh ghi” thời bé ngày xưa thôi,

một vòng xung quanh Biên, trông nàng trẻ thơ vô cùng. Biên đứng dậy ôm Quỳnh vào lòng, hôn

nhẹ trên mái tóc nàng. Quỳnh cảm động, mắt long-lanh trong hơi thở nói lí-nhí gì đó, rồi hai

người nắm tay nhau đi xuống chân đồi…?

@

Đám ca đoàn tiếp tục vào phòng Frère để tập hát đợt 2, mãi đến khuya mới xong. Quỳnh

chào Biên bằng cái ngoắt tay qua lại, rồi nhắc về buổi lễ “Nửa Đêm” có chè xôi nước tự tay

nàng nấu trong vài ngày nữa. Biên nói “ừa”, và khoác tay chào tất cả đám thanh niên nam nữ

trong ca đoàn, bên sự tiễn đưa của Frère Kỉnh nơi cửa toà soạn…

Hàng ngày, Frère Kỉnh được một người con gái tín-hữu do Cha Dominici phái tới để lo

cơm nước cho ông. Nàng có vẻ quê mùa và xấu gái, Biên mỉm cười và nghĩ: không lẽ Cha

Dominici lại tin những lời chàng nói đùa hôm nọ hay sao? Chàng đề nghị là Cha nên gửi tới một

cô gái xấu-xấu để việc bếp núc được tốt đẹp và điều quan trọng hơn là để Frère Kỉnh tu hành, vì

thực ra các Thầy Chú bấy giờ hoàn tục hơi nhiều trong nước, kể cả khi bước lên trên đảo, từ sau

năm 75! Nương, tên người tín hữu đó, cục-mịch, răng sún ở hàm trên. Tay chân đen và thô , lại

hay thích mặc quần xà-lỏn cho mát…Biên thấy những ngày đầu cô làm việc chăm chỉ, lúc nào

cũng lo cho Frère đầy đủ về cơm nước. Một tiếng “thưa Phờ-re”, 2 tiếng “thưa Sư huynh”. Mỗi

ngày lo tươm tất 3 bữa ăn, mãi đến chiều mới trở về barrack của nàng ở tuốt dưới khu I. Biên

nghĩ chắc hẳn phải là người ngoan Đạo lắm, Nương mới lo cho Frère chu đáo như vậy. Frère

thường làm việc trong nhà kho, chỉ kê một cái sạp gỗ cho một người nằm và một cái bàn viết

nhỏ, bên cạnh một cái kệ để đầy giấy in, băng keo dán gáy báo, và giấy “stencil” đánh máy để

quay báo “Ronéo” mà thôi…Nên mỗi khi Biên cần gì, đều phải gõ cửa để vào lấy. Mỗi ngày,

Nương được phép vào phòng Frère vài lần để quét dọn, bưng thức ăn cho Frère…. Frère làm

việc rất cẩn trọng, nhất là về tiền bạc sổ sách. Thỉnh thoảng Cha Dominici có cỡi xe Vespa qua

toà soạn đưa bài cùng thăm viếng Frère và Biên, những khi như vậy Cha khen ngợi ban biên-tập

hết lời…

Đặc biệt trong những lúc sau này, tức là khoảng thời gian Frère Kỉnh sắp đi Canada thì

ông có vẻ buồn lại càng ít nói hơn, và Frère cũng thường khen những bài thơ của Biên, và một

số tác giả khác trên Đảo làm đăng trên báo có màu sắc trữ-tình và rất thực nên Frère rất thích.

Trái với Cha Dominici hay khuyên ban biên tập hãy cứ đặt mạnh chủ đề “Niềm tin Thiên Chúa”

và “Đạo đức bản thân” vào…Biên chia xẻ được những điều đó với Frère, bởi vì thấy Frère hãy

còn quá trẻ. Lâu nay trong nhà Dòng Frère chỉ được nghe Kinh Thánh với những lời Chúa phán,


11


thì làm sao Frère không khát-khao những niềm rung cảm về “Đời” như một bài thơ tình, một

cuốn sách lãng-mạn, một bức tranh đẹp, một mái tóc dài bay… mà bản năng tự nhiên của con

người ai cũng có, khi bắt đầu trưởng thành?Những khi chiều xuống công việc, ăn uống đã xong,

Nương đã trở về Barrack cũ của mình, thì Biên thấy Frère ra hiên toà soạn, đi qua lại hai tay

vòng trước ngực có vẻ suy tư, miệng thì thầm điều gì, mà Biên áng chừng là Kinh Thánh, nhưng

không phải vậy, khi Frère đến gần nơi Biên ngồi phía trong toà soạn cạnh cửa ra vào, đó là

những vần thơ mà ông ấy thích đã in trên báo Tự do…nhất là những bài thơ của Biên làm, vốn

rất bùi ngùi về nỗi nhớ quê Hương trong những nhân vật nữ mà Biên từng quen biết…hay

những trầm luân của đời lính trận và tù …như bài: “Nơi café Hải-âu”

Buồn,

phai mái tóc trên đầu,

Buổi chiều,

ngồi quán Hải-âu,

nhớ nhà…

Tay em năm ngón,

ngọc-ngà,

Nâng ly sữa,

ngọt đời ta sông hồ!

Vốn xưa,

lính trận dưới cờ…

Đánh đông,

dẹp bắc… bao giờ nghỉ-ngơi?

Buổi sáng,

hành-quân ven đô,

Trưa qua Trảng Lớn,

chiều vô bưng-biền…

Thế rồi,

vận nước đảo-điên,

Anh-hùng mạt-lộ,

sa miền lao-lung!

Khổ sai,

tủi nhục vô-cùng…

Thoát thân,

tìm sống mịt-mùng…nơi đây…?


12


Gặp em,

trên hoang-đảo này,

Chút tình tri-ngộ,

cũng đầy chênh-vênh…

Lỡ mai,

ước mộng không đền,

Thì,

xin người,

hãy lãng quên muộn-phiền!! (Galang 82)

Hay bài: “Đường trưa” làm cho một cô SV Nha-khoa năm cuối ở SG, gốc người Vĩnh-long, đã

chữa răng cho Biên ở “Nhà Thương Mới”, mà chàng từng hăm-he đùa: “Chữa sao mà khi xa

đảo này tôi không còn nhớ đến em nữa đó nha!” làm nàng bật cười đáp lại một câu không thiếu

vẻ thông-minh: “Vậy thì em đâu có ngu… khà… khà”.. Thế mà, sau khi đến Québec, nàng đã gửi

cho Biên một tấm hình chụp ở một vườn Hoa rất xinh-xắn, phía sau ảnh chỉ ghi : “Hy vọng là

răng anh đau lại nha!”

Em về trên đường trưa,

Điệu buồn theo chân bước,

Một mình qua dốc nhỏ,

Trời lưu-lạc buồn chưa ?

Đôi mắt sáng long-lanh,

Nụ cười hoa trong nắng,

Những ngày em áo trắng,

Còn đâu Sương Nguyệt-Anh…?

Một lời thăm muộn-màng,

Cho cuộc tình …rất nhớ,

Một lời thăm không gửi,

Cho chiều buồn lang-thang…

Em đi, mái tóc trễ-tràng,

Mang theo một thuở son vàng đã xa…!

Đường trưa, em bước mau qua,

Nắng ơi, nắng nhớ quê nhà hay không? (Main st./Galang 82)

Và, bài “Nỗi lòng hoa cúc” mà Biên sáng-tác ngay trong thư-viện sát cạnh Tòa soạn, lúc chàng

ghé qua đó ngồi đọc sách, cũng ưa “tám” với Cúc là Quản-thủ thư-viện này, thường qua Toà

soạn xin báo về cho bà con đọc. Cúc có mái tóc rất dài và đôi mắt ướt như lúc nào cũng chực

khóc, và mỗi khi chiều xuống Biên thường thấy nàng hay ra hàng hiên Thư viện ngồi một mình

trên chiếc băng dài để sẵn, thỉnh thoảng gió biển thổi bay-bay mái tóc nàng tung lên rất đẹp,


13


nàng ưa nhìn mông ra đồi cỏ tranh cạnh đó, rất lặng lẽ, chắc là đang nhớ nhà …Bài này ngắn

nên Frère đọc ít sai, hay là do lúc nào cũng nghe Frère khen mái tóc Cúc mà trong Tu-viện ông

chưa bao giờ thấy, ngoài những mái tóc của mấy bà Xơ trùm kín đầu đi ngang qua chăng?:

Em ngồi xõa tóc buông lơi,

Nghe chiều rớt-rụng trên đồi cỏ tranh …

Ngoài kia, nắng lụa vàng hanh,

Trong này, nước mắt cũng đành rưng-rưng…

Quê em, xa lắc ngàn trùng,

Nỗi thương, cơn nhớ …chờ mong một ngày …?

Rồi mai, em bỏ nơi này,

Lấy ai, nhìn nắng chiều… phai trên đồi …? (Galang Library/82)

Dù là một người tu-hành, nhưng ai cấm được họ thưởng ngoạn những nét đẹp Văn chương,

Nghệ thuật mà một tâm hồn nhạy cảm ai cũng có thể có được, nhất là những người lâu nay bị

chèn ép hạn chế vì lý do tu hành, thì đây là cơ hội để nó bùng phát bản năng tự nhiên nhất của

một sinh-vật bình thường, miễn là họ biết tự mình nên làm gì và không nên làm gì với Lý tưởng

đã chọn mà thôi..Những điều đó, tự nó không phải là điều xấu, nhưng nó lại không thích hợp

cho một kẻ tu hành đã khấn nguyện cuộc đời mình cho Chúa từ bé. Thỉnh thoảng, Biên dưới phố

về, có thấy Nương cầm cái chổi và miếng bìa hốt rác trong phòng Frère với vẻ mặt không được

bình thường, tự dưng Biên có một ý nghĩ khác đi về Nương. Nhưng Biên cũng cố trấn tĩnh lại,

vì tự cho mình đã diễn-dịch một sự việc dưới con mắt của một người trần. Biên tự cảm thấy

mình có lỗi nhiều với Frère Kỉnh, một người mà chàng vẫn luôn chia xẻ và kính trọng như

những người đang tu hành khác. Biên vốn không có cái nhìn khe-khắt đối với mọi người, bởi vì

chàng nghĩ: ai cũng là con người đầy “hỉ nộ ái ố” với những đòi hỏi tầm thường của nó…Người

tu hành chỉ là một người bình thường ở một mức độ gìn giữ phần Đạo đức cao hơn, dài lâu hơn

phần Đời mà thôi! Họ là những người nhờ Niềm Tin vào Đấng siêu hình mà đè bẹp được những

cám dỗ vật chất chung quanh, khi một người khác có thể đi qua bình thản một cách thường

tình… Người ta cũng chẳng dị nghị gì khi thấy Frère Kỉnh cùng đi tắm biển với Nương, bởi vì

người ta tin nơi con đường mà Frère đã chọn và đang tiếp tục, là cống hiến cuộc đời mình để

phụng sự Chúa. Biên đã nói cho Quỳnh biết về những suy nghĩ này, với tư cách một người

ngoại Đạo, thì Quỳnh có vẻ phản đối theo quan điểm của người Công giáo. Biên cũng thấy

Quỳnh đúng, nhưng chàng vẫn thấy áy-náy trong lòng. Có lẽ vì Biên đã nhìn sự việc của những

người Thánh thiện dưới con mắt người trần tục chăng? Điều đó có thể đúng và Biên xin lỗi

Quỳnh, bởi vì chàng là người ngoại Đạo không thể nào hiểu nổi về những việc thuộc về Đức

Tin.

Rồi đến một ngày Frère Kỉnh rời đảo. Bên nhà thờ cũng như bên toà soạn, nhất là anh chị em

bên Ca-đoàn, vốn có liên hệ mật thiết với Frère đã tổ chức những buổi tiệc tiễn đưa, nhưng

dường như Frère không được vui, bởi vì tâm trạng của những người ra đi bao giờ cũng đầy rẫy

những bịn-rịn, nhất là một người nhiều liên hệ với những người ở lại như Frère. Biên đại-diện

cho toà soạn, cùng một số anh chị em bên nhà thờ, trong đó có Cha Dominici xuống tận bến tàu

để tiễn Frère Kỉnh, một người đã có công rất nhiều với nhà thờ và tờ báo. Mọi người đứng xung

quanh Frère, chúc ông lên đường bình yên và phụng sự Chúa tốt nơi đất mới. Frère cảm động

ngỏ lời cám ơn và siết tay mọi người. Riêng đối với Biên, Frère siết tay rất lâu, tay kia vừa vịn

lên vai chàng với đôi mắt buồn chưa từng thấy. Dường như đã có chút nước mắt long-lanh ở


14


khoé mắt của người đã ở bên cạnh Biên những mấy tháng trường trong cái Tòa soạn chỉ có

những tiếng chuột cạy nồi ban đêm. Biên đã kể cho Frère nghe thực những gì mà chàng đã chạm

mặt trong đời sống ở tuổi thanh xuân, thí dụ những ngày lính tráng của một người thanh niên

trong cảnh đao binh như chàng, và đau đớn trâu ngựa hơn là những ngày tù tội, mà Frère không

bao giờ mường tượng nổi. Điều làm Biên quí trọng Frère nhất, có lẽ là những giọt nước mắt của

Frère khi nghe chàng nói về nỗi khổ đau của một người tù cải tạo. Frère nói Frère xấu hổ khi

nghe Biên kể về những điều đó, mà Frère không ngờ đến được, vì Frère cũng là một người

thanh niên Việt Nam như Biên, chênh-lệch nhau không bao nhiêu tuổi sống chung ngay trên quê

hương điêu-linh mình, suốt những tháng ngày lửa đạn…Biên là người ngoại Đạo, nên chàng

chẳng có liên hệ gì với vai vế của một Sư huynh như Frère, vì vậy Biên chỉ có liên hệ duy nhất

với Frère về “Đời”, gần-gũi hơn, là một người cùng làm chung một tờ báo. Trong lúc Frère có

những suy tư với mặc-cảm mình thiếu công bằng với Biên và những người cùng thế hệ khác thì

Biên chỉ nói an-ủi ông rằng: Mỗi người một bổn phận, mỗi người một công việc, miễn mình làm

hết chức năng của mình là được rồi, với giọng đùa cợt Biên nói vui-vẻ, tôi có bổn phận “bóp

cò”, Frère có bổn phận “đọc kinh”vì ông được nhà nước cho hoãn-dịch vì “lý do Tôn giáo” hợp

pháp, không việc gì ông phải mặc-cảm lôi-thôi, ngoại trừ ông vào tu để trốn lính, hết chiến tranh

ông “xuất” để cưới vợ như nhiều người, thì chả nói làm gì …

Frère nhìn Biên thực lâu, rồi ông bước xuống tàu một cách vội-vã, như không muốn

chào ai nữa cả…

Khi mọi người đã lên tàu xong, viên Thuyền trưởng ra lệnh nhổ neo trực chỉ Singapore,

rồi từ đó các thuyền nhân sẽ được nước nhận họ đưa đi định cư vĩnh-viễn tứ xứ. Con tàu hụ lên

những hồi còi dài tiễn biệt và từ-từ rời bến, giữa những cái ngoắt tay của những người ở lại với

những giọt nước mắt rưng-rưng bên này yêu dấu…

@

Biên đến bên Quỳnh, cũng là người trong Ca đoàn đi tiễn Frère Kỉnh, mắt nàng đỏ hoe. Quỳnh

có vẻ ngạc nhiên về những giây phút cuối của Frère Kỉnh dành cho Biên. Nàng chợt hỏi:

-Dường như Frère mến anh lắm phải không, vì em thấy Frère đặt tay lên vai anh thực

lâu với đôi mắt đỏ hoe?

-Anh cũng không biết nữa. Bởi vì Frère rất ít nói, chỉ có vài lần Frère khen những bài

Thơ của anh đăng trên báo, làm Frère cảm động cùng thích thú, và những giọt nước mắt của

Frère khi nghe anh kể vời đời lính anh bị thương mấy lần và đời tù khổ nhục đến 6 năm khi anh

chưa tới 30 tuổi…mà Frère coi như đó mới là giá trị thực của đời sống…Nhưng em có thấy một

điều gì khác lạ trong buổi đưa tiễn này không?

-Thấy Frère buồn quá và có vẻ quyến-luyến anh hơn bất cứ một tín-hữu nào khác…

-Có một điều lạ hơn thế nữa!

-Em không thấy.

-Trong buổi tiễn đưa hôm nay, có thiếu đi một người…!?

Trời nắng gắt phả trên mặt lộ nhựa đen khín, đã bắt đầu nhão ra. Quỳnh bước bên Biên, giọng

bùi-ngùi:

-Người ta khổ với nhau như vậy, sao anh?

-Khổ như ngày Chủ-nhật em hát “Sombre Dimanche” trên ngọn đồi chiều với anh…

-Đừng nhắc nữa anh, em sợ!

-Có những sự thực mà mình không đành lòng quên, vì biết mình không thể quên, nên sợ

sự thực. Người vắng mặt trong buổi tiễn đưa kia, vì họ không dám nhìn sự thực, sự thực

ngay trong lòng mình…


15


-Bởi vì những sự thực nó kinh khiếp quá, nó làm cho mình cứ ngỡ là những cơn mơ!?.

-Mơ, thực ra, chỉ là một trạng thái tự đánh lừa mình, để cố đè bẹp những phũ-phàng đã

xảy ra cho mình trong những phút giây thực nhanh, thực ngắn-ngủi, đến mình còn không

kịp trở tay, khi mình nhận diện được nó, thì mọi chuyện đã tới, đã xong…Buồn quá em

nhỉ?

Quỳnh lặng-lẽ giây lâu, rồi trả lời:

-À, nhưng chừng nào thì anh đi?

-Chi vậy?

-Để em làm người “vắng mặt” thứ 2, và hy vọng là người vắng mặt cuối cùng trên

hoang đảo này.

-Sao vậy?

-Vì em thấy hãi quá, tội quá! Anh cứ nhìn nét mặt của Frère khi ấy, thì thấy à, lúc đó

em muốn bật khóc...Frère chẳng thể nào chào thêm ai được nữa cả. Người đàn bà chỉ

bật khóc thành tiếng khi họ không thể chịu đựng nổi được sự khổ đau, khi đó, em phải

xoay người ra phía sau, cố nén lòng, vì sợ những hiểu lầm, mà thực sự đó chỉ là những

chia sẻ với một người đang gặp khó-khăn, mà không ai biết là lý-do tình cảm…

Biên buồn-bã nói:

-Anh sẽ ra đi trong lặng-lẽ, như từng vào lính ba lần và vào tù một lần mà chả ai tiễn

đưa, khác với người ta lúc nào cũng có thân nhân bên cạnh với những cặp kiếng đen rất bự

để dễ bề khóc lóc khi tiễn người thân vào cõi chênh-vênh mà cái chết đang đợi ở cuối đường

trong nghề lính lẫn “nghề” tù ……vì anh chả có ai đủ thân để làm việc đó và chính anh cũng

không thích chứng kiến những sự chia ly, dù sự chia ly của một người “vắng mặt”….

Vẻ hờn dỗi, Quỳnh nói:

-Điều đó cũng được. Tùy anh!

Rồi nàng đi tách xa Biên ra hơn một tí vừa cúi đầu…Biên hỏi giọng âu-yếm:

-Giận hở?

Quỳnh làm thinh, nàng bước nhanh hơn, và rẽ vào một khúc quanh để về Barrack của mình

trong lặng-lẽ. Biên nói với theo “Thôi em về, để anh lên toà soạn….”

Quỳnh vẫn không có tiếng trả lời. Biên mỉm cười, lủi-thủi bước lên một con dốc đầy bụi đỏ…

Hai tuần lễ sau, Cha Dominici, với vẻ mặt buồn-bã lên thăm Biên ở toà soạn. Cha hỏi Biên

chừng nào ra đi. Biên nói khoảng vài tuần lễ nữa, và chàng xin Cha một Quản lý khác, nhưng

Cha lặng thinh lắc đầu, vẻ tuyệt vọng. Cha nói Cha mới làm lễ cho một người đến Cha xưng tội

chiều hôm qua với Cha về những lầm-lỡ trầm trọng làm Cha rất buồn. Cha cũng nhận được thư

Frère Kỉnh, mà dường như trong đó có những điều làm cho Cha không vui. Cha cũng nói với

Biên, chắc rồi Cha cũng sẽ đóng cửa tờ báo, vì Cha đã hết nhiệm kỳ ở nơi này, và Cha phải trở

về toà Thánh Roma…


Còn khoảng 2 tuần nữa thì Biên đi, nhưng chàng cũng còn kịp thì giờ để dự lễ

“Nửa Đêm” với Quỳnh lần sau cùng, chàng sẽ được ăn những chén chè xôi nước do

Quỳnh nấu, một thứ quà tiễn đưa quen thuộc khi mỗi lần có những người rời Đảo cùng

với bản nhạc “Thuyền Viễn xứ” của Phạm Duy được ban Thông tin của Ban Đại diện cử

lên tha-thiết trên loa phóng thanh nghe rất buồn bã …Món quà “xôi nước” quen thuộc

bởi vì Cao-ủy phát thực phẩm có những bọc đậu xanh và đường khá nhiều, nên xôi nước

là một sáng kiến tiện lợi, truyền thống của những ai khéo nấu. Tờ báo Giáng sinh đã phát

hành, nên Biên cũng rảnh-rỗi phần nào. Toà soạn trở lại âm-u, không có bóng dáng của

những thanh niên trong Ca đoàn lui tới, không còn ánh đèn leo-lét chiếu qua khe cửa từ


16


nhà kho của Frère Kỉnh trước đây, không có sự ra vào chăm-chỉ của Nương mỗi ngày,

chỉ còn lại mấy chiếc máy chữ đầy bụi, những vết mực in trên chiếc bàn dài. Ban đêm có

thêm những tiếng húng-hắng ho của Biên vì chàng hút nhiều thuốc quá, chen lẫn với

những tiếng lục-cục của bầy chuột khi cố lật những tảng gạch dằn trên cái xoong cơm

nguội. Trong cơn mê ngủ, Biên thoáng thấy mái tóc của Quỳnh bay-bay với tiếng hát

trầm, nghẹn-ngào từ xa với bài “Sombre Dimanche” trên ngọn đồi chiều phía sau nhà

Thờ vào một ngày lặng gió: “Chủ-nhật buồn đi lê-thê, cầm một vòng hoa đê-mê, bước

chân về với gian nhà, với trái tim còn nặng-nề, xót-xa gì, nhớ thương gì, đã biết mùi

hương chia-ly…Chủ-nhật nào, tôi im hơi, vì đợi chờ không nguôi-ngoai, bước chân

người nhớ thương tôi, đến với tôi thì muộn rồi. .. Chiếc quan-tài khói hương bốc lên như

vạn ngàn lời, dẫu qua đời, mắt tôi cười vẫn đăm-đăm nhìn về người. Hồn lìa rồi nhưng

anh ơi, tình còn nồng…nhắc cho ai biết cuối đời, có một người yêu không thôi…”


*Nguyễn-Tư



Tuesday 20 April 2021

THU NIỆM… ( Nguyễn Tư )

 


THU NIỆM…


“Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng,

Vàng rơi, vàng rơi, Thu mênh-mông…”(Bích-Khê)


Dường như,

 mùa Thu đâu đây?


Nên,

 vài chiếc lá vàng,

 bay sau nhà…


Thoáng lạnh,

 len-lén vào,

 ta…


Kéo cao cổ áo nhìn ra,

 khung trời… 


 Từng cụm mây,

 xám,

êm trôi…


Nét buồnThu,

 cảm xa-xôi,

 lại về...


Vẫn,

 là đất khách,

 tình quê,


Một đời lưu-lạc,

 chưa hề đoàn-viên…!


Em xưa,

 còn có ưu-phiền,


Khi,

 mùa Thu tới,

 bên hiên nắng vàng?


Ngồi,

 nhìn tuổi ngọc,

 vừa sang,


Đã dang tay,

 hái nụ tàn,

 thanh xuân! 


Người,

 đi bỏ lại,

 tình oan,


Ôm theo,

 bao nỗi gian-nan,

 trong đời!?


Những tưởng:

 rồi,

 sẽ nguôi,

 thôi…


Trôi vào dĩ-vãng,

 một thời đã qua!


Cứ ngỡ quên được,

tình xa,


Một ngày,

 tình lại trong,

 ta bất ngờ!


Thu về,

 nắng đẹp như tơ,


Em,

 giờ còn có mong,

 chờ,

 người đi..??!


 *Nguyễn-Tư

(Sơ Thu Úc/21)