Thursday, 11 February 2016

TRỊ BỆNH BẰNG NHỮNG MÓN CHAY 1,2,3




TRỊ BỆNH BẰNG NHỮNG MÓN CHAY ( Phần 1)

1. Lẩu hột sen

Vật liệu: 1 xâu hột sen, 10 tai nấm đông cô, 100g bột khoai, 3 lọn mì căn non, 1 củ năn, 200g đậu phộng, 20g nấm mèo, 300g bông cải, 1 củ cà rốt. Nước dừa tươi, đường, muối, bột ngọt, tiêu, dầu mè.
Cách làm:
  • Hột sen luộc qua một nước hầm mềm.
  • Đậu phộng ngâm nở, bóc vỏ, cho vào nồi con hầm mềm.
  • Nấm rơm búp gọt sạch, ngâm nước muối, xả lại nước lạnh để ráo.
  • Mua nấm mèo nhỏ như hột nhãn, ngâm nước nở rửa sạch.
  • Bột khoai ngâm nước mềm cắt khúc ngắn.
  • Bông cải tách thành từng bông nhỏ lột sạch vỏ cứng.
  • Mì căn non để nguyên lọn cắt khúc ngắn.
  • Củ sắn + cà rốt tỉa hoa cắt lát mỏng.
  • Múc dầu vào soong. Bắc lên bếp phi kiệu thơm, cho sắn + cà rốt + bông cải vào xào thấm dầu, múc ra đĩa để sẵn, cho tiếp đậu phộng + hạt sen + nấm đông cô + nấm rơm + nấm mèo + bột khoai + mì căn , đổ vào chén nước dừa tươi, nêm nước tương + đường + bột ngọt + muối vào nấu một lúc cho các thứ thấm, bắc soong xuống.
  • Khi ăn cần xếp củ sắn + cà rốt + bông cải vào trước múc soong đồ xào cho đầy vào cù lao, đổ nước xào + nước dừa tươi vào ngập thức ăn, nếm lại lần nữa cho vừa ăn, để thức ăn sôi lại dùng nóng với mì vắt đã trụng mềm, hoặc bánh phở hay bún.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Bổ dưỡng cơ thể, tăng cường khí lực.
- Nhuận trường, lợi tiểu, an thần.
- Làm dịu đau,làm đẹp nhan sắc.
- Hạ huyết áp, hạ cholesterol máu.
Công hiệu:
Món lẩu này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ.
- Táo bón, tiểu tiện khó, tiểu buốt.
- Thấp khớp, đau nhức tay chân.
- Cao huyết áp, cholesterol máu tăng, xơ cứng động mạch, béo phì.

2. Canh đu đủ

Vật liệu: 1 trái đu đủ hườm, 1 củ cải muối, 3 bìa đậu hũ. Nước tương, đường, muối, bột ngọt, tiêu.
Cách làm:
  • Đu đủ gọt sạch rửa hết mủ chẻ trái đu đủ làm 8, cắt bỏ hột, xắt đu đủ thành miếng dày 1cm.
  • Đậu hũ xắt miếng vuông 2cm.
  • Củ cải muối xắt lát mỏng cho vào bao vải bóp trong nước cho bớt mặn.
  • Đong 2 tô nước vào soong bắc lên bếp, nước sôi cho đu đủ vào nấu trước cho mềm, nêm vào chút muối trong thời gian chờ đu đủ mềm, bắc chảo lên bếp phi dầu với kiệu cho thơm, xào đậu hũ + củ cải + nước tương + đường + muối cho thấm, đu đủ chín trút chảo đậu xào qua nêm thêm chút bột ngọt + tiêu, nếm canh lại cho vừa ăn bắc nồi xuống.
  • Múc canh ra tô bày thêm ngò, dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Nhuận trường, tiêu tích trệ.
- Lợi tiểu, tiêu đàm, trừ ho.
Công hiệu:
- Rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày mãn tính.
- Ho có đàm, tiểu tiện khó, táo bón.
- Sản phụ ít sữa, ăn ngủ kém.
  • Phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh.

3. Đậu hũ nấu đồ tàu

Vật liệu: 3 bìa đậu hũ, 10 củ năn, 1 củ hành tây, 1 xâu hạt sen, 1 củ cà rốt. Ngũ vị hương, trần bì, bột năng, nước dừa.
Cách làm:
  • Đậu hũ trắng cắt mỗi miếng làm 3 ướp kiệu bằm + ngũ vị hương + muối, ướp 1 giờ cho thấm đem chiên vàng, có thể dùng dao rạch chéo mấy đường trên mặt đậu cho mau thấm.
  • Hột sen luộc qua một nước, cho vào nồi con hầm mềm.
  • Củ năn gọt sạch vỏ rửa để ráo.
  • Cà rốt tỉa hao cắt dày 1cm.
  • Hành tây lột vỏ rửa sạch để ráo chẻ làm 6.
  • Múc dầu vào soong bắc lên bếp, dầu nóng phi kiệu thơm, bắc soong xuống nêm nước tương + muối + đường + bột ngọt + 1 chén nước dừa tươi, cho củ năn, cà rốt, trần bì vào soong bắc lên bếp nấu cho cà rốt mềm, kế đến cho hạt sen đã hầm đậu hũ + 1 chén nước dừa tươi, nêm thêm gia vị, nấu đến khi đậu hũ mềm, thấm gia vị, cho hành tây vào cùng 1 muỗng cà phê bột năng đã quậy với nước, bột sôi chín là được, nếm lại cho vừa ăn.
  • Múc đậu hũ tàu ra đĩa sâu, rắc thêm tiêu, dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Bổ dưỡng cơ thể, tăng cường khi lực.
- Thanh tâm, an thần, làm đẹp nhan sắc, làm dịu đau.
- Tiêu đàm, trừ thấp.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các chứng sau:
- Suy nhược cơ thể, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ kéo dài.
- Phong thấp, đau nhức tay chân, đau lưng.
- Ho nhiều đàm, táo bón.

4. Canh củ cải

Vật liệu: 3 củ cải trắng, 1 củ cải muối, 100g nấm rơm. Nước tương, đường, muối, bột ngọt, tiêu.
Cách làm:
  • Củ cải gọt vỏ chẻ làm đôi theo chiều dài, xắt miếng xéo mỏng 2 ly rửa sạch, để ráo.
  • Củ cái muối xắt lát mỏng, xắt chỉ lại, xả bớt mặn.
  • Nấm rơm làm sạch xắt chỉ.
  • Múc dầu vào soong bắc lên bếp, cho kiệu vào phi thơm xào củ cải muối và nấm cho thấm dầu, nêm nước tương + chút muối + bột ngọt + tiêu, xào một lúc cho thấm, đong vào soong 2 tô nước nấu sôi, thả củ cải vào nấu đến khi củ cải trong, chín mềm là được, nếm lại cho vừa ăn. Múc ra tô bày ngò, rắc tiêu, dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Long đàm, tiêu viêm, tiêu tích trệ.
- Lợi tiểu, tiêu ứ huyết, tan phong tà.
- Kích thích tiêu hóa, lọc gan thận.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những bị các bệnh chứng sau:
- Ho, viêm phế quản, ăn uống không ngon miệng.
- Tiểu khó, táo bón, người bứt rứt khó chịu.
- Viêm gan mãn tính, sỏi mật.
- Viêm khớp, thấp khớp, tay chân nhức mỏi.

5. Rau củ hầm

Vật liệu: 300g bắp cải, 1 củ cà rốt, 2 quả cà chua, 1 củ dền, 1 trái su su, 1 củ cải trắng
Cách làm:
  • Gọt sạch cà rốt + củ cải + củ dền + trái su + bắp cải + cà chua cắt đôi bỏ hột, cho tất cả vào nồi đổ vào 3 tô nước lả, hầm độ 1 giờ lấy nước ngọt làm canh, nhớ nêm vào chút muối, còn xác chấm nước tương dầm ơt ăn với cơm.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Bổ dưỡng ngũ tạng, tăng cường khí lực.
- Thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp da mặt.
- Nhuận trường, lợi tiểu, làm giảm đau nhức.
- Hạ huyết áp, giảm cholesterol máu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém.
- Táo bón, tiểu tiện khó, tiểu buốt.
- Đau lưng mỏi gối, nhức mỏi các khớp.
- Cao huyết áp, cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch, béo phì.

6. Canh bắp cải cà chua

Vật liệu: 500g bắp cải, 100g nấm rơm, 3 quả cà chua, 1 bài đậu hũ. Nước tương, muối, đường, bột ngọt, tiêu.
Cách làm:
  • Bắp cải tách ra từng lá rửa sạch để ráo, sau đó xếp bắp cải xắt chỉ.
  • Đậu hũ cắt miếng vuông 2cm, dày 5 ly chiên vàng.
  • Nấm rơm gọt sạch, ngâm nước muối rửa lại để ráo, chẻ nấm làm 4.
  • Cho dầu vào soong phi kiệu thơm, xào đậu với nấm + cà chua cắt múi bỏ hột, nêm nước tương + muối + bột ngọt + 2 tô nước lã, nấu canh sôi nêm lại vừa ăn thả bắp cải vào cho canh sôi lại lần nữa là được.
  • Múc canh ra tô, bày ngò, rắc tiêu, dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Tăng cường khí lực, chống nhiễm khuẩn, làm dịu đau.
- Giải nhiệt, nhuận trường, làm đẹp da mặt
- Lọc máu, tiêu đàm trừ ho, an thần.
- Hạ huyết áp, giảm cholesterol máu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Suy nhược, nhiễm độc, nhiễm khuẩn cơ thể.
- Đau nhức các khớp, đau thần kinh hông, đau dạ dày.
- Táo bón, khát nước, nóng bứt rứt, mất ngủ.
- Cao huyết áp, cholesterol máu tăng.

Theo: Lương y Đinh Công Bảy



TRỊ BỆNH BẰNG NHỮNG MÓN CHAY ( Phần 2 )


7. Canh xiêm

Vật liệu: 2 bìa đậu hũ, 100g nấm rơm, 200g bắp nếp bào, 1 lọn rau mồng tơi, 2 cây mì căn, 1 củ khoai lang bí, 1 lon rau dền.
Cách làm:
  • Rau dền + rau mông tơi lặt rửa sạch để ráo, xắt nhỏ.
  • Đậu hũ cắt lát dài, dày 5 ly chiên vàng, xắt nhỏ.
  • Mì căn xắt lát tròn dày 2 ly.
  • Nấm rơm gọt, ngâm nước muối, rửa sạch chẻ nấm làm 4.
  • Khoai lang gọt bỏ rửa sạch cắt khoai thành từng thỏi như ngón tay.
  • Múc dầu vào soong bắc lên bếp, dầu nóng cho kiệu vào phi thơm, tiếp đó bỏ đậu hũ + nấm rơm + mì căn xào thấm dầu nêm nước tương + đường + muối + bột ngọt + tiêu + ½ chén nước xào các thứ cho thấm gia vị sau đó đổ vào 2 tô nước, nấu canh cho sôi, thả khoai lang bí và bắp nếp bào vào canh nấu chín, nêm nếm lại cho vừa ăn, khi thấy khoai lang chín mềm, thả rau dền và mồng tơi vào canh vừa sôi lại bắc xuống ngay.
  • Múc ra to, rắc thêm tiêu dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Bổ dưỡng cơ thể, tăng cường khí lực.
- Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận trường.
- Lương huyết, làm giảm đau, an thần.
- Hạ huyết áp, giảm cholesterol máu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém.
- Táo bón, tiểu tiện khó, tiểu buốt, tiểu gắt
- Đau nhức các khớp, người nóng nảy, phiền muộn.
- Cao huyết áp, cholesterol máu tăng.

8. Củ sen nấu đậu

Vật liệu: 1 củ sen lớn, 2 bìa đậu hũ, 150 đậu đen. Nước tương, đường, bột ngọt, muối, tiêu.
Cách làm:
  • Đậu đen ngâm nước cho nở, cho đậu vào nồi con hầm mềm với chút muối.
  • Củ sen cạo rửa cho sạch bùn, cho củ sen lên thớt dùng chày đập giập, xong cắt củ sen ra từng đoạn ngắn 4cm.
  • Đậu hũ cắt thành từng miếng vuông 2cm, dày 5 ly chiên vàng.
  • Múc bớt dầu trong chảo vừa chiên đậu, cho kiệu xắt nhỏ vào phi thơm, bỏ đậu hũ vào thêm nước tương + đường + muối + bột ngọt, đảo đậu đều, kế đó đổ đậu đen đã hầm vào xào chung với đậu hũ thêm vào chút nước, để một lúc cho hai thứ thấm gia vị.
  • Cho củ sen đã đập giập vào nồi, đổ nước sấp củ sen hầm độ 1 giờ cho củ sen mềm, bỏ chút muối, khi củ sen mềm, đổ chảo đậu xanh và đậu hũ cùng 1 tô nước vào nồi củ sen hầm các thứ thêm 30 phút cho mềm đều là được, nếm lại vừa ăn, múc củ sen hầm đậu ra thố, bày ngò, rắc thêm tiêu, dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Bổ dương cơ thể, tráng dương, an thần.
- Thanh nhiệt, cầm máu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Suy nhược cơ thể, dương khí suy yếu, mất ngủ, người bứt rứt khó chịu.
- Sốt khát nước.
- Các chứng xuất huyết: nôn ra máu, chảy máu cam, đi cầu ra máu, tiểu ra máu, sản phụ sau khi sinh bị xuất huyết.

9. Cà tím bọc bột chiên

Vật liệu: 3 quả cà tím, 100g bột mì, 500g bột gạo. Tiêu, muối, bột ngọt.
Cách làm:
  • Cà gọt sạch cuống, chẻ đôi theo chiều dài cắt lát xéo dày 1cm, rửa bằng nước muối cho sạch mủ vớt để ráo.
  • Trộn bột mì + bột gạo bóp nước vào từ từ, quậy bột hơi sệt nêm vào muối + tiêu + bột ngọt + kiệu bằm trộn đều.
  • Gắp từng miếng cà nhúng vào bột, thả vào dầu đang sôi chiên vàng.
  • Dọn cà chiên đang nóng chấm với nước tương ngon dầm ớt.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Nhuận trường, lợi tiểu, giảm đau.
- Kích thích hoạt động của gan, tụy.
- Chỉ huyết (cầm máu), tiêu sưng, tán huyết ứ.
- Giảm cholesterol.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Táo bón, tiểu ít, đau nhức.
- Các chứng xuất huyết: đi cầu ra máu, tiểu ra máu, lỵ ra máu, phụ nữ rong huyết.
- Cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch.

10. Hoa thiên lý xào

Vật liệu: 100g hoa thiên lý, rau cần, 2 miếng đậu hũ tươi, kiệu. Muối, tiêu, bột ngọt, nước tương, chanh ớt.
Cách làm:
  • Bắc chảo lên bếp bỏ vào một ít dầu ăn, dầu sôi bỏ liệu bằm và phi vàng, cho đậu hũ vào xào săn vàng, xúc ra dĩa để riêng.
  • Rửa sạch chảo, bắc lên bếp đổ vào ít dầu ăn phi kiệu thơm vàng cho hoa thiên lý vào xòa cùng với nước của đậu hũ xào, nêm thêm gia vị, khi hoa thiên lý đã gần chín, trút đĩa đậu hũ vào đảo đều, cho thêm cần cắt khúc đảo đều. Khi chín xúc vào đĩa, rắc tiêu ngò, ngấm nước tương chanh ớt.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Giải nhiệt, an thần.
- Thanh can, minh mục (làm sáng mắt), giảm đau.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Người nóng bứt rứt, trằn trọc, không ngủ được.
- Viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), đau lưng, mệt mỏi.

11. Rau muống xào nấm – đậu hũ

Vật liệu: 1 bó rau muống, 2 bìa đậu hũ, 200g nấm, đậu phộng rang. Nước tương, bột ngọt, muối, tiêu, kiệu.
Cách làm:
  • Lặt rau muống rửa thật sạch, cắt rau thành từng đoạn ngắn 4cm, để cọng riêng lá riêng.
  • Nấm gọt sạch, ngâm vào nước muối, sau xả lại nước lạnh cho sạch, để ráo, chẻ nấm làm đôi.
  • Đậu hũ cắt từng miếng dày 5 ly, chiên vàng cắt miếng nhỏ lại.
  • Múc vào chảo 3 muỗng súp dầu, dầu nóng cho kiệu vào phi thơm, cho nấm, đậu hũ, nước tương, muối, đường, bột ngọt, tiêu, ½ chén nước lã, xào cho nấm và đậu hũ thấm gia vị, xào vừa cạn nước là được.
  • Bắc chảo lên bếp, múc vào chảo 3 muỗng súp dầu cho kiện vào phi thơm, đổ phần cọng rau vào xào trước, xào nhanh tay cho rau giòn, đến phần lá, nêm vào 3 muỗng nước tương, bột ngọt. đảo rau đều, xào rau vừa chín múc ra đĩa bàn, múc nấm xào đậu hũ bày đầy mặt rau, rắc đậu phộng rang giã giập lên trên, dọn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
- Thanh nhiệt, giải độc.
- Lợi tiểu, cầm máu
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
- Đi tiểu ít, tiểu khó, tiểu đục.
- Các chứng xuất huyết (chảy máu cam, đi cầu ra máu, tiểu ra máu…)
- Lở ngứa, mề đay.

Theo: Lương y Đinh Công Bảy




TRỊ BỆNH BẰNG NHỮNG MÓN CHAY ( Phần 3 )


12. Bông cải xào

Vật liệu: 1 bông cải tươi, 2 cây mì căn, 3 quả cà chua, 5 tai nấm đông cô, 2 bìa đậu hũ, 2 cây boa-rô. Nước tương, đường, bột ngọt, tiêu.
Cách làm:
  • Bông cải đem tách thành từng bông nhỏ, tước sạch vỏ , ngâm bông cải trong nước muối để trừ sâu, rửa lại nước lạnh để ráo.
  • Nấm đông cô cắt bỏ chân rửa nước muối, sau xả lại nước lạnh cho sạch cắt đôi.
  • Mì căn xé sợi nhỏ.
  • Đậu hũ cắt miếng dài, dày 5 ly đem chiên vàng cắt nhỏ lại.
  • Cà chua cắt múi, vắt bỏ hột.
  • Boa – rô cắt cọng trắng để riêng, lá xanh cắt ngắn 4cm.
  • Múc 3 muỗng súp dầu vào chảo, bắc lên bếp, cho boa – rô trắng vào dầu xào thơm, cho mì căn xé sợi vào xào cho thấm dầu, kế đó cho bông cải, nấm đông cô vào trộn đều, nêm 3 muỗng nước tương + đường + muối + bột ngọt, thêm ½ chén nước, đậy nắp một lúc cho bông cải chín, cho tiếp đậu hũ chiên, cà chua, lá boa-rô xanh, trộn đều các thứ một lúc, nếm lại cho vừa ăn. Múc bông cải xào ra đĩa bày ngò rắc tiêu thơm, dùng nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
  • Bổ dưỡng cơ thể, tăng cường khí lực, giải độc.
  • Nhuận trường, lợi tiểu, giảm đau.
  • Hạ huyết áp, giảm cholesterol máu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
  • Suy nhược cơ thể, nhiễm khuẩn.
  • Táo bón, tiểu tiện khó, ăn uống không ngon miệng.
  • Cao huyết áp, cholesterol máu tăng, xở vữa động mạch, đau nhức do phong thấp.

13. Canh chua bông súng

Vật liệu: 500g bông súng, 3 miếng đậu hũ tươi, 100g me (hoặc 3 muỗng canh cơm mẻ). Muối, đường, dầu mè, sả ớt, củ kiệu, rau ngò om, ngò gai, húng quế, chanh.
Cách làm:
  • Bông súng rửa sạch, cắt khúc dài 30cm, tước bỏ vỏ. Sau đó cắt khúc dài khoảng 5 – 6cm, bóp muối và ngâm nước lạnh có pha nước chanh. Sau 5 phút, rửa sạch, vớt ra để ráo nước.
  • Đậu hũ tươi cắt làm 6.
  • Me (hoặc cơm mẻ) lọc bỏ xác.
  • Sả, ớt băm nhỏ, củ kiệu phi thơm.
  • Cho nước lạnh vào soong, đun sôi rồi lần lượt cho muối, đường, me vào. Sau đó cho đậu hũ, sả, ớt, củ kiệu, bông súng, dầu mè vào. Nêm nếm vừa ăn. Canh sôi lại thì cho các loại rau vào, trộn đều, múc ra tô ăn nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
  • Trợ tim, an thần.
  • Chống co thắt.
  • Giải nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
  • Mất ngủ, tim hồi hộp, bồn chồn.
  • Di tinh, mộng tinh, bạch đới.
  • Viêm đường tiết niệu, kiết lỵ, ho do đàm nhiệt.

14. Súp bạch khúc

Vật liệu: 200g nấm rơm, 200g củ cải trắng, 1 miếng tàu hũ sống, 100g củ hành nhỏ, 1 muỗng súp bột năn, 200g củ sắn, 300g bí đao, 100g bún tàu. Dầu ăn, tiêu, muối, đường, bột ngọt, ngò.
Cách làm:
  • Nấm rơm gọt vỏ rửa sạch với chút muối, vắt ráo nước xắt sợi.
  • Củ sắn: gọt vỏ rửa sạch xắt mỏng rồ thái sợi. Chia ra 2/3 để nấu lấy nước ngọt nấu canh. Còn 1/3 trụng sơ với chút muối cho chín để ráo nước.
  • Củ cải trắng: gọt vỏ rửa sạch xắt mỏng rồi thái sợi.
  • Bí đao: gọt vỏ, rửa sạch, xắt dày độ 5 ly.
  • Đậu hũ sống: rửa sạch, xắt bằng ngón tay.
  • Bún tàu: nhúng vào nước, vớt ngay ra để ráo, cắt ngắn độ 5cm.
  • Củ hành nhỏ: gọt vỏ rửa sạch, xắt mỏng, bầm nhỏ.
  • Nấu nước dùng: bí đao + củ cải trắng + 2/3 củ sắn cho chút muối nấu lấy khoảng 3 chén nước dung.
  • Cách nấu canh: bắc chảo dầu nóng cho củ hành băm nhỏ vào phi cho thơm và vàng. Chế nước dùng đã nấu vào. Khi nước sôi cho nấm rơm đậu hũ sống vào sau đó nêm muối, đường, bột ngọt cho vừa ăn. Bột năng khuấy với 2 muỗng súp nước lạnh cho nước lạnh cho vào nồi súp, thấy sanh sánh là được.
  • Bột chín cho 1/3 củ sắn còn lại và bún tàu vào rồi nhắc xuống liền. Múc ra tô rắc tiêu và ngò lên cho thơm. Món này dùng nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
  • Bổ dưỡng cơ thể, giải nhiệt, giải độc.
  • Nhuận trường lợi tiểu.
  • Hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, hạ đường trong máu.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
  • Cơ thể suy nhược, nóng bứt rứt, khát nước.
  • Táo bón, đi tiểu khó, tiểu buốt.
  • Cao huyết áp, mập phì, đái tháo đường

15. Súp tứ vị nấu nấm

Vật liêu: 150g bó xôi, 100 nấm rơm, 200g xá xíu chay, 100g cà rốt. Muối, bột ngọt, 1 tép tỏi tây, ngò ớt, 20 tai nấm mèo, 6 tai nấm đông cô.
Cách làm:
  • Bó xôi + xá xíu cắt sợi.
  • Nấm rơm ngâm nước muối sả sạch, trụng sơ, cắt sợi.
  • Nấu nước sôi cho bó xôi, xá xíu, nấm mèo, nấm đông cô, nấm rơm, cà rốt, tỏi tây, nêm gia vị vừa ăn. Bột năn hòa nước lạnh cho vào hơi sánh nhắc xuống.
  • Múc súp ra thố, rắc thêm tiêu, rải ngò, ớt. Món này dùng nóng.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
  • Bổ dưỡng cơ thể, tăng sức đề kháng, kích thích tiêu hóa.
  • Giải nhiệt, giải độc, giảm đau nhức.
  • Hạ huyết áp, giám cholesterol máu.
  • Phòng ngừa ung thư.
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:
  • Cơ thể suy nhược, nhiễm khuẩn, ăn ngủ kém.
  • Đau nhức các khớp do phong thấp.
  • Cao huyết áp, cholesterol máu tăng.

16. Bông cải nấu mộc nhĩ

Vật liệu: 50g đậu xanh cà, 300g bông cải trắng, 7 tai nấm mèo trắng, 1 cây boa-rô. Nước tương, đường, muối, tiêu xay, ngò rí.
Cách làm:
  • Đậu xanh ngâm nước, đãi sạch vỏ, để thật ráo, đem giã nhuyễn.
  • Đậu hũ trụng qua nước sôi để nguội, bóp nát, trộn đậu xanh + đậu hũ + chút muối + chút tiêu + 1 muỗng súp cọng boa-rô bằm nhuyễn. Trộn đều tất cả.
  • Tách bông cải thành từng nhánh nhỏ, ngâm vào nước chó pha chút muối để diệt sâu, sau đó xả lại nước lạnh để ráo nước.
  • Nấm mèo ngâm nước cho nở, cắt bỏ chân, rửa thật sạch để ráo rồi xắt chỉ.
  • Cho 1 lượng nước đủ dùng vao soong, nấu cho nước sôi, thả nấm mèo vào, giảm bớt lửa nấu nấm mèo độ 30 phút, cho bông cải vào nấu chung, liệu chừng bông cải thật mềm, nêm nước tương + đường + muối + 1 muỗng súp cọng boa-rô chẻ nhỏ, nếm lại cho vừa ăn.
  • Lấy đậu xanh đã trộn đậu hũ vo thành viên tròn như trái nhãn đem hấp chín. Múc canh ra tô, múc vừa nước vừa cái, xếp những viêm đậu hũ đã hấp chín vào tô canh, bày vài cọng ngò, rắc thêm tiêu dọn ăn nóng trong bữa cơm.

Tác dụng và công hiệu:

Tác dụng:
  • Bổ dưỡng cơ thể, tăng sức đề kháng.
  • Điều hòa tỳ vị, kích thích tiêu hóa.
  • Nhuận gan mật, giảm đau nhức.
  • Hạ huyết áp, giảm cholesterol máu.
  • Phòng ngừa ung thư
Công hiệu:
Món canh này có công hiệu với những người bị các bệnh chứng sau:

  • Cơ thể suy nhược, nhiễm khuẩn.
  • Ăn uống không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa.
  • Chức năng gan  mật yếu, đau nhức các khớp.
  • Cao huyết áp, cholesterol máu tăng, béo phì

 Theo: Lương y Đinh Công Bảy