NGƯỜI ĐƯA THƯ
Thời gian mới định cư ở Hoa Kỳ, khi đến cư ngụ khu chung cư nhiều
người Việt tôi đã thấy ông ta. Đó là người đưa thư, có bộ râu hung hung
xồm xoàm viền quanh miệng, khiến thoạt nhìn người ta thấy ông có nét một
ông già Santa Claus mỗi mùa Giáng sinh.
Nụ cười hiền, đôi mắt xanh mông mênh màu biển, ông là người đều đặn
mang niềm vui cho đám cư dân sống ở chung cư, đa số mới từ Việt Nam sang
, thường ngóng những cánh thư ở quê nhà.
Ông ta trạc độ ngoài năm mươi, dáng dấp khỏe mạnh, khó đoán tuổi
cho chính xác vì bộ râu xồm xoàm đó. Mỗi buổi chiều, khi chiếc xe của
Bưu Điện chạy vào con dốc đầy ổ gà, nơi đặt mấy thùng thư đã thấy có
người đứng đợi. Đa số là người già, không biết
làm gì cho hết ngày, đi lấy thư cũng là một cái thú. Ông ta bỏ thư vào
từng hộp thư của mỗi nhà trong xóm, xong lái xe đi, không quên giơ tay
vẫy mấy đứa trẻ đang chơi đùa trên khoảng sân trống.
Mãi cho đến một hôm,
trời mùa đông lại mưa tầm tã, tôi thấy người đưa thư ngừng xe trước cửa
căn chung cư, rồi chạy ào vào hiên gõ cửa, đưa cho tôi một lá thư. Lá
thư của người bạn học từ Việt Nam gửi sang, đề trúng tên người gửi và
địa chỉ "zip-code", nhưng thiếu số nhà của căn
chung cư, không hiểu sao ông ta lại biết là của tôi. Chính vì thế mà
tôi biết ông đọc được tiếng Việt, lại còn quen cả tên của người nhận
thư, rồi vì sợ thư không đến tay người nhận, thay vì trả lại cho Bưu
Điện, ông mang thư đến thẳng nhà tôi.
Hôm ấy trời bão rớt, mưa suốt từ sáng đến chiều chưa ngớt, bầu
trời xám xịt khiến mùa Đông càng có vẻ rét mướt. Tôi cảm động nhận lá
thư từ tay ông, nhìn ông ướt át trong chiếc áo mưa màu vàng, những bụi
mưa còn đọng trên mái tóc đã ngả bạc với bộ râu
hung hung viền quanh miệng. Ông hỏi, bằng tiếng Việt:
"
Xin lỗi, có phải tên cô không?"
Tôi ngạc nhiên, vì lần đầu nghe ông ta nói tiếng Việt, chực nhớ
lại bà con trong khu chung cư, gặp nhau ngoài thùng thư vẫn hay nói
chuyện này nọ về xứ Mỹ và người Mỹ, có lẽ ông đã nghe được cả. Tôi nhận
đúng là tên mình, rất cảm kích vì tấm lòng của
người đưa thư. Ái ngại khi thấy mưa vẫn như trút nước, rặng cây ven
đường như mờ mịt đi dưới màn mưa trắng xóa. Tôi hỏi ông, bằng tiếng Anh:
" Ông có vội lắm không? Mời
ông vào nhà chơi, mưa lớn quá."
Ông
nheo đôi mắt xanh nhìn trời, cười hiền hậu, nói một câu thành ngữ tiếng Anh:
" It's raining. . . cats and
dogs..."
Đoạn ông ta nói bằng tiếng
Việt:
" Mưa lớn quá, giống như mưa
ở Việt Nam."
Tôi mở to mắt nhìn ông thán
phục:
" Ông nói tiếng Việt giỏi quá,
ông học ở đâu vậy?"
Người đưa thư giơ tay vuốt
những giọt mưa trên tóc, trên mặt, giọng thoáng một niềm vui, thật xa vời:
" Từ Việt Nam.
Tôi đã từng ở Việt Nam, cách đây ba mươi
năm. Việt Nam luôn
ở trong trái tim tôi."
Tôi mỉm cười, một câu
xã giao mà người Mỹ nào cũng học qua, nhưng sao ở người đàn ông này,
tôi không thấy sự giả dối. Một lần nữa, tôi mời ông vào nhà , không
khách sáo, trước khi bước vào căn phòng ấm, ông tháo đôi giày để ngoài
cửa, giọng dí dỏm:
" Người Việt thường cởi giày
trước khi vào nhà, có phải vậy không?"
Ngạc
nhiên vì câu hỏi của
ông, một người Mỹ hiểu cả thói quen của người Việt, thật là hiếm, như
vậy ông ta chắc phải tha thiết với xứ sở của tôi nhiều lắm, tự nhiên tôi
thấy có cảm tình với ông. Như hai người đồng hương đã lâu không gặp
nhau, ông thổ lộ:
" Tôi nhớ Việt Nam nhiều
lắm, nhớ "người" Việt Nam lắm..."
“
Người Việt Nam” ở đây thì
nhiều lắm, sao ông lại nói câu ấy với nhiều cảm xúc trong ánh mắt mà
tôi có thể nhìn được. Rồi đưa mắt nhìn khắp căn phòng được bài trí theo
kiểu Á Đông, ông dừng lại một bức tranh trên tường vẽ cảnh mùa Xuân, con
ngõ nhỏ với hai hàng mai nở vàng thật đẹp.
Ông thảng thốt reo lên, giọng lơ lớ:
" Đấy có phải là hoa mai?"
Tôi gật đầu, cảm phục một
người Mỹ biết nhiều về xứ sở của mình:
" Ồ! Ông cũng biết hoa mai?
Nó là loại hoa biểu tượng cho mùa Xuân ở quê hương tôi, và chỉ nở vào mùa Xuân."
Ông gật đầu, đôi
mắt xanh thoáng một nét bâng khuâng, nhìn theo những sợi mưa nghiêng nghiêng đan nhau trong khung trời mờ tối:
" Tôi biết, vì cô ấy tên Mai,
Mai là tên người yêu của tôi, cô học trò bé nhỏ…"
Hình
như ông xúc động, yên lặng để dấu đi nỗi buồn. Tôi cũng ngạc nhiên
không ít, khi khám phá ra mối tình của người đưa thư, một mối tình có lẽ
rất đẹp mấy chục năm trước vẫn ấp ủ trong trái tim ông, từ những ngày
trẻ tuổi.
Buổi
chiều mưa hôm đó, một chiều mưa trên xứ người, nghe câu chuyện tình của
người đưa thư, tự nhiên tôi cảm thấy dâng lên trong lòng một nỗi buồn
rất Việt Nam,
cả cái không khí lãng đãng một chút ngậm ngùi theo từng giọt mưa rớt xuống hàng hiên ẩm ướt.
Trong khi chờ mưa ngớt hạt, người đưa thư bồi hồi kể tôi nghe chuyện tình của ông ba mươi năm trước.. ..
* * *
David sinh trưởng ở Sacramento, thủ
phủ của tiểu bang California.
Vùng đất phì
nhiêu màu mỡ có rất nhiều cánh đồng trồng rau và trái cây, đủ cung cấp
cho hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ. Sinh ra trong một gia đình đông
anh em, cả nhà sống trong một trang trại trồng hoa quả vùng ngoại ô,
David có bản chất một người đồng quê rất hiền
lành và thật thà, yêu thiên nhiên.
Học
hết Trung Học, David rời
gia đình đến Nam Cali để tiếp tục việc học. Sau bốn năm Đại Học, vốn
bản tính hiền lành, thích làm việc thiện, David tình nguyện sang Việt Nam làm
công tác giáo dục và thiện nguyện. Do đấy, chàng có một thời gian dài
đến gần bốn năm phục vụ trong các trung tâm Việt Mỹ, dạy tiếng Anh cho
những người Việt trẻ tuổi.
Lúc
ấy David còn trẻ lắm,
mới hai mươi hai tuổi. Trước khi sang Việt Nam, chàng được học tiếng
Việt sáu tháng, cho nên lúc đến Việt Nam chàng đã bập bẹ nói được những
câu xã giao thông thường với người bản xứ. Năm David tới Việt Nam,
chiến tranh đang thời kỳ leo thang, nhưng ở thành phố tương đối người
dân vẫn sống trong yên bình, chưa nhìn thấy bao nhiêu sự đe dọa của
chiến tranh. David chỉ ở Sài Gòn một thời gian ngắn, sau đó được đưa về
Cần Thơ. Chính nơi này, thành phố thơ mộng ven
bờ sông Hậu, đã khiến David lúc quay về Mỹ, mang theo một vết thương
lòng.
David
đã có dịp đi lại mấy
lần trên nẻo đường mang nhiều sắc thái miền Tây Nam Phần, đó là quốc lộ
4. Những cánh đồng lúa bát ngát, những vườn cây xanh, những mái tranh
nghèo khuất sau hàng dừa rủ bóng trên giòng sông đục ngầu phù sa, lắc
lẻo nhịp cầu tre bắc ngang sông rạch. Chàng
thích nhất những chuyến phà qua sông Hậu Giang, nhất là khi chiều về,
vài cọng hoa lục bình màu tím lênh đênh trên sóng nước. Phong cảnh Việt
Nam thật lạ lẫm, mới mẻ nhưng gần gụi biết bao, không hiểu sao khi nhìn
thấy miền đồng bằng sông Cửu Long lần đầu
tiên, David đã cảm thấy yêu mến vùng đồng bằng, êm ả như vùng quê nơi
chàng sinh trưởng, dù mỗi nơi đều có nét khác biệt nhau.
Vì là nhân viên
dân sự, David may mắn chỉ ở thành phố, không đối diện với chiến tranh
như những người lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, và cũng không hề giao
tiếp với giai cấp phụ nữ bám theo đoàn quân viễn chinh. Cho nên, những
ngày dạy học tại Trung Tâm Việt Mỹ, David
thật thơ ngây khi lần đầu tiên trong đời, chàng đã trao trái tim mình
cho cô bé Việt Nam, Mai là một cô học trò rất chăm chỉ, ngoan hiền trong
lớp học căn bản của Trung Tâm này.
Mai đẹp lắm, ít
là dưới mắt của David, một vẻ đẹp Á Đông rất ưa nhìn. Mái tóc đen mượt,
đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn, nét ngây thơ dịu dàng của cô con gái Á
Đông khiến con tim chàng trai Mỹ mới biết yêu lần đầu, đã thổn thức vì
nhớ thương. Như câu ca dao Việt Nam,"Yêu
ai yêu cả đường đi lối về", David cũng yêu cái mênh mông của dòng sông
Cửu Long, yêu hàng dừa lơi lả nơi bến sông, nhìn những đợt sóng nhấp nhô
vào những buổi hoàng hôn, David tưởng như nó chuyên chở bao nhiêu tình
tự dân tộc, hiền hòa, vui tươi và đầy thiện
cảm. Mỗi buổi sáng, David say sưa ngắm nhìn những tà áo trắng bay bay
như những cánh bướm, trên chiếc xe đạp thong thả của đám nữ sinh mỗi
buổi đến trường. Cả thành phố dậy lên sức sống, người ta đi lại đông
đảo, đàn bà xách giỏ đi chợ, vài chiếc xe chất đầy
rau quả, những đứa trẻ con ngoan ngoãn đi học với nhau, chiến tranh
hình như chưa hiện diện nơi đây. David có được những tháng ngày thật
tuyệt vời với công việc của mình, một biệt thự xinh đẹp tọa lạc trên con
đường trung tâm thành phố.
Năm ấy Mai độ mười
bảy tuổi, tư chất thông minh cộng thêm nét ngây thơ của cô bé mới lớn,
đã chinh phục trái tim ông thầy trẻ tuổi. Cách biểu lộ tình cảm của mỗi
dân tộc có khác nhau, David không hề dấu diếm tình yêu của mình với cô
gái trẻ, trong khi Mai cố tình né tránh, dù
nàng rất có cảm tình với ông thầy vừa đẹp trai, lại rất hiền hậu nữa.
Sau nhiều lớp ở Trung tâm Việt Mỹ, Mai là một học sinh xuất sắc được
chọn là người phụ giáo cho những lớp học vỡ lòng, trong thời gian này
hai người cùng làm việc chung, David càng thấy
gần gũi nàng hơn.
Với bản tính thẳng
thắn của người Mỹ, David tỏ tình và đề cập với Mai về chuyện hôn nhân,
chàng nghĩ nó rất đơn giản như bao cuộc hôn nhân trên xứ sở chàng. Nhưng
điều làm cho David đớn đau hơn cả, không ngờ Mai đã từ chối kết hôn với
chàng, nguyên nhân chỉ giản dị là không
cùng chủng tộc, cha mẹ nàng coi đấy là điều không thể chấp nhận, dù
David là một chàng trai học thức. David không hiểu tại sao Mai không
quyết định được chuyện hôn nhân của mình, dù rằng Mai cũng cảm thấy mình
yêu thương chàng trai Mỹ tóc vàng, mắt xanh hiền
lành ấy. David thắc mắc thì Mai chỉ im lặng thở dài, rồi cho chàng biết
những gia đình Việt Nam bảo thủ, không bao giờ chấp nhận chuyện con cái
kết hôn với người ngoại quốc.
Sống
ở Việt Nam khá lâu, ăn
những món ăn Việt Nam, học được cách cư xử của người Việt, David hoàn
toàn chấp nhận tất cả những đòi hỏi theo phong tục, tập quán người Việt
nhưng vẫn bị từ chối. Thật sự chàng không thể nào hiểu nổi dân tộc này,
trong cái thân thiện bên ngoài hình như họ
vẫn dấu kín những thành kiến bí ẩn, có lẽ đã ăn sâu vào gốc rễ trong
tâm hồn họ. Không lấy được Mai, nhiều lúc thất vọng đến chán chường,
David còn muốn tìm cái chết để quên đi hình bóng diễm kiều của cô gái
Việt. Cuối cùng, bị khủng hoảng tinh thần, David
không thể tiếp tục làm việc, với ý nghĩ một ngày nào đó Mai thuộc về
người khác. David được hồi hương trước thời gian ấn định, lúc chia tay,
lần cuối cùng gặp nhau, Mai đã khóc và nói với chàng :
" Nếu không được kết hôn với
anh, em sẽ không bao giờ lấy ai nữa."
* * *
Câu chuyện tình của người
đưa thư tưởng đến đấy là hết, bất ngờ David hỏi tôi:
" Tại sao dân tộc cô lại có
cái nhìn khe khắt như thế? Một tình yêu khác chủng tộc có phải là điều tội lỗi?"
Tôi bối rối nhìn
ông, không làm sao cắt nghĩa cho ông hiểu. Đúng, tình yêu tự nó đâu có
gì tội lỗi, nhưng dưới con mắt lệch lạc của những người có nhiều thành
kiến, họ vẫn không chấp nhận. David lại nói tiếp:
"
Ba mươi năm nay tôi vẫn không quên điều đó, vẫn tìm tòi văn hóa Việt, và tôi hiểu tại sao dân tộc Việt Nam không
tiến lên được. Trong một vấn đề giản dị đó, họ đã không có cái nhìn
rộng rãi, thì những vấn đề lớn hơn, họ cũng khó mà thay đổi."
Tôi
thở dài nói với David:
"
Tôi nghĩ không chỉ người
Việt Nam chúng tôi mới có quan niệm thiển cận như thế, ngay những người
Mỹ, cũng đâu có thích con cái họ lấy một người không cùng sắc tộc với
mình. Hơn nữa người Việt Nam lấy
chữ hiếu làm đầu, cho nên ít khi chống đối lại cha mẹ, và họ chấp nhận
điều ấy như là một thứ định mệnh đã đặt để, ông thông cảm cho. Nhưng
thưa ông, đấy chỉ là những suy nghĩ của thời gian đó, bây giờ mọi điều
đã thay đổi. . ."
Giọng David đều đều như tiếng
mưa rơi ngoài hiên, ông nói:
"
Cô có biết tôi đã đau khổ biết bao nhiêu khi không lấy được Mai, tôi
đâm ác cảm với tất cả người Việt vì lối suy nghĩ của họ. Khi về nước,
lâu lắm tôi vẫn không quên được người con gái ấy, rồi lại nhớ đến câu
nói cuối cùng của Mai nói với tôi, tôi không nghĩ
rằng Mai đã thực hiện được. Khi đất nước cô bị rơi vào tay Cộng Sản,
tôi vẫn hy vọng là sẽ gặp Mai trong đám người Việt di tản sang Hoa Kỳ,
nếu cô ấy chưa lấy ai thì trên xứ sở này không ai cấm cản Mai kết hôn
với tôi cả".
Tôi ngắt lời David:
" Ông có gặp lại cô ta không?"
David gật đầu, đôi mắt xanh
chợt buồn, để rồi lại toát ra một tia nhìn ấm áp:
"Có,
tôi đã gặp lại Mai, nhưng
bấy giờ tôi là người dừng lại, vì Mai đã là một nữ tu đang săn sóc cho
đám trẻ mồ côi đem từ Việt Nam sang. Lần này tôi thực sự cảm thấy mình
không có quyền theo đuổi con người cao quý đó. Mai đã hy sinh tình yêu,
tuổi xuân để phục vụ cho một nghĩa vụ cao
cả hơn, đấy là tình nhân loại. Tôi vẫn yêu Mai, nhưng không có quyền
giữ lấy nàng làm của riêng, khi nhìn thấy bản chất cao đẹp trong tâm hồn
nàng."
Giọng ông ta chợt bùi ngùi:
" Đồng thời tôi cũng hiểu
được ý nghĩa lời nói của Mai, khi đã khóc và nói với tôi câu nói cuối cùng trước khi chia tay nhau. Nàng là người con gái Việt Nam thuần
túy có những suy nghĩ theo tính cách của dân tộc nàng, nhưng trong tình
yêu, tôi hiểu nàng cũng yêu tôi, thích hợp với đời sống và việc làm của
tôi, nhưng vẫn không dám chống đối lại cha mẹ. Để rồi cuối cùng cô đã
chọn con đường ấy, con đường phục vụ cho tha
nhân."
Đôi mắt xanh buồn buồn của
người đưa thư lại hướng về bức tranh có những bông mai vàng óng ả treo trên tường, thật dịu dàng ông nói tiếp:
" Từ
đấy, tôi muốn mình cũng như Mai, làm một điều gì đem lại niềm vui cho
mọi người, dù rất nhỏ nhoi. Nếu không hỏi cô, có lẽ lá thư này sẽ bị trả
lại cho người gửi, bạn cô mất đi một niềm hy vọng, và ngay cả cô cũng
mất niềm vui được đọc một lá thư.
Bao nhiêu năm rồi tôi có nhiều cơ hội để tìm một việc làm tốt hơn,
nhưng tôi vẫn vui thích với nghề nghiệp hiện tại, khi nghĩ mình đã đem
đến cho mọi người những gì họ chờ đợi, nhất là trong những muà Lễ, Tết.
Tôi cũng hiểu rằng từ miền đất xa xăm nghèo khổ
kia, họ đã phải tiết kiệm như thế nào mới có đủ tiền để gửi một lá thư
cho người phương xa."
Tôi cảm động nghe ông ta nói, tự thấy xấu hổ với mình khi chính
tôi có lúc đã rất hững hờ với những lá thư từ bên nhà gửi sang, cũng
chỉ vì sợ phải giúp đỡ. Ngược giòng thời gian, tôi như nhìn thấy mình
trong quá khứ, trong lúc cùng cực vẫn trông chờ
một niềm hy vọng, vậy tại sao tôi lại không có được tấm lòng như người
đưa thư này. Lúc ấy, nhìn đôi mắt xanh của ông ta, chòm râu hung hung
viền quanh mặt, trông ông hiền hậu và dễ thương như ông già Noel đem
niềm vui cho trẻ con mỗi mùa Giáng Sinh. Tôi nói
với ông rất thành thật:
" Tôi
cám ơn ông, một người Mỹ rất có tình với quê hương tôi, dân tộc tôi, dù trước kia ông đã bị đau khổ vì sự suy nghĩ của họ."
Mưa
đã ngớt, chưa tới sáu giờ mà trời mùa Đông đã tối xầm lại. David đứng
dậy, ông còn phải trở về Bưu điện, đem theo những lá thư người trong
chung cư nhờ ông gửi giùm. Ông chào tôi rồi mang đôi giày vào chân, mỉm
cười nhìn những bóng đèn màu chớp tắt trên cây
Giáng Sinh ở góc phòng. Tôi nhìn theo người đưa thư bước ra đường, lòng
dâng lên một niềm ấm áp cho dù đang là mùa Đông ở xứ người. Câu chuyện
của David đã làm tôi suy nghĩ. Tình yêu muôn thuở vẫn chỉ là Tình yêu,
nhưng vượt lên trên đó, nó có một sứ mệnh
thật cao cả khi người ta nhìn ra cái đẹp của nó, và sống với cái đẹp
của tình yêu.
Giờ này, ở một nơi nào đó trên đất Mỹ, Mai, cô gái Việt Nam năm
xưa, có lẽ nay đã đứng tuổi, vẫn hăng say phục vụ tha nhân trong lãnh
vực của cô. Không biết cô có hiểu rằng, chính tình yêu của cô đã làm cho
David, người đưa thư quen thuộc của khu chung cư, cũng đang đi con
đường của người ông yêu tha thiết năm xưa, cũng
với mục đích đem niềm vui đến cho mọi người. Giá tất cả thế nhân đều
nghĩ đến nhau với một tấm lòng như thế, thì có lẽ chiến tranh đã chấm
dứt từ lâu trên trái đất.
Mùa Giáng Sinh
Nguyên Nhung