CHUYỆN CON CHÓ "XÍ MUỘI"
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự "Viết Về Nước Mỹ" năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới trong các bài mà tác giả dùng thú vật làm đề tài.
Râu tóc lù xù bạc trắng, lông mi dài phủ mắt, trông mặt nó giống y như ông già Noel nhưng trên đầu có hai cái búi tóc cột nơ hồng thì phải là “chị”. “Chị già Noel” nhỏ xíu nặng chừng 10 pounds. Chị ngồi xổm dưới đất thè cái lưỡi đỏ tươi, cái mũi đen thui, hai con mắt tròn xoe như hai trái nhãn nhìn mọi người còn sủa “quâu quâu” để gây sự chú ý. Mấy đứa cháu đang coi cartoon chạy đến vuốt ve nó. Nó sung sướng bật ngửa đưa bụng cho mấy đứa nhỏ xoa. Con Christine xin xỏ:
- Ông ngoại ơi nó dễ thương quá, cho con nuôi nghe ông?
- Đâu có được con, chó người ta đi lạc, họ tìm bắt lại bây giờ.
Mấy đứa nhỏ mê quá đeo theo con chó cả buổi chiều. Con chó nhà ai mà đễ thương thật, trắng tinh như con chó nhồi bông, sạch sẽ thơm tho. Hai đứa cháu hành hạ nó như con chó nhồi bông thật, đứa ẳm đứa bồng làm rớt lên rớt xuống, đứa nhét bánh kẹo bắt ăn. Chúng vào phòng lấy chăn mền làm giường rồi đè ngửa bắt con chó ngủ. Ban đầu nó còn chịu đựng nhưng đến lúc không còn chịu nỗi nữa nó chạy núp sau lưng tôi cầu cứu. Tôi hăm he mấy đứa cháu:
- Tụi bây vừa phải thôi, làm quá nó sợ nó bỏ đi cho coi.
Lời hăm he có kết quả. Chúng để yên cho con chó.
Cả buổi chiều không thấy ai đến nhận. Trời sắp tối. Tôi bắt đầu thấy lo. Nó không có mang “ID tag” thì làm sao biết chủ là ai mà trả nó lại cho người ta! Để thông báo cho chủ nó tôi cắt cái thùng carton làm tấm bảng viết mấy chử to tướng.“Dog found. Female Terrier” rồi cột trước cổng nhà hy vọng sẽ có người đến nhận.
Cũng không thấy ai đến cho đến tối.
Bà xã tôi thấy vậy cằn nhằn:
- Tại ông quên để cửa mở nên nó vào nhà thì ông ráng mà lo cho nó.
Tôi bào chữa cho mình:
- Thằng Justine đó chứ đâu phải tôi.
- Ai cũng được, ông là chủ nhà, ông lãnh đủ.
Con chó bị mấy đứa nhỏ quậy quá nên mệt đừ muốn được yên thân. Mấy đứa cháu đùa nghịch chán rồi cũng bỏ lên phòng. Con chó không còn bị quấy rầy nữa cuộn trong trong chăn nằm ngủ vô tư giửa phòng khách. Tôi kéo cái chăn tránh đường đi, nó nhìn tôi gầm gừ cự nự sao tôi phá giấc ngủ của nó, làm như đây là nhà của nó vậy!
Từ trưa đến tối nó không ăn uống gì, tôi nghĩ chắc nó đói nên xuống nhà bếp kiếm gì cho nó ăn đỡ. Bà xã tôi đang ngồi coi TV nghe lục đục dưới nghà bếp hỏi vọng vào:
- Mới vừa ăn cơm xong bộ ông đói nữa à? Ông lục lạo cái gì đó?
Bà ghét ai lục lạo cái nhà bếp của bà rồi để đồ trật chổ làm bà tìm không ra. Tôi bảo:
- Thì kiếm cái gì cho con chó ăn.
- Ông hâm cơm xịt xì dầu cho nó. Bà ra lịnh
Tôi để tô cơm nóng xịt xì dầu dưới đất kêu nó đến ăn, nghĩ là nó sẽ mê tít như Con Molly của tôi ngày xưa. Nó nhìn tôi không thèm trả lời. Tôi mang đến tận nơi cho nó. Nó hửi hửi rồi lấy mỏ hất ra, khoanh tròn ngủ tiếp.Tôi nói với bà xã:
- Coi bộ cái con nầy chảnh dữ đó bà!
Bã xã tôi sẵn dịp nói móc lò:
- Ông làm đồ ăn thì ai ăn nỗi, chó còn chê!
Tôi quá quen với cái lối móc họng nầy, hỏi lại:
- Vậy cho nó ăn gì?
- Thì ông hỏi nó, sau lại hỏi tôi?
Tôi đến bên nó làm quen, vuốt đầu năn nĩ.
- Vậy thưa cô nương, cô nương muốn dùng chi ạ?
Con chó không trả lời, nhưng bà xã tôi đại diện nó nói giùm:
- Chó Mỹ thì ăn đồ Mỹ chứ ăn gì?
Tôi thấy bà có lý. Đơn giản thế mà cũng không nghĩ ra nên bị rầy hoài cũng đáng. Tôi là người Việt Nam thích ăn món Việt Nam. Chó Mỹ thì thích ăn đồ Mỹ, đơn giản thế thế thôi. Khổ nỗi tối rồi biết đâu mà mua. Tôi chợt nhớ ra, xách xe chạy tuốt xuống tiệm “Seven Eleven” dưới phố để mua bao dog food đem về cho nó. Nó cũng hửi hửi rồi đẩy ra. Tôi bắt đầu thấy nóng mặt rủa thầm trong bụng:
- Tao lỡ dại cho mầy vào nhà. Mầy hành hạ tao vừa phải thôi nhé. Chảnh chẹ quá tao cho mầy chết đói. Rồi tôi lên lầu đi ngủ bỏ mặc con chó đói dưới lầu, trong lòng vẫn còn ấm ức con chó “cà chớn”.
Nằm trằn trọc, tôi chợt nhớ đến lời cô gái bán hàng ở tiệm Seven Eleven. Cô hỏi tôi “Chó của bác là chó gì”. Tôi nói “Không rỏ, trông giống Yorshire Terrier”. Cô có vẻ rành lắm bảo: “Cái giống nầy kén ăn dữ lắm, bác mà mua không đúng loại nó thích nó không ăn đâu. Con chó của cháu ăn loại nầy nè”. Rồi cô chỉ cho tôi hộp đồ ăn nhỏ xíu.Tôi nghĩ chó nào cũng là chó. Chó nhà nghèo ở Việt Nam ăn cơm thừa cá cặn cũng mập ù còn được khen là thịt ngon. Đồ hộp mắc thấy mồ nên tôi chộp đại bịch đồ khô rẻ nhất. Nghĩ tại mình hà tiện làm con chó đói meo nên tôi thấy hối hận, lồm cồm ngồi dậy thay quần áo rồi lặng lẽ lái xe đi mua cái loại đồ ăn mà cô bé chỉ. Tôi khui hộp mang đến cho con chó. Nó hửi hửi rồi ngước nhìn tôi, đôi mắt ươn ướt như muốn nói “OK, I like it” rồi từ từ ăn sạch. Ăn xong nó lại ngước nhìn tôi, trong đôi mắt đen nháy tôi thấy rỏ hai chữ “Thank you” mà nó muốn nói.
Sáng sớm hôm sau trên lầu đã có tiếng cãi vã ồn ào. Mẹ hai đứa cháu la om sòm là có đứa nào đái đầm ỉa bậy trong quần đêm qua, còn hai đứa nhỏ thì gân cổ cãi cho bằng được. Mẹ nó không tin vạch đít từ đứa ra xem. Tôi nghe rõ mồnmột câu chuyện, bổng hiểu ra chạy riết xuống lầu thì hởi ôi, bãi chiến trường ngổn ngang, một vũng nước đái và rải rác mấy đống phân chó khắp phòng khách! Nó bị tiêu chảy đêm qua vì ăn thức ăn lạ. Tôi lạnh cả chân đi tìm con chó đang trốn đâu mất tiêu, miệng vừa la: “Mầy chạy đàng trời cũng không khỏi tay tao”. Hai đứa nhỏ nghe tiếng ồn ào cũng chạy xuống thang lầu rồi bịt mũi chạy lên vừa la bài hãi “Mẹ ơi con chó nó poo tùm lum dưới phòng khách. Mẹ nó chạy xuống la trời như bộng, cộng thêm cái “đài” của nhà tôi được dịp bắt đầu phát thanh, làm như tôi chủ chốt cái vụ nầy, xúi con chó làm bậy. Tôi giận run, “giận cá chém thớt” xách roi đi tìm nó khắp nhà. Nó chui dưới gầm cái sopha im thin thít. Tôi giận quá ôm nó vất ra ngoài sân, đóng sầm cửa lại còn chửi theo “cái đồ oan gia”!
Buổi chiều ngày hôm sau, sau khi đi rước hai cháu đi học về tôi mở cửa đi ra để lấy thơ. Vừa mở cửa là thấy ngay “cái đồ oan gia”đang nằm khoanh trước cửa, vẫy vẫy đuôi mừng rỡ nhưng mắt thì lấm lét, cái kiểu “chó ăn vụng bột”. Nó nhìn tôi như van xin được thứ tha. Tôi thấy tim mình như chùn lại, cúii xuống ôm nó vào nhà; và từ đó nó không rời tôi nửa bước vì nó coi tôi là vị cứu tinh của nó.
Cái duyên đã mang nó đến với tôi, tôi không thể chối từ. Tôi đề nghị cùng “bá tánh” xin cho nó “ở đậu” một thời gian. Không thấy ai phản đối trừ bà xã tôi vốn đã thề là không bao giờ nuôi chó nữa từ khi con chó cưng của bà chết. Bà ra điều kiện là chỉ tạm nuôi cho tới khi tìm được người nhận. Nếu nó làm bậy trong nhà tôi là người chịu trách nhiệm, không được than van. Tôi nhận lời. “Deal”
Chỉ trong một tuần tập luyện nó đã thuần thục, biết nơi ăn chổ ngủ, giờ giấc đi “pipi”, “poopoo”, giờ đi bộ, nhưng khỏi lo vì sắp đến giờ đi là nó đã gọi rồi. Nó là con chó thông minh dễ dạy, tình cảm, lại kỷ luật, phong cách quí phái của một“tiểu thơ đài các”. Nó dễ thương như một đứa trẻ không biết vòi vĩnh. Cả nhà đều thương nó. Tôi đặt tên cho nó là Xí Mụi.“Xí” là lượm được và “Muội” là em gái. Lượm được đứa em gái. Xí Muội lại giỏi cái tài nịnh hót nên chiếm trọn tình thương của mọi người trong nhà. Bà xã tôi bây giờ lại cưng nó nhất. Bà mà ngồi ngủ gật trên salon là nó cũng chui vào lòng bà gác đầu lên đùi bà mà ngủ theo. Nó trở thành niềm vui cho cả gia đình.
Tôi có thói quen đi bộ từ nhà đến gym mỗi buổi sáng để tập thể dục. Trên đường đi tôi để ý một bà cụ vô gia cư đẩy chiếc xe nôi trẻ con trên ấy có con chó rất xinh. Cái xe là cái nhà cho con chó, có đầy đủ tiện nghi, chăn, nệm, gối, đồ chơi. Đủ thứ. Mỗi buỗi sáng bà ẳm con chó trên tay như mẹ bồng con ngồi tắm nắng trên chiếc ghế đá quen thuộc.
Rồi một hôm tôi không còn thấy bà nữa. Sự vắng mặt của bà không làm tôi quan tâm nhưng gần đây sự suất hiện trở lại của bà làm tôi chú ý. Chiếc xe nôi vẫn bên cạnh bà nhưng không thấy có con chó.Tôi hiếu kỳ tạt ngang xem thử. Không thấy con chó thật. Tôi chợt nghĩ đến con Xí Mụi nhà mình. Sao có sự trùng hợp lạ lùng như vây? Tôi cố nhớ lại hình ảnh con chó của bà ngày xưa mới giật mình vì nó giống con Xí Muội của tôi lắm. Phải chăng nó là một? Tuy nghĩ vậy nhưng lại cho là mình nghĩ sai. Chó giống chó là chuyện thường, hơi đâu mà thắc mắc.
Nhưng từ hôm đó tôi không dẫn con Xí Muội đi bộ ngang khu bà homeless ở nữa. Tôi sợ bà sẽ nhận ra nó hoặc ngược lại Xí Muội nhận ra bà rồi đòi về với chủ cũ.
Mỗi ngày tôi vẫn đi ngang qua cái ghế đá nơi bà homeless ngồi bên cạnh cái xe không.Trông bà già lụ khụ, bịnh hoạn, cô đơn, mắt nhìn xa xăm như đang tưởng nhớ điều gì. Mỗi lần như vậy tôi thấy tim tôi xe thắt lại, thấy mìnhcó tội với bà vì tôi là người đã tạo ra sự sầu muộn nầy. Tôi rảo bước đi nhanh không dám nhìn bà vì xấu hổ.
Một hôm tôi không thể chịu nỗi nữa nên muốnlàm sáng tỏ vấn đề. Tôi biết mất Xí Muội tôi sẽ buồn, nhưng nỗi buồn của tôi so với nỗi buồn của bà già homeless có thấm thía gì. Tôi quyết định đem trả Xí Muội lại cho bà, chuẩn bị tư tưởng để đối phó với tình huống khó khăn nầy. Của Cesar hảy trả lại cho Cesar. Hình dung đến ngày hội ngộ vui mừng tôi cũng thấy vui vui.
Ngày tiễn biệt Xí Muội, để cho cho chủ nó ngạc nhiên, tôi mang nó đi tắm gội, cắt lông cắt móng, ăn mặc đẹp như nàng công chúa. Từ đằng xa Xí Muội đã nhận ra bà; nó nhảy lăng xăng lôi tôi chạy vội đến rồi nhảy lên lòng bà, miệng rên ư ứ liếm khắp mặt bà, vui mừng lắm. Bà già sững sờ như chết đứng vì ngạc nhiên. Sau giây phút bàng hoàng bà ôm lấy Xí Muội rồi oà lên khóc. Tôi đứng chết trân nhìn cảnh hội ngộ cũng mủi lòng.
Tôi cuối xuống vuốt đầu Xí Muội, rồi trao bà cụ sợi giây dẫn. Tôi nói:
- She is back to you. Take a good care of her.
Vừa định quay đi thì thì có bàn tay nằm lấy tay tôi. Bà vẫn ngồi yên trên băng đá nói giọng thều thào.
- Thank you for bringing her back but I cant take care of her anymore. Thats why I let her go. I am so happy she has found a great new master who loves her as much as I do. I miss her every day but she deserves to be happy. I rather let her be with you. So… please. Bà nức nở.
Bà trịnh trọng hai tay ẵm Xí Muội trao lại cho tôi. Tay bà run rẩy. Tôi ôm Xí Muội như ôm lấy một trách nhiệm mới vừa được giao phó. Tôi chúc bà may mắn rồi dẫn Xí Muội đi. Xí Muội đắn đo lưỡng lự không muốn rời bà, nhưng bà khoát tay ra lịnh “go, go”. Xí Muội như hiểu được thông điệp của cụ già lon ton chạy theo tôi, thỉnh thoảng lại ghì lại quay đầu nhìn bà. Bà khoát tay ra dấu tiếp “go, go”.
Từ đấy Xí Muội chánh thức trở thành một thành viên của gia đình tôi, không còn là dân “tị nạn” nữa. Hàng ngày đi tập ở gym tôi dẫn Xí Muội theo để giao cho bà già “baby sit” nó. Trên đường về tôi đem nó về nhà. Sự dàn xếp nầy làm mọi người đều vui.
Được mấy tháng sau, một hôm bổng nhiên bà cụ biến mất.Tôi đi tìm chung quanh nhưng không thấy. Có lẽ bà đã vĩnh viễn ra đi. Tiếc thay tôi không biết trước để Xí Muội có thể gặp bà lần cuối, để cho bà biết rằng bà không ra đi trong cô đơn. Bà có hai người thân.
Và từ đấy mỗi lần tôi dẫn Xí Muội đi ngang qua chỗ bà già homeless ở, nó kéo tôi đến cái băng đá quen thuộc, chạy lòng vòng tìm kiếm cụ già. Nó nhớ bà!
Chú Chín Cali
Bà cụ già homeless và con chó Xí Muội