Thursday 31 December 2020

NHỮNG MÙA SINH CỦA CHÚA…. Nguyễn-Tư

 


NHỮNG MÙA SINH CỦA CHÚA….

           *tùy-bút Nguyễn-Tư

Gia đình tôi không theo bất cứ Đạo nào, chỉ thờ cúng Ông Bà trong những dịp lễ Tết …nhưng đến khi tình hình chiến sự ở miền Nam ngày càng khốc-liệt, khoảng thập niên 60, lúc ba anh em nhà tôi đều ở lính, thì Bố Mẹ tôi bắt đầu thấy quớ ngay, không biết dựa vào đâu để cầu-an cho bọn tôi, ông bà mới rước hình bà Quan Âm về thờ, chịu khó đi Chùa nhiều hơn và ăn chay trường …nhất là Mẹ tôi, không đêm nào mà bà ông mặc áo dài cầm nắm nhang nghi-ngút khói, ra giữa sân đứng trước bàn thờ “Ông Thiên” miệng lâm-râm khấn nguyện gì đó rồi chắp tay lạy bốn phương trời, mười phương Phật để cầu xin ơn trên phù hộ cho ba anh em tôi bình yên …đặc biệt những khi bà nghe tiếng súng từ dãy Trường-sơn dội về dồn-dập, vì bà biết có mấy đứa con bà đang chiến đấu ở đó …Bà ưa lên Chùa cầu xin, niệm Phật và thưa với ông Sư cho tụi tôi mỗi đứa một cái bùa hộ mạng, hình thù như cái gối bé tí-teo bằng ngón tay cái, bên ngoài vẽ đường ngòng-ngoèo bằng kim tuyến như dời bò, có sợi dây đỏ để tròng vào cổ thì ra trận sẽ bình yên. Nhưng tôi chỉ cầm cái bùa bóp-bóp thấy họ độn cái gì trong nớ mềm-mềm như tóc, mà Mẹ tôi nói ông Sư đã “yếm” bùa để chống lại rủi-ro, tai nạn…Tôi chỉ ậm-ừ cho Mẹ tôi vui thôi chứ thực lòng tôi không tin …nên khi Mẹ tôi về thì tôi cởi nó ra bỏ trong ba-lô để kỷ niệm quà của Mẹ vậy thôi …trong khi tụi lính, tôi thấy chúng đeo nanh heo rừng. hay móng cọp… để hộ mệnh, ai lại mang cái bùa ni giống như con nít “cầu tự” dị-kỳ quá, khi  mình đã đeo cái thẻ bài trên cổ kêu leng-keng suốt ngày y như mấy con chó đeo lục-lạc đã thấy bực …Như vậy Đạo Phật nhà tôi chỉ là do ứng biến theo thời thế do Mẹ tôi quá thương con chứ chả phải Đạo nòi gì…

Nhưng  khi chừng năm tuổi, tôi nhìn thấy chị Hai Mến con gái đầu lòng của Bác tôi ở đâu xa về thăm nhà với bộ đồ nhà Dòng áo chùng đen, mang kiếng trắng, khăn đội đầu màu trắng người mập-mạp …thì tôi mới biết chị ấy đi tu Đạo Chúa  đâu từ thời con gái mới lớn mà Mẹ tôi kể lại do bà mẹ kế  của chị độc ác quá chịu không nổi nên đành trốn nhà để nương nhà Chúa, thì cũng chỉ là thứ ứng biến gia đình khác mà thôi ….

Bố tôi, thời Pháp thuộc làm quan Đốc-học  triều Nguyễn, nhưng nhờ ông là lớp trí thức VN đầu tiên do Pháp đào tạo, nên dĩ nhiên tiếng Pháp rất nhuần, do vậy ông ưa chơi “Tennis” với ông  Sứ Tây(xếp một tỉnh) hay Tây đồn điền, kể cả với mấy ông Cha …mà khi gặp gỡ nhau họ đấu hót tiếng Pháp như bắp rang …người dân Địa phương chả hiểu mô tê gì cả ngoài sự nể phục, dù Bố tôi không phải là con chiên …

Trong làng tôi, có một cái xóm Đạo nhỏ, oái-oăm thay lại cạnh ngôi Chùa lớn nhất trong làng …Những tín hữu chừng hơn trăm người, họ ở quấn-quít bên nhau, quanh cái nhà thờ lợp bằng tranh, nền rất cao nơi khỏanh đất xinh-xắn có con đường hai bên trồng toàn cây Thiên tuế… nhìn ra quốc lộ 1 . Trên đỉnh nhà Thờ có gắn cái Thánh giá gỗ thực to sơn màu trắng tươi mà tôi nghe người ta nói để cho máy bay Pháp thấy mà tránh oanh tạc …khi ngôi làng tôi trở thành vùng đất thuộc “Liên khu 5” do Việt minh thời ấy chiếm đóng …Lâu-lâu, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, nhà thờ kết đèn hoa rực-rỡ từ sân nhà thờ ra tới cổng chính luôn… tôi có thấy một ông Cha Đạo, mặc áo dòng đen đội nón cối trắng…cỡi chiếc xe đạp cà-tàng từ thời xưa còn sót lại mà không biết ông từ đâu tới chứ trong làng không hề có ông Cha nào cả . Dĩ nhiên là họ Đạo rất mừng khi Cha đến thăm và giảng lễ. Tôi thấy ông ngồi trên cái ghế đẩu và có hai thằng con trai đứng quạt hai bên, như chừng người ông Cha đang rất nóng vì mặc áo quần Dòng trùm kín khắp thân, mà lại gồng mình đạp xe từ xa đến trên những đoạn đường làng đất đá gồ-ghề dù hình ảnh này phải nói trong thời kháng chiến trông hơi kỳ vì Việt minh họ đang phát động phong trào chống Phong-kiến “cường hào ác bá” triệt để…nên họ rất ghét kiểu phục vụ quan cách này như mấy ông Quan Huyện ngày xưa thường bắt lính hầu phục vụ như vậy, nhưng tôi nghĩ mấy con chiên này họ rất hãnh diện làm như vậy cho người chủ chiên của họ, thay mặt Chúa chăm sóc phần linh hồn cho họ  …Nhưng có điều làm tôi rất cảm động khi ông Cha này (gọi là Cha Ngọc) lại hay ghé nhà tôi chỉ để thăm Bố tôi thôi vì là bạn chơi quần vợt ngày xưa lúc hai người còn trẻ làm việc ở Bồng-sơn trong thời Pháp thuộc… Bây chừ Bố tôi bị cho về vườn lại thuộc thành phần “Địa-chủ, trí thức tiểu tư-sản” (mà lão Mao ví như “cục phân”) do Việt minh gán cho,  thêm tội từng làm việc cho Tây trước kia, nên phải khó-khăn trăm bề …Nhà  tôi sa sút thấy rõ, đói quanh năm, chỉ ăn rau muống và khoai sắn cầm hơi vì lúa làm ra phải đóng thuế hết cho nhà nước vì cái tội “bóc lột” ngày xưa, nên nhà tôi chỉ sống bằng nghề nông và trồng rau quanh vườn, bởi vậy ngày nào Bố tôi cũng ở trần trùng-trục chỉ mặc cái quần đùi vải ta, da nám đen, cái lưng đôi khi phồng lên như cái bánh tráng nướng do nắng …còng thân gánh đôi thùng nước tưới cây …nhưng  Bố tôi luôn dặn hễ khi thấy ông khách Cha Cố nào đến thăm thì báo động ngay cho Bố biết bằng ba tiếng ho liên tiếp nhau … thì Bố tôi sẽ bỏ gánh nước tức thì để vội chui xuống hầm bí mật cạnh đó mà trốn nhanh dù Bố tôi nói rất thương người khách này, vì ngặt thay “Thiên Chúa” và “Địa Chủ” là hai kẻ thù mà Việt minh chiếu-cố rất kỹ, họ luôn cho mật thám trong làng theo dõi thấy động tĩnh thì báo cho họ hay ngay . Có lần bất ngờ quá không chạy trốn kịp bố tôi đành ở lại khu vườn bắt tay ông Cha, và rồi theo thói quen tiếng Pháp như bắp rang dù chỉ nhỏ vừa đủ nghe thôi ….Có lần mụ mật-thám tên Bốn Điền cạnh nhà tôi thấy được thế là Bố tôi bị kiểm điểm, hăm-he …nên mỗi lần có trống dưới  Xóm biển giục báo động, và chiếc bồ màu đen được kéo lên trên đỉnh đồi  - y chang như hai câu thơ trong Chinh phụ ngâm ngày xưa: “Trống tràng thành lung-lay bóng nguyệt / Khói cam-tuyền mờ mịt thức mây”…trong cảnh chiến tranh thời Mạc …giờ là cảnh chiến tranh Đông dương lần nhất, cách báo động có khác gì nhau…đó là những chỉ dấu tàu Pháp đậu ngoài khơi muốn đổ bộ… thì mấy người Dân quân mang gươm  mác tới nhà tôi đưa bố tôi lên núi ngay trước cả thường dân chỉ vì họ sợ Bố tôi  thuộc thành phần “phản-động”, giỏi tiếng Pháp sẽ làm Việt gian cho Tây chỉ điểm này nọ thì chúng sẽ bị lộ hết …Điều này thấy rõ từ những khẩu hiệu chúng kẽ khắp nơi trên tường nhà dân chúng “Ở đây không nói chuyện quân sự, cơ quan, công tác” bên những câu bằng tiếng Pháp kêu gọi lính Lê-dương hãy hồi hương kẻo chết oan mạng, cũng có những câu cho lính QG như “Hỡi anh em ngụy-binh, hãy trở về với Dân tộc đừng tàn sát dân lành sẽ bị trừng trị.” …Khi trống báo động ngưng, chiếc bồ màu đen hạ xuống và bồ màu trắng được kéo lên thì họ mới cho Bố tôi về nhà ….Về ông Cha, lúc đó tôi rất thương cảm ông ấy, khi tôi báo động đúng lúc, Bố tôi đã chạy trốn kịp thời, chỉ còn tôi ở lại tiếp ông, nói “Thưa Cha, Bố con đi vắng!” thì nét mặt ông buồn thấy rõ, ông đưa tay kéo cái nón cối trắng xuống một chút nói nghẹn-ngào “Bố về nói tôi có ghé thăm” rồi ông dắt chiếc xe đạp già như ông xuống ngõ một cách buồn phiền, lòng tôi rộn lên nỗi đau dù lúc đó tôi còn rất bé và đã hiểu vì sao …nên tôi rất thương cả hai ông bạn già này trong một hoàn cảnh Lịch sử rất đáng chê bai, hai người bạn xưa rất thương nhau nhưng lại không được phép thăm viếng nhau công khai trong những buổi gặp gỡ hiếm-hoi lúc đang mùa sinh của Chúa…Tôi cũng đã xấu hổ khi đồng lõa với Bố tôi trong việc này dù cũng biết nếu không làm vậy thì cả Bố tôi lẫn ông Cha sẽ gặp những khó khăn và đi tù như chơi …

Dù tôi là người ngoại Đạo (nghĩa là theo lối suy nghĩ của người Thiên-chúa giáo thì tôi là “kẻ lạc đường,” bởi vì khi có một người nào đó được rửa tội để vào Đạo thì họ bảo người đó “trở về Đạo”) nhưng tôi vẫn tin ở Trời, Phật mà không tin ở “Thầy” và “Cha” , bởi vì họ cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, mang theo những hỉ-nộ ái-ố của cuộc đời như trăm ngàn người bình thường khác, mà đôi khi có kẻ còn “tệ” hơn người thường nữa, mà người ời ưa gọi là “Sư hay Cha hổ mang”. Họ cũng chịu những giới-hạn, của hoàn-cảnh cuộc đời mà triết Tây gọi là “Situations limites”. Có điều, những người này đều là những người có ý-nguyện từ bỏ những phù vân của cuộc đời ngay từ lúc còn rất trẻ, được huấn luyện bài bản về Đạo,  mà xả thân phụng sự cho Chúa, Phật do họ đã lựa chọn như một lý tưởng , nhưng không ai cản họ trở lại “Đời” bằng một cách nào đó còn nhanh hơn cả những người thường nữa, mà người ta ưa gọi là “tu xuất”(Chúa) hay “hoàn tục” (Phật). Điều đó thấy nhiều trong lịch sử Tôn giáo Đông Tây cũng như trong kinh nghiệm cá nhân của mọi người. Dĩ nhiên, không phải Cha Thầy nào cũng thế, nhưng sỏi đá bao giờ cũng nhiều hơn kim cương….Ở trong vùng VM, những người Thiên Chúa giáo bị đối xử rất tồi tệ, và họ muốn kéo theo người dân để làm việc đó, y như sau 75 họ bày trò cho dân Bắc ném đá những người VNCH ra đó cải tạo, vì họ cho các Đế quốc phương Tây đi xâm lược các nước nhược tiểu như VN chả hạn, thì trước tiên họ gửi những vị Thừa-sai đi giảng Đạo, đặt nền móng căn bản…rồi từ đó mới đưa quân đội đến chiếm đóng từ từ với chiêu bài bảo vệ các vị truyền Đạo của họ, cuối cùng họ đặt nền đô hộ vững chắc luôn …Hồi đó, dân làng hay gọi cái Thánh giá là  cái “thập ác”(mười điều ác), đôi guốc là “đôi Nguyễn-Thân”(tên ông Quan theo Pháp)…. Nhất định đây là những từ ngữ chẳng tốt đẹp gì, mà tôi nghĩ do chính quyền hồi đó bày ra, cùng lúc với những câu ca dao bôi-bác đạo Chúa rất đắng cay như: “Đức Chúa Cha ăn ba xơ mít/Đức Chúa Mẹ chê ít không ăn/Đức Chúa Con lăng-xăng ăn hết…” Tôi nghĩ không phải tự dưng mà có những câu hát này, nó là một chính sách toàn quốc. Và những câu dành cho bọn tôi rằng “Lấy chồng bần cố là tiên/ Vớ phải Địa chủ là duyên con bò” nhưng trong thực tế tôi thấy mấy cô gái trong làng chỉ ưa làm bạn với các anh tôi vì dù sao họ cũng con nhà nòi, mặt mày sáng sủa, học giỏi và được giáo dục tử tế hơn bọn “bần cố nông”  mặt đục như nước cơm  -  mà lão Lénine gọi là “khối ngu” (masse ignorante) dốt nát, ăn nói cộc-cằn, hỗn xược ai cũng gọi bằng “thằng” nhờ dựa hơi “đoàn” hay “đảng” …Những câu hát trên làm cho đám Giáo dân ngày càng thu nhỏ lại bên căn nhà thờ rách nát. Tôi mủi lòng theo những xốn-xang, nên tôi chẳng bao giờ đùa nghịch nghêu ngao mất dạy như rứa… Mùa Giáng sinh đã qua đi một cách thầm lặng ở ngôi nhà thờ mái tranh này với những chiếc lồng đèn bánh ú, đèn ông sao cũ rích được cất kỹ trong kho đợi lấy ra dùng mỗi năm trong mùa lễ lớn, chỉ khác ngày thường là Giáo dân tề tựu đông hơn, với những chiếc áo dài đen nhàu nát quay-quần bên nhau cùng đọc kinh. Nhưng khi Hiệp định  Genève chia hai đất nước, VM ra Bắc, những người lính QG vào tiếp thu xứ này thì họ chỉ đóng quân trong nhà Địa chủ như nhà tôi chả hạn và nhà các Giáo dân mà thôi và chính đám Giáo dân nhỏ bé và đầy chịu đựng này, dưới thời ông Diệm lại được nắm những chức vụ cốt cán nơi chính quyền xã ấp, trong “phong trào Cách mạng Quốc gia” và dĩ nhiên họ phản kháng lại bọn địa phương cũ bằng những hành động không đẹp mắt gì để bù vào những thua lỗ mà lâu nay họ gánh chịu, hóa ra, trong một ngôi làng nhỏ bé như thế này mà cũng đã có nhiều thù hận…Tệ hơn những năm sau, khi VC ngoài Bắc phát động cuộc chiến tranh đánh chiếm miền Nam thì đám địa phương cũ này xuất hiện ra mặt, phần lớn “nhảy núi” để lâu-lâu tràn xuống làng bắt bớ giết người xã ấp và thu thuế nuôi quân đem lên núi…Thế là cuộc tương tàn ngày càng khốc liệt hơn khi dân làng bỏ quê lên Tỉnh lánh nạn hầu hết  …trong đó có gia đình tôi dù không hề dính gì tới chánh quyền QG sở tại….

Rồi những ngày lớn khôn, tôi lên tỉnh học, Bố tôi cũng bỏ làng lên đó đi dạy lại, thì tôi mới biết cái “thập ác” ngày xưa có tên thực là cái “Thánh giá”. Tôi lại được trọ học tại căn nhà nhỏ cạnh cái nhà thờ bằng ngói đỏ thực to, được xây từ thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là của những ông Tây, nên bề thế hơn nhiều so với ngôi nhà thờ làng tôi. Nó nằm trên một khu đất rộng đẹp nhất vùng này. Mái ngói rêu phong với những tháp chuông cao ngất và những khung cửa hình “gothic” màu xanh rất đẹp… Những buổi sáng  trời lạnh như cắt tôi vẫn thường nghe tiếng chuông nhà thờ ngân-nga và những tiếng hục-hặc ho của những người Giáo dân già đi lễ sớm ngoài đường. Mùa Giáng sinh bây giờ đối với tôi có vẻ khác xa những mùa Giáng sinh ở quê nhà mộc-mạc và dửng-dưng, được thu gọn trong mái tranh của ngôi nhà thờ chỉ có cái Thánh giá là lớn… Trong Tiểu khu Quân đội tổ chức hội chợ với những gian hàng, những trò chơi, những máng cỏ, đèn hoa giăng mắc khắp nơi. Nhạc Thánh ca trổi dậy tưng bừng đón mừng khách thập phương với áo quần sặc sỡ…nhất là mấy cô gái Huế, Bắc và Đà nẵng… trú ngụ nơi đây vì họ đến từ những thành phố Văn minh do Pháp chiếm đóng thời chiến tranh giờ họ theo gia đình đến đây hay những người mở tiệm kinh doanh như tiệm sách, tiệm uốn tóc, tiệm bán tạp hóa…, một sinh hoạt mà trước đây không hề có …. Bởi vì tỉnh tôi thuộc vùng VC cũ nên dĩ nhiên rất điêu linh, thành phố đập nát trong kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến” y như Liên xô thời Thế chiến, nhưng tôi không hiểu sao ngôi nhà thờ này vẫn còn nguyên, khi ngôi biệt thự rất đẹp gần bến xe ngựa, nơi Bố tôi từng làm Trưởng nha Học-chánh thời Trần-Trọng Kim đã bình địa tan hoang …Quanh ngôi nhà thờ này phần lớn là các con Chiên làm Công-chức từ Bắc vào nên con cái họ ở đây rất đông khá xinh xắn và ăn nói rất ngọt ngào lễ phép, lúc nào họ cũng ăn mặc áo dài chỉnh tề khi ra đường, đi xem lễ, hay đi học…Tóc họ để dài sau lưng có kẹp to bản buộc ngang, đi lễ thì mang theo cuốn kinh Thánh trên tay, đi học thì luôn ôm cặp da …khác với người địa phương bọn tôi rất nhiều, quen với lối sống ruộng vườn  đơn giản, không có cặp da gì,  ra khỏi lớp là bỏ áo ra ngoài quần ngay …Tôi có dọ hỏi mấy cô bạn cùng lớp người Bắc này về sự khác biệt đó, nhất là phần lớn họ đều lịch sự, và xinh gái …Họ chỉ cười nói rằng họ được dậy dỗ rất kỹ từ Bố Mẹ lẫn nhà thờ,  và “xinh xắn” là chắc do khi Mẹ hoài thai mấy bà hay ngồi cầu nguyện  trước hình bà Maria này nọ nên hình ảnh Đức Mẹ tác tạo nên khuôn mặt đứa bé chăng ? Sau này lớn lên học Triết môn Tâm-lý tôi cảm thấy đúng ….khi biết rằng trong chiến tranh những bà Mẹ thường sinh ra những đứa bé dị dạng  tật nguyền vì họ từng chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi, hay hãm hiếp… hoặc họ chính là nạn nhân bị những ám ảnh khủng khiếp này nhiều năm…đôi khi sốc nặng bị sẩy thai hay đẻ non luôn ….Tôi nói với mấy bạn dù không phải con chiên nhưng tôi rất yêu Đức Mẹ, hơn là Chúa, nên trong bóp tôi lúc nào cũng có hình Bà nhỏ xíu, không hiểu  tại vì cái xinh-xắn hiền thục của mấy “o” thừa hưởng từ Bà, hay vì tôi có mặc cảm rằng tôi “không có Mẹ” ngay từ tấm bé, bởi lúc sinh tôi Mẹ bịnh nặng nên người ở phải bồng tôi đi “bú mày” khắp xóm làng, và tuổi thơ tôi không có may mắn cạnh Mẹ nhiều hơn mà tôi chỉ là con số dư của một bài tính chia không trọn, trong một gia đình quá đông con tới hơn một tá…! Dù vậy, với nếp sống mới, tươi đẹp này, tôi vẫn không thể nào quên được mái tranh  của ngôi nhà thờ nhỏ bé xa xưa mà tôi thường hay đi ngang qua vào những buổi mai đầy sương mù, hay những buổi chiều tà tắt nắng với đàn bò của tôi  chen-chúc nhau trong làn bụi đỏ. Tôi vẫn nhớ những chiếc lồng đèn bánh ú, đèn ông sao cũ kỹ, có cái đã rách một bên gió thổi chập chờn giăng ngang trước sân nhà thờ với màu tím đỏ…và nhớ ông Cha Ngọc già nua thương yêu đến thăm Bố tôi vạm dặm nhưng ít khi được toại lòng ….

Rồi những mùa Giáng sinh ở Nha Trang, xứ của miền thùy dương cát trắng, tôi lại cũng trọ trong khu Phước-hải, cạnh nhà thờ, sát bên đường rây xe lửa, nên đêm hôm tôi trằn trọc không ngủ được bởi tiếng xe lửa chạy rì-rầm suốt đêm… Đặc biệt lúc này người ta không xài xe lửa chạy than nữa mà bằng đầu máy thực to chạy bằng dầu “diesel” nên nó có những hồi còi khi rời Ga ra Trung sao mà nghe buồn não-nuột, chỉ hai tiếng “te-tò…” thực dài và trầm khàn rất đục khác với còi tàu chạy than tiếng còi huýt lanh-lảnh từng hồi nghe rất vui tai …Tiếng còi trầm khi tàu vừa chuyển bánh từ từ ra Trung, làm nhớ quê hương của tôi xa lắc mà đã lâu tôi đã không trở về lần nào …Ngày Giáng sinh nơi ngôi nhà Thờ mà người ta gọi là “nhà Thờ đá” này, tôi hay ngồi một mình trên bờ thành nơi con đường quanh co dẫn lên ngọn đỉnh đồi vu-vơ nhìn người qua lại. Giáng sinh ở đây có vẻ tươi mát hơn nhiều so với những Giáng sinh mà tôi đã trải qua trước đó, vì nơi đây là thành phố du lịch được người Pháp chiếm giữ trong cả trăm năm , dấu tích còn để lại trên những bảng hiệu, khu Du lịch, khách sạn, nhà hàng, kể cả những bảng cấm nơi nhà hơi máy đèn đều ghi bằng tiếng Pháp “Défense d’entrer/ cấm vào”….như “Hôtel Beau Rivage”, “Grand Hotel”, “hay “Cité Pasteur” khu dành cho những gia đình nhân viên làm vệc trong viện bào chế . Dọc theo bờ biển là những biệt thự được thiết kế và sơn màu nâu đỏ y như bên Tây, có cả ngôi trường Pháp ở đây mà ngày xưa cô Tuyết-Mai xinh đẹp (sau này là bà Kỳ) từng theo học di chuyển bằng Cyclo hay chạy ngang qua ngôi trường Võ Tánh của tôi, thì chúng tôi trêu bằng những tràng vỗ tay không ngớt ,,, Ngôi nhà thờ ở đây đẹp nhất mà tôi từng thấy. Nó nằm trên một ngọn đồi nhỏ vừa đủ để xây cho một ngôi giáo đường, lại lọt ngay giữa lòng thành phố lớn. Bên dưới là một con đường nhựa rộng phẳng lì, rợp bóng me xanh, chạy dài từ nhà Ga xuống tận bãi biển… Nhưng tôi chẳng có kỷ niệm gì với mùa Giáng sinh trong thành phố biển đẹp đẽ này ngoài những chiều buồn tôi thường đạp  xe ra Hòn chồng ngồi bơ-vơ nơi trường Bết-lê-hem của khu Tin-lành, nhìn biển mênh-mông, thấy nhấp-nhô bên kia đồi là những dãy nhà ngói đỏ chập-chùng của tu-viện Lasan……xa-xa, là bãi sông xóm Cồn ăn lan ra biển, với những túp lều xiêu-vẹo, bên căn lầu cổ-kính chơ-vơ của ông Năm ( vì ông mang cấp bực Trung-tá Hải quân Pháp, người Y-sĩ đã chọn Việt-nam mà Tổ-quốc ông đã dày xéo, để nghiên cứu về bịnh yết-hầu, bịnh than…và khám phá ra Đalat - quê hương thứ hai tôi yêu thương nhất trong đời …để rồi ông chết tại Nhatrang với phần mộ  an-táng trên một ngọn đồi ở Suối dầu cách Nhatrang vài chục cây số có cắm tấm biển hình mũi tên đề “Tombeau du Dr Yersin” một  vĩ nhân mà tôi rất ngưỡng mộ vì tài năng lẫn đức hy-sinh vô bờ bến của một ông Quan 5 vốn trong đoàn quân Thực dân  viễn chinh Pháp…

Khu nhà tôi trọ cũng có nhiều gia đình Công giáo Bắc Di cư, con cái họ đều học trường tư, mà tôi chỉ học trường công nên không có cơ hội đấu hót như khi ở quê nhà, nhưng tôi lại hay rong chơi với cô bé hàng xóm con bác Hai Xích-lô, bác dù nghèo nhưng rất vui tính, bác gái hơi khó tính và ưa chì-chiết-ỳêu con gái mnh kiểu nhà quê trên Diên Khánh, nên mỗi lần tôi sà chiếc xe đạp cà-tàng trước nhà để rủ Loan đi tăm biển bằng vài câu huýt sáo báo hiệu, thì nhỏ chạy ra đứng trên gác vẫy tay bảo chờ chút nha, thì bà bác ở nhà dưới mắng lên “ngựa đi, ngựa đi nha mậy!” nghe tức cười, dù bà chả cản vì biết tôi hàng xóm vốn dân Trung kỳ chắc cũng khá giả mới đi học xa được, lại hiền lành lễ phép gặp hai bác đều chắp tay chào tử tê, và đang học Võ-Tánh là ngôi trường lớn miền Trung thi vào rất khó, không thua gì Quốc học Huế, nên bà cũng hỉ xả cho cô gái rượu của mình …Loan chỉ trang điểm sơ-sơ, mặc cái áo pull trắng, tròng  cái quần Jeans sọt xanh, ôm cái ruột bánh xe hơi bơm thực to rồi phóng xuống gác vội, thót ngay lên ba-ga sau xe tôi, ôm chặt rồi cùng chạy về hướng biển…đến chiều thì tôi mang Loan về  trả lại không mất ký-lô nào hết, tình anh / em sáng như gương nên hai bác cũng an tâm …

Gíáng sinh, phải nói là Đàlạt, xứ của nhà thờ, của ngàn thông vi-vút bốn mùa được điểm tô bằng những mùa “mưa diêm-sinh”, từ những chùm hoa thông rộ chín mà một nhà thơ nổi tiếng miền Trung trước 45  tên Xuân Diệu đã viết trong tập văn xuôi của ông: “Phấn thông vàng” cho đến nay tôi vẫn còn mê-mẩn, từng mô-tả  về loài phấn hoa kì bí này có sinh hoạt tình cảm như loài người tìm nhau rằng: “ Có phải là tình yêu đó chăng? Sự phung-phí đã thành mỹ-thuật, phấn thông vàng không hề uổng công…” Tôi yêu văn xuôi của XD hơn là Thơ của ông, cho đến nay tôi vẫn còn giữ tập “Phấn thông vàng” của ông …trên kệ sách

Giáng-sinh ở vùng sương mù này thật rộn rã, là nơi của các khách quí từ các nơi đổ về,nhất là Sài-gòn hoa lệ, nơi của những hẹn-hò, của bậc giàu sang. Hội chợ mở ra liên-miên khắp nơi mà người dân vẫn thường gọi là “Kermesse”. Cả, mấy tuần lễ trước ngày Chúa ra đời. Và nơi đây, tôi đã có những ngày Gíáng-sinh cuối cùng với người bạn nhỏ trong khu Hội chợ, tổ chức mãi bên đồi “Domaine de Marie”, nơi tôi đã  tham dự trò chơi “thảy vòng vịt” rất vui khi chân tôi dài nên cố nhoài người vào một vòng dây chắn ngang bụng để thảy cho được một chiếc vòng vào cổ con vịt, tôi thắng trong tiếng cười lớn của mọi người cùng Trâm với món quà bất ngờ này, chúng tôi lang-thang trong phố khuya đầy hơi sương trên những con dốc nhỏ xách theo con vịt dẫy-dụa về tặng cho Mẹ Trâm như món quà may mắn Giáng sinh đầu tiên cho bà và cũng là lần cuối cùng tôi xa thành phố của biệt-ly riêng tôi  này vì tôi tự biết sẽ chả còn có cơ-hội nào để trở lại đó bao giờ, đồng nghĩa với sự mất-mát dồn lên trong những ngày lính tráng vào tuổi thanh xuân, mà đáng lẽ ra tôi phải được la-cà ở các sân trường Đại-học như những người trai trẻ khác có chút chữ nghĩa trong đầu…

Rồi những ngày của Chúa ở Sài gòn, đồ-sộ thực, nhưng chẳng có mùi vị gì của Giáng-sinh, ngoài chuyện kẹt đường với những áo quần thời-trang nhất từng bước chen nhau trên những Đại-lộ đầy ắp hơi-người dẫn về ngôi nhà thờ Đức Bà quá nhỏ bé, so với số dân khoảng 10 triệu của một Kinh-đô. Tôi đứng lơ-ngơ một mình trên vỉa hè nhà sách Khai-Trí ở đường Lê-lợi tình cờ gặp lại người Giáo hữu Tin-lành ngày xưa mà tôi đã có lần đi lễ nhà thờ với nàng ở đường Trần-Hưng-Đạo, cách đó mấy năm. Người con gái lom-khom chọn những cành hoa vàng như chiếc áo màu hoàng-yến của nàng hôm đó. Người con gái ngỡ-ngàng sau tiếng gọi của tôi, một nụ cười buồn đồng lúc với những ngón tay mân-mê chuỗi ngọc trai buông thỏng trước ngực nàng, và một chút dỗi hờn nói “Em lên Đàlạt đã lâu làm công quả cho nhà Thờ!”. Sau khi nghe tôi hỏi “Bây giờ em ra sao?”…  Tôi nhìn người con gái từ trên xuống dưới làm nàng e ngại, rồi nàng chợt hỏi: “Sao anh lại nhìn em như rứa?” Tôi mỉm cười trong câu nói ba-hoa “Vẫn đẹp như thủa nào,  nhìn cho bù những lúc xa-xăm được không?” Người con gái bẽn-lẽn nói nhỏ vẻ so bì : “Vậy thì ai bù cho em đây? Trước khi đi  Đalat em có vào Đại-học xá Minh-Mạng tìm anh 2 lần , nhưng chẳng gặp, như vậy mình đã nợ-nần gì nhau không…?”Tôi buồn-buồn nói : “Tạ ơn em, nhưng lúc đó tôi đã là lính, Chúa sẽ bù cho em thay anh vậy thôi, và đừng trách những người đem thân giúp nước khi thân họ chả có gì, ngoài những chịu đựng thương đau” …

Rồi những ngày trong tù, tôi chỉ nhìn thấy Giáng-sinh nơi một người bạn nằm kế cạnh, hành lễ nửa đêm bằng những lời kinh rì-rầm trong bóng tối. . Hắn ngồi tựa lưng vào tường, 2 tay ôm vòng trước ngực, miệng thì-thầm qua những làn hơi đứt quãng giữa những tiếng ngáy đều của hàng trăm nạn-nhân  chứa đầy trong một căn phòng chật-hẹp, trên nền đất ruộng lạnh gồ-ghề, chỉ được lót bằng những tấm nhựa mỏng vừa đủ bờ lưng để làm nơi nghỉ-ngơi. Lời kinh của một người tù, buồn chưa từng thấy! Chúa và kẻ thù, ai quyền lực hơn ai? Người tù ngẩng nhìn vào khoảng không đầy bóng tối để nghĩ đến Chúa bên những sợi xích oan- khiên tròng vào cổ bởi những người học trong cuốn kinh-điển máu có câu: “Con người đã tạo ra Chúa, chứ không phải Chúa tạo ra con người” Hay độc địa hơn: “Tôn giáo là thuốc phiện của loài người”(Marx)…

Rồi những ngày hoang đảo Galang, tôi đón mừng ngày Chúa ra đời với người đạo hữu nhỏ trong ca-đoàn có tên một loài hoa chỉ nở về đêm: Quỳnh. Cô bé xinh-xắn và gầy nhom đó có một người tình chết  trong một trại tù ngoài Bắc xa-xăm với bài hát buồn trên ngọn đồi sau nhà thờ vào một chiều lộng gió. Lời nhạc chùng xuống như lòng người nghe giữa ngày vui của Chúa ra đời. Chủ-nhật nào là “ Chủ nhật buồn không nguôi-ngoai…” hở Quỳnh? Trái hẳn với những lời ca của những Thiên-thần báo tin mừng cho nhân loại. Tôi nhớ dáng Quỳnh bẹp xuống dưới những lời ca tội-nghiệp… và rồi cũng chỉ để chia tay. Quỳnh về phương Bắc, tôi giạt phương Nam. Mỗi người mang trong lòng những vết thương tưởng như không bao giờ lành được. Nhưng rồi mọi chuyện đã qua đi, qua mau như tháng ngày của Chúa…

Và 82, Gíáng-sinh ở nơi này, ngày tôi mới bước chân vào đến Hostel. Lại những đèn hoa và những lời chúc mừng với sự vinh-danh của Chúa trên trời dành riêng cho những kẻ “Thiện-tâm”…

Trong giữa khu nhà bàn rộng mênh-mông, mọi người đều hí-hửng, ngoại trừ những người tỵ-nạn Việtnam còn in những nét hằn sợ hãi chưa kịp phôi-pha bên những người di dân Châu Âu xa lạ như có mùi kỳ-thị ở những buổi đầu. Di dân là những người được trang-bị đủ thứ trước khi đến đây. Kể cả tiền bạc và nghề- nghiệp nhưng điều quan-trọng hơn là họ có thể trở về nước mình ngày nào và bao lâu cũng được, khác với người tỵ-nạn Việt-nam, đã ra đi là “mất lối quay về” dù có tự lường gạt lòng mình cách mấy đi nữa, trừ một phép lạ nào đó dành riêng cho giống dân suốt đời nhìn lửa đạn…

Trên tường nhà ăn đầy những câu chúc mừng ngày Chúa ra đời bằng đủ mọi thứ tiếng dành riêng cho mười mấy sắc dân cư ngụ tại-đây, mà chẳng thấy một lời chúc lành nào  cho người ty-nạn Việt nam rách-rưới, dù họ chiếm đến 80%  số người tạm trú trong khu tiếp-cứ sang trọng này. Như thể dân Việtnam không phải là “người”, và  không là “con của Chúa”?!!

Trên bàn thức ăn và bánh mứt ê-hề. Các nhân viên phục vụ và ban Giám đốc ăn mặc thật đẹp. Người nào cũng đeo nơ đỏ cài trên chiếc hoa vải màu trắng nơi ngực. Họ đứng 2 bên lối ra thành 2 dãy bắt tay từng người với lời chúc Gíáng-sinh và thăm hỏi ân-cần. Ông phó Giám đốc là một người Ấn-độ, dáng cao với nước da ngâm đen và bộ râu quai nón, một giống dân ở không xa lắm nước tôi đã một thời hưởng-nhiều lợi-nhuận qua nghề bán vải ở các thành phố Việt nam, bắt tay tôi cười, nói:

-Chúc mừng mày một mùa Gíáng sinh vui-vẻ.

Tôi cũng nắm tay ông thực chặt và…nói những lời tương-tự như ông bằng tiếng Pháp, vì tôi hy vọng phần lớn người Ấn-độ ở Việt nam đều biết ngôn-ngữ này khi thời trung học tôi chỉ chọn Anh văn như sinh-ngữ 2 mà giờ học nào tôi cũng trốn, nên cực dốt. Tôi nói vui-vẻ trong nụ cười, người Giám-đốc ngạc-nhiên, vỗ vai tôi cười rạng-rỡ nói:

-Mày biết tiếng Pháp sao?

-Biết chút-chút đủ hiểu mày…

Hắn mỉm cười, hỏi tiếp:

-Mày nghĩ gì về buổi Party do ban Gíam-đốc tổ chức mừng Chúa giáng-sinh hôm nay?

-Vui lắm cho những người Châu-Âu!

Hắn ngạc-nhiên hỏi giật lại:

-Tụi Á châu như mày không vui sao? Ngày sinh của Chúa mà?

-Tụi tao không phải con của Chúa, nên không được chúc mừng trên tường kìa. Mày xem kia trong mấy chục câu chúc mừng dán trên tường nhà ăn có câu nào cho người tỵ-nạn Việt nam tụi tao đâu, dù tụi tao ở đây đông nhất…!

Hắn ngỡ-ngàng quét mắt một vòng, vẻ bối-rối, rồi nó “Sorry.Sorry” luôn miệng. Tôi, nói để trấn- an hắn trong nụ cười bỡn-cợt.

-Không sao đâu bởi vì người Việt nam tao đã bị lãng quên lâu rồi. Nhưng để trả lời mày câu hỏi lúc nãy nghĩ gì về buổi Party này thì tao mơ rằng ngày nào Chúa cũng nên ra đời hết!...

Hắn biết tôi đùa nhưng cũng muốn biết tại sao tôi lại nói một câu kỳ-cục như thế. Khi tôi vừa mới than buồn vì không có lời chúc nào cho người tỵ-nạn Việt nam. Hắn cười, hỏi:

Sao vậy?

-Vì nếu ngày nào Chúa cũng ra đời thì ngày nào tao cũng được ăn ngon và cũng được ban Giám đốc của mày đứng 2 bên bắt tay…

Hắn bật ngửa người ra sau , cười to nói:

-Mày giỡn quá cỡ nha.!

Tôi nói giả-lả:

Người Việt nam tuy ở trong những hoàn cảnh đáng buồn tủi, nhưng lúc nào họ cũng tìm cách chịu đựng bằng những nụ cười….

Đó là mùa Giáng-sinh mở đầu trên đất mới, nơi mà tôi thấy sự kỳ-thị hay sự lãng quên đã bắt đầu, dù bên ngoài nó có vẻ công-bằng cho mọi người trong chính sách đa văn-hóa, vì quyền lợi của nước Úc nhiều hơn là vì tình người. Riêng đối với tôi, dù có Chúa ra đời hay không có Chúa ra đời thì trên mặt đất này vẫn chẳng có gì đổi thay. Người “thiện tâm” vẫn cứ bị áp bức trong nghèo đói, bịnh tật, trong lãng quên… Và Chúa vẫn mãi ở trên trời… dù trong mùa Giáng-sinh nào tôi cũng thấy trước mọi cổng nhà thờ  khắp nơi trên thế giới đều có treo tấm bảng thực lớn xác nhận rằng:

“ Vinh danh Thiên Chúa trên trời/Bình-an dưới thế cho người thiện-tâm…”

Tôi vẫn hằng mơ được làm người “thiện-tâm”để được Chúa cho tôi “bình-an” ở những ngày “dưới thế” đầy rẫy những đố-kỵ, thương đau này…

Rồi những ngày tôi tạm xa Sydney về nằm trên những ngọn đồi vùng biển Wollongong để quên đi những nhọc-nhằn trên căn lầu 3 của một tòa báo, cạnh ga xe lửa, mà suốt ngày tôi chỉ nghe tiếng tàu nghiến trên đường sắt rì-rầm. Tôi cố lòng quên đi mọi thứ kể cả những thứ không thể quên được, trong đó có ngôi nhà thờ với tháp chuông xanh, nơi có người tín-nữ tội tình rất trẻ gặp tôi lần cuối cùng cách đây đã khá lâu, cũng chỉ để nói một câu như múc cạn lòng người, mà tôi vẫn cố mang theo như một thứ hành-trang không nỡ quên trong những tháng ngày thầm lặng:  “Hai mẹ con em vẫn thường cầu-nguyện cho anh hằng đêm, có thể điều đó anh không tin, nhưng khi người ta muốn nói ra một điều gì, không có nghĩa rằng, người ta mong điều đó được tin…”

Tôi lặng thinh, ngồi nhìn những sợi khói thuốc lên cao, rồi tan dần trong khoảng không nơi căn phòng mù-mịt-những quá khứ. Tôi nhìn người thiếu phụ mới vừa đủ tuổi để trưởng-thành, với ánh mắt của người mang nặng trong lòng nhiều nỗi bất-an. Tôi muốn tìm một câu gì đó để nói với người thiếu- phụ đang ngồi cúi đầu trên chiếc Sofa mân-mê những ngón tay thon nhỏ, nhưng tôi chỉ thở dài, lắc đầu, rồi cầm cái mũ bước ra ngoài giữa những hồi chuông lễ nửa đêm thong-thả vang lên, từ một ngôi thánh-đường gần đó cùng lòng mơ ước với Chúa, tôi mãi mãi là kẻ “Thiện- tâm” dưới thế, và tôi thèm khát những “bình-an”, dù tôi chỉ là một kẻ lang-thang ngoài Đạo, có nghĩa là tôi chưa chịu “trở về” theo quan điểm của người Ki-tô… mà trong ký-ức tôi vẫn thấp-thoáng ngôi nhà thờ mái tranh nhỏ bé với chiếc Thánh giá sơn màu vôi trắng đã phai ….cùng ngôi Giáo đường có tháp chuông xanh nơi đây mà người thiếu phụ tôi quen vẫn hay thường đến đó cầu nguyện cho tôi, khi có lần từ nơi xa tôi bất ngờ trở về con phố nhỏ này, đụt mưa nơi bến Bus cạnh đó, nhìn qua cái tháp chuông lờ mờ bên kia lòng tôi bỗng dưng chùng xuống thực thấp và tôi tự hiểu vì sao?Bất giác tôi ghi lại những dòng này …không thì tôi sẽ không bao giờ viết lại được :




 NGÔI GIÁO-ĐƯỜNG,

CÓ THÁP CHUÔNG XANH ...


Tôi rất yêu những sáng trong lành, 

Đôi mắt buồn dưới nắng ...long-lanh, 

Em, một mình đi về nơi đó, 

Ngôi Giáo-đường có tháp chuông xanh ....?


Lời kinh nào, em nguyện cho tôi, 

Dù ai vẫn biền-biệt phương trời, 

Đôi lúc  - nghe lòng mình đốt lửa, 

Cháy ruột gan trong nhớ em, thôi!


Chuông nhà thờ vẫn đổ lưa-thưa, 

Tiếng kinh buồn hiu-hắt trong mưa, 

Tôi về một tối  -  dừng trên phố, 

Đứng lặng im ... nhìn tháp chuông xưa ...!


Em vẫn còn đến đó nguyện- cầu ?

Xin cho người ngoại-đạo như tôi, 

Một chút gì - như chừng thương nhớ,

Tôi từng mơ ...một thủa đã lâu !?


Mưa đêm rả-rích,

ngoài trời ... 


Co-ro hiên phố,

tôi ngồi với tôi!? 


Nghe thân ngựa,

mỏi rã-rời ...


Mới hay mình,

đã một đời lãng-du ....?!


                               *Nguyễn-Tư

Và, cứ mỗi lần chợt nhớ tới mình vào những dịp cuối năm khi những cành hoa Jaccaranda nơi đây nở tím , thì cũng là lúc mùa Chúa sắp ra đời mà tôi đã từng trải qua theo từng giai đọan của Lịch sử, vui buồn lẫn lộn, thì tôi không khỏi bùi-ngùi, như một lời tạ lỗi với chính mình qua một bài thơ chỉ để riêng tặng một người mà thôi là chính tác-giả:


BÀI HÀNH CUỐI NĂM


*Tặng: tôi


Tính sổ cuộc đời mà thống-hối,

Bàn tay không, vẫn chỉ là không,

Dăm ba cuốn sách làm tay gối,

Vài chục bức tranh buồn mênh-mông !


Tráng-sĩ ngày xưa là ly-khách,

Chừ - ta đi có mong ngày về,

Mấy chục năm trời trong xa cách,

Ta, có còn giữ vẹn lời thề ?(*)


Năm năm lửa đạn đời biên-trấn,

Tình nước non nằm giữa tâm can,

Lệ đá khô chảy thành từng ngấn,

Mà vẫn nghe lòng đất than-van !


Sáng thức dậy trơng cơn ngái-ngủ,

Cầm nắm cơm lội miết trong rừng,

Tay súng gờm như con thú dữ,

Dù “thư-sinh bạch-diện” -  đã từng …


Sáu năm tù, đổi thành “nợ máu”,

Tổ-quốc nào, ghi ơn tuổi xanh,

Biết bao kẻ chọn rừng nương-náu,

Gửi nắm xương tàn  -  ai vinh-danh?


Đất nước này, là đất nước chung,

Sao ta vẫn thương nhớ vô-cùng,

Hay vì đã một thời góp máu,

Mà không mơ làm kẻ “anh-hùng”?


Hôm nay - ngoài trời hoa tím nở,

Mùa Chúa sinh chuộc tội cho người,

Đôi tay rộng của Ngài vẫn mở,

Xin cho tôi một nửa môi cười !


Nỗi lòng cố-quốc vời thương nhớ,

Biết bao giờ cho ta nguôi-ngoai ?

Và - như trời đang mưa bụi bay,

Em cũng buồn như ta hôm nay ?


                       *Nguyễn-Tư

 

    (*)  Ghi chú: Các SVSQ trường Võ-khoa Thủ-đức  sắp mãn khóa đều phải làm lễ tốt-nghiệp tại Vũ-đình trường, được chủ tọa bởi môt ông Tướng từ SG xuống .Sau hồi quân nhạc hùng tráng , ông Tướng đứng trên khán đài đọc diễn văn rồi hô:“Quì xuống các ngươi !” thì toàn thể khóa-sinh mãn khoá phải quì xuống với gối phải, gối trái vuông góc với mặt đất , tay trái cầm Képi úp trên gối trái, …tay mặt buông thỏng  theo thân. Khi nghe ông Tướng hô: “Xin thề trung thành với Tổ quốc!” thì toàn thể Khóa sinh mãn khóa giơ tay phải  lên cao trước mặt rồi hô theo“Xin thề!”(3 lần) .  Xong lúc đó có tiếng mìn nổ ngoài  bãi tập rền vang, khoá đàn em đứng cạnh bên tiến lên móc lon Chuẩn-uý cho các Khóa sinh đàn anh mãn khóa… Tiếp đó ông Tướng ra lịnh: “Hãy đứng dậy các Tân sĩ-quan!” thì các Khóa sinh mãn khóa đồng loạt đứng  dậy, với cấp bực mới, chuẩn bị sau 10 ngày phép phù vân là phải ra đấu trường ….    

Nguyễn-Tư