Wednesday 15 August 2018

CÂY BÌNH BÁT & CÔNG DỤNG TRỊ BỆNH




CÂY BÌNH BÁT & CÔNG DỤNG TRỊ BỆNH


Trồng cây bình bát

Cây bình bát có nguồn gốc từ Trung Mỹ, Nam Mexico, Brazil và Peru. Các dân tộc này sử dụng hầu như toàn bộ cây bình bát, trong đó nước sắc lá để trị bệnh giun sán hoặc giã nát đắp mụn nhọt, áp xe và loét. Bình bát dầm đá đường là món ăn vặt của những đứa trẻ miệt quê, tuy dân dã nhưng cũng không ít công dụng. Cây bình bát (Annona reticulata L), hay còn gọi là cây nê thuộc họ na (Annonaceae), được gọi là “con vịt xấu xí” trong số các giống nổi bật của chi này.
Theo kinh nghiệm dân gian, trái bình bát chín ăn nhiều trị được bệnh khí hư (huyết trắng) ở phụ nữ, chứng thiếu máu. Trái bình bát xanh có chứa nhiều tannin, được sấy khô, nghiền thành bột dùng chữa tiêu chảy và bệnh lỵ. Vỏ cây giã nát dùng đắp quanh nướu răng để làm giảm nhức răng. Nước sắc vỏ cây bình bát được dùng như thức uống giải nhiệt. 

Cây bình bát mọc hoang tự nhiên nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long mà cũng rất dễ trồng; có thể trồng bằng cây con mới lên mùa trước hoặc thu trái chín từ tháng 6 – 9 dương lịch lấy hạt để gieo. Sau một năm tuổi, cây chịu được nước nhiễm mặn theo mùa và cũng chịu được ngập sâu miễn là không lút đọt. Cây bình bát lớn nhanh, sống thọ do có bộ rễ khá phát triển, rễ ăn xuống theo chiều sâu lẫn vươn xa nên bám chắc rất tốt, đặc biệt sau mỗi lần cắt ngọn, gốc thân và cả bộ rễ càng phát triển, vì thế ngoài việc trồng để làm gốc ghép với mãng cầu gai thu hái trái, còn có thể trồng làm cây chắn sóng, chống sạt lở bờ cho kinh rạch khá tốt.

Để cây bình bát chống được sạt lở bờ, nó cần phải có đủ tuổi lớn nhất định từ 3 – 5 năm trở lên và phải được trồng theo hàng đôi, hàng ba đúng kỹ thuật để gốc thân và các bộ rễ của các hàng cây có đủ điều kiện phát triển lớn và câu, giữ, bảo vệ cho nhau trước khi đối mặt cùng sóng dữ. Đối với kinh rạch vừa mới đào hay nạo vét, do bờ vách chưa ổn định nên còn sạt lở nhiều và nếu có lắm phương tiện thủy lưu thông thì khi định vị giới hạn điểm mốc bờ cần bảo vệ để trồng hàng cây chắn sóng, phải ước lượng và trừ lùi vào một khoảng bờ sẽ bị sạt lở; thường phải tối thiểu gấp hơn 2 – 3 lần độ sâu dòng chảy khi mới đào. Tại vị trí đã xác định đó đào một rãnh dọc theo bờ có bề rộng 7 – 8 tấc, sâu khoảng 5 – 7 tấc (hoặc gần bằng mặt nước ngoài kinh càng tốt) để trồng hàng rào cây bình bát và nó cũng cần có rãnh thoát bớt nước khi cây còn nhỏ. Nên trồng hai hay ba hàng cây so le nhau theo kiểu nanh sấu, cây cách cây 2 – 3 tấc, hàng cách hàng 3 – 4 tấc.

Trước khi gieo hạt hoặc trồng cây bình bát cần phủ lên mặt rãnh một lớp rơm rạ mục hay các loại tro để hạt dễ nảy mầm, cây dễ phát triển. Khi cây đạt hơn một năm tuổi thì bắt đầu cắt ngọn chừa gốc khoảng 30 – 50 cm, mỗi năm cắt một lần vào tháng 2 – 3 dương lịch (lúc lá già rụng nhiều, cây chớm trổ hoa), cứ lần sau cắt cao hơn về phía ngọn 5 – 10 cm; khi cây có gốc lớn vững chắc có thể cắt sâu xuống gốc thân miễn sao cây không chết là được. Để tạo điều kiện cho gốc thân và bộ rễ bình bát phát triển xuống chiều sâu, khi gốc bình bát đạt đường kính lớn hơn 3 cm chúng ta có thể tiến hành đào một rãnh sâu cách gốc hàng cây phía ngoài kinh khoảng chừng 5 – 7 tấc, sau mỗi năm cây lớn hơn cứ đào sâu thêm càng tốt, để cho rễ bình bát ăn xuống càng sâu, sau này càng vững chắc hơn. Đối với những kinh rạch dòng chảy đã tương đối cạn, bờ vách bớt lở, có thể tiến hành xở bớt một phần bờ cho lài thêm rồi trồng cây bình bát con ngay sát cạnh bờ nước theo hàng với mật độ khoảng cách như trên kết hợp với việc rào chắn bớt sóng trong thời gian cây còn nhỏ. Sau đó cũng cắt ngọn dưỡng gốc, khi cây đã đủ lớn thì hàng năm cũng nên lấy bớt phần đất phía ngoài cho rễ và gốc có điều kiện phát triển xuống chiều sâu, đề phòng có sự thay đổi dòng chảy do cây không thích ứng kịp sẽ gây sạt lở bờ. Sau khi bờ cây bình bát được hai ba năm tuổi, nếu trồng hết hợp thêm lau, sậy, đế… thì bờ sẽ càng vững chắc, và khi bờ đất lở đến đây sẽ không còn gây sạt lở được nữa. Điều này có thể quan sát thấy rõ ở nhiều nơi, đoạn bờ kinh nào có cây bình bát mọc xen lẫn với lau sậy thì bờ đất rất vững chắc gần như chưa bị sạt lở.
Hãy chú ý đến cây bình bát – một loại cây rất gần gũi dễ trồng và có rất nhiều công dụng tốt.

Đặc điểm nhận dạng của bình bát

Trái bình bát còn được biết đến với các tên gọi khác như trái nê, trái na xiêm. Bình bát là giống loại cây gỗ, cao khoảng 3 – 5 m và có tán rất rộng, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng, song trái khi chín thì có mùi thơm cực kì hấp dẫn. Loại cây này có thể sinh trưởng ở vùng ngập nước vừa phải.
Người dân ở vùng nam bộ xưa, còn dùng cây bình bát về ngâm cho bong lớp vỏ ra ngoài rồi tiến hành lấy lớp da trong bện thành dây thắt võng rất chắc chắn, dẻo dai. Trái bình bát được bán với giá khá rẻ và khá dễ kiếm ở chợ. 

Quả bình bát còn nhiều tác dụng đối với sức khỏe:

+ Chữa bệnh phụ khoa, chứng thiếu máu, tiêu chảy, giải nhiệt: Nhiều người có thắc mắc trái bình bát trị bệnh gì, thì theo y học cổ truyền loại quả này có thể điều trị được bệnh khí hư và các vấn đề phụ khoa ở phụ nữ. Bên cạnh đó, loại quả này còn chữa được các chứng bệnh như: thiếu máu, tiêu chảy và giải nhiệt rất tốt.

+ Tốt cho hệ tim mạch, tiêu hóa, lợi tiểu, giảm trầm cảm: Tờ Diet Health Club có đưa thông tin trái bình bát có chứa một hàm lượng lớn vitamin C giúp chống gốc tự do gây lão hóa sớm, vitamin A giúp da và tóc khỏe, hỗ trợ thị lực, vitamin B6, magnésium, potassium, chất xơ tốt đều là những chất tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, có tác dụng lợi tiểu và giảm trầm cảm, giảm co thắt, giảm a xít tại các khớp xương.

+ Chữa bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ: Trái bình bát xanh có chứa nhiều vitamin, sấy khô, nghiền thành bột dùng chữa bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ.

+ Giảm đau nhức răng: Trong dân gian, để giảm đau nhức răng, vỏ cây được dùng để giã nát đắp quanh nứu răng. Vỏ cây bình bát đem sắc uống sẽ có tác dụng giải nhiệt.

Trái bình bát tuy thơm, ngon và bổ dưỡng nhưng có khá nhiều hạt và phần nạc dính vào hạt rất chặt. Do đó, để ăn được 1 trái bình bát khá kì công. Nhiều người còn đem bình bát dầm chung với đường cho thật kĩ rồi chắt lấy nước đặc pha với nước lạnh để uống. Cho thêm một ít đá viên để thành thức uống giải nhiệt vào mùa hè khá ngon.

Ngoài cách dùng bình bát dầm đá đường đơn giản nói trên thì nhiều người còn có thể dùng bình bát để làm kem lạnh. Cho 75gr đường vào nồi nấu tan, vặt nhỏ lửa để riu riu trong vòng 10 phút đến khi đường sệt thành siro, sau đó, bắc xuống để nguội cho bình bát vào rồi cho hỗn hợp vào máy say sinh tố xay nhuyễn. Cuối cùng, đem đổ vào khuôn, cho vào tủ đông lạnh khoảng hai tiếng đồng hồ là đã có một món kem rất thơm ngon bổ dưỡng.

 Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm được những thông tin bổ ích về một loại trái cây rất rẻ và dễ kiếm, khá thân thuộc với chúng ta.