Wednesday 23 January 2019

TẠI SAO CHÚNG TA HAY NÓI DỐI?


TẠI SAO CHÚNG TA HAY NÓI DỐI?

Bộ sách "Vạch mặt thiên tài nói dối" và "Hóa ra sự thật sau cùng là tổn thương" giúp bạn thấu hiểu chính mình, thấu hiểu cho nhau và cùng vượt thoát cạm bẫy tổn thương.

Vạch mặt thiên tài nói dối: Ta là ai giữa đời này?
Nói dối không phải là một chủ đề mới. Đã có rất nhiều cuốn sách viết về cách nhận biết các lời nói dối, làm sao để không bị lừa dối, nhưng có vẻ chưa giúp người đọc chạm đúng bản chất của vấn đề.

Nói dối đang được hiểu theo một cách rất đơn thuần: Một người đang nói dối nghĩa là nói không đúng sự thật. Nhưng đó mới chỉ là một mẩu dối trá và một mẩu sự thật. Còn có những sự thật khác ẩn đằng sau tâm lí của mỗi người.

Cuốn sách Vạch mặt thiên tài nói dối chỉ ra các mẫu hình nói dối và những cách thức giúp bạn có thể phân biệt và nhìn thấu những trạng thái nói dối, hoặc ít nhất là nhìn thấu động lực của những lời nói dối ta hay gặp nhất. Bạn có thể thực hành phương pháp bóc tách bất kì lời nói dối nào dựa trên ba bước (ba quy tắc):

Thứ nhất, tất cả những gì nói ra ngay lập tức thì không phải là sự thật; thứ hai, những gì người ta nói là người ta tin, hoặc tưởng mình tin đều không phải là sự thật; thứ ba, bản thân người nói dối không thật sự biết sự thật, nói cách khác người ta không biết đến sự thật nằm sâu trong mình.

Lời nói dối ẩn giấu trong chính ngôn ngữ đời thường và mỗi lời chúng ta nói ra hàng ngày. Cuốn sách chỉ ra tâm trí và ngôn ngữ của chúng ta là thứ được kiến tạo từ trong gia đình, từ khi chúng ta còn nhỏ đến khi chúng ta lớn lên, trở thành những mô thức.

Chúng ta nghĩ mình chủ động học hỏi, nhưng phần học hỏi đó không nhiều như chúng ta nghĩ. Chúng ta nghĩ mình có chính kiến, sự thực đó chỉ là những điều được kiến tạo trong chúng ta.

Đô thị đã thông qua gia đình, giáo dục, văn hóa, định kiến và những phương tiện của đời sống hiện đại – thế giới ảo (mạng, game…) để kiến tạo nên con người đô thị - con người nói dối trong chúng ta.

Lời nói dối được thể hiện thông qua sáu phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ, cường điệu trong ngôn ngữ. Chúng ta vẫn hiểu nhầm đó là 6 phép dùng trong văn chương, nghệ thuật. Sự thực khởi phát chính là sáu phép nói dối trong ngôn ngữ đời thường và hiện giờ được tất cả các phương tiện nghệ thuật và truyền thông sử dụng (cả ngôn ngữ lẫn hình ảnh).
Hóa ra sự thật sau cùng là tổn thương: Trưởng thành là đau đớn

Cuốn sách thứ hai trong bộ sách chỉ ra đằng sau những lời nói dối luôn có một bí mật sâu thẳm, đó là động lực nằm trong tâm lí con người. Nhưng dù tâm lý thâm sâu đến đâu, dù những lời nói dối trùng điệp đến mấy, vẫn luôn có cách đi đến cội nguồn sự thật.

Hóa ra sự thật sau cùng là tổn thương đưa bạn đi đến thế giới tận cùng của sự thật bị che giấu. Đó là thế giới mà mỗi người thường không mấy khi đủ can đảm đương đầu: Thế giới của tổn thương trong chính mình.
 Phải vượt qua tổn thương mới có thể thực sự trưởng thành.

Có một sự thật là: Chúng ta nói dối nhau vì chúng ta hiểu lầm về đời sống, về con người, về các mối quan hệ. Hơn thế nữa, chúng ta hiểu nhầm cả về cảm xúc, tâm lí và đọc nhầm ngôn ngữ thân thể của chính mình, của người khác. Lời nói dối dùng để che giấu sự hiểu nhầm đó, che giấu nỗi sợ hãi và ảo tưởng trong chúng ta.

Chẳng hạn, những người tự ti trong sâu thẳm luôn có động lực phải chứng tỏ mình với người xung quanh. Họ dùng nói dối so sánh hơn - kém, cao - thấp để tôn mình lên. Hoặc họ dùng nhân hóa để hạ thấp người khác, nhằm cảm thấy mình “cao” hơn. Sự thật chỉ có một: Họ từng phải chịu nhiều tổn thương do bị người khác đánh giá, chê bai, coi thường, hoặc không được thừa nhận từ khi còn bé.

Hay những người bán hàng dùng phép điệp từ lặp đi lặp lại một vài từ khóa, một vài thông điệp là bởi họ muốn bán được hàng, tức là muốn thu vén lợi ích.

Vì tham lợi, trục lợi, họ sẵn sàng bất chấp sự thật, đến mức tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác, họ hoàn toàn tin vào lời nói dối điệp từ của mình. Vì thế, hãy cẩn thận với “nhân viên bán hàng” trong mỗi người, bởi ai cũng có phần tham lam lợi ích, vật chất.

Cuốn sách chỉ ra, một quy luật không thay đổi là: “Kẻ nào nói dối, kẻ đấy chuốc lấy tổn thương. Kẻ có thể gây nên tổn thương cho người khác nhất định tự trong họ cũng tổn thương rất nhiều.”

Lời nói dối chỉ có một tác dụng tai hại là trao chuyển tổn thương từ người này sang người khác. Cả đô thị phồn hoa đầy ánh sáng của chúng ta hóa ra là một đại dương sâu thẳm của những lời nói dối và những tổn thương.

Bộ sách thuộc thể loại tâm lý – kỹ năng, vì vậy nó đáp ứng được hai tiêu chí. Thứ nhất là tiêu chí thực tiễn, nó không lí thuyết suông mà trực tiếp đưa ra cho bạn những cách để nhận biết và thực hành.

Đồng thời đáp ứng tiêu chí chiều sâu, lý giải nguyên lý vận hành sâu xa của tâm lý, giúp bạn thấu triệt vấn đề. Hình vẽ minh họa đi kèm giúp bộ sách tuy đề cập đến những vấn đề rất khó đối diện, song lại rất dễ đọc, dễ nhớ, dễ thực hành và dễ truyền bá.

Bộ sách cũng gợi cho bạn những suy nghĩ về những câu hỏi mà cuộc sống vấn đặt ra cho mỗi người: Bạn có dám trưởng thành không? Bạn có dám nhìn rõ từng điều sâu thẳm và đen tối trong những người bạn yêu thương và trong chính mình?

Bạn sẽ nhận ra, lời nói dối chỉ đáng sợ khi không ai biết sự thật nằm ở đâu. Lời nói dối chỉ thao túng bạn khi bạn không biết làm sao để biết được sự thật. Bạn sẽ nhận ra rằng, lời nói dối sẽ bị bóc tách khi bạn dám đối mặt với con-người-trần-trụi và đau-khổ trong chính mình.
Image result for TẠI SAO CHÚNG TA HAY NÓI DỐI?