ÚP MẶT BÙI-NGÙI …
*Đoản khúc Nguyễn-Tư
1. Cát bụi đã về bên kia miên viễn. Thôi, cũng hết một đời mệt nhoài trong nhiệm kỳ ngắn hạn. Dài mà làm chi? Sỏi đá mọc dưới chân nghe từng nỗi đau rên rỉ. Nước mắt cho đời đã cạn, mà lòng vẫn cứ rêu xanh. Ngồi đó nghe châu thân rạn vỡ âm thầm - triệu chứng của một ngày nắng tàn sắp về bên kia dãy núi.Chênh-vênh và chênh-vênh...
2. Ừ, rồi cũng phải về thôi, về theo những cơn buồn bạc tóc. Chào xa những môi mắt trăm năm, thực ra cũng chỉ là những dòng sông nhỏ mất hút vào lòng Đại dương mênh-mang, sóng vỗ miệt-mài chứa bao xác thuyền chìm tức tưởi! Sông của một thời, và cũng là sông của một đời...Sông chảy qua từng mạch máu râm-ran, đốt lên bao lời than vãn. Suối mòn, đá cũng buồn theo, gõ nhịp từng chặng đời nghe rưng-rưng những chiều tà úp mặt...
3. Cát bụi ơi, nhỏ bé hoài trong đời buồn rất rộng. Hố thẳm sâu vì núi đứng cao xa …"Ôm theo giấc mộng mười phương / Thực ra cũng chỉ bụi đường cát bay..."(thơ NT). Quán trọ nào dừng chân trong một chiều nắng lạ. Buồn vu-vơ ở cuối chân trời. Đi miệt mài, cầm trái tim khô trên lòng bàn tay mang nhiều dấu đạn, mà ngỡ như mình mới lớn hôm qua!!!
4. Hạnh phúc trần gian ơi, sao mãi xa ở tận góc Thiên đường! Chụp bắt niềm vui mong-manh, nhét vội vào lòng, nghe tiếng cười thủy tinh của em rạn vỡ, tưởng như trái ngọt thuộc về mình, hai tay chấp lạy Phật Trời, hốt nhiên mừng đánh rơi nước mắt...
5. Cuộc hành trình nào dẫn ta đi đến những bờ bến lạ? Đạn bom reo vui trên từng chiếc lá vàng Thu, làm những con chim non bỗng giật mình vút bay về tám phương mười hướng, mang theo giấc mộng trẻ thơ đã cạn mòn trí nhớ, để cuối đời trở về Quê xưa, bám vào những hạt sương long-lanh lăn trên đôi gò má nhăn-nheo của Mẹ, mong tìm chút hơi ấm muộn-màng, nghe từng sợi đau thương dài ra trong thời mạt vận!
6. Ôi con chim bé-bỏng ngày xưa, bay cuối trời vô-định, dù cũng mơ cho đôi cánh mỏng-manh lướt gió an bình, nhưng đâu tránh được những cơn bão đời móng vuốt, dẫu lòng cũng còn sót lại đôi cơn mê rạn nứt, cố xô trái tim hoài về phía trước, với niềm tin miên-man, biết đâu một ngày sẽ được sưởi lòng bởi những chiều hướng-dương lộng nắng bên thềm...
7. Nhưng thôi, mặt trời đã lặn ở phương Đông và trái đất bỗng quay lệch hướng, nên đôi cánh nhỏ bé thuở nào đã gãy ngang giữa bầu Trời đen mộng-mị, nghe âm vang lao-xao đâu đây những tiếng thở dài, nằm chơ-vơ trên bờ đêm tịch lặng...
8. Em một dạo đã trở thành Huyền-thoại. Lời đau xưa nuôi lớn cơn buồn nầy. Anh cúi xuống nghe chiều rơi bên núi. Vuốt mặt mau để xóa vết thương dài...Ở bên trời có bao giờ em biết nhớ, hay ung-dung tô Hạnh-phúc cùng người? Bàn tay nhỏ từng nắm cầm quá-khứ, mà giả vờ quên đi như mình mới bước vào đời!?
9. Chiều vẫn ở bên tôi phơi nắng, rồi chiều cũng đã rơi theo cửa ngõ của linh hồn. Và, từ đó, tôi tiếc đời mình hoang-phí. Nhưng biết làm sao hơn - hở em, của ngày tháng giận hờn...
10. Cát bụi phận này chợt một hôm bay về chốn cũ. Bỏ lại sau lưng những hạt nắng muộn phiền, chất chứa bao lời than-van nhiều khi muốn giấu kín trong tim! Và, tiếng kèn đồng lê-thê vang lên theo những giọt nước mắt nhập-nhòa, làm ướt sũng bao vòng hoa tiếc thương xếp thành từng hàng nằm phơi trên hè phố, lẫn với tiếng tỉ-tê lạ mặt mà vẫn giữ mãi trong góc tim bé nhỏ của mình hình bóng về một người - thực ra, đã sống ở đời như một đóa hồng, nuôi hoài những giấc mơ kẻ khác...
11. Thôi, chào trời xanh nhật-nguyệt yên lành. Em đứng đó tiếp nối "Đời" giùm ta - em nhé! Xin hãy nhẹ tay kẻo cát bụi đau vùi. Vì đã lỡ có nhau trên khoảng đời lận-đận, dù trăm năm chưa hết đã sao!
CÁT BỤI 1
Dưới nôi từng nấm mộ chờ,
Ngựa hồng nào chết bên bờ tử sinh?
Trong đời làm sóng linh-đinh,
Chừ về bên núi, xin bình yên thôi!
CÁT BỤI 2
Rong chơi một kiếp đã đành,
Cát bụi mệt mỏi cũng thành Hư vô!
Từng là sỏi đá ngây-ngô,
Sá gì những đợt sóng xô nơi này?
CÁT BỤI 3
Mỗi lần uống chén rượu say,
Chỉ vì thương quá đời này, đó thôi!
Rượu quên hết thế nhân rồi,
Ung-dung ngồi hát những lời thương đau...
CÁT BỤI 4
Tiền thân chào tiếng lạ rồi,
Mới nghe thương nhớ cuộc đời, phải không?
Ra đi có tiếc mưa hồng,
Nuối người tình lỡ bên dòng sông xưa???
CÁT BỤI 5
Ép mình trong hố huyệt sâu,
Trả vầng nhật-nguyệt cho bầu trời xanh...
Dế giun trỗi nhạc thâu canh,
Đất chừ chào đón mừng anh trở về...
CÁT BỤI 6
Chết sáu hai, còn trẻ mà!??
Nhưng sống thì cũng hơi già, bạn ơi!
Cơm áo anh trả nợ đời,
Năm trăm ca khúc, họ lời chán-chê!??
CÁT BỤI 7
Hãy làm loài hoa Vô-ưu,
Nở trên thù hận, oan cừu thế gian!
Lúc sống chỉ có cây đàn,
Đến khi chết xuống, còn bàn tay không!?
CÁT BỤI 8
Anh nằm bên Mẹ là vui!
Tôi thân đất khách, hẳn vùi nơi đây!
Nhìn quanh chỉ thấy mộ Tây,
Chắc bị kỳ-thị hỏi:"Mày vàng da"?!!
CÁT BỤI 9
"Chết trẻ, khỏe ma" ấy mà,
"Tài tình yểu mệnh" vốn là cuộc chơi!
Những tên "vô tướng" sống đời,
Không chịu "đi" sớm, còn lời thị-phi!
CÁT BỤI 10
"Yên nghỉ ngàn Thu", bạn nha!
Bây giờ mới thực là "nhà" đó nghe?
Đã có "một cõi đi về",
Hết còn "ở đậu" trên Quê hương mình!?
*Nguyễn-Tư
P/S
GIẢI THÍCH VỀ THỂ LOẠI "ĐOẢN KHÚC" - THẦY NGUYỄN TƯ THIẾP
Về thể loại "đoản khúc" cho ai cần tìm hiểu , biết về nó : "Đoản" là ngắn, "khúc" là 1 đoạn .... nhưng khác là đoạn văn thường thì không cần vần điệu, mà "khúc" thì lại cần vần điệu như trong thơ hay nhac... vì vậy mới có từ "Chinh phụ ngâm khúc" Cung oán ngâm khúc, (thơ) và nhạc có "Hành khúc, điệp khúc, liên khúc, ca khúc... Vì vậy Đoản Khúc chỉ để diễn tả những đoạn văn có vần điệu ngắn mà thôi.
Tôi chỉ viết 2 đoản khúc là "Đôi mắt buồn hiu" (đăng kỳ trước) và bài "Úp mặt bùi ngùi " thực ra bài này viết cho cái chết của TCS, nhưng lại mang bóng dáng của tôi nhiều trong đó mà TCS không có như: xa nhà sớm, lưu lạc khắp nơi, sau 75 thì trở về bên Mẹ nhưng đã tàn mất rồi, hay nổi thống khổ của kẻ vượt biển....
Nói tóm: nó là đoạn văn xuôi bằng thơ, mỗi khổ như vậy gồm nhiều câu thơ dính với nhau vậy thôi, nhưng đặc biệt chữ phải chọn lọc như khi làm thơ vậy. Đoản khúc ngắn nên ý tưởng phải cô đọng và chữ dùng phải đặc biệt mới "hay "... Viết như văn xuôi thì không phải là "khúc". Vì vậy cho nên người không có máu thơ, viết đoản khúc không thành công...
Phần thơ thực sự ở dưới như trong bài "úp mặt bùi ngùi" không cần thiết, có cũng được mà không cũng không bắt buộc, nhưng nếu có thì nó sẽ bổ nghĩa cho phần văn xuôi ở trên. Bởi nó bằng thơ nên nêu giá? Nếu giản ra thì sẽ thành bài thơ khá dài gọi là trường thi...
Đại khái là như vậy... thanks những lời khen tặng của anh chị em há .Tôi có làm bài thơ toàn là tên bài hát của TCS, hoặc toàn danh từ nhà binh, hoặc toàn danh từ triết học, toàn danh từ Hoá học, danh từ vật lý và danh từ Toán học như bài "Mối tình vô nghiệm" cho vui vậy thôi ...../.
Nguyễn Tư