Saturday, 6 February 2016

CẢNH GIÁC "TRÁI DƯ" TRONG MÂM QỦA NGÀY TẾT


Trái Dư or trái Cà Đầu Bò



CẢNH GIÁC "TRÁI DƯ" TRONG MÂM QỦA NGÀY TẾT 

Khoảng từ 5 năm trở lại đây, trái dư (còn có tên cà đầu bò, cà vú) đã bò vào thị trường hoa quả chưng ngày tết ở miền Nam. Đây là loại trái cây đẹp rất bắt mắt, hình thù độc đáo, lạ và điều đặc biệt “ăn khách” chính là cái tên “dư”, mang lại nhiều ý nghĩa khi chưng tết.
Trái dư dài khoảng 8cm, màu vàng óng ả, phình rộng ở gốc và có 5 u to đều (các u lồi gần phần cuống), 5 phần “thịt dư” này, theo quan niệm dân gian, rất quan trọng bởi nó thể hiện sự dư giả tròn đầy, sung túc. Được biết trái dư trồng chủ yếu ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, sau đó các thương lái thu mua đưa đi khắp mọi miền đất nước.
Theo quan niệm người dân Việt, trong ngày tết cổ truyền thường chưng mâm ngũ quả gồm 5 loại quả (trái) để cầu mong gia đình giàu có, khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.
Còn nếu cầu kỳ hơn thì tất cả tên hoa quả trong mâm ngũ quả phải đầy ý nghĩa như “Cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài)”. Nhưng nay lại có thêm trái dư mang ý nghĩa nhiều hơn, tượng trưng cho sự… dư giả.
Về mặt “thể hình” trái dư khá nhỏ với số còn lại trong mâm quả nhưng lại mang một ý nghĩa tốt lành không kém. Nắm bắt được điều này, nhiều người đã tìm mua trái dư để thể hiện mong ước của gia đình mình trong những ngày đầu năm. Dư là loại cây rất dễ trồng thích hợp với khí hậu ở miền Tây Nam Bộ.
“Trái dư đâu còn xa lạ với dân mình nữa. Vào các dịp lễ tết hay ngày rằm gì ở nhà tôi cũng kiếm mua trái dư về chưng cả. Có trái dư vào là mâm cúng nhà mình thêm hương vị mới, cái gì cũng dư giả cả. Bởi thế, giờ ở đây ai có chút đất trống cũng trồng trái dư bán kiếm tiền”, bà Năm (ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang), chủ hộ trồng trái dư cho biết.

trai du, doc tinh, chung tet, ca doc duoc 
Tập trung trái dư để bán tết

“Cây này rất dễ trồng, khỏi cần mua gốc về, chỉ cần mình ương quả nó lại rồi lấy hạt nhét xuống đất là được. Mình trồng khoảng 6 tháng là có thể cho ra loạt trái đầu tiên, quả nó to cứng, chưng được lâu và việc vận chuyển cũng khá dễ dàng vì quả cứng cáp ít chịu tác động, nó cũng không thâm đen… Trái dư nhìn vậy chứ lâu hư nên được nhiều người ưa dùng”, anh Mạnh Sư (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.
Cũng theo bà Năm và anh Sư, tỉnh Hậu Giang là nơi có rất nhiều hộ dân trồng dư. Cách đây chừng 10 năm trái dư chỉ là một loại cây dại, còn bây giờ đã được người ta trồng với diện tích lớn. Thời điểm “hot” của trái dư chính là dịp tết.
Thời gian đó, thương lái hầu như rà soát hết các tỉnh có trồng dư để mua với giá cao. Trái dư to tròn, vàng bóng loáng có đủ 5 nu được trả từ 3.000 - 5.000đ/trái. Còn khi người dân tận dụng cả thân cây bỏ vào chậu kiểng chưng thì chúng có giá 500.000 đến vài triệu đồng một cây.

Rước thứ nguy hiểm về nhà chưng?
Một số người dân trong xã Phú Hữu cho biết dù đã nghe nhiều người truyền miệng nhau trái dư không ăn được vì có độc tính rất mạnh, nhưng do cây dễ trồng, dễ thích nghi, dễ kiếm tiền và không mất nhiều công sức nên người người đua nhau trồng dư để bán ngày tết. 
“Có cung tức có cầu. Trồng thì để bán kiếm tiền thôi chứ có ai tìm hiểu về dược tính nó đâu, chỉ nghe người ta đồn là trái này rất độc không được ăn. Họ lại thấy người này người nọ trồng nó dễ kiếm tiền quá nên bắt chước trồng theo, cứ như thế mà cả ấp toàn… dư”, một người dân cho biết.
Theo các chuyên gia đông y, trái dư còn được gọi là cà vú, có tên khoa học là Solanum mammosum thuộc họ cà độc dược. Trái này rất độc bởi nó chứa các chất solanine, scopolamine với nồng độ cao nên độc tính rất cao, ngoài ra còn chứa các chất như atropine và hyoscyamine gây ảo giác và liệt cơ.
Theo một thầy thuốc đông y, “trái dư có chất độc gây mê ở liều thấp nhưng nếu ăn vài trái trở lên thì độc tính của nó gây hôn mê sâu dễ dẫn đến tử vong. Do đó người dân cần lưu ý nhiều hơn, không nên chưng hay sử dụng loại trái này vào mục đích nào khác có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc”.
“Tôi cũng nghe ông bà mình thường gọi là cà độc dược (tên gọi lâu nay của trái dư) rất độc, không được ăn. Lỡ may bọn con nít không biết ăn phải thì làm sao? Mấy đứa con nít cứ là lạ, màu mè là nó thích lắm. Mình đâu có ở bên cạnh bọn trẻ con từng phút để nhắc nhở đó là loại trái rất độc không được ăn”, một người dân nói với chúng tôi như vậy.

Huyền Thanh 

Trái Dư or trái Cà Đầu Bò