Sunday 27 May 2018

NÊN CẨN THẬN KHI XỬ DỤNG MỸ PHẨM




 NÊN CẨN THẬN KHI XỬ DỤNG MỸ PHẨM


Hiện nay, tại các chợ, siêu thị, cửa hàng... mỹ phẩm được bày bán với rất nhiều loại và nhãn hiệu mà theo như quảng cáo thì loại nào cũng làm “da trở nên đẹp mịn màng”, “da trắng sáng, tẩy tế bào chết”... Người tiêu dùng, nhất là nữ giới thường không biết da mình hợp với loại mỹ phẩm nào nên cứ nghe người bán quảng cáo, bạn bè giới thiệu là mua về xài thử. Hậu quả là có

người bị dị ứng do mỹ phẩm: ngứa, phát ban mụn trứng cá, chàm, tăng sắc tố da, rối loạn về tóc, móng hay phản ứng toàn thân.

Có rất nhiều dạng mỹ phẩm săn sóc da: sản phẩm chống lão hóa, rửa, giữ ẩm, chống nắng, làm sáng da, bong sừng, làm ngăm da, cạo râu, tẩy lông, trang điểm, chăm sóc tóc, móng. Mỗi dạng gồm nhiều chủng loại, nhãn hiệu. Do đó, khi quyết định sử dụng mỹ phẩm, bản phải được khám, tư vấn để xác định da mình thuộc loại da nhờn, khô hay nhạy cảm và thích hợp với loại mỹ phẩm nào nhằm tránh bị dị ứng.

Những dấu hiệu khiến da bị lão hóa: nếp nhăn, đốm nâu, tàn nhang, sần nhám, mất sự hồng hào. Nguyên nhân là do thay đổi nội tiết, gien di truyền, gió, bụi, hóa chất, tia cực tím, phơi nắng... Vì thế, khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào để cải thiện làn da bạn cần hỏi bác sĩ, chuyên viên tư vấn về một số tác dụng phụ của chúng.

Nổi bật trong việc tạo thêm dinh dưỡng vào mỹ phẩm là các vitamin thoa nhưng giá trị thực tế còn nhiều bàn cãi. Vitamin A và C nhạy cảm với ánh sáng và không ổn định trên da. Vitamin E tan trong dầu không dễ thấm qua da. Do vậy, tốt nhất là nên dự trữ, bổ sung nguồn vitamin trong cơ thể nhằm tạo sức sống cho làn da thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Vitamin E có trong: rau, đậu, bắp, bột mì, thịt. Vitamin C trong rau, trái cây chín có chứa chất chua.

Dị ứng với mỹ phẩm
Thông thường, phản ứng dị ứng do mỹ phẩm là ngứa. Người sử dụng cần lưu ý những nguy cơ, tác dụng phụ có thể xảy ra sau đây khi sử dụng mỹ phẩm:
     + Sản phẩm chống lão hóa gây khô da, nóng rát, đỏ da...
     + Sản phẩm rửa gây ngứa, viêm da tiếp xúc, da khô, sần sùi; nguyên nhân do chất sát trùng, chất bảo quản.
     + Sản phẩm cạo râu: cream hoặc gel cạo râu dùng làm mềm, ướt râu để giảm cọ xát do lưỡi lam cạo gây ra. Mùi thơm còn lại sau khi cạo trên da làm tăng khả năng nhạy cảm ánh sáng.
     + Sản phẩm tẩy lông không nên dùng khi da bị bong tróc hay có vết thương.
     + Mỹ phẩm trang điểm: màu sắc dùng trong trang điểm đôi khi gây phản ứng phụ, nhất là màu sậm. Son môi, phấn nền có thể gây ngứa. Mascara có thể gây viêm mí mắt. Tuy nhiên, viêm da tiếp xúc dị ứng do mỹ phẩm trang điểm chiếm tỷ lệ nhỏ.
     + Sản phẩm chăm sóc tóc: dầu gội và dầu xả chỉ tiếp xúc với da thời gian ngắn nên thường không gây phản ứng viêm da tiếp xúc nhưng thành phần của chất bảo quản gây viêm da tiếp xúc dị ứng đối với người sử dụng và gây phản ứng dị ứng ở bàn tay người thợ làm tóc. Thuốc uốn tóc dùng không thích hợp gây tổn thương tóc và viêm da kích thích cấp tính.
     + Sản phẩm săn sóc móng: thuốc sơn móng tay gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Vị trí bị dị ứng thường gặp ở mặt, mí mắt, hai bên cổ, miệng mà không thấy ở tay và ngón tay.

Bên cạnh những lợi ích mỹ phẩm mang lại thì phản ứng dị ứng do mỹ phẩm cũng khá nhiều. Vì vậy, khi sử dụng mỹ phẩm cần thận trọng để đảm bảo sự an toàn cho da và đạt hiệu quả mong muốn.