Wednesday, 17 February 2016

NHỮNG LOÀI KHỈ LẠ



NHỮNG LOÀI KHỈ LẠ


Howler (Khỉ hú)

Khỉ rú (khỉ hú) là một trong các giống khỉ Tân Thế Giới (Nam và Trung Mỹ Châu) to con nhất, và là một trong những giống khỉ biết làm chỗ ở, một hình thức làm nhà xây tổ. Có những con khỉ có tiếng hú rất lớn vang xa ba dặm xuyên qua rừng rậm.
Chúng có tuổi thọ từ 15 đến 20 năm.
Khỉ hú sống thành nhóm từ 6 đến 15 con, với vài ba con đực trưởng thành và nhiều con cái. Mỗi bầy khỉ hú có tỷ lệ nam nữ trung bình là số khỉ cái gấp 4 lần số khỉ đực. Khỉ hú đực và cái đều biết làm bổn phận chăm sóc trẻ con chung. Như tên gọi, khỉ hú dùng tiếng hú làm phương tiện truyền thông, phần quan trọng nhất trong giao tiếp xã hội của chúng. Khỉ đực thường hú vào lúc sáng sớm và buổi chiều tối và cũng hú xen kẽ trong ngày.

 khi la 01
Khỉ hú - Howler

Proboscis monkey (Khỉ mũi vòi)

Khỉ mũi dài, hay còn gọi là khỉ mũi vòi hay khỉ vòi (tên khoa học: Nasalis larvatus; tên Mã Lai và Nam Dương: bekantan) là loài khỉ Cựu Thế Giới chỉ được tìm thấy trên đảo Borneo, Nam Dương. Ðặc điểm nổi bật của chúng là có cái bụng bự cùng một cái mũi vừa to vừa dài.
Khi chúng vui mừng hay bị kích thích, chiếc mũi của chúng sẽ “nở” to lên và rung động. Chiếc mũi chính là công cụ giúp khỉ đực quyến rũ bạn tình. Khỉ đực có mũi càng dài, càng hấp dẫn con cái. Có những con khỉ đực mũi dài tới 18 cm. Cũng nhờ chiếc mũi này mà khỉ vòi có thể phát ra những âm thanh vang xa nhiều dặm.
Con khỉ đực nặng nhất được biết đến là 30 kg (66 lb). Con cái cân nặng tối đa là 15 kg (33 lb). Mỗi đàn khỉ vòi thường gồm 8 – 10 con, chiếm đóng một khu vực rộng chừng 2 km vuông. 
Khỉ mũi vòi bụng bự là vì (không phải do uống bia) dạ dày của chúng chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa một loại chất men (enzyme) khác nhau để tiêu hóa thức ăn. Do lá cây không có nhiều chất dinh dưỡng nên khỉ mũi vòi mất cả ngày để hái lá cây nhằm lắp đầy cái dạ dày nhiều ngăn của chúng, điều đó càng làm cho cái bụng càng to lớn hơn.
Hiện tại, loài này đang nằm trong Danh sách báo động đỏ, tức là đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

 khi la 01
Khỉ mũi vòi - Proboscis monkey

Emperor Tamarin (Khỉ Tamarin Hoàng Đế)

Khỉ hoàng đế Tamarin, còn có tên là khỉ Brockway là một giống khỉ tí hon nhỏ nhắn ở Nam Mỹ. Cả con đực và con cái khỉ hoàng đế đều có râu, nặng khoảng 500 gr. Chúng sống trên cây cao, trong rừng nhiệt đới ở phía Tây Nam lưu vực sông Amazon, ở phía Ðông Peru, phía Bắc Bolivia và ở hai tỉnh Acre và Amazonas phía Tây Brazil. Mỗi ngày chúng ăn nhiều loại trái cây hoa quả khác nhau. Chúng cũng ăn nhựa tiết ra từ thân cây do chúng khoét. Nhiều con cũng ăn côn trùng, ếch nhái, tùy loại rừng mà chúng cư ngụ.
Mỗi đàn khỉ hoàng đế Tamarin gồm từ 4 đến 18 con, dưới hình thức một gia đình mở rộng, thường thường cầm đầu bởi một con cái đang trong thời kỳ sinh sản và con đực bạn đời của nó. Khỉ hoàng đế được xếp vào loài động vật sống một vợ một chồng.
Cả khỉ đực lẫn khỉ cái trong đàn cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi giữ trẻ, con sinh trước (anh chị) trông coi săn sóc em. Khỉ đực tỏ ra khéo giữ em hơn.

khi la 01 
Khỉ Tamarin hoàng đế - Emperor Tamarin

White-faced Saki (Khỉ mặt trắng)

Ðược tìm thấy ở Brazil, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Suriname và Venezuela. Loài này sống trong rừng cây có tán lá thấp, ở độ cao tới 2,300 feet. Chúng ăn thức ăn chính là các loại quả mọng (berries) lá, hoa, các loại hạt và trái cây. Thức ăn phụ của chúng gồm có côn trùng, mật ong, động vật nhỏ như chuột, chim và dơi.
Khỉ mặt trắng đực cân nặng từ 1.9 đến 2.1 kg. Khỉ cái hơi nhỏ hơn và nhẹ hơn.
Chúng sống từng gia đình riêng gồm khỉ cha khỉ mẹ và hai hoặc ba khỉ con. Khỉ mẹ chỉ sinh mỗi lần một con; thời điểm sinh con thường trong tháng 11 và 12. Khỉ con đeo sát theo mẹ trong vài tuần đầu; sau đó cũng được khỉ cha và khỉ anh khỉ chị cõng bồng. Khỉ con có thể tự lập sau 6 tháng, nhưng vẫn ở với gia đình của nó sau thời hạn này. Chúng sống đến 14 tuổi trong tự nhiên, nhưng có thể sống tới 35 tuổi trong vườn thú.

khi la 01
Khỉ mặt trắng - White-faced Saki

Bearded saki (Khỉ râu)

Khỉ râu có bộ râu rậm rạp “hoành tráng” như râu Fidel Castro, mọc từ hàm dài che cổ họng xuống tận ngực. Chúng được gọi là khỉ râu vì những con cái của loài khỉ này cũng có râu, tuy không bằng râu của những con đực. Khỉ râu cân nặng 2-4 kg. Khỉ râu là loài động vật ăn tạp; chúng ăn trái cây là chính, ngoài ra là lá, hoa, côn trùng, động vật có xương sống nhỏ như loài gặm nhấm hoặc dơi.
Chúng sống từng bầy khoảng từ 18 tới 30 con. Những con trong bầy nói chuyện với nhau bằng tiếng kêu chíu chít như tiếng chim và hút gió (huýt sáo). Chúng cũng “giao tiếp xã hội”, đôi khi nhập bọn với các linh trưởng khác như khỉ mũ (khỉ thầy tu) và khỉ sóc.
Mỗi năm một lần (thường vào đầu mùa thu hoặc cuối mùa hè) khỉ râu cái sinh một đứa con duy nhất sau một thời kỳ mang thai 5 tháng. Sau khoảng ba tháng, khỉ con bắt đầu tự lập, tự khám phá môi trường sinh sống. Khỉ râu đạt tới tuổi trưởng thành đầy đủ lúc 4 tuổi. Tuổi thọ của chúng là khoảng 15 năm.

khi la 01
 Khỉ râu - Bearded saki

Tarsier (Khỉ lùn)

Khỉ lùn tarsier là loài linh trưởng haplorrhine của gia đình Tarsiidae xuất hiện trên Trái đất từ 45 triệu năm trước.
Chúng là một trong số các loài khỉ nhỏ nhất và quý hiếm nhất trên trái đất, đầu và thân chỉ đo khoảng 8.5 - 16 cm, đuôi thon dài từ 20 đến 25 cm, trọng lượng khoảng 600 gr. Ngoài đôi mắt to, khỉ lùn Tarsier còn có một đôi tai to không kém. Ðôi tai này hỗ trợ đắc lực cho chúng khi nghe ngóng động tĩnh của con mồi như côn trùng, chim, rắn hay thằn lằn. Ðây là loài linh trưởng duy nhất chỉ ăn thịt động vật. Chúng ăn thằn lằn, côn trùng, thậm chí chúng cũng biết vồ bắt chim đang bay để ăn. Tuy nhiên, đặc điểm đáng chú ý nhất của khỉ Tarsier là cặp mắt to không tương xứng so với kích thước cơ thể, to nhất trong các loài động vật có vú. Chúng còn có thể nghe và phát ra âm thanh ở một tần số riêng để liên lạc báo động.
Thời gian mang thai của khỉ lùn khoảng sáu tháng, sinh mỗi lần một con duy nhất. Khỉ lùn con vừa chào đời, chúng đã có bộ lông dày, mắt mở, có thể tự leo lên cây và sẽ thành thục lúc hai tuổi. Khỉ lùn Tarsier vô cùng nhút nhát. Trong môi trường nuôi nhốt, khỉ lùn khó thích nghi và hiếm khi sinh sản.

 khi la 01
Khỉ lùn - Tarsier

Uacari (Khỉ trọc)

Khỉ trọc (tên khoa học: Cacajao calvus; tên gọi tiếng Anh: Uacari) là một loại khỉ Tân Thế Giới. Ðiểm nổi bật của chúng là cái đầu trọc, khuôn mặt đỏ rực, cái đuôi rất ngắn khoảng 15 cm và bộ lông dài bờm xờm màu trắng, nâu hoặc cam. Chúng chỉ được tìm thấy giới hạn trong khu rừng Várzea gần lưu vực sông Amazon thuộc hai nước Ba Tây và Peru. Chúng thường sống từng đàn độ 10 con. Chúng cũng biết cất thức ăn dự trữ trên cây để đề phòng những ngày vào mùa khô, thức ăn trở nên khan hiếm.
Nguyên một đàn khỉ trọc từ 5 đến 30 con (có khi cả trăm con) có thể đi 4.8 km mỗi ngày. Tổng diện tích phạm vi cư trú của đàn từ 500 đến 600 ha. Ðiều này đòi hỏi chúng cần có một cơ chế bảo vệ lãnh thổ hiệu quả. Một vài trong số các phương cách bảo vệ này là tiếng kêu chuyên biệt, tín hiệu vẫy đuôi và dựng tóc, các thứ mà con người không thể làm được.
Mùa sinh sản của khỉ trọc là từ giữa tháng 10 và tháng 5. Chu kỳ mang thai của chúng là khoảng sáu tháng. Khỉ trọc đực lẫn cái đều có một tuyến xương ức; xương này có thể liên quan đến sự truyền thông bằng khứu giác, đặc biệt là trong thời kỳ sinh sản, khi con cái khuyến khích con đực giao phối bằng cách tạo ra hương thơm quyến rũ. Khỉ trọc sống khoảng 30 năm trong thiên nhiên và sống lâu hơn trong môi trường nuôi nhốt.

khi la 01
Khỉ trọc - Uacari

Night monkey (Khỉ cú)

Khỉ đêm, cũng được gọi là khỉ cú (tên khoa học: Aotus trivirgatus; tên tiếng Anh: night monkeys, owl monkeys, douroucoulis), là thành viên của chi Aotus khỉ Tân Thế Giới (đơn loài trong gia đình Aotidae). Như tên gọi, khỉ cú sinh hoạt và tìm thức ăn vào ban đêm, là loài linh trưởng duy nhất có tập tính này. Khỉ cú có nguồn gốc từ Panama và các vùng nhiệt đới khác ở Nam Mỹ. Trọng lượng khỉ cú đực và cái không khác nhau mấy, nặng nhất là khỉ cú Azara khoảng 1 kg 25; nhẹ nhất là khỉ cú Brumback từ 455 và 875 gram.
Ða số khỉ cú chỉ sống với một bạn tình trong đời; có “gia đình” như người. Trường hợp một con khỉ đực hoặc khỉ cái chung sống với hai bạn tình trở lên khá hiếm hoi. Khi một con khỉ đực muốn chung sống với một con khỉ cái đã “yên bề gia thất”, nó sẽ đánh nhau với “chồng” của đối tượng. Nếu giành được phần thắng, nó sẽ thay chỗ của đối thủ. Những con khỉ cái cũng giành giật bạn tình theo kiểu tương tự.
Giống như con người, khỉ cú đực chia sẻ trách nhiệm nuôi con. Vì vậy, các chuyên gia đoán rằng kiểu kết đôi chung thủy giúp chúng làm tăng sức khỏe sinh sản. Trong những “gia đình chung thủy”, khỉ đực sẽ chăm sóc những đứa con của chúng rất cẩn thận nên khỉ cái không phải mất nhiều thì giờ và công sức. Ngược lại, nếu khỉ cái sống với ít nhất hai khỉ đực, con khỉ đực “chồng sau” sẽ không quan tâm tới những đứa con riêng của “vợ”. Do đó, khỉ cái phải dành nhiều thì giờ và công sức cho việc nuôi con. Tình trạng đó khiến cho khả năng sinh sản của chúng giảm đi.

khi la 01

Khỉ cú - Night monkey