Wednesday 25 May 2016

TƯỞNG NHỚ THẦY TRẦN PHẠM HIẾU




TƯỞNG NHỚ THẦY TRẦN PHẠM HIẾU

Năm tôi học lớp đệ Lục P2 (lớp 7 bây giờ), đầu niên học thì cô Dương Thị Thanh Nguyên dạy bọn tôi môn Pháp văn. Bổng một hôm thầy Tô Quốc dẫn một thầy đến lớp tôi giới thiệu :
- Thầy giới thiệu với các em đây là giáo sư Trần Phạm Hiếu, kể từ hôm nay, giáo sư Hiếu phụ trách môn Pháp văn thay cho cô Dương thi Thanh Nguyên !

Ngay từ khi Thầy Hiếu xuất hiện từ cửa lớp, bọn tôi đã “nghiên cứu” thầy để đoán coi “ông nầy khó hay dễ” !
Điều đầu tiên đập vào mắt bọn tôi là cặp kính “dầy cộp như hai cái đáy ly cối uống la-ve” ! Dáng thì rất nhỏ con ! Tướng đi chữ bát !
Công việc đầu tiên của thầy là khảo sát lại “chình độ” của lớp ! Không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà tôi lại là thằng thầy gọi lên đầu tiên ! Sau khi xong màn thăm dò “chình độ”, câu nói của thầy làm bọn tôi nhớ mãi trong suốt 6 năm còn lại của thời “quần ka ki xanh áo trắng” là :
- Khi lên trả bài, các em không cần đưa tập cho tôi bằng 2 tay đâu ! Đưa nhẹ nhàng bằng một tay cũng được rồi ! Đưa 2 tay mà như “xĩa” vào mặt thì còn tệ hơn !

Thế rồi bọn tôi được học với thầy năm lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ. Điều đặc biệt là trong các năm nầy thây luôn dạy bọn tôi sau khi một giáo sư khác dạy 1 hoặc 2 tháng đầu niên học ! ?
Trong suốt 3 năm dạy bọn tôi, thầy rất ít khi ngồi tại bàn giáo sư, trừ khi trả bài lúc đầu giờ, và khi gần hết giờ dạy (thầy ngồi nơi bàn giáo sư để tháo kính ra lau)

Còn nhớ, vào năm đệ lục, có lần bọn tôi cá nhau là “sau khi tháo kính ra thì thấy có thấy đường hay không ?” Người thực hiện “hành động thực nghiệm” là tôi ! Chờ khi gần hết giờ dạy, lúc thầy ngồi tại bàn giáo sư tháo kính ra lau (kính và mắt), tôi làm bộ đi đến cửa sổ để bỏ rác, khi đi ngang chổ thầy ngồi, tôi đưa mặt nhìn sát vào mặt thầy rồi về chổ ngồi, sau khi thầy mang kính vào thì vẫn không nghe thầy nói gì về chuyện đó ! Vậy là thầy cận quá nặng rồi !

Sau khi hỏi bài xong, bao giờ thầy cũng nhắc ghế ngồi cạnh bạn ngồi đầu bàn của bàn đầu để giảng bài, thầy là người hút thuốc rất nhiều trong khi giảng bài, có lẽ chỉ kém thầy Phạm Thế Trúc ! nhưng sang hơn ! vì thầy hút PALLMAL, hộp quẹt gas RONSON (còn thầy Trúc thì BASTOS xanh, hộp quẹt cây !). Khi ngồi giảng bài, bao giờ thầy cũng để gói thuốc và hộp quẹt trên bàn thứ nhì của lớp. Vậy mới có chuyện !!! Vào năm đệ tứ, thầy luôn để ngay trước mặt tôi. Do vậy sau mỗi giờ ra chơi, tôi và mấy đứa bạn đều có điếu PALLMAL chuyền tay nhau “phì phà cho thơm râu” !

Trong suốt thời gian học với thầy, tôi chưa lần nào nghe thầy to tiếng với bất cứ đứa nào ! cho dù cũng có vài đứa có hành vi vô lễ, khiến bọn tôi bất mãn, chỉ ngay mặt nó bảo rằng : “đan mạch mầy ! mầy mà còn cà chớn với thầy Hiếu thì tao thoi vô mặt mầy !” vậy mà thầy vẫn tươi cười, nhỏ nhẹ giáo huấn !
Trong suốt thời gian giảng dạy, thầy thường dùng tiếng Việt để giảng về văn phạm cho bọn tôi, thầy chỉ nói câu tiếng Pháp trong trường hợp nầy “accord de modes et de temps” mỗi khi gọi bọn tôi lên bảng trả bài !

Ấy vậy mà ít ai biết, khi sống ở Pháp, thầy mang lon HẠ SĨ trong không lực Pháp, và đã tốt nghiệp bằng CỬ NHÂN TRIẾT HỌC ! Máu văn nghệ thì lại . . . “đầy mình” !

Còn nhớ năm đệ tứ, trong khi giảng về động từ, thầy nói : “động từ có nhiều kiểu chia ” ! tôi cắc cớ hỏi ngay : “mấy kiểu thầy” ? “ba mươi sáu kiểu !” thầy trả lời ngay lập tức, cả lớp cười ầm ! còn tôi thì chịu thua thầy trong cách ứng xử nhanh nhẹn của thầy trong trường hợp nầy ! nín thinh luôn !
Thầy cũng có một thói quen phải nói không giống ai là vào buổi sáng (8g – 10) nếu không có giờ dạy thì ra trước hiên nhà, nằm trên ghế bố đọc báo (khoảng 5 – 7 tờ), với 1 ly cối cà phê đen (nhấn mạnh là ly cối, khoảng nửa lít !!!) và gói PALLMAL, bao giờ nắng lên cao quá không chịu nổi mới vào nhà nghỉ đọc ! lúc đó thì ly cối cà phê cũng đã cạn ! còn chổ nằm đọc báo của thầy thì . . . ôi thôi là tàn thuốc ! ! !

Sau năm 1975, tôi ít còn thấy thầy (vì bận đi “mần ruộng”).
Đùng một cái tôi nghe tin thầy âm thầm ra đi (khoảng 45 - 50 tuổi) bởi chứng ung thư ! Khi đưa tiển thầy thì chỉ có vài người thân, Trần văn Quận, Trương Kiến Dũng và vài ba đứa học trò mà thôi !! Đáng buồn là khi thầy nằm viện, tang lễ của thầy tôi lại không có mặt !
Thầy ra đi để lại vợ và một con trai và một căn nhà, hiện con thầy đã lớn, vợ thầy thì hằng ngày phải đi bán vé số để kiếm sống. Nhìn dáng ốm yếu và đen đủi của cô (vì phải dầm mưa dải nắng) mà lòng thấy nao nao ! Nhưng biết làm sao hơn ! Chỉ biết mua giúp hội cô vài tấm vé số thôi !

Ôi ! Thầy tôi ! Một đời tài hoa mà lại bạc mệnh !

 Lý Văn Hào, HD 64-71
 25/05/2016