Thursday 28 February 2019

NGHĨA TRANG CHO NGỰA - DI SẢN THẾ GIỚI CỦA UNESCO Ở NGA


 NGHĨA TRANG CHO NGỰA - DI SẢN THẾ GIỚI CỦA UNESCO Ở NGA

Một ngôi nhà dưỡng lão cùng một nghĩa trang dành cho ngựa đã được các Nga hoàng dòng họ Romanov xây gần nhà nghỉ hè của hoàng gia.
Nay nó đang được phục hồi sau phát hiện của một người Pháp. Nghĩa trang ngựa “duy nhất trên thế giới” này được xếp vào Di sản thế giới của UNESCO. 


  Nó không được ghi trên bất kỳ sách hướng dẫn du lịch nào. Không cột mốc hay bảng chỉ đường. Một con đường nhỏ đi xuyên qua những khu rừng, dẫn đến một địa điểm không tên. Im lặng hoàn toàn như vượt ra ngoài thời gian. Kỳ thực, nếu chiếu thẳng theo đường chim baỵ, nó chỉ cách xa một địa điểm du lịch rất đông khách viếng thăm: cung điện mùa hè của các Nga hoàng, nằm cách Saint-Pétersbourg chừng 20km về phía Nam. Hàng triệu du khách mỗi năm đến nơi đây tìm lại quang cảnh lộng lẫy vàng son của lâu đài Catherine và dạo chơi trong các lối đi của công viên Alexandre; nhưng không một ai đặt chân đến chốn này, nơi tận cùng lãnh địa Tsarskoie Selo (ngôi làng của Sa hoàng).
Cho dù một du khách nào đó có nhỡ lạc bước đến đây thì liệu họ có mấy chú ỷ đến một cái gì đó nom giống tựa một sân trang trại, có hàng rào kẽm đã han rỉ bao quanh với vài túp lều và những nhà lợp một mái đơn sơ? Duy nhất khiến cái nhìn của khách có thể lưu ý là một nhà xây bằng gạch đỏ. Ngôi nhà hai tầng có trổ các lỗ châu mai nom khá kỳ lạ; bên trên cùng là một tháp canh tròn có một mái ngói nom như mũ đội. Phía sau ngôi nhà, dưới lớp tuyết, người ta có thể đoán ra những ngôi mộ, được xếp thẳng hàng, một đường thẳng  tắp, trong khi các nghĩa trang ở Nga có đặc điểm là các ngôi mộ thường được bố trí rất lộn xộn.

Nghĩa trang cho ngựa - Di sản thế giới của UNESCO ở Nga - Ảnh 1

Không hề có trụ kê hay bia mộ, và cũng không có các thành giá trên phần mộ xay: tất cả đều giống nhau, xếp hàng chừng chục ngôi một. Mới thoạt nhìn có thể nghĩ đấy là mộ người vì chúng cùng có cỡ thân hình người, nhưng kỳ thực không có người nào được chôn ở đây cả: đấy chỉ là những ngôi mộ của những con ngựa của hoàng gia. Trong gần một thế kỷ, các Nga hoàng vẫn có thói quen an táng ngựa, những con ngựa có “công lao” nhất của họ. Đó là những con ngựa trước khi chết còn được an nghỉ tuổi già trong một thành trại được xây dựng đặc biệt cho chúng. Thành trại này đã được hoàng đế Nicolas đệ nhất đặt hàng cho kiến trúc sư Adam Menelaws vào năm 1826.
Đó là ngôi nhà dưỡng lão cho ngựa đầu tiên trên thế giới, và liền phía sau nó là nghĩa trang cho ngựa, “duy nhất trên thế giới”. Tại đây, cho đến ngày Nicolas II sụp đổ, đã có 120 con ngựa của hoàng gia được an táng, khiến nó trở thành “nghĩa địa ngựa lớn nhất trong lịch sử”. Nơi chốn này không bí mật nhưng cũng không được người ta biết đến. Năm 1952, chính quyền Xô viết cấm người dân ra vào và cho cấm một trung tâm chế tạo các khí cụ hỏa công (pyrotechniques). Hàng đoàn xe cơ giới thi công đã bốc đi mất khoảng 30 ngôi mộ và phá hủy nhiều viên gạch táng trên các phần mộ.
Ngôi nhà xưa kia là nhà dưỡng lão cho ngựa nay được sử dụng làm xưởng sửa chữa cho Cục mỹ thuật địa phương, còn các ngôi nhà xung quanh đây thì dùng làm kho chứa đồ phế thải. Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, người ta đề ra việc “dọn sạch” khu di chỉ này bằng máy ủi cơ giới. Tin đó cũng không làm ai quan tâm, là vì trong ký ức người dãn Xô viết không còn ai nhớ đến nghĩa địa ngựa cùng ngôi nhà cổ lỗ cạnh nó, tại Tsarskoie Selo. Ấy vậy mà giờ đây, quần thể độc nhất đó đang gần được hồi sinh: “Nếu như mọi việc đều suôn sẻ, chúng tôi có thể cho nó diện kiến khách du lịch vào mùa thu đến”; Alexandre Kedrinski, kiến trúc sư trưởng các di tích lịch sử tại Tsarskoie Selo, nói.
Quả là điều thần kỳ, kết quả của một sự tình cờ và nhất là của nhiệt tâm năng nỗ của một người Pháp, Jean-Louis Gouraud. Cùng với một nhóm bạn ít ỏi người Nga, từ 15 năm nay con người này không tiếc thì giờ, công sức để làm sống lại di tích của những thời kỳ lịch sử các Nga hoàng. Là nhà văn, nhà xuất bản và là người rất đam mê ngựa, ông ta đã phát hiện ra sự tồn tại của nghĩa địa ngựa của Nga hoàng tại… Paris, trong khi tra cứu một bách khoa toàn thư có ở Thư viện quốc gia.
Ông đã tình cờ đọc được một bài báo đăng trong tạp chí Kho tàng mỹ lệ – một tạp chí đại loại như Science et Vie (Khoa học và đời sống) vào thời đó – trong đó tác giả miêu tả “Khách sạn hoàng gia cho các con ngựa tàn phế từng có vinh dự được các hoàng đế cưỡi” như là “một cơ sở được thiết lập ra có lẽ là duy nhất tại châu Âu”. Trên bức tranh khắc gỗ được thực hiện do phái viên đặc biệt của tạp chí trên, người ta nhìn thấy ở cận cảnh, những ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp: “Mỗi ngôi mộ có mang tên con ngựa được tôn vinh, tên của vị hoàng đế đã cưỡi nó, và thường là cả ngày sinh, ngày mất của con vật, làm khi còn kèm theo các sự kiện lịch sử”.

Nghĩa trang cho ngựa - Di sản thế giới của UNESCO ở Nga - Ảnh 2
Phát hiện tình cờ trên đã khơi nguồn cho một sự tìm hiểu sau đó với những kết quả phong phú, thú vị. Ý tưởng về một ngôi nhà dưỡng lão cho ngựa hoàng gia đã đến với Nicolas đệ nhất từ những tuần lễ đầu tiên ông ta lên ngôi. Sau khi dẹp tan cuộc chính biến của Những người tháng Chạp (Décembristes, những người tham gia âm mưu lật đổ vị hoàng đế này vào tháng 12 năm 1825), đưa họ đi đày, vị hoàng đế được mệnh danh là “Sa hoàng sắt thép” hay “Nicolas dùi cui (Nicolas la trique)”, thấy không có gì cấp bách hơn là lo cho tiện nghi sinh hoạt của đàn ngựa mà người anh ông ta – Alexandre đệ nhất – để lại (Đặc biệt là con Người Bạn, con ngựa chiến mà vị hoàng đế Nga đã cởi lúc tiến vào Paris.
Năm 1814, cùng với các nước liên minh. Con tuấn mã “cận vệ” này còn tiếp tục sống già nhiều năm ở nhà dưỡng lão trước khi nằm xuống tại nghĩa trang). Sở nhà cho các con ngựa tàn phế – gồm 7 tàu ngựa ở tầng trệt, tầng trên dành làm nơi ở cho các mã phu – là một… khách sạn bốn sao hẳn hoi. Sau ngày khánh thành, năm 1830, chính đích thân hoàng đế xem xét nhiệt độ ở đó (mùa đông ở Nga rất lạnh) cũng như phẩm chất cỏ cho ngựa ăn. Alexandre Kedrinski nói rõ: “Một số con đã sống đến 36,37 tuổi do các điều kiện sinh sống tốt tại nhà dưỡng lão”.
Ngoài hai con Ami và Segai của người anh, Nicolas cho vào nhà dưỡng lão ba con của chính mình (Milaya, Beauty, Alexandre), hai con của hoàng hậu (Mathilda và Fritz) và thế là hết bảy tàu ngựa đầu tiên; sau đó khả năng dung nạp của nhà dưỡng lão tiếp tục được mở rộng. Nhân ngày con ngựa dưỡng lão đầu tiên chết ở nhà dưỡng lão – ngày 7.4.1834 -Nga hoàng ra lệnh “chôn cất nó ngay cạnh hoàng cung”, và đích thân viết bài vị cho con Beauty này, con ngựạ “đã phục vụ Đức Vua trong hai mươi bốn năm trời”, ở tầng trên của ngôi nhà dưỡng lão, người ta đã quy tập các yên, cương cùng những vật phụ tung khác của những con ngựa dũng cảm, có nhiều công trạng của các Nga hoàng: manh nha một bảo tàng nhỏ về ngựa của hoàng gia.
Nhưng còn phải rất lâu sau này Jean – Louis Gouraud mới thấy được di tích lịch sử độc đáo này. Khi ông tình cờ gặp Natacha Lapchena, một nhà nữ nghiên cứu thuộc Viện ngựa (Institut du cheval) của Nga; cô ta đề nghị dẫn ông đến nghĩa địa trứ danh trên mà người thầy huấn luyện cỡi ngựa cho cô ta đã giúp cô khám phá ra. Ngày 2.10.1999, hai người cùng với một người bạn chung đến Leningrad, lần mò lại Tsarskoie Selo – lúc bấy giờ còn gọi là Pouchkine – và bí mật xâm nhập vào trong khuôn viên cấm dân chúng vào trong, và họ đã phát hiện ra mức độ rộng lớn của những… tàn phá, hư hại. Những bia mộ với các mẫu tự bằng tiếng Slave khắc trên đá nằm nhô lên dưới lớp cỏ dại mọc cao, rậm rịt.
Cây cối mọc hoang chiếm lĩnh tất cả. Xung quanh chuồng ngựa, những bức tượng bị đập vỡ, gãy, các tấm gạch đá lát nằm vương vãi khắp nơi, vôi vữa từng đống,… Toàn bộ nghĩa trang ngựa chỉ còn lại có thế, đắm chìm trong quên lãng. May thay, năm 1988 Liên Xô khởi đầu công cuộc cải tổ. Natacha có bạn bè ở đài truyền hình, viết bài báo động, và có ngay phản ứng tích cực từ phía chính quyền đang đổi mới. Và thế là có ngay một số biện pháp cứu vãn sơ bộ. Nhưng rồi công việc bảo vệ và phục hồi di tích vẫn không có nguồn tài chính.

Nghĩa trang cho ngựa - Di sản thế giới của UNESCO ở Nga - Ảnh 3

Gourou không chịu bó tay, ông ta lập một ủy ban, và theo tinh thần đổi mới, giải quyết nó bằng kinh doanh, ngay trên cơ sở những gì có liên quan đến giá trị lịch sử của công trình: ông cho xuất bản một sưu tập các bài viết về ngựa vào năm 1995 và sau đó một sưu tập về các cuộc biểu diễn ngựa; nhờ đó thu được 10.000 đôla năm 1997, dùng cho việc nghiên cứu, và 14.000 đôla vào năm 1999 cho chi phí phục chế di tích.  Và người được giao điều phối mọi hoạt động phục chế là Alexandre Kedrinski, người mà năm 1944 đã từng được giao nhiệm vụ trùng tu các di tích ở Tsarskoie Selo; nay ôỏng ta đã 84 tuổi.
Giờ đây việc trùng tu nghĩa trang ngựa cũng phải tiến hành một cách khoa học, cũng như những phần còn lại của lãnh địa này. Katia Kourova, một nhà khảo cổ học nữ trẻ phụ trách việc khai quật; cô ta lao vào tìm tư liệu trong hồ sơ lưu trữ – may thay rất phong phú – về các tàu ngựa của hoàng gia để từ đó tìm lại đúng địa hình của các nơi chốn, căn cước của những con ngựa và các chữ khắc trên các ngôi mộ”.  Năm 1997 chúng tôi chỉ mới có được 45 tên ngựa, nay đã tìm được 100; 96 ngôi mộ đã được định vị và phục chế”. Đến mùa xuân năm nay, đất bãi tại đây sẽ được tháo nước chống ngập úng, trồng lại cỏ và cây cối vào đúng chỗ cũ như xưa kia, vẽ lại các lối đi…


  Miệt mài với các bản vẽ, nhà kiến trúc sư già Kedrinski đang ráo riết chuẩn bị cho “giai đoạn sau”: phục chế các mặt tiền của nhà tạ kiểu gô-tích mới. Nói chung công cuộc khôi phục lại di tích nghĩa trang ngựa đang tiến hành suôn sẻ, nhưng tiến độ chậm vì vấn đề tài chính.  Quần thể các công viên và cung điện tại Tsarskoie Selo nay được xếp vào hàng Di sản thế giới của Unesco, với Ivan Saoutoy làm giám đốc. Elena Tarkhanova, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nữ người Nga, người điều hợp của ủy ban Tsarskoie Selo tại Saint – Petersbourg, đã nói rõ: “Lịch sử của những con ngựa được gắn liền với các chiến thắng và những kỳ tích của các vì quân vương. Chúng là một yếu tố của lịch sử nước Nga. Người ta không thể hình dung Triều đình của các hoàng đế Nga mà lại không có những con ngựa của nó, được mua từ khắp nơi trên thế giới”.