Monday 17 May 2021

NƠI CĂN NHÀ, CỦA MỘT NGƯỜI LẠ…( Nguyễn Tư)

 


NƠI CĂN NHÀ,

CỦA MỘT NGƯỜI LẠ….


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư

        * ChoTh, em vẫn mãi là hạt lệ đau, trong trái tim tôi…

                                                                                       NT


Người bạn nhỏ nói tiếng Bắc vẫn thường dành những ngày cuối tuần rong chơi với Hào, chỉ vì quí anh ta tính nết hiền lành có chút máu văn nghệ, nhưng đúng hơn vì Hào đã có giúp bài vở trong công việc xây đắp cho một tờ báo mới có tên là V.L, mà  người bạn  nhỏ đó có phần hùn. Thuận, người bạn đó, có lẽ cũng thấy được Hào là người  đứng tuổi, dễ tính và đơn-độc như mình, lạc-lõng trên một hòn đảo rất lớn mà chỉ có 18 triệu dân góp từ tứ xứ này, với những thiếu thốn sự chăm sóc cho kẻ độc thân như cơm nước, giặt giũ chợ búa… Nên, Thuận thường vẫn tự làm những bữa ăn gọi là “bổ sung” theo cái kiểu mua vật liệu từ shop về, lật tờ báo ra có mục dạy nấu ăn, coi từng cách chỉ dẫn theo phân định có sẵn, rồi thực hành. Thường món ăn không như ý, nhưng chắc hẳn cũng hơn những bữa ăn toàn đồ hộp và bánh mì… hàng ngày, chỉ cần ợ lên cũng phát ớn, nhất là đối với Hào, một người từng là lính chiến trước 75, thì thực đơn này coi như thường xuyên... Trong những lần như vậy, Thuận thường phône cho Hào hay, rồi đem xe đến rước, vì Hào là thân chủ của các hãng Bus và xe lửa mút mùa nơi đây. Hai anh em ngồi nhâm-nhi thức ăn dã-chiến với những lon bia, gọi là “weekend” với người ta cho khuây-khỏa tháng ngày. Hào thì chẳng biết nấu nướng gì ngoài chuyện bật cái bếp ga lên bắt nồi nước sôi, rồi bỏ vào đó một gói mì hiệu “2 con cua” thêm vào một ít tôm khô, xong đặt vào vài lá xà-lách … gọi giễu là “ Hải-ký mì gia” cho xong bữa…. Thỉnh-thoảng được ăn bữa cơm đúng nghĩa của nó ở nhà một vài người quen trong những khi lễ-lộc, hoặc lâu-lâu cũng có cô bạn ghé qua thăm, mang cho ít thực phẩm đựng trong cái hộp vuông bằng nhựa do chính cô ấy tự nấu đem nhét trong tủ lạnh của chàng, gọi là chút tình “có nhau” trong những ngày ràng buộc… Để rồi cuối cùng, cũng chỉ gửi lại nhau những lời, đôi khi cười buồn mà muốn quên đi như con sò chịu khó mang hạt sạn trong lòng mình để cho quí bà có chút ảo tưởng về niềm vui gọi là “ngọc trai” mà trang sức cuộc đời...


Chiều nay, ngày lễ lớn “Australia day”, Thuận tự dưng nghĩ đến một người ơn trước đây đã giúp mình rất nhiều trong chuyến đi đầy gian khổ nhưng thành công qua cái biển Đông chết người, lúc hắn chỉ là một anh công nhân quèn làm việc ở Cần-thơ dưới quyền của vị thầu-khoán đứng tuổi mà đào hoa này …Nên, Thuận ra phố mua món quà nhỏ gửi lại ân nhân cũ, có Hào đi cùng, sau khi cả hai người đã bù-khú ở một quán Bar thật vui-vẻ …Trời đã sụp tối, xe chạy vun-vút trên những con đường vắng lặng ở một khu gia cư không phố xá, hai bên phủ rậm những hàng cây xanh, Thuận luôn miệng nói về người đàn ông mà hắn cùng Hào sắp đến thăm với gói quà xinh-xắn này. Ông ta vốn là một người đàn ông Bắc, trước 75 khá giàu, có một đời vợ với những đứa con đã trưởng thành. Nhưng khi miền Nam mất, cũng như trăm ngàn người giàu có khác, ông trở nên “thân tàn ma dại”, trong cái chiến dịch “đánh tư sản” của VC đã làm cho Chợ-lớn trở nên một thành phố có nhiều người điên, và nhảy lầu …thì ông bỏ Sài gòn để về Lục tỉnh làm ăn với nghề xây cất.. .Ông trở nên khắm-khá trở lại, nhờ khôn ngoan và biết cách sống với những người cầm quyền mới, luôn trong đầu nhét những lời kinh điển của Mác, nhưng các dây thần kinh của họ lại rất nhạy bén với những khoái cảm trần-gian nhất của con người, mà ông Mác chỉ dùng để khẳng định đó là đặc tính của những tên “Tư-bản lười biếng” chỉ thích “ngồi mát ăn bát vàng” hưởng thụ mọi thứ trong cái phong cách mà Mác muốn phải cần lật đổ, tiêu diệt đi nhằm tạo một xã hội công bằng hơn gọi là “Cộng-sản”. .. người không bóc lột người…???!

   

   Nơi vùng đất trù phú ấy, người đàn ông đứng tuổi, lỡ vận đó khá giả lên trong dịch vụ làm ăn của mình và ông làm lại cuộc đời với một người con gái nhà lành, còn rất trẻ, khá xinh. Rồi họ tổ chức vượt biên thành công, đã sống hạnh phúc bên nhau với mấy mặt con trong một căn nhà yên tĩnh trên đất nước Úc xa lạ này. Hào ngồi bên nghe câu chuyện tình như một cuốn tiểu thuyết lãng-mạn trong thời đại mới, với nụ cười chia xẻ về một sự kiện có thực trong cuộc đời mà lâu nay chàng vốn nghi ngờ, từ cuộc kiểm nghiệm đời sống của mình đã nhiều năm không có gì vui ...Người bạn nhỏ nói thêm về ông ta trong cái dáng điệu bên ngoài không có gì là hấp dẫn đối với một người con gái đẹp vốn con nhà giàu, dù tạm quên đi cái phần “lớn tuổi”‘đã có vợ con” là những điều kiện chỉ kéo điểm thấp xuống trên cái “barème”mà những cô gái có nhiều ưu-thế được quyền tự cho phép mình sử dụng những bài tính trừ không nương tay. Thế mà họ lấy nhau như trăm ngàn cuộc tình trẻ mộng mơ khác tỉnh bơ...Hào gật đầu và búng ngón tay đánh chóc vào khoảng không với tiếng kêu “Good!” như lời chúc phúc cho những kẻ may-mắn trên cuộc đời vốn không bằng phẳng này, ở một thời buổi mà dường như mọi người đã quay lưng với những khuôn phép. Hào dúi điếu thuốc cháy dở vào gạt tàn vuông-vức gắn trước xe, thở mạnh để đem lại cho mình một chút thoải mái trong tâm hồn vốn đã dày đặt những ưu-tư của một người tự thấy mình chẳng có quái gì ở đời này, ngoài những gánh nặng mà chàng tự biết mình không thể nào chu toàn nổi. Xe quẹo qua một khúc quanh, người bạn nhỏ giảm tốc độ dần và từ-từ tấp sát lề vừa nói tới rồi... Hào mở cửa xe bước xuống vươn vai, bẻ người với một vài động tác thể dục cho bớt mỏi vì ngồi bó gối trên một đoạn đường dài, để đến thăm một người đàn ông mà chàng chẳng bao giờ quen, ngoài cái ý tưởng khát-khao muốn gặp một người có cảnh đời như ông bạn trẻ vừa mô tả, thì quả thực chàng rất ước mơ …hưởng ké…

Thuận đóng sầm cửa xe lại, khệ-nệ ôm gói quà bọc giấy hoa cột dây màu xanh nhạt trông rất trịnh trọng đi trước, Hào bước theo sau. Căn nhà nhỏ-nhắn, xinh đẹp theo cái kiểu kiến trúc vật liệu nhẹ đơn giản ở xứ Úc này, với tường gạch không trét hồ, trông không được liền-lạc như bên Việt Nam. Đặc biệt, dù người Úc là dân mắt xanh da trắng, nhưng đầu óc lại thấp lè-tè như cái chiều cao lùn tịt của người Đông phương không bao giờ dám đẩy những ước mơ và dự định mình lên khỏi ngọn cây. Những ngôi Chùa là nơi thờ phượng đấng Chí-tôn của họ, nhưng chỉ ẩn mình dưới những tàn cây âm-u. Những ngôi nhà họ rất kiên cố xinh đẹp, nhưng những mái tranh chỉ nằm ở mức độ người ta cứ phải cúi đầu để bước vô trong. Chưa bao giờ người Đông phương bước vào ngôi nhà của chính mình tạo ra mà được đi thẳng cái lưng, khác với người Tây phương những ngôi nhà Thờ hay những kiến trúc biểu tượng của họ bao giờ cũng xây trên vùng đất cao, hay những ngọn đồi ngay trong thành phố, lúc nào cũng thẳng vút lên trời xanh với ý chí vĩ-đại và  sự chinh-phục luôn dẫn đầu… Những kiến trúc hay sản phẩm người Úc lại lè-tè và thô kệch, nhìn một cái bánh của họ thì thấy rõ, to lớn khác thường như cái Big-Mac nhiều tầng chả hạn, thấy hết muốn ăn! Viên thuốc của họ, người Á châu mới nhìn luôn-luôn có cảm giác là nó không thể lọt qua cổ họng mình được nên thường phải bẻ đôi mới dám nuốt. Chiếc xe Holden Úc bao giờ những nút khiển dụng cũng rất thô-lỗ, tục-tĩu không như các hãng xe Nhật hay Pháp lúc nào cũng thanh cảnh, nhỏ nhắn, nhẹ nhàng. Khắp cả nước Úc chẳng thấy gì gọi là “cao”, ngoài cái “Sydney Tower”

giỏi lắm chỉ hơn 300m là cùng...

 Người bạn nhỏ đứng nơi hiên nhà ân-nhân của mình, ôm gói quà trước ngực, tay kia gõ nhẹ vào cánh cửa trước, đã ngã màu. Người đàn ông chủ nhà bước ra tiếp khách. Hào được mời vào như một người khách lạ mới đến lần đầu. Người chủ nhà có vẻ hiền lành mộc-mạc đưa cả hai người vào phòng khách. Ba người ngồi nơi bộ salon bằng da giữa một căn phòng vuông sạch sẽ, phía trên có chiếc quạt trần chạy chậm-chạp để đẩy dần đi cái nóng bức của mùa Hè xứ này, không thua gì ở nước vùng nhiệt đới như bên quê nhà. Dưới ánh đèn néon màu trong xanh, phả lên tường màu trắng ngà, làm cho căn phòng có vẻ dễ chịu. Thuận đặt gói quà lên tấm kiếng mặt bàn rất thấp có lộng những tấm hình của những người trong gia đình chủ nhà… gồm có ông bà và những đứa trẻ, vừa nói quà cho anh chị và sắp nhỏ đây. Xong, Thuận đưa tay mở cà-vạt nơi cổ áo cho lỏng bớt, rồi vui vẻ giới thiệu Hào với người chủ mà Thuận vừa kính vừa quí trọng, đã là ân-nhân mình từ lâu. Giọng hắn thân mật: 

       -Em xin giới thiệu, đây là anh Hào, người đã từng cộng tác trên tờ VL của em mà anh vẫn nhắc tới khi đọc báo em mỗi tuần….


Người chủ nhà, đứng tuổi, hơi tỏ vẻ ngạc nhiên, vì dường như ông ta đã biết Hào rất nhiều với một chút cảm tình trong những câu chuyện ngắn hay thơ đã đăng trên báo mà ông cho là, đôi khi nhìn thấy trong đó có bóng dáng của mình. Hơn nữa, trong câu chuyện vào những lần đến thăm riêng của người bạn nhỏ là Thuận, ông chủ nhà cũng có biết khá chi tiết về Hào do ông em này tiết lộ, như nghề nghiệp ở quê nhà, nơi làm việc trước 75, hoàn cảnh gia đình cùng tên thực, và cái bút hiệu mà người chủ nhà đã từng quen qua những chuyện ngắn, và Thơ ...Người chủ nhà mừng rỡ bắt tay người “khách-lạ-mà-quen” này với chút mến-mộ như một độc giả riêng tư, lại tình cờ được gặp mặt hôm nay. Nhất là dường như người khách mới này từng có một sự liên-hệ gần-gũi nào đó với gia đình phía vợ ông ta trước đây, mà ông chỉ biết lờ-mờ kể từ khi về làm rể trong một cung cách khá đặc biệt. Ông nhớm người lên chồm về phía người khách mới, đưa tay ra, bắt tay người kia vẻ niềm-nỡ và thân tình, với những ý nghĩ tốt từ trước, ông nói:

      -À, xin chào anh!Hân hạnh được biết anh qua những câu chuyện ngắn và thơ trên báo và qua những lần chuyện trò với chú Thuận. Nay mới được gặp mặt ngoài đời, vui quá không gì bằng …

   Vừa nói, vừa cười rồi ông chủ nhà lại siết chặt tay Hào một lần nữa. Hào cũng lịch sự đón nhận những lời chào nồng hậu của người chủ nhà, cùng gia đình và đời sống tình cảm mà chàng đã được nghe Thuận mô tả trước, không bao lâu trên khoảng đường đến nhà khá xa. Cái cảm giác đầu tiên của Hào, là người chủ nhà không có vẻ gì thích nghi với việc làm giàu trong  nghề Thầu-khoán, bởi người Á châu thường có thành kiến không đẹp với những nghề có chữ “thầu” đằng trước, như “thầu số đề”, “thầu cơm tù” hay “thầu đồ may” … vì họ nghĩ tầng lớp này bóc lột công nhân và lớp tiêu thụ như dân Á-châu trên xứ Úc này. Hào cũng từ-tốn đáp lễ:

       -Vâng, cảm ơn anh. Tôi cũng viết lách cho vui vậy thôi, ở đây buồn quá, tôi vẫn thường tháp tùng theo ông bạn nhỏ này rong chơi. Nay có dịp quen anh, hy vọng là tôi có được ông bạn mới. Dẫu sao tụi mình là những người đứng tuổi, có chút quá-khứ, hơn nữa lại có chút tình với đời sống, chắc sẽ dễ hiểu nhau hơn …

    Người chủ nhà rót nước mời hai người khách với dáng điệu cởi mở và thân tình, rồi ông nâng tách trà lên đưa cho Hào. Thuận thì tự nhiên như người trong nhà, đã đến đây nhiều lần nên hắn ta tự nâng ly trà của mình lên uống với lời khen: “Trà thơm quá. xin mời hai ông anh!” …

    Hào chồm người tới đưa tay đỡ chén trà từ tay người chủ nhà với lời cảm ơn thông lệ. Người chủ nhà cầm cái bình thủy đặt trên bàn chế thêm vào chiếc bình trà đã vơi nước tuy còn bốc hơi. Mùi của hoa cúc ướp trong trà bay lên nghe thơm phức lẫn với vị ngọt-ngọt của mùi mía lau khô gây cảm giác đê-mê của cái thú “Trà đạo”, thường được mô tả trong những cuốn truyện Tàu hay Nhật của xã hội Đông phương ngày xưa mà chắc hẳn lối sống uống trà thô-lỗ kiểu Lipton khuấy sữa như người Tây phương chẳng bao giờ có. Hào hớp một ngụm trà nhỏ, cố hít hết mùi hoa cúc vào tận buồng phổi, lâu nay chắc cũng bị nám đen bởi những màn khói liên-tu bất-tận chui vào những phế-nang ngày càng teo lại, do sự đốt cháy hừng-hực những điếu Dunhill không ngừng-nghỉ với nồng độ “nicotine” rất cao 2.5 để tạo ra cái cảm giác đê-mê hai bên thái-dương mà Hào tự biết nó có thể đem lại cho chàng một ít lãng quên cần thiết, đồng thời với ý thức mơ-hồ rằng đó cũng là cách tự giết đời mình mà chẳng mang tai tiếng gì …

     Qua làn hơi trà vươn lên màu xanh-xanh, cuộn với khói thuốc trắng đục, xuyên qua khung cửa nhỏ ngăn đôi phòng khách có treo bức sáo làm bằng những sợi nylon dẹp đủ màu, Hào thoáng thấy một người đàn bà còn trẻ đang cặm-cụi ngồi may phía trong. Bà trông trẻ hơn ông chủ nhà rất nhiều, dĩ nhiên… Với đôi tay trắng ngà nổi bật lên hai tay áo cụt màu xanh dương, cùng chiếc mũi nhìn nghiêng khá thẳng, Hào cảm thấy những điều ông bạn trẻ nói khi còn trên xe là đúng. Hào liếc nhìn người đàn ông để chiêm nghiệm cái hạnh phúc mà chàng mới nghe, những tưởng là một cuốn truyện trong tiểu thuyết với nỗi khát-khao, sau khi kiểm chứng lại đời mình, chàng tự thấy đôi lúc đó là một buồn tủi… Bởi vì, xét về phương diện con người, thì mọi người đều được hưởng Hạnh phúc như nhau …chắc gì ai đã tài giỏi hơn ai, nhưng Hạnh phúc cho từng người lại khác biệt…đôi khi trái nghịch nhau là khác ???

      Người chủ nhà chồm tới hướng Hào, kéo cái tách để châm thêm nước trà mới, vừa nói trong nụ cười:

            -Trong những câu chuyện anh viết, tôi thích nhất về đề tài Mẹ, về đời dạy học, về đời lính và tù của chính anh …vì tôi biết rằng nó rất thực chả hư cấu gì, vì anh là người khá gian-nan trong cuộc sống từ bé …

     Hào ngừng hút, lấy điếu thuốc cháy dở ra khỏi mồm, mắt hơi nheo lại, nhìn về phía người chủ nhà, rồi ôn-tồn nói:

           -Người cầm bút bao giờ cũng chọn mình làm tâm điểm trước tiên, những tác phẩm bao giờ cũng là những kinh-nghiệm cá nhân trước đã, nhưng thường cái cá-nhan được hình tượng hóa bằng một mẫu người điển hình trong xã-hội, mà khi độc-giả nhìn vào đều có thể nhìn thấy bóng dáng mình một cách gần-gũi, đến độ đôi khi đồng-hóa mình với nhân vật trong truyện là một. Lúc đó, tác giả, nhân vật, và người đọc chồng khít lên nhau, như 3 tấm hình hệt nhau cùng chụp trên một khung ảnh. Trong trường hợp đó, nhân vật là chiếc cầu nối giữa tác giả và người đọc. Cái cầu càng ngắn, sự gần-gũi và chia xẻ giữa tác giả và người đọc càng sâu đậm hơn. Tác giả nào có kinh nghiệm sống càng nhiều, thì ông ta càng tạo ra những chiếc cầu cho nhiều độc giả, và tùy tài-năng diễn-tả riêng của ông về nhân vật ông xây dựng sẽ bảo-đảm khoảng cách ngắn hay dài giữa ông và độc giả. Đó là điều khó vô cùng cho những người làm văn nghệ, bởi vì trong cùng một lúc họ phải có hai điều: một là tài-năng, hai là kinh-nghiệm sống. Có một trong 2 cái, thì què quặt, bởi một là họ sẽ trở thành kẻ nói dối, vì nói những điều mình chưa có kinh-nghiệm sống bao giờ, ví dụ chưa đi lính ngày nào, thì không thể nói về Chiến tranh chính xác,  hai là họ sẽ trở thành kẻ mộng-mơ, bởi vì họ đã làm một công việc quá khả năng của mình, là không đủ tài để xây dựng những nhân vật … Tôi chỉ là một người cầm bút tài tử rong chơi, nên chẳng nên đề cập về vấn đề có hay không có 2 điều kiện đó. Có điều, nếu vì nhờ có những cảnh đời tương-tự nhau mà anh đã kể ra lúc này, thì xin cảm ơn anh như một người chia xẻ. Tôi đã biết tôi mân-mê những ngày đi dạy học vì tôi chẳng có gì để nhìn ngắm riêng cho đời mình cả, ngoài công việc phấn trắng, bảng đen lẫn với những tà áo phất-phơ trong suốt thời kỳ thanh bạch của những ngày còn trẻ, để rồi chỉ tạ từ, lao vào lửa đạn trong cuộc chiến tranh tàn khốc, mà thế hệ thuộc lứa tuổi bọn mình hứng chịu không hề than-van...Tôi viết văn vì thế, và đôi lần bỏ bút cũng chỉ vì thế …

   Người chủ nhà gật đầu và muốn nói  đôi điều về mình để chia xẻ:

       -Tôi là một người làm nghề xây cất, cuộc đời chỉ vây quanh những viên gạch, những bao xi-măng, những tấn sắt thép và cát đá ...nên tôi không hiểu gì nhiều về Văn chương, Triết học mà dường như anh  đã dạy ở các trường trung-học miền Tây, có đi gác và chấm trong những kỳ thi Tú-tài, trong đó chắc hẳn có mấy chị em nhà tôi … Dù vậy, khi đọc văn của anh, tôi vẫn thấp-thóang thấy một điều gì đó ẩn-ức trong lòng những nhân vật, thường có những bối cảnh không được vui, bắt người đọc, đôi khi phải tự nhìn vào đời sống của mình để tìm kiếm một cái gì đó tương-tự, có thực trong xã hội mình đã bước qua... Nhưng, vì một lý do riêng tư nào đó, từ một hoàn cảnh đặc biệt làm mình lãng quên và nhận ra rằng, nhân vật đó chính là mình! Tôi cũng có một người Mẹ mà tôi luôn xa cách như anh, có một khoảng thời gian làm học trò mơ-mộng, và những ngày lêu-bêu khi tôi bỏ gia-đình vào Nam một mình, rồi những ngày lửa đạn. Đất nước mình đâu có ngày nào vui, thì Văn chương làm sao lại cứ nhắc đến những nụ cười trên đống tro than của Tổ-quốc? Nhất là hoàn cảnh bây giờ lại còn thảm-thê hơn gấp bội lần, kể cả người trong nước lẫn tụi mình lúc này. Anh nghĩ coi, thực sự nó là mặt trái của những niềm đau … và, đó chính là điều tôi cảm thấy gần-gũi với anh …

       -Cảm ơn anh, văn tôi viết không phải cho tất cả mọi người đọc được, vì thực ra sự thưởng ngoạn văn-chương nó không phải là món “cơm bình-dân”, ai ăn cũng được, cốt chỉ cần cho no bụng, mà nó là một thứ rượu quí dành cho “tửu lượng” riêng của từng người. Người đã mê nhạc Trịnh rồi, thì khó lòng nghe được nhạc “sến” hay Cải-lương, bởi vì trình độ học vấn và thưởng ngoạn kể cả khẩu-vị họ không giống nhau, y như thú uống rượu vậy. Uống rượu là một trò chơi thưởng ngoạn lịch-lãm cho giới phong lưu ngày xưa cũng như bây giờ, thường được xếp theo thứ tự: “cầm, kỳ, thi, tửu/họa” mà anh, và nó làm người ta mê say chứ không phải là một món giải-khát như nước ngọt cho vui được. Người ta thấy nhiều kẻ nghiện rượu, chứ không thấy ai nghiện nước ngọt cả. ngoại trừ con nít. Bởi vậy tôi không bao giờ viết chiều theo thị hiếu tất cả mọi người được, trong một xã hội người ta yêu phim sex, lười suy tư, mà người ta ưa gọi là “đông não”... hơn những cuốn Thánh-kinh. Người ta thích cười đùa bỡn cợt hơn là suy-tư trong những cái đầu dễ-dãi của mình, mà môn triết Tâm-lý học phân làm 2 loại rõ ràng khi tìm hiểu về con người: “E”(émotif: dễ cảm-xúc) loại này hiếm hoi,  và “NE”(non émotif: vô-cảm” thì vô số, nhất là ở VN ngày nay.anh cứ đọc tin mỗi ngày thì thấy, một xe bia bị tai nn... người ta bao quanh để nhặt bia về uống mà không cần biết tài xế ra sao, và bia này của ai, hay tài xế chỉ chở mướn ? Tôi không đùa giỡn với cuộc đời này được, nếu cần bỡn cợt, tôi nghĩ chỉ nên đến tiệm bỏ ra vài đồng bạc để thuê một cuốn băng hài Tùng-Lâm, hay La-Thoại-Tân gì đó, về coi là đủ, và nên nhớ rằng, đó không phải là Văn chương gì cả mà là một dịch vụ để kiếm tiền, cho người ta giải trí mà thôi ...nên người ta mới nói là “giễu rẻ tiền”  … Tôi nghĩ, nếu chỉ cần đọc sách, để mua nụ cười, rồi thôi, chẳng còn gì lại trong đầu, không học hỏi, không suy tư, thì nên đọc chuyện tiếu-lâm vui hơn, Văn chương, Triết học, chữ nghĩa làm gì cho mệt !?

  Người chủ nhà cười chia xẻ với những câu ví-von đơn giản nhưng thực tế của Hào, rồi ông vui-vẻ nói:

       -Thực sự, anh không biết tôi, nhưng tôi biết anh rất rõ, kể từ ngày tôi đọc trong một truyện ngắn của anh có nói về một ngôi trường mà dường như nó có dính líu nhiều đến một người thân của phía vợ tôi, mặc dù gia đình tôi ở cách nơi anh dạy ngày xưa một cái tỉnh. Nói xin lỗi, chính vì những điều đó, tôi đã tìm hiểu nơi anh qua những người biết anh và cũng muốn gặp anh sớm hơn để nói chuyện chơi … May quá, nay lại được gặp anh bằng xương bằng thịt nơi căn nhà tình-cờ này … 

     Hào có vẻ sửng-sốt về những lời nói đường-đột có vẻ thật tình của người chủ nhà, mà chàng chưa hề gặp cũng như chưa biết tên bao giờ, ngoài câu chuyện về một cuộc tình lãng-mạn như mơ mà Thuận đã kể trên xe. Điều ngạc nhiên nhất là người chủ nhà đã nói đến việc “biết rất rõ về anh” và ”có  liên- quan đến một người thân của phía vợ tôi”…rất kỳ-bí . Biết rõ một người chưa gặp mặt bao giờ cũng là một hiện tượng lạ, và lạ hơn là người đó lại dính líu tới người thân của họ nữa, làm Hào bối rối và ái ngại ra mặt, không biết thế nào, chuyện vui hay buồn, nhưng dù sao ông ta cũng là người có vẻ “mến mộ” mình, có chia xẻ được trong Văn-chương mà lại là người thân tín với Thuận, thì Hào chẳng e ngại gì mà không tra hỏi:

       -Như vậy, chắc hẳn anh đã có một thời làm việc ở nơi đó, hoặc người thân anh ở đó ?

Người chủ nhà có vẻ bí-mật lắc đầu, đắn-đo một lúc rồi nói:

       -Không, tôi chẳng ở đó bao giờ!

       -Lạ nhỉ?

Người chủ nhà suy nghĩ một lát, nhìn thoáng vào nhà trong qua bức sáo che cửa bay phất-phơ, vẫn còn thấy người vợ trẻ mình đang âm-thầm cặm-cụi trên bàn máy may, rồi đột nhiên hỏi:

       -Anh từng có người yêu nào ở Cần-thơ trước đây, hay không?

   Thuận bật tiếng cười lớn, cướp lời:

       -Chết mẹ rồi, bể mánh hết! “Thú tội trước bình minh”đi ông anh!

   Hào mỉm cười, đưa tay sờ những sợi râu ngắn lởm-chởm mọc lưa-thưa, vừa nghĩ đến người bạn gái cùng lớp cách đó mười mấy năm rồi, khi còn là sinh-viên trên trường Đại học ở Sài gòn, nàng vốn người Cần-thơ và khi ra trường cũng về dạy tại  nữ trung học Đoàn-Thị-Điểm lớn nhất ở phủ thủ miền Tây này. Người đó đã lập gia đình rồi và đã trở thành một thứ kỷ niệm rất xa-xăm của thời cắp sách, chỉ được nhớ lại khi có ai nhắc đến mà thôi, nên Hào buột miệng nói:

       -Có chứ anh, nhưng lâu lắm rồi, thời còn SV lận mà, rong-rêu hết rồi. Bây giờ cô ấy đã trở thành bà Giáo-sư dạy tại trường nữ khét tiếng này và sau 75 bà làm Hiệu trưởng nữa, nói ra  có thể anh biết tên …

   Người chủ nhà cười bí hiểm, nói vẻ trách móc:

       -Vậy thì không phải rồi, kể ra anh cũng vô-tình …!

   Hào nhíu mày suy nghĩ một lát để soát lại trí nhớ của mình vốn đã cùn mằn theo thời gian, cố rà lại tất cả những người phụ nữ mình đã có dịp quen ở thành phố gọi là “Tây đô  này mà chàng chỉ lưu lại đó trong những ngày thật ngắn-ngủi cho các kỳ gác  hay chấm thi Tú-tài trước kia mà thôi, là khoảng thời-gian không đủ dài để có những cuộc tình, cho dù có lãng-mạn đến cách nào đi nữa. Nhưng cuối cùng chàng vẫn chưa tìm thấy ai, ngoài cô bạn của những ngày Đại học tên Trâm…Nên trong tiếng cười thân mật và chắc nịch với sự quả-quyết đầy tự tin của mình, Hào nói vui-vẻ:

       -Thôi, vậy là cha lầm ai với tôi rồi cha ơi! Chắc là ông đã “nhìn gà hóa cuốc” vì trong ngôi trường tôi dạy có tới 3 ông Giáo sư Triết lận cha nội. Lầm rồi, không phải tôi đâu!

    Người chủ nhà mỉm cười, chậm-chạp cầm bình thủy châm trà một cách thanh-thản không một phản-ứng. Thuận ngồi bên, giọng đùa cợt xen vào kiểu VC:

      -Thôi đi cha nội! “Có gì thì cứ thành khẩn  khai báo, CM sẽ khoan hồng!”

   Hào lắc đầu, nói:

         -Chắc chắn là ông này lầm rồi, “tin-tức tình-báo” kể như trật-lất hết, không có lý do gì có một người bồ công-khai đến độ người khác biết mà mình lại không nhớ ra? Nhất định là tôi chỉ có mỗi cô bạn thời SV đó thôi, lâu lắm rồi …!Tình yêu mà, đâu phải trộm cắp gì ai mà phải chối?

    Người chủ nhà vẫn trầm-tĩnh, nói:

        -Không, cô này còn học-sinh, nhỏ lắm, chỉ lớp 12!

Hào lại càng quả-quyết hơn nữa, thú-nhận thêm:

       -Nói thực, trong đời dạy học tôi chỉ liên-hệ tình cảm với cô giáo mà thôi, dù chỉ mến-mộ nhau qua thơ phú lãng-mạn chơi thôi, chứ chẳng làm phiền gì đến đời ai cả. Nhất định là tôi chưa bao giờ “đụng” đến mấy cô gái  mình từng dạy....hay đang đi học ở bất cứ nơi đâu, nhất lại là Cần-thơ như anh hỏi...

      -Thực không?

      -Bảo đảm 100%. Jamais!

Người chủ nhà hỏi lại:

     -Lúc anh đi dạy cũng như đi chấm thi có phải tên anh là Hào không?

     -Đúng vậy!

     -Ở trường đó có mấy ông tên Hào dạy Triết ?

     -Một ông thôi, là tôi!  

     -Vậy thì“lầm” thế nào được ông bạn ?Tôi chỉ sợ trùng tên thôi, đằng này ...

   Hào có vẻ bối-rối và nghi-ngờ câu chuyện đến tột đỉnh. Bởi vì chàng không có người yêu nào ở Cần-thơ mà lại còn nhỏ cả ? Chàng có dạy học trên đó bao giờ đâu mà yêu học trò? Hay là có một cô học trò nào của mình ở tỉnh đổi lên đó học rồi bày đặt “phá” mình chơi ? Chuyện gì lại không thể xảy ra dưới bầu trời này được, nhất là một người mang tiếng “tài tử, bất cần đời”như Hào lại phụ trách dạy một môn học dễ gây những đam-mê mới lạ ở giới thanh niên vừa mới lớn lên tiếp xúc với tư tưởng Tây phương sâu xa, rất lạ-lẫm là Triết học mà thời ấy chỉ lớp 12 mới được học. Nhưng dù cố gắng cách gì, Hào cũng chẳng tìm ra “thủ-phạm” ma-quái đó là ai ?Hào lắc đầu khẳng-định lần chót:

     -Thực lòng không có, nếu có thì tôi chẳng sợ gì mà phải chối quanh. Yêu thương đâu có tội lỗi gì mà phải sợ, chỉ có ghét bỏ, thù hận người khác mới là tồi tệ.....Quí vị có công-nhận như thế không nào ?

  Thuận cười chen vào:

     -Nhưng yêu mà không nhớ nổi người mình yêu là có “tội” đấy nhé!

     -Đúng vậy, nhưng không có mà nói có cũng là tội tày trời chứ nhỉ?

 Thuận tiếp:

     -Cái này để cho ông chủ nhà giải-quyết chứ tui vô-can à nha .., khà... khà...!

 Người chủ nhà vẫn nghĩ mình đúng, nên từ-tốn, rút thuốc ra đốt hút, hít một hơi dài, hỏi:

     -Anh có quen một người con gái nào đó khá đẹp vào một mùa Hè ở Cần-thơ tên Uyên không?Người đó, nói thực, không ai xa lạ cả mà là chị ruột của bà xã hiện nay của tôi này…

  Vừa nói người chủ nhà vừa đưa tay chỉ vào chỗ người đàn bà ngồi phía trong nơi bàn máy may có bức sáo treo đong-đưa…Nói xong, người chủ nhà có vẻ nghiêm-trang hơn với nỗi thắc-mắc về một sự-kiện mà ông biết rõ như ban ngày, chỉ vì ông là rể trong gia-đình. Sự thực, đó là niềm đau riêng trong nhà vợ, ít khi được tiết-lộ ra bên ngoài, ngoại trừ ai thân tín. Đúng hơn, người chủ nhà chỉ biết chuyện này, dĩ-nhiên do cô vợ thân yêu nói ra, vì Uyên là một đứa con gái đẹp hơn cô em, rất lãng-mạn và nhút-nhát nhất trong gia-đình, lại chỉ chơi thân với cô em kế mà thôi, nên có gì buồn vui thì hai chị em tâm-sự hú-hí với nhau, kể cả những chuyện thầm kín đau thương nhất trong cuộc đời…Cái tên “Uyên” vừa mới được nói ra, đã làm cho Hào giật mình đánh thót, không phải vì mình tự dối lòng mình như một kẻ muốn chạy trốn quá-khứ, nhưng thực ra, nó có nhắc cho chàng nhớ ra một người, mà trong thâm-tâm chàng nghĩ rằng đó là người yêu nhưng chỉ trải qua một thời kỳ quá ngắn của mình, cũng không hẳn không phải là không có liên hệ tình cảm với mình…!Hào đã mường-tượng ra được người con gái có cái tên rất dễ thương đó vào một mùa Hè năm xưa, một “mùa thi” thì đúng hơn, rất tình-cờ khi chàng là Giám-thị phòng tại đó,  nơi thành phố xinh đẹp bên một dòng sông …


Lúc này, Hào thực sự băn-khoăn, mặt trầm xuống với cơn xúc động,  khi nhớ đến cái tên vừa mới được ông chủ nhà nêu ra đó trong sự ngỡ-ngàng. Cái tên chàng từng yêu, từng gọi rất âu yếm khi đã “có nhau” lúc ở Saìgòn mà chàng đã là một người lính phong sương. Và, Uyên đang học Đại học Văn khoa tình cờ gặp nhau nơi một quán ăn ở phố Bonard để từ đó mối tình lớn dần. Cho đến một ngày Hào biết gia đình nàng từ chối chàng vì quyền lợi của gia đình, họ muốn gả Uyên cho dân “xịn” thời bấy giờ như những SV Du-học về, hay con những ông lớn trên Toà Tỉnh vì gia đình nàng rất giàu có, trong ngành kinh doanh vàng và vải ở phố lớn bến Ninh-kiều nên họ muốn nàng làm dâu người ta để dễ làm ăn …Điều này, làm cho Hào vừa tự-trọng, vừa tự-ái nên tự động thối lui ...cốt chỉ để cho Uyên có nơi xứng đáng hơn. Cái lon Trung-úy quèn của chàng, lại sống chết như chơi mỗi ngày, với số lương chỉ vừa đủ cho mình, và năm 75 mang thêm 6 năm tù khổ sai nữa, là cái may vô cùng cho Uyên của mình khi sau này chàng nghĩ lại. Nên, từ đó Hào cố dằn lòng quên đi vết thương mà chàng tự biết không bao giờ nguôi đựợc. Dù trong thâm tâm chàng vẫn rất muốn quên nó, muốn đẩy nó chìm trong vô thức của chính mình, khi mọi lối mở bị bế-tắc, ngoại trừ con đường lui binh “mở đường máu”thoát thân, mà chàng từng ứng-dụng trên chiến trường gai lửa, khi địch sắp tràn ngập vào đồn với số quân đông gấp bội, bởi vì CS luôn dùng chiến thuật “biển người” thì mình đành thúc-thủ bó tay.... Giờ, Hào đem ứng dụng vào mối tình lỡ, dù rất ngọt-ngào vì sức tấn công vũ bão của gia đình Uyên mà chàng biết không thể đỡ nổi lúc Uyên phải là đồng-minh sát cánh với chàng thì mới mong thế cờ lật ngược ...Thực tình, Hào không hề biết phản ứng của Uyên ra sao, ngoại trừ những giọt nước mắt lặng-lẽ mỗi khi hai đứa gặp nhau, mà lúc này chả ích lợi gì cho cuộc tình đang bị đe dọa, bởi vì nàng không phải là type người có thể phản kháng những rào cản tình cảm mình mà chỉ muốn thuận theo ý gia đình, ngoại trừ một lần nàng dám từ chối chuyến du học Đức theo người anh như gia đình muốn mà chỉ ở lại VN học Văn-khoa môn Triết như Trâm, cô giáo rất thần-tượng của mình ở Trung học...Hào đánh giá thấp lòng dũng cảm của Uyên như vậy, cũng đồng nghĩa rằng tình yêu của nàng đối với chàng không đủ lớn để hành động thì chi bằng mình lặng-lẽ “lui binh” cho xong vậy. Từ đó Hào âm thầm tự rứt mình ra khỏi cái tên mà chàng từng yêu thương là Uyên, cho đến sau 75 đi tù, và rồi lưu-vong nơi đất khách với bao lo toan cho cuộc sống mới cho bản thân lẫn gia đình còn kẹt lại VN …  thì chắc hẳn những đau thương ngày xưa sẽ lùi càng xa vào dĩ vãng khi sự việc đã qua mấy chục năm biển dâu rồi ..,

  

  Người chủ nhà nhìn tâm sắc của Hào lúc này, thì biết là chàng đã có một sự trục-trặc nào đó rất lớn trong mối tình này, mà ông chỉ là vai rể sau này mà thôi, khi mọi hoàn cảnh đã đổi thay hoàn toàn không còn chút gì lưu lại của thời vàng son ấy nữa trước 75, sự giàu có của gia đình vợ đã bị bôi xoá bởi chế độ mới, khi phong trào “đánh tư sản” xảy ra . Tất cả đều tàn mạt, tất cả đều ly tan, và chắc hẳn biến cố cũng đã tham dự vào đời cô vợ trẻ của ông vì sao phải chịu lấy ông, đến nỗi oan-khiên của Uyên.  Phải có mốt điều gì đó trắc-trở đau thương khủng khiếp bên trong mới tạo ra thảm-kịch này, mà với vai vế một người rể ngoài cuộc muộn-màng ông không thể hiểu được nhiều, nên người chủ nhà quay về phía Thuận, nói nhỏ:

   -Xin lỗi Thụận, anh cần ra ngoài nói chuyện với anh Hào một chút nha, em ngồi đây uống thêm trà đi!

   -O.K, hai ông anh cứ tự nhiên đi, em muốn vô thăm mấy đứa nhỏ coi chúng lớn được bao nhiêu rồi?... 

  -Hai anh em mình ra ngoài đi anh Hào !

      -Vâng!

 Người chủ nhà bước ra ngoài cửa, Hào đi theo sau với dáng điệu buồn bã vì biết mình sẽ phải nghe một chuyện không lành. Khi cánh cửa phòng khách đã từ từ khép lại, người chủ nhà xúc-động kê mồm sát tai của Hào, hỏi nhỏ:

 -Hai người, xưa yêu thương nhau làm sao, mà con nhỏ không chịu lấy chồng, đám nào xứng đáng cũng từ-chối hết, trong đó có mấy thằng Du học Mỹ về tòan con mấy ông bự. Dù anh cũng biết gia-đình bà xã tôi mà, trước 75 giàu có buôn vải buôn vàng cỡ đó đôi ba tiệm đồ sộ nơi phố chính... Uyên nó xinh gái nhất nhà, học-hành đàng hoàng vậy mà nó chỉ muốn “ở vậy” suốt đời, ngày hai buổi nó lặng lẽ đi làm nơi “Ngân-hàng nông nghiệp” gần nhà mà thôi, không giao du, họp hành vui chơi gì với ai cả , ngoại trừ lâu-lâu hai chị em dắt nhau đi xem Ciné vậy thôi . Bà xã tôi dĩ-nhiên biết hết tất cả về mối tình đau thương này vì hai chị em kề nhau, tối ngủ chung giuờng như hai tri kỉ, bả được xem những tấm hình anh gửi, và những tờ thư tình anh viết chữ rất bay bướm trên giấy pelure màu xanh nhạt, ướp thơm mùi nước hoa “Chanel Number 5” mà anh ưa tặng Uyên mỗi khi về phép... Tất cả những thứ ấy được đựng theo thứ tự ngày tháng trong một cái hộp bánh bích-qui như một tài sản riêng của Uyên không ai được đụng tới, ngoại trừ bà xã tôi ...Ai thắc mắc về tình cảnh đơn độc của Uyên mà hỏi tới, nó chỉ làm thinh và hai mắt rưng-rưng vậy thôi, không hề hở nửa lời nhưng trong gia đình, dĩ nhiên thì ai cũng rõ vì sao!? Nó buồn, chấp nhận đời sống đơn tủi như vậy, đến 75, nó biết anh đi tù, nhưng nó không biết làm sao thăm nuôi anh, vì anh không hề liên lạc với bất cứ ai, kể cả bố mẹ anh ngoài Trung vì sợ gia đình cực nhọc thăm viếng tốn kém vì anh đi tù quá xa tận mũi Cà-mau... Mấy người bà con ngoài Bắc về đến trại tù thăm, anh cũng không tiếp vì anh không ưa nhờ vả. Sau này, nó biết anh ở Úc  hình như là do bà xã tôi vì đọc anh khá nhiều, và hỏi thăm về tông tích anh rất kỹ... thì Uyên nhất định đi theo người ta vượt biên, rồi bị mất tích  trên biển Thái-Lan luôn! Nhà tôi buồn lắm và gia đình giấu nhẹm tin này không muốn lộ ra ngoài… Tôi chỉ là rể, mến anh, tôi muốn cho anh biết tin này. Tôi nghĩ bên trong còn  có cái gì đó ẩn-ức lắm …


Hào đứng trơ người như tượng đá đầu non, cầm điếu thuốc hút dở trong tay đang cháy xèo-xèo vào da khét-lẹt mà không hay, khiến người chủ nhà giựt điếu  thuốc vứt đi, rồi vỗ nhẹ vào vai người bạn mới mà ông mến-mộ, nói: 

   -Thôi, việc đã lỡ rồi, tôi biết anh rất buồn, mà ai gặp hoàn cảnh oái-oăm như vậy cũng thế thôi, nhưng làm sao hơn khi mình đâu sửa được quá khứ? Tội-nghiệp cô bé, tội nghiệp anh, và cũng tội nghiệp bà xã tôi, mỗi lần nhắc đến chuyện đó bả khóc tỉ-tê vì hai người thân nhau như bạn kể từ khi bà già mất..

Lúc này, tình cảnh hai người bạn mới, cảm thấy không còn gì để nói nữa vì đã nói hết cả rồi, nhất là Hào hai đôi mắt đỏ hoe và giọng nói khàn đục thấp xuống vì quá xúc động về một người yêu cũ mà trong lòng chàng, kể từ khi chia tay, đã luôn nghĩ chắc nàng đang Hạnh phúc với cuộc tình mới do gia đình lựa chọn trong cảnh giàu sang và thuộc giai cấp cao trong xã hội thời bấy giờ vì bản thân nàng là cô gái đẹp, nết na, con nhà giàu, có học thức với nghề nghiêp vững chắc, không bấp-bênh như chàng...Nhưng thực sự, không phải như vậy, mà nó đi ngược lại hoàn toàn với ước mơ của chàng cho Uyên sau khi mối tình dang-dở tức-tưởi chỉ vì áp lực gia đình mà nàng không nỡ cản lại. Nên, phải chọn con đường tự hy-sinh chính cuộc đời của mình, nhưng không đành lòng buông bỏ một người mà nàng vừa yêu thiết tha vừa là ân nhân trong một cuộc gác thi tình cờ, anh ấy đã nhường cho nàng chỉ vỏn-vẹn 5 phút phù-du, nhưng là vàng ngọc để nàng chép cái phần cuối ngắn-ngủi của bài luận Triết mà nàng chưa xong, thì chuông đã reo.. . Nhờ vậy, mà hành trình học vấn của Uyên đã đổi thay theo chiều thuận lợi, vì nếu hỏng kỳ đó gia-đình sẽ bắt nàng phải lấy chồng như nàng từng kể cho Hào nghe... 


.Hai người đàn ông bắt đầu trở lại phòng khách, và họ cố giữ vẻ bình-tĩnh, nhất là Hào. Chàng đưa mắt nhìn vào bên trong nhà, qua bức sáo bằng dây nhựa, thấy người đàn bà không còn ngồi nơi bàn may đó nữa, có lẽ bà đã biết được việc gì xảy đến ngoài phòng khách khi hai người đã kéo riêng ra sân nói chuyện. Lòng Hào ngẩn-ngơ như người mất hồn. Thuận thấy sự việc có vẻ nặng-nề hơn so với mấy giờ trước đấu hót vui tươi, nên hắn xin phép ông chủ nhà đưa Hào về, vì đêm cũng đã bắt đầu khuya... Mọi người chào nhau, ông chủ nhà tiễn  hai người ra đến tận xe, rồi vỗ vai Hào với lời an-ủi thành thực của một người biết được niềm đau của Hào ra sao lúc này. Thuận cũng tiên-liệu được những gì đã xảy ra, ban đầu cũng chỉ ngỡ là một sự ngộ-nhận hay tâm tình nhau về câu chuyện xưa mà đáng lẽ ra hai người phải là anh em “cột chèo” nhau, mới đúng. Nhưng nhìn nét mặt nghiêm trang của cả hai người ở tuổi đàn anh mình, thì Thuận biết kính trọng sự đau đớn riêng đó nên không dám đùa giỡn như trươc nữa mà cúi người mở cửa xe cho Hào bước vào. Thuận mở máy, bật đèn pha, rồi hỏi: “Anh còn muốn đi đâu nữa không, em đưa?”. Hào chậm rãi cài dây an-toàn, vừa nói trong giọng buồn tênh như chực tắt trong cổ họng “Cám ơn em, nhưng thôi, cho anh về nhà đi Thuận”. Tiếng còi xe nghe đơn-độc. Thuận nhấn mạnh ga, chiếc xe lao vút  trong bóng đêm. Con đường như thu hẹp lại dần. Hàng cây hai bên có vẻ thấp hơn vì lọn ánh sáng của chiếc đèn pha chỉ chiếu sáng được ở khoảng ngang tầm nhìn.  Một chiếc tàu lửa chạy qua cạnh đó trông rất ít khách vì khuya, hướng về phía City kéo những hồi còi vang lên trong làn sương trắng đục ở một khu phố ngoại-ô, mà chắc hẳn Hào không muốn đến đó lần nữa bao giờ, bởi vì chàng không muốn quá-khứ buồn tủi mà lâu nay, vì một nghịch cảnh nào đó, chàng ngỡ nó đã không có trong ngăn kéo của nỗi đau riêng mình…


Về đến nơi, Hào vào nhà không bật đèn, để nguyên áo quần, giày vớ... ngã vật trên chiếc giường ẩm mốc, nằm ngửa dang tay chân ra bốn hướng rồi thở dài trong bóng đêm thì-thầm rất khẽ với chính mình: “Uyên à, sao em lại làm thế, em không chịu nắm cầm lấy thứ Hạnh phúc trần-gian mà đời và gia đình đã dành sẵn cho em, xứng đáng hơn anh nhiều... “Ở vậy” khi mình có thừa điều kiện trên mức trung bình là một thái độ phản kháng tiêu cực, đồng nghĩa với con đường chông gai cho chính em, vậy em đâu có chiều Bố em, đâu có quan tâm gì đến anh khi anh đành lui chỉ vì muốn em Hạnh phúc, thì coi như công anh đổ biển, em lại làm khổ thêm môt người em từng yêu thương, đâu ích gì . Sao vậy hả?”

Những câu hỏi bâng quơ như thế cứ tiếp nối nói ra với một người không còn nữa trên trái đất này, khiến cho Hào rất mệt, lả người đi, rồi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng dậy Hào thấy mỏi mệt và chán ngán vô cùng, rồi tự hỏi mình: “Sao cuộc đời này nó không chịu buông tha mình, khi mình đã một lần nhường bước nó, rất lâu, vậy mà, vậy mà...Uyên ơi?”

                                                          

Sau này, vì công việc làm ăn, gia đình ông chủ nhà tên Ngôn đã dời lên Tiểu bang nắng ấm là Queenland, thì mọi thứ dường như đã phai dần đi. Nhưng thời gian sau thì Hào được tin Thuận cho hay rằng anh Ngôn đã mất vì bạo bịnh, khiến cho người vợ trẻ tên Kim trở nên cô độc hơn vì dẫu sao, cô ra đi được qua Úc là nhờ vào công sức của người chồng lớn hơn cô gấp bội đứng ra tổ chức vượt biên và đã thành công. Bởi vì trước 75 gia đình Kim là “Đại tư sản” nên bị đánh tơi-bời, không còn gì nữa cả, rồi Bố cô lại mất...nên anh Ngôn là cái phao cứu-tử, ít ra cho chính cô. Chuyện già/trẻ không còn là lý do để Kim lựa chọn như mọi cô con gái nhà giàu lỡ vận khác, thời bấy giờ ...Hào có phôn thăm Kim coi như một người em, và chia bưồn về cái tang của anh Ngôn mà chàng xem như một ân-nhân, bởi nếu không có anh ta, thì Hào vẫn mù tịt tăm hơi về một người, dù chàng đã cố tìm cách nhét vào vô thức với niềm tin sắt đá rằng người ấy sẽ được Hạnh phúc tột đỉnh như ước mơ của những cô gái thường tình thời bấy giờ. Kim hay kể cho Hào nghe về người chị thương yêu của mình gần-gũi nhau như hai bạn tri kỉ hơn là “chị em”vì chỉ chênh nhau có một tuổi . Kim có kể hồi ấy nàng có yêu một Giáo sư như Uyên trước đó, hai người thường dắt nhau Ciné mỗi tuần vì cùng ở chung con phố, điều này dễ làm cho Uyên mủi lòng khi nàng đã xa Hào vĩnh-viễn nên nàng rất tủi thân.Vì vậy sau đó nàng xin được ở nhà mỗi khi cặp kia rong chơi, mà thực tình họ chỉ muốn đem Uyên theo, để nàng nguôi-ngoai vì thấy Uyên ngày càng sa-sút khi cứ tự co mình lại như con ốc, rồi sẽ tan dần trong chiếc vỏ cứng khi mãi gặm nhấm nỗi đau của  riêng mình. Kim cùng người yêu có dắt vài người bạn khác xứng đáng để giới thiệu cho Uyên nhưng nàng chỉ cảm ơn trong lặng thinh và tỏ ý nói xa-xăm: “chị chỉ muốn đi tu” mà hai người dư hiểu vì sao? Kim có tiết lộ một điều làm Hào xót-xa hơn, không phải Uyên đi vượt biên rồi mất tích như anh Ngôn kể lại, vì gia đình chỉ muốn phịa ra như vậy để bớt tai tiếng hơn mà thôi, mà là Uyên quyên-sinh, khi gia đình tan nát, bố mất, Kim theo chồng vượt biên, nhất là nàng biết Hào sau bao chông gai đã sống sót và hiện ở Úc, đang chờ bảo lãnh gia đình ...Trước mọi bít lối vô-vọng con người phải coi cái sống là thừa, là vô ích, mà chỉ là sự chịu đựng thương đau, thì níu kéo cuộc đời này làm gì nữa? ...Thế là sự thực đã đẩy nỗi đau của Hào lên cao thêm một bậc nữa. Chàng lịm người đi, rồi lại hỏi: Như vậy là em đã bội-ước với anh rồi Uyên, nếu em mất tích là lỗi của cuộc đời này, nhưng em tự bứt đời sống mình ra khỏi trần gian thì là lỗi em ...Em học bài “Đạo đức bản thân” trong môn Triết Đạo-đức học do cô Trâm dạy để làm gì mà không biết yêu cuộc sống của mình?Ngày chúng mình yêu nhau ở Sài gòn, em từng nói với anh: Dù sau này tình mình ra sao đi nữa, em chỉ muốn xin anh một điều duy nhất và một lần mà thôi, anh hãy ghi trong hồ-sơ quân-bạ của anh rằng “thân nhân cấp báo” của anh, chình là Uyên cùng địa-chỉ nhà trọ của em khi đang đi học ở đó, thay vì anh đã ghi “không có ai” và anh chỉ mang một tấm thẻ bài duy nhất trên cổ với dụng ý khi chết anh chỉ được chôn ở Nghĩa trang Quân đội mà thôi, nơi dành cho những ai không thân nhân nhận lãnh, thay vì hai tấm thẻ như người ta bình thường ...Vậy là, em đã từ bỏ vai trò tự nguyện làm “thân nhân” của anh rồi, dù tình cảnh đôi ta bây giờ có đổi thay thực, nhưng không phải vì anh hay vì em mà vì cuộc đời này khắc nghiệt quá, mà anh từng nói với em rằng: Loài người có hai tội ác tày trời, một là tìm mọi cách cản ngăn, chia ly khi người ta đang yêu nhau, hai là người ta không yêu nhau mà cũng tìm mọi cách bắt người ta phải sống bên nhau đến hết cuộc đời, em và anh đã rơi vào trường hợp một...Anh chả muốn trách bất cứ ai, mà chỉ tự trách tại mình không được may-mắn cho nó nhẹ lòng. Nhưng có nhẹ được đâu, mà chỉ nặng thêm, sau khi đã cứ ngỡ rằng em tiếp tục Hạnh phúc vì em vốn đầy ắp những điều kiện hơn anh nhiều. Giá mà anh không đến Úc, giá mà anh không đến căn nhà của một người lạ mà anh chưa hề gặp mặt, và chưa biết tên thì cuộc đời anh sẽ nhẹ-nhàng hơn, hay oan hồn em xui khiến như thế để anh rõ được lòng em chăng? Mình chỉ nên làm con đà-điểu ngu dại trên đời này lúc lâm nguy nó chỉ cứ lủi đầu vào cát để không thấy gì hết , thế là xong, chuyện gì xảy ra, tính sau ...Có một điều, em chẳng bao giờ biết dù xa em, muốn em Hạnh phúc theo ý muốn gia đình nên anh cố quên em, nhưng không hề được toại nguyện theo cái kiểu “Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về”(TCS)mới khổ. Nên, có lần đi làm hãng ủi khi đến Úc ở Surry Hill, anh ngồi trên tàu lửa buổi sáng trời mưa như trút, hốt nhiên anh nhớ tới em dạt-dào, với những lần hành-quân xong anh về Hậu-cứ đóng ở Gò Dầu hạ, thì anh liền xin phép ông Tá Tiểu-đoàn trưởng, vốn rất thương anh, mượn ông cái xe Jeep cà-tàng móp-méo tùm-lum vì từng bị mìn rồi sửa lại, xe mui trần chỉ có cần antène phất-phơ...để anh “”về Sàigòn thăm em. Anh không kịp thay đồ trận đầy bụi đỏ vì sợ mất thì giờ của nhau. Anh chỉ cần chụp vội khẩu Colt 12 rồi nhét vô sau lưng để tự vệ khi cần, xong vội phóng lên xe, mở máy, nhấn ga chạy tuốt, bụi bay mịt mù vì anh cố gắng làm sao nuốt hết đoạn đường 40 km càng sớm càng tốt cho kịp giờ em tan học .... Vậy mà, lần nào anh cũng phải đậu xe trước Văn khoa, dưới những hàng me cao ở đường Nguyễn-Trung Trực mà ngày xưa anh hay lui tới để học hành như em bây giờ. Anh đứng tựa ngoài xe, đội cái nón bord lụp-xụp, phả từng ngụm khói tròn bay cao lộng vào nhau như ngày xưa gác thi với vẻ khoan-khoái vô cùng ...Đúng như lời nhạc của Vũ-Thành An thời còn SV học trên anh một lớp, chưa nổi tiếng lắm, có in bản nhạc lính bìa sau của“Đặc-san Xuân Văn-khoa” với những câu mà anh tiên tri  còn nhớ tới giờ:“Đời lính chiến xa nhà . Dăm ba giờ phép là quí lắm rồi . Trên đường nắng đổ nghiêng-nghiêng...” Sao mà nó như anh lúc này, chỉ khác anh đã là một người lính từ chiến trường, áo quần còn đầy bụi đỏ Tây-ninh... lén zọt về đây chờ em qua những cái nhìn tò-mò và những nụ cười chia xẻ của mấy anh chị em đồng môn của em, vì  biết anh chàng “tiền tuyến” này đang nóng lòng chờ đợi một em “SV hậu phương” nào đó, nơi đây? Bởi vì họ thấy cả xe lẫn người đều đầy bụi đỏ, lon đen, khác với lính thành phố, chỉ mặc đồ ủi hồ và đeo lon vàng khé...đi đón các em của họ mà thôi...Có bữa trời mưa anh ướt nhẹp như chuột, vì xe không mui, em ra, ngồi bên ...vội cầm cái dù bật bung ra, che luôn cho cả tài xề . Anh mỉm cười nói: “Che cho em đi, anh lính trận ngày nào cũng ướt mưa và gội sình suốt, nhằm-nhò gì...” ...Em liếc mắt nhìn anh với cái nguýt dài như dỗi, nói: “Đây là Văn-khoa, không phải mặt trận đâu ông tướng, và  em thương anh là vậy, biết không ?” Vậy mà, sáng nay ở cuối vùng Nam bán cầu rét mướt này, anh thân cu-li xa em vặn dặm, nhìn mưa qua khung cửa kính buồn đến chạnh lòng, nên rút cây bút ra, rồi làm Thơ ngay trên mặt trong của bao thuốc lá, có tên “Lại nhớ mưa xưa”:

 

Mưa buổi sáng,

mà lòng tôi chiều ...?

Ở xa,

nên nhớ thương nhiều đến em ..!.


Trời nào,

gọi là trời quên?

Nhớ nào,

là nhớ thương,

đền cho nhau ?


Một sợi mưa mau,

hai sợi mưa mau,

Sợi nào,

là sợi mưa đau,

 trong lòng? 


Mưa bay,

ướt sợi tơ hồng, 

 Có người,

vẫn mãi nặng lòng,

 thương em ...!    


“Sợi tơ hồng” đã ướt, thì làm sao mình đến được với nhau, hả Uyên? Dù vậy, anh biết mình vẫn còn “nặng lòng” với em là đủ, như Nguyên-Sa từng viết “Chúng ta yêu nhau đâu cần sêu cưới” thì dẫu có chia tay vẫn còn lại tấm lòng...mà em lẫn anh sẽ mang theo đến cuối trời u tối ... 

Dù tự biết bài Thơ này không bao giờ được đến tay em, bởi vì anh chỉ muốn em luôn Hạnh phúc vậy thôi ...Và, anh biết anh chả bao giờ quên được em, thế là toại lòng... Nhờ những cơn mưa ngày xưa mà anh với em bên nhau rong chơi có nhiều kỷ niệm ướt át, nhuốm màu bụi đỏ hành quân anh đã mang về thanh phố khi anh chỉ là người lính biên-thùy nghèo xác-xơ, mà vẫn giữ được tình mình trọn vẹn...Giờ, lưu xứ, nhưng anh vẫn còn nuôi được những cơn mưa đó, thấp thóang với chiếc dù màu xanh dương của em khi tan học có anh bên đời ...dù ngày mai có thể anh sẽ không còn nữa, lính mà, nhưng không bao giờ anh nghĩ tới điều đó, bởi vì anh đang yêu em, thế thôi . Tình yêu làm người ta vượt được mọi khó khăn, rào cản , kể cả cái chết, như thời chinh chiến của anh, nhưng anh đã thua một lần và vĩnh-viễn mất em một lần, mới là điều kỳ lạ... Vừa lúc, đó Hào mơ hồ nghe tiếng hát từ chiếc máy thu thanh của hàng xóm phát ra bài hát nghe buồn thê thảm, như những mũi dao nhọn, đang cắm sâu vào quá-khứ của trái tim mình: “Dẫu bên đời mảnh tình xót-xa ... Phút giây này xao động trong ta ... Bây giờ chỉ còn lại đôi dòng lệ úa ...Còn lại đây trong tiếng thở dài ... Còn lại đây với những đọa-đày ... Khi em về đường tình rẽ đôi ... Hai phưong trời xa biệt mù khơi …”.... Hào úp mặt xuống gối thực lâu, vừa suy tư: hóa ra cuộc đời này được đan kết bằng những dòng nước mắt thầm kín không được ai ngắm nhìn, và cuộc tình nào cũng bắt đầu bằng những nụ cười, để rồi cũng chỉ kết thúc bằng những dòng lệ uá, hay sao, hả Uyên ?!!

 Nguyễn-Tư