Sunday 4 June 2017

CHỨNG NHÂN KHÔNG BIẾT NÓI ( Phương Lan )




CHỨNG NHÂN KHÔNG BIẾT NÓI

                                             
Hôm nay là ngày giỗ cha, nên cậu Long có mặt ở nhà.  Cậu về từ hôm trước và dự định chỉ ở lại có hai hôm, sáng mai cậu sẽ phải trở ra Sài Gòn để tiếp tục việc học, lo sửa soạn thi tốt nghiệp và trình luận án bác sĩ vào đầu tháng tới. Vì thời gian eo hẹp nên đám giỗ chỉ tổ chức nho nhỏ, thân mật trong gia đình và vài người họ hàng chứ không làm rình rang như đám ăn khao cậu ra trường cách đây mới hơn hai tháng.  Tiễn người khách cuối cùng ra khỏi cửa xong, bà Lộc mới quay vào trò truyện với con trai:
-         Sắp ra trường rồi, con đã liệu tính toán công việc làm ăn chưa?
Long gật đầu, vui vẻ:
-         Con sẽ nộp đơn lên bộ y tế, xin được điều về làm việc tại bệnh viện tỉnh nhà để có thể lo cho gia đình.
Bà Lộc vui mừng:
-         Con tính vậy phải lắm, mẹ già rồi chỉ mong không phải sống xa đứa con nào cả.  Nhưng mẹ lại không thể đi theo con được, bởi vì mẹ không muốn xa rời ngôi nhà kỷ niệm này, xa mồ mả của cha con và ông bà, tổ tiên …
Cậu Long nhìn mái tóc đã bạc hơn phân nửa của mẹ, giọng bùi ngùi :
-         Bao nhiêu năm nay, từ dạo cha mất đi, mẹ và chị đã hy sinh cho  con ăn học thành tài.  Bây giờ sẽ đến lượt con, từ nay con sẽ thay thế chị Nhạn để lo cho gia đình, chị ấy có thể yên tâm nghỉ ngơi được rồi.
Bà Lộc khẽ chớp mắt, giọng cảm động :
-         Kể ra cũng tội nghiệp cho chị con, bao nhiêu năm vất vả, tận tụy hy sinh hết cả tuổi xuân …
Bà thở dài nhìn ra bên ngoài khoảng trời mênh mông trưa nắng, nghĩ đến đứa con gái đã quá lứa, lỡ thì, lòng bà chùng lại, một niềm xót thương dâng lên làm bà mủi lòng, bà đưa tay lên dụi mắt, mắt bà đã đỏ hoe.  Cậu Long nắm lấy tay mẹ thương cảm, hai mẹ con cùng ngậm ngùi nhớ lại dĩ vãng xa xưa.
Mười bảy năm về trước, gia đình đang đầm ấm yên vui, ông Lộc bỗng đột ngột qua đời trong một cơn tai biến mạch máu não.  Lúc đó cô Nhạn mới tròn hai mươi hai tuổi và vừa mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, còn cậu Long chỉ mới lên mười.  Nhà nghèo, mẹ già mắc bệnh thấp khớp kinh niên, em còn nhỏ dại, cô Nhạn đã phải thay cha đảm đương trách nhiệm của một ngưòi chủ gia đình.  Tang ma cho cha xong, nhà cạn tiền, cô đã phải vừa đi dạy học, vừa mở lớp dạy đàn để kiếm sống, bằng cách ấy, cô đã nuôi em ăn học thành tài và lo cho mẹ được chu đáo.  Thấy chị vất vả, cậu Long cứ áy náy sợ chị buồn, nhưng cô cười vui mà rằng:
-         Suốt ngày đàn hát mà em bảo chị buồn vào lúc nào? Thôi lo học bài đi! Đừng nghĩ vớ vẩn nữa, em học giỏi là làm cho chị vui đó. 
Cô nói cũng đúng phần nào của sự thật, bởi vì làm việc vất vả suốt ngày,  ban đêm vừa đặt mình xuống là cô ngủ say như chết, đâu có thì giờ rảnh mà nghĩ đến mình, giấc ngủ rất cần thiết để lấy sức cho ngày mai tiếp tục công việc và cũng cần thiết để quên đời.
Thời gian trôi mau, tuổi xuân qua đi lúc nào không hay, giật mình sực tỉnh thấy đã lỡ thì.  Đôi lúc cô cũng cảm thấy bâng khuâng khi thấy các bạn bè cùng trang lứa lần lượt đi lấy chồng, còn cô thì vẫn một mình lẻ bóng.  Cô nổi tiếng xinh đẹp nhất tỉnh, có nhiều người theo đuổi, và cũng có nhiều đám mối mai đánh tiếng, cô cũng thấy lòng rung động, xôn xao… Như bất cứ một nguời thiếu nữ nào khác, cô cũng mơ ước một tình yêu, một người bạn đời để che chở, thương yêu, chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống.  Giá như không phải gánh nặng bổn phận, có thể cô cũng đã có một gia đình riêng ấm êm hạnh phúc.  Nhưng đó chỉ là mơ thôi, bởi vì thực tế đâu có cho phép cô làm như vậy.  Cô cho việc gánh vác gia đình là bổn phận của mình,  nếu cô đi lấy chồng, mọi việc sẽ đảo lộn hết, em cô sẽ phải bỏ học để đi kiếm sống, còn mẹ già đau yếu ai sẽ chăm lo? Cô thở dài, cố gắng dập tắt lửa lòng, từ chối mọi đám hỏi, mặc dù có một đám rất danh giá.  Cô cố gắng quên mình để chỉ nghĩ đến hai tiếng “hy sinh".
Cô sống đạo đức như một nữ tu và được dân trong vùng quí trọng, họ thường nêu gương cô trong mọi trường hợp cần để răn dạy con cháu trong nhà.  Đó cũng là một niềm an ủi, ngoài cái hãnh diện đã nuôi em ăn học thành tài đậu ra bác sĩ, đây mới chính là phần thưởng quí báu sau những năm dài làm việc vất vả, quên mình để lo cho em.  Ngày cậu Long tốt nghiệp cách đây gần ba tháng, cô mở tiệc ăn khao thật to,  mời đông đủ họ hàng, bà con lối xóm không thiếu một ai.  Hôm đó cô vui lắm, cô đàn piano và hát rất hay.  Bữa nay trái lại, ngày giỗ cha, cô có vẻ buồn dàu dàu, biếng nói biếng cười.  Cô gượng gạo đi lại chào hỏi mọi người cho có lệ, xong xuôi cô rút vào phòng riêng đóng cửa lại, cô cứ ở miết trong đó không chịu ra ngoài. Cậu Long lo lắng hỏi mẹ:
-         Chị Nhạn làm sao vậy? con thấy chị có vẻ không vui.
Bà Lộc gật đầu:
-         Ừ, mấy lúc gần đây dường như nó có chuyện gì lo nghĩ, nhưng khi mẹ hỏi thì nó lại trả lời là không sao cả.
-         Hay là chị ấy không được khoẻ? con thấy nét mặt chị có vẻ xanh xao và hình như hơi bị sút cân.
-         Mẹ cũng thấy thế .
-         Hôm qua con hỏi thì chị nói chỉ bị cảm xoàng do thời tiết.
-         Cũng có thể, vì bây giờ đang là mùa cúm, chính mẹ cũng thấy uể oải khó chịu .
Nhưng buổi chiều không thấy cô ra ăn cơm, bà gõ cửa phòng và giật mình khi nghe thấy tiếng khóc tấm tức ở bên trong.
-         Mở cửa cho mẹ!  Bà gọi.
-         Đừng vào!  Cô nói vọng ra, con không muốn nhìn thấy ai hết trong lúc này.
-         Có chuyện gì thế? con không sao cả chứ?
-         Con đã nói là con không sao mà.  Cô gắt lên.
-         Thì cứ mở cửa cho mẹ!
-         Cửa không  khóa, mẹ muốn vào thì vào.
Cô Nhạn ngồi ở trên giường, hai chân thòng xuống đất, dáng vẻ mệt mỏi và hai mắt có quầng thâm.  Bà hỏi giọng lo lắng:
-         Con làm sao thế? ốm rồi à?
-         Con chẳng đau ốm gì hết, mẹ ra đi để cho con yên!
-         Mẹ không thể an tâm được thấy con ở trong tình trạng như thế này.  Con có điều gì lo nghĩ cứ nói cho mẹ biết, mẹ sẽ giúp con tìm cách giải quyết .
-         Giải quyết cách nào đây?  Lạy Chúa tôi!  Cô bật lên khóc nức nở, mẹ ơi! con chỉ muốn chết.
Bà Lộc sợ hãi, tim bà nhói lên, câu chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn là bà vẫn tưởng.  Chờ một lúc cho cơn xúc động của cả hai mẹ con cùng qua đi, bà mới nhẹ nhàng khuyên :
-         Con đừng dại dột, có chuyện gì cũng để từ từ sẽ tìm cách cứu vãn, con chết chỉ thiệt thân.
Bà mủi lòng rơm rớm nước mắt:
-         Cha con mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con.  Em Long ở xa, con có bề gì mẹ làm sao sống?
Bà nghẹn ngào đưa tay lên quệt nước mắt, cô Nhạn bỗng quì xụp xuống dưới chân bà:
-         Con lạy mẹ xin hãy tha thứ cho con tội bất hiếu, con đã làm một điều xấu hổ cho gia đình nhà mình và cho thanh danh của riêng con …
Bà Lộc run rẩy, tới đây thì bà đã lờ mờ đoán hiểu, bà đứng chết lặng chờ nghe con nói hết.  Cô Nhạn úp mặt vào hai bàn tay che dấu sự nhục nhã, cô thều thào nói không ra hơi:
-         Mấy tháng nay con đã đau khổ nhiều rồi.  Xin mẹ hãy giúp con, đừng để con phải kéo dài cái đau khổ này thêm lâu nữa.
-         Mẹ giúp con cách nào?
-         Xin mẹ hãy cho con một liều thuốc độc.  Xin mẹ đừng ngăn cản,  cứ để cho con chết.  Chỉ có cái chết mới giúp con giải thoát, chỉ có cái chết mới có thể rửa sạch được vết nhơ và bảo toàn được danh giá cho gia đình.
Bà Lộc chảy nước mắt, nghe đau đớn như có ai bóp nghẽn con tim:
-         Làm sao mẹ lại có thể giúp con đi tìm cái chết?  Mà việc gì phải chết chứ? Nhưng thật ra con đã làm gì?
Cô Nhạn ngập ngừng một lúc rồi thu hết can đảm, cô bật nói lên lời thú tội:
-         Phải mẹ ạ, con đã lỡ lầm, con đã làm một điều không thể tha thứ. Con, con… có thai gần ba tháng rồi.
Mặc dù đã lờ mờ đoán hiểu từ lúc nãy, bà Lộc vẫn không khỏi hoảng kinh khi nghe chính miệng con bà nói ra những lời thú tội vừa rồi.  Sau phút giây bàng hoàng, mặt bà tái nhợt đi như người sắp chết, bà lắp bắp nói không ra hơi :
-         Chuyện xảy ra như thế nào? Hãy nói cho mẹ biết thằng đó là ai?
Cô lắc đầu, giọng khổ sở:
-         Con không thể nói được, nói ra không ích gì càng thêm nhục nhã.  Lỗi tại con cả.
Cô cúi gằm đầu xuống, nét mặt lạnh như đông đá.  Bà Lộc vẫn đứng chết trân, đăm đăm nhìn con gái, ngẩn ngơ tự hỏi đây là sự thật hay bà đang nằm mơ?  Có thể như vậy được sao? đứa con gái nết na ngoan hiền của bà, người thiếu nữ được xem như gương mẫu nhất tỉnh, một biểu hiện cho sự đứng đắn, đoan trang, lại có thể sa ngã đến mức đó sao? Suốt cuộc đời của nó từ khi khôn lớn, nó đã giữ gìn phẩm hạnh, nay đến tuổi gần bốn mươi chợt bỗng dưng đổ đốn?  Chuyện khó tin nhưng mà có thực, chính miệng nó vừa thú thực là nó đang chửa hoang. Trời ơi! làm sao hiểu nổi? cái gì đã làm nó sa ngã?  Nếu tính nết trăng hoa thì tại sao lúc tuổi còn thanh xuân nó chẳng hề bồ bịch gái trai?  Nó đã từ chối bao nhiêu dám hỏi, cương quyết không chịu lấy chồng, giữ mình trong sạch, sống khắc khổ, đạo đức như một nữ tu… Chẳng lẽ tất cả đều là màu mè? chẳng lẽ tất vả đều là giả dối để che dấu những nổi loạn ở bên trong?  Bà hoang mang vô cùng, tự hỏi làm sao tìm ra nguyên do?
Cô Nhạn bỗng ngẩng đầu lên, bắt gặp tia mắt ngờ vực của mẹ, cô vừa xấu hổ nhục nhã, vừa tức giận, nổi nóng hét lên:
-         Mẹ ra đi, ra ngay đi! ra mà kể hết cho thằng Long, rồi hai người muốn làm gì con thì làm.
Bà Lộc giật mình, ra khỏi trạng thái mụ mẫm.  Bà nhìn con mà lòng đau như dao cắt, nó đã bôi gio trát trấu vào mặt bà, mai đây câu chuyện vỡ lở ra, làm sao bà dám ngẩng đầu nhìn thiên hạ?  Ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé, đầy những thành kiến này, một biến cố nhỏ cũng đủ làm đề tài để người ta xì xào bàn tán.  Gia đình bà ở đây đã lâu, được tiếng thơm từ mấy đời, nay bỗng dưng có cô con gái chửa hoang, đẹp mặt chưa?  Nó nói đúng, chỉ có cái chết mới ém nhẹm được mọi chuyện và giữ cho danh giá gia đình khỏi bị tổn thương.  Nhưng bà đành lòng nào coi trọng danh giá hơn mạng sống của con mình, nó đang ở trong trạng thái tuyệt vọng, làm sao bà có thể bỏ mặc nó được? Không, thà là mất danh giá, chứ bà không thể đang tâm nhìn con đi tìm cái chết, bà phải tìm cách cứu nó trước khi quá muộn, nó có thể làm chuyện liều lĩnh.  Bà bước ra cửa như một người máy, cô Nhạn vẫn ngồi im không cử động, bà vừa ra khỏi cửa, cô thả rơi người xuống giường, mệt mỏi thiếp đi.
                                                                                  
*         *         *                                                
Sau khi nói ra những lời thú tội, cô cảm thấy kiệt sức, bao nhiêu sinh lực trong người dường như tiêu tan cả.  Giây phút kinh khủng đã qua rồi, giờ chỉ còn lại sự trống rỗng, cô không biết phải làm gì nữa, đã đi đến mức tận cùng của sự đau khổ, cô dửng dưng chờ đợi mọi việc sắp xảy tới, cho dù có tồi tệ đến đâu chăng nữa.  Nhớ lại nét mặt thảm não của mẹ, cô cảm thấy tội lỗi vô cùng.  Bao nhiêu năm cố ép mình làm một người cao thượng, cô đã phải cố gắng đè nén những rạo rực của thể xác, dẹp tan những ước mơ về một hạnh phúc riêng tư, để chỉ nghĩ đến bổn phận.  Cô cho việc tạo dựng tương lai cho em và giữ vững nếp nhà mới là quan trọng.  Sự thành công của em là một nguồn an ủi lớn lao cho cô, nhưng đồng thời cũng làm cho cô bâng khuâng suy nghĩ, em cô bây giờ đã tốt nghiệp với một địa vị cao sang, nó có thể tự lập và nuôi mẹ được rồi, không ai cần đến cô nữa.  Cô cảm thấy rõ rệt bây giờ mình chỉ là một người thừa, một cái bóng lẻ loi trên sa mạc mênh mông.
Cô thấy cô đơn vô cùng, ngoảnh nhìn chung quanh, các bạn bè đã có gia đình riêng cả, nhìn hạnh phúc của họ, cô cảm thấy ghen giận vu vơ và tủi cho phận mình.  Một nỗi buồn xa vắng xâm chiếm tâm hồn, làm cô mất đi cái vẻ hồn nhiên vô tư, tính tình cũng thay đổi, trở nên trầm lặng ít nói.  Cô chỉ thích làm bạn với cây đàn, cô đàn hay tuyệt vời, trong đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn của cô nghe buồn não nuột.  Nhưng hôm lễ ăn khao ra trường của cậu em, cô cảm thấy vừa cảm động vừa bồi hồi sung sướng lạ lùng, cái sung sướng của một người vừa làm xong bổn phận.  Cô mặc một cái áo đẹp nhất, đứng bên mẹ và em cùng nhận những lời chúc mừng.  Mọi người nâng ly, cô cũng nhấp thử một chút rượu ngọt.  Rượu không đủ mạnh để làm say, nhưng vì không quen uống rượu nên cô cảm thấy chóng mặt, và người thì nóng bừng, cô cáo lỗi với khách rồi vào buồng riêng để nghỉ ngơi.  Ngồi một lúc, cơn chóng mặt qua đi, cô thấy người lâng lâng dễ chịu, bèn đến bên cây đàn, cô ngồi xuống, lướt nhẹ những ngón tay trên phím ngà, dạo một bản tình ca du dương.  Cô đàn một cách say sưa, hồn như bay bổng theo tiếng nhạc, cô đàn hết bản này tới bản khác.  Chợt có tiếng động ở bên ngoài, cô ngẩng lên và trông thấy một cậu trai đang đứng ngây người sau cánh cửa để nghe trộm.  Bị bắt chợt, cậu ta ngượng ngùng xây lưng định bỏ đi, cô thương hại vẫy lại, an ủi:
-         Không sao đâu, đừng ngại.
Rồi tò mò, cô hỏi:
-         Cậu là ai? có việc gì ở đây?
Cậu ta chắp tay lễ phép đáp:
-         Thưa cô, cháu là người đi giao bánh cho buổi tiệc hôm nay.  Xong việc đi ngang qua đây, thấy cô đàn hay quá nên dừng lại để nghe.
Cô cười vui vẻ:
-         Cậu thích nghe nhạc lắm à?
Cậu ta lắc đầu, thực thà nói :
-         Cháu ít khi nghe nhạc, thỉnh thoảng chỉ nghe trong radio thôi.  Hôm nay là lần đầu tiên cháu được nghe tiếng đàn piano ở ngoài đời.  Cô đàn hay quá, nghe sướng như lên tiên.
-         Thât vậy sao?  Cô mỉm cười, nếu thích thì vô đây, tôi cho phép cháu vào phòng để nghe tôi đàn.
Sung sướng lộ ra trên nét mặt, cậu ta không do dự bước ngay vào phòng.  Khép nhẹ cửa lại, cậu bước tới gần và đứng ngay sau lưng cô.  Cô lại tiếp tục đàn, trước hết là một bản luân vũ, tiếp theo là một bản dân ca với những nốt láy rất khó, cô chăm chú dạo đàn, không để ý gì đến chung quanh.  Đột nhiên cô cảm thấy một hơi thở làm nóng ran một bên má, và bất thình lình một vòng tay ôm choàng lấy cô từ phía sau lưng, hai cánh tay khoẻ mạnh quấn chặt lấy cô như những cái vòi của con bạch tuộc, cậu trai lạ mặt đè cô xuống sàn nhà. 
Bất ngờ quá, cô không kịp đẩy hắn ra, một luồng điện từ thân thể hắn truyền qua làm cô bủn rủn, người cô nóng bừng một cảm giác ham muốn, rạo rực chưa từng có, cô nằm im không chống cự.  Sự việc xảy ra như thế, tuy bị tấn công trước, nhưng trong thâm tâm, cô phải công nhận là cô đã đồng ý hợp tác với hắn trong hành động tội lỗi, bởi không, nếu cô la lên thì hắn sẽ phải bỏ chạy lập tức, vì khách khứa đông đảo ngoài kia sẽ nghe thấy và vào tiếp cứu, tên hiếp dâm sẽ bị bắt ngay tức khắc.  Nhưng cô đã im lặng, một cử chỉ biểu đồng tình, còn có cách gì để bào chữa?  Ôi thân xác tội tình! ngọn lửa dục bao nhiêu năm đè nén bây giờ bùng lên như một ngọn đuốc, thiêu rụi hết mọi thứ: nhân cách, phẩm giá, danh dự…
Không ngờ chỉ một phút sa ngã mà dẫn đến một hậu quả thật khủng khiếp.  Mấy tháng qua cô sống trong dằn vặt, lo âu.  Khi biết mình có thai, cô hoảng sợ, nghĩ đến cái chết.  Nhưng chết bằng cách nào? cô rùng mình, cái giải pháp sau cùng đó không phải là dễ thực hiện, cô cứ nấn ná hoài vì chưa đủ can đảm.  Bây giờ sự việc đã bị phát giác, ý chí muốn chết lại thôi thúc, cô nằm nghĩ ngợi lan man về các cách tự tử.  Buổi chiều trôi qua lúc nào không hay, cô vẫn nằm im trong bóng tối, suy nghĩ.  Thình lình đèn bỗng bật sáng, cô giật mình khi thấy cửa bật mở và cậu Long bước vào, vẻ mặt vừa giận dữ vừa đau khổ, cậu nói như rít lên:
-         Em cam đoan với chị em sẽ bắt hắn phải lãnh trách nhiệm, chỉ cần chị cho em biết hắn là ai?
-         Không ích gì!  Cô đăm đăm nhìn lên trần nhà nói như rên, chị không thể lấy hắn ta được.
-         Sao thế? hắn có vợ rồi à?
-         Không, nhưng…
-         Hắn còn sống hay đã chết?
-         Em muốn biết để làm gì?
-         Chỉ cần hắn còn sống, hắn bắt buộc phải cưới chị.
-         Ồ không em ơi! không thể có chuyện đó.  Chị không muốn nhìn thấy mặt hắn…
-         Nhưng còn đứa bé trong bụng chị? nó phải có cha.  Chị hãy nói đi,  hắn là ai?
-         Chị không muốn nói, đừng bắt buộc chị.
-         Chị phải nói!  Cậu thét lên, nếu không em sẽ bỏ học, không thi cử, không trình luận án gì hết.  Ngày mai em sẽ không đi Sài Gòn, em ở lại đây, bằng mọi cách tìm cho ra cái thằng khốn nạn.
Mắt cậu đỏ ngầu đầy những gân máu, hai tay cậu nắm chặt như muốn bóp nát một cái gì. Trước vẻ hung dữ của em, cô sợ hãi van lơn:
-         Chị lạy em, đừng bỏ học.  Em làm thế chị càng thấy mình có tội.
Nói xong cô oà lên khóc, cậu Long dịu nét mặt lại, nhìn chị có vẻ ân hận:
-         Chị đừng khóc!  Em xin lỗi, tại em nóng nảy quá, em chỉ muốn giúp chị.
-         Chị biết.  Cô gật đầu, đưa khăn lên chậm nước mắt, nói ra sẽ nhục nhã lắm, nhưng thôi để chị nói, chị còn mặt mũi đâu mà giữ thể diện?
Bằng một giọng vắn tắt, cô thuật lại câu chuyện, rồi cúi mặt buồn bã nói:
-         Đấy em xem câu chuyện nhục nhã như vậy, chị có chết cũng  
     không rửa sạch hết tội lỗi…
-         Ô không ! chị đừng mặc cảm như thế, chị không có tội gì cả.  Đối với em, chị vẫn là một người cao cả nhất, thánh thiện nhất.
Cậu nắm vai chị bóp nhẹ, vỗ về, hai chị em cùng dơm dớm nuớc mắt.

*        *          *
Cậu Phước sống cùng cha mẹ và sáu đứa em trong một căn nhà gỗ siêu vẹo ở trong lòng một ngõ hẻm tối tăm.  Cha làm thợ mộc, mẹ bán rau ở ngoài chợ, làm quần quật mà vẫn không đủ ăn, nên mấy đứa em của cậu đều phải nghỉ học từ khi mới biết đọc, biết viết, để đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Riêng Phước may mắn hơn, ngoài giờ làm việc vào buổi chiều ở trong lò bánh mì, buổi sáng cậu được cắp sách đến trường.  Cha cậu không muốn cho đứa con trai duy nhất trong gia đình nối nghiệp cha làm nghề thợ mộc, nên cô gắng cho con đến trường để kiếm chút chữ nghĩa.  Ông hy vọng sau này nó sẽ thành một thầy thông, thầy ký hay ít nhất cũng thành một ông giáo làng để ông nở mặt nở mày với thiên hạ.  Nhưng cậu Phước không thích học và học rất dốt, những bài sử ký, địa dư sao mà khó nhớ, vạn vật thì rắc rối, các môn lý hoá thì khó hiểu, lại còn những bài toán hóc búa tìm không ra đáp số làm cậu điên cái đầu.  Cậu chỉ muốn được tự do rong chơi, đi đó đi đây, thoát khỏi cái nhà chật chội tối tăm với bầy em lúc nhúc như trong ổ chuột, thoát khỏi bà mẹ lúc nào cũng la mắng quát tháo luôn miệng.  Hàng ngày, xong công việc nhào nặn bột, bỏ vào lò nướng và đi giao bánh, cậu thường hay lang thang ra bến xe đò, ngắm thiên hạ lên xuống xe với một vẻ thèm thuồng.  Cậu lân la trò chuyện với bác tài xế, và mơ ước địa vị của ông ta để được đi đó đi đây.  Chỉ trừ những bữa cơm, cậu ít khi có mặt tại nhà, nhưng từ hôm xảy ra câu chuyện, cậu sợ hãi không dám chường mặt ra ngoài.
Lúc thấy hai mẹ con bà Lộc gõ cửa, cậu hốt hoảng rỉ tai mẹ ra nói cậu đi vắng.  Dặn mẹ xong, cậu lủi ngay vào nhà trong, nép mình sau cánh cửa để nghe ngóng.  Bà mẹ lúc đầu ngớ người ra, không hiểu gì cả, sau khi nghe thủng câu chuyện, bà tưởng bị bắt đền nên sợ hãi nói:
-         Cái thằng trời đánh nhà tôi dám làm cái chuyện tày trời đó sao? để tôi sẽ cho nó một trận.  Hay là…bà và cậu đây cứ tẩn cho một trận cho nó chừa, tôi hứa sẽ không can thiệp đâu.
Ông bố khôn ngoan hơn, thong thả nói:
-         Để tôi hỏi lại nó xem sự việc xảy ra thế nào đã.
Thế rồi sau khi hội ý với cậu quí tử, họ thay đổi thái độ liền.  Bằng một giọng bình tĩnh, bà mẹ cười nhạt:
-         Đừng đổ lỗi cho con tôi, nó còn nhỏ dại đâu đã biết gì?  Chính cô ấy đã dụ dỗ nó, con trai mới lớn còn khờ dại lắm, đâu đã biết đề phòng.  Cô ấy mời nó vào phòng riêng khiêu khích nó, làm sao nó cưỡng lại được?  Nếu cô ấy không thuận tình, thì tại sao không la lên? bây giờ lại đổ cho nó tội hiếp dâm.  Nói thế ai mà nghe cho được? đời thuở nào một đứa con nít lại đi dụ dỗ một người đàn bà lớn tuổi bằng mẹ mình?
Trước những lời lẽ chua ngoa gần như xỉ nhục đó, cậu Long nóng mặt đứng bật dậy.  Nhưng bà Lộc vội vã ấn cậu ngồi xuống, phải nhẫn nhịn, nếu không thì sẽ hỏng việc, bà từ tốn nói:
-         Chúng ta không nên nói đến việc lỗi phải trong lúc này.  Tôi đến đây hôm nay không có ý bắt đền, mà chỉ muốn dàn xếp.  Tất cả chỉ vì đứa bé trong bụng con Nhạn, nó cần phải có cha, vì thế tôi đề nghị một đám cưới…
À ra thế, hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm, bộ óc xảo quyệt của họ làm việc rất nhanh, họ hiểu rằng họ đang ở thế thượng phong nên tha hồ bắt bí.  Nghĩ vậy nên ông bố lắc đầu, làm bộ từ chối:
-         Làm như vậy chỉ có gia đình chúng tôi chịu thiệt thòi.  Bắt nó lấy một cô gái già gấp đôi tuổi nó là không công bằng.  Hơn nữa, nó là cột trụ chính trong gia đình, nếu nó đi lấy vợ, ra riêng thì chúng tôi biết trông cậy vào ai?  Nó là người làm ra nhiều tiền nhất để phụ giúp cha mẹ...
Bà Lộc mỉm cười chua chát, là người từng trải nên bà hiểu liền, nhưng chỉ ôn tồn nói:
-         Chúng tôi hiểu ông bà có hoàn cảnh khó khăn, nên đã tính trước, chúng tôi sẽ không để ông bà phải bận tâm lo nghĩ.
Cuộc điều đình lúc đầu xem ra khá gay go, nhưng sau cùng cũng đi đến ổn thoả.  Bà Lộc hứa sẽ trả hết chi phí cho đám cưới, ngoài ra còn cho hai vợ chồng một món tiền lớn để mua nhà ra ở riêng.
Cả tỉnh xôn xao bàn tán về cái đám cưới kỳ lạ: chú rể mới mười tám, còn cô dâu đã gần bốn chục tuổi.  Bao nhiêu sự nể trọng trước đây đối với cô giáo Nhạn, bây giờ đổi ngược lại là sự nhạo báng, chê cười.
Đám cưới chỉ tổ chức đơn giản ở trong nhà thờ, nhưng thiên hạ đi xem thật đông, đứng chật hai bên đường.  Chú rể Phước mặt non choẹt, trông có vẻ ngượng nghịu, lúng túng trong bộ lễ phục dành cho đám cưới, lần đầu tiên mặc âu phục, cậu cảm thấy ngứa ngáy, không thoải mái tí nào.  Nhưng cậu cảm thấy sung sướng được ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng có máy lạnh,  có tài xế cầm lái, thỉnh thoảng cậu lại liếc nhìn qua cửa kính xe những người đang đứng xem với một vẻ hãnh diện. Theo sau cái xe cậu đang ngồi là những xe trong đó có cha mẹ cậu, các em cậu và mấy chục người họ hàng,  tất cả đều ăn mặc rất diêm dúa.  Cả đoàn người xanh đỏ nhiều màu đó đang trên đường đi đến nhà thờ để dự lễ cưới, mọi người cười nói ồn ào, chỉ riêng có cha mẹ cậu là làm ra vẻ đạo mạo nghiêm trang.  Không phải sao? chẳng gì họ cũng là thông gia của một gia đình danh giá nhất tỉnh, người cha đã quá cố, khi xưa là quan đốc học, tốt nghiệp tận bên Tây, cậu con trai vừa ra bác sĩ, nay mai về tỉnh nhà mở phòng khám bệnh, tha hồ mà hốt bạc, cô chị - bây giờ là con dâu của họ - là giáo sư vừa dạy học vừa dạy đàn, làm ra khối tiền.  Con họ được vào làm rể nhà ấy khác nào chuột sa chĩnh gạo, tha hồ mà nhờ vả, ấm cái thân, chỉ tiếc là cô ta già quá, nếu không thì thập phần hoàn hảo.  Nhưng biết đâu đó mới là cái hay, bởi vì già thì sẽ chết trước, con họ sẽ hưởng hết gia tài, tha hồ giàu có.  Lúc đó lại chẳng có gì ràng buộc, nó có thể tự do lấy vợ khác vừa trẻ vừa đẹp, mặc sức sung sướng, cái thằng bé đến là có phước, đúng như cái tên của nó.
Cả bọn đến nhà thờ hơi sớm một chút, nửa giờ sau phía bên nhà gái mới tới.   Cô Nhạn mặc áo cô dâu, cúi đầu đi bên mẹ, nét mặt lạnh lẽo không biểu lộ một cảm xúc nào cả.  Cậu Long lánh mặt không đi dự đám cưới.  Khi cha xứ tuyên bố hai người đã thành vợ chồng, cô oà lên khóc. 
Sau lễ nhà thờ là tiệc cưới được tổ chức ở nhà hàng, dù muốn dù không, cô vẫn bắt buộc phải ngồi bên chú rể.  Do mắc cở và ngượng ngùng, trông cậu  càng có vẻ ngốc nghếch, trong lòng cô chợt nổi lên một sự thương hại lẫn xấu hổ.  Suốt buổi tiệc, cô nói rất ít, gượng gạo cám ơn những lời chúc mừng nhạt nhẽo của mọi người.
Buổi tiệc tan, hai người trở về căn nhà mới mua của họ, cô mới cảm thấy lo sợ.  Đứng trước căn phòng được dùng làm phòng tân hôn, cô chùn chân lại,  phải ăn nằm với thằng bé đó ư? cô cảm thấy buồn nôn.  Không, không đời nào! nó chỉ là một đứa trẻ, nó chỉ đáng tuổi con mình… Cô cảm thấy sợ hãi lẫn ghê tởm, vội vã chạy thật nhanh qua phòng kế bên, khóa chặt cửa lại.
Cậu Phước tiễn khách xong quay trở vào, ngạc nhiên thấy cửa phòng tân hôn mở toang, còn cô Nhạn thì ở trong phòng khác.  Cậu ngần ngại một lúc rồi mới gõ cửa, không thấy cô trả lời, cậu gõ to hơn:
-         Mở cửa, mở cửa mau!
Tiếng cô Nhạn ở bên trong vọng ra:
-         Tôi không thể mở được.  Cậu đi đi, đi chỗ khác đi!
-         Tại sao thế? chúng ta đã cưới nhau rồi mà?
Cậu ngưng lại một lúc, lúng túng không biết phải xưng hô như thế nào, gọi bằng “em” ư? cậu còn ngại ngùng không dám gọi một bà đáng tuổi mẹ mình bằng tiếng “em” thân mật đó, gọi bằng “mình” nghe xuồng xã quá.
Sau cùng, sực nhớ ra cách xưng hô của những cặp vợ chồng lớn tuổi, cậu mạnh dạn lên tiếng:
-         Bây giờ bà đã là vợ của tôi rồi, phải để cho tôi vào chứ?
-         Nhưng tôi không thể… không thể nào được!
-         Nếu thế bà bắt tôi làm đám cưới để làm gì?  Cậu bắt đầu nổi cáu.
-         Tôi chỉ vì đứa con trong bụng, mong cậu hiểu cho…
-         Tôi chẳng hiểu gì cả.  Sao lúc đó bà không phản đối?
-         Đã trễ rồi.  Thôi đừng nhắc lại cái chuyện đáng tiếc đó nữa, van cậu hãy để cho tôi yên!
Nói xong cô xụt xịt khóc.  Phước đứng tần ngần một lúc rồi lẳng lặng quay đi, cậu trở ra phòng khách, ngồi xuống ghế, ôm đầu nghĩ ngợi một lúc rồi ngủ thiếp đi.  Bên ngoài, tiếng côn trùng bắt đầu kêu rỉ rả, đêm đã khuya lắm, bầu trời đầy sao, một giải mây trắng vắt ngang qua mặt trăng làm cảnh vật tối lại.  Nhưng mây tới rồi mây lại trôi đi, thanh thản, không vướng mắc như lòng người.
Một đêm tân hôn thật lạ lùng, một đêm thật dài cho người không ngủ.  Gần sáng, cô Nhạn mới mở cửa bước ra, cô đi rón rén thật nhẹ nhàng ra phòng khách, thấy cậu ngủ gục ở trên ghế, cô rụt rè định đánh thức cậu dậy để về phòng, nhưng rồi lại thôi.  Cô lấy chăn đắp cho cậu khỏi lạnh, rồi lại lặng lẽ về phòng mình.
Sáng hôm sau, cậu Phước dậy muộn, mặt mày xưng xỉa và cáu kỉnh, còn cô Nhạn thì phờ phạc sau một đêm thức trắng.  Để làm dịu bớt không khí căng thẳng, cô nhẫn nại năn nỉ cậu đừng giận, và đề nghị hai người cùng ngồi xuống nói chuyện.  Cuộc dàn xếp khá dễ dàng, cả hai cùng đi đến một thoả hiệp: hãy hoãn sự chung đụng thật sự như vợ chồng của hai người cho tới khi cô sanh xong đứa con.
-         Như thế sẽ tốt cho cái thai, vì lúc này tôi không được khoẻ.  Cô Nhạn nói thế để xoa dịu tự ái của cậu trai trẻ tuổi, trong thời gian chờ đợi, cậu muốn làm gì tùy ý và không cần phải lo lắng về tiền bạc.  Cậu có thể thôi việc làm ở lò bánh, và trở lại trường học nếu cậu muốn.
Thoạt đầu, cậu Phước rất sung sướng khỏi phải làm cái nghề nhồi bột làm bánh vất vả cực nhọc, suốt ngày phải hít thở cái không khí bụi bặm toàn bột mì, ấy là chưa kể cái lò hừng hực những lửa, nóng đổ mồ hôi.  Bây giờ, cậu không làm gì cả mà vẫn có tiền xài.  Suốt ngày chỉ ăn vận bảnh bao, đi ra đi vào mãi cũng chán, để giết thì giờ, cậu cắp sách quay trở lại trường, tiếp tục việc học.
-         Mình cũng sẽ ra luật sư, bác sĩ, cho nó khỏi khinh.
Cậu nhủ lòng như thế, nhưng chữ nghĩa sao mà khó nuốt, đụng đến sách vở y như phải chịu cực hình, cậu chỉ thích ở không ăn chơi.  Bạn bè thấy cậu có tiền thì rủ rê, đưa đường mách lối.  Cậu thấy đời còn bao nhiêu thú vui, tội gì không hưởng, lại cứ đâm đầu vào sách vở?  Chả khinh thì đừng, gái già mà kênh kiệu gớm, cứ tưởng mình cao giá lắm, đã thế mình cũng chẳng cần, để xem ai sẽ lụy ai cho biết.   Cậu quăng hết sách vở, thôi không đến trường nữa.  Cậu theo bạn bè đi chơi bời, nay vũ trường, mai tửu quán, và cậu mê lậm một cô vũ nữ, nên cứ về nhà hạch hỏi tiền bạc để đem cho cô ta.
Mới đầu, cô Nhạn không từ chối, nhưng về sau thấy cậu tiêu xài nhiều quá,  cô cằn nhằn thì cậu hét lên:
-         Bà đã thoả thuận để tôi muốn làm gì thì làm, sao bây giờ lại trở giọng?
-         Tôi đâu có dè cậu tiêu xài quá mức như thế?
-         Thấm vào đâu so với số tiền cậu em bà kiếm được?
-         Tiền bạc em tôi làm ra là của nó, chứ không phải của tôi.
-         Của em thì cũng như của chị, ngày xưa bà nuôi cậu ta thì bây giờ cậu ta phải nuôi lại bà.
-         Tôi không cần ai nuôi hết, là người lớn thì phải tự lập.
Cậu Phước đấm tay xuống bàn một cái thình:
-         Bà mắng tôi ăn bám à?  Trước khi lấy bà, tôi đâu có ăn bám ai?  Từ khi lấy bà, tôi mới lâm vào cảnh dở khóc dở cười.  Bà muốn tôi nghỉ việc ở lò bánh để bà khỏi bẽ mặt với thiên hạ?  Bà bắt tôi đến trường để kiếm mấy cái bằng cấp cho bằng bà, bằng cậu em của bà?  Bà đã làm tôi phải khổ sở biết bao trong thời gian đó, không hiểu sao tôi lại ngu ngốc nghe theo lời bà.  Bà tưởng như thế là khôn ngoan? thực tế thì ngược lại, bà đã làm một việc hết sức vô ích.  Hãy thôi cái ý định điên rồ đó đi! bà đừng hòng biến tôi từ một tên thợ dốt nát thành một người trí thức như bà. Tôi đã chán cái trò hề kệch cỡm đó rồi.  Tôi đâu có muốn lấy một người vợ trí thức? nhưng chính mẹ bà đã đến cầu cạnh cha mẹ tôi để tôi phải cưới bà.  Bây giờ bà đã là vợ tôi, bà phải chấp nhận con người của tôi và phải nghe lời tôi.  Muốn tôi không đi chơi bời, bà phải làm đúng bổn phận của một người vợ.
Cô Nhạn run rẩy cả toàn thân, những lời nói của Phước như những mũi dao đâm xoáy vào vết thương chưa lành trong tim cô, nó khơi dậy một điều nhục nhã trong quá khứ mà cô đang cố gắng muốn quên đi.  Cô hiểu rằng cuộc sống tạm yên ổn của cô sắp chấm dứt, không hiểu mai này rồi sẽ ra sao?  Sợ hãi và lo lắng làm cô như muốn ngộp thở, cảm thấy tắc nghẹn nơi cổ họng, cô nuốt nước bọt hai, ba lần, phải cố gắng lắm mới mở miệng được, giọng cô thều thào như người sắp tắt hơi:
-         Tôi đã làm gì mà cậu bảo tôi không đủ bổn phận?
-         Thôi đi, đừng có vờ!  Bà biết rồi còn phải hỏi, bà có coi tôi là chồng đâu? bà làm như bà là mẹ tôi, cấm đoán tôi đủ thứ.
-         Tôi chỉ nói cậu bớt tiêu xài đi một chút, chứ có cấm cản gì cậu?
                Cô chống đỡ một cách yếu ớt.
-         Lại còn không nữa?  Cậu hằn học quát lên, bà cấm tôi không được đụng đến người bà, bà làm như tôi là thằng ăn mày dơ bẩn, không thể sánh đôi với một bà quí phái… Có đời thuở nào vợ lại đối xử với chồng như thế?  Nói cho bà biết tôi chịu hết nổi rồi, tôi là đàn ông chứ đâu phải là một tu sĩ?  Bà cấm thì tôi đi với người khác.
Nói xong cậu hầm hầm bỏ ra ngoài.  Cô Nhạn gục xuống, ôm ngực thở hổn hển, bụng cô đã lớn lắm rồi, xệ hẳn xuống, cái thai gần ngày bỗng quẫy lên dữ dội, một cơn đau quặn làm cô trào nước mắt, cô không biết mình khóc vì cái đau tinh thần hay thể xác.
Đứa bé ra chào đời là một chú bé trai, giống bố nhiều hơn giống mẹ.  Nhìn con, cô giáo Nhạn mỉm cười mà nước mắt rưng rưng, vì nó mà cô phải chịu bao nhiêu tủi nhục đắng cay.  Nhưng cô không nỡ hủy đi cái mầm sống lúc mới tượng hình trong bụng cô, một phần vì cô là người ngoan đạo không dám phạm điều răn của Chúa, một phần vì tình mẫu tử thiêng liêng đã nảy sinh từ khi biết mình đã mang thai.  Bây giờ thì nó đã ra đời, niềm vui chưa trọn thì cô đã phải đón nhận một tin dữ về cha nó, cậu Phước trong một cuộc cãi lộn dành gái, đã bị một bọn du đảng đánh tới trọng thương phải chở đi bệnh viện.  Thuốc thang chạy chữa cho cậu xong, cô phải đối diện với một thực tế mới.  Sau khi bình phục, cậu Phước tởn không dám đi chơi bời nữa, nhưng chính vì thế lại gây ra nhiều chuyện rắc rối.  Nằm nhà mãi đâm cuồng trí, cậu gần như phát điên lên vì không biết phải làm gì.  Cậu nghĩ ngợi lung tung và chợt nhận ra là mình đã quá dại dột, có vợ mà cũng như không, tại sao lại đi nhận cái điều kiện kỳ cục đó?  Vợ cậu bảo là già? nhưng chưa đến đỗi, đàn bà bốn mươi tuổi trông còn hấp dẫn lắm, nhất là bà ta vừa mới sanh xong, thay đổi máu huyết, đẹp ra trông cứ ngồn ngộn.  Cậu nuốt nước bọt, sức trai khoẻ mạnh lại cứ phải kiêng nhịn, cậu thấy bức rức khó chịu, những cơn thèm muốn cứ nổi lên hành hạ cậu.  Vợ càng lẩn tránh bao nhiêu, thì cậu càng cảm thấy háo hức bấy nhiêu, tội gì cứ phải nhượng bộ mãi? Bây giờ cậu đã là cha, là người đã tạo ra đứa bé kia, một sợi dây ràng buộc giữa hai vợ chồng.  Địa vị của cậu trong gia đình này đã vững lắm rồi, là chồng thì phải có quyền, chẳng việc gì mà phải ngán sợ con mụ đàn bà kênh kiệu kia.  Hơn nữa bây giờ đứa bé đã gần bốn tháng, cái hạn hoãn binh đã qua lâu rồi,  cậu sẽ nhắc nhở cho bà ta phải biết đến bổn phận.  Nghĩ thế, cậu mạnh dạn đi tìm vợ.
Cô giáo Nhạn không có ở trong phòng, sau khi cho con bú và giao con cho chị vú, cô đi một mình, thong thả dạo chơi ở trên đồi.  Bây giờ đang là mùa xuân, hoa cỏ xinh tươi, cây cối đang đâm chồi nẩy lộc, cảnh trí thật đẹp mắt, gió mát thổi hây hây làm dịu lòng người.  Cô vừa đi thơ thẩn vừa nghĩ ngợi bâng khuâng, không biết tương lai sẽ đi về đâu?  Cô đã cố gắng nhẫn nhục, hy sinh cho con, để đứa bé được có cha.  Nhưng với một người cha như Phước, cô chẳng an tâm tí nào, cô đã lớn tuổi rồi, không thể sống mãi.  Khi cô chết đi, ai sẽ là người hướng dẫn cho thằng bé đi đúng con đường  phải đi?  Những thắc mắc đó làm cô băn khuăn, lo lắng, cô cúi mặt đếm bước mà lòng ngổn ngang trăm mối.
Đi mãi mỏi chân, cô ngồi xuống một tảng đá lớn dựa bên gốc cây thông già,  nhìn xuống thung lũng phía dưới.  Mùa gặt hái đã qua rồi, cánh đồng chỉ còn trơ những rạ, từng đàn chim di nhặt thóc rơi, thỉnh thoảng lại bay túa lên mỗi khi có tiếng động, cảnh thanh bình, đẹp như trong tranh.  Chiều đang chậm buông, mặt trời xuống thấp sau rặng cây, những tia nắng yếu ớt còn sót lại từ từ tan dần rồi biến mất, trời đã nhá nhem tối.  Một cơn gió lạnh chợt thổi tới làm cô rùng mình đứng lên định quay về, nhưng thình lình một giọng nói vang lên ngay bên tai làm cô giật nẩy mình:
-         Bà ra ngoài đây à? vậy mà tôi cứ đi tìm mãi.
Cậu Phước vừa nói vừa nhìn cô bằng một ánh mắt thật kỳ lạ. Tự nhiên cô cảm thấy vừa hồi hộp vừa sợ hãi, run giọng hỏi:
-         Cậu tìm tôi có chuyện gì không?
-         Không có gì cả.
Cậu ngập ngừng, bối rối một lúc rồi mạnh dạn nói:
-         Thật ra thì cũng có chuyện đáng nói, nhưng thôi hãy để về nhà đã.  Bây giờ trời tối rồi, chúng ta về đi!  Gió mạnh lắm, bà lại đây! đi sát vào tôi, tôi che cho khỏi lạnh.
-         Không cần!  Cô luống cuống nói. 
Nhưng cậu không nghe, cứ kéo mạnh làm cô ngã chúi vào người cậu, với cánh tay còn lại, cậu nhanh nhẹn đỡ ngang lưng cô, giúp cho đứng vững.  Khi cô gượng lại được thì cả thân hình cô đã nằm gọn trong tay cậu Phước. Mặt cậu kề sát mặt cô, ánh mắt khác lạ của cậu làm cô sợ hãi, vội vã cô xô cậu ra, nhưng cậu vẫn giữ cô thật chặt, nhất định không chịu buông:
-         Tôi có là hủi đâu mà bà tránh né, sợ dây bẩn?
Vừa nói, cậu vừa nhìn quanh tìm một chỗ khuất, kéo cô ngồi xuống:
-         Không cần về nhà vội, chúng ta hãy ở lại đây một lúc đã.  Đêm trăng ở trên đồi đẹp quá, bà thấy không? nằm trên cái đệm làm bằng lá khô này còn thú gấp mấy hơn là nằm ở trên giường. 
Bây giờ thì cô đã hiểu cậu ta muốn gì, cô cố dãy dụa để thoát ra, nhưng không được, hai cánh tay lực lưỡng của cậu như hai gọng kìm xiết chặt lấy cô.  Cô lắc qua lắc lại, cố tránh cắp môi tham lam của con quỉ dâm dục…
-         Im nào, không được chống cự!  Cậu vừa thở hổn hển vừa nói, tôi muốn ngủ với bà, biết chưa?  Bà là vợ tôi, bà phải để cho tôi thoả mãn…
Và cậu đè cô xuống, cô dãy dụa, kêu thét:
-         Không được, không được!  Hãy buông tôi ra! cậu điên rồi à?
Để đáp lại, cậu giật phăng cái áo len cô dang khoác trên người.  Cô sợ hãi, cái hình ảnh tội lỗi kinh khủng của buổi chiều hôm nào lại hiện lên làm cô ghê tởm… Không! không thể để cho sự việc như thế lại xảy ra một lần nữa.  Bằng hết sức bình sinh, cô co chân lại, tống cho cậu một đạp thật mạnh, cậu té bật ngửa, còn cô thì lăn mấy vòng, rồi lỡ trớn lao luôn xuống vực thẳm.
Một tiếng thét kinh hoàng làm cậu giật bắn, tỉnh hẳn người, vội vã chồm dậy, xong không kịp nữa rồi, chỉ nghe tiếng sỏi đá lăn lạo xạo, tiếng cành cây gẫy răng rắc, rồi một tiếng thịch khô khan vọng lên từ đáy vực.  Cô giáo Nhạn đã hoàn toàn mất hút trong cái vực sâu thăm thẳm, đầy đá nhọn ở phía dưới.  Sau đó là im lặng, một cái im lặng tuyệt đối…Trên mặt đất, chỉ còn lại đôi dép của cô văng mỗi nơi một chiếc.
Cậu Phước lặng người, ôm đầu ngồi thừ ra như một kẻ mất hồn.  Sau phút đờ người vì sợ hãi, cậu chợt tỉnh và nghĩ đến hậu quả của việc làm vừa rồi có thể liên lụy đến pháp luật nếu bị phát giác, cậu toát mồ hôi, không phải vì hối hận mà vì sợ tù tội.  Nhớn nhác nhìn quanh, không thấy có ai, cậu vội vã cắm đầu chạy thật nhanh ra khỏi hiện trường.  Cậu chạy như giông như gió, lao xuống đồi với một tốc độ kỷ lục, chưa bao giờ cậu chạy nhanh đến thế.  Tiếng thình thịch của những bước chân vang vọng dội lại từ vách đá cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến hẳn, nhường chỗ cho yên lặng.
Đêm vẫn tĩnh mịch, trăng vẫn sáng vằng vặc, vạn vật vẫn thanh thản như không có chuyện gì xảy ra.  Trên bầu trời đầy sao, không một gợn mây, vầng trăng mới nhô lên cao khỏi đầu ngọn cây, đang toả ánh sáng êm dịu xuống cảnh vật, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa bạc khổng lồ.  Ông trăng ngó xuống và đã nhìn thấy hết, ông là chứng nhân duy nhất trong vụ sát nhân.  Nhưng ông trăng đâu có biết nói?

 PHƯƠNG LAN