Monday 20 March 2017

LÃNG MẠN & CHUNG THỦY ( Vương Đằng )





LÃNG MẠN & CHUNG THỦY 



 Bây giờ là buổi trưa giữa tháng Tư ở Tân Quy, nằm phiá Đông Bắc của Hốc Môn và phía Đông của Củ Chi. Mặt trời như một hung thần khổng lồ phún những con quạ lửa thiêu đốt khắp thôn xóm và ruộng rẩy khô khốc. Hơi nóng hực lên từ hai tỉnh lộ tráng nhựa cắt lẫn nhau như không muốn được ai đi, xe nào chạy bởi vì chúng bị loang lỡ với các ổ gà lẫn đấp vá “làm cho có lệ”, và bị oằn oại trong cơn sốt dưới khối nắng chói chang. Hàng quán hầu như vắng vẻ. Mồ hôi chảy nhễ nhại, mọi người nhanh chân, xe chạy như bay, như trốn tránh. Trong nhà, ngoại trừ phái yếu, không biết bao nhiêu đàn ông già trẻ và con nít ở trần, vẫy quạt phành phạch hay nằm ngáy khò bên chiếc quạt máy cũ kỹ, kêu rọt rẹt.

Mặc quần xà lỏn, ngồi đối diện giường bịnh của cô vợ trẻ, không con, mới cưới sáu tháng trước, lòng hừng hực như lò than nấu thịt bò kho, chú Mỹ đâu đó để ý gì đến hơi nóng phà xuống từ trần nhà bằng thạch cao và cửa sổ hắt vào. Vợ chú bị cảm nặng, nằm mê man vì tối hôm qua dầm dưới cơn mưa to bất ngờ khi chở đồ đạc lỉnh kỉnh nhiều lần từ hàng bán sinh tố trở về nhà.

Tuy trẻ nhưng vợ chú mang hai chứng bịnh khó trị. Một là sốt rét do mấy năm theo thằng chồng trẻ hơn tuổi mình đi làm công nhân đồn điền ở vùng cao nguyên độc địa giữa Dục Mỹ và Buôn Tương trên đường đi lên Buôn Ma Thuột. Hai là chứng khó tiêu hóa gần như bất trị mà hai bệnh viện ở Sài Gòn đã không tìm được nguyên nhân, có lẽ bởi hơn ba mươi năm ăn quá nhiều cá biển ướp u-rê hay phọt-môn và vô vàn hóa chất được bỏ quá độ lượng để giữ thực phẩm tươi, dai, dẽo hoặc ngon miệng theo trình độ kiến thức khoa học và y học rộng như cái muỗng cà phê mà cũng hợp với ý muốn trục lợi của con buôn bất chính hay quá nghèo khổ gần theo ý nghĩa của câu “Bần cùng sinh đạo tặc”.

Ngoài biệt hiệu khó nghe và dễ mất cảm tình mà anh Hai của cô đặt là “cô Tư Nhăn” bởi vì cô thường nhăn nhó mỗi khi không thích bất cứ chuyện gì—nhất là nhà cửa bị xã rác mà cô thấy gai mắt nên quét dọn luôn tay—,thật quá tội nghiệp cho vợ chú! Càng nghĩ chú càng thấy thương cô vợ trẻ không bút mực nào tả xiết.

Đầu tiên là cha con chưa bao giờ thấy mặt nhau bởi vì cha cô vợ trẻ của chú tử trận ở Vùng I Chiến Thuật khi cô được sinh ra mới chín tháng trong lúc mẹ cô nương náu với ông bà ngoại của cô ở Tân Quy. Lớn dần trong cảnh không cha và cùng cực, cô luôn luôn buôn đứng, bán chạy, có khi phải cạy trộm mũ cao su trong đồn điền gần Củ Chi khi còn tuổi vị thành niên để sống, để đi học (nhưng cô phải nghỉ học ở cuối lớp 11 vì quá eo hẹp tài chính) và phụ với mẹ để nuôi ba đứa em kế (một mẹ khác cha) sau 1975.

Năm hai mươi chín tuổi, cô nông nổi lấy thằng chồng đẹp trai và nhỏ tuổi hơn. Thuở ban đầu, hắn giả bộ hiền lương, ít nói trước khi chiếm được quả tim của cô; sau đó thì hắn ló đuôi bợm nhậu mỗi chiều tối và hung hăng như gã đánh mướn Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Khốn khổ bốn năm từ vật chất, tình cảm và tinh thần với thằng chồng không cưới hỏi, không hôn thú, nghèo quá là nghèo như gả móc bọc chỉ có thể làm một buổi tiệc nhỏ hai bàn ra mắt gia đình mà thôi, đã làm cô sáng mắt, nguyện sẽ không bao giờ mê muội lấy chồng trẻ tuổi hơn mình lần thứ hai, mà cũng ê càng với những đàn ông cùng lứa tuổi.

Từ đó, cô sống tự lập, lấy nghề bán sinh tố trong một quán ăn bình dân gần Ngã Tư Tân Quy để nuôi thân; ban đầu ở nhà trọ, bốn năm sau buôn bán giỏi giang nên cô có được căn nhà lót gạch bông, xây tường (nhưng chưa tô vách) và vườn hoa kiểng nho nhỏ trên miếng đất của mẹ cô chia cho cô, cách Tân Quy độ hai cây số, ở gần nhà mẹ già đau bịnh thường xuyên sống với cô em út chưa chồng có tiệm uốn tóc, làm móng và trang điểm. Năm năm sau khi bỏ chồng thì nàng quen chú trong dịp đi dự tiệc cưới ở Củ Chi. Sau một năm trời gặp gỡ, hẹn hò, chú và cô Tư Nhăn trở thành vợ chồng. Hôn lễ của chú và cô thật đơn giản nhưng đầy đủ theo tinh thần phong tục Việt Nam.

Chú càng nghĩ càng thấy thương cô vợ trẻ đã không chê chú già hơn sáu mươi tuổi còn gì nữa trong khi cô mới có bốn mươi ngoài! và cũng chẳng giàu có, chỉ đủ tiền phụ với cô để tân trang nhà cửa có sẵn.

Đời chú, nói chung về vật chất, sướng nhiều hơn buồn, ngoại trừ năm năm thật vất vả vì có mẹ ghẻ trong đó chú đã bỏ nhà ra đi trong mùa hè khi cuối năm lớp đệ lục (tức lớp 7 bây giờ), ra Nha Trang bán báo dạo, hết mùa hè thì trở về Chợ Lớn đi bán bắp rang buổi sáng và tiếp tục đi học buổi chiều ở trường Chu Văn An. Mới đậu xong mảnh bằng Tú Tài I thì chú đi dạy kèm sinh ngữ con nhà giàu ở đường Phan Đình Phùng (bây giờ đổi thành Nguyễn Đình Chiểu). Thi tuyển được đậu ban Anh văn ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, chú vừa làm phóng viên bán thời gian và dạy kèm tư gia ít giờ để đủ có tiền chi tiêu theo lối sống của chú. Bốn năm sau, chú tốt nghiệp và được bổ nhiệm dạy ở trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Đến 1966 thì chú bị động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau non hai năm lặn lội khắp rừng núi Vùng II Chiến Thuật (tức khu Tây Nguyên bây giờ), chú được biệt phái trở về nhiệm sở cũ và chú xin dạy thêm ở trường Đại Học Đà Lạt (lúc bấy giờ là một đại học tư do các linh mục đạo Thiên Chúa quản lý).

Kể về cuộc đời thì chú không có gì khác biệt mấy với hàng vạn đàn ông khác. Nhưng về cá tính, chú có nhiều điểm ít giống ai.

Thứ nhất, chú rất quan tâm đến chữ nhân. Ngay từ thuở còn bé, chú đã biết vun trồng cây nhân cho cuộc đời chú. Không giàu có, nhưng cả đời hễ có dịp thì chú sẵn sàng bón phân tưới lá cho cây này mà không bao giờ nghĩ đến chuyện được trả ơn hay trời ban phước theo tư tưởng của Shakespeare “Từ thiện chân chính là ước muốn hữu ích cho kẻ khác mà không nghĩ đến sự đền bù”. Chú cũng không khoe khoang những việc làm này với ai, phù hợp với ý kiến của tiến sĩ Richard Carlson: “Hãy làm một việc tốt đẹp cho một ai khác và đừng nói với ai về việc ấy”.

Thứ hai, có thể nói, dạy học là tài thành công nhất của chú mà chú mới ý thức được khi đã già. Tuy là một ông thầy tận tâm, thực hiện mọi cách, không quản ngại cực nhọc hay mất thời giờ để giúp đỡ học sinh hay sinh viên của mình, chú giữ chủ trường “thầy khó, trò nên” khiến không ít học sinh hay sinh viên bất mãn với chú trong hai tháng đầu. Nhưng rồi, với thời gian, phương pháp và lòng thương yêu chân thành của chú đã chinh phục hầu hết những ai ngồi trong lớp chú và mấy chục năm sau họ vẫn còn kính trọng hay nhớ đến chú.

Thứ ba, dẫu văn chương và âm nhạc không phải là môn chính, nhưng không biết bao nhiêu người yêu thích tài vặt văn nghệ của chú: làm thơ, viết truyện ngắn, đàn dương cầm, đặt nhạc, ca hát. Tài văn nghệ của chú như mở đường cho chú cá tính đặc biệt mà hầu như phái yếu nào cũng phản đối. Đó là lãng mạn và không chung thủy trong yêu đương và hôn nhân của chú.

Kể từ khi mới mười bốn tuổi, chú đã biết yêu thầm để rồi làm thơ, khóc mướt trước mộ người yêu đầu tiên chết yểu khoảng tuổi mười sáu, cho đến lúc tóc hoa râm, chú có tiếng bay bướm với hơn chục hai chục mối tình: lý tưởng có, thuần túy lãng mạn có, và lẽ đương nhiên ái ân xác thịt mà chẳng bao nhiêu đàn ông từ chối cũng có luôn đã đưa đời chú gần như vào ngõ cụt của tình thương gia đình.

Có bao giờ chú hối hận rằng mình đã không chung thủy với vợ chăng? Đối với đàn ông khác, chắc chắn có; nhưng chú thì không bởi vì nhiều lý do mà chú đưa ra để biện hộ cho mình.

Một, theo chú tình yêu phải chân thành và tự nguyện. Suốt cuộc đời, chú không bao giờ dối trá với đàn bà để chiếm được trái tim hay xác thịt của người yêu. Căn cứ vào cá tính đặc biệt và tài năng văn nghệ, họ yêu chú và sẵn sàng hưởng thụ ái ân với chú. Với trái tim lãng mạn có người kết tội “tham lam” có khi chú yêu người trước, có khi chú không thể nào chai lì trước tình cảm nồng nàn của một người khác phái. Tắt một lời, chú không dấu diếm đã có người yêu hay vợ con và cũng chẳng bao giờ lợi dụng đàn bà trong tình trường.

Hai, dù trọn đời chung thủy, ngay cả sau khi ly di, cá tính đặc biệt của vợ chú là luôn luôn đặt tình yêu sau tình thương gia đình. Chú đồng ý khi chưa kết hôn thì cha mẹ trên hết theo chữ hiếu của phong tục Á Đông. Nhưng sau khi con cái đã trưởng thành và có gia đình mà vợ chú vẫn coi con, cháu, anh chị trước chồng thì chú cảm thấy chua chát và ý thức rằng suốt đời chú chỉ là kẻ đứng hàng thứ hai hay hạng chót trong trái tim của vợ chú. Thêm nữa mà cũng rất là quan trọng vợ chú coi thường nghệ thuật chung sống lứa đôi, dù rằng chú đã bỏ biết bao nhiêu thời giờ tâm sự, tìm một lối thoát, kể cả hướng dẫn chi tiết; nhưng vợ chú vẫn không thay đổi. Chẳng lẽ ly dị vội vàng trong khi đã có con cái, thì chú phải đi tìm tình yêu mới để tiếp tục cuộc sống theo quan niệm yêu thương và hạnh phúc của chú.

Ba, vì mưu sinh, vì chiến tranh, vì học tập ở miền Bắc sau 1975, các con chú không có nhiều thời gian để gần gũi với chú nên tình phụ tử giữa chú và các con chẳng thắm thiết bao nhiêu dù rằng thật lòng, chú thường xuyên nghĩ đến chúng và lo lắng cho tương lai của chúng. Chú cũng đã cố gắng dạy dỗ và hướng dẫn chúng với thời giờ và khả năng của chú, nhưng chẳng được bao nhiêu. Luôn luôn bên mẹ hiền như Phật Bà Quan Âm, để con “muốn ngang nào, được ngang nấy” thì làm sao các con không thương mẹ, binh mẹ và làm sao chúng có thể thương, hiểu được và thông cảm cho cha!

Bốn, sau ngày 30 tháng Tư lịch sữ, thành phố Sài Gòn mất tên, nhưng mãi đến sau 1993, thành phố này dần dần mất hẵn trong tâm tư những người đã biết nó trước 1975. Bây giờ đa số cư dân Sài Gòn bất mãn với nóng bức, bụi bặm, quá đông người, khói và kẹt xe, lề đường bị lấn chiếm, cướp giựt giữa ban ngày, và bao nhiêu cặn bã nhơ nhớp hiển hiện hay được dấu nhẹm (thỉnh thoảng báo chí bươi móc ra!); nhưng họ vẫn phải bám sống vào thành phố này vì nhiều lý do khác nhau. Chính vì thế mà chú và vợ chú phải đi đến ly dị chính thức bởi vợ chú mê sống ở Sài Gòn như những con thiêu thân khác, còn chú thì muốn lên sống ở Đà Lạt vừa dưỡng già, thưởng thức cảnh đẹp, hưởng thụ khí trời mát mẻ hầu như quanh năm vừa dạy thêm Anh văn trong khi bốn con đã tốt nghiệp đại học và có gia đình đầy đủ.

*

Cô vợ trẻ của chú vẫn nằm im, nhưng môi như nở một nụ cười mỉm khiến chú cảm thấy phấn khởi và bỗng nhiên nhớ lại những giây phút lãng mạn của hai người trước hôn nhân. . .

Mặt đối mặt, nằm cạnh bên nhau giữa đám cỏ xanh mơn bên bờ dòng thác ở Trung Tâm Du Lịch Cát Tiên, nằm giữa ranh giới tỉnh Đồng Nai và Bảo Lộc, chú thầm thì bên tai Uyên (tên của cô vợ trẻ)bấy giờ còn là người yêu đã quen với chú được chín tháng:

- Em có biết bây giờ anh yêu em chân thành với tất cả yêu thương?

Uyên gật đầu nhè nhẹ, ngón tay bấm nhẹ vào cườm tay chú. Chú cảm thấy thích thú với các động tác trả lời của người yêu, nhưng vẫn hỏi thêm:

- Làm sao em biết?

Chần chừ trong giây phút Uyên thỏ thẻ:

- Với cử chỉ và hành động của anh trong những tháng qua, em tin rằng anh không lừa dối, tôn trọng và yêu em nhiều lắm. Và em cũng yêu anh lắm!

Quen thói dạy học, ưa chất vấn và lý luận, chú hỏi tiếp:

- Thiệt không?

- Thiệt mà! Nếu không yêu nhiều thì em đâu có thèm bỏ buôn bán mất sở hụi để hẹn hò, đi du lịch với anh trong mấy tháng qua.

Chú hỏi thêm:

- Em không nghĩ rằng anh quá già đối với em chăng?

Không suy nghĩ, Uyên mạnh dạn trả lời:

- Hông!

- Chắc không?

- Chắc chớ! Nếu không thì em đâu dám đi đây đó với anh?

Vẫn chưa thỏa mãn, chú thắc mắc:

- Tại sao em không kiếm người đồng lứa hay trẻ tuổi hơn anh để yêu?

- Anh đã hỏi thì em phải thú thực. Em đã có một số kinh nghiệm với những người trẻ tuổi, ê chề và đau khổ nhứt là với người chồng trẻ không hôn thú của em. Bây giờ em rất sợ những người trẻ tuổi hay đồng thế hệ. Em muốn an thân và chỉ muốn lập gia đình một lần nữa mà thôi. Em đã quyết định nếu không tìm được người chồng hợp với em, lớn tuổi hơn em nhiều thì em ở vậy, còn hơn kiếm người tình hay chồng trẻ, không trầm tĩnh, thiếu kiên nhẫn, thích bay nhảy, rồi lại chia tay và em phải đau khổ và mệt mỏi kiếm người khác.

Chú nở nụ cười tươi chứng tỏ sự cảm kích và lòng ngợi khen lời khẳng khái, chân thật của người yêu. Tuy nhiên chú vẫn tiếp tục tìm hiểu, dò xét người yêu:

- Tại sao em yêu anh?

Câu hỏi bất ngờ khiến Uyên ngồi dậy, vừa đổi thế vừa có thời giờ để suy nghĩ trước khi trả lời. Chú cũng ngồi dậy, tay choàng vai Uyên. Hai người cùng nhìn về hướng xa xa. Nắng mùa thu le lói bên kia sườn núi. Dòng thác vẫn cuộn chảy êm đềm. Gió bắt đầu thổi nhẹ làm lao chao lá cây vàng úa trên cành. Dăm tiếng chim hót thảnh thót đâu đây. Cảnh trí càng trở nên thơ mộng cho những người yêu nhau, bên nhau.

- Em yêu anh vì nhiều lý do. Trước nhứt là anh có gương mặt phúc hậu, cử chỉ và lời nói lịch sự, đầy vẻ trung thực. Sau đó là anh có những thái độ và hành động chứng tỏ rằng anh nghĩ đến em, tôn trọng và yêu em. Anh lại có sức khỏe dồi dào và thuộc lứa tuổi mà em muốn tìm. Thêm nữa, anh không còn vướng bận vợ con.

Chú nhắm mắt như nghiền ngẫm những lời nói của Uyên. Hồn chú lâng lâng; tim chú rộn ràng như lần đầu tiên đi đến chỗ hẹn với người vợ cũ. Mặt Uyên lộ vẻ tư lự; mắt nàng hướng về tảng đá to rong rêu nằm giữa dòng thác. Tuy muốn nói thật nhiều để chú hiểu Uyên hơn, nhưng nàng im lặng không muốn phá vỡ giây phút suy tư của chú. Nắng chiều đã tắt hẵn. Chú đứng lên và kéo hai tay Uyên để giúp nàng đứng đối diện với chú. Mặt chú lộ vẻ bồn chồn, hai tay chú choàng sau thắt lưng nàng. Uyên cảm thấy hồi hộp hơn bao giờ cả, trong khi chú cất giọng run run:

- Em có chấp nhận làm vợ anh chăng?

Uyên như muốn bật khóc vì cảm xúc, không nói gì cả mà ôm choàng vai chú và gục đầu vào ngực chú như một cử chỉ đồng ý. Cả hai như một, như cùng bay về một cỏi địa đàng không tưởng.

Tuy nhiên năm phút sau, Uyên ngỏ lời:

- Nhưng anh có chịu dọn xuống Tân Quy sống với em ba năm để em tiếp tục buôn bán kiếm thêm số vốn cho chúng mình và có dịp sống gần má em để thăm viếng, chăm sóc má em thêm đôi năm nữa bởi vì má em bệnh hoạn liên miên, e không sống lâu?

Lẽ dĩ nhiên chú gật đầu bởi vì chú biết chắc rằng từ bấy giờ chú khó thể sống thiếu bóng Uyên. Hơn một năm sống hiu quạnh ở Đà Lạt dù là nơi ưa thích và chọn lựa, chú hầu như lúc nào cũng cảm thấy trống vắng, thiếu thốn một tình yêu chân thật và nồng nhiệt, chứ không phải tình bạn trai gái tạm bợ giải quyết tình cảm hay sinh lý nhất thời.

Ba tháng sau Uyên và chú trở thành vợ chồng chính thức. Và chú di chuyển từ Đà Lạt mát mẻ xuống Tân Quy khô nóng này.

*

Mặt trời đã khuất sau ngàn cây. Cơn sốt tháng Tư như dịu xuống. Đã đến giờ tan học. Ngoài đường tiếng xe cộ và lời nói hòa lẫn nhau. Vợ chú cựa mình, mở mắt nhìn chồng trong ánh mắt yếu ớt nhưng chan chứa yêu thương. Chú nhổm dậy khỏi chiếc ghế dựa và ngồi quỳ xuống bên giường vợ, lấy khăn tay lau những giọt mồ hôi trên mặt và cổ của nàng. Chú hôn lên trán vợ, hôn cả đôi má xanh xao. Chú vén lọn tóc xòa xuống bên mép tai trái của vợ và âu yếm nói:

- Em uống chút nước nha!

Vợ chú chớp mắt và gật đầu. Chú vói tay mở nắp ca ny-lông để trên bàn ngủ bên cạnh, lấy muỗng đã có sẵn bên trong, múc từng muỗng nước trà dợt để đút vào miệng vợ. Bấy giờ chú mới để ý thấy đôi môi vợ khô nức vì cơn sốt và thời tiết nóng bức điên người. Tiếp theo, chú lấy va-sơ-lin thoa lên khiến chúng trở nên bóng láng và chú đặt nhẹ một chiếc hôn lên chúng trong khi vợ chú lim dim đôi mắt và từ từ đi vào giấc ngủ mê mệt. Đoạn chú trở về ghế ngồi và miên man trong vùng quá khứ gần gũi . . .

Sau một thời gian chung sống với cô vợ trẻ, chú khám phá nhiều điều mới mẻ thích thú lẫn lộn dăm bực bội.

Vợ chú tự nguyện lần lượt chấm dứt mọi liên hệ trai gái lừng khừng, dang dỡ với tất cả những kẻ yêu thương hay si mê nàng (bởi vì vợ chú vừa trẻ, trắng trẻo và vừa xinh đẹp nhờ gương mặt dịu hiền, mái tóc lãng mạn và co eo quyến rũ) từ ông bán tạp hóa ở ngoài chợ cho đến người tình xa xưa thuở học trò bây giờ hành nghề kiến trúc sư và thầu khoán giàu có ở Sài Gòn, kể cả những Việt kiều ở Mỹ, Úc, Đan Mạch trước kia đã từng gởi tiền hay quà tặng về để mua lòng nàng.

Buôn bán mỗi tuần sáu ngày từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối, vợ chú chịu cực khổ, không quản nắng cháy (nhưng không bao giờ quên mang khẩu trang, bao tay, nón rộng vành kỹ lưỡng để bảo vệ làn da) , mồ hôi như tắm, để kiếm tiền chợ và chi phí lặt vặt trong gia đình, bởi vì kể từ khi dọn về Tân Quy chú chẳng làm được bao nhiêu tiền (chỉ thỉnh thoảng chú mới nhận được một công tác dịch thuật hay soạn thảo hợp đồng cho công ty ngoại quốc mà thôi!), ngoại trừ một trăm triệu đồng gởi quỹ tiết kiệm để kiếm lời mỗi tháng.

Vợ chú nấu ăn thật hợp khẩu vị của chú; dù bận bịu mua bán, hễ chú thích, thèm món nào thì vợ chú đi chợ và làm món đó. Vợ chú còn chứng tỏ thương chồng vô cùng qua những hành động nho nhỏ như luôn luôn mua bánh trái đủ thứ theo thói quen ăn vặt của chú. Sau bốn tháng chú lên ba ký lô; nhưng nhờ luyện võ Vovinam và tập thể dục mỗi ngày nên thân hình chú tráng kiện và sức khỏe tiếp tục dồi dào. Chú như trẻ ra năm tuổi và vẫn trắng trẻo như khi ở Đà Lạt bởi vì kể từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, vợ chú nhắc nhở chú không ra khỏi nhà dưới ánh nắng gay gắt.

Chưa bao giờ chú có dịp thấy ở Đà Lạt, Tân Quy, Củ Chi, ngay cả ở Sài Gòn, nhà cửa ai sạch sẽ và bóng láng như nhà của vợ chú. Buổi sáng, khi chú còn an giấc thì vợ chú đã dậy sớm quét lá, quét sân, quét luôn đường đi trước cổng nhà. Rảnh lúc nào thì vợ chú cầm đến cây chổi hay các khăn lông hoặc áo thun cũ làm giẻ lau để làm công tác vệ sinh khắp nhà. Một người bạn thân Việt kiều Mỹ của chú ghé nhà thăm còn phải buột miệng khen:

- Nhà tắm của vợ chồng mầy còn sạch hơn ở các khách sạn trung bình bên Mỹ nữa.

Nếu tốt mãi như thế thì còn gì để nói, còn gì là cỏi trần gian ô trọc này! Đúng vậy!

Vợ chú ghen còn hơn Hoạn Thư trong truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng với bản tính dịu hiền, cô không có hành động thất nhơn ác đức gì với chú cả. Tuy thế, chú gần như là một ông tù sung sướng được giam lỏng trong nhà ở cái xã hầu như nóng quanh năm này. Đi đâu thì phải có “bà xã” đi theo làm bảo vệ bởi vì vợ chú sợ “mấy con hồ ly tinh” hớp hồn chú. Mỗi ba hay bốn ngày, vợ chú hộ tống chú ra dịch vụ vi tính để kiểm và viết điện thư. Chú muốn bắt In-Tẹt-Nét ở trong nhà để tiết kiệm thời giờ và thuận tiện tra cứu, nhưng vợ chú nhất quyết không đồng ý bởi vì sợ “ổng ở nhà chát với mấy con chằn khi tao ở ngoài quán” (theo như lời tâm sự của vợ chú với cô bạn cùng xóm). Muốn ăn gì, ngồi ăn kem quán nào, đi chơi ở đâu thì vợ chú chiều ngay, nhưng phải “chồng đâu, vợ đó”.

Thương (hay mê?) chồng quá nên mỗi tối—mới 9 giờ rưỡi trong khi chú còn tỉnh táo như thằng bán báo—là vợ nhắc nhở chú lên giường, bởi vì kể từ ngày sống chung vợ chú sinh tật không thể ngủ nếu không có chú ở bên cạnh theo ý nghĩa của câu ca dao:

Chim quyên ăn trái nhản lồng,

Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi

Trong mười phút mà chú không làm theo yêu cầu thì vợ chú bước ra khỏi phòng ngủ, nhăn nhó, mặt mày như cái bánh bao mắc mưa. Đôi khi bực bội, nhưng muốn cho “êm cửa vui nhà” nên chú đành phải tắt máy vi tính, tắt đèn, đánh răng, xúc miệng, lên giường cho vợ gác chân lên đùi của chú. Chỉ trong năm phút là vợ chú ngáy khò khò; còn chú, chú nằm nghĩ ngợi lung tung, cả tiếng đồng hồ sau mới ngủ được. . .

Vợ chú vẫn còn ngủ mê mệt. Chú nghĩ đến múi sầu riêng thơm phức (theo chú!) mà vợ chú đút vào miệng mình. Chú thấy thèm và nhớ đến ly sương sa hột lựu, đến các trái chuối nướng và bánh bèo ngọt nước dừa khoái khẩu mà vợ chú đã mất thì giờ đi tìm mua cho được để chú cười tươi và ăn ngon lành; chú cũng nhớ đến những con cá đồng nho nhỏ (chứ không phải cá nuôi to lớn, ăn dỡ ẹt!) mà vợ chú chiên dòn ăn nhai luôn đầu theo ý chú.

Chú nghĩ ngợi và so sánh với tất cả những mối tình đã qua và với người vợ cũ thì quả chú đang sống trong hạnh phúc. Chú ý thức rằng cuối cuộc đời, không giàu có như bao nhiêu bạn bè cùng lứa, cùng trình độ mà chú lại được cô vợ trẻ yêu thương, cưng chiều, thì chú thật có phước, có thể nhờ kết quả của cây nhân chú vun trồng bấy lâu mà chú chẳng bao giờ mơ đến một ngày hái quả. Dẫu lắm khi bực mình vì bị giam lỏng, chú tự an ủi: “Nhân vô thập toàn”, không đàn bà nào hoàn toàn hợp theo ý mình, vợ chồng hợp nhau 80 phần trăm là thần tiên lắm rồi; hiện tại còn mới, biết đâu một ngày nào đó vợ chú đặt hết tin tưởng vào chú và sẽ cho chú tự do hơn. Bây giờ, chú nghĩ mình phải biết an phận, chấp nhận những gì mình đang có; hạnh phúc cuối đời đang trong tầm tay, chú phải biết nâng niu, quý trọng, đừng để nó bay đi mà khó bao giờ chú tìm lại được với tuổi tác và hoàn cảnh của mình.

Từ đó, chú nhận thức rằng kiên nhẫn và chung thủy là hai đức tính quan trọng nhất giúp đời sống hôn nhân bền lâu. Không còn muốn “đứng núi nầy, trông núi nọ”, chú quyết định kể từ nay cắt đứt mọi liên hệ với tất cả những người đàn bà quen biết trong quá khứ để chỉ yêu thương, lo lắng cho cô vợ trẻ đã hết lòng với mình.

Với quyết định kể trên, chú đến hôn vợ khắp mặt mày một lần nữa. Lòng thấy phơi phới, chú đi vào nhà bếp để hâm cháo, nấu nước châm trà mới cho vợ.

Vương Đằng