Tuesday, 3 May 2016

6 CÂY CẦU GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ SÀI GÒN



6 CÂY CẦU GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ SÀI GÒN

 Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn có nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân. Với những người trân trọng các giá trị lịch sử, các cây cầu này là điểm đến để hồi tưởng về một thời lịch sử vàng son.

Cầu Thị Nghè

Cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè, nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu được cho là do con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân – bà Nguyễn Thị Khánh xây vào khoảng năm 1725-1750 để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè, nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè.
Ban đầu đây là cây cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bêtông cốt thép.​ ​Từ giữa thế kỷ 19, cầu được gọi là Thị Nghè cho đến nay. ​​​​​

Cầu Thị Nghè
Cầu Thị Nghè gắn với một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn

Địa bàn Thị Nghè là nơi gắn với những công trình cổ xưa chỉ còn lại trong kí ức của những người Sài Gòn như: cơ sở công nghiệp hãng Chén, nhà máy Dây thép Thị Nghè, hãng, hãng Mỡ Guyonnet, nhà in kiêm nhà sách Joseph Nguyễn Văn Viết…

Cầu Mống

Cầu Mống là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn. Cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4 vốn là vùng đất Khánh Hội xưa.​ ​Cầu do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894 nên mang đậm nét phương Tây
Cầu Mống dài 128 m, rộng 5,2 m, lề bộ hành rộng 0,5 m, được xây bằng thép kiên cố, có hình dáng vòng cung giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, ban đầu có nước sơn màu đen nhưng sau này lại được sơn lại màu xanh.
Hiện cầu hơn 100 tuổi đã được khôi phục dành du khách và người dân đến đi bộ, nơi chụp ảnh cưới, ngắm cảnh về đêm, đứng xem pháo hoa mỗi dịp lễ, tết.

Cầu Mống
Cầu Mống hơn 100 tuổi, một trong những cây cầu cổ xưa nhất ở Sài Gòn

Cầu Nhị Thiên Đường

Là một trong nhưng cầu lâu đời nhất Sài Gòn, cầu Nhị Thiên Đường dài khoảng 1 km được xây dựng từ năm 1925, bắc qua Kênh Đôi quận 8 của vùng Chợ Lớn. Cầu không chỉ có bề dày lịch sử, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua quốc lộ 50.

Cầu Nhị Thiên Đường
Sài Gòn xưa nhìn từ Cầu Nhị Thiên Đường

Điểm đặc biệt của công trình là hàng cột xanh rêu trên cầu tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ. Các mái vòm cong dưới chân cầu giống nhưng các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Mặc dù được xây trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại rất đặc biệt khi được xây dựng hoàn toàn bằng bêtông cốt thép.

Cầu sắt Bình Lợi

Bình Lợi là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cây cầu có thiết kế đặc biệt khi khịp giữa có thể quay để cho tàu qua. Cầu được xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret,  nơi làm việc của người kỹ sư nổi tiếng đã xây tháp Eiffel.
Sau 113 năm khai thác, cầu Bình Lợi đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu. Bộ GTVT TP. HCM đang thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ.

Cầu sắt Bình Lợi
Tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu Cầu sắt Bình Lợi

Cầu chữ Y

Cầu nối quận 5 và quận 8, do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941.​ Cầu có tên gọi chữ Y do cấu trúc cầu có ba nhánh giống như hình một chữ Y lớn: nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m; nhánh Hưng Phú dài 137 m. Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m tính luôn đoạn cầu dẫn dài 913 m. Khu vực lồng cầu (ở giữa) có ba nhánh rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Toàn bộ công trình công phu này khi xây dựng tiêu tốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.

Cầu chữ Y
Cầu chữ Y có cấu trúc đặc biệt

Cầu Bông (cầu Cao Miên)

Cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn – Gia Định.

Cầu Bông (cầu Cao Miên)
Một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn

Trước 1975, cầu Bông được xem là trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí cũ với hình cấu trúc như nguyên bản.