Saturday 12 March 2016

CHƯA HẾT MÙA PHƯỢNG… ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )



CHƯA HẾT MÙA PHƯỢNG…


         *Truyện ngắn Nguyễn -Tư

Ngung vác cái xắc “marin” lên vai sau khi đã mang cái  ba-lô nặng trĩu trên lưng, rời khỏi khu đồi Tăng-nhơn-phú…qua ngã cổng số 1 lần sau cùng. Chàng có một cảm giác buồn-buồn, dẫu sao Ngung cũng gắn bó với ngọn đồi này những 9 tháng trời và đủ mọi thứ tình-cảm: chán nản, tuyệt-vọng, hào-hứng, khổ nhục,vui tươi, đếch-cần-đời…của một S.V.S.Q mới từ bỏ đời Quân-trường để bước vào đời lính thực . Khu chợ Thủ-đức vẫn ồn-ào như mọi ngày.Một vài người dân bản-xứ ở chợ nhìn Ngung mỉm cười trong một thứ lo âu cho người lính mới – Hai miếng đồng vàng khè của cái lon Chuẩn-úy trên ve áo Ngung làm cho họ biết rằng vừa có một Tiểu-đoàn mới mãn-khóa xong. Ngung nói với người tài-xế xe LAM: “Bác làm ơn  ôm cái xắc marin cồng-kềnh này ném giùm lên muixe và để tôi ngồi trước cabine với bác cho rộng-rãi!”. Hắn hỏi: “Về vùng chiến-thuật nàoChuẩn-úy?” Ngung cười nhẹ nói :“Vùng II”. Hắn làm ra vẻ thành-thạo nói: “Chà, gió núi mây mù nha !”. Ngung lặng thinh mỉm-cười chấp nhận mối bất-an dành cho mình trong những ngày tới như mọi người lính khác mới ra trường mà phải chọn vùng chẳng yên lành gì.. .khi cái túi của gia-đình mình rỗng, không có khả năng chạy-chọt ban ngành gì ….

Ngung về đến Sài-gòn, trời đã sập tối. Ánh đèn sáng xanh-xao. Ngung lội bộ đến bến xe buýt ở bùng-binh Quách-thị-Trang, đón xe “Cây Mai Cây Gõ” về Đại-học xá Minh-mạng tuốt dưới Chợ lớn - nơi mà trước đây chàng đã ở để đi học ĐH. Xe chạy lù-lù qua những con đường quen thuộc, rồi dừng lại ở Ngã Sáu. Đám SV ở Đại-học xá ra đây, nói cười inh-ỏi quây-quần ngồi trên những chiếc ghế dã-chiến thấp tè, nơi vỉa hè phố như cái chợ ăn đêm, bên những thau nhôm chứa đầy “nghêu” biển đã luộc sẵn, thi nhau tu những chai bia 33 bỏ vỏ ngổn-ngang, chắc là đã xong mùa thi. Những chiếc áo Kaki vàng nhạt – sắc phục của “Quân-sự học-đường” – với cái huy-hiệu lưỡi kiếm nằm giữa bức tường thành lởm-chởm, Ngung thấy nó “hiền” hơn so với cái huy-hiệu gai lửa, có cây kiếm nung trong ngọn lửa đỏ, bên dưới có câu: “Cư-an tư-nguy”(muốn sống yên, hãy nghĩ tới cuộc chiến) của Quân-trường Võ-khoa Thủ-đức chuyên đào-tạo ra những Sĩ-quan trừ-bị cho Quân-lực VNCH khi Chiến-tranh mỗi ngày mỗi khốc-liệt hầu đáp-ứng không biết bao nhiêu cho đủ do nhu-cầu chiến-trường thời bấy giờ, làm Ngung thấy buồn cười chen lẫn nỗi tiếc thương. .. một thời làm SV thành phố lè-phè như họ không hề biết gì tới chiến-tranh dù rất khủng-khiếp trước đó chả bao lâu và cách Sài-gòn chẳng bao xa mà TCS từng mô-tả “Đại-bác đêm-đêm dội về thành phố”…Không những tiếng Đại-bác dội về thành phố mà đạn đại-bác, và hoả tiễn 122ly còn rơi ngay trên thành phố là chuyện thường …mới thấy người dân thành-phố dửng-dưng với cuộc chiến. Chỉ có người lính chiến mới đương đầu, khác với người dân miền Bắc, mỗi người dân là một “tình-báo nhân-dân” hay một “người Công-an”cho chính Địa-phương của họ. Nói rõ ra là toàn thể người dân miền Bắc (kể cả những người lén-lút vào Nam hoạt-đông đã đành) đều tham-chiến cả … nên không có một kẻ địch nào lạ mà lọt vào hoạt-động ở khu đó được, vì vậy các toán Biệt-kích miền Nam thả ra Bắc có đến vài trăm người đều là người gốc Bắc Di-cư năm 1954 để tránh bị phát-hiện nhưng đều bị bắt sạch không còn một mống, trong khi người VC hoạt-động ở miền Nam đã len-lỏi từ xã ấp lên tới phủ Tổng-thống như Nguyễn-Ngọc-Nhạ, Phạm-Xuân-Ẩn …mà không một ai biết hết, kể cả mấy nhà lãnh-đạo chóp bu, nên họ chiếm miền Nam dễ-dàng, chứng tỏ lãnh-đạo miền Nam lẫn người Mỹ đều không hiểu gì về Cộng-sản hết  …

Ngung bước vào phòng 3/6, là nơi chàng đã đặt chiếc “divan” ròng-rã 4 năm trời, cho những ngày Đại-học. Bọn SV đàn em ngỡ-ngàng hỏi: “Mãn-khóa rồi sao anh?”. Ngung nói vẻ giễu-cợt: “Ừa, sắp vào đấu-trường rồi đấy”. Nói xong Ngung liệng đánh thịch chiếc xắc “marin” xuống nền nhà, đoạn cởi chiếc ba-lô hôi-hám bê-bết sình khô của những ngày bãi tập liên-miên mà  trong suốt  9 tháng trường không hề được giặt, rồi đút nó xuống dưới gầm “divan” và nói :“Cho tá-túc vài bữa rồi sẽ trình-diện đơn-vị ở mải tận Pleiku gió núi, mưa mù !”. Mấy chú SV trẻ mới xong cái Tú-tài 2, giã-từ đời học-sinh Trung-học để lần đầu tiên làm SV Đại-học với cái đầu đầy ắp ước mơ, tay cầm sách hỏi chuyện Ngung huyên-thuyên, vì biết chàng là người đi trước, đã xong ĐH mà mấy chú mới chỉ khởi đầu và biết chắc mình sẽ phải đương đầu với cuộc hành-trình đèn sách rất cam-go đã nghe từ những đàn anh như Ngung kể lại, không dễ gì suôn-sẻ, nếu như không có cái đầu mà chỉ-số thông-minh không trên mức trung-bình vài bậc, thì “ra ngang”(sortie latérale) như chơi … là chuyện rất đỗi bình thường mà cửa ngõ đón chờ họ là những trại lính. Xong ĐH đi lính đã đành, nhưng chưa kịp xong ĐH, lại là điều “dễ có thể” vào lính hơn vì muốn đậu được mỗi năm để được hoãn-dich học-vấn không phải là chuyện dễ! Ngung hiểu được những lo âu đó của họ, vì chàng đã trải qua, nên Ngung nói vẻ chia xẻ: “Mấy chú lo học đi…mấy chú phải hiểu rằng tôi chỉ có 10 ngày phép phù-du ở đây mà thôi”. Một chú trẻ nhất trong đám hỏi: “Anh không về thăm nhà trước khi trình-diện đơn vị hay sao?”. Ngung chỉ lặng-lẽ lắc đầu mà không muốn trả lời câu hỏi đó. Ngung cởi bỏ bộ đồ lính nặng trịch, đôi giày “saut” coi bộ không nhẹ hơn cái nón sắt 2 lớp hơi quá khổ cho người lính Á-châu như người VN, thấy nhẹ-nhàng hẳn lên. Trên người Ngung hiện rõ hai vùng da: trắng và đen tùy theo cái cường-độ phơi nắng. Hai chiếc thẻ bài (loại thẻ tùy-thân thu gọn cho mỗi người lính dành khi bị thương hay tử-trận), Ngung đeo nơi cổ khua leng-keng liên-hồi như con chó có mang cái lục-lạc, chàng cởi bỏ nó luôn, đút trong hộc bàn, rồi đi tắm cho khỏe. Chiếc vòi hoa sen chảy xoáy mạnh lên đầu, Ngung cảm thấy một nỗi đê-mê, vì đã lâu, chàng không hề được tắm một mình và chậm rãi như thế này. Trong Quân-đội cái gì cũng tập-thể, cái gì cũng đồng loạt, và cái gì cũng nhanh… với đơn-vị thờì-gian thi-hành chỉ được tính bằng “giây”  tỉ như: “Tôi cho các anh  30 giây để xuống xe!”hay trong bữa cơm nhà bàn, SV lính đều phải đứng để “lua” khi nghe vị Huynh-trưởng (khoá đàn anh) đứng trên bục cao phán xuống:“Các bạn nghe đây, khi tôi hô: Mời các bạn dùng cơm! thì các bạn phải đồng loạt hô thực to: Mời Huynh trưởng dùng cơm! Rồi tôi bắt đầu đếm từ 1 đến 16, lúc đó tôi hô: Chén!Các bạn phải nuốt ực hết tất cả những gì có trong miệng và ngừng nhai tức khắc - coi như xong bữa cơm - ai bất tuân sẽ bị bò… 1,2,3,4 …”Lúc đó Ngung nhìn thấy vài con chó từ khu Gia-binh chạy qua luồn dưới gầm bàn liếm từng hạt cơm rơi một cách thảnh-thơi không ai đếm cho chúng ăn cả, bỗng dưng chàng thèm khát được tự-do như chúng mà đâu được, ý nghĩ này mà Ngung có nói gian thì chàng còn tệ hơn loài chó nữa …Khi bữa ăn quái-đản nhất đời người này - mà người ta mệnh-danh là “huấn-nhục”…bắt đầu, …thì Ngung thấy có vài  người vội chụp lấy bình trà để sẵn trên bàn rồi chế ào vào chén cơm lỏng-bỏng vừa húp xì-xụp, lia-chia mà không cần nhai ….vì họ đang lo con số 16 sắp đến …khi trong bụng chưa được bao nhiêu cơm, làm sao đủ sức đi bãi …nên người Khoá-sinh  nào cũng ốm tong-teo vì ăn không được …chưa kể ăn xong ra sân xếp hàng ngay, ba-lô, súng đạn lên vai … rồi vừa chạy, vừa đếm đều 1,2,3,4, 1,2,3,4 nữa, khiến một số người mới ăn bụng xốc, ói thốc-tháo mà miệng vẫn phải hát bài Hành-khúc Bộ-binh “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn …”nhất là khi đi ngang qua Dinh ông Tướng thì lải phải hát to hơn ….Trong Quân-trường không có động từ “đi” được mô-tả như sự lè-phè trong Dân-sự, mà chỉ có động từ “chạy” kể cả lúc đi Toilet cũng phải chạy từ trại ra đến nhà cầu…như đang bị Tào-Tháo rượt, không được phép đi nhởn-nhơ như ngoài đời ! Nói tóm: trong Quân-trường mọi hoạt động người “SV lính” đều phải nhanh, phải gấp, phải tức khắc…phải đồng loạt …phải “anh em”. Ai có điếu thuốc mà hút một mình cũng bị phạt, nên trên tường nhà ăn có 2 câu thơ vìết rất lớn, khá ấn-tượng về đặc-tính này mà Ngung nhớ mãi “Tình đồng đội như chung rượu ngọt/ Nghĩa anh em như bát cơm đầy” nghĩa là “sống chết có nhau”…cũng không được phép cầm súng mà chỉa vào đồng-đội, dù đùa thôi, vẫn bị An-ninh điều tra và sẽ bị phạt nặng….Trong Quân-trường, ngoài những kìến-thức về quân-sự như chiến-thuật và vũ-khí, lãnh-đạo Chi-huy có thêm ít phần chính trị nữa, thì căn-bản chỉ có 2 điều được trang bị rất kỹ cho người Sĩ-quan tương-lai  là: sự chịu đựng gian-khổ (huấn-nhục) và sự tuân-lệnh cấp trên tuyệt-đối qua câu nói hằng ngày “Thi-hành trước, khiếu nại sau!” ….tạo cho người SQ như một cái máy, bấm nút là làm, không thắc-mắc, không trì-hoãn …. Người Huấn-luyện viên bào người SVSQ: “Anh trồng cho tôi cái cây này mà ngọn xuống đất, rễ lên trời !” thì người SVSQ chỉ có hô: “Tuân lệnh~”rồi trồng cây y như vậy, thắc-mắc là bị bò …Nhưng ý tưởng này làm cho những người có cái đầu hơi “cứng”, vì lỡ học Toán như Ngung bất-bình vì chàng cho như vậy là ngu-xuẩn, là cuồng-tín như người CS, không thể chấp nhận cho một SQ thông-minh có tư-cách, và hiệu quả mà …phải “tùy-cơ ứng-biến” sao cho hợp-lý nhất trong lúc Chỉ-huy, khi mình đang cầm sinh mệnh hàng trăm người lính dưới tay mình,   y như trường-hợp Tướng Mac Arthur , Tư-lịnh Quân-đội Mỹ và Đồng-minh ở Nam Triều-tiên phản-công Quân-độiTrung-cộng, cùng Bắc-hàn đã vượt sông Áp-lục tiến xuống phiá dưới thiếu điều đẩy Nam quân ra biển Đông…nhưng cuối cùng nhờ sự “bất tuân” cấp trên mà Tướng Mc Arthur chưa được lệnh từ Washington , đã đẩy lui  được Bắc-quân chạy về phia Băc , nhờ vậy nước Nam-hàn ngày nay mới còn hiện diên, dĩ-nhiên dân Nam-hàn sẽ nhớ ơn vị Tương Mỹ dũng cảm và thông-minh này , nếu không thì họ sẽ bị nhuộm đỏ y như VNCH về sau . Bởi những ý nghĩ trái ngược này mà Ngung đã bị phạt bò mấy vòng quanh Đại-đội  khi ông Đại-úy Huấn-Luyện viên dạy về vũ-khí Cổ-điển Hoa kỳ là khẩu Garant M1 ….trong đó có một chi-tiếc rất sai về ngôn-ngữ : “Công-dụng khẩu Garant để bắn thẳng” …lập tức Ngung đứng dậy giơ tay xin nói : “Đại-úy nói sai: Công-dụng (emploi) khẩu Garant là để giết người, giống như thuốc men là để chữa bịnh, còn bắn thẳng là cách dùng nó(mode d’emploi) ,… để phân biệt với súng bắn vòng cầu như súng cối chả hạn, giống như cách dùng thuốc là nhai, hay nuốt, khi bụng đói hay bụng no …Đại úy !” Cả Đại đội ngỡ-ngàng và cười rộ, nhưng vấn thấy Ngung đúng. Viên Đại -úy hơi quê vì bị “sửa lưng” từ một SV lính mới mà trong đời làm Huấn-luyện viên nơi đây chưa từng gặp bao giờ ….Ông nói chống-chế, : “Cái này là tôi dạy theo tài-liệu của Ban Quân-huấn thuộc Bộ Quốc-phòng …”Ngung nói tiếp: “Vậy thì Ban Quân-huấn sai luôn !” Viên Đái-úy đỏ mặt vẻ giận dữ nói xẳng “Anh làm mất thì gìờ anh em …Bò cho tôi 3 vòng Đại-đội!” Ngung đứng nghiêm giơ tay chào Đại-úy và hô lớn: “Thi-hành lịnh phạt … Đại-úy!”Bò xong 3 vòng Ngung đến trước mặt Đại-úy chào tay trình diện đúng quân cách: “SVSQ …số quân …..trình diện Đại-úy… đã thi-hành lịnh phạt xong!” …. Ông Đại úy hỏi tiếp: “Anh còn giữ ý kiến đó nữa không ?” Ngung tiếp: “Vẫn còn Đại-úy!” Ông Đại-úy mỉm cười ra lịnh: “Thôi, anh vào hàng, có thể sau này anh là một SQ tốt!” Ngung đứng nghiêm chào ông Đại-úy lần nữa vừa nói : “ Cảm ơn Đại úy!” rồi chàng làm động tác “đằng sau quay” đoạn bước vào hàng …giữa sự thán-phục của đồng-đội ….nhưng cũng ngầm hiểu rằng tên này sẽ không hợp với Quân-đội mai sau ….

Tắm xong, Ngung lấy bộ đồ “civil” thời còn SV trắng tươi, thơm phứt, mang đôi dép Nhật lẹc-xẹc, kéo lê ra Ngã Sáu ngồi uống một chai 33 ướp lạnh mà đã lâu chàng chưa hề rớ tới, thấy đời như trở lại ngày xưa …
 Người con gái con ông chủ quán, mới một năm xa vắng, đã thấy lớn ra và điệu-nghệ hơn, nhìn Ngung với vẻ mừng rỡ, vừa ngỡ-ngàng pha chút e-dè hỏi:
- Anh Ngung, sao lâu nay đi đâu mà không thấy anh tới quán em?
- Bộ không thấy gì sao ?Vừa nói Ngung vừa lấy ngón tay chỉ lên cái đầu tóc lính của mình húi ngắn 3 phân.

Người con gái mỉm cười giọng giễu-cợt, nói:

- Á, à, rồi, lính rồi…làm “người hùng” há…?
- Ừa, được không?
- Hèn chi em mất một “thân-chủ”.
- Vô-tình thế?
-   Đâu có “vô-tình”, bằng chứng là em thấy vắng anh kìa, thấy được sự thiếu vắng của kẻ khác trong đời mình thì sao anh lại gọi là “vô-tình”?
- Thiếu vắng trong “đời” Thùy-Vinh hay trong “quán” của Thùy-Vinh?
Người con gái khoái-trá trả-lời:

- Cả 2 anh Ngung à. Không tin, hỏi anh Hà cùng phòng anh coi. Vậy mà anh Hà cứ nói anh đi về quê. ..
- Cũng đúng!
- Sao vậy?
- Vì quê anh chắc cũng chỉ là “đời lính” mà thôi, em thấy chưa, anh có 10 ngày nghỉ phép trước khi trình-diện đơn-vị mà đến giờ này anh vẫn còn ở đây…vẫn ở trong quán này! “Quê” đâu mà về, VC chiếm xen kẽ làng anh thành “vùng xôi đậu” … trong tiếng cười lớn. …

Thùy-Vinh có vẻ bâng-khuâng, đưa tay vuốt lại mái tóc, rồi cầm sợi thun buộc lại phía sau như cái đuôi ngựa, ngồi thở dài nhìn Ngung uống bia, xong nàng bất ngờ hỏi:

- Anh còn mấy ngày phép, anh Ngung ?
- Chín ngày, hỏi chi vậy ?
- Đi chơi!
- Giỡn hoài, bỏ quán cho ai ? Mà dám đi chơi với thằng lính bạt-mạng này không hả? Còn đám SV rủng-rỉnh của cái ĐH xá này, em bỏ cho ai?

Người con gái có vẻ bất-bình nói giọng hờn dỗi:

- Anh làm như em “kết” hết cả cái ĐH xá này.  Em chán cái nghề chạy bàn ở quán này quá anh Ngung à, nhiều người nham-nhở ghê, kể cả những SV có học-hành đàng-hoàng đó chứ!.

- Thì ở Ngã Sáu này có mỗi mình em là coi bảnh gái nhất, chớ còn ai nữa? Họ đùa thôi mà! Chỉ sợ chả ai ghẹo em thôi!?Có quán thì phải chiều khách chứ em.

- Đành rồi ! Nhưng họ cứ coi như mình có bổn-phận làm cái nơi để họ có quyền đổ những sự thô-lỗ của họ lên, thì đâu có được anh Ngung, em đâu phải là…

- Anh hiểu rồi  - cũng kẹt quá !Vì trong đó không phải là SV hết đâu, có những người mạo danh SV vào ở để trốn lính, thiếu gì ? Em có bày tỏ điều này cho Ba em biết không?

- Có chứ anh, nhưng nếu thuê người thì còn gì để mà sống ? Vả lại, em còn đi học thêm để lấy cho xong cái Tú-tài toàn phần rồi em nghỉ phứt cho rồi. Thôi, mai anh và em đi Bình-dương chơi ở miệt vườn một ngày cho thoải-mái cuộc đời chút coi, tối ngày thấy ly, chén, muỗng, nĩa… hoài, em chán quá… muốn điên cái đầu luôn. Đi chơi với em một lần cũng được, trong 9 ngày còn lại, cho em một ngày đi anh Ngung. Giọng người con gái có vẻ buồn và thấp xuống….

Ngung cũng ngỡ-ngàng về lời đề-nghị bất ngờ đó của Thùy-Vinh, vì thực sự trước đây, trong những ngày còn làm SV ở khu ĐH xá này, chàng cũng chỉ là một khách hàng quen thuộc như những người SV khác vào quán này chỉ để uống  Café, hay vài ly bia, ăn tô phở …cười nói vài câu bâng-quơ của một người còn trẻ rồi ra về, thế thôi. Duy có một lần Ngung nghe Thùy-Vinh vừa bưng cho chàng một ly sữa vừa nói : “Sao anh xanh quá vậy anh Ngung, học thi nhiều lắm hở, tặng anh ly sữa này, cơm nhà bàn trong đó đâu có gì mà ăn, nhất là anh ở miềnTrung vào đây học ĐH, đâu có dư giả gì, khi quê anh bị chiến-tranh, và bão lụt tàn phá cạn kiệt ” – Ngung nói cảm ơn rồi mỉm cười bày tỏ trong vẻ hơi xúc-động vừa vui đùa : “Chà, tử-tế quá vậy Thùy-Vinh ?Chắc em lại mới học bài công-dân giáo-dục: Thương người như thể thương thân phải không nè?”

Thùy-Vinh cười tươi pha chút bẽn-lẽn, giọng bỡn cợt“Dạ đúng vậy” vừa đi ra sau bếp…Từ ngày vào lính, Ngung đã không trở lại quán này, vì thực sự chàng chẳng có thì giờ và chính lòng chàng cũng chẳng nghĩ rằng mình có gì để lui tới đó cả, 24 giờ nghỉ phép hàng tuần cho một SVSQ không đủ để Ngung la-cà ở các phố Sài-Gòn và các rạp Ciné…ly sữa của Thùy-Vinh không đủ “ngọt” để cho chàng nghĩ rằng có một cái gì đó khơi-động trong trái tim bé bỏng của cô gái chạy bàn cho chính quán của mình, mà bất cứ người khách nào cũng có thể đùa cợt được, trong đó có Ngung . Nhưng điều làm chàng có chút  suy-tư về Vinh nhiều nhất, có lẽ là vào một đêm khuya đi dạy kèm về, Ngung chợt thấy Vinh ngồi trước quán mình lúc đó đã đóng cửa, mà nàng vẫn còn ngồi ôm cây Guitare thùng vừa đệm vừa hát nghêu-ngao một bản nhạc tình  thời-thượng bấy giờ, mà trong đó – dù chỉ tình cờ vì nàng không hề biết Ngung đang đạp xe đi ngang qua cô  - có câu hát  bùi-ngùi sao mà nó giống hoàn-cảnh của Ngung lúc đó đến thế: “Chiều nào nâng ly-bôi, tình vừa mới chắp nối, tay không mà mơ ước đi vào đời, để rồi bao năm trôi, thênh-thang đường không lối, nhớ cố-hương… muốn về, rồi lại thôi …” với đôi mắt nàng lim-dim hơi ngước lên trời như chẳng có ai qua đây, thì lòng Ngung bỗng xôn-xao trong một cái nhìn rất đẹp về tâm-hồn người con gái này, bởi chàng nghĩ: chỉ có những kẻ “có tâm hồn” họ mới có trái tim “thoáng” hơn người bình thường như thế, mà Ngung từng gặp như một thứ qui-nạp trong Logique để dẫn đến cái kết-luận không sai mấy với thực-tế, nên lòng chàng cảm thấy an-vui ! Và, không chừng suy nghĩ đó đã dính-líu tới quyết-định đường-đột của Vinh là lời đề-nghị hôm nay, quả nó cũng phải có một liên-hệ nào đó một cách rất luận-lý với ly sữa ban đầu  -  ly sữa cho mùa thi của một người SV nghèo, xa nhà như Ngung, đang cố lấy những tấm bằng sau cùng  của ban Cử-nhân để làm dáng cho cuộc đời vốn dĩ nó đã chẳng ra chi của mình từ bé. Có lúc Ngung cũng bất chợt nhìn được ánh mắt của Thùy-Vinh ở phía sau quày hàng, nhưng những lúc như vậy Thùy-Vinh thường cúi đầu né tránh bằng cách cầm cây bút ghi-ghi  gì đó lên cuốn sổ đặt trên mặt bàn. ..

Trong suốt thời-kỳ thụ-huấn quân-sự ở trường Võ-khoa Thủ Đức dù rất vất-vả theo cái quan-niệm đã trở thành khẩu-hiệu giăng đầy trong khu doanh-trại cho các SVSQ thuộc nằm lòng không suy-suyển là “Thao-trường đổ mồ-hôi, chiến-trường bớt đổ máu” Ngung vẫn cứ có lúc nghĩ đến Vinh mà có lần nghe Hà - người bạn cùng phòng với Ngung khi hắn xuống thăm chàng nói trong sự cười đùa ở khu Tiếp-tân rằng: “Nhỏ Thùy-Vinh bán quán Ngã Sáu  cứ hỏi thăm mày hoài…” Ngung chỉ cười nói: “Tao đi, con bé  mất một thân-chủ trung-thành và tao cũng mất đi một vài nụ cười nho-nhỏ…Mày thấy nó còn chơi Guitare vào những đêm khuya không vậy? ” Hà nhíu mày giây lâu, rồi nói “Con nhỏ này romantique ra phết nhỉ, coi bộ hợp “gu” với mày đó nha, thỉnh-thoảng tao có thấy nó chơi đàn trước nhà khi tiệm đóng cửa, nhưng sau này hình như nó bận dọn thi Tú-tài toàn-phần nên ít chơi… vì nó có hỏi tao vài bài Toán khó, tao bảo đợi thằng Ngung về mà hỏi nó, Cử-nhân Toán đó nha, dù tao cũng chỉ cho nó vài mánh … ”




Thùy-Vinh mặc quần jeans xanh bạc màu trông rất bụi, và áo sơ mi trắng ngắn tay, cột chéo hai vạt trước lại, thực gọn-ghẽ. Ngung nắm tay Thùy-Vinh dắt chạy dưới những vòm măng xanh thẳm. Thùy-Vinh thở hổn-hển, tóc bay phất-phơ dính vào má bởi những giọt mồ hôi lấm-tấm trông thực đẹp. Thùy-Vinh cầm cái mũ vải rộng vành quạt phành-phạch đứng tựa vào một gốc măng than “Mệt quá anh ơi!”, Ngung chỉ cười nói: “Gì mà yếu xìu vậy em, gái 17 bẻ gảy sừng trâu mà lị!” Thùy-Vinh thêm:“ Đã lâu lẩn-quẩn trong nhà với ly tách bây giờ có dịp ra ngoài thấy đời reo vui…ước gì, ước gì…” rồi Thùy-Vinh lặng thinh…

Buổi trưa, trời nắng gắt, Ngung và Thùy-Vinh trải một tấm nhựa xanh dưới một tàn cây nằm nghỉ mệt, chàng lấy cái mũ Thùy-Vinh đắp lên mặt mơ-màng. Gió thổi lao-xao lẫn với tiếng chim kêu trên cành làm cho Ngung thấy mình sống như trong tiểu-thuyết, chàng cười khúc-khích, Thùy-Vinh hỏi nhỏ:

- Có gì vui mà cười thế anh Ngung ? Nói em nghe với.
- Ừa, ngày nào cũng đẹp như thế này chắc anh trốn lính luôn.. ..
- Em biết vậy, nên chỉ cho anh 1 ngày trong 9 ngày còn lại phù-du của anh thôi.
- Ông Cao-Bá-Quát tiếc thương 3 vạn 6 ngàn ngày ngắn-ngủi, mà em chỉ có 1 ngày với anh thì sao đây ? Vinh ?
- Trong 3 vạn 6 ngàn ngày của ông Cao-Bá-Quát biết đâu lại chẳng có ngày nào như ngày hôm nay của em và anh ? Điều đáng nói là ở chỗ đó, chứ kể ngày làm chi tháng năm,  anh Ngung?Người ta bảo: sống lâu làm gì cho chật đất mà sống ý-nghĩa hay không mới đáng bàn …
- Ừa, vui ghê, hỏi thực: đã có những xao-động nào trong lòng em chưa, mà anh thấy em có vẻ “đường-đột” quá vậy?Anh thấy bất ngờ đó nha!
- “Đường-đột” sao?
- Vì trước đây, anh có nghe em nói gì đâu!?
- Anh là người học Toán nên có những lời  “thầm” mà anh không quan-tâm đến đó chứ,vì thực-sự em cũng chả có gì để anh quan-tâm cả …Ông Xuân-Diệu từng ví Tình yêu giống như những hạt phấn thông vàng ở Đalat  trong những mùa “mưa diêm-sinh” đầy trời, là cuộc hành-trình tình-cảm lặng-lẽ của phấn thông đực đi tìm hoa thông cái để thụ-tinh ở một khu rừng xa mà chúng “biết” đang nở hoa, thì chúng có nói gì với nhau đâu anh? Đó là chưa kể, dưới mắt mấy anh, em chỉ là một cô “gái chạy bàn”, đôi khi nó lại đồng-nghĩa với một loại gái, mà các anh hay bất cứ người khách nào, cũng có thể đùa cợt như một cái quyền - cái quyền của một người bỏ ra vài chục bạc, uống một cốc nước rồi gởi lại em vài lời không đẹp tí nào, mà có lúc em cảm thấy bị xúc-phạm, khinh-khi cộng lẫn với nỗi tủi thân!

Giọng người con gái trầm xuống, rồi tiếp:

- Em rán đậu cái Tú-tài kỳ này, rồi về dưới tỉnh xin làm thư ký ở tòa Hành-chánh cũng được. Bưng cho thiên hạ không biết bao nhiêu ly nước, mà ngay cả lòng mình vẫn “chết khát” như thường…Thùy-Vinh mỉm cười vẻ mỉa-mai, cay đắng. …

           -    Sống với mặc-cảm mình là một tật xấu, dù tự-tì hay tự-tôn cũng thế, nghề-nghiệp chỉ là phương-tiện sống mà thôi, tư-cách và sự hiểu biết của con người mới là giá-trị cuộc sống. Có một điều em không hề biết - mà anh cũng chẳng cần nói ra như em vậy, đúng như quan-điểm của Lammenais: “Người là người, bởi những điều người ta im lặng,hơn bởi những điều người ta nói…” …là trong những đêm khuya anh đi dạy kèm về ngang qua quán em, dù đã đóng cửa nhưng em vẫn còn ngồi trước cửa một mình ôm cây Guitare chơi,  lim-dim đôi mắt vừa hát thì-thầm một bản nhạc trầm buồn mang tâm cảm của chính anh, mà không chừng là của chính em nữa, vì em cũng bỏ quê lên Saigon sống như anh …làm anh phải ngừng xe lại để lắng nghe. Chính trong những giây phút đó, em mới thực là em, và anh đã “đến” với em từ những lần như thế mà không cần bày tỏ, chứ không phải lúc em đang chạy bàn …như vậy đâu phải là anh “không quan-tâm” đến em như em nghĩ?

Người con gái ra chiều xúc-động, nên cúi xuống , trong nỗi ngạc-nhiên vì không ngờ Ngung đã bắt gặp những giây phút xuất thần đó mà  chính nàng không hề để ý  đến vì đêm đã khuya, người đã vắng, và người bắt gặp cảnh hiếm-hoi đó  -  nhưng quan-trọng hơn, người đã dừng xe lại để lắng nghe  -  chính là Ngung -  người SV mà nàng đã có tình-cảm lâu rồi, khác với những ngươi SV thô-lỗ kia, nàng rất  muốn được phép chăm sóc và khởi đầu bằng những ly sữa mùa thi nhỏ bé, nhưng đầy ắp tình cảm …
Trong giây phút lặng-lẽ của cả hai người để lắng đọng bớt những cảm-xúc bất ngờ, Ngung chợt ngồi bật dậy, rút một điếu thuốc châm hút rồi dựa vào gốc cây thở khói phì-phà, nói qua hướng khác:
- Thùy-Vinh có bao giờ nghĩ là anh lúc nào cũng mong mình được hóa-thân thành những giọt nước trong cái ly của chính Vinh uống mà Vinh bảo là “đang khát” không nhỉ ? Những giọt nước pha lẫn một chút mặt trời…dù ý nghĩ này nó có vẻ cải-lương, nhưng là ước mơ rất thực …..
- Sao vậy?
- Cho nó ấm-áp cuộc đời…khà-khà …


Thùy-Vinh mỉm cười đưa tay sờ-sờ lên chiếc quần kaki màu vàng đi phép của Ngung một cách âu-yếm và nói trong nỗi nghẹn-ngào, mềm-mại:
- Từ ngày anh không đến quán, em đâm ra nhớ những vòng khói thuốc của anh  quyện tròn ở cái bàn trong góc, kề cận cái quạt gắn trên tường xoay qua xoay lại, chân anh lúc nào cũng gác lên một ghế đẩu nhỏ để nhô cái đầu gối chui ra khỏi kẽ rách của chiếc quần kaki “quân sự học đường” anh vẫn lặng thinh, …lặng thinh… ở cái góc bàn cố-hữu đó – mà lúc nào em cũng muốn để trống khi anh đã vắng nơi quán em, như một suy-niệm dấu-ái  đã xa dù em không biêt lý-do, và có đêm khách đã về, em ngồi nơi góc đó một mình…một mình…cho đến bây giờ, anh Ngung!
- Đâu phải lỗi của anh, Thùy-Vinh?
- Nhưng anh đồng-lõa với hoàn-cảnh …bỏ mặc em …bỏ mặc người …
- Cũng được ! Nhưng em nên nhớ rằng anh đâu có tự nhảy lên vai mình mà đứng được, anh đâu muốn chui vào trại lính làm gì, khi anh đã xong ĐH, giờ chỉ có cho riêng anh mỗi 9 ngày phép trước khi chạm mặt với cõi chết, đâu cần một thằng tốt-nghiêp ĐH như anh để làm cái việc “bóp cò” mà anh nghĩ ai cũng có thể làm được  -  sau 9 ngày …còn lại là cho đời! Như vậy anh có gì đâu trong cái 3 vạn 6 ngàn ngày của ông Cao-Bá-Quát ?  Trong hoàn-cảnh như anh, đến ngày thứ 10 thì đâu có còn là ngày của anh nữa, mà trong 9 ngày đó đã có một ngày cho em…
- Ngày đó của em “xin” chứ đâu phải tự ý anh “cho” ?
- Nếu em không xin thì anh cũng không biết cho ai ?
- Có thực như thế hay không ? Anh Ngung.
- Em thấy đó, không có bất cứ một người tân Sĩ-quan nào vừa mới ra trường, giờ này mà còn ở Sài-gòn, ngoại trừ gia-đình họ ở đây, 9 ngày như một thời-hạn sau cùng, một khoảng đời riêng tư mà người lính phải tận-hưởng trước khi đi vào cõi chênh-vênh, nơi đó có thể kết-thúc bằng 1 viên đạn, 1 trái mìn…Em thấy anh “tận hưởng” cái khoảng thời-gian ngắn-ngủi và quí giá đó, bằng cái gì đây ? Đôi khi anh lại thấy khoảng thời-gian đó nó quá dài, quá dài…với anh, Vinh, bởi vì anh phải đương đầu với nỗi rỗng không…mà Triết-học gọi là “Hư-vô”!
- Nỗi rỗng không do chính anh tạo ra mà !
- Mà thật lòng anh không muốn như thế, bởi vì ai cũng muốn mình Hạnh-phúc ở đời này, muốn mình có ai đó để nhớ, muốn có nơi nào đó để mình về, gọi là “tổ ấm” đó em,  phải không ? Tự đày-đọa mình đâu có vui sướng gì, ngoại-trừ họ không có thể …Thùy-Vinh?
- Nhưng mà, ở đời này vẫn có những kẻ “vô tình”…
- Em cho anh chỉ có mỗi 1 ngày mà em không có được một lời nào “nhẹ” hơn sao, Vinh ? Đôi giày “saut”, chiếc ba-lô và cái nón sắt cùng trách-vụ của một người Sĩ-quan dưới tay mình cả trăm mạng sống con người …khi anh mới chỉ 24 ngoài, cũng đã “nặng” lắm rồi…

Người con gái lặng-thinh cúi xuống, tay vân-vê cái mũ rộng vành và mỉm cười khó hiểu, nói:
- Anh có coi cuộn phim “Les jeunes loups/ Những con sói trẻ” vừa mới chiếu ở rạp Ciné Lê-Lợi, chưa ?
- Cuốn phim tả cảnh anh chàng nhà quê lên tỉnh tìm người yêu chứ gì ? Anh coi lâu rồi!
- Vậy à ? Và,Thùy-Vinh hỏi tiếp:
- Anh thấy sao ?
- Tội anh chàng đó chứ sao? Chí “tình” như thế là cùng, em thấy không, tại sao trong những cuộc tình, anh thấy phần lớn người đàn bà làm khổ người đàn ông?

Giọng cười vui-vẻ, Vinh nói mau:
- Tại vì người đàn bà không được Hạnh-phúc như người đàn ông, nên họ muốn kéo người đàn ông xuống cho “khổ” bằng họ, chứ còn sao nữa?
- Sao người đàn bà ích-kỉ vậy, không nâng Hạnh-phúc cho người đàn ông lên cao hơn để hưởng lây, mà lại kéo họ “khổ” xuống cho bằng mình ?Bây giờ anh đã “khổ” bằng em chưa?

Thùy-Vinh cười giả-lả, nói đùa:
- Em ích-kỉ vì em mang thân-phận đàn bà, anh không thấy người Tàu sáng chế ra chữ Nho, cái gì mà xấu-xa họ đều cài bộ “nữ” vào hết, như chữ “nộ” là giận-dữ cũng bị nhét chữ “nữ” vào, làm như thể chỉ phụ-nữ mới biết nổi tam-bành còn đàn ông thì như nai !? Ngay cả cụ Nguyễn-Du nhà ta, khi tả đoạn Kiều xử án Hoạn-Thư về tội từng hành-hạ mình khi dính líu tới Thúc-sinh đã cho Hoạn-Thư chạy tội bằng câu rất coi thường phụ-nữ là chính mình: “Rằng: tôi chút phận đàn bà”…Còn việc anh khổ bằng em chưa, thì chắc cũng gần-gần rồi…ha ha …
- Coi chừng nó “qua mặt” em, thì lại tội cho anh.
- Ừa, em đâu có thì giờ để cho anh “qua mặt”, xế chiều rồi kìa. Đoạn, Vinh chợt hỏi:
- Anh có nhớ cái đoạn anh chàng trú ngụ làm mướn cho bà chủ nông trại để kiếm tiền lên kinh-đô tìm người yêu cũ của hắn hay không?
- Nhớ, tội hắn ghê!
- Trời ơi, tội bà chủ, chứ sao tội hắn ? Anh có thấy em giống bà chủ đó không?
- “Giống” mà “không”?
- Nói rõ hơn coi, anh Ngung.
- Giống ở điểm là bà ấy đã tỏ tình trước, như em…nhưng khác là khi biết tên kia từ chối, thì bà ta tìm mọi cách  để “làm khổ” nó tơi-bời xí-quách luôn, bả đuổi nó ra chuồng ngựa ngủ, bỏ đói,  và bắt bửa củi liên-miên, còn anh thì  yêu em mà…có cự-nự gì đâu!

Thùy-Vinh đưa tay véo vào đùi Ngung một cái đau điếng, nói yêu:

- Thiệt không “cha”? Xạo hoài!...
- Đời lính tráng mà em, nói dối “ông địa cười..”(tiếng lóng nhà binh: mìn nổ)

Thùy-Vinh đưa tay bụm miệng Ngung, nói:
- Thôi, đừng nói “gở”  anh  -  em sợ lắm!
- Thiệt mà ! Còn có 8 ngày nữa chứ mấy em?
    Nét mặt Thùy-Vinh bỗng nhiên lại trầm xuống vẻ lo âu khi Ngung nhắc tới cái khoảng thời-gian ngắn-ngủi đó, mà nó không hoàn-toàn của nàng. Rồi trong giọng nửa đùa nửa thật Thùy-Vinh hỏi:
- Bây giờ lỡ yêu, rồi sao đây, anh Ngung?
- Thì cứ “tiến hành cuộc chiến-tranh” chứ sao ?
- Cuộc chiến này coi bộ gai lửa quá. Anh đi rồi, em biết làm sao? Đợi chờ thì biết cho đến bao giờ? Mà “phủi tay” thì không đành lòng…
- Không đành lòng vì sợ mình không chịu đựng nổi sự cô-đơn của chính lòng mình, hay sợ “tội” người đi? Nếu vì mệnh đề đầu thì anh không dám cản ngăn, còn nếu mệnh đề 2 thì nên an lòng, bởi em cứ coi như em đã chẳng biếu anh những ly sữa trong mùa học thi, và cứ coi như anh đã chẳng trở lại quán em ngày qua, trước khi lên đường vào đấu trường…
- “Coi như” sao được anh? Bởi nó đã là chính điều đó rồi, “coi như” là một từ-ngữ dùng để đồng-hóa 2 cái gần giống nhau như 1.99 coi như 2. Đằng này nó là hai sự thật khác nhau rõ ràng một trời một vực: “yêu” và “không yêu”. Làm sao anh đem ra một thứ lòng ngụy-tín để lập-lờ hai từ-ngữ đã khẳng định đó được? Dễ gì, anh Ngung?
- Nhưng ở trong cái tuyệt-vọng tận cùng, thì vuốt ngực mà ôm “hận” chứ sao?
- “Khổ”chứ không phải “hận”, hận ai đây?

Người con gái thở dài, rồi nằm ngửa, gối đầu lên ngực Ngung, ngước mắt nhìn trời, lặng thinh giây lâu, rồi nói:
- Đã hết một ngày trong đời Thùy-Vinh, một ngày bên người tình lỡ trăm năm. Ngày mai em lại trở về với hàng quán, với ly chén, với những lời thô-lỗ của khách hàng…Em đâu có bỏ cái quán này cho người cha già mà theo anh được. Rồi cuộc đời nổi trôi của thân lính chiến, anh sẽ đụng độ với nhiều thử thách trận-mạc tình-cảm, thì ê-chề!...Làm sao anh vẫn giữ được chút tình lãng-đãng như mây bay của anh cho em?
- Những kẻ yêu nhau thì sợ mất “tình” nhưng “tình” thì không sợ mất kẻ yêu nhau, nếu mình thật lòng nhau.
- Cái khó là ở đó  - Sao gọi là “thật lòng” mà sao lại gọi là “không thật lòng” ?
- Chỉ có lương-tâm của mỗi con người mới trả lời được câu hỏi đó.Mình có phụ người hay không thì người biết trước tiên phải là mình chứ không ai khác hơn cả! Ngôn-ngữ, bằng chứng…chỉ là cái cớ để biện-minh cho một việc đã rồi, mà nó thường được bắt đầu bằng hai chữ “tại vì”…để lẩn trốn trách-nhiệm của chính mình đối với người yêu cũ…như hoàn-cảnh, như gia-đình chả hạn… hòng phủi tay,đồng-nghĩa  với sự hèn nhát, bạc-nhược do lòng phản-trắc…ngoại trừ  sự xấu hổ cá-nhân bên trong mà thôi, nếu như mình còn có “trái tim” mà trong Đạo-đức học gọi là “Ý-thức Đạo-đức” là cái cũng không cần có nữa, thì đừng nói chuyện Tình yêu làm gì, vì đó chỉ là những toan-tính ..Hoàn-cảnh mai sau sẽ là cái thước đo nỗi lòng hôm nay, Thùy-Vinh ạ. …

-   Đợi đến lúc mình tìm thấy cái kết-luận của sự kiểm-nghiệm, thì còn gì là cuộc đời…Đợi giải xong bài toán mới biết phương-trình vô-nghiệm thì “tội” cho người học trò, là em. Giọng Vinh có vẻ đùa một cách mỉa-mai….
- Chúng ta đâu có cách nào khác hơn. Đời còn dài mà em!
- Dài ở thời-gian, nhưng lại ngắn ở tình-cảm con người, anh quên một bài ca nào đó nói “…Hẹn nhau chưa qua hết một mùa phượng rơi, nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay…” sao anh Ngung?
- Đối với cuộc đời của một người như anh, đôi khi nó không đủ kéo dài quá “hết một mùa phượng” thì sao đây Thùy-Vinh ? Anh đâu có thì giờ để “đổi thay”? Giọng Ngung trầm xuong như tắt nghẽn trong cổ họng.

Thùy-Vinh buồn đưa bàn tay mân-mê trên lớp vải kaki dày cộm nơi đùi Ngung vẻ âu-yếm và lặng-thinh…
         Mặt trời xuống thấp tới đường chân trời, chiếu xiên qua những thân cây măng để lại trên đó những vệt sáng vàng nhạt mềm-mại như những tình cảm của Ngung và Thùy-Vinh dành cho nhau hôm nay. Gió thổi, từng chiếc lá bay cuốn trên những bụi cỏ khô và rơi xuống những mương rãnh nghe buồn. Ngung nói với Thùy-Vinh, thôi chúng ta về, ngày mai anh sẽ đi thăm một số bạn bè ở Phú-nhuận, một vài bà con ruột thịt ở miệt “Ngã 3 cây Điệp”, lang thang ở các con đường dẫn từ ĐH mà trước đây anh đã đi qua, mua một vài cuốn sách, xem một vài cuốn phim, sẽ ghé vào quán em lần sau cùng mà vẫn muốn ngồi nơi cái bàn trong góc anh vẫn thường ngồi trước khi lên đường…Anh không dám hứa với em điều gì cả, và anh cũng không muốn em hứa với anh lời ước-nguyện nào, vì làm sao biết được những gì xảy ra hôm sau với một người lính như anh, đã ẩn-tàng sự bất-trắc cao độ ở bên trong? Có điều, nếu còn cầm giữ được những gì cho nhau là điều quí, bằng ngược lại thì cũng nên tha-thứ cho nhau, hãy “tập” làm một loài hoa vô-ưu nở trên những oán-trách …Thùy-Vinh à.
​Ngung đứng dậy uốn mình, vươn vai, “nhảy xổm” vài cái như một thế phạt thường sử dụng trong Quân trường, rồi cuốn tấm nilon cầm tay, hôn nhẹ lên trán Thùy-Vinh, nàng đứng như tượng đá, sững-sờ nhìn Ngung nước mắt rưng rưng…




Ngung đứng nghiêm chào ông Đại-tá Tiểu-khu trưởng theo quân-cách trong văn-phòng của ông. Ông chào Ngung, rồi chồm người, đưa tay bắt và mời chàng ngồi trên chiếc ghế đối-diện, trước cái bàn làm việc thực to của ông? Ngung đưa cho ông xem một vài giấy tờ cần-thiết khi về trình diện đơn vị mới là Tiểu-khu. Ông ta mang đôi kiếng lão vào, vẻ chậm chạp coi qua những thứ giấy tờ đó mà Ngung đã nhận từ quân-trường Thủ-đức. Văn-phòng làm việc của ông quá rộng. Trước mặt là một bản đồ phóng lớn của Tỉnh, phía sau là Quốc và Quân-kỳ, ông còn treo thêm một khẩu Carbine M2 băng cong ngay trên vách phía sau lưng. Ông vốn người miền Nam xuất-thân trường Võ-bị Đà-lạt đâu thời Bảo-đại, ông có vẻ vui tính cởi mở, lúc nào mồm ông cũng ngậm cái ống “pipe” to lớn như con người của ông. Bộ đồ trận ông mặc khỏi phải sửa lại. Những ngón tay to và tròn quay cụt ngẵn. Khuôn mặt xệ xuống rung-rinh như dính liền với phần thân thể vốn dĩ đã to béo quá độ của ông, bởi một chiếc cổ bự đến nỗi Ngung nghĩ đó là phần kéo dài của phần bên dưới và tự-nhiên chàng muốn bật cười với ý tưởng hài-hước rằng: lỡ ông này bị xử chém, người ta không biết chém ở chỗ nào, nhưng Ngung trấn-tĩnh lại ngay, vì ông đang là cấp Chỉ-huy mới của chàng …
​Ông Tá cầm cái “pipe” vỗ nhẹ trên cái gạt tàn thuốc, rồi nằm ưỡn người ra (có lẽ do bụng ông phệ) trên chiếc ghế da màu đen, có thể xoay tròn được, và hỏi:
- Anh năm nay, tuổi thật bao nhiêu?
- Vâng, thưa Đại tá, sắp 25 tuổi.
- Còn trẻ!
- Vâng “còn trẻ” chứ không phải “trẻ” !Giọng Ngung giễu cợt vui tươi …

Ông Tá cười ồ rung-rung cả cái bụng ưỡn cao và nói vẻ đùa pha một chút tự-kiêu:
- Ở tuổi anh, tôi là Trung-úy rồi!
- Dạ, tôi đi lính muộn vì tôi là Sĩ-quan trừ-bị, bị động-viên sau khi đã tốt-nghiệp ĐH như luật định!
Ông Tá chợt “à” lên một tiếng như chừng ông  vừa mới bắt gặp được một điều gì đó ưng ý lắm, rồi ông cầm “pipe” và gật-gật cái đầu, nói:
- Hèn chi, tôi trông anh có vẻ “thư-sinh”, 9 tháng ở quân-trường chưa biến anh thành một miếng thép đã trui trong lửa đỏ, giai-đoạn sau này mới quan-trọng trong binh-nghiệp của một người lính, Chuẩn-úy ạ.
- Dạ, tôi hiểu, Đại-tá!
Ông ta lặng im suy nghĩ một lát, rồi nói thành-thực:
-   Anh có ý-định chọn binh-nghiệp làm con đường để tiến thân không?
Ngungtrả lời rất nhanh không hề suy nghĩ:
        -  Thưa không, Đại-tá ạ! Tôi là một người lính bị động-viên, tôi làm hết bổn-phận của một công-dân do Hiến-pháp qui-định … Tôi không hèn nhát sợ đời lính, vì nếu thế thì tôi đã đào-ngũ lâu rồi, nhưng quả tình, lính với tôi, là một nghĩa-vụ chứ không phải là một cái “nghề” mà người ta vẫn  thường hy-vọng khi đã chọn nó như một lẽ sống với câu đầu môi “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực” cũng đẹp lắm Đại-tá, nhưng nó lại không nằm trong sự lựa chọn của tôi! Tôi chỉ mong cho hòa-bình, để tôi trở về tiếp-tục đi học nữa. …
-     À, như thế cũng được. Nhưng anh tốt-nghiệp ĐH về ngành gì?
- Thưa Toán - tôi đã lấy cái chứng-chỉ sau cùng “Mécara / Cơ học thuần-lý” trước ngày tôi vào lính có vài tháng. …
Ông Tá  chợt, nói:
- Thế thì phí quá, uổng quá!
- Không đâu Đại-tá, tôi có đủ khả-năng nắm một Trung đội, với những hiểu biết, lãnh-hội được ở Quân-trường cũng như mọi Sĩ-quan khác, trước khi họ lên lon…
- Hiểu rồi, nhưng tôi nói “uổng”, vì đâu có phải cần gì một người có tấm bằng như anh mới làm được việc đó ? Tú-tài I đủ rồi, cầm cái bản đồ biết chấm tọa-đô 6 số để dẫn lính đi hành-quân khỏi bị 105 ly nổ chụp lên đầu là được rồi. Nói thẳng là tôi muốn giữ anh lại Tiểu-khu để giúp tôi một vài công việc ở “Phòng tham-mưu”. Anh đồng-ý chứ?
- Tôi là Sĩ-quan thuộc cấp của Đại-tá, tôi thi-hành mọi mệnh-lệnh của cấp Chỉ-huy, kể cả việc đi tác-chiến ngay bây giờ ở các đơn-vị xa cũng được. Tôi không muốn…
Ông Tá mỉm cười nói vẻ đùa cợt:
- Đừng nóng Chuẩn-úy, làm lính mà có những ý nghĩ đó là tốt rồi, thành thật là tôi “nể” Chuẩn-úy đấy, bởi vì ít có ai đến đây mà nói với tôi điều ấy cả, có lẽ cái bản-chất của  “kẻ sĩ” nó còn lưu lại trong dòng máu nhà binh của ông rồi.
- Tôi nói thành thật đấy Đại-tá. Tôi…tôi…
- Hiểu rồi. Và Chuẩn-úy có thể tạm ngụ ở đây, khu nhà dành cho “SQ độc-thân” ở phía sau tòa Hành-chánh này. Tôi sẽ xếp đặt cho Chuẩn-úy những công việc thích hợp. Ngày mai tôi sẽ mời Chuẩn-úy đến nhà tôi chơi, cũng ở trong khuôn viên Tiểu-khu này, dùng cơm tối cho vui với gia-đình tôi. ..Hồi mới ra trường Võ-bị tôi cũng “độc-thân vui tính” và cu-ki như Chuẩn-úy vậy, chỉ khác nhau ở trình-độ Văn-hóa, thời đó chỉ cần học “troisième année”(lớp 7) là học Sĩ-quan được mà không cần phải “Tú-tài 1” nhu bây giờ, nói chi Cử-nhân Toán như Chuẩn-úy, đáng bậc “Sư” của  tôi còn dư…cả mấy cây số, như chơi …

Ngung ngồi vân-vê chiếc nón lưỡi trai có gắn cái nút đồng(lon Chuẩn-úy) suy nghĩ mông lung và cuối cùng thì chàng nói:
- Cám ơn Đại-tá, nhưng mỗi thời-đại, mỗi thứ đều có giá-trị riêng của nó trong thời ấy.Thời đó mà ai có bằng Tiểu-học đã thấy bảnh rồi, nói chi lên Trung-hoc để dọn “Diplôme” như Đại-tá!
- Nói thẳng với anh là tôi vốn “ít chữ”, nên đối với những người “Khoa-bảng” - trước tiên, là tôi phải nể cái tài của họ cái đã…Đừng vì mặc-cảm mà bôi-bác người có học-vị như ông Mao, từng phán: “Bọn trí-thức không bằng cục phân!”, nói vậy nó chỉ bày tỏ sự hậm-hực do lòng tự-ti về sự dốt nát của mình mà thôi …
- Dạ, không dám,Đại-tá. Tôi chỉ học-hành để kiếm cái nghề tự nuôi sống mình mà thôi, ngoài Trung tôi nghèo lắm, không có ruộng mênh-mông như miền Nam ông đâu, nên bọn tôi chỉ cố gắng học-hành dằn chữ vô bụng, sau này bán ra mà ăn …là cách tiến-thân duy-nhất, không còn con đường nào khác hơn nữa, nếu không muốn cạp gốc rạ …chứ có tài giỏi gì như ông nói đâu!

Ông Tá có vẻ không đồng ý với cách giải-thích đơn-giản của người Sĩ-quan mới, nên hơi cau mày nói:
   -    Không phải ai cũng học được đâu Chuẩn-úy, nhất là những môn khó như Toán, mấy đứa em tôi,con nhà Điền-chủ, mà mỗi cái “MG/Toán đại- cương” thi hoài không đậu, đành vô lính đó thôi!

Nói xong, ông Tá cầm ống phone gọi một người lính vào và bảo xếp đặt nơi ăn chốn ở cho Ngung ở dãy nhà SQ độc thân. Ngung đứng dậy chào ông Tá theo quân-cách và đi theo người lính ra ngoài…

Ngung đi qua những con đường quanh co hai bên dựng những viên gạch thẻ đỏ xiên-xiên như chiếc lưng của một con khủng-long. Những vạt cỏ Đại-hàn xanh mượt được cắt tỉa gọn-gàng như mái tóc của một anh chàng thanh-niên thích làm dáng. Từng viên cuội tròn màu xám và vàng nhạt lẩn với những viên trắng nõn như những quả trứng chim, bước nghe lao-xao . Mùi hoa sứ thơm phảng-phất đâu đây. Người lính chợt hỏi:

- Chuẩn-úy mới ra trường?
- Vâng.
- Kỳ này về Tiểu-khu có một mình Chuẩn-úy à?
- Vâng.
- Ít quá!
- Cấp-số các đơn-vị ở đây thấp quá, lính “kiểng” lính “ma” tùm- lum…Người lính cười khúc-khích. Ngung cười theo, nói đùa:
- Anh thuộc loại lính nào?
- “Kiểng!” . Ăn rồi lo giặt đồ, lau nhà, chùi xe, tưới hoa cho gia-đình ông Tá…Được cái khỏi chết và nhàn, “lách” được lúc nào hay lúc ấy Chuẩn-úy, nó “rệu” từ trên xuống dưới rồi ! Cỡ Tỉnh-trưởng như mấy ổng cũng phải sơ-sơ vài trăm cây cho Tướng Vùng chứ dễ dầu gì, Chuẩn-úy? Rồi người lính chỉ tay về phía cái villa sang trọng quét vôi màu nâu đỏ nói:
- Dinh của ổng đó.

Ngung lặng thinh nghe những mỉa-mai của người lính mà chán-ngán cuộc đời, không khéo chàng lại thuộc vào cái loại lính “gia-nhân” thì cũng tủi một đời. Ngung rất sợ cái kiểu sống của mấy bà lớn và các cậu “công-tử” và mấy “cô chiêu”, con mấy ông bự rồi – lỡ có đôi ba chữ trong đầu, cái gì cũng làm mình xốn-xang được….




       Trong bữa cơm gia-đình nơi dinh ông Tá, quả Ngung thấy ông Tá đã dành cho chàng một thứ tiếp đãi đặc-biệt. Bà Tá người Bắc có vẻ khôn lanh và có một nhan sắc của một người đàn bà đứng tuổi bình thường. Bà mặc một bồ đồ vải hoa màu xanh nhạt, buộc ngang lưng một sợi dây nịt màu hồng làm cho bà có vẻ ẻo-lả như một cô gái đương thì. Dáng bà đi chậm rãi, lời nói sắc gọn, rào đón và đôi mắt có vẻ như lúc nào cũng mơ-màng…Những đứa con trai nghịch-ngợm chơi những khẩu súng nhựa, nhảy-nhót tùm-lum trên những chiếc ghế sa-lông bọc nỉ đỏ. Chỉ có đứa con gái đầu lòng học lớp 6 là tề -chỉnh với khuôn mặt đầy-đặn giống bố nhiều hơn. Dáng em nhỏ bé như chim, lúc nào cũng vuốt-ve mái tóc và đang học ở một trường-Đạo, di chuyển bằng cái Jeep có gắn lon Đại-tá phía trước, lái bởi một người Trung-sĩ có bà con với bà Tá.
​Ông Tá mặc đồ “civil” ra tiếp Ngung ở phòng khách và mời vào phòng ăn . Bà Tá cũng đứng lên chào hỏi chàng. Ông Tá giới-thiệu từng người trong gia-đình:

- Đây là nhà tôi, bé Quỳnh-Như và mấy thằng nhóc.

Ngung cúi đầu chào tất cả mọi người,  rồi ông Tá xoay về phía chàng nói:

- Đây là Chuẩn-úy Ngung, mới ra trường và đặc-biệt là đã có Cử-nhân Toán, vì vậy chắc phải nhờ Chuẩn-úy làm “Sư-phụ” cho con Như, nó học yếu quá, nhất là môn Toán và Khoa-học …..

Bé Như đỏ mặt cúi xuống, nói:

- Ba kỳ quá hà! Chê con hoài!
- Dốt thì phải chịu mình dốt để “tầm sư học Đạo” chứ con!
Ngung đỡ lời cho bé, nói nhanh:

- Em nó còn nhỏ, không vội gì đâu Đại tá.
- Lớp 6 rồi đó anh Ngung, lúc Mẫu-giáo học trường Tây nên tiếng Việt nó không rành lắm…

Trong bữa ăn, ông Tá cũng nói thực dụng-ý của ông muốn lưu Ngung lại Tiểu-khu làm việc ở “Phòng Tham-mưu” vì ông cần một người Phụ-tá có “cái đầu” và tiện lợi hơn,  chàng sẽ giúp ông một tay để kèm cho bầy con ông học. Ngung buồn cười nghĩ đến trong Quân-trường thì không bao giờ có dạy môn “kèm trẻ” cho SVSQ, vậy mà khi ra đơn-vị mình lại phải làm. Bữa cơm xong, cả nhà ra phòng khách chuyện vãn. Trong lời nói tâm tình xóa đi sự cách biệt cấp bực Ngung thấy cảm thương ông Tá  -  dù cái vị-trí của ông không làm cho chàng nể ông hơn, về phương diện Đạo-đức, bởi vì tất-nhiên là ông phải xoay tròn trong cái cơn lốc “mua quan bán tước” thời bây giờ, không phải tự dưng mà ông nhảy lên ngồi chỗ đó được – thương cảm vì lúc nào ông cũng mang trong lòng mặc-cảm ít học, nên ông vất-vả nhiều trong đời lính để có ngày hôm nay, do đó ông không muốn nhìn thấy bầy con ông lại phải dẫm lên con đường đó. Bà Tá có vẻ lầm-lì, một thứ lầm-lì của loại “mệnh-phụ” ít tiếp xúc với thế-giới bên ngoài. Những buổi chiều vàng Ngung hay thấy bà ra ngồi một mình ở chiếc ghế xích-đu sơn đủ màu treo dưới  một cái giá sắt màu xanh đặt nơi gốc cây sứ, ngoài vườn hoa. Bà trầm lặng, mơ-màng và hình như lúc nào cũng theo đuổi một ý nghĩ nào đó xa xôi. ..Có lần bà than vãn với Ngung rằng bà lập gia-đình quá sớm khi bà mới 16 tuổi như Mẹ chàng ngày xưa , bà phải đi theo ông suốt cuộc đời binh-bị từ cấp Thiếu-úy lên đến bây giờ. Hiện thời thì bà yên ổn phần nào nhưng bà lại đương đầu với nỗi trống không. Trước khi lấy chồng, bà chưa kịp yêu ai, có chồng thì vất-vả lận-đận, bây giờ thì bà thêm mệt với những nghi-thức của một bà Tỉnh-trưởng và ngay đời sống chồng vợ - đôi khi, người chồng cũng lãng quên. Công-danh làm cho ông say mê hơn là một người đàn bà đã bắt đầu có những nếp nhăn trên trán. Đó là chưa kể những nỗi tủi hờn khi ông Tá đèo bòng…Bà chỉ đứng quanh-quẩn bên mấy đứa con với sự mệt mỏi trong những tiện-nghi vật chất mà bà thấy quá ư thừa-thãi. Bà thèm khát những thứ mà ông Tá không đem lại cho bà. Đó là tình cảm trong đời sống lứa đôi, dù trong khoảng tuổi mà bà đã muốn níu kéo phần nào đã mất. Bà chỉ mới khoảng 30 ngoài mà thấy bà đã có vẻ phong sương. ..Mỗi lần, sau khi kèm Toán cho nhỏ Như xong, Ngung hay được bà mời ra ngồi dùng trà với bà ở phòng khách, và trò chuyện với chàngcởi mở như người trong nhà, vì - ít ra, Ngung là người có chút chữ nghĩa trong khuôn viên này mà bà gặp mặt thường xuyên, còn ngoài ra là lính trơn hay Hạ-sĩ quan thì bà chỉ coi như những người giup việc. Hôm nay bà bỗng dưng vui miệng  hỏi Ngung một câu có tính cách riêng tư:

- Xin lỗi, anh đã có gia-đình chưa, anh Ngung?

Ngung mỉm cười nói:

- Cưới vợ ai nuôi bà Tá? Lương lính không đủ tôi đi coi Ciné và uống Café.
- Ừa, cũng kẹt, nhưng mà ở mãi như vậy thì biết đến bao giờ?

Ngung nói xa-xôi:

- Thì tới đâu hay tới đó, chứ sao bà?

Bà Tá vẻ hơi nghiêm nét mặt , pha chút bi-quan, nói giọng buồn:

   -     Đó là quan-niệm sống của tôi trước đây, nhưng khi việc nó đã “tới” rồi, thì mình vô-phương anh Ngung, mình chẳng còn cái gì cả, ngoại trừ mình chết đi và đầu-thai làm lại cuộc đời khác….

Sợ bà buồn vì chính hoàn-cảnh của mình, Ngung hỏi đùa cho không khí nhẹ bớt:

- Nhưng nếu bà chết đi, mà được quyền đầu-thai lại, thì bà có chọn kiếp người hay không?
- Không anh!
- Sao vậy?
- Vì tôi nản kiếp người quá rồi!
- Vậy thì bà thích đầu-thai làm gì?
- Làm cỏ cây!
- Cỏ cây cũng khổ vậy, cũng bầm dập với trâu bò, người ta đốt rừng chặt cây bừa-bãi gây lũ lụt và khô hạn quanh năm ….
- Nhưng ít ra không có cái cây này hành-hạ hay phụ-bạc cây kia…Nhưng theo anh, thì anh muốn sao?
- Tôi thì dù khổ cực cách nào, tôi cũng muốn đầu thai làm lại kiếp người, để hưởng hết cái “hỉ nộ ái ố” của cuộc đời này chứ bà Tá, mà nhà Phật thường gọi là “bể khổ” … mình chạy đi đâu?
- Anh họcToán mà lãng-mạn quá nha anh Ngung. Có lẽ vì anh mới có 25 tuổi như nhà tôi nói. Ở tuổi tôi mà nói như vậy, nghe nó dị kỳ…
- Tôi thấy bà hãy còn trẻ hơn ông Tá nhiều mà?
- Tôi nhỏ hơn ổng ấy một con giáp - cái khoảng thời-gian quá dài để tôi tự kéo những suy nghĩ của mình cho kịp một thế-hệ đi trước tới 12 năm, nhất là ổng thuộc type người chỉ say mê công-danh và quyền-lực …không bao giờ thuộc một câu thơ hay một bản nhac ….làm cho tôi muốn đứt ra như một sợi thun đã hết đàn-hồi. Tôi thích tôi tự-nhiên như tôi đã có, tự-nhiên như cỏ, như cây…Trời ui, những buổi trăng lên tôi ngồi một mình nơi ghế xích đu kia trong sương lạnh ….
- Chà chà, bà mới là người lãng-mạn thực đó bà Tá?

Người đàn bà giật mình rồi cười mỉm nói vẻ ngạc-nhiên:

- Thế à? Một người như tôi còn lãng-mạn được hay sao anh Ngung?
- Lãng-mạn là một đặc-tính bẩm-sinh chứ  đâu phải “được” hay “không được” mà do ông Trời chỉ tặng riêng cho loài người mới có, dù ít hay nhiều như một bản chất chứ con vật thì không có. Con vật chỉ có bản năng sinh-tồn để duy trì nòi giống, nên chúng nó gần nhau để sinh con đẻ cái mà không cần phải yêu nhau, trách-nhiệm nhau,  nên chúng chỉ có “mùa động tình” để gặp nhau, giao-phối nhau xong là đi biệt tăm như cá hồi, hay như loài chó mà người mình ưa nói “Rậm-rật như chó tháng 7” …. Khác với con người, mùa nào, giờ nào, phút giây nào họ cũng yêu nhau được, không cần mùa, và yêu nhau không phải là đồng-nghĩa với sự lấy nhau, cho nên Nguyên-Sa từng viết: “Chúng ta yêu nhau đâu cần sêu cưới” là vậy. Và, kinh-nghiệm cho thấy rằng thường người ta hay lấy người mình không yêu như bà hay Mẹ tôi chả hạn, mà lại đi yêu người mình không lấy, mới có mấy câu thơ đau thương:“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/Ái ân lạnh-lẽo của chồng tôi /Mà từng thu chết, từng thu chết/ Vẫn giấu trong tim bóng một người”  . “Lãng-mạn” là vậy , là tình cảm tràn bờ, như sóng dạt-dào, “lãng” là sóng, “mạn” là tràn bờ …nó chỉ có nghĩa đẹp như thế để làm nổi bật tính “Nhân bản” của con người khác với loài cầm thú, chứ có xấu-xa gì đâu, mà người Á châu mình thường hiểu chữ  này một cách sai lầm  rồi coi nó như một tính xấu, lẳng-lơ ….để lên án này nọ  ngoại trừ trường hợp “lãng-mạn full-time” tối ngày ngồi “than mây khóc gió” vô tích-sự …thì không nên, bởi cái gì cũng vậy, “thái quá”(vượt xa) hay “bất cập”(chưa tới) đều sai …trong quan-niệm “Trung dung” của Nho-giáo …giống như cơ phận “Tiết-chế Watt” trong Khoa-học về máy hơi nước là để giảm-thiểu vận-tốc của “bánh trớn” tránh khí nó chạy quá nhanh sẽ làm bể banh cái máy luôn…Nói tóm: không lãng-mạn mới là thiếu nhân-bản …lúc đó con người gần với cầm thú hơn, đôi khi hoàn-toàn là cầm thú nên người ta ưa dùng từ “thú tính”(tính loài vật ,chứ không phải “tính vui” đâu nha) để chỉ loại người này …

- Nhưng tuổi tác nó cũng hạn-chế và đổi thay tâm tính con người. Thời-gian nó bào mòn con người đi chứ anh?
- Hạn-chế và đổi thay không có nghĩa là tha-hóa – bị  “aliéné” một cách hoàn-toàn được. Chỉ có bản-chất được biểu lộ dưới những dạng thức khác nhau - cũng như một cục bột bà có thể làm nhiều cái bánh khác nhau, nhưng mỗi cái bánh đều bằng bột cả….

- Nhưng có khi nào anh thấy cục bột hư vì thời-gian không? Bột “quádate” ấy mà! Người đàn bà cười to, khi tìm ra một cái thuộc-từ ngộ-nghĩnh mà hợp-lý cho mình và cũng rất thời-thượng …người ta ưa dùng để cười cợt những cái gì đã “già cỗi” đã lỗi-thời ……..
- Thời-gian có thể làm cho cục bột hư, trước tiên cục bột phải có một thời-gian qui-định để nó có thể hư, mà cho dù nó có hư thì người ta đâu gọi nó là cục đất được. Hơn nữa chị là cục bột ở cái thời-điểm chưa gọi là “quá date” được mà ? Ngung nói vẻ an-ủi một cách thành thực vì chàng thấy bà có vẻ đắng cay và khổ tâm thái quá, đầy vẻ bi-quan sẽ dẫn đến bịnh trầm-cảm …thì tội nghiệp cho bà vì bà chỉ nên được chia xẻ hơn là chê trách khi bà  như Mẹ Ngung, đã bị lấy chồng ở năm 16 tuổi - tuổi của mộng mơ thời con gái, khi ông Xuân-Diệu từng viết: “Em chỉ có một lần 16 tuổi” ….

Người đàn bà cười mỉm, vẻ sung-sướng vì biết mình cũng chẳng đến đỗi nào, nói:
- Cám ơn anh Ngung. Đã lâu trong khuôn viên của Tiểu-khu này tôi mới nghe một người lính như anh nói thế về tôi – Chưa ai nói hết, kể cả chồng tôi – Tụi lính thì nó e ngại, ông nhà tôi thì ham-hố công danh, cả hai thứ làm cho tôi trở nên cô-quạnh như một nữ-tu, mà trong thâm-tâm tôi vẫn muốn bỏ Chúa, “xuất” ra ngoài, trả chiếc áo Dòng đen lại cho Giáo-hội….
- Thưa bà, bà đừng nói vậy, đôi khi đến tai ông Tá lại phiền, tôi không muốn tôi bị hiểu lầm – Tôi là thuộc-cấp của chồng bà, tôi có thể chia xẻ với bà một vài suy nghĩ để giúp bà có một cái nhìn mới lạc-quan hơn trong đời sống. …

Ngung nói với vẻ nghiêm-túc như vậy dường như làm buồn lòng bà Tá. Một chút hối-hận xảy ra đến trong tâm trí chàng. Bà Tá lặng câm suy nghĩ gì đó một giây lâu, rồi chợt hỏi:

- Anh Ngung, hỏi thật và xin lỗi, hơi tò-mò một chút, anh có nhiều người yêu chưa?

Ngung mỉm cười về câu hỏi có vẻ tra-vấn của người đàn bà cô quạnh, và nói:

- Người yêu thì có, nhưng bảo “nhiều” như chị hỏi thì không, bởi vì tôi không thuộc loại người đào-hoa…như ông nhà của bà khi bà than vãn  rằng ổng nhiều “đèo bòng” ….. Ngung cười mỉa nhẹ-nhàng…Và bà tiếp:
- Cô ấy đẹp không anh?
- Nếu nói theo kiểu Platon rằng: “La beauté du crapaud c’est lacrapaude/ cái đẹp của con cóc đực là con cóc cái”thì người yêu tôi đẹp. Dĩ-nhiên là chỉ đối với tôi thôi.
- Anh có nghĩ là trước đây, lúc còn đi học, tôi là một người con gái có chút nhan sắc hay không?
- Vâng, có nghĩ!
- Sao vậy?
- Vì cho đến bây giờ bà cũng còn có nét của hồi xưa, vả lại, ông nhà là một Sĩ-quan tốt-nghiệp Võ-bị thời ấy thì cũng không đến đỗi gì….
- Cô ấy giờ làm gì, xin hiếu-kỳ tí nữa nha, anh cảm phiền vì tôi là phụ-nữ,  loại phụ-nữ bị “cấm cung” kinh-niên ….nên tôi muốn biết nhiều chuyện ngoài tôi …
- Cô  ấy làm nghề “chạy bàn” cho một quán ăn và tôi quen cô ở đó.

Người đàn bà sững-sờ nhìn Ngung với đôi mắt mở to , nói giọng tiếc nuối:

- Trời ơi, anh đậu Cử-nhân, lại là Cử-nhân Toán,  mà lại có một người yêu như thế hay sao? Xin lỗi anh nghe.

Ngung cười khẩy,hơi khó chịu, nhíu mày hỏi:

- Sao đâu bà?

Người đàn bà lặng thinh mỉm cười lắc đầu trong nỗi tuyệt-vọng. Và Ngung tiếp:

- Bà mới vừa đả-phá “công danh” mà? Nghề chạy bàn ở quán ăn đâu có gì phải làm cho bà sửng-sốt. Vậy thì bà lấy ông nhà vì cái “lon” Sĩ- quan hay là yêu ông ấy?
- Anh nói đúng thôi, nhưng cái tâm-lý xã-hội của người dân mình vẫn còn lạc-hậu lắm, trong đó có tôi…Xin lỗi anh nghe, tôi vẫn thành thật suy nghĩ như thế.
- Không sao, đó là việc bình thường theo tâm-lý chung, tôi không trách bà đâu, kể cả gia-đình tôi cũng nói như thế một cách bất công khi biết tôi liên-hệ tình cảm với cô gái này và họ cứ bàn ra như bà vậy ….…..

Người đàn bà giọng vừa đùa cợt pha lẫn sự mỉa-mai, nói:
- Vậy thì anh sẽ trở thành một nhà “Cách-mạng tình-cảm” đương thời rồi đó anh Ngung.
- Tình-cảm thì tự nó bình thường như thủa hồng-hoang, đời sống giành giật bon-chen đã làm cho nó trở nên méo-mó, chứ có gì mới mẻ đâu, mà chị bảo là “Cách mạng”?

Người đàn bà trầm ngâm, thở dài, rồi hỏi đột-ngột cũng rất tò-mò không ăn nhập gì với vấn-đề giai-cấp thấp của cô người yêu Ngung:

- Rồi chừng nào thì anh cưới cô ấy?

Ngung trả lời vẻ giễu cợt:

-    Chờ khi nào tôi có tiền như ông Tá bây giờ!
- Liệu cô ấy có lòng chờ anh không? Và đến khi anh “giàu” thì anh có ý định cưới người ta nữa hay không?
- Bởi thế tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện cưới xin, bởi vì tôi không có cách gì giàu như ông Tá nhà bà được. Ngung cười lớn. …

Người đàn bà cười khẩy vẻ khó chịu về những câu nói của một người thanh-niên như Ngung, lỡ mang trong đầu một mớ học-thức, cộng với một chút liêm-sỉ của kẻ hiểu biết đã làm cho chàng trở nên cứng đầu, như một viên sạn lọt trong chiếc giầy. Thật lòng bà Tá không ưa gì cách sống như chồng bà, nhưng câu nói của Ngung cũng “đụng” tới bà như một chuổi chấn-động của những vật liên-kết nhau giống những chiếc toa xe lửa, mà người mình vẫn muốn mô tả bằng thành ngữ “Bứt dây động rừng” …. Và dĩ-nhiên, những điều này sẽ đến tai ông Tá không chừng, cộng với một chút màu-mè cho ngôn-ngữ từ một trái tim bất-bình do hoàn-cảnh không thuận-lợi cho nó, dội lại, để trở thành một thứ ghét bỏ thì vô phương, giống tâm-cảm của bà chủ nhà trọ mà anh chàng giang-hồ tạm trú làm việc vặt để kiếm tiền lên Kinh-đô tìm ngươi yêu cũ trong phim “Les Jeunes loups” , mà có lần Ngung và Thùy-Vinh đã bàn luận trước đó, khi cùng rong chơi ở vườn măng.  Không thể có một thỏa-hiệp nào giữa hai tình-cảm “yêu” và “ghét” đó hết, ít có người đàn bà nào biết thứ-tha khi họ tự cảm thấy mình không được yêu thương, mà người đàn ông đã dành cho người khác, chứ đừng nói là phản bội họ ….?

Lúc đó, ông Tá đi họp đã về, đoàn xe tùy-tùng đã vào sân, Ngung chào bà Tá và trở lại nhà tay còn ôm cuốn sách Toán dùng để dạy bé Như vừa bước xuống hè, với những bứt-rứt khó chịu. Ngung tự cảm thấy mình không thích hợp ở những nơi này…Đến nhà, Ngung lấy giấy viết cho Vinh một bức thư tin cho nàng biết là “mùa phượng” này chàng sẽ về thăm nàng ,trước khi Ngung có những thay đổi lớn trong đời sống…




​Thi Tú-tài 2 xong được một tuần thì tôi nhận được thư Ngung, trong đó chàng nói những nỗi khó-khăn mình  phải đương đầu, vì lỡ trong đầu có một chút chữ nghĩa và Ngung nói chàng yêu tôi nhiều hơn là lúc còn ở Sài-Gòn, vì Ngung thấy tôi là một người đáng được yêu hơn ai hết. Những cách hoa phượng đỏ rơi lả-chả ngoài đường ở khu trường tôi học. Chưa bao giờ tôi thấy phượng đẹp như lúc này, bởi phượng mang chính nỗi lòng tôi, phượng liên-quan đến sự đợi chờ của tôi từng giây từng phút. Ngung sẽ về thăm tôi trong mùa phượng này, chàng đã gạch dưới những dòng chữ đó thật đậm để cho tôi chờ, tôi mong…. Rồi một buổi chiều tôi ngồi trong thư-viện với những cơn nóng hối-hả tôi sững-sờ, chết lịm tâm-can khi tôi nhìn thấy cái khung đen, có gạch chéo ở góc nơi trang tư một tờ nhật báo vài dòng chữ: “Chia buồn cùng gia-đình Thiếu-úy Võ-Ngung đã anh dũng đền nợ nước trên ngọn đồi Dakto” của một nhóm thân-hữu  xứ Quảng…Tờ báo trên tay tôi rớt xuống, như một chiếc bình thủy-tinh … vỡ toang, nhưng tôi cũng cố cui xuống nhặt lên . Tôi không còn nước mắt nào để khóc cho Ngung cả, tôi điếng cả người. Bất-giác tôi nhớ đến câu hát ngày xưa mà Ngung từng nhắc đến trong buổi rong chơi ngắn-ngủi ở Bình-dương mà tôi đã ưu-ái dành cho chàng một cách đặc-biệt trong đời làm con gái của mình: “Hẹn nhau chưa hết một mùa phượng rơi, nhưng hoa chưa tàn, mà lòng ai đã đổi thay …”. Bản nhạc có vẻ oán-trách lại chính là nỗi lòng tôi bây giờ. Mùa phượng đang nở rộ, đỏ như màu máu Ngung trên ngọn đồi chiến-lược Dakto mà chàng lựa chọn, bởi Ngung không thích đời sống hèn mọn… “hoa chưa tàn” thực, Ngung đã không về thực, nhưng “lòng ai đã đổi thay” đây, hở anh Ngung của em ? Tôi xếp tờ báo lại bỏ vào cặp, rồi ra về lặng-lẽ, chân tôi dẫm trên những xác hoa đỏ ối như máu, tôi thét lên hãi-hùng và chạy như một con mẹ điên….

                       Thầy Nguyễn Tư Thiếp