Thursday 28 July 2016

BIA ĐẮNG HÀ TIÊN ( Nguyễn Hà )




BIA ĐẮNG HÀ TIÊN

Cách đây mấy năm, tôi bay về Sài Gòn thăm nhà. Nhân dịp đó, tôi theo gia đình anh chị tôi đón xe về Châu Đốc thăm bà con, rồi lại tiếp tục đi Hà Tiên, một thành phố nên thơ nằm cạnh biển dưới quê lục tỉnh mà từ lâu tôi vẫn ao ước muốn đến thăm một lần cho biết.
Đến phố chính ở Hà Tiên, sau khi thu xếp hành lý vào khách sạn, chúng tôi theo xe ra một bãi biển đẹp nổi tiếng ở Hà Tiên. Trưa hôm đó trời nắng ấm, nước biển xanh rực rỡ, hàng dừa buổi trưa hè in bóng mát êm đềm trên bãi cát vàng. Biển Hà Tiên trông thật hữu tình!
Chúng tôi thả bộ dọc biển rồi thuê võng giăng giửa mấy thân cây dừa xanh trên bãi nằm nghỉ trưa. Ở Hà Tiên không có gì thú bằng nằm võng ngoài biển, ngắm trời ngắm mây, ngắm thuyền chài xa xa nhấp nhô trên sóng biển rồi quên đi chuyện trần gian!
Mấy năm trước, lúc thị trường chứng khoán ở Úc và khắp thế giới bị xụp đổ thì cuộc đời tôi lúc đó cũng muốn tiêu tùng! Bao nhiêu tiền của tạo dựng qua nhiều năm, bỗng một ngày một đêm đổ hết ra biển. Gần cả năm rồi mà niềm đau “stock market crash” vẫn chưa nguôi trong lòng! Hôm nay có dịp nghỉ ngơi ở biển Hà Tiên, tôi thấy bao nhiêu lo phiền của đời sống làm việc ở các xứ Tây phương như theo sóng biển tan biến thành bọt nước!
Tiếng sóng biển rạt rào cùng tiếng vọng cổ văng vẳng từ quán ăn gần đó, ru tôi chập chờn ngủ thiếp trên võng lúc nào không hay!
Bỗng dưng có tiếng ai rao hàng đâu đó làm tôi giựt mình tỉnh dậy:  "Ai ăn mực nướng than hôn..."

Dụi mắt nhìn kỹ tôi thấy một bà lão đang khệ nệ gánh hàng rong, mắt dáo dát nhìn chúng tôi như muốn mời mua hàng. Chị dâu tôi vẫy bà lại. Bà già mừng rỡ gánh hàng tới, đặt chiếc ghế "đẩu" ngồi xuống bãi cát rồi kiên nhẫn chờ chúng tôi chọn hàng. Chúng tôi chỉ con mực nào bà lấy con đó ra bỏ vào vĩ sắt rồi nướng mực trên bếp than hồng đặt ở một thúng đầu gánh. Mực nướng dọn ra dỉa kèm theo tương ớt ăn ngoài biển, thật không có gì ngon tuyệt bằng!
Tôi đưa tiền cho thằng cháu kêu nó chạy ra quán bia gần đó để mua vài lon bia nhậu với mực nướng than.
Từ lúc còn bé ở Việt Nam, tôi rất thuơng những người phụ nữ chân yếu tay mềm, trong đó có cả bà ngoại tôi thuở sinh thời dưới quê. Ngày xưa, ngoại tôi vất vã gánh chè xôi đi khắp đường phố ngoài chợ quê để buôn bán mưu sinh, nuôi nấng mẹ tôi và các ông cậu nên người.
Tôi ái ngại nhìn bà lão bán hàng, nhưng bà rất thân mật, vừa nướng mực vừa vui vẻ chuyện trò với chúng tôi. Bà kể về gia đình bà sống ở Hà Tiên từ thuở nhỏ, chồng chết lâu rồi để lại hai đứa con giờ đã lớn. Bà cho biết đã làm nghề bán mực nướng này cũng mấy chục năm nay. Lúc đầu còn bán ở phố chợ Hà Tiên cho gần nhà. Nhưng dạo sau này thị trấn Hà Tiên phát triển quá, các quán nhậu mọc nhan nhản khắp chợ nên đa số bợm nhậu vô quán ăn, ít ai thích ngồi ăn ngoài đường với mấy gánh hàng rong của bà nữa. Bởi vậy mấy năm nay, bà phải đi xa chợ hơn và phải ra tận bãi biển này để bán cho khách du lịch mới sống nỗi!
Biết từ chợ ra biển cũng gần 5 cây số, tôi hỏi bà đi xe lam hay xe đò. Câu trả lời của bà lão làm tôi giựt mình:
"Tui đi bộ cậu à! Tiền đâu mà đi xe! Mỗi ngày lúc còn tờ mờ sáng, tui thức dậy thiệt sớm, lo chuẩn bị lò than, thúng mực... Rồi tui gánh hàng đi bộ gần hai tiếng ra biển. Khi mặt trời mọc thì tui cũng vừa ra tới đây! Rồi cả ngày tui đi rảo từ đầu bãi cho tới cuối bãi bán hàng. Chiều tối tui lại gánh bộ hai tiếng nữa về nhà!"
Thấy tôi có vẻ ái ngại, bà nói tiếp:
"Mấy năm đầu cực nhưng lâu ngày cũng quen, cậu ơi!"

Bất chợt tôi mở miệng hỏi bà một câu thật ngu xuẩn: 
"Bác ơi, bác già rồi sao bác không ở nhà để con cái nuôi cho khỏe! Tội gì phải đi buôn bán gánh gồng cho cực?"
Bà lão đang nói chuyện vui vẻ, nghe tôi hỏi, chợt im lặng một hồi lâu rồi rươm rướm nước mắt trả lời: 
"Cậu biết không, tui chỉ có hai đứa con. Thằng lớn thì đi làm phu khuân vác ở chợ Bến Thành, còn đứa con gái thì đi làm mướn ở Biên Hòa. Tụi nó tự nuôi bản thân còn chưa xong, dư dả gì mà lo cho tui được!"

Thấy tôi lộ vẻ quan tâm, bà nói tiếp, giọng có vẻ lạc quan hơn một chút:
"Bao nhiêu năm nay rồi tui đi bán dạo như vậy cũng đủ sống. Bữa nào bán khá thì kiếm được ba chục ngàn, còn bữa nào ế thì chỉ được mười ngàn thôi. Nhưng bổ đồng cũng được hai chục ngàn một ngày vừa đủ sống!"
Một lúc sau, bà lại thêm vào:
"Cậu biết không, có bữa xui xẻo vấp té ngoài lộ, đổ hết hàng xuống cát. Bữa đó phải húp cháo trừ cơm!"

Nghe bà lão kể chuyện mà tôi thấy xót xa trong lòng. Nhìn bà lão thân thương trước mặt, tôi không khỏi nhớ đến hình bóng hiền từ của ngoại tôi ngày xưa. Tôi nhớ thuở nhỏ, mỗi khi ăn cơm bỏ mứa, mẹ tôi thường kể chuyện về đời sống vất vả của bà ngoại để chúng tôi học tánh cần kiệm. Mẹ tôi kể là ông ngoại tôi mất sớm lúc mẹ tôi con bé. Bà ngoại tôi phải gánh xôi chè đi bán rảo ở các khu chợ quê nuôi con. Mẹ tôi và các ông cậu phải ở nhà một mình, đứa lớn coi đứa nhỏ. Lúc bà ngoại đi bán ngoài chợ, ở nhà nhiều khi chỉ có một tô cơm nguội để mẹ và các cậu ăn đở lòng. Cho nên mẹ tôi bảo trong suốt đời bà, mỗi lần nhớ đến công ơn ngoại, một hột cơm rớt xuống đất cũng phải lượm lên ăn, không được vất đi!
Trở lại chuyện bãi biển Hà Tiên, ăn uống xong, tôi đưa tiền cho chị dâu nhờ chỉ trả cho bà già hậu hỉnh một chút! Bà già mừng lắm, cám ơn  chúng tôi rối rít rồi từ giã, gánh hàng đi bán tiếp.
Vì không rành tiền tệ Việt Nam, tôi hỏi thằng cháu tính thử hai chục ngàn Việt Nam, số tiền bà thu nhập được mỗi ngày, là khoảng bao nhiêu đô Úc! Nó thông minh trả lời kiểu thực tế: 
"Chú Năm biết không, hai chục ngàn cũng không đủ để mua hai lon bia đó chú Năm!"
Nghe xong, tôi cảm thấy trong lòng như quặn lại. Một bà già ốm yếu lặn lội gánh thúng hàng nặng từ sáng đến tối, hai tiếng đi, hai tiếng về, cả ngày chầu chực ngoài biển cho những người du khách như tôi, mà cuối cùng kiếm không đủ tiền để tôi mua hai lon bia, trong khi đó tôi đã đổ bao nhiêu tiền bạc vào thị trường chứng khoán một cách hoang phí!
Tôi cầm lon bia tu hết những ngụm còn lại. Bỗng dưng tôi thấy vị bia đăng đắng!

Chiều xuống, mặt trời sắp lặn, anh chị tôi thúc mọi người lên xe về khách sạn cho kịp trước khi trời tối.
Trên xe, tôi nhờ bác tài lái chậm chậm dọc bãi biển để tôi ngắm cảnh mặt trời lặn trên biển. Nhưng thật sự tôi muốn nhìn thấy lại hình ảnh bà lão bán hàng rong ngoài biển!
Xe chạy xa dần mà tôi vẫn còn nghe tiếng rao văng vẳng của bà lão: "Ai ăn mực nướng than hôn..."
Tôi chăm chú ngắm cảnh hoàng hôn ngoài biển. Nhìn sóng biển tung tăng nhảy múa trên bãi cát trắng, tôi cảm thấy trong lòng trở nên bình thản! Nỗi buồn "stock market crash" như tan đi theo bọt sóng nhấp nhô! Sau khi chứng kiến cảnh cơ cực của bà lão bán hàng rong ngoài biển, lòng dạ nào mà luyến tiếc chuyện tiền bạc trong thị trường chứng khoán nữa! Tôi thấy đời người như bọt sóng ngoài đại dương, mọi thứ trên đời sao vô thuờng quá! 
Ánh sáng mặt trời lặn nhập nhòe trên sóng nước tạo ra những hình ảnh lung linh huyền bí. Tôi chợt thấy trong đó như có ngoại tôi đang gồng lưng gánh nồi chè ngoài chợ rao bán:  "Ai ăn chè đậu xanh nước dừa hôn...". Chắc ngoại đang lo không biết mẹ còn hột cơm nào để ăn đở lòng tối nay không!!
Chẳng mấy chốc trời tịch mịch tối, xe cũng về tới khách sạn.
Bất chợt tôi nói thầm trong bụng, chắc giờ này bà lão ngoài biển đang gánh hàng về nhà trong đêm tối. Lạy trời cho bà thấy đường đi suôn sẻ, không bị vấp té giửa đường để khỏi phải húp cháo trừ cơm tối nay!

Về trở lại Melbourne, tôi lại tiếp tục chơi thị trường chứng khoán! (nhưng từ giờ... bớt tham hơn một chút!)
Đã lâu rồi mà hình ảnh cơ hàn của bà lão bán hàng rong ở Hà Tiên vẫn hay ám ảnh tâm trí tôi. Những lúc đó, tôi không khỏi liên tưởng lại cuộc đời nghèo khó của ngoại tôi và mẹ tôi.
Và mỗi cầm lon bia lên miệng, tôi cũng không thể nào quên được vị đắng của lon bia Hà Tiên ngày nào...

Nguyễn Hà, Melbourne
(Trích trong tập "Bến Mưa Sài Gòn", Nguyễn Hà)