“CÚI MẶT...”: NỖI GIAN-NAN CỦA MỘT BÀI THƠ!
*“Em về, một cõi Thu vàng áo,
Có nghe màu tà dương - phai hương ...?”( Nguyễn-Tư )
Thủa ấy là mùa Thu - mùa Thu của đất trời, và cũng đã từng là mùa Thu tai ương của Dân tộc... Cho nên, không phải chỉ có con người mới gian-nan mà ngay cả tác phẩm của họ cũng trầm-luân không kém, như bức “Dr Gatchet” của đại Danh-họa Van Gogh chả hạn, do ông vẽ để tạ ơn người Bác sĩ ân nhân của mình khi ông nằm Bịnh viện vì vết đạn nơi bụng do chính ông tự bắn, nhằm chấm dứt cuộc đời mà ông tự thấy không còn lý do để sống nữa. Bức họa này ông Bác sĩ đã đem dừng chuồng gà... vì không biết giá trị của nó thời ấy, nhưng hiện bức này - ở thế kỷ sau - được mua với giá 70 triệu USD, thì không gian nan là gì, dù trong suốt đời cầm cọ của Gogh, chỉ có một lần ông đói quá phải đem bức tranh nhỏ của mình ra đổi cho bà bán tạp hóa đầu ngõ để chỉ lấy được một ổ bánh mì mà thôi...?Hay như cuốn Nhật ký của cô bé 13 tuổi người Đức gốc Do-Thái tên Anne Frank đã phải chạy trốn bọn Đức quốc xã mãi tận nước Hà-lan, vậy mà cuối cùng cả gia đình bịphát hiện nên bị tống khứ về Đức để nhốt vào trại tập trung , để cô bé lẫn người chị phải chết tức tưởi trước khi quân Đồng minh vào giải phóng có mấy ngày. Cuốn nhật ký ấy nguyên bản bằng tiếng Hà-lan với tựa đề được dịch ra tiếng VN là“Căn nhà phía sau” bị vương vải nơi căn nhà cũ hoang phế ấy. Sau này người Bố cô sống sót trở về Hà lan, được một người quen cũ giao lại tập nhật ký - như một khám phá rất ngạc nhiên về cô con gái thân yêu đầy tài năng Văn chương của mình mà ông không hề nhận ra trước đó. Và, từ đó ông muốn phổ biến cho mọi người biết những sự thực đau thương do cuộc Chiến tranh tàn khốc gây ra cho một cô bé hẩm-hiu gánh chịu , phải đổi lấy sinh mạng của mình... ghi chép một cách tỉ-mỉ, nhưng ông đã cắt bớt 5 trang mà ông tự thấy không nên tiết lộ những riêng tư trong gia đình giữa hai mẹ con không được thuận thảo nhau, cũng như những suy tư về chính bản thân cô bé vừa mới tuổi dậy thì lúc đó. Cuốn sách được các nước Tây phương xuất bản với cái tên mới là“Journal d’Anne Frank / Anne Frank‘s diary” ... mãi sau này thì 5 trang kia mới được phục hồi .... Tôi nhắc đến hai tác phẩm nổi tiếng này chỉ để nói lên nỗi gian nan của nó, chứ không dám so sánh với trường hợp bài thơ “Cúi mặt” của tôi làm trong một hoàn cảnh không kém tang thương và nó phải mất hơn 35 năm dâu bể sau, mới tới được tay người tôi muốn gửi lại, mà tôi nghĩ họ cần đọc nhất, bởi một lẽ giản dị: họ chính là nhân vật trong đó - vốn là học trò cũ rất thân của tôi thời Hoàng Diệu! Bài thơ này tôi làm rất lâu trong nước, khi tôi được thả tù vào dịp “ Quốc-khánh - VC2/9” khoảng 6 chiều, trời sụp tối , hai bên đường Hai bà Trưng rực-rỡ cờ hoa đỏ khé rợn người, khi tôi chỉ mặc bộ bà-ba đen nhuốm phèn tả-tơi, tay xách cái giỏ đệm trong chứa lỉnh-kỉnh những đồ lặt-vặt của tù như lon Guigoz, võng, khăn rằn, kem và bàn chải răng ... Nhưng đặc biệt có một pho tượng gốm mà tôi đã móc đất sét đỏ từ đáy ao để nặn, và nung trong lò trấu của Tiểu đoàn, sau đó có dịp đi lao động ngang Quốc lộ 4 tôi nhặt mấy cục dầu hắc về nấu với dầu hôi rồi phết lên tượng đen thui, bóng lưỡng không thua gì sơn mài ở SG....Tượng có tên “Đợi chờ” mang hình ảnh người phụ nữ VN ngồi, hơi cúi, mặt buồn rầu, tay chống cằm mải-mê chờ người thân đi lao cải chưa về...Tôi cũng nặn cùng lúc pho thứ hai tên “Gái núi” là hình ảnh cô sơn-nữ - để nhớ những ngày lặn-lội ở Pleiku trước 75 ... đang quì gối, sau lưng mang cái gùi, thực ra là tôi muốn dùng để tăm xỉa răng... nhưng pho này tôi đổi mấy gói thuốc rê cho môt bạn tù khác giàu có để họ tặng vợ họ trong một kỳ thăm nuôi, mà họ muốn tôi lặng thinh để họ nói họ là Tác giả, tôi chả nề hà gì... miễn họ được HP thì thôi, còn tôi có thuốc rê để hút là được.Và, một chiếc vòng mi-ca làm rất gian nan, khó hơn nặn tượng nhiều, từ kiếng thiết-giáp Mỹ phế thải, loại kiếng mica này dày cả tấc, rất chắc, đạn bắn không thủng... phải nhờ mấy Vệ- binh đi chợ cho tù, họ mua giùm lưỡi cưa sắt vốn luật Trại cấm vì sợ tù vượt ngục, nhưng chỉ cần dúi cho họ ít tiền là xong.... Mica được tù thay phiên nhau cưa vì rất dai, thành từng lát mỏng cỡ hơn phân tây, xong nhặt lon Coca cũ cắt miệng, nung lò trấu cho thực nóng đỏ, xong ịn thực mạnh, xoáy tròn qua lại cho đến khi thủng miếng mica mới thôi, thường ít nhất phải 3 lần ịn như vậy mới phủng, rồi dùng cưa sắt cưa chung quanh cái lỗ tròn ấy để có hình dạng môt chiếc vòng đeo tay. Anh em tù khác họ thường chỉ làm cái lược chải tóc là cùng vì nó đơn giản, dễ làm , nhưng tôi lại thích làm cái vòng, chỉ vì tôi thấy nó đẹp hơn, khó hơn và dính kết với con người hơn là cái lược , nhưng đặc biệt vì tôi rất thích hai câu thơ của Trương-Tịch đời Đường bên Tàu khi dùng bài “Tiết phụ ngâm” của mình để ẩn dụ cho ý niệm “trung Quân” khi ông được người nước khác vời ra làm Quan nhưng ông chối từ với thái độ không phải là không tiếc thương: “Hoàn quân song minh chu, song lệ thùy / Hận bất tương phùng vị giá thì..”(tạm diễn nôm: Em hoàn lại cho anh đôi ngọc, với hai dòng nước mắt tuôn trào... Và hận: sao chúng mình lại không gặp nhau khi em còn độc thân ...?!).Trong 2 câu thơ này nó nói lên hai vấn đề: thứ nhất, đó là một thứ Đạo đức cuồng tín, có sau con người, do con người đặt ra dưới thời Phong kiến để bảo vệ quyền lợi cho họ trước tiên: “Sự chung thủy tuyệt đối với cái gì mình đã gắn bó trước đó”, dù chính lòng mình không muốn đi nữa, mà về phía suy luận Tây phương thì họ rất đả phá vì nó đụng tới vấn đề“Nhân bản” là thứ tự nhiên ai làm người cũng được có, nên tự ép mình.... mà tuân theo môt thứ qui luật cứng ngắt như vậy để bóp nát cuộc đời mình trong câm nín chịu đựng... thì, xét về phương diện Con người, nó rất dã man .... ngoại trừ nạn nhân ấy tự nguyện làm thế, một cách sung sướng thì không nói làm chi ....!!!Thứ nhì, muốn biết đó là sự tự nguyện hay không thì chúng ta nhìn vào ý thơ thứ 2: nước mắt tuôn trào khi người tiết phụ này phải (tôi nhấn mạnh chữ “phải”...) đành lòng trao hoàn lại đôi ngọc cho người xưa, với lời oán than đáng giá ngàn vàng: sao anh không đến em thủa em còn con gái....??? Nó giống y chang tâm cảm người thiếu phụ trong Ca dao VN : “Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không / ... như chim vào lồng như cá cắn câu / Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thủa nào ra ?” thì rõ ràng đó là tù ngục mà người ta vì một thứ Đạo đức xh ác độc nào đó nên đành buông trôi trong tuyệt vọng miên viễn đó thôi / Hay sau này của TTKh, ở thế kỷ 20 (cách Trương-Tịch đúng 13 thế kỷ): “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời / Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi / Mà từng Thu chết, từng Thu chết / Vẫn giấu trong tim bóng một người...”, đó cũng là một thứ Địa ngục xh khác hơn ở thời Tiền chiến , trong đó con người làm nô lệ cho một định kiến khắc nghiệt đã giết chết cả một đời người trong cả ngàn năm chứ đâu phải môt ngày khi họ không muốn chấp nhận cái hiện tại họ đang có.... Chỉ cần 2 giọt lệ rất thực, rơi âm thầm của người tiết phụ hẩm hiu khi nàng hoàn lại đôi ngọc cho người xưa, thì cũng là niềm an-ủi vô biên rất Nhân bản cho người từng trao nó trước đó cho cố nhân /Nói theo kiểu Tâm lý học phương Tây, thì đó là “Sự giao tranh nội tâm” (conflit interne) đã khiến cho những giọt lệ của người tiết phụ rơi khi hoàn trả ngọc... cho cố nhân dù người này đã trân trọng mang nó trên yếm hồng của mình, nơi gần với trái tim nàng nhất:“Cảm quân triền miên ý / Hệ tại hồng la nhu” (tạm diễn nôm: xúc động tình anh dành cho em dài lâu / Nên em mang ngọc nơi yếm hồng / nhu : áo lót Tàu, la: lụa), chứng tỏ rằng trong quá khứ họ đã yêu nhau đến ngần nào... Kiểu này mà như Tây là họ “bung” liền... đừng mong họ làm “tiết phụ” dã man như vậy. Tôi mải lan man vì sao tôi làm chiếc vòng mà không làm lược như hầu hết mọi người tù ở đây là như vậy, bởi tôi yêu Thơ, yêu con người bị áp bức dù dưới bất cứ hình thức gì, nhất là khi họ đang yêu nhau... mà đành phải xa nhau... bằng những hình ảnh rất thiếu Nhân bản, mà Triết Hiện sinh sau này cực kỳ lên án, bởi họ quan niệm bản chất căn bản của Triết lý hiện sinh (Existentialisme) là mình phải tự sống lấy cuộc đời mình, chứ nhất định đừng để kẻ khác sống thay... đừng vì những nguyên tắc khô cứng định sẵn mà phải vươn lên, trở thành ( devenir/ become) mỗi ngày... Người tiết phụ ở đây đang sống cho người khác chứ không phải sống cho chính mình nên đành rơi lệ.... Sao lại “ván đã đóng thuyền rồi” thì mọi lối đều là ngõ cụt, khi mình tự thấy chiếc thuyền không xứng đáng để mình làm “ván” , nên trong xh bây giờ dù Đông hay Tây người ta vẫn “bứt đinh” tưng bừng chỉ vì họ
muốn“làm Người”(tôi muốn viết hoa) đúng với ý nghĩa nhân bản nhất của nó, họ muốn vượt thoát cái thói lề tù ngục do hàng ngàn năm Trung hoa chụp lên đầu họ một cách vô thức mà không hiểu vì sao, nên nhớ bài “Tiết phụ ngâm” ra đời khoảng thế kỷ thứ 7 mà so tới bây giờ, người Á châu có khác gì nhiều đâu, kể cả VN..???
Tôi nói tiếp về sự thực hiện chiếc vòng hiếm-hoi này bằng những phương tiện “dã chiến” thô sơ nhất thế-giới (ki ếng thiết giáp Mỹ phế thải, lon Coca Mỹ cũ, lò trấu, miểng hủ chao, lưỡi cưa sắt bị cấm, kem đánh răng ...) mà chỉ trong trại tù VN mới có! Sau khi có dạng một chiếc vòng thì công đoạn 2 dễ dàng hơn chi cần mài trên gạch hay bệ xi-măng, đập hủ chao của tù hay dùng gạt tàn thuốc... chuốc nhẹ cả trong lẫn ngoài, chiếc vòng bắt đầu bóng nhẵn, rồi lấy giẻ rách thấm kem đánh răng “retouche” nữa là xong . Lúc này bạn giơ chiếc vòng lên ánh mặt trời soi nhìn, màu ngũ sắc cầu vồng long-lanh hiện ra rất đep , khác với vòng bằng mủ người ta bán ngoài chợ rất nhiều: vòng mica nặng như ngọc, long lanh ngũ sắc và không hề có dấu nối như vòng mủ.. Chiếc vòng đầy mồ hôi nước mắt, lẫn máu này (vì mảnh hủ chao rất bén) - dĩ nhiên – nên tôi rất quí nó như mấy pho tượng tôi đã làm ra trong một hoàn cảnh bi thương không giống bất cứ người Artist nào trên thế giới, mọi thứ đều bị hạn chế, vừa đói rách vừa bị kìểm soát gắt-gao của một người tù trong chế độ hà khắc nhất Lịch sử loài người.... Chiếc vòng này, tôi đã tặng cho một người học sinh cũ HD, khi nhìn trong nhà trống trơn không còn một món gi ra hồn ....Trò ấy tên Ph. khi trò ấy từ Cần-thơ nghe tôi tù về đã chả ngại đường xa, và sợ “liên hệ SQ Ngụy”thời ấy, tôi rất buồn khi nghe những người học trò cũ của mình kêu tôi bằng “Chú”cho nó cách xa, dù tôi vẫn hiểu cho họ .... bởi vì tôi tự biết, lúc này tôi chỉ là thứ cùi hủi trong xã hội mới - mà mang cho tôi một giỏ cam tươi hái trong vườn Nội trò ấy ở Phụng-hiệp... Hai thầy trò nhìn nhau rưng-rưng trong lặng câm chả ai nói được lời nào, và trò ấy đã ngần-ngại không dám nhận chiếc vòng trắng tinh, lung-linh... tôi mở ra từ tờ giấy báo bèo-nhèo, khi biết nỗi gian-nan của nó, nên tôi phải nói: “Quà này không phải của người thầy xưa tặng cho em đâu - mà là của một người tù rạc - vì nếu còn là Giáo-sư dạy em như ngày xưa , thầy đâu làm nổi ra nó...!” thì người học trò cũ mới rụt-rè đưa hai tay nhận chiếc vòng, tay run-run ướm thử vào chiếc cổ tay nhỏ bé với đôi mắt long lanh những giọt lệ mềm..... để lại cho tôi những bùi -ngùi không nguôi. Sau này khi ra Hải-ngoại tôi viết được cái truyện ngắn có tên “Còn có bao giờ ...” và cũng biết trò ấy viết được một đoản khúc về sự gặp-gỡ hiếm-hoi đầy cảm xúc này trong tình/thầy trò ở buổi lao-đao, ngay trong đêm về lại Cần thơ, và tôi cũng có nhận được tấm hình chụp 2 đứa bé gái của trò ấy ghi phía sau câu: “Gửi thầy hình hai bé của em, chúng dễ thương như Thơ của thầy vậy”.... cùng với một bài thơ trò ấy làm nhưng giờ tôi chỉ nhớ hai câu mang màu sắc tiếc thương: “Tám năm làm vợ, đời như một / Điệp khúc thời-gian suốt tuổi vàng”... và từ đó đến nay mất dấu chim bay, tôi chỉ cầu mong cho em yên vui, dù việc gì đã xảy ra, mà tôi vẫn luôn tin rằng em là cô học trò tốt...
Trở lại việc người tù về trên đường giữa, gần nơi rạp ciné Nhị-Trưng, bỗng dưng tôi tình cờ chợt thấy Nh. - cũng là cựu hs HD trước đó từng học tôi... thì tôi vội băng qua bên kia đường thực nhanh, vừa kéo thấp cái nón làm bằng bao cát xuống thực sâu để hạn-chế sự nhận-diện không muốn này... hầu tránh đi sự oái-oăm của cuộc đời mà cả hai đều đang gánh chịu do Lịch sử tạo nên. Thế là tôi vui - dù rất buồn - và người học trò cũ kia may-mắn không hay.... Và, sau đó, không nhớ là năm nào, tôi làm bài thơ này với cái tên đầu tiên là “Ngày trở về” sau ra Hải- ngoại mới đổi thành “Cúi mặt” - một cách thế để lột tả hết hoàn cảnh của tôi lúc đó, chả phải mặc-cảm gì, nhưng đó là cách để tôi giấu mặt hầu tránh cho người khác sự cảm thương nhãn tiền, rất ngậm-ngùi đầy xót-xa không tránh khỏi.... không muốn xẻ chia , mà chỉ để riêng cho chính tôi thôi... Sau đó, có một trò cũ HD khác, tên H. vốn rất thân mà trò ấy nói rất mến mộ cách sống tài-tử của tôi thời ấy, sau 75 trò này là Giáo viên Tiểu học , nhưng lại cự-nự Hiệu trưởng VC, bỏ dạy về bán Café... ở trước Lasan , mà mỗi lần tôi đào mương, hay làm ruộng ở miệt Đại-ngãi, Trường-khánh về, đang vác cái leng đi lơn-tơn, mình đầy sinh thì bất ngờ trò ấy bỏ quán chạy ra đường giơ tay kêu lên ơi ới:“Sư phụ ui, vào đây Café với em !”thế là thầy trò tíu-tít chuyện xưa, chuyện nay... như thể chưa được kể bao giờ....Và, cũng chính trò này là người đầu tiên tôi cho đọc bài thơ cấm kỵ này , vì tôi tin trò ấy, bởi lạng-quạng đi tù lại như chơi... H. đọc chăm chú và chậm rãi như để thấm thía từng con chữ, đặc biệt đến đoạn “Tôi sống giữa mọi người như không có ai, kể cả những người thân sớm chiều găp mặt / Một mai tôi chết bên đường, như loài chim lạ trong vườn lãng quên....” thì ngưng lại và ngước lên nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe như múc cạn lòng tôi lúc ấy... rồi đọc lặp lại câu ấy lần nữa với vẻ thương cảm, quan ngại xa xăm ...Tôi cũng chỉ lặng thinh... Mãi tới lúc tôi sắp ra đi, thì một nam sinh HD khác tên S. đến thăm tôi dù tôi không dạy trò ấy bao giờ nhưng trong Khám lớn lúc trò ấy bị tù hình sự gì đó, thì thầy trò vẫn hay gặp nhau vì trước 75 có lần trò ấy bịnh nằm BV vì bịnh lao, lại mồ côi, phải ở nhờ với người anh ruột nhưng không được tử tế lắm nên tôi rất thương cảm, có gửi cho trò ấy vài hộp sữa qua một người y-tá vì tôi muốn ẩn danh... nhưng sau này trò ấy đã tìm ra nguồn gốc và từ đó dành cho tôi nhiều cảm tình. S. là dân “Văn nghệ bụi:” nhưng lại giỏi Âm- nhạc, là người thứ 2 đọc được bài thơ này trong nước và muốn phổ bài thơ này thành nhạc , nhưng vì lúc ấy tôi sắp ra đi nên đành thôi để giữ an ninh... Như vậy bài thơ đã làm ra mấy chục năm đằng-đẵng mà nó vẫn chưa tới tay người mà tôi muốn tặng , nhưng: “Cái gì của César thì hãy trả lại cho César ...” nên chỉ mới đây thôi, tôi tình cờ được cái e-mail bất ngờ của Nh. - người tôi đã dày công tìm kiếm bằng mọi phương tiện truyền thông điện tử hiện đại nhất bao lâu nay, chỉ để trao lại bài thơ cho trò ấy thì tôi mới an lòng, dù tôi đã nhờ hs cũ HD cùng lớp với trò ấy ngày xưa nhưng vẫn biệt vô âm tín, tôi bắt đầu thất vọng và thả trôi mọi mong chờ...Thư từ SG gửi qua, thế là “Châu về Hợp phố” tôi thở phào, gửi ngay cho trò ấy hồi âm như trút được gánh nặng canh cánh trong lòng, khi cuộc hành trình bài thơ muốn đi hết phần đời trắc trở, thế là tôi mãn nguyện, khi nhân vật chính trong bài thơ này sau đó thư rằng: “Em đã đọc bài thơ này 5,6 lần mà vẫn thấy lòng bùi-ngùi vô hạn ...” dù trò ấy cũng đã nhớ được ba bài thơ ngắn của tôi ngày xưa thuở tôi về dạy HD được vài năm, đó là các bài “Từ tà áo” ,“ Từ mái tóc” và, “Từ đôi mắt” khi tôi chưa tới 30 tuổi đời ..... Nhưng điều quan trọng hơn, trò Nh. đã nhắc lại kỷ niệm đáng yêu mà tôi không hề nhớ, đó là cái vé Ciné hạng nhất ở rạp Hòa-an nơi đầu cầu Quay - cái rạp mà tôi không bao giờ quên sau năm 75... trong thời gian bị quản chế, Công An phường 5 đã lập một “Toà án Nhân dân” tại sân trường Rạng- đông để “đấu tố” tôi với quần chúng địa phương, khi họ chỉ muốn đưa tôi trở lại trại tù, tôi bị còng tay, đứng trên bục cao làm bằng bàn ghế nhà trường, hai bên có 2 biểu ngữ lớn đỏ khé thấy gớm, viết: “Dân chủ với nhân dân” và “Chuyên chính với kẻ thù”, chủ tọa là Năm Thơm chột mắt, trưởng CA Phường và UBND địa phương. Bản cáo trạng được đọc rằng: “ Tên SQ Ngụy phản động này rất ngoan cố , không chấp hành nghiêm túc lịnh quản chế,
trình diện thất bát, nó từng được cài trong trường học để đàn áp học
sinh, đánh rớt nhiều học sinh giỏi để bắt lính , đặc biệt coi thường cán bộ sở tại... Nay yêu cầu nhân dân , tố giác nó những gì CM chưa biết để chúng tôi đưa nó vào trại Cải tạo lại ....” Khi nghe đọc xong bản cáo trạng thì tôi mỉm cười biết tại sao chúng muốn “xử” tôi, chỉ vì tư thù vì tôi không bao giờ chào bọn CA, nhất là Năm Thơm chột mắt một cách kính cẩn như mọi người dân ở đây... Đơn giản thế thôi ! Sau đó là màn đấu tố, phải nói là tôi ớn nhất, chỉ cần một đứa học trò nào đó bất nghĩa, không cần học tôi mà nó ghét tôi, giơ tay lên tố tôi thì coi như tôi phải đi tù lần nữa. May mắn chỉ có một bà Phụ Huynh, chủ cửa tiệm sửa Radio gần đầu cầu Quay, là Mẹ của Cúc học trò tôi, mà tôi hay đến sửa máy, giơ tay lên nói : “Thưa Quí ông, ông thầy này tuy là SQ nhưng ổng hiền lắm , nghe con tôi nó nói vậy, chứ ác ôn cái gì!”, thì Năm Thơm đứng phắt dậy đập bàn hét lớn :”Chị kia, giờ này mà bà còn binh tụi SQ Ngụy hả ? Bắt nhốt bà luôn bây giờ ”... làm bà ấy tái mặt ngồi im thin-thít rất tội nghiệp! Trước khi kết thúc buổi họp, chúng hỏi một câu rất nguy hiểm: “Ai muốn cho tên này đi Cải tạo lại, giơ tay lên!”. Tôi liếc mắt nhìn quanh, thấy không có cánh tay thù hận nào giơ lên cả, nên tôi bắt đầu tạ ơn Sóc trăng, từ đó... Sau khi chấm dứt buổi họp dằn mặt này, tôi lủi-thủi ra phố, lòng chùng xuống thực thấp, ghé quán cóc Café đầu cầu Quay cạnh rạp Hòa- an, cái rạp Định mệnh của tôi... mỏi mệt kêu một ly xây chừng, và nửa ổ bánh mì chỉ chan xì ỉu...Tôi dùng cái thìa nhôm nhỏ bé khuấy ly Café cho tan đường, đưa lên môi nhấp, tôi chỉ nghe mùi hạt còng rang đắng nghét... nhưng tôi vẫn cố nuốt cho trôi bao thương đau lúc này mà tôi không bao giờ nghĩ tới có một ngày tôi sẽ chịu đựng. Bụng đói cồn cào vì sáng giờ tôi chưa ăn...Tôi cầm miếng bánh mì lên nhìn, bất chợt tôi ngỡ ngàng khi thấy miếng giấy súc gói bánh, chính là tờ bìa xấp Cours môn “Luận lý học”(Logique) ngày xưa tôi soạn cho học sinh lớp 12 đi thi Tú-tài mà tôi phụ trách tới 7 lớp .... có vẽ hình ông Socrate ngồi, tay chống cằm suy tư, do chinh tay tôi vẽ , cùng cái tên tôi với chức vị “Giáo sư” bên dưới, thì tôi không còn muốn ăn uống gì nữa . Tôi đứng dậy trả tiền và bước chậm về phía phố chính bên kia cầu Quay, để xua tan đi mọi thứ, mà vẫn nghe tiếng nhạc bập-bùng từ rạ p Hòa an cất lên rộn rã : “Đời vẫn đẹp sao! Đời vẫn đẹp sao ...!” xoáy vào hồn tôi như những nắm kim châm...
Tôi trở lại chiếc vé Ciné hạng nhất ở cái rạp nhiều kỷ niệm đau thương này , khi đó họ đang chiếu cuốn phim khét tiếng thời ấy là “Roméo et Juliette” mà tôi đã xem lúc tôi mới 20t ở Nha trang trước đó... tôi đã thưởng cho trò Nh. này vì trò đã thắng trong một câu đố vui về Văn chương trong lớp. Tôi nhớ như in lời thoại mà Julliette đứng nơi cửa sổ trên lầu, ban đêm tâm tình với người yêu là Roméo, đã trèo ống máng xối để thăm người yêu lần cuối cùng trước khi ra đi xa, vì 2 họ của 2 gia đình này thù hận không đội trời chung nhau . Lúc này bắt hừng đông ở chân trời, và có tiếng chim kêu báo hiệu bình minh, nên Juliette sợ trời sáng người yêu mình không thể thoát thân, nên nàng lo lắng thúc giục:“C’est la rossignole qui chante! Va t’en! Va t’en!”(Kìa tiếng chim sơn-ca buổi sáng đã kêu! Xin anh hãy vội trốn đi thôi !)
Cuối cùng Nh. cũng đã viết cho tôi rằng : “Trong đời em chỉ mơ được một người nào đó làm cho em một bài thơ, thì bây giờ em đã có, và người ấy lại là vị thầy kính mến của mình ...” Trò ấy cũng cho biết rằng, quả là một mầu nhiệm, khi trò chỉ có được địa-chỉ mail của tôi không do bất cứ ai của HD trao cho, mà là do tình cờ lang-thang trên Facebook - là nơi tôi chả đến bao giờ vì địa-chỉ ấy bạn bè ở SG chúng làm để phá tôi chơi...
Nh. à, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho cả hai thầy/trò mình toại-nguyện, vì chúng tôi đã đem lại niềm vui cho nhau mà chưa bao giờ nghĩ tới...Tạ ơn em, tạ ơn tôi nhé...
CÚI MẶT
Tôi trở về,
vào một chiều,
nắng không buồn đỗ...
chiếc mũ đầy bùn,
của những ngày lao-động nắng mưa,
đôi dép mòn,
kéo lê-thê,
qua từng hè phố...
Cờ bay đỏ rực hai hàng,
Tôi đi trong bóng chiều hoang xuống dần...
Tình cờ gặp em,
tôi buồn cúi mặt,
đôi mắt ngày xưa vẫn xanh,
mái tóc che nghiêng vầng trán,
một thoáng gầy xa-xăm...
chiếc nơ đỏ “đổi đời”
thay màu bandeau cổ đồng,
của những ngày nắng ấm sân trường,
em đứng vòng tay,
hong tóc ngoài hiên,
tâm hồn đuổi bướm hái hoa,
trong vườn Địa-đàng,
của một thời mới lớn...
Ôi,
những buổi sáng nắng lên,
vào những giờ chơi,
trong mùa tháng Chạp,
có một lần,
tôi đi qua đó,
thấy em cười xinh-xinh...
Em đưa năm ngón tay ngà,
Nâng nghiêng mái tóc cài hoa lên đầu...
Chừ,
xin tạ lỗi cùng em,
người học trò xưa bé-bỏng,
có đôi mắt hiền như nhung,
và,
nụ cười hoa mở hội...
đáng lẽ chiều ni em về,
sớm hơn một lát,
hay tôi chậm trễ vài giây,
bởi,
tôi không muốn thấy em,
chạm mặt cuộc đời,
như lúa trổ bông,
trong mùa gió chướng...
Gặp em trong buổi chiều này,
Nỗi buồn xưa, lại dâng đầy trong tôi?
Tôi,
vẫn tự biết mình,
là tên Django cô-độc,
đẩy chiếc quan tài thân yêu...
Lang-thang khắp bốn phương trời,
Tôi đi cho hết một đời ngựa hoang...
Tôi phá-sản tận cùng,
tình yêu và cơm áo,
chỉ còn một mảnh hồn,
rách nát buồn thiu,
tôi là con ngựa tật nguyền,
ngược xuôi trên đường thiên-lý,
hay loài chiên ghẻ,
bơ-vơ trên những cánh đồng...
tôi sống giữa mọi người,
như không có ai,
kể cả những người thân,
sớm chiều gặp mặt...
Một mai, tôi chết bên đường,
Như loài chim lạ trong vườn lãng quên...?
Và,
quả thực,
chiều ni tôi về,
trời không muốn nắng...
Thấy em qua phố,
một mình,
thoáng gầy đâu đó,
trên từng nét xưa...!?
em về,
ai đón, ai đưa?
tôi về,
nghe tiếng buồn,
mưa xuống đời...!?
*Nguyễn-Tư
(Gửi: Nh - người hs cũ HD của tôi, ngày xưa)