Wednesday 8 July 2020

XƯA RỒI DIỄM!”... ( Nguyễn Tư )


XƯA RỒI DIỄM!”...

*Tản-mạn Nguyễn-Tư


Người mình ngoài cái tật xấu“Gì cũng cười” như Cụ Nguyễn-Văn-Vĩnh chỉ trích ngày xưa một cách nặng nề coi như một thói hư cần phải bỏ ngay qua những câu văn nghe ra rất nhức-nhối xét về mặt tinh thần tự-ái Dân-tộc:"An-nam ta có cái thói lạ là gì cũng cười! Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười, nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang..." thì ngày nay lại thêm cái tật (không biết xấu hay tốt?) là hay lấy những lời Nhạc để đổi lời hoặc thêm thắt chút đỉnh nhằm giễu cợt đời như:"Cây cuốc cong thì cây cuốc gãy, cây cuốc gãy thì mình khỏi ra đồng..." để nhại một bài hát CM thời 75  mà người dân  miền Nam đang phè-phỡn rong chơi, bỗng dưng VC vào, thế là tất cả phải vác cuốc ra đồng đào mương gọi là làm “thủy lợi” hết, nên họ chỉ mong cho cây cuốc gãy mà thôi, hay mỉa mai hơn là câu “Ông khóm ơi, ăn khoai mì ngứa quá”(dường như cũng từ bài hát trên dựa theo câu “Tổ quốc ơi…quê hương mình đẹp quá …”) để chỉ thứ thực phẩm hồi ấy mỗi ngày thay cho gạo nàng hương trước đó phủ-phê…Và, bạo mồm hơn là “Dường như có bác Hồ trong nhà thương Chợ-quán / Vừa mới ra bị xe cán bể đầu…” từ bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hay khủng khiếp hơn là câuĐoàn quân VN đi chung lòng bán nước …” cái này thì cực-kỳ “phản động”, bị gỡ lịch “mút mùa lệ-thủy”, hay nặng hơn “mất cái đội nón” như chơi …Trong khi đó bọn tôi trong tù sáng nào chúng cũng bắt hát bài chào cờ  “Mặt trận giải phóng miền Nam” do Huỳnh Minh Siêng biên soạn (hắn chính là tên VC gộc Lưu Hữu Phước, đồng tác giả bài “Tiếng gọi SV” năm 45 mà VNCH sau này sửa lời đôi chút làm Quốc ca mới là oái-oăm, bởi miền Nam thiếu gì bậc tài hoa Âm nhạc sao không sáng tác nổi một bài Quốc ca cho mấy chục triệu dân Tự do hát, mà lại đi chôm bài của một anh VC, khiến cho hắn ngoài Bắc hô-hoán hắn sẽ kiện VNCH ra tòa Quốc tế vì miền Nam ăn cắp bản quyền nhạc của hắn!? …Bài hát GPMN này thường bắt đầu bằng câu “Vùng lên …nhân dân miền Nam anh hùng…” mà bọn làm phim GP thường lấy làm đài hiệu ban đầu, quyện với lá cờ xanh đỏ hai màu bay phất phơ trên màn ảnh.… mỗi khi chiếu phim thời  sự  để tuyên  truyền sinh hoạt CM …thì tụi tôi chỉ lép-nhép thành : “Trời ơi, con heo bà Năm chết sình” …dĩ nhiên chỉ lén thôi …không thì sẽ bị mọt gông không thấy ngày về…để vui chơi vô tội vạ giải sầu thôi hay đúng hơn là cách phản kháng tiêu cực..Nhưng thường những bài ca nhại hầu hết chỉ để vui chơi, giải trí như thời sau 54, người ta ưa nghêu-ngao:"Tóc em dài sao em không uốn, tốn bao nhiêu anh trả tiền cho..."nhại từ một bài Tình ca rất xưa tên “Chưa dứt đường tơ” thì phải? Vui hơn nữa là người ta nhại một bài hát đồng quê của Hoàng Thi Thơ với những câu rất tiếu-lâm như:"Ai đang đi trên cầu Bông, rớt xuống sông ướt cái quần ni-lông" từ bài “Trăng rụng xuống cầu”.. rất thịnh hành thời 55 do cặp song ca thời danh người Huế, Nguyễn-Hữu Thiết và Ngọc-Cẩm léo-nhéo suốt ngày …đến độ danh hài miền Nam Trần Văn Trạch ưa giả giọng hát hai người này để chọc cười thiên hạ chơi… kể cả những tác phẩm tiền chiến rất nổi tiếng của Lê Thương, như trường ca “Hòn Vọng phu” cũng không được buông tha, với câu: “Má ơi con đã lớn, má cho con đi lấy chồng, nếu không con tự túc …” nhại từ câu: “Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu đến nàng, lấy cây hương thực quý… …” .Ngay như nhac Phạm Duy cũng vậy, như bài “Ngày xưa Hoàng Thị” phổ thơ Phạm Thiên Thư, một nhà Thơ rất nổi tiếng trước 75, nhưng vì trốn lính phải cạo đầu đi tu thành Sư, sau 75 thì hoàn tục… …Bài thơ này thuộc loại tình cảm thời học trò cực kỳ lãng mạn và rất trong sáng …thực sự nguyên bản không hay bằng bài phổ nhạc, phải công nhận Phạm Duy là người phổ Thơ hay nhất  ở VN …ấy vậy mà người ta vẫn nhại như thường …Bài đó mở đầu là “Em tan trường về/ Đường mưa nho- nhỏ……/ Ôm nghiêng cặp vở/Tóc dài tà áo vờn bay…” họ lại nghêu-ngao rằng “Em tan trường về/ Trường tan em về/ Em về trường tan …trường tan …”thì mọi nghiêm túc lãng mạn bay đâu mất tiêu, chỉ còn lại “em” ở đây là một học sinh rất quậy phá, làm tan nát trường học luôn …


Nhạc TCS rất nghiêm túc, nhưng kể từ 30-4-75, ông lên Đài phát thanh Sài-gòn hát bài “Nối vòng tay lớn” để đón mừng CS vào, cùng kêu gọi đồng bào miền Nam nên ở lại vì đất nước đã thống nhất, nếu ai còn vượt biên coi như “phản quốc” thì người dân miền Nam đủ bằng chứng hiển nhiên để xác nhận TCS là “CS nằm vùng” không chối vào đâu được nữa, nên dân Nam rất ghét CS miền Bắc, lẫn TCS …vì vậy họ đã nhại bài nhạc ấy bằng mấy câu đậm màu sắc kỳ thị vùng miền cho bõ ghét: “Từ Bắc vô Nam, nối lại biển khơi… tay ôm bó rau muống, tay dắt con cầy …”.



Nhưng có lúc họ lấy những lời nhạc khác để tạo thành những thành ngữ rất vui dùng hàng ngày mà nếu người đời sau không rành thời đại trước, sẽ rất khó truy tầm nguồn gốc, như để diễn tả sự chao đảo qua lại thì họ nói:"Lắc-lư con tàu đi"lấy từ một bài hát về Hải quân tên “Hoa biển” hoặc như muốn nói cái gì không đổi thay thì họ nói:"Muôn đời lục quân VN..."lấy trong bài "Bộ binh hành khúc" hay lúc chia tay trong tình yêu họ vẫn mượn đề bài hát của Trần Thiện Thanh giễu cợt “Tạ từ trong đêm” thôi em/anh ơi…hay mỗi khi say xỉn mút cần câu, cho chó ăn chè tùm-lum, đi xiểng-liểng như mieng vẫn ca câu “Anh chưa xỉn đâu em” nhại từ bài “Anh không chết đâu anh!” của Trần Thiện Thanhca ngợi cái chết Anh hùng của người lính mũ Đỏ tên Đương bên Hạ Lào…


Và, trước đây không lâu, trong nước sử dụng một đề nhạc của Trịnh-Công-Sơn là "Diễm xưa" bằng câu giễu:"Xưa rồi Diễm!" để chỉ điều gì cũ rích, "quá date" rồi, ai cũng biết, nói thành thừa! Đơn giản như vậy thôi, vì nó là bài hát hay, thời thượng, cái tên nghe rất "romantic" nên rất dễ đi vào lòng người nhờ 2 yếu tố: "Diễm" là một cái tên đẹp vì nguyên ngữ của chữ Diễm theo Hán tự đã có nghĩa là "đẹp" rồi (đồng nghĩa với chữ "lệ" như lệ-xuân: mùa xuân đẹp, viết khác với chữ "lệ" là nước mắt),mà  chữ "xưa" là một tỉnh từ Nôm hoàn toàn, chỉ cái gì cũ, đã qua, nhưng ở đây bao hàm thêm ý nghĩa tiếc nuối trong tên bài nhạc này. Nó là một cái tên thực, của một người thực, chuyện thực: Bích-Diễm học trường Nữ Đồng Khánh ở Huế - nơi TCS đã lớn lên trong thời kỳ thơ mộng nhất của mình. Diễm theo hình thực in trong “Tuyển tập nhiều người viết” về TCS, thì nhan sắc không có gì đặc biệt lắm, có thể nói là ở mức trung bình kém, nhưng có vẻ hiền lành và thùy mị, khác với sự suy đoán của những người nghe bài nhạc này được bao quanh những đồn đại, những huyền thoại về cuộc tình đầy lãng mạn với Nhạc sĩ họ Trịnh lúc ấy chưa nổi tiếng ở một xứ rất thơ mộng này là Huế! Người ta bắt đầu rõ về mối tình này nhờ một bài viết ngắn của TCS có tên "Diễm của những ngày xưa"thì mối tình này cũng chỉ là một thứ tình lãng-đãng, hư-hư thực-thực của hầu hết Nghệ sĩ mà thôi. Diễm thực sự chỉ là cô nữ sinh có dáng mảnh khảnh cao ráo, hiền lành dễ thương, con nhà tử tế, có giáo dục, thường mặc áo quần dài trắng, nghiêng nón, ôm cặp sách, ngày hai buổi đến trường và về nhà qua hàng cây long-não trước nhà TCS, mà anh ta chỉ là một gã si tình thường ngồi trên bao-lơn nhà mình để ngắm nhìn hình ảnh mềm mại, dễ thương đó mà thôi!? Chỉ nghe nhạc sĩ họ Trịnh nhắc đến nụ "hoa sầu đông"… (mà quê  tôi gọi trại là bông “thầu đâu” có hai màu trắng tím, người Bắc gọi nó là cây “Soan ta” có trái từng chùm chín màu vàng rất đẹp nhưng rất đắng ăn không được,  hình thon gọn nên có thành ngữ “mặt trái soan” đạt tiêu chuẩn Thẩm mỹ của phụ nữ đẹp, khác với cây “Soan tây/Phượng vĩ”, người Trung gọi là cây “Phượng tây” để phân biệt với cây “Phượng ta” ưa trồng ở các ngôi Chùa cổ)… mà cô học trò tên Diễm bé bỏng này đền đáp chút tình của TCS bằng cách cô lén đặt nó nơi cửa sổ nhà TCS mà thôi, không hề có những hẹn hò sôi động, nóng bỏng, nắm tay nắm cẳng nào ra-rít như những mối tình trai gái thường tình khác...Ngoại trừ,TCS một lần đến nhà cô này chơi nhưng phải cần một người bạn thân tháp tùng là hoạ sĩ Đinh Cường lúc đó đang học trường Mỹ thuật ở Huế, mà nội dung cuộc viếng thăm đầy "âm tính" khi ông Họa sĩ tiết lộ trong bài viết của ông đại khái rằng: Bố của Diễm là một Gs Pháp văn dạy bên Đồng Khánh, vốn khó tính đã rất "khó chịu" khi thấy TCS tóc tai bù xù dài chấm ót - một mốt tóc bấy giờ bị các ông bà cụ lúc ấy xem như một thứ bê bối không bao giờ được "chấm đậu" trong bản lựa chọn "ý trung nhân"cho con gái nhà mình...Theo TCS, mối tình chả đến đâu này, dù rất đẹp, nhưng buồn bã, đối với ông (có lẽ nhờ nụ hoa sầu đông máng nơi cửa sổ làm chứng tích…), nhưng theo tôi, TCS rất ư quá đáng khi mê phụ nữ, đôi khi làm mất đi đàn ông tính của mình thành ủy mị, như lời một người bạn đồng nghiệp, đồng môn ở trường Sư phạm Qui nhơn (chuyên huấn luyện Giáo viên Tiểu học  với Tú tài 1 học 2 năm)  cùng trọ với TCS ở Blao kể: khi cô Kim-Vui, tài tử Điện ảnh khét tiếng ở Sài gòn có ghé tặng ông một hộp Chocolat, thay vì ông mở ra mời anh em chung ngụ nhâm-nhi với nước trà cho vui, thì ông cất giữ kín không dám ăn miếng nào, mà cũng chả mời ai, cứ vài bữa thì ông đem ra phơi, cho đến khi nó mốc meo hết mới liệng …Phải chi nó là nụ hoa khô hay cái khăn tay… thì chả nói làm gì, nhưng đây là thức ăn…Thảo nào ông từng viết “Yêu em quì gối vong nô…”. thì tiêu tan hết sĩ khí ..!.  Vì vậy, đoá sầu đông của Diễm máng nơi sửa sổ nhà ông làm sao vơi được, nó phải  là một kỷ niệm đẹp trong những mối tình lãng-đãng của ông nhưng lại rất sâu đậm, đến độ ông phải làm một bản nhạc rất hay mà bất cứ ai yêu nhạc cũng đều biết là "Diễm xưa" và thấp thoáng cái dáng gầy nhỏ bé này trong hầu hết những bản tình ca của ông sau này, khi Diễm đã trở thành một người khác, để lại cho Nhạc sĩ TCS nỗi đau không phải là nhỏ-nhoi gì khi ông viết lời cho bài hát có câu "Làm sao em biết bia đá không đau" có nghĩa rằng: đá cũng còn phải đau, huống nữa là con người - nhất là một con người đầy nhạy bén, và sầu mộng như TCS....Nhưng không phải vì thế mà ông vẫn đeo đuổi hình ảnh của Diễm đậm nét như thời trai trẻ hoài được, mà nó phải trở thành "Diễm xưa" phôi-pha - chỉ phôi-pha thôi, chứ không bao giờ mất hết, nên ông đã kết luận bài viết bằng một câu rất triết lý, mà có lẽ đã làm con người còn trái tim thì ai cũng phải thế mà thôi:"Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ, nhưng cứ phải quên…” Vì thế, theo tôi,  Diễm, với ông không bao giờ “xưa” cả…Nghe nói bố của Diễm là người Bắc thuộc thế hệ xưa, lại làm thầy giáo nữa thì đương nhiên phải “khó” là cái chắc rồi, còn TCS chỉ là một anh Nghệ sĩ nghèo, lúc ấy chưa nổi tiếng, lại để tóc dài… thì coi như phải bị từ chối là phải…Sau này Diễm học trường QG Hành Chánh ngạch cán sự ở Sàigòn rồi có chồng, xuất ngoại …
Nhưng TCS vẫn còn may mắn hơn nhiều khi lúc ấy cô em của  Diễm là Dao-Ánh mới 15 tuổi(TCS 24 tuổi) rất mê nhạc TCS, cộng với lòng thương cảm về mối tình tuyệt vọng của Nhạc sĩ và chị mình, nên cô bé này tự ý liên lạc với TCS  để an-ủi (thực ra chỉ là một cái “Prétexte” mà thôi, giống như khi người phụ nữ nói “Bữa nay, không hiểu tại sao tự dưng em lại nghĩ tới anh…” họ tự hiểu mình rất rõ vì sao, và chữ “nghĩ” thay cho “nhớ” nó đường-đột quá, đó là một cách tỏ tình thầm lặng mà họ không dám nói ra)…  ông anh rể hụt …Rồi từ đó mới xảy ra mối tình đúng nghĩa của đôi trai tài gái sắc khi TCS dạy tiểu học ở Blao …và cô bé đã trở thành nữ sinh Trung học xinh đẹp…làm tốn biết bao giấy mực báo chí thời bấy giờ trong cái ý niệm “Tình chị duyên em”, kéo dài cả thập niên với 300 chiếc thư tình qua lại thắm thiết, nhưng rồi TCS không thể cưới Ánh làm vợ vì anh chàng này được sinh ra chỉ để “yêu” mà thôi, chứ không phải để “cưới” người khác,  nên cô ta không có lý do để ràng buộc nữa mà phải lấy chồng ở Mỹ…Có một đều ít ai biết TCS đã cưới vợ một lần, điều này do 2 người bạn thân nhất của ông từ khi ở Huế là Họa sĩ Trịnh Cung và Đinh Cường kể lại trên báo rằng, họ đã tặng cho TCS chiếc nhẫn, và đứng ra làm đám cưới cho TCS với cô vũ nữ người Hoa mà TCS rất mê ở Chợ lớn …Nhưng sau khi làm hôn lễ xong thì hai anh bạn ra về, để cho cặp tân hôn hưởng Hạnh phúc riêng tư thông lệ …Tuy nhiên khi đi một lát, thì bỗng dưng hai anh bạn nghe tiếng chân người chạy thình-thịch sau lưng, họ quay người lại thì thấy TCS còn đang mặc đồ Veste, họ liền hỏi “Sao kỳ vậy?” với vẻ cực kỳ ngạc nhiên, thì TCS với vẻ mặt hốt hoảng, thở hổn-hển nói không ra lời, nhưng đại khái là ông ấy cảm thấy không o.k khi ở lại một mình … Điều này chứng tỏ TCS “có vấn đề” cả tâm-sinh lý chứ người bình thường không ai làm như vậy cả, khi TCS mới 30 ngoài như hai ông bạn khai, nhất là đối với người phụ nữ mà mình đã xin cưới họ làm vợ đàng hoàng thì họ sẽ bị xúc phạm biết bao nhiêu vì bất cứ lý do gì trong đêm Hợp hôn như vậy? Sau này TCS cũng có thổ lộ là ông suýt cưới vợ mấy lần, kể cả với cô Dr. bên Pháp, mà gia đình ông rất hãnh diện chỉ chấp nhận người này là xứng mặt với TCS và gia đình họ mà thôi, nên hai bên họ hàng đã hẹn ngày và làm đủ lễ …nhưng đùng một cái TCS tuyên bố “cancel” với lý do không chánh đáng rằng bị tai nạn gì đó … Cho nên, việc ông không đến được với Dao-Ánh dù họ đã liên hệ nhau cả thập niên là điều rất dễ hiểu, mà thực ra rất đáng thương cảm cho ông lẫn Dao-Ánh, nhất là ông dù sao vẫn mang tiếng là  “mày râu” …Sau này ở Mỹ nghe tin TCS đau nặng sắp chết thì cô từ Mỹ về Sài gòn thăm TCS nằm ở Bịnh viện lần cuối cùng… TCS rất cảm động sáng tác thành bài “Xin trả nợ người” có những lời oán trách không nhẹ nhàng chút nào tất nhiên không thiếu vắng niềm đau…và đã bắt đầu bằng một câu hoàn toàn trách móc “Hai mươi năm em bỏ một người …”  dù  chỉ  nói xa xăm “một người” nhưng bất cứ  ai cũ ng biết người  đó chính là  Tác giả. Người mình ưa dùng chữ “bỏ” sao nghe nó phũ-phàng, nó tội tình làm sao ấy, khác với chữ “thôi” đồng nghĩa nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều so với chữ “bỏ” hàm ý dứt khoát, quên lãng, như chữ “bỏ xó” chả hạn …tức là cho vô một góc tối nào đó miên viễn đừng mong gì có việc đoái hoài …Sở dĩ vô câu đầu TCS chỉ xài đại danh từ thứ 3 bâng quơ mà không khẳng định, có lẽ vì lịch sự thế thôi, nhưng mấy câu sau thì khẳng định đại danh từ thứ nhất không khoan nhượng gì cả “It’s me/ tôi”…trong câu:  “Trả nợ một đời em đã phụ tôi …” rồi “Em bỏ tôi một thời bé dại, thơ dại ra đi không nhớ gì tôi ……quên hết tình tôi…” với những “notes” nhạc bỗng cao bất thường như một lời kêu gào thảm thiết thấu trời xanh! Ta để ý thấy câu trước chỉ trách “không nhớnhưng trong câu tiếp thì nặng tội hơn “quên hết” nghĩa là quên tuốt-luốt, quên sạch sẽ,  không còn hơi-hướm gì nữa cảdù trong những chiếc thư tình ấy có một chiếc thư ông thú nhận là chính ông đề nghị chia tay với người yêu thì trách nỗi gì chứ, mà  lẽ ra ông phải tạ ơn người ta suốt đời mới đúng, khi người ta dù đã có gia đình mà vẫn còn liên lạc với ông lai-rai qua những chiếc thư, và những bông cỏ khô ông đã ép từ cao nguyên Blao… Nhưng điều quan trọng hơn, dù không còn mặn mà như thuở đang độc thân Dao-Ánh vẫn giữ nguyên 300 lá thư của người tình cũ là ông, mà không thủ tiêu đi trước khi có chồng thì đó là việc hiếm hoi theo lẽ thường tình …Riêng đối với chồng nàng, chắc chắn anh chàng thừa biết mối tình lớn và công khai này của vợ mình mà vẫn không phản ứng gì thì một là anh ta làĐại trượng-phu” kiểu “Quân tử Tàu”, hai là anh ta thuộc hàng “bạc nhược” …Rồi đến khi nghe tin ông bịnh nặng nàng đã lặn lội từ Mỹ về thăm ông, để sau đó nghe nói là  cô bị chồng li dị vì lý do gì thì người ta có thể hiểu được, chắc ly nước chịu đựng phải tràn ra thôi …Đó là sự hy sinh vô bờ bến của “cố nhân”, vậy ông đòi hỏi người ta sao nữa, trách móc gì nữa ? Sau khi TCS qua đời Dao-Ánh mang tất cả mấy trăm cái thư tình của TCS gửi cho cô, về trao lại cho gia đình TCS lưu giữ, và mỗi lần gia đình cùng bạn bè làm “Event” nhạc tưởng niệm TCS đều có mời cô về tham dự, nhưng cô đều từ chối khéo … như thế cũng được hiểu rằng cô ấy đã sòng phẳng tình cảm với TCS rồi vậy …Dao-Ánh mới là người yêu đích thực của TCS chứ không phải Bích-Diễm, Ánh rất trẻ, vừa đẹp hơn người chị khá nhiều, cô dù người Bắc nhưng có nét rất “Huế”, dáng mảnh-khảnh và luôn mặc áo dài … có lẽ vì ở Huế từ bé và từng yêu trai Huế như TCS. Lẽ ra TCS mới là người “trả nợ” dù một ngày, chứ đừng nói một đời, mà không phải Dao-Ánh, bởi vì Ánh là người yêu TCS từ đầu đến cuối, rất tận tình, kể cả khi đã lập gia-đình thì không đáng trách chỗ nào nữa cả....



Về TCS, phải nói là tôi rất ngưỡng mộ về tài Âm nhạc của ông, khi ông bắt đầu nổi tiếng, đúng lúc tôi từ Trung vào Sài gòn học ĐH Văn khoa, là ngôi trường tôi rất nặng nợ, cũng là nơi TCS và Khánh Ly trình diễn những ca khúc hay nhất thời ấy …Ngoài TCS, tôi còn rất mến mộ Văn Cao trước đó, cũng như Đặng Thế Phong với những bài về Thu buồn vời-vợi ngoài Bắc, riêng với những tác phẩm bất hủ  của Văn Cao, từ trước 45, tuy ở vùng Kháng chiến , nhưng mấy anh chị tôi lại ưa hát hoặc thổi sáo những bài cực kỳ lãng mạn của  Văn Cao như: “Thiên thai, Buồn tàn Thu, Cung đàn xưa, và Trương Chi …” dù lúc ấy tôi rất bé nhưng cũng biết mê vẻ đẹp của Nghệ thuật, mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, sao mà nó nhẹ nhàng, ngọt ngào và, siêu nhiên đến vậy? Nhưng đến khi tôi khám phá ra Văn Cao, người Nhạc-sĩ tài hoa này năm 45 vốn là tay CS trong toán ám-sát mật thời bấy giờ, lúc nào cũng có khẩu súng lục dắt trong lưng quần…và được CS bố trí đi giết những ai không theo họ hay nghi ngờ chống  họ thì phải “thịt” ngay, và Văn Cao đã đến tận nhà một người ở Hà nội mà ông nghi là “thân Nhật” rồi bắn chết tươi, dù mới chỉ “nghi” thôi mà đã giết người ta, đúng chính sách xưa nay của CS là “thà giết lầm hơn thả lầm” … thì lòng mến mộ của tôi mờ dần, dù nhạc ông thì tôi vẫn muốn nghe …Như vậy, với tôi, sự yêu Nhạc Văn Cao và lòng mến mộ ông là 2 con số nghịch đảo, bởi tôi quan niệm rằng một người Nghệ sĩ không thể nào “khát máu” như vậy được, thà đi lính ra trận hai bên bắn nhau tơi bời mà chả cần thấy mặt nhau, 8 thế bắn ở quân trường ít khi nào được sử dụng ngoài mặt trận cả,  mà  cứ thấy VC chạy lúc-nhúc đằng xa, vừa tầm sát hại, là giương súng bóp cò … không thì giờ đâu mà ngắm nghía qua “lỗ chiếu môn” như quân trường dạy gì ráo , bởi vì nếu mình chậm một giây là đã toi mạng… Nói tóm: bắn để tự vệ mình  trước tiên, như trong phim cao-bồi Mỹ vậy, lạng-quạng thì mình sẽ bị tiêu diệt ngay…VC thì họ cũng vậy đó thôi, vì bản năng sinh tồn của một sinh vật đều như thế : sống cái đã!Cho nên, ra trận đạn trúng thằng nào thì thằng đó rán chịu, chứ  bảo cầm cái súng dí vào đầu người ta bóp cò, thì   -  nói thực, tôi không làm được …!Chuyện đó nên để cho những  tay “giang hồ ” giết mướn,  hay “đao-phủ” làm chứ không phải Nghệ sĩ, vì trời sinh ra họ chỉ để cầm bút, cầm cọ, ôm đàn … sáng tác làm đẹp cho cuộc đời này mà thôi. Đó là lý do tại sao Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng tâm tình, cái nghề bóp cò không hợp với ông chút nào nhưng vì nhiệm vụ người lính thì phải ra trận thôi…nên sau này ông tìm mọi cách về Sàigòn để lập ban nhạc chơi trên TV rất nổi tiếng, hay tạo Trung tâm thu băng, dù lúc đó ông đã mang lon Tá…nói chi người Nghệ sĩ vô cùng tài hoa (làm nhạc , làm thơ và vẽ tranh) và mềm mại như Văn Cao …?Đó là chưa kể , trong bài “Tiến quân ca” của ông sáng tác khoảng năm 45 mà VC lấy làm Quốc ca từ ấy, trong đó có câu hát lên nghe rất rợn người “Thề phanh thây uống máu quân thù…” thì đúng là man rợ khát máu rồi còn gì nữa ? Lời ca này bị thiên hạ chửi rủa dữ lắm nên VC sửa lại cho nhẹ nhàng hơn “Vì nhân dân chiến đấu can trường”… dù thực ra đâu phải vì “nhân dân” mà vì “CS quốc tế” Nga Tàu như Lê Duẩn từng thố lộ trước Đại hội  của họ “Thực sự chúng ta chỉ chiến đấu cho Liên xô và Trung quốc” …vậy thì ai là lính “đánh thuê” như họ thường rêu-rao, và cháu nội ông ta hiện du học tại Mỹ, xứ họ luôn nói đang “rẫy chết”trước đây.  Nhưng Văn-Cao, sau này, cũng phần nào tỉnh ngộ nên có tham gia vào nhóm “Nhân Văn giai phẩm” để bị CS nó “đì” tới bến, không cho làm gì cả, ngoài việc vẽ tranh lai-rai phụ họa cho các tờ báo Hà-nội kiếm sống qua ngày …đến độ bà Văn Cao đã phát tức xỉa-xói “Chúng mày có làm gì ông Văn-Cao thì cũng phải đứng nghiêm khi bài Quốc ca của ổng được cử lên” …?


Riêng với TCS, tôi cũng ngưỡng mộ như vậy, nghĩa là  tôi yêu tài Âm nhạc của ông, một loại nhạc rất buồn, rất sâu sắc,với những lời lẽ cao siêu, đầy vẻ Triết lý về đời sống mà suốt Lịch sử Âm nhạc VN chưa thấy bao giờ …Đặc biệt nhạc TCS khá nhiều trên 500 bản, nhưng không trùng ý với nhau ( nhạc Ngô Thụy Miên trùng ý và lời nhau rất nhiều đến độ người nghe hay lầm từ bài này sang bài kia) và mỗi bài mỗi vẻ, bài nào cũng hay, khác với các Nhạc sĩ khác tôi chỉ thích vài bài cho mỗi người mà thôi, hoặc chả thích bài nào …Nhưng sau này tôi thấy trong sinh hoạt âm nhạc của TCS có những bài nhạc phản chiến làm xuống tinh thần quân dân miền Nam đang vất vả chiến đấu để giành từng tấc đất với CS mỗi phút giây, và chính bản thân ông cũng có những hoạt động chính trị với nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha(em rể hụt của ông, bị động viên vào lính, cấp Thiếu úy, nhưng vẫn hoạt động CS nên bị mất tích, chắc có lý do ), Nguyễn Đắc Xuân (tên đồ-tể Mậu thân)…ngoài Huế thì tôi bắt đầu nghi ngờ về lập trường của người Nhạc sĩ nổi tiếng này …Bản chất của tôi là thích sự Công bằng nên chả bao giờ biết nịnh bợ bất cứ ai, kể cả nịnh đầm (nên ít được lòng chị em là vậy)…và rất thẳng-thắn trong việc nhận định giá trị mọi vấn đề, nhất là khi tôi bắt đầu cầm bút, một cái nghề (cái “nghiệp” thì đúng hơn) mà cụ Phan Bội Châu gọi là “Công danh tối hạ thị Văn chương”(Trong công danh Văn chương là thấp nhất) …và như chính nhà Văn nữ khét tiếng của Pháp khi chỉ mới 17 tuổi là F. Sagan cũng đã viết “Viết lách là chọn con đường cô đơn..” nhưng riêng tôi, thì đó là cách “làm dâu trăm họ” nên chiều ai, bỏ ai là điều khó vô cùng, vì thế tôi chỉ có một cách duy nhất để làm việc là tôi nghe theo lương tâm của chính tôi thôi, hy vọng nó ít phụ tôi nhấtCho nên, cái gì được thì tôi nói được, cái gì không được thì tôi nói không được, thế thôi, như thơ Phùng Quán: “Yêu ai thì bảo rằng yêu / Ghét ai thì bảo rằng ghét / Dù ai ngon ngọt  nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu” …
Vì thế, khi TCS mất, tôi có viết một bài tưởng niệm vì ông là Nhạc sĩ lớn của miền Nam , và là người tôi từng ái mộ, cũng là người tôi có vài chê trách thuộc về tư cách nhiều hơn . Bài có 2 phần: phần đầu tôi nói về cảm tình riêng của tôi đối với ông như sau, đại khái rằng :“TCS là Thiên tài Âm nhạc VN trong hậu bán thế kỷ 20, chưa từng có trước và sau đó…” và phần 2 nói về những điều TCS sai lầm về chính trị đã gây không biết bao nhiêu tai ương góp phần không nhỏ cho việc mất miền Nam như nhạc phản chiến, như trốn lính, nịnh bợ CS sau 75 …trong khi mọi thanh niên khác đều phải nhập ngũ chiến đấu gai lửa mỗi ngày trên khắp chiến trường miền Nam, với số người tử vong không phải là ít …Hồi đó mỗi địa phương đều có Nghĩa trang quân đội riêng, không kể Nghĩa trang Biên hòa cấp QG đồ sộ nhất, ngay cả Nghĩa trang Gò vấp mỗi lần tôi đi ngang qua thì thấy cờ vàng phủ rợp trời trên những ngôi mộ đất mới tinh còn đỏ khé, chả bao lâu miếng đất to đùng đã kín trong thời hạn rất ngắn thì biết chiến trường hồi đó ra sao ? Nhưng TCS đã tìm mọi cách để trốn lính, như việc ông từng kể sau 75 rằng ông đã nhịn ăn,và uống thuốc xổ để chỉ nặng dưới 35 kg sẽ hy vọng được chê( nhiều người khác nhỏ mủ xương rồng vào mắt phải, để cho mù không  ngắm được súng, hoặc chặt đứt ngón trỏ để không bóp cò… gọi chung là “tự hủy hoại thân thể”…cái này thì tôi cũng “thua” luôn như đi ám sát kiểu Văn Cao…). Ngoài ra, TCS đã dựa vào những thế lực mà ông có để trốn lính hầu tiếp tục phản chiến mà không ai làm gì được, khi ông chơi thân với ông Kỳ vì bà Kỳ là “fan” ruột của ông như bà từng khoe:  “Mỗi lần TCS có nhạc mới là vào Tân-sơn nhất hát cho tụi này nghe..” và khi Đại tá Lưu Kim-Cương bị VC bắn chết ở Lăng Cha Cả dịp Mậu thân…thì TCS đã viết bản “Cho một người nằm xuống” rất thiết tha …là do bà KL bồ với ông Tá Không quân này, nên TCS là người ăn dầm nằm dề nơi Câu-lạc-bộ Huỳnh-Hữu Bạc của Không quân trong TSN thì bố ai mà dám vô đây bắt TCS, kể cả ông Thiệu, khi hai ông này chả ưa gì nhau cứ hăm-he đảo chánh …Chính bản nhạc này, và bài “Gia tài của Mẹ” của TCS…trong đó có câu VC rất “căm” là: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày …” đã làm cho VC nghi ngờ lập trường CM của anh nhạc sĩ “thân cộng” rõ ràng này, vì họ nghĩ TCS là “Gián điệp hai mang”, nên mới một mặt hoạt động CS, nhưng mặt kia vẫn ca ngợi “SQ VNCH” (Đại tá Cương) và nói sai quan điểm CM là “Chống Mỹ cứu nước” sao lại nói “Nội chiến”? Vì lẽ này TCS không được trọng dụng, mà còn bọn bị  trí thức, nghệ sĩ CS ngoài Trung lập toàn án Nhân dân ở Huế để “tố khổ” anh ta, may nhờ bạn bè trong đám Hoàng Phủ Ngọc Tường binh vực nên mới thoát nạn rồi ở miết SG không dám về Huế nữa …Tôi có nói rõ về phần 2 này: nếu TCS không trốn lính, không làm nhạc phản chiến làm giảm thiểu sức chiến đấu của binh lính VNCH ngoài mặt trận, như tiếng sáo Trương Lương ngày xưa, không CS nằm vùng… mà ông sẵn sàng nhập ngũ như bọn tôi thì có thể VNCH sẽ khác nếu mọi người đều chống Cộng như thế …chưa kể giới Nghệ sĩ miền Nam không thiếu gì kẻ phản chiến kiểu TCS,  nhưng nhẹ ký hơn  như: Nhạc sĩ Phạm Duy, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng, Nhạc sĩ Tôn thất Lập,  nhà Văn Nguyễn Hiến Lê, nhà Văn Cung tích Biền, nhà Văn Ngụy Ngữ...  Lm Thanh Lãng, Lm Trương Bá Cần, Lm Nguyễn Ngọc Lan, Lm Lê Khắc Từ… Sư Thích Nhất Hạnh , Sư Thích Thiện Minh,  Sư Huỳnh Liên , Sư Thích Trí Quang, Sư Thích Đôn Hậu … Gsư Lý Chánh Trung, Gs Nguyễn Văn Trung, Gs Nguyễn Đăng Thục, Gs Dương Kỵ…Gsư Dương Tiềm, GSư Dương-Kỵ Ls Trương Đình Du, Ls Nguyễn Long, Ls Nguyễn Hữu Thọ,Ls Trịnh đình Thảo, bà Ls Ngô Bá Thành …Giới SV là đông đảo nhất: Sv Huỳnh tấn Mẫm, Sv Cao Quế Hương, Sv Lê Văn Nuôi, Sv Nguyễn Văn Thái,  Sv Cao Lợi,  Sv Tô thị Thủy, Sv Trần Triệu Luật (chết trong bưng) Sv Đào Hiếu lấy bút hiệu “Biên Hồ”, Sv Võ-Hợi lấy bút hiệu “Vũ Đức Sao Biển” (Nhạc sĩ) ngay trong lớp tôi chỉ hơn một tá SV nhưng đã có 2 tên vô bưng …hay trốn lính như nhà thơ Phạm Thiên Thư giả làm sư nhưng mê gái không thua gì ai, như nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng  cũng vậy, như Vũ Hạnh, hay Hoạ sĩ Ớt (sau 75 hiện hình là Trung tá Công an VC) là những tay nằm vùng Văn nghệ vô cùng nguy hiểm …nhiều lắm kể không hết đâu …Thế nhưng khi bài báo của tôi đăng lên, thì mấy ngài “chống Cộng cực đoan ở đây  chửi bới tôi không tiếc lời, chửi tôi với lý luận rất đơn giản “NT ca ngợi thằng VC nằm vùng TCS, thì nó cũng nằm vùng Hải ngoại luôn”( đúng là “tam-đọan luận”rất dễ dãi) chỉ vi tôi nói TCS “Thiên tài” ?Người ta Thiên tài thì nói thiên tài chứ sao, cái bàn thì gọi nó là cái bàn, chứ anh có gọi nó là cái ghế được đâu?…Còn chuyện TCS dùng cái “tài” để làm gì thì đó là việc khác không dính gì tời Thiên tài cả, anh ta phải chịu trách nhiệm trước Lịch sử, trước đồng bào miền Nam về những gì anh ta đã làm, chứ không vì thế mà gọi  anh ta là  tên “bất tài vô tướng”…như tôi, hay như các ngài được …nhất là các ngài là những tên trốn lính như TCS trước đây, làm gì có tư cách chửi bới, chụp mũ những ai từng là cựu binh tác chiến của VNCH, nên tôi có làm hai câu thơ giễu như sau:  


“Sống với Cộng-sản bị nghi là CIA
Ở với Quốc-gia phải tha cái nón cối ….”

Vì vậy, có lần đài TV C 31 ở đây phỏng vấn  tôi về vấn đề “chụp mũ” trong CĐ Tỵ nạn, tôi chỉ cười mỉm nói rằng “Trong CĐ tỵ nạn VN mình mà ai không bị chụp mũ CS mới là điều lạ, nhất là những người có chút tiếng tăm hay thẳng thắn chuộng Công lý thì lại bị chụp nhiều nhất, nhưng đầu mình đội nón sắt hai lớp,bự, nặng… quen rồi, nón cối nhẹ hều, nhỏ xíu chụp không vô đâu nha, tin đi! Đồng hương ở  đây họ tinh lắm, tên nào sao họ biết hết, đừng lo!:”


Đúng là TCS bị CS “nghi oan” vì không phải ông ta ca ngợi “SQ VNCH”, mà vì muốn trả ơn “ân nhân” nhưng lỡ ông này làm Đại-tá mà thôi, người đã giúp mình trốn lính lâu dài như vậy, thì VC phải cảm ơn TCS sao lại nghi ngờ vì nhờ quen lớn vậy mới an toàn mà hoạt ông cho CS được, nếu không  ông phải vào lính thì bó tay ngay. Ngoài ra nội dung bài hát cho Đại tá Cương chỉ thuần triết lý về lẽ vô-thường của đời sống con người sống nay chết mai chứ không hề ca-ngợi gì chiến công của ông Tá cả, như câu: “Bầu trời nào anh đã bay qua, chỉ còn lại đây trăng sáng bao la…” khác với bài “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” do Phạm Duy sáng tác là kể công người lính như câu: “Rồi anh bay lên đập vỡ bạo quyền…” dù bạo quyền đây là chỉ chế độ ông Diệm mà hẳn ông Duy không ưa …Còn chuyện “nội chiến” thì đúng rồi đâu có sai vì Mỹ đổ quân vào VN đầu tiên năm 1965 ở Đà nẵng sau khi VC đã vô miền Nam trước đó lâu rồi, từ khi Lê Duẩn ở Nam bộ giả vờ tập kết ra Bắc năm 54 cho hợp với Hiệp định Genève, che mắt mọi người…nhưng hắn ta  chỉ ngồi chung ghe ba-lá với vài tên cán bộ chạy vòng-vòng, giơ tay chào tạm biệt các đồng bào, đồng chí hẹn gặp lại 2 năm sau, nhưng rồi chúng lén tấp vô bờ, xong chui sâu vô bưng luôn, để tiếp tục đánh phá VNCH như báo chí VC sau 75 khai ra, coi như mánh khóe CM tuyệt chiêu để lường gạt VNCH lẫn quốc tế ngon ơ, nhờ vậy mới  thành công vĩ đại  năm 75 được… Ngay cái Nghĩa trang to lớn giữa lòng thành phố Qui-nhơn mà tôi từng có dịp ngang qua khoảng năm 1957 thấy hàng-hàng lớp-lớp mộ bia chôn ngay ngắn giữa có cái đài tưởng niệm khá cao ghi “Tổ quốc ghi công” (khác với “Tổ quốc ghi ơn” như VNCH), tôi có ghé vào xem mấy tấm bia thấy họ ghi tên tuổi liệt sĩ đàng hoàng, nhưng dưới thời VNCH sau này người ta bới lên thấy toàn là súng đạn bên dưới, không có cái xác nào cả, mới biết đây là ý định VC dự bị cho những cuộc nổi dậy ngày sau  này….Nghĩa trang bị QG san bằng làm cái sân Tennis, thì VC ngoài Bắc lên án VNCH  vi phạm Hiệp định Genève …Sở dĩ VNCH làm vậy, vì dân Qui nhơn thiếu gì người ghét CS nên họ khai ra với chính quyền QG, vì VC làm nghĩa trang này chỉ vào ban đêm mà thôi (vì sợ dân thấy như bản chất VC lâu nay, cái gì cũng làm ban đêm hết) và trong thời gian rất ngắn như người bà con tôi ở đó kể lại, để kịp xuống tàu Liên xô tập kết ra Bắc ở cảng Qui nhơn triển hạn 100 ngày …Năm 73 ký hiệp định Paris, Mỹ rút quân về hết, sao VC vẫn tấn công tới tấp VNCH đến năm 75, vậy thì “chống Mỹ” gì nữa , nếu không nói là “nội chiến”?..Từ 30/4/75 TCS đã lộ nguyên hình là tên CS nằm vùng thứ thiệt khi nhảy lên Đài phát thanh SG hát bài “Nối vòng tay lớn”, vội-vã tới mức không kịp mang theo đàn  mà vẫn hát…nhưng nặng tội hơn khi chửi người bỏ nước ra đi là “phản quốc” …không khác gì lão Phạm Văn Đồng trả lời Báo ngoại quốc về  người Vượt biên rằng :“Họ chỉ là những tên ma-cô đĩ điếm chạy theo đế quốc kiếm bơ thừa sữa cặn mà thôi” . Ở thời đầu từ 75, TCS được nhiều ân sủng khi Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, ông này có người vợ bé tên Cầm, vốn người Huế du học Liên xô, rất mê nhạc TCS nên Kiệt “ăn theo” vì vậy rất dễ-dãi với TCS, sai người chở gạo tới gia đình TCS trong thời buổi dân Nam chỉ ăn bo-bo cầm hơi …và cấp cho TCS căn biệt thự ở đường Duy Tân sang trọng nhất Sài gòn… Từ chỗ quen lớn này TCS bắt đầu xa cách với anh em …Có người kể trên báo rằng anh ta có đến nhà TCS chơi thấy tấm hình chụp TCS và Kiệt “câu cổ” nhau, cười toe-toét được phóng lớn to bằng người thực để nơi phòng khách nhà TCS!!??…Không biết đúng hay không, dù tôi có được xem tấm hình này rồi hai người gắn bó nhau như bạn tâm giao …Nói thực, khi biết vậy thì tôi rất bàng hoàng bởi vì sao TCS lại hành động tệ như vậy, ông đâu phải cần làm cái trò “nhát khỉ” này qua một người tiếng tăm đầy quyền lực như ông Kiệt ? Đồng ý có thể đó là tình cảm thực với nhau, không ai cấm TCS mến ông Kiệt đến vậy và ngược lại, nếu vậy thì hình chỉ nên để trong phòng riêng của mình mà thôi, sao lại phóng lớn đem chưng ở phòng khách ?Chính vì chỗ quen lớn này, nên lão Kiệt khi thấy các bậc trí thức miền Nam vượt biên khá nhiều, trong đó có vụ vượt biên nổi tiếng bị bắt lại, rồi bị tù của Gs Châu-Tâm-Luân chủ bút báo Bách khoa khét tiếng SG, thì Kiệt bảo TCS viết bài nhạc để giữ “chất xám” lại, TCS làm ngay với bài “Em còn nhớ hay em đã quên?. hoàn toàn “mị” dân…với những câu nghe rất xạo xự: “Em ra đi nơi này vẫn thế…vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi …” làm gì có “sống thiết tha”(ngoại trừ ông được CS ưu ái, chứ dân ai cũng muốn zọt hết) nhất là thập niên 80 là lúc dân miền Nam vượt  biên nhiều nhất vì đã “thấm đòn CS” thành phố Sài gòn làm gì đẹp đẽ như vậy, khi toàn ăn bo-bo, toàn lê-lếch Chợ trời, chân dép nhựa áo bà-ba gạt nhau kiếm bạc cắc qua ngày …làm sao mà vẫn sống “thiết tha” như ông được hả…? Hay “Có hàng xóm đôi khi ghé thăm”  … thời này có ai dám tới ai đâu, ai cũng nghi ngờ nhau, tình lân-tuất coi như đã hết , ngoại trừ Xóm trưởng ưa tới để kêu đi đào mương, hay Công-an  khu-vực đến để coi ai ở lậu thì bắt rồi vòi tiền …TCS chỉ nói một điều đúng thôi: “Dưới hiên nhà, nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh  …” điều này thì trước 75 không hề có …nhưng sau 75 thì người ta có thể giành nhau bắt cá sau những cơn mưa trên phố SG.… Rồi TCS sáng tác những bài hô hào Thanh niên Xung phong đi thành lập những khu “Kinh tế mới”  để lưu đày những gia đình “Ngụy” khi chúng đã bắt chồng con họ nhốt lao-cải ngoài Bắc như bài “Em ở Công trường, em ra biên giới” gì đó, thì quả tình TCS can tội ác đồng lõa diệt cho kỳ hết những “Tàng dư Mỹ-Ngụy” (tàng: không thấy, dư: còn lại …) ……
Nhưng, theo tôi,  trong TCS vẫn còn chút lương tri nhỏ bé nào đó, hay bất mãn vì bị bạc đãi so với công khuyển mã của mình với CS nên ông ta đã biết dừng lại, thay vì ăn-năn hối cải chống lại chế độ CS, như ông từng chống VNCH trước đây, thì ông chỉ ẩn mình trong thuốc lá, rượu chè hà-rầm đến độ gia đình ông phải cấm bạn bè rủ TCS đi uống rượu, rồi ông ngưng sáng tác luôn khi báo phỏng vấn ông thì ông trả lới rằng “Trong suốt hai 20 năm tôi chả sáng tác được bài nào mới là việc lạ” chứng tỏ ông đã chán chường lên tận đỉnh về xã hội mà ông từng mơ tưởng và bồi đắp này …Có một số bản nhạc lời lẽ và âm điệu rất chán chê, mệt mỏi, hết xíu-quách … không biết ông làm từ lúc nào nhưng biết chắc là khoảng cuối đời ông như bài “Ở trọ”(sống trên đất nước mình mà như ở đậu) nhất là bài “Tiến thoái lưỡng nan” rõ nhất, nhạc  thê thảm, vì những lời nhạc ủ-ê thất vọng “Tiến thóai lưỡng nan đi về lận đận …” thì rõ ràng ông là người không có nơi nào dung thân nữa, bởi vì với CS coi như chúng nó bỏ ông, không tin, không xài ông, lạng quạng nó nhốt ngay … còn bạn bè thân tình ai mà dám chơi với người phản trắc như ông, dân QG dù trong nước hay Hải ngoại chửi không tiếc lời đúng là “lận đận” đúng là “lưỡng nan”: lui không được tiến không xong …vò võ một mình cho tới ngày xuôi tay…



Và, điều cuối cùng: tôi có chút băn-khoăn dù rất mê nhạc TCS nhưng tình cờ tôi có nghe một bài nhạc tên “Rừng thương biển nhớ” của một nhạc sĩ lão thành sinh năm 1923 (TCS sinh năm 1939)cũng là người Huế rất nổi tiếng ở miền Nam là Châu-Kỳ, (chắc cùng lứa với mấy nhạc sĩ Tiền chiến thời Âm nhạc VN theo Tây phương mới bắt đầu như Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn) …là chồng của Ca sĩ Mộc Lan (cùng lứa với Tâm Vấn, Kim Tước …Minh Trang) hay hát trên đài Pháp Á thì biết họ “xưa” đến ngần nào …Thời xưa này cặp song ca ăn khách nhất là Ngọc Cẩm/ Nguyễn Hữu Thiết đã trình bày nhạc phẩm “Rừng thương biển nhớ” này rồi, chứng tỏ bài nhạc này xuất bản đã lâu…Bài này có mấy câu trùng với bài “Biển nhớ” của TCS sáng tác khoảng năm năm 62 trở đi vì lúc này ông đang học trường Sư Phạm tiểu học ở Qui nhơn , là thành phố Biển …Những câu trong bài “Rừng thương biển nhớ” của Châu-Kỳ là:  “Từ ngày anh ra đi, biển nhớ tên anh gọi về …gọi anh qua mấy sơn khê…”   còn trong bài “Biển nhớ” của TCS là “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về ….Trời cao níu bước sơn-khê…”   thì chúng ta phải giựt mình ngay . Tôi có tra cứu hai bản nhạc này để tìm thực hư, nhưng không thấy năm viết hay năm in tác phẩm…thành ra chỉ chiếu theo tuổi của 2 Tác giả trước tiên thì TCS nhỏ hơn Châu Kỳ tới 16t (1923 và 1939) và bản nhạc của Châu Kỳ  do cặp song ca “Lão thành”  Ngọc-Cẩm /Nguyễn Hữu Thiết… hát  thì hẳn phải được phát hành trước đó nữa mới được thu-âm …còn bài “Biển nhớ” cùng lúc với bài “Nhìn những mùa Thu đi” của TCS sáng tác năm ông  học Sư phạm Qui nhơn do Khánh Ly hát thì thuộc thế hệ trẻ sau Ngọc Cẩm rất nhiều …  Vả lại, tên bài hát cũng na-ná như nhau “Rừng thương biển nhớ” và “Biển nhớ” thì chúng ta có thể thấy sự liên hệ giữa hai bài hát này rất gần gũi …khiến cho tôi thực sự ngỡ ngàng . Chưa kể có lần tôi được nghe nhà phê bình Văn học Nguyễn Hưng Quốc nói rằng “TCS nợ Bùi Giáng về Thơ không biết ông ấy biết điều này hay không?” thì tôi chợt nhớ tới câu Thơ Bùi Giáng trong bài “Mắt buồn”có câu giống y với “lyrics” nhạc TCS mà tôi không nhớ tên bài hát, là câu: “Còn hai con  mắt khóc người một con”  và hai chữ “Cố quận” Bùi Giáng rất ưa xài, mà không nhà Thơ nào có cả , cũng thường có trong nhạc TCS…Nếu trích của người khác thì nên ghi xuất xứ, hoặc chí ít phải đóng trong ngoặc kép… Về từ ngữ trùng nhau là việc thường nhưng trùng câu thì chưa thấy, ngoại trừ sự cố ý, hay vô thức mà thôi, bởi vì những câu hay, người ta ưa thuộc lòng nên nó trở thành vô thức, khi sáng tác nó tuôn ra Tác giả không hề hay biết …Được biết thuở sinh thời TCS và Bùi Giáng rất thân với nhau bởi nể vì tài, và rượu …mỗi bữa rượu TCS  đều mời Bùi Giáng và luôn dặn câu: “Ngồi yên mà uống, đừng quậy nha” thì Bùi Giáng rất ngoan ngồi yên bởi tính nhà Thơ này rượu vô là ưa múa tay chân… Bùi Giáng là dân Quảng Nam chính thống, từng chăn dê thờiVM …và rất ghét CS, nên năm 75 ông dắt bầy chó nhiều con mà mỗi con ông dán tên của mấy lãnh tụ miền Bắc khiến Công an đánh ông cũng nhiều vì nghi ông điên giả chửi chế độ…Người ta kể có lần nghe Bùi Giáng nói giọng Quảng rặc, khi giải thích 3 chữ “TCS” rằng: “TCS  nghĩa lòa thèng cận soản ..”(chữ TCS nghĩa là ba chữ viết tắt của“thằng cộng-sản”) ám chỉ TCS “nằm vùng” ai nghe cũng tức cười vì chả hiểu gì hết với cái giọng đặc biệt ấy dù ông xa xứ bao lâu vẫn để nguyên giọng Quảng mà không bị lai chút nào …Không phải lúc nào ông cũng điên mà điên có cơn … 
  
                                

 Tôi rất tiếc cho một người có tài như TCS, mà chọn sai lý tưởng, có lẽ ông mê CS qua sách vở mà thôi, vì ông vốn dân trường Tây mà, làm sao không đọc Jean  Paul Sartre, Albert Camus, André Gide và Bertrand Russell …những nhà Văn kiêm Triết gia  khét tiếng của nước Pháp này (3 ông đầu) đều được giải Nobel và ông Toán gia nước Anh (người chót) hầu hết là đảng viên CS, hay ít nhất là thân Cộng ở Châu Âu… Họ đã chung lưng lập “Toà án quốc tế” để xét tội gây chiến tranh của Mỹ ở VN, nhưng sau này họ đều ly-khai CS …khi André Gide đã du lịch Liên xô về viết cuốn “Le retour de L’Urss” (Chuyến trở về từ Liên xô) thì đúng là Gide, và nhóm này vỡ mộng CS …mà TCS thì vẫn khư-khư tin vào giấc mơ đã lỗi thời của mình nên bị hớ chứ sao, thì đã muộn …?! Bởi vì một người nổi tiếng của Tiệp-khắc từng viết “Hai mươi tuổi anh không mê CS thì anh không có trái tim, nhưng 40 tuổi mà anh không bỏ CS thì anh không có cái đầu “, TCS thuộc loại thứ hai này mà thôi …nên phải “tiến thoái lưỡng nan” là vậy, nhưng nếu TCS “thoái” sớm mà rời “tiến” sau khi tiếp xúc thực (không qua sách vở) với  CS từ năm 75 trở đi…như tên Nguyễn-Đính SV Huế đã nằm vùng cùng nhóm với TCS rồi “nhảy núi” năm 68 Mậu thân được CS đưa ra Bắc ca ngợi như anh hùng, nhưng chỉ thời gian ngắn sau, tên này tỉnh ngộ  nên chúng nó “đì” như cái mê, đợi năm 75 trốn về quê Huế, rồi làm Thơ chửi CS không tiếc lời qua bút danh cũ là “Trần Vàng Sao” mà câu ớn nhất tôi nhớ đại khái  là: “Xứ gì  không có cứt mà ăn…” Tên này, đã lấy con gái của một SQ VNCH …và đổi hướng 180 độ, coi như chuộc tội với miền Nam phần nào…thì  so với TCS  tên nằm vùng này khá hơn nhiều, dũng cảm hơn nhiều, nếu TCS làm được vậy thì đời của ông có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn , tiếc thay!  Nhưng dù thế nào… thì tôi vẫn yêu những tình khúc của TCS, vì tôi không thể nói khác hơn… “That’s it!”. Còn lại là trách nhiệm của ông ấy đối với Lịch sử, với người miền Nam …Và, tôi cũng có làm bài thơ trách ông qua bài nhạc “Đêm thấy ta là thác đổ” mà ông đã sáng tác trước 75 trong đó có lời nhạc rất oái-oăm khi ông đang hưởng Tự do thoải-mái: “Ngồi ca hát rất tự-do” lại đi ngầm hoạt động chống nó để rước họa vào thân và cho cả nửa nước VN yêu dấu mà ông và gia đình ông đang sống sung túc: 



 CẢM-ĐỀ:

“ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ”



“Ngồi ca,

 hát rất tự-do …”



Sao,
còn không chịu, 
lại lo ngụy-hòa ?


Thảo nào,
thác đổ sau nhà…


Cuốn phăng nửa nước,
 trôi ra… dặm nghìn ?!


 *Nguyễn-Tư