Tuesday 17 May 2016

NHỮNG TRUYỆN NGẮN... THẬT NGẮN



NHỮNG TRUYỆN NGẮN... THẬT NGẮN

LÒNG MẸ
VÕ THÀNH AN

Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra ở riêng nên nhà cửa bừa bộn. Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, dĩa; quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được. Chiều cầm mẹ ở lại chơi để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi. Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm, tháng sau sẽ đi nữa.

MÙA THI
VÕ THÀNH AN

Năm tôi thi tốt nghiệp, bấy giờ gọi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số đón tôi ở trường thi cốt đề hỏi: “Con làm bài tốt không?” Sợ ba nhọc lòng tôi nói: “Ba ở ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được”. Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi: “Ba con có đến không?” Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo: “Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu”.

CHỊ ƠI!
HOÀNG THỊ HẢI

(Thương tặng chị Hải Yến)
Ngày xưa, bố mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối mịt đi về. Chị phải chăm sóc em thay mẹ. Trưa, dắt em đi học, trời nắng. Chiều, trời bất chợt đổ mưa. Chị mượn được một cái áo mưa nhường em mặc. Mẹ về, thấy chị ướt như chuột lột, ngỡ chị tắm mưa, đánh đòn. Chiều nay, trời cũng bất chợt đổ mưa, em co ro tránh mưa dưới mái phố. Có ai nhường áo cho em mặc như chị ngày xưa không? Chị ơi!

MẸ TÔI !
VƯƠNG THỊ VÂN ANH

Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học. Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho mẹ, mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng mẹ tôi có biết tôi nói gì với mẹ đâu.
Mẹ tôi không biết chữ!

QUAY LƯNG, GẬT ĐẦU
HOÀI ÂN

Ngày ấy, Ông bà nội phản đối ba mẹ tôi với lý do của người lớn không ai hiểu được... Ba đã từ bỏ mọi thứ để nhận lấy cái gật đầu của mẹ... Rồi anh chị tôi ra đời...
Chỉ còn một tháng nữa, tôi cất tiếng chào đời. Và cũng với lý do của người lớn, ba quay lưng với mẹ, từ bỏ gia đình. Mẹ cũng gật đầu. Vành nôi tôi chông chênh từ đó...
Hai mươi năm, cuộc sống cứ tiếp diễn... Ba mẹ anh đã phản đối với những lý do của người lớn không ai hiểu được. Hôm qua anh quay lưng và tôi cũng gật đầu. Hạnh phúc?... Khổ đau?...

XỨ LẠ QUÊ NGƯỜI
TRẦN NINH BÌNH

Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gửi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đề mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm. Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia dình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?”


TÂM BÌNH

Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: “Mày có buồn hông?”. Nó yên lặng nhìn xa xăm!
Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: “Con còn có Nội - nó chẳng còn ai!”

TRẦU CHO NỘI
NGUYỄN PHÚ CÁT

Mỗi khi đi chợ, mẹ thường hay nấn ná thật lâu bên hang trầu, cố chọn cho được nhũng lá trầu thật ngon mang về làm quà cho bà nội.
Nhưng lần nào ăn trầu, bà cũng chép miệng chê trầu không được ngon bằng trầu do chính tay ông nội ngày còn sống trồng dưới gốc mít nơi góc vườn. Từ ngày hồ tiêu lên giá, cha đã nhổ bỏ trầu đi trồng thay vào đó mấy gốc hồ tiêu.

EM TÔI
NGUYỄN CHIẾN

Lúc tôi còn nhỏ, người ta nói có quạ kêu thì một người rừng láng phải chết. Mỗi khi nghe tiếng kêu rùng rợn ấy, tôi ôm em tôi vào lòng... Ngày tôi vào Nam nó đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới cho em thật lớn. Trở về tôi liệt nửa người. Nó chăm tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao giấu được nỗi buồn... Mấy hôm trở trời. Tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu cho tôi nghe, rồi gọi chim phượng hoàng ùa vào nhà cho lộng lẫy.



NGƯỜI CHA
Đ. DŨNG

Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi. Cũng như những lần rời bến trước, chị ở lại cùng con. Cầm tay anh mà không đưa tiễn. Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi... Đã đủ cả: Lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối... Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại nhà. Chị hỏi. Anh cười với chị và con. - “Anh quên thuốc?”. Nhưng anh mở tủ, lấy bút. Hôn vợ và con. Anh vội vã rời nhà. Bão số 5. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con, anh đã nhớ ký...

MẸ TÔI
LĂNG DŨNG

Chiến tranh ác liệt.. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi. Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ oà... Bức ảnh bố được hạ xuống.
Trên bàn thờ... mẹ lại một mình.

MẸ XƯA
ĐỖ THÀNH DŨNG

Cô rời quán lên xe. Phở ngon... Cô ăn không hết nửa. Xe mới: Nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con.
Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi “Sao tay chân mẹ run?!” Lại thôi, cô cũng mỏi và đói...!
Giờ đường về không mẹ. Không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió.

BÀI HỌC ĐẦU

NGUYỄN THỊ HOA HIÊN
Sáu tuổi, tôi theo bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Toi gắng sức sải chân dẫm vào, nghĩ: “Mình sẽ không trượt ngã”. Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến: “Con hãy đi với chính bước chân của mình. Đừng đi trên dấu chân có sẵn”. Tôi nhìn bố lắc đầu không hiểu.
Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời bố xưa. Hiểu ra, nhưng bố đã không còn.