Sunday 3 May 2020

CƠN MƯA BUỔI SÁNG…( Nguyễn Tư )



CƠN MƯA BUỔI SÁNG…

             *Tùy bút Nguyễn-Tư


Nguyễn-Bính nhìn thời tiết thiên-nhiên là một thứ "bịnh" của Trời, nên ông đã từng viết:


"Nắng mưa là bịnh của Trời,
Tương-tư là bịnh của tôi yêu nàng".


Thực ra ông dùng chữ "tương-tư" không chính xác lắm vì chỉ nói "tôi yêu nàng"mà không biết "nàng có yêu tôi" không? Khi hai người có "cùng nhớ với nhau" thì mới được gọi là "tương tư"(tương: với nhau, tư: nhớ) còn yêu "mình ên" thì không thể gọi là "tương tư" được, mà chỉ gọi là “tình đơn phương / một chiều”. Hai hiện tượng thiên nhiên này: nắng và mưa thì được Văn nghệ đề cập đến nhiều nhất, nhưng lại với những cảm xúc trái ngược nhau. "Nắng" thì rực rỡ reo vui, nhất là nắng mai, nắng chiều hơi buồn một chút vì nó tượng trưng cho sự phai tàn, mất mát, nắng đưa chân ngày…. Nhưng "mưa" thì hình như lúc nào cũng buồn, chưa nghe ai nói "mưa vui" bao giờ cả, nên mới có câu thơ thời tiền chiến không nhớ của  ai: “Mưa buồn ôm kín non sông”… vì lý do giản dị: mưa là biểu tượng cho cái gì âm-u, tối-tăm, mù-mịt… (vì nhiều mây mà) và lạnh-lẽo (do nhiệt độ xuống thấp hơi nước mới ngưng đọng thành mưa), nên "tối tăm" và "lạnh lẽo"là những đặc tính của sự buồn phiền, co-ro... Vì vậy ta không lạ khi nhạc sĩ Nguyễn-Văn-Đông từng viết trong "Chiều mưa biên giới" rằng:"Đường về chiều âm-u rét mướt"khi người lính đang ở một nơi rất quạnh hiu (biên giới) và lại có mưa nữa... hai cái buồn nhập lại thành cái buồn lớn hơn, chưa kể cái buồn nhớ người yêu ở hậu phương của Tác giả nữa. Mưa tự thân đã buồn, nhưng thời gian và không gian của mưa còn làm cho mưa buồn nhiều hơn, nhất là cái buồn đèo theo tâm trạng của người nhìn mưa lúc đó nữa. Mưa thành phố buồn nhưng không buồn bằng "mưa rừng" hay "mưa biên giới"... (không gian) và mưa "buổi sáng" không buồn bằng "mưa chiều" hay "mưa đêm"...(thời-gian) như Huy Cận từng viết “Mưa đêm làm nhớ không gian / Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la"… mưa đêm  buồn vì cảnh vật lúc đó lắng đọng, tầm nhìn giới hạn, mà tâm cảm lại rộng ra vì ban đêm rảnh rỗi người ta mới dễ nghĩ ngợi xa-xăm hơn là ban ngày do bận rộn công việc và tiếng ồn nó chia trí rất nhiều. Mưa chiều cũng buồn vì nó là giai đoạn nối kết giữa ngày để bước qua đêm, mọi hoạt động bắt đầu ngưng chậm lại để tắt hẳn vào đêm. Nhưng mưa buổi sáng không phải là không buồn đâu, nhất là mưa chẳng những rơi ngoài trời mà còn rơi trong chính tâm cảm con người nữa, đặc biệt những người lưu vong như chúng ta - vốn ở xứ nhiệt đới nên có nhiều mưa: núi cao và nhiều chạy dọc theo bờ biển  gọi là Trường-sơn (núi dài) do hơi nước từ biển vào gặp núi cao ngưng lại, lạnh và mưa gây ra những nạn lụt lớn... từ tháng 10 Âm-lịch trở đi nên mới có câu hát dành cho miền Trung đau thương của tôi: “Trời hành cơn lụt mỗi năm…”. Nhưng thực ra không chỉ một mùa lụt đâu, mà lụt liên-miên như thể chưa được lụt bao giờ… Bão, lụt và lạnh đến tháng Chạp luôn, ở Trung không có mưa một ngày mà mưa cả tháng, có khi vài tháng, người Trung gọi là “mưa thúi đất”.... Thời bé, tôi nhớ cứ mở mắt ra là thấy mưa, thấy nước trắng đồng, dù chiều hôm qua cánh đồng vẫn đang vàng óng-ánh, nhưng chỉ qua một đêm phù-du thôi, nước đâu trên nguồn đổ về bất ngờ mà không ai  có thể tiên đoán được… Thế là lúa ngập hết, một số hạt thành mộng, phải gặt gấp bằng ghe thôi, hầu vớt-vát chút đỉnh đem về canh mỏng từ trong nhà ra tới hiên ngoài luôn, những lúa là lúa sậm màu nâu đen, hơi ấm tuôn ra, đã có lú-nhú những mầm mộng trắng… Lúa dưới giường, lúa dưới bàn ghế, lúa ở nhà bếp, nhà ngang… chỗ nào cũng thấy lúa ướt, mà bổn phận trẻ con của tụi tôi là phải “cày” lúa một ngày không biết bao nhiêu lần… nghĩa là ủi ngập đôi bàn chân vào lúa, và đi chậm-chậm qua chiều ngang,rồi chiều dọc, nên dằm lúa đâm vào da chân rất xót… Cứ thế suốt ngày đêm cho lúa ráo đều hai mặt không thì nó sẽ trở thành đám mạ non trong nhà ngay… Chỉ cần nó ráo là đủ, đợi ngày nắng tốt thì đem ra sân phơi khô, giê sạch, mới có thể cho vào vựa hay bồ nhưng lúa này giá thấp vì gạo sẽ nát nên hàng xáo rất chê không tốt như lúa mùa tháng Ba, hạt chắc vàng ánh rất đẹp...


Riêng những cơn mưa Hải ngoại đối với người bản xứ thì chả có gì, nhưng đối với người lưu-vong thì nó là một gợi nhớ quê nhà, nên ta không lấy làm lạ tại sao ông Phạm-Đình Chương ở Sài-gòn mà lại nhớ mưa " nội" chỉ vì ông là người Bắc Di-cư năm 1954. Còn ông Đức-Huy ở Cali lại nhớ mưa “Sài-gòn” đến bật khóc như trong bài "Khóc một dòng sông" chỉ vì ông cũng là một người lưu-vong năm 75... Cơn mưa hoàng-hôn mà tôi nhớ nhất trong đời, có lẽ là cơn mưa chiều hôm ở Singapore, chúng tôi những người Tỵ nạn từ Galang được chở qua xứ con Sư-tử nhỏ bé này bằng tàu biển luồn lách qua không biết bao nhiêu đảo lô-nhô ngoài  khơi Indo, để chạng-vạng thì cập bến Singapore… Chúng tôi chỉ được ngồi dọc theo bờ hè, dưới những mái tôn thấp lè-tè, hình như là phía sau những căn nhà kho, hay nhà của cư dân nghèo. Chúng tôi khoảng 80 người ngồi cách mé nước chừng vài mét, mà nhìn mưa ơi là mưa…không còn nhìn thấy đâu là đâu nữa cả, mãi giờ sau thì mưa nhẹ hạt hơn, nhưng cứ rỉ-rả không dứt… Mọi người cảm thấy buồn và lạnh nên ai  cũng co-ro ôm chặt cái gói hành lý nhỏ bé trước ngực, và  sao thấy tự thương số phận mình vô Tổ-quốc, giờ ngồi đây chờ Cao-ủy mang đi vào khu trại nào đó rồi xếp đặt để được đi Úc qua ngả Phi trường Singapore… nên tôi mới có vài dòng thơ:


Vì sao,
 tôi lại ngồi đây, 
để nhìn,
những sợi mưa bay,
xứ người…?


Ngoài kia,
sóng vỗ dập vùi, 
trong này,
mình nhớ không nguôi,
quê nhà…!


Bỗng dưng,
cách trở quan-hà, 
thành người lưu-lạc,
chia xa muôn trùng…
 (Mưa ở bến tàu Singapore  7/82)


Riêng bản thân tôi, không biết mình sẽ được đi Tiểu-bang nào ở Úc, vì tôi là “con bà Phước” được nhận theo diện “nhân đạo”, còn những người khác đều do thân nhân họ bảo lãnh nên họ biết họ sẽ về đâu, cho mãi tới khi ra Phi trường thì Di-trú Úc mới xếp từng toán người sẽ đi về Tiểu-bang riêng với những chiếc máy bay khác nhau. Khi tôi được gọi tên đứng vào toán đi Sydney mà số thứ tự cuối cùng là 21 thì tôi mới biết rằng tôi sẽ đến thành phố Văn hoá lớn nhất nước Úc này, và người VN Tỵ nạn cũng đông nhất nơi đây, thay vì bang Queenland chuyên trồng tỉa như tôi tiên đoán, mới đúng với cái nghề “Farmer” mà tôi đã khai trong hồ sơ, vì trong thâm tâm tôi chỉ mơ đến xứ này làm thuê cho các trang trại như ngày xưa mình từng làm ruộng ở VN trước 54 vì mãi đầu 56 tôi mới bỏ làm ruộng lên Tỉnh thi vào các lớp Trung học QG, hồi đó bộ GD cho phép học sinh vùng Kháng chiến ai học hết lớp 6 VC, thì được phép thi vào lớp  đệ Lục và  đệ Ngũ của QG… Tôi đã may mắn đậu vào cả 2 cấp lớp luôn, giữa sự ngạc nhiên của bạn bè ra học trước tôi, họ chỉ dám thi vào Đệ lục mà thôi, đúng là tôi to gan cóc tía. Và sau 75 tôi có làm ít ruộng do người bạn ở Trường khánh chia  lại ( nơi tôi từng dắt HS HD đi tập bắn bia do Tiểu khu Ba Xuyên tổ chức trong chương trình “Quân sự học đường” mà tôi là SQ biệt phái, mặc đồ trận, đội béret, có gắn lon Thiếu-úy, ngồi cùng Trung sĩ tài-xế trên Cabin xe GMC với khẩu Carbine M2… Ra sân bắn thì có huấn luyện viên Tiểu khu lo, trưa nghỉ dắt nhau vô chùa Miên chơi, tôi tính bắn mấy con giơi, nhưng HS nói mấy ông Lục kiện đó thầy, nên tôi thôi… may không bị tù vì phá phách Tôn giáo!… Hồi ở lính đóng đồn buồn quá, chiều nào tôi cũng ra ngồi trên nóc lô-cốt cầm khẩu Colt 45 ngắm bắn mấy lon Coca rỗng treo trên rào kẽm gai để báo động VC bò về ban đêm…Tiếng súng nổ lớn dội vào núi khiến những con mang hay khỉ hoảng hồn la chí-choé  ù-té chạy vào rừng sâu nghe rất vui, đỡ buồn mà…). Và, tôi cũng nuôi heo nên hay ghé chợ ST mua rau khoai, lại tình cờ gặp người bán chắc là HS cũ, mắc-cỡ cứ cúi mặt xuống không chịu ngước lên nhìn người mua hàng là thầy cũ của mình… Ui chao,“đổiđời” rồi mà, không đi ăn mày là may! Tôi thêm nghề buôn lúa nữa, nên sáng sớm tôi hay đứng ở các bến đò dọc sông Cầu Quay để đón ghe chở lúa lên xuống mà mua.. Chính vì điều này mà tôi bất ngờ thấy mấy bà bán bún hay đem bún xuống sông đầy lục-bình và phân người trôi lềnh-bềnh… nhúng nước cho bún tươi rồi mang vô chợ ST bán… Úi giời ui, phát ói luôn và từ đó tôi không bao giờ dám rớ tới món bún này nữa. Giống như ngày ở lính, sau đêm công đồn của VC, sáng ra nhìn giao thông hào thấy xác người lính vàng khè trộn lẫn máu xương và da cuốn lên đen thui vì ám thuốc súng… bởi bị trái lưu đạn chày thảy xuống hầm mà người lính lại mang trái khói vàng trên người nên banh ra hết, trông hệt nồi ca-ry, từ đó tôi không dám ăn món này mỗi khi về phố... Cuộc đời - đôi khi, có những ám ảnh tình cờ không bao giờ phai , đâu xinh đẹp gì!


Khi ở Đảo tôi không hề nghĩ mình lại sẽ dính líu gì với “chữ nghĩa” ở Úc bao giờ ? Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao họ cho tôi đến Syd cùng 20 người kia, có lẽ họ coi hồ sơ của tôi thấy học lực của tôi ghi “Tốt nghiệp ĐH ban Triết tây và Văn chương” chăng, dù trong hồ sơ đi Úc tôi chỉ khai “Nghề nghiệp sau 75” là “Farmer”… nên nhà văn Nguyễn-Mộng Giác(đi Mỹ) lúc đó làm chung với tôi tại báo “Tự-Do Magazine” của Cha Dominici trên Đảo, có xuống Cao-ủy coi danh sách đi Úc thấy tên tôi và  tôi đã ghi nghề như vậy thì khi về Tòa soạn ông ấy “nẹt” tôi với vẻ bất-bình hỏi: “Sao tôi thấy ông khai nghề Farmer kỳ-cục vậy?” Tôi mỉm cười, hỏi lại : “Vậy ông khai gì ?” Ông ấy trả lời ; “Giáo-sư!”,  thì tôi cười lớn, nói: “Trước 75 tôi và ông đều là Giáo sư Đệ-nhị cấp, chỉ khác là ông học Văn ở ĐH Huế, còn tôi học Triết & Văn ở ĐH Sài gòn, nhưng sau 75 tôi đi tù vì lính, rồi về làm ruộng, nuôi heo… thì không phải “Farmer” là cái gì, ông không lính tráng nên không đi tù ngày nào, nên ông vẫn tiếp tục hành nghề của mình thì khai vậy là phải rồi …”. Ông ấy cười, rồi lắc đầu nói :“Đúng là NT!”… nhưng ông cũng rất tử-tế với tôi, nên ngày tôi xuống tàu đi Úc ông có tiễn tôi đi, và đưa tôi 500 Baths (tiền Indo) nói đây là nhuận bút cái chuyện ngắn “Cánh chim chìm xuống” của ông, dù tuần tới bài mới được đăng nhưng tôi trả trước… Thực tình, tôi rất cảm động về việc này, vì Giác là một Chủ bút lương thiện, bởi nếu lưu-manh thì ông cứ đợi ngày tôi đi xong, bài được đăng ông lấy tiền bỏ túi riêng ai mà biết, nhất là trên Đảo, một cắc cũng quí mà…
Tôi nhớ lúc làm Báo Tự Do - nơi hay đăng các thông báo của các phái đoàn Mỹ, Canada và Pháp… cho người Tỵ nạn đến nước họ, thì họ hay đến Tòa soạn để nhờ dịch ra Việt ngữ rồi đăng báo giùm họ trên tờ “Tự do”. Cho nên, có một bữa Phái đoàn Pháp, gồm hai người đến… khi mới vừa tới cửa Tòa báo họ đã la “Bonjour” nhặng lên, thế là cả Tòa soạn bỏ chạy ra phía sau, kể cả Giác… chỉ còn mình tôi đứng ngoài nhất, chạy không kịp, nên đành chịu trận, hơn nữa tôi nghĩ cả Tòa soạn không lẽ không có ai biết chút tiếng Pháp để giúp họ thì  “quê” quá, báo chí làm cái gì, nhất là người VN từng bị Pháp đô hộ cả 100 năm nữa mà… và Cha Dominici chắc sẽ quở trách ngay, nên tôi phải gồng mình tiếp họ, dù sau khi ra đi dạy, rồi đi tù nữa… chỉ cuốc đất, đào mương liên-miên, không đọc sách, không đọc báo Ngoại ngữ…  thì chữ Pháp đâu có dịp dùng nên chắc sẽ quên đi nhiều thôi, nhưng tôi cứ liều mạng tiếp phái đoàn… Tôi đưa tay bắt tay hai người, nói “Enchanté Messieurs!”… thì hai người chào lại và tự giới thiệu họ bên Phái đoàn Pháp đến đây nhờ vài công việc… vừa đưa tờ thông báo bằng Pháp ngữ ra cho tôi, tôi hỏi họ tôi phải làm gì, họ nói chỉ dịch ra tiếng Việt và đăng báo vậy thôi…Tôi nói được, dễ thôi…thì họ nói cám ơn nhiều, rồi bắt tay tôi lần nữa để ra về . Tôi cảm thấy nhẹ-nhỏm, vì khỏi phải đấu hót gì nhiều khi vốn liếng Ngoại ngữ “ăn đong” của mình. Hú hồn! Họ ở lâu chắc phải nói bằng tay!? Xong việc, mấy anh em mới lục-tục từ phòng sau bước ra miệng cười tủm-tỉm hỏi tụi nó nhờ mình làm gì vậy?Tôi nói trời ui mấy cha làm như Công an đến xét nhà không bằng… kiểu này phải nói Cha Domonici trả thêm tiền tiếp tân, và thông dịch cho tớ nha!…Thực tình, Giác cũng có chút tình riêng với tôi , nên ưa nói câu này “NT kỳ này làm bài thơ thực khinh-bạc cho số Đặc biệt này đi nha!” mỗi khi báo có Chủ-đề, bởi Giác từng nói ông thích cái lối Thơ lấc-cấc, bất cần đời, có máu du-côn của tôi… nhưng điều Giác rất tinh-tế khi nhận xét về tôi rất đúng “Nên đọc NT trong những cái ngoặc đơn, thì mới quan trọng…) thí dụ tôi khai “Từng dạy học”(không thích) thì hai chữ “không thích” mới là điều NT muốn bày tỏ, vì hiểu nhau như tri kỉ… nên  Giác mới chịu khó đi bộ một đoạn đường khá xa có đến vài cây số là ít tính từ Đảo đến cầu tàu, để tiễn tôi đi Úc, vì tôi chỉ “solo” không có ai quen thân trên hòn đảo Tỵ nạn to lớn này tháp tùng cả… nhất là trong túi tôi chỉ còn vài chục “Baths” cũng chỉ là tiền nhuận bút mà thôi, vì tôi không hề xin tiền đô từ bất cứ thân nhân nào, rất đông ở Hải ngoại, dù ruột thịt cả đó chứ… mà từ bé tôi vẫn thế… Số tiền nhuận bút này, sau tôi mua một cây bút máy ở Singapore, kèm với bài Thơ tôi làm khá dài gửi cho đứa học trò cưng ở HD, khi trò ấy học khá giỏi và đã giúp tôi vài chút việc nhỏ… cũng có ghé nhà tôi thăm mấy lần trong tình Sư/đệ thâm tình… mà trong  bài thơ đó, có 2 câu cuối đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in:


Tầm-Dương bến vắng canh tà, 
Nỗi lòng thương-nữ… lệ nhòa Giang-Châu …
                                (Nói với Ph. A /7/82)


Chỉ vì trò này từng nói với tôi trong ánh mắt rưng-rưng rằng em rất thương cảm mấy nhân vật trong bài “Tỳ- Bà hành” của Bạch-Cư-Dị… khi nghe tôi giảng về hoàn cảnh đau xót của người thương-nữ bất hạnh đưa đò này, và người khách đêm đó trên bến Tầm-Dương khuya-khoắc, chính là Bạch Cư-Dị, một kẻ sĩ  hào hao rất mực, một vị quan bị Triều đình đày ải… Gửi xong, lòng tôi vui vô-hạn, và chắc trò ấy cũng vui không thua gì tôi, bởi đó là món quà của một người cựu-tù đã vượt cái Đại dương sinh tử mênh-mông để có món quà này chứ không phải tiền đô trên xứ Úc tôi kiếm được sau này, giờ không biết trò ấy nơi đâu , và có còn giữ cây bút đầy tim óc của tôi không nữa??


Như vậy, tôi cũng là một người lưu-vong xa xứ đã lâu, lại là dân Trung kỳ đã từng để mưa lưu lại trong lòng rất nhiều, kể cả mưa "trên từng tháp cổ"(TCS) của Huế , vì Huế vốn là quê Ngoại của tôi,  nên trong một buổi sáng sớm đi làm nghề ủi  dập…tôi đáp tàu về hướng City. Hãng ủi ở Surry-hills cách nhà tôi khoảng 1 giờ xe lửa, mà ông chủ là người gốc Đức nói tiếng Pháp rất giỏi, chắc nhờ ở biên giới giống như biên giới Việt-Trung vậy, dân bản xứ hai bên qua lại nên họ rành tiếng của nhau… Bởi vậy ông ưa đấu hót với tôi bằng tiếng Pháp, vì quên hơi nhiều nên tôi hay chêm tiếng Anh tưới-hột-dền… Ông rất mến tôi, bởi biết tôi có máu “Artist” vì tôi hay đưa những quảng cáo sách hay “Catalogue” triển lãm tranh hoặc những bài phê bình, giới thiệu sách tôi bằng Anh ngữ của những người VN muốn thông tin những sinh hoạt Văn hoá của Cộng- đồng VN với người Úc bản xứ hay các sắc dân khác... cho ông xem, nên ông dễ-dãi, thường cho tôi nghỉ sớm mỗi khi  thấy chiều trời bắt đầu chuyển cơn dông, vì tôi thích lang-thang một mình dưới mưa như vậy… đúng là “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách…”(Mưa không ngăn chân được  kẻ giang hồ…) rồi vô quán Tây chơi một ly “Short Black” mới chịu về nhà tắm rửa … nghỉ ngơi…Tôi ngồi trong tàu nhìn ra ngoài thấy mưa mù-mịt, thành phố chìm trong làn mưa trắng đục qua tấm kiếng cửa tàu, từng dòng nước trên mui chảy xuống như những giọt lệ người, hốt nhiên tôi nhớ đến những cơn mưa quê nhà mà Triết học vẫn thường gọi là "Liên tưởng" (Association des idées) với nỗi nhớ một người ở xa, nên đã nảy ra trong đầu một bài thơ để ghi lại cái phút giây buồn tủi bất chợt đó trên mặt trong của tờ giấy chì từ bao thuốc lá: “Cơn mưa buổi sáng” mà tôi thấy nó buồn không thua gì mưa chiều, hay mưa đêm, bởi vì trong chính lòng tôi đang mưa:


Mưa buổi sáng,
mà lòng tôi chiều...


Ở xa, 
nên nhớ thương nhiều đến em...!


Trời nào,
gọi là trời quên,


Nhớ nào,
 là nhớ thương đền cho nhau?


Một sợi mưa mau,
hai sợi mưa mau...


Sợi nào,
là sợi mưa đau trong lòng?


Mưa bay,
 ướt sợi tơ hồng...


Có người,
 vẫn mãi nặng lòng thương em...!


Sau này, tình cờ trên “Face book”  tôi chợt thấy bài thơ này, nhưng tên Tác giả là một cô gái còn nhỏ, tôi có thư cho nàng hỏi vì sao như vậy? Cô chỉ trả lời nhẹ nhàng và  rất hồn-nhiên: “Bởi vì em thích , nên chôm, thế thôi, nhất là 2 câu đầuMưa buổi sáng / mà lòng tôi chiều ..” không ai nói như vậy cả…!?” Tôi đành mỉm cười và nói cám ơn vậy thôi!…


Và, cũng có ông Nhạc sĩ  xa tôi cả ngàn cây số đọc được bài thơ này nên ông thư cho tôi  hỏi xin phép để ông phổ nhạc… Tôi nói phép tắc gì, nếu thích thì cứ phổ đi nó mới dễ hay, chứ cứ gửi bài Thơ đến cho Nhạc sĩ nhờ phổ, cậy chỗ quen biết thì đâu ra gì… và gây khó-khăn cho người ta nữa, như lời Nhạc sĩ Từ-Công-Phụng từng nói , vì ông cứ bị trường hợp này, rất khó xử bởi chỗ “bạn bè”, từ chối thì mất lòng mà làm thì không thích, nhất là thơ 6/8 thì ông ấy rất ớn vì nó đơn điệu (monotone)rất khó phổ nhạc… Tôi nói với ông Nhạc sĩ này, cứ “chơi” đi, miễn nó hay mới đáng nói, bởi vì Văn nghệ là của chung rồi, dù xin phép thì cũng “phải đạo” thôi, nhưng không quan trọng, tôi chỉ yêu cầu ông đừng sửa bất cứ gì trong Thơ tôi như người ta phổ bài “Ngồi quán” là được,  nguyên bản luôn mà vẫn hay, đó là cái tài của mỗi Nhạc sĩ, khi xong bạn gửi cho tôi một bản nghe chơi, vậy là o.k!... Ở Mỹ, có cô nhà Văn gì đó lâu quá tôi không nhớ tên, vốn dân ĐHSP như tôi, viết cuốn sách với bìa là tranh “Dáng xưa” của tôi, nhưng không biết tôi ở đâu nên không xin phép… mãi sau này cô mới biết gửi tặng tôi một cuốn sách với lời xin lỗi và cám ơn… Đâu có sao! Ông Nhạc sĩ phổ xong rồi nhờ Ca sĩ hát,  thu âm gửi tôi một CD  cùng với 4 CD khác cũng của ông đã phát hành cả mấy năm trước nhờ tôi nghe và có ý kiến  …Tôi rất ngại chuyện này khen chê rất dễ mất lòng vì mình không thân thiết gì nhau . Tôi có nghe thử bài  nhạc “Cơn mưa buổi sáng” thấy cũng tạm vậy thôi, không có gì đặc biệt, Ca sĩ  địa phương hát, không như DVD có bài “Ngồi quán” của tôi, hòa âm, phối khí, và thu âm ở Sàigòn do Ca sĩ nổi tiếng Thu-Minh hát… Ca sĩ Ý-Lan từ Mỹ có phone qua khen bài hát này. Tôi thích bài này nhất hơn là bài “Không ngờ” của tôi do Khúc-Lan phổ nhạc ở Mỹ qua giọng ca Julie Quang. Ở Pháp có người phổ bài “Buổi sáng lạng-quạng ở ga Liverpool”thơ tôi, nghe buồn-buồn theo điệu “Ballade” mà người ấy nói rất chịu tôi hai câu này “Mưa bay từng sợi qua thềm / Bỗng dưng tôi nhớ thương em vô cùng…”. Hình như mỗi Nhạc sĩ phổ nhạc Thơ, họ chỉ cần thích vài câu là có đủ cảm hứng cho họ phổ chứ không cần toàn bài, như ông Nhạc sĩ ở Mỹ đọc bài  thơ “Khuya, đưa em về trên phố Strathfield”của tôi, ông ấy thích mấy câu này: “Đưa em qua phố hoang / Hoa trúc đào nở đỏ/ Hôn bàn tay em nhỏ/ Mùi lệ-chi thơm lan…” (vì bữa đó hai đứa ăn chung một gói trái vải .…) Trở lại với ông Nhạc sĩ phổ “Cơn mưa buổi sáng” tôi có lấy từ 4 CD kia , 1 cái ra nghe mà thôi, vì tôi rất lười nghe nhạc tùm-lum…Tôi chỉ thích nghe những bản nhạc mình thích mà thôi, như hầu  hết nhạc TCS, ngoại trừ  những bài phản-chiến, nhưng rất mê mấy bài : “Người về bỗng nhớ “, “Em hãy ngủ đi ” và “Rừng xưa đã khép”… Nhạc Vũ Thành An tôi chỉ thích bài “Tình khúc thứ nhất”… Rất bùi ngùi khi nghe “Đêm tàn bến Ngự”  của Dương-Thiệu Tước. Bài “Người tình không chân dung” của Hoàng Trọng, nhạc đệm cho phim cùng tên do Kiều-Chinh đóng - theo tôi, nó là bản nhạc chiến tranh hay nhất của miền Nam thời bấy giờ… Khi lên Đảo tôi mới được nghe bài: “Niệm khúc cuối ” khi đang tập thể dục trên sân banh… bài này vốn của Ngô Thụy Miên, nhưng tôi không hề biết, mãi khi qua Úc được một cô bé tên Bạch cùng chuyến bay hát lại cho tôi nghe khi ở Endeavour Hostel thì mới rõ…Tôi rất chịu bài “Đêm nhớ về SG” của Trầm Tử Thiêng vì trong đó có câu rất giống bọn tôi “Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau” (nhưng không thích bài “Đêm nhớ trăng SG). Bài “Tình ca mùa Đông” cùng tác giả cũng rất hay, có những câu rất thấm thía rằng: “Lòng thì hẹn cơn đau nguôi ngoai nhưng sao nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy” qua giọng ca Lệ Thu nghe nhức nhối vô cùng…Bài“Buồn tàn Thu” của Văn-Cao nó liên, hệ với tôi từ ngày tấm bé. Rất cảm động khi nghe “Đường về Việt Bắc” của Đoàn-Chuẩn khi giới trí thức Bắc phải vào rừng Kháng chiến mà vẫn nhớ Kinh đô…Tôi yêu giọng Lệ-Thu qua “Hẹn hò” của Phạm Duy. Riêng thương cảm sự lận đận và nét buồn qua bài “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong, một người rất tài hoa nhưng yểu mệnh, đặc biệt với mối tình chung thủy của cô bán hàng Chợ Hôm ở Hà-nội… Bản “Nửa đêm ngoài phố” của Trúc Phương, nó là dấu ấn của tôi thời mới lớn ở Nha-trang… Bản “Trăng tàn trên hè  phố “ của Phạm Thế  Mỹ luôn gợi nhớ lại thời binh lửa, nhưng buồn nhất vẫn là “Một mai giã từ vũ khí” của Nhật-Ngân. Sự cực kỳ lãng mạn làm tôi nhớ tới Phú-yên qua bài “Anh còn nợ em” trong đó có 2 từ “núi Nhạn” chỉ xứ này mới có mà thôi… là nơi tôi từng dẫn lính vượt sông đêm tên gọi Đà-rằng… của Anh-Bằng…Trong nước tôi chỉ thích 2 bài “Phượng hồng” thơ Đỗ Trung Quân nhạc Vũ Hoàng, và bài “Ca dao em, và tôi” của An-Thuyên,  lyrics  lẫn nhạc rất tuyệt-cú-mèo…Trong Dân ca  3 miền tôi thích nhất Dân-ca Hà-tĩnh vì âm điệu nó rất phong phú… nhất là bài “Giận mà thương” do Vân Khánh hát, nó là Dân ca thuần túy, hay hơn nhiều so với bài cùng tên do Trần Hoàn cải biên. Nhạc Tây tôi chỉ thích “Hello” do Richie hát không chê vào đâu được… Còn nhạc “giựt”, nhạc “rống”, cải lương… thì tôi thua! Đặc biệt từ những bản nhạc tôi thích, tôi hay thường đưa vào tranh vẽ của tôi như một cảm hứng trong Hội họa… nên tên tranh cũng là tên nhạc… như “Người về bỗng nhớ / Trăng tàn trên hè phố / Huyền thoại Mẹ / Người đi khu chiến/ Nửa đêm ngoài phố…chẳng hạn. Trở lại CD của ông Nhạc sĩ, trong đó có một bài hát mà mới nghe tôi giật mình vì nó y chang một đoạn nhạc của TCS… nên trong thư trả lời tôi có nói điều này với ông Nhạc sĩ mà không biết đúng hay không, nếu sai thì tôi “sorry” mà đúng thì ông nên sửa kẻo người ta cười mình “đạo nhạc”… thì ông ấy trả lời tôi rằng: “Never!” bởi 2 lý do: thứ nhất, ông ta không bao giờ nghe nhạc TCS vì ông là người Bắc Di-cư 54 rất chống Cộng nên ghét TCS, do đó không thể “đạo” TCS được, thứ nhì, CD này phát hành cỡ 5 năm rồi, nếu có vậy thì người ta đã nói với ông… Ông có vẻ bực-bội tôi, nên tôi thư xin lỗi, nói tôi lẩm-cẩm rồi nên nhìn gà hóa cuốc... Nhưng sau đó, tôi lục tập Nhạc “Những ca khúc không năm tháng” của TCS tìm cho kỳ được bài nhạc nguyên bản mà tôi thấy giống với đoạn nhạc ông Nhạc sĩ này, rồi“copy” lại nguyên đoạn nhạc cả lời nữa, gửi xuống cho ông ấy kèm với lời xin lỗi lần nữa… thì ông ấy thư cho tôi xin lỗi tôi rối-rít và công nhận rằng chẳng những nó giống một câu mà nguyên cả một đoạn nhạc nữa…Từ đó, tôi không liên lạc với người Nhạc sĩ “già mồm” này nữa, vì đó là điều tôi kỵ nhất, tôi rất sợ loại người này, cứ nghĩ lúc nào họ cũng đúng, thì mình nên lánh xa ?!!…Ô hô! 

*Nguyễn-Tư