Friday, 10 February 2017

THE MASK - MẶT NẠ THẬT, GIẢ



THE MASK - MẶT NẠ THẬT, GIẢ


Hôm nay tình cờ tôi xem lại bộ phim The Mask - Mặt nạ (1994).
 “ Nội dung kể về một anh chàng hiền lành đột nhiên trở nên hoang dại kì quặc khi đeo chiếc mặt nạ của Loki. Là một nhân viên giao dịch ở ngân hàng tính tình rất dễ chịu, luôn chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên. Tính anh hiền lành đến khó tin và anh thường đỏ mặt mỗi lần gặp các cô gái. Sau khi trải qua một ngày tồi tệ nhất của đời mình, Anh nhảy xuống nước định tự tử thì tình cờ tìm thấy chiếc mặt nạ của Chúa tể bóng đêm Loki trong đám rác. Anh tưởng đó là một người bị chết đuối và bản tính tốt bụng đã mách bảo anh nhảy xuống cứu nạn nhân. Anh mang chiếc mặt nạ lên bờ, nhưng rồi một chuyện kỳ lạ xảy ra đêm đó.Khi đeo chiếc mặt nạ đó vào, Anh lập tức trở thành một con người kì quặc có nét nhí nhố như nhân vật hoạt hình. Trong lốt của Loki, Anh có những khả năng siêu tưởng điên rồ như biến đổi cơ thể, bay nhảy lung tung và dọa nạt người khác. Loki muốn làm người hùng, hành động vì công lý khi xử lý bọn gangster trong thành phố, đồng thời “vị cứu tinh” này lại bị cô ca sĩ xinh đẹp hớp hồn. “
Khi xem xong bộ phim Tôi liên tưởng đến những người mang mặt nạ trong cuộc sống thực tế.
Cuộc đời được diễn ra như một vở kịch, trong đó mỗi người chúng ta đang đeo mặt nạ và đóng những vai trò khác nhau. Đôi khi chính bản thân chúng ta cũng không nhận ra. Hay nói một cách khác, ít người đang sống với con người thật, với giá trị thật của chính mình.
Khi họ đeo những chiếc mặt nạ vào, họ có thể làm bất cứ việc gì mà họ muốn, họ có thể làm những hành động, cử chỉ mà bình thường họ chẳng bao giờ dám làm, họ sẽ trở thành một nhân vật nào đó mà họ thích, họ có thể là Ông Hoàng, hay một Triệu Phú. Không ai nhận ra thân phận thật của họ.
Mỗi một chiếc mặt nạ đều che dấu đi thân phận của họ, họ tự tạo nên cho mình một vỏ bọc mỏng manh trước những cái nhìn soi mói của người khác mỗi khi làm điều gì đó. Họ có thể tự tin hơn, mạnh dạn hơn, tự do làm những điều họ muốn. Nghèo mà không bị coi thường, khoác lên lớp mặt nạ cao sang, trở thành thương gia giàu có. Nhưng người giàu có thật sự thường bị gò bó về cách cư xử, họ không dám làm cái này, họ sợ cái kia, họ không được phép để người ta dị nghị về mình, họ không thể đến những nơi vui chơi bình thường khác mà họ ao ước được đến. khi đeo mặt nạ vào rồi, họ có thể đến bất cứ đâu, làm những gì họ muốn.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta luôn đeo trên khuôn mặt mình vô vàn những chiếc mặt nạ khác nhau để che đậy đi con người thật của mình. Có người đeo chiếc mặt nạ cảm thông để che đi cái nhìn thiếu thiện cảm trước số phận hẩm hiu. Hay những chiếc mặt nạ được phết bằng những màu sắc nhân ái, yêu thương, còn có cả những chiếc mặt nạ chân thành, độ lượng khoan dung. Còn lại những chiếc khác che đi sự cô đơn gặm nhắm, che đi sự ích kỷ nhỏ nhen, che đi lòng ganh ghét tỵ nạnh tiêu nhân, che đi tất cả những cái xấu của mình.
Vậy đã có ai trong số chúng ta từng đặt câu hỏi? Tại sao con người lại luôn đeo mặt nạ không ? Câu trả lời là. Đằng sau những chiếc mặt nạ ấy là những sự Toan Tính, lừa lọc, dối trá hay phản bội bán đứng người thân Bạn bè. Chúng ta đang sống dưới những lớp mặt nạ được thay đổi liên tục . Những chiếc mặt nạ ấy đáng lẽ ra phải được cởi ra nhưng có mấy ai thường xuyên tự soi gương mặt thật của chính mình để nhận thức rằng “ Nó thật đến bao nhiều? “ Để rồi khi đóng xong một vở kịch chúng ta dằn vặt, đau đớn không thể có cuộc sống bình thường như bao người khác … Thà là một cuộc sống bình dị, nghèo khó nhưng chúng ta được thật sự là chính mình thì mới cảm thấy hạnh phúc.
Hầu hết chúng ta luôn sống không thật với bản chất của mình, chúng ta bị mê hoặc với cuộc sống trước mặt. Không nhớ những vai trò đóng trong quá khứ, không đoán được những vai trò sẽ đóng trong tương lai. Dẫu biết thời gian cứ lặng lẽ trôi đi những xúc cảm đẹp nhất từ trong bản chất mỗi con người đều có thể bị chai sạn, và ra đi mãi mãi.
Nhưng cuộc sống muôn màu là vậy mặt nạ đôi khi cũng như một thứ phụ trang đi kèm khiến con người tự tin hơn, đẹp đẽ và thành công hơn. Những chiếc mặt nạ xấu có, tốt có. Chỉ khi vở kịch được kết thúc thì lúc đó chúng ta mới nhận ra được một điều rằng “ Mặt nạ vẫn chỉ là mặt nạ. Nó không bao giờ thay đổi được cuộc đời của mỗi con người “ ..
Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống xã hội hiện nay con người vì tự ti mặc cảm, nghĩ mình chẳng là ai nên phải khoác lên mình lớp vỏ bọc và đeo những chiếc mặt nạ đủ màu sắc. Nhưng họ đâu có biết rằng… họ sẽ mãi chỉ là những Tên Hề trên sân khấu Cuộc Đời.
*** Giả tạo một cách công khai, vẫn còn hơn "giả nai" để luôn tỏ ra mình khờ dại và "thực tế".
Vì thực tế là Con Người luôn có 2 bộ mặt để sống: 1 là mặt Thật, 2 là Mặt Nạ. Không phải mọi sự thật đều được phơi ra trước đôi mắt của thiên hạ ? Và không phải mọi lý lẽ nào ta vẫn vô tình nghe thấy hằng ngày ra rả bên tai đều là đúng.
Ranh giới của Thật-Giả luôn có những ngõ ngách đan xen vào nhau. Người khôn lanh, mồm mép sẽ biết cách luồn lách những câu chữ, những điệu từ để người nghe luôn cảm thấy gần như đó là sự thật, dễ nghe và dễ chấp nhận theo một chuẩn mực nào đó mà người đời thường gọi đó là "tính logic". Mức độ "nguy hiểm" và "trình cao" của dạng người này đôi khi cũng được công nhận về việc "dấu khéo" (hoặc là rất khéo) được những sự thật đến tận phút cuối, và thành công của họ lắm khi cũng được lặng thầm công nhận khi những điều họ che dấu đằng sau đã dần trở nên vô hại, vô ích và nguội lạnh đi theo thời gian.
Người ngu ngơ, lý trí khù khờ, ăn nói ương dở, tất nhiên sẽ không dễ để thuyết phục người khác rằng những điều mình nói là thật hay giả. Thực tế thì ranh giới của cái "khôn" và cái "ngu" đôi lúc cũng khó để xác định và dễ dàng để có thể nhận ra. Người ngu, thì họa cho là "ăn may", ắt cũng qua được kiếp nạn khi mọi thứ trở nên vô hại và không còn ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người "ngu" (hay là "khôn một cách...ngu") vẫn thường tự mãn cho là mình khôn, vui thay nhiều khi "trò đời" sẽ lại lật đổ tư tưởng đó của họ bằng những kẽ hở mà người ta sơ ý để lọt. Nước chảy qua tay, có là nước lọc hay nước lã, Sting Dâu hay Dr.Thanh, bạn có cố giữ bao nhiêu lâu trên lòng bàn tay mình rồi cũng sẽ có lúc nước theo dòng chảy rơi xuống đất qua những kẽ tay, hoặc tự tràn ra xung quanh đó thôi ?
Nhưng đôi khi những điều bạn nghe thoáng qua ở đâu đó, vẫn ẩn chứa sự giả tạo ở trong nó cả đấy ! Để biết ra một điều gì đấy, trừ phi bạn là người trong cuộc, hoặc là bạn chịu khó đi tìm cái gọi là sự thật đằng sau. Nhưng, không phải lúc nào bạn cũng sẽ tìm ra cái "thật" theo đúng nghĩa đen của nó như bạn muốn.  
Trong xã hội hiện đại, có vẻ như con người mất dần đi niềm tin trong nhau vì sự dối trá đang phô bày ở khắp nơi. Vì danh vọng, địa vị, tiền bạc, lợi lộc, tình ái…, người ta sẵn sàng bán rẻ uy tín, danh dự, bán rẻ lương tâm đạo đức của mình, đánh mất lòng tin nơi người khác. Người ta lừa dối nhau trong kinh doanh mua bán, trong lao động sản xuất, trong quan hệ giao tế, thậm chí cả trong văn hóa, y tế, giáo dục, và trong mọi hoạt động khác nữa của đời sống. Con người thật sự bất an khi mất lòng tin lẫn nhau, khi phải sống trong hoài nghi và lo lắng. Hãy suy nghĩ về điều đó, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng như mèo Kitty, và tất nhiên cũng không đến nỗi bi thương như "Final Destination".
Nhưng, hãy cứ đề phòng những điều xung quanh và đừng quên cảnh giác trước mọi "mưu mô", suy tính của Con Người, dù thân hay lạ. Vì rất có thể, vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn sẽ bị đả kích sau lưng về những điều mà người khác cho là giả tạo. Mặc dù, chỉ có bạn mới biết rõ nhất việc mình đang làm và những lý lẽ kéo theo bao quanh mà có thể đôi khi người khác sẽ thẳng mặt cho rằng đó là giả tạo. Nhưng cơ bản thì họ vẫn sẽ không thể biết hết những mục đích và nguyên nhân của việc làm đó, thậm chí họ sẽ thêm vào những lý lẽ theo hướng áp đặt của riêng họ để "góp phần" cho mọi thứ quanh bạn có thể trở nên "giả tạo một cách hoàn hảo" theo đúng như ý họ đang muốn. À ! Và vì thế mà mình sẽ trở nên "xấu một cách gián tiếp" trong mặt họ và những kẻ hùa theo. Nhưng, suy cho cùng thì giả tạo một chút cũng không xấu, quan trọng là bạn không cho đó là xấu, theo đúng lương tâm và những lý lẽ của riêng bạn (tất nhiên, theo cả những tầm nhìn mà tối thiểu với phần lớn những người xung quanh, điều đó không là xấu hoặc ảnh hưởng đến số đông).

Làm xàm tí thôi ! Tóm lại thì là ai cũng có 2 "cái mặt"  để "xài dần", tùy theo từng hoàn cảnh. Bạn cũng thế, Tôi cũng thế, tất cả chúng ta, ai cũng đều có như thế. Quan trọng là "mặt thật" hay "mặt nạ" có làm hại hay gây ảnh hưởng (trực tiếp / gián tiếp) đến người khác hay không.