Monday, 20 March 2017

KHÁNH-LY: NGƯỜI TÌNH CỦA NHỮNG KẺ YÊU NHẠC T.C.S ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )




KHÁNH-LY:
NGƯỜI TÌNH CỦA NHỮNG KẺ YÊU NHẠC T.C.S



Ở đây, ít khi nào tôi có dịp được nghe nhạc như mình muốn, nghĩa là loại nhạc "thính phòng" với đầy đủ ý nghĩa của nó. Phải có một cái Hall rộng vừa đủ, thiết kế thích hợp với âm thanh, có một số khán thính giả chọn lọc biết thưởng thức nhạc, có một không khí ấm cúng (cà-phê ngon, thuốc lá thơm, ánh sáng lờ-mờ của đèn cầy chẳng hạn...) và điều quan trọng nhất là ca sĩ phải "xịn", sẽ
hát những bản nhạc hay, có giá trị phi thời-gian. Dứt khoát là không có việc nhảy đầm và ăn uống... những thứ chỉ làm cho nhạc thính phòng trở thành dung-tục và lạc điệu...

Thế nhưng, vì vấn đề chi phí tiền bạc, nhà tổ chức thường nhập chung những thứ, vốn không hợp nhau này lại, đã làm cho những buổi nhạc thính phòng nó chả ra “cái thống-chế” gì cả, trở thành một mớ bát-nháo, tạp-lục, rất Tùng-Lâm như đêm ca nhạc "Hát để trả nợ người" của Khánh-Ly vừa qua tại nhà hàng Thiên Hồng. Nhà hàng là nơi để ăn chứ không phải để hát nhạc thính phòng, nhất lại là nhạc Trịnh-Công -Sơn, loại nhạc đòi hỏi trình độ người thưởng ngoạn phải cao vì những ý nhạc bao gồm Triết nhạc trong đó, mà không phải ai cũng hiểu một cách cặn-kẽ, vì nhạc Việt nam chỉ "đẹp" nơi lời. Đó là lý do tại sao nhạc Việt-nam gần như không bao giờ có "nhạc không lời" (musique sans paroles) như Tây phương!

Bởi tôi ở một nơi khá quạnh-hiu, mới 5 giờ chiều đã không còn lối về, vì Bus đã hết, nên những sinh hoạt đêm, đối với tôi lúc này như hội họp, văn nghệ... coi như bị hạn chế, vì vậy đôi lúc tỏ ra mình như "phụ bạc" những nỗi lòng khi người ta đã có nhã ý mời mình đến dự những buổi sinh hoạt ấy, nó tùy thuộc rất nhiều vào chốn ở của tôi, “đèo heo gió hút ” như sự lựa chọn của những tháng ngày tôi cần thu mình với tâm cảm của một con sâu - mà đôi lúc tôi tự thấy mình như nhân vật Grégoire trong "Métamorphose" (hóa thân) của Kafka từ những ngày mới lớn... mà ông đã mở đầu tác phẩm bằng một câu nói bí-ẩn đầy hiện-sinh  làm ngẩn-ngơ mọi người đọc trên thế giới thời bấy giờ: “Một buổi sáng tôi thức dậy, và bỗng dưng thấy mình trở thành một con sâu “…!??.

Nhưng với chương trình Khánh-Ly thì nhất định là tôi phải đi, dù sương có đìu-hiu, dù mưa có dặt-dìu chắn lối, trong dự tính là đêm nay tôi sẽ ngủ lại Tòa-soạn báo cách nơi trình diễn không bao xa, nên tôi đã mang sẵn cái xắc đeo lưng, lúc  nào cũng có đựng xấp giấy, cây bút chì, bao thuốc lá, hộp diêm, cái máy hình,và vài đồng bạc kênh để đi xe lửa...mà đôi khi, có người ác ý cho rằng tôi "lập dị" (chữ Hán có nghĩa là làm khác đi, bởi vì bản chất người Nghệ sĩ, Trời đã ban sẵn một số năng khiếu và trái tim khác người bình thường rồi, cần gì phải “dị” mà “lập” với không nữa, nên người đó đã nói một câu rất thừa) để ghi những gì cần thiết cho bài báo trong tuần... vì tôi cũng cần sống như mọi người, khi không muốn nhờ vả ai! Tôi phải đi dự thôi, vì tôi mê nhạc Trịnh Công Sơn và yêu giọng hát không-thể-có-ai-thay-thế của Khánh-Ly...

Trong những dịp lưu diễn trước đây, Khánh-Ly không được thoải-mái khi trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn vì những phong trào quá khích, chống mọi thứ: chống về Việt-nam, chống hàng hoá VC trong các shop Á-châu... nay thì tình hình có vẻ dịu bớt, nên Khánh-Ly tha hồ hát, vì không hát người yêu nhạc Trịnh vẫn hát, cả VC họ cũng hát luông-tuồng...Khánh-Ly bây giờ hát bất cứ bản nhạc nào mình muốn hay khán-thính giả yêu cầu, khác với những lần trước đây, cô chỉ hát nhạc
"sến" (từ ngữ thời thượng trước 75 dùng để chỉ loại nhạc của mấy con sen (người ở) gánh nước hát ở các phông-tên vào những buổi sáng sớm ở các thành phố miền Nam) làm tôi rất thất vọng, đến nỗi tôi tự nguyện với mình sẽ chẳng bao giờ đi nghe Khánh-Ly nữa, khi cô đã có lần tâm-tình với tôi"Anh hiểu giùm cho Ly đi, vì Ly cũng cần sống, bỏ mạng ở đây vì những bài hát thì vô duyên, dù Bố Khánh-Ly bị chết trong tù của CS..ngoài Bắc trước năm 54." vào một buổi mai tình cờ gặp cô trên sân cỏ chợ Tết ở Wiley-Park(Úc) cách nay nhiều năm...

Lần này thì tôi quyết đi vì biết đây là chuyến hát chót của cuộc đời người Ca sĩ tài hoa như cô mà cô đã thổ-lộ trước công chúng - người Ca sĩ  số 1 hát nhạc TCS hay nhất mà tôi ngưỡng mộ từ những ngày cô đi chân không, như tài tử Ava Gardner (?) trong phim"La Comtesse aux pieds nus"(Bà Bá-tước chân không) thuở nào, ở sân cỏ trying ĐH Văn Khoa Sàigòn trước quán Văn, nơi dành phát Cours hàng tuần cho những Sinh viên của ngôi trường "chữ nghĩa" lớn nhất miền Nam này!

Tôi cùng ông bạn đến thì thấy đông nghẹt những người là người, họ đứng tràn ra cầu thang. Vé đã hết từ lâu khi người ta bán đâu cả mấy tuần trước, tôi thất vọng tột cùng, chả nhẽ khi không dẫn mình xuống ngủ ở Tòa soạn một đêm vô duyên, may nhờ một cô bạn "thí" cho một vé cô mới vừa "chạy" đâu đó trên lầu, tôi mới vào được bên trong, ngồi với vài người bạn nữa ở dưới mải ghế chót
nhà hàng, chỉ nhìn thấy cô Khánh-Ly lờ-mờ dáng nhỏ xíu như "tuổi mười ba" trong thơ Nguyên-Sa. Nhưng không sao, tôi chỉ cần nghe cô hát mà thôi - là đủ!

Khánh-Ly ở tuổi 50, mà Nho-Giáo gọi là tuổi"tri Thiên mệnh" (ngũ thập tri Thiên mệnh) cũng đã chững-chạc để "dọn mình" về với những khúc quanh khác trong những chặng đời còn lại đã không khỏi thấm mệt bởi hệ-lụy của mình rồi, nên cô phải nói, phải hát tận tình, lần cuối cho nhau, rồi thôi! Do đó, dù trong nụ cười hớn-hở với những người ngưỡng-mộ mình, tôi vẫn nhìn thấy nơi cô nét buồn của một người tự biết mình đang từ bỏ một cái gì đó rất đỗi ngậm-ngùi. Tiếng nói của cô vốn đã khàn giọng, lại càng khàn hơn trong đêm nay – “đêm giã từ”, như “đêm giã từ trên sông Hồng” của Mai-Thảo ngày xưa...

Khánh-Ly, không phải là một người ca sĩ đẹp người như vài Ca sĩ khác, nhưng cô có cái gì đó rất "tình" - một thuộc từ(prédicat) không thể nào dịch ra bất cứ ngoại ngữ nào của thế giới được, nhất là giọng nói của cô mang âm hưởng “hoài cổ” của một Hà nội xa-xăm như thơ của bà Huyện Thanh Quan. Đặc biệt Khánh-Ly là người mặc áo dài rất đẹp, đẹp không phải nhờ thân hình, mà đẹp nhờ cô biết chọn màu áo, hoa văn, cách cắt may... Dường như chiếc áo dài và khăn quàng nào của cô tôi cũng thích, dưới con mắt của một người có chút máu Hội họa trong tôi...Cô lại là một người rất “ăn ảnh”, nên có lẽ những hình trình bày bìa băng nhạc của cô, theo tôi là đẹp, sang cả nhất trong những cuộn băng hiện nay. Cầm một cuộn băng của Khánh-Ly trên tay, lúc nào tôi cũng yên lòng về nội-dung lẫn hình-thức mà không cần xem kỹ nó là gì, giống như tôi mua một món đồ mà thấy hàng chữ "made in Japan", hay "made in France"..hoặc “made in USA” hơn là "made inChina"  phải cần nhiều suy tính, khác với những cuộn băng khác, nhiều khi mua về tôi chỉ nghe
thử một lần, rồi thôi...

Hôm nay Khánh-Ly mặc với 3 chiếc áo dài khác nhau, tiêu chuẩn nghệ thuật của Khánh-Ly về màu áo là những đường sậm hình kỹ-hà lớn, nên trông rất sang và rất trẻ. Hôm nay Khánh-Ly hát xả láng, hát cú chót nên hát tận tình, hát tới bến luôn, hát hết những bài gì Khánh-Ly đã hát, đã thuộc nằm lòng trong mấy chục năm nay, hát liên tu bất tận, hát mệt nhoài, hát thất điên bát đảo, hát không còn cái gì để hát nữa, hát như thể chưa được hát bao giờ, hát tràn xuống sân khấu, hát tận
bàn ăn, hát xuống mặt người, hát thấu vào tim, hát thiên-thu, hát từ giã, hát xa nhau, hát ân tình, hát phụ bạc, hát bẽ-bàng, hát và hát...hát “giả nợ đời”, hát “chẻ xuống hồn tôi” (Thơ Hoàng Trúc Ly)trong cơn khớp ngột của mọi người, hát vùi dập những tràng vỗ tay ngùi-ngùi trong những liên khúc của Trịnh-Công-Sơn, dường như không thiếu một bài nào, từ "Diễm Xưa, Mưa hồng, Tình lỡ, Biển nhớ, Như cánh vạc bay..." dành cho những kẻ yêu nhau, đến những bài mang âm hưởng Triết lý buồn tủi của cuộc đời trước mặt như "Cát bụi, Một cõi đi về, Ru ta ngậm-ngui, Biết đâu nguồncội ...", hoặc những bài mang dấu vết của một cuộc chiến lầm than mà dường như chính Khánh-Ly là một nạn nhân, trong bài"Hát cho một người nằm xuống" vào dịp Tết Mậu-Thân, TCS đã làm bản nhạc này để tưởng niệm cái chết đau thương của Trung tá Phi-công Lưu-Kim-Cương hy sinh tại cổng phi trường Tân-Sơn-Nhất trong cuộc Tổng công kích khốc liệt của CS trên toàn miền Nam. Bản nhạc được Khánh-Ly hát lần đầu trong những giọt nước mắt của người ở lại trong ngày giỗ của người SQ hẩm-hiu kia, nơi câu lạc bộ Huỳnh-Hữu-Bạc của Không quân!

Khánh-Ly cũng hát một số nhạc tiền chiến của những nhạc sĩ khác, như bài "Tà Áo xanh" của Đoàn Chuẩn, một số nhạc của Phạm-Duy như " Nha Trang ngày về", cả nhạc của những nhạc sĩ trẻ trước và sau 75 như Nguyệt-Ánh, Từ-công-Phụng, Phan-văn-Hưng...nhưng chủ yếu vẫn là nhạc Trịnh Công Sơn...Trong đó có những bản nhạc đã làm cho lòng tôi chùng xuống vì nó có liên quan đến
những kỷ niệm riêng ở thời tuổi xanh khi tôi vừa mới ra trường đi dạy. Đó là bản "Hát cho mộtngười nằm xuống" như đã nói ở trên mà tôi đã mua tặng cho một người học trò rất gần-gũi vì có nhiều điều “đồng điệu”, cùng với cuốn sách "Một thời để yêu và một thời để chết" của Remarque, mà em nói em rất thích, nhưng nhịn quà sáng mãi vẫn chưa đủ tiền để mua trong nụ cười nhìn nghiêng hơi bẽn-lẽn của môt cô gái mới học lớp 10…nhưng điều quan trọng hơn là tôi chợt thoáng thấy chút rưng-rưng nơi khoé mắt của em. Người học trò đó sau này (năm 81) đã chết bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của tôi trước khi tôi rời đất nước chẳng bao lâu, mà tôi đã gặp cô ấy lần cuối cùng tình cờ, giữa phố ngập người trong một đêm Noel, em măc chiếc áo sơ-mi màu xanh rêu ngắn tay để lộ đôi cánh tay no tròn, trắng nõn vừa dừng chiếc xe đạp mini màu tím giữa lộ chính  Hai bàTrưng (ST), một chân còn chống xuống  mặt đường với lời trao gửi ngắn-ngủi rất buồn-bã:"Thầy ơi, thầy nên ra đi đi, dù như vậy thì em rất buồn...". Và bản "Ru ta ngậm-ngùi" tại ngôi nhà êm-đềm của một người bạn nhỏ ở Melbourne vào một đêm Đông mưa rả-rích trên cội Mimosa già nở muộn sau nhà, bên cạnh cái lò sưởi than hồng, cô ấy đã hát bản nhạc này với đôi mắt đỏ hoe, vừa cúi người trên trên chiếc Dương cầm, khi cô ấy biết - rồi đây, tôi sẽ chẳng trở lại nơi ấy bao giờ nữa ...trong câu nói vô tình của tôi trong bữa cơm chiều rằng: “tôi là người mang mệnh biệt ly, em biết không?"!….

Phần lớn khán thính giả hôm nay đều là những người thuộc lớp tuổi trên dưới năm mươi như cô, cũng có rất nhiều lớp người trẻ, có lẽ họ là những học sinh, sinh viên có chút tâm hồn về nhạc êm dịu...Người lớn đi dự để sống lại với tuổi xanh, kẻ nhỏ đi để tâm hồn mình lắng về nguồn cội, đôi khi không muốn gia nhập vào dòng nhạc mới mà cô Khánh-Ly gọi là nhạc "giựt" - cũng theo cô tâm tình trong một bài viết mới đây là"Tôi không thể nào thưởng thức nổi"... cái này thì y chang tôi thôi: s nhc sến, nhc git và ci lương..  Thi h Nhatrang, ti th by là tôi phôm cun sách xung bin ngi, vì ch nhà s m Ci lương ti khuya mi thôi ....

Cuối buổi nhạc, tôi đứng đợi nơi cầu thang thực lâu để nhìn đám người lố-nhố chui qua khung cửa hẹp ra ngoài. Tôi định đến thăm hỏi Khánh-Ly vài lời, vì cô cũng đã có lần thăm hỏi tôi qua lời nhắn của một người bạn khác qua Mỹ thăm cô, nhưng tôi thấy cô đang bận với đám người dường như muốn xin chữ ký, nên tôi xuống lầu, lủi-thủi một mình đi về hướng nhà Ga, để qua bên kia cầu vào tòa soạn - một căn Flat vắng tanh. Đi quanh co trên lối nhỏ, lòng tôi vẫn còn "đau" với âm hưởng thần-thoại của những ca khúc Trịnh Công Sơn từ những ngày tôi còn là Sinh viên ở Đại Học Xá Minh Mạng Sài-gòn, và chẳng bao lâu sau đó đã lao vào lửa đạn mịt-mù, mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bám riết lấy đời tôi trên những chặng đường nổi trôi của đất nước điêu-linh vào những đêm trăng dừng quân trên những ngọn đồi đất đỏ, hay bên bờ suối lá khô trong những cơn mưa chiều úp mặt và cho đến bây giờ, trong căn gác đìu-hiu trên xứ người đêm nào tâm hồn tôi cũng đầy ắp những lời-buồn-Thánh vu-vơ:

“Rồi một ngày kia khăn gói đi xa,
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà,
Lòng thực bình yên mà sao buồn thế?
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ..."

Tôi nằm một mình trên chiếc giường lạ của một người bạn mãi đến 3 giờ sáng không ngủ được phút nào vì bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu vùi dập, bao nhiêu tiếc nuối, bao nhiều giận hờn...đang thóang qua đầu tôi - một chiếc đầu không còn chỗ chứa cho những cảm nghiệm dư thừa được lấp đi bằng những tự vỗ-về đầy vẻ bao dung, như sông vẫn chảy, như suối vẫn trôi, nhưng cuối cùng “Đời người cũng chỉ để sống, và hãy thả trôi đi những niềm đau...” mà Sơn đã viết như
thế, và tôi cũng đã vỗ-về mình như thế...

Bất ngờ, tôi ngồi bật dậy uống viên thuốc ngủ lần thứ nhì, với những trăn-trở đau nhức miên-man. Rồi tôi thiếp đi trong tiếng còi tàu vừa mới lướt qua trong cơn mộng-mị, bao trùm bởi những lời hát vừa ngọt-ngào vừa đắng cay của một người Ca-sĩ tài hoa, mà cuối đời muốn dành cho những người yêu thương mình một nỗi hàn-huyên bằng âm nhạc để trả nợ nhau, trước khi trở thành những kẻ khác...

*Nguyễn-Tư