Sunday 30 April 2017

PHÓNG SỰ: BÔNG SÚNG MÙA NƯỚC NỔI





Bông Súng Mùa Nước Nổi / 12:20

GIÀY CAO GÓT ( BS Nguyễn Ý Đức )




GIÀY CAO GÓT


Hỏi: Tôi rất thích đi giày cao gót, vì giày cao làm cơ thể của mình vừa cao mà lại vừa đẹp. Nhưng nghe nói, đi giày cao cũng đưa tới vài rủi ro cho sức khỏe. Xin bác sĩ cho biết các rủi ro này là gì.
Cảm ơn bác sĩ

Vân Anh

Đáp:

Thưa bà,
Trước khi nói tới giày dép, xin cùng ôn lại về hai bàn chân.
Thiên chức của hai bàn chân là để chống đỡ cơ thể, đi lại, chạy nhẩy, leo trèo, nhún nhẩy múa may.
Mà tập đi những bước đầu đời với em bé là cả một công trình khó khăn cần học hỏi và thực hiện trong nhiều tháng. Vì phải “ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò” rồi tới tháng thứ chin thì bé mới “lò dò biết đi” Trước hết là bé phải xoay bụng để tập bò với đôi bàn tay, hai đầu gối, rồi cẩn thận đẩy mình lên cao, chập chững đứng dậy. Bé sẽ té, nhưng bé vẫn cố, tiếp tục sau cả trăm lần thất bại, té lên té xuống. Cuối cùng thì bé cũng sẽ đứng vững và chập choạng bước tới.
 Khi tập như vậy, bé phải sử dụng nhiều cơ bắp, co vào duỗi ra đúng lúc nhịp nhàng với nhau để cân bằng trọng tâm cơ thể trên đôi bàn chân nho nhỏ với gót hồng hồng. Tiểu não có vai trò quan trọng trong giữ thăng bằng này. Và cũng không quên hai cánh tay đung đưa phải trái, trước sau nhất là lúc đi nhanh, chạy bộ.
Khi đi đứng, hai bàn chân với các ngón thường là phải bám bằng trên mặt đất để chịu đựng sức nặng cơ thể. Mới sanh ai cũng có bàn chân dẹp. Chỉ khi bé thơ bắt đầu bước đi thì các cơ và gân mới căng ra và kéo các xương cong lên. Thường thường khi bước thì gót chân chạm mặt đất trước
Khi đi hoặc bắt đầu chạy, cẳng chân chịu sức nặng lớn hơn trọng lượng cơ thể tới sáu lần. Bàn chân có nhiều xương nhỏ, mềm rất dễ gẫy. Nhưng chúng được cột với nhau bằng một hệ thống gân và dây chằng rất bền dai để giúp nhịp nhàng bước tới lui.
Ðã có một thời, bàn chân nhỏ được coi như dấu chỉ của danh gia quý tộc, nên có tục bó chân, nhét vào đôi hài bé síu, xương gót chân gập về phía trước, bốn ngón chân cong vào nằm ở dưới. Thành gót sen nho nhỏ xinh xinh nhưng đi không vững và khó khăn.
Chân dể đi. Nhưng mặt đất cũng nhiều rủi ro gây tổn thương cho chân. nên cần được bảo vệ bằng thứ mà ta gọi là đôi giày, đôi dép.
Dép được dùng đầu tiên ở vùng khí hậu nóng với mục đích bảo vệ bàn chân, gót chân, nhưng mu bàn chân để hở vì cần thông thoáng. Trong khi đó dân miền núi, nơi có khí hậu lạnh thì mang giày ống. 
  Nhiều ngàn năm trước đây, giày cho cả nam lẫn nữ chỉ là một miếng vật liệu bao bọc toàn chân; mãi tới thế kỷ 18, mới có khác nhau giữa giày nam giày nữ.
Giày với gót cao 6 inch đã được nữ lưu quý phái Âu Châu mang từ thế kỷ 17, và khi bước đi họ cần hai nô tỳ đỡ hai bên để đứng vững. 
Dù là để bảo vệ đôi bàn chân nhưng giày dép quá cao cũng đưa đến rủi ro cho người mang chúng.
Bình thường khi ta bước tới thì gót chân chạm đất trước.Nếu sờ vào gót, ta thấy da nơi đây cũng dầy hơn phần trước của chân.  Khi làm ra giày thì cũng không ai nghĩ tới làm gót cao. Nhưng dùng lâu, thấy gót giày chóng mòn, nên đế được đưa cao hơn. Và mục tiêu sơ khởi của đế cao chỉ là vậy: để giày khỏi sớm bị mòn.
Nhưng thời trang làm đẹp lại đi xa hơn. Vì người ta thấy khi phụ nữ mang giày đế cao thì bước đi nom thanh cao, yểu điệu, dễ dàng nhún nhẩy, nhất là nhấp nhô bàn tọa. Khiêu vũ điệu valse mà đi giày cao gót thì mỗi bước quay là cả một nhịp nhàng uốn éo, như sóng dợn lên xuống. 
Khi mang giày gót quá cao, quý bà quý cô sẽ bước đi trên những ngón chân của mình thay vì cả bàn chân. Ngực và thắt lưng sẽ đẩy về phía trước, hông ngả về phía sau, đầu gối gập lại, toàn thân tựa trên các đầu ngón chân. Hậu quả là cơ bắp chuối không duỗi ra, trở thành co cứng, ngắn lại; đầu gối đau nhức vì bắp thịt trên đùi đè xuống. Nếu bước đi mà mất thăng bằng sẽ bị trẹo cổ chân, bong gân; gân gót chân co ngắn, cứng nhắc. Dáng đi sẽ thay đổi, chân trước không bước xa được, gót chân không chạm xuống đất.
Lái xe hơi với giày gót quá cao hoạc dép mỏng cũng có khó khăn. Khi đạp thắng hay ga, ngón chân đè lên các bộ phận này, gót chân dựa xuống sàn xe. Với gót giày cao, gót chân nâng lên, đầu ngón chân luôn luôn đè trên thắng, ga, có thể gây tai nạn.
Đó là các rủi ro khi mang giày cao gót, xin gửi tới bà, để “kính tường”.
Cũng xin mách bà vài mẹo vặt như sau, nếu vẫn còn muốn mang giày cao gót:
-Sau một ngày mang giày cao gót, buổi chiều về nhà, ngồi thoải mái trên ghế. Dùng một mảnh vải dài, lót dưới bàn chân rồi kéo bàn chân về phía mình, trong khi đó hướng các ngón chân về phía trước, để thư giãn các ngón này.
-Trên đường đi làm, mang giày đế mỏng, tới sở mới đổi sang giày cao gót khi đi lại trong văn phòng..
-Lựa giày có gót rộng mặt để giảm áp lực lên đầu ngón chân.
-Có thể mua miếng lót gót chân để bước đi được thoải mái dễ dàng.
Chúc bà mạnh khỏe.

BS Nguyễn Ý Đức 


CẢM ĐỘNG: BÀ MẸ CHẾT 107 NGÀY VẪN SINH ĐƯỢC CON




 CẢM ĐỘNG: BÀ MẸ CHẾT 107 NGÀY VẪN SINH ĐƯỢC CON


 Một người mẹ dũng cảm đến từ Bồ Đào Nha quyết định giữ lại đứa trẻ trong bụng dù biết gặp nguy hiểm. Khi cô qua đời 107 ngày, đứa trẻ được sinh ra ở trạng thái khỏe mạnh.

Một phụ nữ đã sống với con trai mình ở Bragadas (Bồ Đào Nha) trong 8 năm. Khi nhận ra đang mang thai lần 2, Sandra đã đến bác sĩ để nhận lời khuyên. Tại đây, các bác sĩ đã cảnh báo cô về nguy cơ rất lớn phải đối mặt trong thời kỳ mang thai. Sandra trước đây đã từng chiến đấu với bệnh viêm phổi, bị các vấn đề về tim thậm chí là hôn mê sâu. Cô cũng từng trải qua phẫu thuật thận. Tuy vậy, tình yêu thương con và khát khao trở thành mẹ lần nữa, người phụ nữ 37 tuổi quyết định chấp nhận rủi ro và giữ lại đứa trẻ.


Dù biết trước gặp nguy hiểm nhưng Sandra Pedro quyết định không phá thai mà giữ lại đứa trẻ trong bụng mình.
Dù biết trước gặp nguy hiểm nhưng Sandra Pedro quyết định không phá thai mà giữ lại đứa trẻ trong bụng mình.

Vào tháng 2/2016, một cơn chảy máu não đã khiến Sandra trên bờ vực cái chết ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Vào thời điểm đó Sandra đã biết giới tính con mình là nam nhưng không thể tiếp tục xem bụng mình phát triển như thế nào. Ngày 20/2, Sandra qua đời. Nhưng cái chết này mở ra những điều chưa bao giờ xảy đến ở Bồ Đào Nha và có lẽ là rất hiếm trên thế giới. Khi người phụ nữ 37 tuổi qua đời, các bác sĩ đã siêu âm và phát hiện dấu hiệu sự sống của đứa bé trong bụng cô là rất tốt. Trái tim của đứa bé mạnh mẽ và đập bình thường.


Người mẹ đã qua đời nhưng dấu hiệu sự sống của đứa bé trong bụng cô là rất tốt.
Người mẹ đã qua đời nhưng dấu hiệu sự sống của đứa bé trong bụng cô là rất tốt.

Quá ngạc nhiên trước hiện tượng này, các bác sĩ đã gửi kết quả xét nghiệm tới Ủy ban đạo đức Bệnh viện St. Joseph ở Lisbon. Ủy ban này cùng với gia đình Sandra và gia đình Michael Angelo Faria (cha của đứa trẻ) đồng ý tiếp tục để cô mang thai nhằm đảm bảo khả năng sống sót của thai nhi.


Đứa trẻ được đặt tên là Lourenço Salvado.
Đứa trẻ được đặt tên là Lourenço Salvado.

Cơ thể Sandra từ đó được hoạt động bằng máy móc. Đó là khoảng thời gian đáng buồn cho mọi người trong gia đình cô nhưng họ phải mạnh mẽ. Mặc dù Sandra không còn chức năng não và được tuyên bố lâm sàng là đã chết nhưng vẫn còn sự sống phát triển trong cô. Sandra trở thành một vườn ươm sống. Một đội ngũ hơn 80 người đã làm việc ngày đêm để giữ cho cơ thể mẹ hoạt động và duy trì tuần hoàn tử cung.


Em bé trong bụng Sandra được sinh ra ở tuần thứ 32 thai kỳ.
Em bé trong bụng Sandra được sinh ra ở tuần thứ 32 thai kỳ.

107 ngày sau đó, phép màu đã xảy ra: em bé trong bụng Sandra được sinh ra ở tuần thứ 32 thai kỳ. Đây là tình huống mà không bác sĩ nào tại đó từng gặp phải và rất nhiều người dã khóc. Sau đó, các máy móc được tắt đi, cơ thể mẹ được giao cho gia đình còn em bé thì có sức khỏe hoàn hảo.


Điều thần kỳ xảy ra khi 107 ngày sau cái chết, Sandra vẫn sinh được con.
Điều thần kỳ xảy ra khi 107 ngày sau cái chết, Sandra vẫn sinh được con.

Sandra là một người mẹ can đảm, từ cái chết của cô, một cuộc sống mới được sinh ra. Lourenço Salvado chính là tên được mọi người đặt cho em bé mà Sandra sinh ra 107 ngày sau khi chết.

7 QUÝ NHÂN ĐỪNG ĐỂ MẤT TRONG CUỘC ĐỜI





7 QUÝ NHÂN ĐỪNG ĐỂ MẤT TRONG CUỘC ĐỜI


Trải qua những năm tháng dài đằng đẵng, cha ông ta đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích để lại cho con cháu đời sau.

Trong cuộc sống có đủ các kiểu người khác nhau, tốt có, xấu có, giúp đỡ bạn có, lợi dụng bạn cũng chẳng thiếu… Tuy nhiên, 7 kiểu người dưới đây là bạn nên trân trọng trong suốt cuộc đời mình.

1. Người sẵn sàng ủng hộ bạn vô điều kiện

Nếu như có người sẵn lòng ủng hộ bạn, thì người đó chính là quý nhân của bạn. Khi người đó sẵn lòng giúp đỡ bạn một cách vô điều kiện, chỉ đơn giản bạn là bạn, người đó tin tưởng bạn và tiếp nhận bạn. Một người sẵn sàng tiếp nhận chúng ta thì chính là quý nhân của chúng ta.

2. Người thầy của bạn

Người nhìn thấy chỗ tốt của bạn, đồng thời cũng hiểu rõ chỗ thiếu sót của bạn, có thể giúp đỡ, đề bạt bạn, đó chính là quý nhân của bạn. Nếu như bạn cũng muốn trở thành quý nhân của  người khác, hãy tăng năng lực của mình lên, trở thành huấn luyện viên của người khác, khuyên bảo và đề bạt người khác.


3. Người sẵn lòng “lải nhải” với bạn

Bời vì họ quan tâm đến bạn nên họ mới thường xuyên “lải nhải” kêu ca về bạn. Đây cũng là một kiểu quý nhân mà bạn không nên để mất. Tất nhiên, người “lải nhải” này là có ý muốn nhắc nhở, muốn bạn tốt lên chứ không phải muốn làm phiền bạn.

4. Người sẵn lòng chia sẻ với bạn

Người sẵn sàng ở bên bạn để vượt qua sóng gió chính là quý nhân của bạn. Rất nhiều người khi bạn gặp khó khăn sẽ rời xa bạn nhưng khi bạn thành công thì họ lại đến. Nhưng người mà có thể ở bên cạnh chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn với bạn thì không có nhiều đâu! Hãy trân quý họ!

5. Người sẵn lòng vì bạn

Nếu như có một người lúc nào cũng sẵn lòng vì bạn, không vì mục đích gì cả, thì bạn thực sự là người hạnh phúc trong cuộc đời này! Con người, ai cũng có vị tư, vì bản thân mình, nhưng họ đã có thể vì bạn thì chính là quý nhân của bạn rồi. Hãy trân quý người này!

6. Người tuân thủ lời hứa

Người tuân thủ lời hứa là người biết rõ ràng năng lực của mình, biết rõ mình có thể toàn lực làm được lời hứa hay không. Vì vậy, khi thật lòng làm bạn với những người này, bạn cũng sẽ phải ý thức về việc tuân thủ lời hứa của mình. Như vậy, tính cách của bạn cũng dần dần tốt đẹp hơn. Người tuân thủ lời hứa, giữ chữ tín là người luôn được người khác tôn trọng. Cho nên, người tuân thủ lời hứa cũng là quý nhân giúp bạn ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

7. Người luôn tin tưởng và không bỏ rơi bạn

Nếu như trong cuộc đời, bạn gặp được người luôn tin tưởng bạn, không dễ dàng bỏ rơi bạn thì người đó chính là quý nhân của bạn rồi! Người luôn tin tưởng và ở bên bạn sẽ cho bạn động lực và sức mạnh  rất lớn. Đôi khi, cho dù năng lực của bạn có thể không cao nhưng nhờ sự tin tưởng của người khác bạn vẫn có thể trở thành người xuất chúng.


15 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ ĂN UỐNG



15 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ ĂN UỐNG


Có rất nhiều quan niệm về thực phẩm và chế độ ăn uống được mọi người tham khảo, áp dụng. Tuy nhiên, không phải mọi quan niệm đó đều đúng. 


Theo Spark People, thông thường mọi người đều quan niệm không nên ăn sau 18 giờ để hạn chế tăng cân. Thực ra ăn gì và ăn bao nhiêu mới quan trọng hơn so với thời điểm ăn. Tốt nhất là ngừng ăn khoảng 3 giờ trước khi đi ngủ với bữa ăn vừa phải. Đi ngủ với bụng đầy có thể khiến cơ thể không được nghỉ ngơi mà vẫn phải nỗ lực xử lý thức ăn, thậm chí gây khó tiêu, đầy hơi và tăng cân. 


Bánh mì màu nâu không có quá nhiều chất xơ không cần thiết. Màu nâu “lành mạnh” có thể là từ caramel ở trong bột bánh vì thế năng lượng có trong bánh mì nâu cũng tương đương với bánh mì trắng.




Nước ép trái cây chứa nhiều đường, vì vậy, bạn không nên uống quá nhiều. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên uống nhiều nhất 3 cốc nước ép trái cây mỗi ngày, lượng vừa đủ giúp làm mát cơ thể, vừa phát huy tác dụng của trái cây.



Theo Independent, sushi có nguyên liệu là cá sống, cơm gạo trắng, giàu carbs tinh chế, vì vậy, cần nhiều thời gian để tiêu hóa, dẫn đến tăng lượng đường trong máu, khiến bạn thèm ăn nhiều hơn. Ngoài ra, sushi thường ăn kèm với nước sốt chứa nhiều đường, calo và muối, không tốt cho sức khỏe.



Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn một lượng thích hợp chocolate đen mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe con người như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kiểm soát sự thèm ăn... Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên ăn chocolate ở mức vừa phải vì nó chứa chất béo bão hòa và hàm lượng calo cao, ăn quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể.



Một số người quan niệm càng ăn ít đi, bạn sẽ tiêu thụ ít calo, nhờ đó, tăng tốc độ giảm cân. Về lý thuyết, điều này có vẻ đúng, nhưng thực tế, nó lại gây tác dụng ngược lại. Khi ăn ít, cơ thể trong thời gian dài sẽ thiếu dinh dưỡng và lâu dần sẽ phá vỡ quy tắc ăn uống, tiêu thụ bất cứ thứ gì để bù đắp năng lượng. Kết quả là bạn càng ăn nhiều hơn. Vì vậy, bạn có thể chia nhỏ thành 5-6 bữa ăn mỗi ngày, mỗi bữa cách nhau 3-4 giờ để kiểm soát cơn đói và giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.


Theo New York Times, lượng nước mà mỗi người thực sự cần không hoàn toàn giống nhau, chúng dựa trên hoạt động mà bạn tham gia mỗi ngày, cân nặng, môi trường (nhiệt độ và độ ẩm) và nhiều điều kiện khác. Trong thực tế, cơ thể con người có chức năng báo hiệu khi nào bạn cần phải uống nước trước khi bạn thực sự bị mất nước. Trừ khi bạn muốn, đừng uống nước nếu bạn không khát.

15 quan niem sai lam ve an uong ban khong nen tin hinh anh 8

Không phải chất béo nào cũng gây hại. Chất béo là một phần thiết yếu của chế độ ăn, chứa vitamin và các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe. Hơn nữa, các chất béo tốt nhất định một cách thực sự chất béo lưu trữ gen và bật những đốt cháy chất béo. Cách tốt nhất để phát huy tác dụng của chất béo là ăn chừng mực. 




Dầu oliu chứa chất béo và chất dinh dưỡng có lợi, nhưng cũng như nhiều loại dầu khác, dầu oliu giàu calo, dễ gây tăng cân. Vì vậy, bạn không nên dùng quá nhiều dầu oliu khi chế biến đồ ăn.



Carbs là nguồn nhiên liệu quan trọng cho cơ thể để đốt cháy chất béo hiệu quả. Thay vì từ bỏ carbs trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên tiêu thụ carbs tốt như ngũ cốc nguyên hạt, rau, đậu, gạo nâu, yến mạch... và hạn chế carbs không lành mạnh như thực phẩm chế biến, đồ ngọt, đồ uống có ga...



Theo Fit Day, sự khác biệt giữa 2 loại đường này là đường nâu chứa mật đường, tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng giữa 2 loại này về cơ bản không khác biệt nhau. Hơn nữa, giống như đường trắng, đường nâu cũng giàu đường, chứa nhiều calo, vì vậy, bạn nên hạn chế chúng trong chế độ ăn hàng ngày để tránh tăng cân và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm.



Ăn trái cây trong hoặc ngay sau bữa ăn có thể khiến dạ dày bị kích thích, gây khó tiêu, đầy hơi. Do vậy, bạn chỉ nên ăn trái cây như món ăn vặt trong bữa nhẹ buổi sáng hoặc buổi chiều.



Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa sáng tốt nhất chính là bữa sáng giàu protein, chất xơ, kết hợp đồng đều với chất béo và carbs lành mạnh để cung cấp năng lượng cho một ngày dài. Nếu bạn ăn sai thực phẩm vào bữa sáng, cơ thể sẽ mệt mỏi và không đủ năng lượng để làm việc.



Nhiều người nghĩ rằng để đốt cháy lượng calo tiêu thụ chỉ có cách tập thể dục. Tuy nhiên, phương pháp này không an toàn, thậm chí có thể gây kiệt sức, chấn thương... Bạn nên nhớ rằng, cơ thể hoạt động và đốt cháy calo liên tục cả ngày bằng cách bạn di chuyển, đi, đứng, kể cả khi ngủ. Quá trình trao đổi chất của cơ thể có thể đốt cháy 1.200 - 1.500 calo mỗi ngày mà không cần tập thể dục.




Một báo cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh cho biết dinh dưỡng từ rau củ sẽ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.  Trái cây thường chứa hàm lượng đường tự nhiên cao, nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu, gây mệt mỏi, cáu kỉnh. Các chuyên gia khuyên dinh dưỡng tốt nhất cho một ngày bao gồm 4 phần rau củ +1 phần trái cây.

NẾU MAI EM VỀ… ( Thơ Hồng Thuý ) - PPS...




Nếu Mai Em Về - Thơ Hồng Thuý /5:26


Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Trần Thiên Anh
Hòa âm:Đặng Vương Quân
Ca sĩ: Tâm Thư
PPS Hùng Đặng


NẾU MAI EM VỀ…


Nếu mai em về…
Thăm lại Sài Gòn xưa
Những con đường hoa rất đẹp
Bước chiều qua gió đùa

Nếu mai em về…
Khung trời kỷ niệm thơ
Mang giùm tôi… viễn xứ
Mảnh trăng thề ước mơ

Nhắn tim tôi tiếng gọi
Trường cũ, bạn thân ơi!
Vẫn nghe tiếng lòng thổn thức
Tường rêu phong, ngói mờ...

Giữ hồn tôi bướm nhỏ
Chạm từng nhánh cỏ cây
Thả thân diều uốn lượn
Bay giữa trời nắng say

Nếu em có về…
Hái ngọn lá thanh xuân
Điểm tô tà áo mới
Vui tháng năm muộn màng

Nếu mai em về…
Trao lời… tôi nhớ thương
Gởi tình tôi… biển sóng
Đến yêu thương ngàn trùng.

Tôi ngỡ như giấc mộng
Về bến nắng mênh mông
Bờ bình minh tỏa khắp
Thắp gác chuông bụi chùng.

Nếu mai em về...
Ngõ vườn ai… đứng đợi
Dạ hẹn hò… ước mong
Hứng hạt ngâu vừa rụng
Đắp phận buồn biển sông

 Hồng Thúy

Friday 28 April 2017

CHIẾC ÁO BÀ BA ( Bé Bảo Ngọc )




Chiếc Áo Bà Ba - Bé Bảo Ngọc /5:40

TẠ ƠN CHÚT NẮNG ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )




TẠ ƠN CHÚT NẮNG


*“Màu nắng hay là màu mắt em…?(TCS)


Tạ ơn,
em đến hôm nào…

Mang theo chút nắng,
bỏ vào trái tim!

Thảo nào,
nghe ấm niềm tin…

Mới hay mình:
đã đi tìm với nhau?

Thời gian vội-vã,
qua mau

Buồn lên mái tóc,
biết bao năm rồi!

Cho nhau,
dù nửa nụ cười,

Cũng đủ ấm-áp cuộc đời,
phải không?

Một ngày,
mà biết chờ mong,

Mình sống đã chẳng uổng công,
một ngày?!


*Nguyễn-

         
               

ĐI HOANG ( Phương Lan )



ĐI  HOANG


Đất nước người qua bao mùa mưa, nắng

Về đâu em, chỉ thấy những khung buồn

Trong tơi tả những mảnh đời dâu bể

Đường sụt sùi nghe từng đám mưa tuôn


(Thơ Lê Việt Mai-Yên)

 

Ngày sung sướng nhất của mẹ là ngày được cha bảo lãnh cho sang Mỹ.  Tội nghiệp mẹ, lấy cha tôi từ năm mười tám tuổi, mẹ ở với cha được có hai năm thì xảy ra biến cố lịch sử kinh hoàng. Tháng tư 1975, mẹ có mang tôi được sáu tháng, cha tôi trước đó mấy tuần, đi công vụ ra Phú Quốc rồi bị kẹt luôn ở đó.  Khi Dương Văn Minh đầu hàng, không có tàu về, ông đành theo chân đoàn người  nhốn nháo lên máy bay, bay thẳng ra đảo Guam.

Cha mẹ tôi thất lạc nhau từ đấy.  Tôi ra đời không được thấy mặt cha, mẹ vất vả nuôi tôi một mình, gia đình bên ngoại đã di tản hết, mẹ nhất định ở lại chờ cha, nào ngờ ông đi biệt tích.  Đáng thương cho mẹ, người thiếu phụ mới hơn hai mươi tuổi, từ nhỏ sống trong nhung lụa, nay bị vứt ra ngoài đời với đứa con còn trứng nước.  Mẹ can đảm ngược suôi bán buôn, nuôi tôi lớn lên.  Làn da trắng nõn khi xưa của mẹ bây giờ trở nên rám nắng, tóc mẹ khô vì gió sương, nhưng mẹ còn đẹp lắm.  Tám tuổi, tôi đã bắt đầu hiểu biết, tôi có thể nhận ra những ánh mắt si dại của những người đàn ông khi tới lui tiếp xúc với mẹ, có khi vì công việc, có khi chỉ là cái cớ để gặp mặt.  Trong số những người tới lui, có cả mấy ông cán bộ cao cấp, một ông bác sĩ, một ông giáo sư… Nhưng mẹ không chú ý đến ai cả, mẹ khéo léo tránh né, đôi khi phải sợ hãi lẩn trốn.  Hẳn là tình mẹ yêu cha sâu đậm vô cùng, nên mẹ mới vượt qua được mọi cám dỗ, một lòng chung thủy với người chồng mất tích. Mười năm chờ đợi mỏi mòn, ngày nhận được tin cha tôi còn sống và đang ở Mỹ, mẹ mừng chảy nước mắt, thế rồi giấy bảo lãnh, giấy xuất cảnh và sau cùng là ngày đoàn tụ.

Chuyến máy bay chở hai mẹ con tôi đã hạ cánh xuống phi trường Los Angeles lúc 12 giờ trưa.  Bỡ ngỡ theo chân đoàn người vào bên trong, làm thủ tục nhập cảnh xong xuôi, hai mẹ con tôi chờ cha tới đón, với vẻ nôn nao không thể tả.  Chuyến bay dài không làm mẹ mệt mỏi, hy vọng làm mắt mẹ long lanh, sung sướng làm má, môi mẹ đỏ hồng.  Tóc uốn kiểu mới, mẹ mặc một cái áo đẹp nhất màu xanh da trời là màu cha vẫn thích. Cả năm, cả tháng trước, mẹ nói liên miên về người chồng tuyệt vời, về người cha có tránh nhiệm, về những lời hứa hẹn năm xưa, và những dự tính tương lai…

-         Rồi đây con sẽ có cha, không sợ ai bắt nạt nữa.  Cha con sẽ thương yêu con, lo cho con, con sẽ được ăn học tối nơi tới chốn, và sẽ có một tương lai tốt đẹp.

-         Còn mẹ sẽ không phải vất vả lo kiếm sống nữa, mẹ không còn phải lo lắng sợ hãi đủ thứ như trước đây.  Hai mẹ con mình sẽ rất hạnh phúc, rất sung sướng… Tôi háo hức thêm vào.

-         Dĩ nhiên rồi!  Mẹ cười vui vẻ.

-         Có phải bố nói nhà bố có vườn hả mẹ?

-         Phải nói là nhà mình chứ sao lại nhà bố? gia đình mình sắp đoàn tụ dưới một mái nhà rồi.   Ừ, bố nói nhà không rộng lắm nhưng có một cái vườn có trồng hoa và còn nhiều đất trống.

-         Nếu vậy mình sẽ trồng một cây ổi xá lỵ, và một cây nhãn nghe mẹ?

Mẹ âu yếm củng nhẹ một cái vào đầu tôi:

-         Mày chỉ nghĩ đến ăn... Còn mẹ, mẹ thích trồng vài cây bông sứ…

-         Thì trồng cả ổi, cả nhãn lẫn bông sứ.

-         Ừ để mẹ xem, nếu còn đất mẹ sẽ làm một giàn mướp.  Cha con rất thích ăn bông mướp xào với thịt bò.

-         Con lớn rồi, đi học về con sẽ phụ với mẹ làm bếp.

-         Không cần, con cứ lo học cho giỏi là được rồi.

-         Nhưng mẹ sẽ bận lắm đó!

-         Có gì mà bận? bây giờ mẹ không phải buôn bán nữa, ngày ngày chỉ có việc lo cơm nước cho hai cha con.

-         Nhưng mẹ sẽ đẻ em bé nữa chứ, có em mà không bận à?

-         Con quỉ này! mới tí tuổi đã xen vào chuyện người lớn.

Mẹ đỏ mặt mắng yêu, bà làm mặt nghiêm, nhưng mắt bà sáng lên một niềm vui kỳ dị.  Cứ thế, kẻ thêm người nếm, mẹ phác hoạ, con tô mầu, hai mẹ con tha hồ vẽ mộng, và bây giờ cái mộng ấy sắp tới gần lắm rồi.  Mẹ sốt ruột nhìn đồng hồ, sau cùng cha tôi cũng xuất hiện, trễ hơn ba tiếng.  Từ xa đi tới một người đàn ông tuổi trạc tứ tuần, người cao dong dỏng, mặc bộ đồ vest màu xám, tay cầm chùm chìa khóa.

          -    Cha con đấy!  Mẹ vội vã nói.

Tim tôi đập loạn, còn mẹ đứng bật ngay dậy, run rẩy nghẹn ngào, trông bà lảo đảo như người sắp té.  Tôi tưởng cha tôi sẽ chạy nhanh tới, và mẹ sẽ ngả vào đôi tay dang rộng của ông.  Nhưng tôi lầm, cha tôi không có vẻ gì vội vã cả, ông lừ đừ tiến tới, môi nở một nụ cười bình thản:

-         Hai mẹ con đợi lâu chắc sốt ruột lắm hả?  Ông nhìn mẹ giải thích, anh còn phải giải quyết cho xong vài công việc của sở, trước khi nghỉ phép một tuần để lo cho mẹ con em.

Bây giờ ông mới quay sang tôi ngắm nghía:

-         Nga đây hả?  Trời ơi! con gái tôi xinh quá, lại đây với cha đi con!

Mặc dù giọng cha có vẻ nhiệt tình, nhưng ánh mắt của ông lạ lùng lắm, vừa có vẻ lo lắng băn khoăn, vừa có vẻ xa lạ khiến tôi không dám chạy a lại, nhào vào lòng ông, ôm thật chặt, và ông sẽ nhấc bổng tôi lên hôn hít như tôi vẫn tưởng tượng.  Tự nhiên tôi thấy hụt hẫng chới với, bao nhiêu hy vọng, háo hức lúc ban đầu bỗng dưng xẹp cả xuống, tôi lặng lẽ bước tới, cúi đầu lí nhí nói:

-         Thưa ba…

Và tôi oà khóc.  Bàn tay cha đặt trên vai tôi rơi xuống, ông nhìn tôi ngạc nhiên. 

-         Chắc nó cảm động.  Mẹ nói, mắt bà cũng đỏ hoe.

-         Thôi đi về, đừng khóc ở đây kỳ quá...

Cha nhăn mặt, hình như những giọt nước mắt cuả hai mẹ con tôi làm ông xấu hổ, ông kéo mẹ đi nhanh ra cửa.  Tôi lủi thủi theo sau hai người và mấy cái va li to tướng, đi về vùng đất mới, bắt đầu một cuộc đời mới. 

Mấy ngày đầu, cha tôi thật vất vả, chạy ngược chạy xuôi lo đủ thứ chuyện, Nhưng rồi tuần lễ bận rộn cũng qua nhanh chóng, chiều chủ nhật, ông nói với mẹ:

-         Thứ hai phải đi làm lại rồi, từ nay chỉ có cuối tuần anh mới về nhà.

Mẹ chưng hửng:

-         Sao lại thế? ngày thường mình không về nhà thì về đâu?

Cha đáp trơn chu, không lúng túng, dường như đã sửa soạn từ trước:

          -    Anh ăn ở luôn trong sở.

Mẹ hỏi có vẻ lo lắng:

-         Sở mình làm có xa đây không?

-         Xa lắm, cả mấy trăm cây số lận.

-         Thế sao mình không thuê nhà ở gần để đi làm cho tiện?

-         Ồ không được đâu.  Cha quay mặt đi chỗ khác, tránh không nhìn mẹ, chậm rãi nói tiếp, nơi đó đắt đỏ lắm, lương thơ ký kế toán ba cọc ba đồng của anh không đủ đâu.  Mẹ con em ở tạm đây vậy, mai mốt khá lên sẽ hay.

Cái ngày khá lên đó không bao giờ có, nên mẹ tôi vẫn sống kiếp đợi chờ như một người vợ không chính thức, một người tình lén lút.  Cha tôi lâu lâu mới về nhà một lần, ân sủng ông ban cho không phải là tình yêu thương đậm đà, mà chỉ là những món tiền nho nhỏ, đủ cho hai mẹ con tiêu một cách tiện tặn.

Tôi đi học, lòng không vui vì bây giờ có cha mà cũng chẳng khác xưa là mấy.  Mẹ trồng rau, trồng mướp chỉ mình mẹ ăn nên cũng nản, vườn tược bỏ hoang, xác xơ tiêu điều và mẹ thì ủ rũ như chiếc lá héo.  Những ngày cuối tuần mẹ vui gượng gạo, còn cha cố tình nói cười lớn tiếng, nhưng sao tiếng cười của ông nghe như có vẻ giả tạo.  Tôi xà vào lòng cha, nói huyên thuyên đủ thứ chuyện.  Cha giả bộ lắng nghe mà hồn như để tận đâu, cha có vẻ băn khoăn lo nghĩ, và hình như không được khoẻ.  Tôi thôi không làm phiền ông nữa và lại rúc vào một xó ngồi xem TV.  Không khí gia đình lạnh lẽo buồn tẻ, nếu không muốn nói là ngột ngạt khó thở.  Tôi đâm tiếc những ngày còn ở quê nhà, vất vả khó khăn, nhưng sống với hy vọng thường đẹp đẽ biết bao, bây giờ thực tế khác xa với mộng, bảo sao tôi không chán nản?

Ở đời chẳng có bí mật nào có thể giữ kín được mãi, điều mà mẹ tôi nghi ngờ đã xảy tới.  Vào một ngày thứ bẩy, cha tôi về nhà sớm hơn thường lệ, nhưng với vẻ mặt không vui, ông vào phòng riêng nói chuyện với mẹ.  Một lúc thật lâu, cả hai mới trở ra, mặt mẹ xám ngoét nhưng mắt mẹ ráo hoảnh, cha thì bơ phờ sượng sùng, lẽo đẽo theo sau, vừa đi vừa phân trần:

-         Mọi việc dĩ lỡ cả rồi, tôi đã có ba mặt con với người ta, mong mình thông cảm, chỉ vì hoàn cảnh… Nhưng tôi vẫn sẽ lo cho mẹ con mình.

-         Không cần!  Mẹ lạnh lùng nói, con tôi đẻ ra tôi nuôi, bao nhiêu năm nay có nhờ ông đâu?  Bây giờ cũng vậy thôi, ông cứ yên tâm về với vợ con ông đi, tôi sẽ ra khỏi cuộc đời của ông.  Cả con Nga cũng vậy, số nó không có cha, trước sau cũng không có cha…

Mẹ chỉ thẳng tay ra cửa, quát cha tôi phải cút ngay lập tức.  Cha vừa đi khuất mẹ mới quị xuống, mẹ ốm hơn một tháng mới khỏi.  Cơn ghen của mẹ mới ghê khiếp làm sao, yêu càng đậm thù càng sâu, mẹ hối đã trao duyên lầm cho một kẻ bội bạc, mẹ tiếc tấm lòng chung thủy đã dành cho một người không xứng đáng, mẹ thề sẽ quyết trả thù.  Mẹ dọn nhà khác, chỉ hai tuần sau khi khỏi bệnh, mẹ đã đi làm.  Mẹ làm đủ thứ việc: dọn phòng trong khách sạn, bồi bàn bưng đồ ăn, bán hàng, cắt chỉ trong một tiệm may v..v.. nghĩa là bất cứ một việc gì có thể kiếm ra tiền, mẹ đều không từ nan, vì thế nên cuộc sống của hai mẹ con vẫn đầy đủ.  Vật chất không thiếu thốn, nhưng tình cảm của mẹ dành cho tôi có khác xưa nhiều lắm.  Chắc vì tôi là giọt máu của người chồng bạc tình, nên mẹ thường nhìn tôi với cặp mắt nghiêm khắc, oán hận khiến tối không dám lại gần.  Hình như đã có một hố sâu ngăn cách giữa hai mẹ con.

Vất vả như vậy nhưng mẹ vẫn đẹp, một cái đẹp quyến rũ của một người đàn bà mới ngoài ba mươi tuổi, lại thiếu gì ong bướm dập dìu… Bây giờ mẹ không giữ gìn nữa, gìn vàng giữ ngọc cho ai?  Mẹ chỉ muốn trả thù, cha có đau mẹ mới hả dạ.  Mẹ buông thả, mẹ chỉ sống cho mẹ.  Như một con chim mới xổ lồng tha hồ bay nhảy, mẹ đi chơi với nhiều người đàn ông.  Có một người đi lại với mẹ nhiều nhất, một hôm dọn về ở luôn trong nhà, ăn ở, chung đụng như hai vợ chồng.  Hai người không làm đám cuới, nhưng có ký hôn thú hẳn hòi.

-         Đây là ba ghẻ của con, kêu bằng dượng Huân.  Mẹ giản dị nói, dượng Huân góa vợ còn mẹ cũng chết chồng -mẹ coi cha như đã chết ít ra là trong lòng của mẹ- lấy nhau là hợp lý rồi, con không phản đối chứ?

Có gì mà phản đối? mà phản đối có kết quả không?  Mẹ có hỏi ý kiến của tôi đâu? mẹ chỉ tuyên bố một sự đã rồi, dù muốn hay không muốn tôi cũng phải chấp nhận.  Mới mười một tuổi đầu, tôi đã nếm đủ mùi cay đắng, đã dạn dày với đau khổ, chai đá rồi, nên không cảm thấy đau hơn, tôi thản nhiên đón nhận một cuộc đổi đời lần nữa.

Cha có vợ khác, mẹ đi lấy chồng, tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi.  Trước kia xa cha nhưng còn có mẹ, bây giờ có mẹ mà cũng như không, mẹ nuôi tôi như nuôi một cục nợ.  Còn dượng Huân, thực ra không phải là một người cha ghẻ hà khắc, ác độc nhưng ông đối xử với tôi lạnh nhạt như người dưng nước lã.  Cũng là sự thường thôi, đòi hỏi một người không cùng máu mủ, huyết thống  phải yêu thương mình quả là một điều vô lý.  Tôi sống thui thủi trong một thế giới không có tình thương, nhất là từ khi mẹ sanh em trai, mẹ dồn hết tình thương cho em bé, cho cha của em bé, tôi trở thành một cái bóng mờ, một người dưng sống bên lề cuộc đời của mẹ.

Dượng Huân có một đứa con trai riêng tên Tiến, mười tám tuổi, đã học xong trung học.  Được cha đóng tiền cho học đại học, nhưng Tiến thích ăn chơi hơn là thích học.  Hắn thuê appartment ở riêng để tự do giao du bạn bè khỏi bị kiểm soát, thỉnh thoảng mới về nhà, tiếng là để thăm cha, nhưng thực sự là để xin tiền.  Cho bao nhiêu cũng không đủ, nên mỗi lần gặp mặt, hai cha con thường hay hục hặc.  Một lần Tiến đòi một số tiền lớn, bị cha mắng, hắn lớn tiếng cãi lại.  Hai cha con cãi nhau ầm ầm như nhà có giặc, mẹ chán nản bỏ vào phòng riêng khóa cửa lại.  Một lúc sau, tiếng cãi cọ nhỏ dần rồi im bặt, Tiến trở ra với vẻ mặt hầm hầm, hắn dơ nắm đấm lên de dọa:

-         Rồi sẽ biết tay!

Thấy tôi đứng lơ láo, hắn cau mày hừ một tiếng rồi cười khảy:

-         Đừng nhìn anh bằng cặp mắt đó em gái!  Lớn lên rồi em cũng sẽ bắt chước anh thôi, để coi…

Nói xong,Tiến bỏ ra xe rồ máy thật lớn, phóng vút đi.  Thật tình tôi không ghét hắn, lần nào đến hắn cũng cho tôi quà, khi thì một gói kẹo, khi thì một cuốn sách hình hoặc một con búp bê.  Hắn thường nhìn tôi với cặp mắt êm dịu, và những món quà của hắn cũng thay đổi theo thời gian, mới đầu toàn là đồ chơi, sau đến sách truyện, và mấy lúc gần đây là quần áo, kẹp tóc v..v.. tôi đã mười bốn tuổi, đâu còn con nít nữa.

Sau lần đó, Tiến đi đâu biệt tăm, hai năm sau mới trở về.  Lần này hắn xuất hiện oai phong như một ông hoàng, hắn mặc đồ vest sang trọng, lái chiếc xe Jaguar mới tinh.  Hắn không hỏi tiền cha hắn nữa, trái lại hắn còn tặng cho ông và mẹ tôi một cái TV màu khổ lớn, một cái lap top computer kiểu mới, toàn những đồ đắt tiền, và cho tôi một sợi dây đeo cổ bằng vàng có mặt hình trái tim.  Thoạt nhìn thấy tôi, hắn reo lên thích thú:

-         Trời ơi Nga! em lớn nhanh quá, trên cả sức tuởng tượng của anh.

Thế rồi trong khi tôi đeo thử sợi dây, hắn nghiêng đầu ngắm nghía rồi trầm trồ khen ngợi: 

-         Em đẹp lắm!

Tôi mắc cở cúi mặt nhưng trong lòng cảm thấy hãnh diện, sung sướng.  Mới mười sáu tuổi, tôi đã có những đường nét của một thiếu nữ, thân hình cao dong dỏng giống cha tôi, bộ ngực nẩy nở, mái tóc dài óng ả, khuôn mặt trái soan giống hệt mẹ tôi, với sống mũi dọc dừa và đôi môi mọng xinh đẹp.  Tôi biết tôi đẹp và tôi thường hãnh diện đón nhận những tia nhìn chiêm ngưỡng của bọn con trai trong trường.

Tiến vẫn nhìn tôi đăm đăm, tôi cúi mặt tránh ánh mắt của hắn và rụt dè hỏi:

-         Dạo này anh làm gì mà giầu thế?

-         Làm áp phe, trúng mối nên phát tài... Em cần tiền không?

Tôi lắc đầu:

-         Em có tiêu xài gì đâu?

Tiến nắm lấy tay tôi:

-         Tội nghiệp em quá, sống cứ như một nữ tu, em không mơ ước gì à?

-         Em chỉ muốn học thật giỏi.

-         Học giỏi để làm gì? có phải để khi ra trường đi làm kiếm được nhiều tiền?  Xem anh nè, anh có học đâu mà vẫn thiếu gì tiền…

-         Nhưng nghề áp phe của anh chắc là bấp bênh lắm?

-         Đúng vậy, bấp bênh và nguy hiểm nữa.  Nhưng cần gì, tới đâu hay tới đó, lo xa chi cho mệt.  Hãy sống với hiện tại, hưởng thụ những gì mình đang có, nghĩ đến tương lai làm quái gì.

Tôi ngập ngừng:

-         Em khác, em chỉ muốn có một nghề vững chắc.

Tiến cười xoà:

-         Ừ thôi, mỗi người một quan niệm sống, em cứ sống theo ý em đi.

Ngưng một lúc, hắn lại tiếp tục:

-         Khi nào cần anh giúp đỡ, em cứ tìm đến anh, lúc nào anh cũng sẵn sàng.

Tiến biên cho tôi địa chỉ và số điện thoại của hắn, dặn tôi giữ kỹ, tôi gật đầu và bỏ vào cặp sách.  Tiến nhìn tôi bằng cặp mắt đắm đuối một lúc rồi mới bỏ đi.  Dạo này cha hắn cũng nhìn tôi bằng cặp mắt như thế, thái độ của ông thay đổi khác hẳn, không còn lạnh lùng như trước.  Ông thường chở tôi đi học, và thỉnh thoảng bênh vực tôi mỗi khi tôi bị mẹ la rầy.

Sinh nhật thứ mười sáu của tôi, Tiến tặng tôi một cái áo dạ hội thật đẹp, mua của nhà hàng Nordstroms.  Hai tuần sau, tôi mặc áo đó để đi dự một đám cưới.  Trong lúc đợi mẹ tôi trang điểm, tôi đứng trước gương ngắm nghía áo mới, dượng Huân lại gần vuốt tóc tôi và khen tôi đẹp.  Hôm sinh nhật tôi, dượng cũng cho tôi một chai nước hoa đắt tiền và một bộ đồ trang điểm.

-         Lớn rồi, con cũng cần phải chưng diện một tí để khỏi thua kém các bạn bè.

Ông nói như một người cha quan tâm đến con gái, và tôi ngây thơ đón nhận. Từ đó thỉnh thoảng ông vẫn cho tôi tiền và dặn dừng cho mẹ biết, ông nói:

-         Mẹ con lúc nào cũng hà tiện, bà ấy quên rằng con đã lớn rồi, cần phải làm dáng, ăn diện chải chuốt cho đẹp, để mai mốt còn đi lấy chồng nữa chứ.

Mấy lúc gần đây, ông cứ ngó tôi cười tủm tỉm và liếc mắt đưa tình, đôi khi bị mẹ bắt chợt thì ông lại vội vàng làm mặt nghiêm.  Có lần mẹ đi vắng, tôi đang hút bụi nơi phòng khách, thì ông chạy tới bảo:

-         Để dượng làm dùm cho, con đi học bài đi.

Nói xong ông cầm lấy máy hút bụi, và cầm luôn tay tôi.  Tôi giật ra và bỏ chạy, ông không đuổi theo mà chỉ cười:

-         Cái con nhỏ này lớn xộn rồi mà vẫn nhát như con nít!

Một buổi sáng, tôi sửa soạn đi học, dượng chờ tôi ở cửa, dúi nhanh vào ngực áo tôi tờ giầy một trăm đô:

-         Cho con cầm lấy ăn quà.

Dượng để tay lên ngực tôi hơi lâu, cho tới khi có tiếng chân của mẹ tôi lịch kịch từ trên cầu thang bước xuống, dượng mới buông ra.  Tôi sợ lắm nhưng chưa biết phải nói với mẹ tôi như thế nào thì đã xảy ra một biến cố ghê gớm.  Vào một buổi sáng thứ bảy, như thường lệ, em tôi phải đi tập đá banh với đội học sinh của trường, nơi tập là một sân vận động nhỏ cách nhà chừng vài dặm.  Dượng vẫn thường lái xe cho em đi, ở đó chờ cho tới khi tập xong lại đưa em về, nhưng hôm đó dượng kêu mệt, không đưa em đi được và bảo mẹ tôi đi thế.  Tôi ở nhà học bài, chương trình lớp 10 khá nặng, nhất là phần Toán lý hóa.  Học một lúc thấy nhức đầu nên tôi vào phòng riêng nằm nghỉ.  Đang thiu thiu ngủ, chợt nghe một tiếng cạch nơi cửa, tôi giật mình mở choàng mắt, và thấy cánh cửa đang từ từ mở ra, rồi dượng Huân ló đầu vào ngó dáo dác, mắt dượng đỏ ngầu như người say rượu.  Hoảng sợ, tôi ngồi bật dậy, nhưng chưa kịp la lên, thì nhanh như cắt, dượng đã lao tới, bịt chặt lấy miệng tôi, gằn giọng nói:

-         Nhà đi vắng hết rồi, đừng kêu vô ích!

Tôi ú ớ, lắc qua lắc lại cố gỡ ra nhưng không được, dượng một tay vẫn bịt miệng tôi, tay kia ôm choàng qua ngực tôi xiết chặt, ông vùi đầu vào ngực tôi vừa thở hổn hển vừa thì thào đứt quãng:

-         Cho dượng thương một tí… Đừng sợ, không sao đâu, chóng ngoan!

Hơi thở của ông nóng ran một bên má, vừa sợ hãi lẫn ghê tởm, tôi vùng vẫy thật mạnh, cố xô ông ra.  Ông như một con thú đang hăng máu, tôi chống cự mãnh liệt bằng tất cả sức lực của tuổi trẻ, tôi vừa đấm đá vừa cắn cấu… Sau cùng ông đành phải lơi tay, tôi vừa vật lộn vừa la hét ầm ỹ.  Chợt có tiếng chân chạy rầm rập trên cầu thang, ông hoảng sợ vội buông tôi ra.  Tiến xuất hiện như một hung thần, không nói không rằng, Tiến túm lấy cha đấm một cú như trời giáng vào quai hàm, ông ngã chúi xuống.  Tiến dựng ông dậy rồi cứ thế đấm đá túi bụi, hai cha con quần thảo như hai con gấu. Tôi quơ vội cái gối che vai áo rách toạc, chạy vội vào phòng tắm, khóa chặt cửa lại.  Một lúc sau có tiếng gõ cửa rồi tiếng Tiến gọi gấp rút:

-         Nga, Nga! mở cửa mau, em không sao chứ?

Tôi run lẩy bẩy, ở trong nói vọng ra:

-         Em không sao cả, cám ơn anh đã cứu em kịp lúc... Ổng đâu rồi?

-         Đi rồi, đi nhà thương rồi.

Tôi hốt hoảng mở cửa, ló đầu ra quan sát:

-         Trời ơi! anh đánh ổng tới bị thương? có nặng lắm không?

-         Vài cú đấm ăn thua gì, vẫn còn lái xe được mà. Thứ quân cầm thú đó phải được cho một bài học.

Sau vụ đó, mẹ thu xếp cho tôi về ở với cha. Tiến đưa tôi ra phi trường, hắn đưa cho tôi một mảnh giấy có ghi số phone của hắn, rồi nắm tay tôi dặn dò:

-         Có chuyện gì cứ phone cho anh, anh sẽ giúp em giải quyết.  Hãy tin anh, anh không có ý đồ xấu với em và không bao giờ bỏ mặc em đâu.

Tôi về ở với cha, mẹ kế không hoan nghênh, cũng không phản đối, nuôi thêm một miệng ăn đâu có tốn kém bao nhiêu, hơn nữa tôi đã lớn, có thể giúp được khối việc.  Cha bận rộn nên ít khi ngó ngàng, mẹ kế đương nhiên coi tôi như một đứa ở giúp việc khỏi phải trả lương, sai vặt tối ngày.  Đi học về nhà, chưa kịp thay áo đã nghe tiếng réo:

-         Nga! ủi cho tao cái áo!

-         Nga! trễ rồi sao chưa dọn cơm?

-         Nga! rửa bát xong nhớ lau bếp đi nghe chưa? để đồ ăn rơi vãi, kiến sẽ bu đen ngòm cho coi.

Các em cũng bắt chước mẹ, đua nhau sai bảo:

-         Chị Nga! hút bụi phòng em đi!

              -         Chị Nga! quần áo thay hôm qua đã giặt chưa?

-         Chị Nga! áo em đứt cúc rồi...

-         Chị Nga! nhớ thay khăn trải giường cho em!

Tôi làm luôn tay không dám kêu ca, chỉ những khi họ về phòng rồi, tôi mới được yên thân ngồi học bài, tôi chỉ lấy sách vở làm vui.

Thời gian qua mau, hết hạ tới thu, đông, rồi mùa xuân cũng qua, và mùa hè lại tới.  Cha tôi được nghỉ phép hai tuần, bèn tổ chức cho gia đình đi Hawai nghỉ mát.  Ôi chao! bãi biển Hạ Uy Di, ai nghe mà không mê?  Tôi và các em đều háo hức, nhưng mẹ kế lừ mắt, nói:

-         Mày không được đi, phải ở nhà coi nhà.

Bà đưa các em tôi đi mua sắm những đồ dùng đi biển và quần áo tắm, không đả động gì tới tôi cả.  Lựa lúc bà không có nhà, tôi mới rụt dè hỏi cha:

-         Ba ơi! con cũng muốn đi Hawai, cho con đi nghe ba?

-         Ừ, đi cả gia đình mà.

-         Nhưng mẹ bảo con phải ở lại coi nhà.

-         Để ba sẽ xin với mẹ con.

Chả biết ông nói năng thế nào mà bữa cơm chiều hôm đó mẹ kế không ăn, giận dỗi bỏ vào phòng, cha đi theo năn nỉ.  Bốn dứa chúng tôi ngồi ở bàn ăn, lắng nghe tiếng hai người cãi nhau ở trong phòng, tiếng cha tôi nhỏ nhẹ:

-         Mình làm vậy không công bằng, mấy đứa kia chỉ ở không ăn chơi, còn con Nga suốt ngày đầu tắt mặt tối...

Tức thì nghe bà rít lên:

-         Mấy đứa kia còn nhỏ, còn nó lớn rồi.  Con gái lớn phải học ăn học làm, chia xẻ bớt công việc với cha mẹ chứ, nhong nhỏng ăn chơi hoài đâu có được?

-         Nó ăn chơi hồi nào?  Đi học về, nó phải làm hết việc nhà, tôi muốn mình phân chia công việc cho đồng đều.

-         Đồng đều sao được? mấy đứa kia nhỏ hơn nó mà, còn nó muốn ăn thì lăn vào bếp, nó kiếm đồ nấu nướng cho nó chứ giúp gì tôi?  Xí, đi học từ sáng đến trưa, về còn lo làm bài, thì giờ đâu mà giúp? Ông chỉ giỏi tài bênh!

-         Thôi được rồi, nhưng lần này đi nghỉ mát cả nhà, phải cho nó đi chứ?

-         Nó đi rồi ai ở nhà coi nhà?

-         Cứ khóa cửa lại cũng được.

-         Dạo này trộm cắp như rươi, ông không đọc báo thấy có nhà đi vắng, trộm bẻ khóa vô lấy hết đồ đạc, lúc về chỉ còn căn nhà trống.

-         Mình khéo lo xa, đâu phải nhà nào đi vắng cũng bị trộm hết?

-         Thôi được, ông đã muốn vậy thì để tôi với mấy đứa nhỏ ở nhà, cho cha con ông đi với nhau.

Có tiếng nức nở sụt xịt và tiếng cha tôi thở dài.  Xuân Mai nhìn tôi trách:

-         Khổ quá, mẹ khóc rồi chị thấy chưa?  Tại chị hết đó!

-         Chị có làm gì đâu?

-         Còn không à? chị ỏn thót với cha nên cha mới la mẹ.  Chị chỉ muốn cha ghét hết bọn tôi chị mới hả dạ.

Kim Chi cũng thêm vào:

-         Chị là đầu dây mối nhợ của những bất hòa trong gia đình này, trước kia khi chưa có chị, cha có bao giờ lớn tiếng với mẹ đâu.

Tuấn thì im lặng không nói gì, nhưng nó nhìn tôi bằng cặp mắt oán trách. Tôi ứa nước mắt khóc tủi cho thân phận.

Sáng hôm sau, tôi thoái thác nói với mọi người là tôi không muốn đi nữa vì trong người không được khỏe, hơn nữa tôi còn phải để thì giờ học thêm, sửa soạn cho kỳ thi tốt nghiệp trung học niên khoá tới.  Ai cũng biết đó chỉ là một câu nói giả vờ, mẹ kế bĩu môi, các em lườm nguýt, còn cha tôi thì nhìn tôi bằng cặp mắt ái ngại.

Mùa hè trôi qua nhanh chóng, thấm thoát lại đến ngày khai trường, năm nay tôi học lớp 12, năm chót của ban trung học, bài vở nhiều nên học hành cũng phải tốn nhiều thì giờ.  Một lần tan học, tôi về nhà hơi trễ, vừa bước vào cửa đã nghe tiếng quát:

-         Mày đi đâu giờ này mới về hả?   Thứ đồ con gái hư!

-         Con đến nhà Oanh để học bài. Tôi đáp.

Oanh là bạn cùng lớp với tôi và cũng ở gần nhà, nhưng mẹ kế tôi không ưa mẹ Oanh, bảo rằng bà này hay làm phách, nghe tôi nói đến nhà Oanh bà càng ghét:

-         Học ở nhà không được sao?  Tao cấm mày không được sang nhà hàng xóm ngồi lê đôi mách, lại kể lể chuyện mẹ ghẻ con chồng, nói xấu tao chứ gì?

Cha tôi vừa đi làm về, nghe thấy thế thì buột miệng can thiệp, ông bảo mẹ kế:

-         Nó đến nhà bạn thì đã sao?  Con bé ấy cũng ngoan ngoãn lại học giỏi, chúng nó chỉ bảo bài vở cho nhau.

Thế là châm ngòi cho một cuộc cãi lộn, mẹ kế hét lớn:

-         Tôi biết ông bênh con riêng để nó lên mặt không coi tôi ra gì. Trời ơi! sao số tôi khổ thế này? chỉ tại ngày xưa tôi dại dột nghe lời đường mật của ông, lấy một người đã có vợ có con, bây giờ mới thấy hậu quả. Ông có coi tôi là vợ của ông đâu? ông chỉ thương con riêng của ông. Tôi biết ông vẫn dấm dúi tiền riêng cho nó, bảo sao mấy đứa kia không ganh tị? Ông làm như thể chúng nó không phải là con ông vậy.

Thế rồi bà bù lu bù loa khóc kể, cha tôi bịt tai bỏ vào phòng riêng khóa cửa lại.  Mẹ kế khóc lóc một hồi rồi lái xe đi biệt tích từ trưa tới tối.  Không khí gia đình từ khi có tôi trở nên xào xáo.  Tôi không muốn là nguyên nhân của các cuộc cãi vã, nên cố thu hình nhỏ nhoi lại. 

Cha tôi cũng muốn nhà cửa êm đẹp nên nhắm mắt làm ngơ, để mặc bà muốn làm gì thì làm.  Cha mải lo kiếm tiền, dần dà mọi việc trong nhà đều do mẹ kế quyết định, ông chiều theo ý bà vì không muốn cãi cọ lôi thôi, ông chỉ muốn yên thân.  Cha bận nhiều việc lớn, đâu có thì giờ lo việc nhỏ là lưu tâm đến đứa con xấu số.  Chắc cha cho rằng nuôi tôi cơm ngày ba bữa, quần áo lành lặn là đủ bổn phận, nên lương tâm ông ngủ yên. 

Tôi âm thầm chịu đựng mọi sự ngược đãi, bất công mà không dám hé môi, bởi vì mỗi khi có chuyện chống đối, thì mẹ kế lại làm mình làm mẩy, đập phá đồ đạc, la hét om xòm hoặc bỏ nhà ra đi.  Nhà cửa không khác gì địa ngục, cha bực mình trút hết tức giận lên đầu tôi, coi tôi như một kẻ chuyên gây rối, một đứa con sinh ra chỉ để gây phiền cho cha mẹ, một thứ người thừa, bỏ thì thương vương thì tội.  Các em cũng đối xử lạnh nhạt, thành ra sống giữa những người thân mà tôi cô đơn như người sống trong sa mạc.

Cùng tuổi mười bảy, các bạn tôi sống hồn nhiên vô tư, và thường hay mộng mơ, còn tôi thực tế hơn chúng nó nhiều, tôi đã có những suy nghĩ của một người già trước tuổi, tôi thường băn khoăn tự hỏi tương lai sau này rồi sẽ ra sao và tôi lo sợ.  Tôi biết muốn thoát khỏi cuộc đời đen tối, muốn vươn lên, chỉ có cách là nhờ vào học vấn, vì vậy tôi để hết tâm trí vào việc học và tôi học rất giỏi, tôi đậu thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học năm đó.

Hôm mãn khóa, nhà trường tổ chức một buổi lễ lớn.  Súng sính trong bộ lễ phục tốt nghiệp, tôi được hân hạnh đại diện toàn thể học sinh cuả trường lên đọc diễn văn phát biểu cảm tưởng, giã từ thầy cô, giã từ mái trường thân yêu.  Sân trường im phăng phắc, cả ngàn cặp mắt ngước lên theo dõi, họ lắng nghe và cùng bị lôi cuốn bởi những lời lẽ thiết tha, chân thành và cảm động.  Khi tôi dứt lời, cả hội trường bùng lên những tiếng vỗ tay như pháo nổ, mọi người đứng cả lên, vẫy tay, tung mũ, nón…

Chương trình tiếp diễn với mục phát bằng tốt nghiệp, trước khi trao mề đay thủ khoa và choàng vòng hoa danh dự, ban giám hiệu mời phụ huynh học sinh lên diễn đàn để chụp hình kỷ niệm và cùng chia xẻ niềm hân hoan với con em. Tôi xẻn lẻn nói:

-         Má em ở xa, còn ba em bận...

Và tôi tủi thân ôm mặt khóc, như thế đấy, ngày vui đáng ghi nhớ của tôi, niềm hãnh diện của tôi, mà cả cha mẹ và các em của tôi đều không tới dự.  Có ai thèm quan tâm đến một người thừa, một cái bóng mờ? tệ hơn nữa, một chướng ngại vật trên đường đi của họ.  Chỉ có Tiến xuất hiện vào phút chót, hắn lái xe tới nơi vừa kịp.  Bước lên bục cao diễn đàn, Tiến choàng mề đai và vòng hoa danh dự vào cổ tôi, vừa ghé tai tôi thì thầm dỗ dành:

-         Nín đi, đừng khóc! van em đừng khóc nữa.

Chiều hôm đó, tôi đi chơi với Tiến mãi đến nửa khuya mới về.  Căn nhà lạnh lẽo tối om, vắng vẻ không một tiếng động, mọi người đã đi ngủ cả, cũng tốt thôi vì khỏi phải đương đầu với cơn thịnh nộ của cha và mẹ kế, cơn thịnh nộ chắc chắn sẽ bùng nổ dữ dằn, ghê gớm khó mà tưởng tượng.  Mấy hôm trước, vô tình tôi đã nghe lóm được cuộc đối thoại giữa cha và mẹ kế về số phận của tôi:

-         Bây giờ ông tính sao? học xong rồi phải giao việc làm cho nó chứ? Tôi tính cho nó ra phụ tiệm ăn, mướn người ngoài vừa tốn kém vừa sợ gian lận.  Ông thấy vậy có được không? chẳng lẽ cứ để nó ăn không ngồi rồi suốt ngày.  Hay ông định cho nó học cao lên nữa? học để làm bà vương bà tướng gì?  Tôi nói cho ông biết tôi chịu hết nổi rồi, nuôi con ông cho tới mười tám tuổi là xong bổn phận.  Nó phải tự lập, không có quyền sống bám nữa, đối với pháp luật, chúng ta cũng đã hết trách nhiệm.

Cha tôi xuôi xị:

-         Được rồi tùy ý bà, nó là con, đâu có quyền phản đối.  Bà muốn gì thì cứ bảo nó, tôi bận lắm, đâu có thì giờ lo cái chuyện nhỏ nhặt đó, nội việc điều hành cái tiệm sửa xe hơi cũng đủ làm tôi mệt ứ hơi.  Làm manager trách nhiệm nhiều lắm, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, tôi không muốn phải nhức đầu thêm vì ba cái chuyện lặt vặt ở trong nhà.  Bà làm sao đó thì làm, miễn sao êm đẹp thì thôi.

-         Nếu vậy thì ông đã đồng ý rồi phải không?  Nhưng ông là cha nó, ông nói nó mới nghe, tôi là má ghẻ, nói ra nó trả treo mang tiếng.

-         Làm gì có chuyện đó, nó vẫn yêu mến bà như má ruột của nó vậy.

Mẹ kế bật lên một tràng cười mỉa mai:

-         Chả dám đâu!  Nó mà thương ai? nếu nó thương má ruột nó thì nó đã chẳng về đây.  Má ruột nó còn vậy, huống chi má hờ là tôi, bắt nó nghỉ học để đi phụ bếp, đố khỏi nó oán.  Thiệt tôi dại hết sức mới đi ưng một người đã có vợ con như ông…

-         Nữa, bà cứ lập lại cái câu đó hoài.

-         Chứ không à? lấy một người độc thân, tôi đâu có khổ thế này? đã là vợ thừa lại còn mang tiếng mẹ ghẻ con chồng.  Mà đứa con gái của ông coi bộ không vừa đâu à nghe? mới nứt mắt đã nập nợn. Nghe đâu nó có bồ từ năm mười sáu tuổi, cái thằng bụi đời chết tiệt nào đó.  Ông không dạy dỗ nó, coi chừng có ngày sẽ phải làm ông ngoại của những đứa cháu không cha cho coi!

Ôi! câu nói mới ác độc, mới tàn nhẫn làm sao.  Nhưng có lẽ cũng đúng, bây giờ tôi chưa hư, nhưng mai mốt rồi cũng sẽ hư, hoàn cảnh của tôi trở nên hư hỏng là chuyện dĩ nhiên, không hư mới là chuyện lạ.  Số kiếp đã an bày, mọi cố gắng vươn lên đều vô ích, trông mong gì ở người cha chỉ muốn yên thân, nên trốn trách nhiệm?  Đã đến lúc phải đi thôi, cái nhà này có gì mà lưu luyến?  Đây có phải là gia đình của tôi không? tôi có một chỗ đứng trong gia đình này không? chắc chắn là không rồi, tôi chỉ là một người sống nhờ, chén cơm họ cho sao mà khó nuốt… Nếu chỉ cần chén cơm, tự tôi cũng có thể kiếm được, cần gì phải đợi mẹ kế bố thí, mẹ kế quyết định số phận?

Hỡi người cha nhu nhược, ích kỷ! hỡi người mẹ hờ hững, vô tình! cha mẹ tạo ra con, cha mẹ có nghĩ rằng cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của con, hay cha mẹ chỉ nghĩ đến mình, đến hạnh phúc riêng tư của mình, mà phủi tay với hòn máu vô tội?  Tôi thèm một tình thương, thèm một vòng tay che chở, thèm một không khí gia đình ấm cúng, điều mơ ước đó có gì quá đáng không?  Tình thương chắc là một thứ xa xỉ, nên với mãi không tới, làm tôi lao đao chới với, tôi chán nản rồi.  Hãy thôi đi tìm ảo ảnh, hãy nhìn vào thực tế để mà tỉnh mộng đi cô bé dại khờ!  Hãy chấp nhận số phận, đừng mơ mộng hão nữa, tương lai của cô có gì hứa hẹn?  Cô muốn học giỏi, cô muốn trở thành một người thượng lưu ư? đừng có mà nằm mơ!  Hãy đi đi thôi, sự ra đi của cô là đúng lúc rồi, chần chờ gì nữa? không ai vì cô mà lưu luyến đâu, mẹ kế chắc chắn sẽ vui mừng vì nhổ đi được một cái gai, các em cô có tiếc, là tiếc đã mất một người để sai vặt.  Còn cha, nếu cha có ân hận thì cha cũng sẽ chẳng làm gì để cứu vãn, cha đâu có thể hy sinh hạnh phúc của cha, để cứu vớt cuộc đời của một đứa con riêng?  Cha còn có vợ đẹp, cha còn những đứa con khác...

Tôi lau nước mắt, lẳng lặng về phòng xếp quần áo và vài thứ đồ dùng lặt vặt vào một cái túi sách nhỏ, rồi gọi cho Tiến:

-         Tiến ơi, đến với em đi! đêm nay em sẽ ra đi với anh.

-         Em nghĩ kỹ chưa?  Tiến thở dài, anh yêu Nga, nhưng sống với anh cuộc đời của em sẽ bấp bênh lắm đấy.  Em đã biết hết sự thực về  anh chưa? biết anh làm nghề gì chưa?  Anh là dân bụi đời, anh sống bằng nghề buôn bán ma túy…

-         Em biết, nhưng em không cần.  Anh chả từng nói với em hãy sống cho hiện tại, đừng nghĩ dến tương lai.  Chúng mình không có tương lai, nhưng ít ra cũng có hiện tại, ở đây em không có gì hết, không có tương lai, không có nhân phẩm, không có tình thương, không có cả quyền làm người, không có gì hết… Người ta cũng chỉ coi em như một đứa con hoang thôi.

Giọng tôi nghẹn lại, sũng nước mắt.  Tiến vội vã nói:

-         Anh sẽ tới ngay!

Nói xong hắn cúp máy, tôi cũng đặt điện thoại xuống, thừ người nghĩ ngợi, tôi không yêu Tiến nhưng tôi cần một điểm tựa, và tôi cần phải thoát ra khỏi cái nhà này.  Tôi cần một nơi để mà đi tới, mặc cho số phận đẩy đưa, tôi buông tay rồi, đi bụi đời với Tiến dù có thế nào cũng còn hơn là phải sống dưới cái mái nhà kỳ quái này.

Nước mắt ngập mi chảy loang trên má, tôi vừa thu xếp đồ đạc vừa khóc ròng.  Đêm đã khuya lắm, ánh trăng lạnh lẽo chiếu chênh chếch qua khung cửa sổ, hắt bóng những song cửa lên tường, thành những vệt dài, một con chim vạc bay ngang cất tiếng kêu ảo não, thế giới về đêm sao bí mật và đầy vẻ hãi hùng.  Có tiếng xe ngừng ngay trước cửa nhà, xe của Tiến.  Lặng lẽ, tôi mở cửa bước ra, không ngoái lại, không lưu luyến, không hối tiếc, tôi bước sâu vào bóng đêm, bắt đầu những bước chân đi hoang.


PHƯƠNG LAN