Wednesday, 25 May 2016

LỤC BÌNH TRÊN SÔNG ( Song Nhi )



LỤC BÌNH TRÊN SÔNG

Cái tin Dung sẽ về vào tuần sau khiến xóm nhỏ cạnh triền sông này rộn ràng lên. Cũng dể hiểu thôi, xưa nay đâu có ai trong xóm đi nước ngoài như Dung, đi du học hẳn hoi nhé dù chỉ là một suất học bổng ngắn hạn 6 tháng.

Ở vùng quê quanh năm quen với ruộng đồng, được như Dung cũng đáng là niềm hãnh diện của chòm xóm. Bà con chờ Dung về để hỏi xem bên ấy có như họ coi trên truyền hình mỗi tối không. Nhưng người mong chờ Dung nhất có lẽ là chị Hạnh đưa đò, con bác ruột của Dung. Từ ngày Dung đi, chị gỡ từng tờ lịch, trông ngóng từng ngày. Một tuần trước ngày Dung về, chị gần như chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi đêm. Có nhiều lần, nửa khuya, chị ngồi trước cửa nhìn xuống con sông sáng lấp lánh dưới ánh trăng trước nhà, thở dài từng tiếng nao lòng.
Mười mấy năm trước, khi Dung còn là con bé gầy nhom hay nhõng nhẽo vòi vĩnh, chị đã quen với anh Thanh ở cuối xóm gần nhà Dung. Dung biết chứ bởi con bé chính là người mang thư giúp hai người. Nhiều lần chị Hạnh lấy cớ dẫn Dung đi chơi, thật ra là hẹn anh Thanh. Chị Hạnh yêu anh Thanh - con bác Sang từ lâu lắm, từ thời tóc chị dày và đen mượt. Nhưng cha mẹ chị không đồng ý gả chị cho một người hồi xưa từng xuất thân là ''người ở'' trong gia đình.
Nghe đâu ngày xưa mẹ anh Thanh đã từ chối tình yêu của ba chị Hạnh. Con gái một ông chủ đất mà đi yêu và lấy ba anh Thanh - một người không mảnh đất cắ́m dùi. Và khi sinh anh Thanh, bà mất do chứng hậu sản. Bởi thế, ba chị Hạnh rất ghét cha con anh Thanh. Ông cho là vì họ mà người ông yêu phải khổ, phải chết. Còn ba anh Thanh sau khi vợ chết sáng xỉn chiều say, vùi nửa đời vào men rượu, di chứng là căn bệnh dạ dày và phổi đang hành hạ ông những ngày xế chiều. Một mình anh Thanh gánh vác chuyện nhà từ nhỏ. Anh Thanh hiền lành, học giỏi nhất nhì trên trường nên xóm làng, bà con ai cũng quý, cũng thương.
Khi ba chị Hạnh hỏi cọ́ phải đang qua lại với anh Thanh hay không, chị cúi đầu thay cho câu trả lời, ông đã ném cái chén trà thẳng vào đầu chị tứa máu. Cũng vì yêu anh mà chị không được đi học tiếp và bị ba cắt trụi mái tóc thay lời cảnh cáo. Anh Thanh cũng phải chịu không biết bao cay đắng vì yêu chị. Người ta cho là anh không an phận trèo cao, nghèo nhất vùng mà đem lòng yêu cô gái nổi bật nhất vùng. Từ bé, Dung đã thương hai người như anh chị. Dung từng tức giận đến nỗi núp ở bụi rậm chọi sình lén vào những người mà con bé cho là bức áp anh chị. Hậu quả Dung bị nhiều trận đòn từ mẹ vì cái lý do ngỗ nghịch ấy.
Dung còn nhớ ngày chị Hạnh nhờ nhắn giúp anh Thanh. Khi đứng canh cho hai người nói chuyện trong chòi giữ lúa nhà mình, Dung nhớ chị khóc nức nở trong khi anh Thanh cũng ôm lấy chị mắt đỏ hoe. Hình như chị thề thốt gì đó với anh kiếp này. Dung không đủ lớn để hiểu chuyện gì xảy ra nhưng nghe được chuyện là họ hẹn trốn với nhau. Sau hôm đó, Dung chẳng biết nhà chị Hạnh đã xảy ra chuyện gì, chỉ thấy xóm làng rộn lên khi chị gởi thiệp cưới. Tên chú rể là con trai ông chủ nhà máy gạo, nhà ở đầu xóm trên con sông. Nổi tiếng về giàu có và lêu lổng. Một lần ở Sài Gòn về thăm nhà, hắn tình cờ gặp chị và từ đó quyết tâm theo đuổi chị. Thậm chí nhiều lần đón đường chọc ghẹo chị.
Dung không còn được gặp chị từ hôm ấy mà hình như không ai được gặp chị thì phải. Chị bị nhốt ở trong phòng, không cho ra ngoài nửa bước. Dung đã nhiều lần cố vào gặp chị theo ý muốn của anh Thanh nhưng chẳng tài nào gặp được. Còn hai ngày nữa là đến ngày cưới, nhà trên, nhà dưới rộn rã nói cười.

Nhà dưới thì mấy bà mấy chị tính toán để chuẩn bị lo nấu nướng xôn xao. Nhà trên thì đàn ông, thanh niên quét mạng nhện, đánh lại bộ lư đồng, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên. Người nói đàng trai giàu, chị có phúc. Người nói chị phải xứng được như thế. Ngày đó, Dung mới gặp được chị. Cũng như bao lần chị nhờ Dung chuyển mảnh giấy cho anh Thanh, chị chảy nước mắt khi dặn Dung:
 - Chị sống chết gì cũng nhờ vào tờ giấy này, em nhớ cẩn thận, đừng cho ai biết, nhất là nhà chị.
Khi Dung đến nhà anh Thanh đưa mảnh giấy, anh không viết trả lời như bao lần khác. Dung chỉ thấy thái dương anh giật giật khi xé tờ giấy quăng ra sau hè, mắt đỏ hoe. Với cái giọng cương quyết, anh dặn Dung về nói với chị, anh nhận được thư rồi và sẽ y như thế. Trong nhà, ba anh vẫn ho từng cơn không dứt.
Nửa đêm hôm đó, khi chị Hạnh leo khỏi nhà bằng lối cửa sổ, vừa chạm chân xuống đất thì ba chị đã đứng lù lù phía sau lưng. Nhìn bộ dạng và gói quần áo, ông dễ dàng đoán ra chị định bỏ trốn. Thường ngày, ắt chị phải bị một trận đòn nhưng ba chị lần này không nói không rằng nắm cánh tay chị lôi xềnh xệch vô phòng, nét mặt ông đanh lại.
Tiếng ông gầm lên sau cánh cửa đã đóng:
- Mày đang làm cái trò gì thế? Mày định bôi tro trét trấu lên mặt cha mẹ mày hả? Mày trả hiếu cha mẹ mày vậy sao? Nhà này phải tội gì mà cứ nợ cha con nhà khố rách áo ôm đó? Tao đi đốt cái chòi của cha con nó ngay bây giờ cho mày xem. Tao không cho cha con nó sống yên ổn lấy một ngày cho mày vừa lòng.
Có tiếng đồ vật đổ ngã và hình như có cái bóng ôm lấy chân ông kèm theo tiếng nức nở van xin của chị Hạnh:
- Con lạy ba, ba thương giùm con, ba nói gì con cũng nghe hết. Con không trốn, con lấy chồng theo ý ba. Xin ba tha cho cha con họ. Con lạy ba. Nếu không, con đập đầu con chết liền ở đây.
Sao đó, ba chị Hạnh ra khỏi phòng và quay trở lại với sợi xích, xích chân chị vô giường. Má chị từ bên ngoài về, vội khóc lóc van nài ông đừng làm như thế. Ông còn dọa sẽ đốt nhà cho cả gia đình đều chết nếu chị làm ông mất mặt với xóm làng. Cuối cùng, hôn lễ cũng diễn ra tốt đẹp, cô dâu vẫn bước lên chiếc xe kết đầy bông hoa với hàng nước mắt không ngừng tuôn và mẹ chị lý giải con gái nào đi lấy chồng mà chả khóc lóc.


Đưa dâu đi rồi, hàng xóm mới phát hiện ra một chuyện là cha con anh Thanh tự nhiên biến mất như chưa từng hiện diện ở cái xóm nhỏ này. Nhà cửa, đồ vật còn đó, chỉ không thấy anh và ba anh. Người ta đoán chắc anh buồn chuyện chị Hạnh nên bỏ xứ đi. Vài người thương xót mối duyên của hai người cũng chỉ biết lắc đầu nhè nhẹ. Từ đó về sau không ai biết được tin tức gì về họ vì họ cũng không còn ai thân thích ở cái xứ này...

                         Đêm đầu tiên chị Hạnh về nhà chồng là căn nhà sàn ở cạnh mé sông của ba má chồng cho riêng con trai họ. Chồng chị vẫn nhậu nhẹt với đám bạn ở Sài Gòn, còn chị mệt mỏi sau bao nhiêu ngày, cộng thêm tiếng nước sông vỗ bờ êm êm nên chị ngồi trên giường dựa lưng vào tường thiu thiu ngủ. 


Chợt có bàn tay sờ soạng trên người chị và mùi rượu nồng nặc phả vào mặt khiến chị hốt hoảng choàng tỉnh. Theo phản xạ, chị hất tay ra và co rúm người lại. Bàn tay vẫn chờn vờn trước ngực chị khiến chị hoảng sợ hất mạnh thêm một lần, có tiếng người ngã nhào xuống giường. Tức thì, chị Hạnh nhận được hai cái bạt tay như trời giáng chảy cả máu mũi kèm theo câu rít:
- Chẳng qua tao đang gặp vận xui thua bạc cả năm nay muốn ngủ với mày xả xui chứ tưởng quý báu lắm sao? Cưới mày chủ yếu là cho ông bà già vui bụng, vừa ý, chịu chi ra mớ tiền nữa mà thôi. Ngoan ngoãn đi, còn không thì no đòn với ông.
Hắn ghì lấy chị như con thú say mồi. Chị giãy giụa thì hắn đấm vào người chị. Khi hắn xé một bên ngực áo, chị gom hết sức của mình tống cho hắn một đạp té ra sàn nhà. Trong khi hắn đang lồm cồm bò dậy, chị nhào xuống chụp cái ghế ở cạnh bàn phấn đập mạnh vào thanh cửa sổ bị khóa. Cửa sổ bung ra, chẳng thèm nhìn lại hay suy nghĩ một giây, chị nhảy ùm xuống dòng sông tối om.
Tiếp giáp với nước sông, chị lại nhớ tới những gì vừa trải qua, chị buông xuôi, chìm dần vào làn nước. Trong mơ tỉnh giữa cái ranh giới sống chết khi dòng nước ôm lấy chị, chị vẫn tưởng như vòng tay anh những lần vỗ về. Bên tai chị văng vẳng lời anh nói "cả đời này chỉ yêu mình chị, ước mơ duy nhất trong đời của anh là đón chị về với đủ lễ gia tiên như bao người con gái khác" bởi chị xứng đáng được như thế.
Thế là bản năng sống trỗi dậy, vốn là con gái vùng sông nước, chị vùng vẫy nổi lên. Một đám lục bình lớn từ đâu trôi qua, chị bám lấy nương người vào nửa mê, nửa tỉnh bơi qua bên kia sông. Không ai hiểu làm sao mà chị có thể bơi qua con sông lớn như thế trong đêm hay phép lạ nào đó đã xảy ra... Trong bộ dạng lếch thếch, tả tơi, chị đi thẳng về nhà Dung. Trốn vào nhà chứa củi, chị nằm gục xuống mê man.
Đêm hôm đó, con chó Mực cứ sủa mãi ở nhà củi, mẹ Dung bèn thắp đèn ra xem. Mẹ Dung góa chồng, mẹ ở vậy nuôi Dung khi cha mất lúc Dung còn trong bụng. Họ hàng bên nội khá nể mặt mẹ. Tính mẹ được cho là dám ăn dám nói. Mẹ từng vác chổi rượt một ông xóm trên khi giả say tán tỉnh mẹ. Khi Dung bị lay dậy nửa đêm thì chị Hạnh đã được mẹ thay cho bộ quần áo khô và nằm trên giường, còn mẹ thì cạo gió cho chị.
Mẹ sai Dung giã nước gừng và nấu nồi xông, dặn là không được nói cho ai biết chị ̣đang ở đây. Nhìn khuôn mặt chị sưng húp, in hằn những ngón tay và những vết bầm đỏ trên người, mặt mẹ Dung đầy sắc giận dữ. Đêm hôm đó, trong cơn mê sảng, chị không ngớt la hét, khóc lóc kêu "anh đừng bỏ em"...
Nghe tin chị Hạnh nhảy sông ngay trong đêm tân hôn, cả xóm náo loạn đi mò xác nhưng không thấy. Mẹ chị ngất lên, ngất xuống oán trời, than đất. Ba chị ngồi im trên bộ trường kỷ nhìn ra sân cả tiếng đồng hồ không nói lời gì. Chỉ có Dung biết chị bị sốt và đang nằm ở trong phòng của mẹ mà thôi. Một tuần sau, khi chị hết bệnh và lúc cả xóm nghĩ chị chết mất xác thì một buổi sáng mẹ dặn Dung:
 - Chút con đi học về ghé qua nhà bác, thưa với bác là chiều nay mẹ lên nhà có chuyện nhờ hai bác.
Chiều hôm đó, mẹ dẫn chị Hạnh và Dung lên nhà bác. Dung lấp ló ngoài hàng cột ở bên hiên nghe trộm tiếng được tiếng mất. Dung nghe tiếng vỗ bàn rất mạnh của bác và sau đó là tiếng giận dữ của mẹ Dung:
 - Anh chị muốn giết con mình lần nữa hả?
Sau câu nói đó thì bác trai hình như là im lặng và không nói gì nữa...
Cuối cùng thì chị Hạnh được tự do sau khi trả lại sính lễ và bồi hoàn chi phí hôn lễ cho nhà trai. Chị cũng không còn ở nhà với ba má chị nữa. Chị không muốn ba má và em út bị dị nghị, điều tiếng. Chị một mình dọn đến ở căn nhà cũ của anh Thanh. Chị gây dựng lại mảnh vườn, dựng cái quán trước nhà làm bến đò nhỏ và mưu sinh bằng nghề đưa đò từ đấy.
Ngay trên con sông chị từng hẹn hò người yêu và cũng chính con sông này chị đã bơi về trong đêm định mệnh ấy. Chị nói với mẹ Dung, chị không dám mong nối duyên gì với ai, chị chỉ muốn giữ lại mảnh đất để có chỗ mà ở. Nhưng Dung biết chị chờ anh nếu không thì tại sao chị sống một mình tới tận bây giờ dù biết bao người vẫn theo đuổi chi.̣

Thời gian cứ như dòng sông êm ả lặng lẽ trôi, ngày ngày, chị vẫn đưa Dung qua sông đến trường. Thấm thoát thì hơn mười năm. Dung lớn lên, học hết cấp ba thì lên Sài Gòn học tiếp. Ngày Dung đi, chị giúi những "đồng bạc thấm mồ hôi" vào túi Dung, dặn Dung ráng học cho giỏi, mẹ Dung, chị sẽ chăm sóc thay cho. Chị vẫn đẹp mặn mà dù bao vất vả. Chị vẫn chờ và anh Thanh vẫn biền biệt không tin tức sống hay chết.
Dung còn nhớ vào trước ngày được nhận học bổng du học vài tháng, chị đột ngột lên Sài Gòn tìm. Dung hỏi chuyện gì mà chị phải lặn lội tới đây, giọng nói chị đứt quãng, mắt đỏ hoe:
- Chị biết anh Thanh còn sống và hiện ở một xứ sở xa xôi nào đó. Khoảng 5 năm trước, anh có gửi một lá thư về cho một người họ hàng bên mẹ anh ở xóm trên báo tin rằng ba anh đã mất từ lâu, anh cũng đã có gia đình, dặn họ đừng nói cho ai biết tin về anh, nhất là chị. Nhưng có một người là con dâu trong nhà đó vốn cùng xóm với chị, xót thương chị trông tin nên hôm nay khi vô tình thấy được cái thư lẩn trong đống giấy tờ cũ đã lén lấy và đưa nó cho chị.
Tay chị run run khi đưa thư cho Dung, hỏi Dung có biết nơi đó thế nào, ra sao không, có thể đi tới đó được không? Dung coi địa chỉ trên bì thư thì mừng muốn hét lên bởi đó là quốc gia Dung sắp đến học. Nhưng khoảng cách địa lý xa gần từ nơi Dung học tới chỗ anh thì Dung không biết. Dung hỏi chị tại sao không biên thư cho anh, bây giờ liên lạc dễ dàng, đâu như hồi xưa. Chị cúi mặt nói anh đã dặn trong thư rõ ràng không cho chị biết tin thì chị làm sao dám biên thư. Cái địa chỉ này đã 5 năm trước, biết anh còn ở nơi đó không?
Dung hứa với chị dù xa xôi thế nào, Dung cũng sẽ tìm đến anh, xem anh sống ra sao như ý chị. Chị dặn nếu anh đang sống cùng gia đình, có hỏi về chị thì nói chị đang sống bên nhà chồng cùng con cái, không được nói cho anh biết chị bây giờ sống một mình, chị sợ ảnh hưởng hạnh phúc của anh. Chị dặn Dung mà thỉnh thoảng lại đưa tay áo lau nước mắt. Dung thương chị lắm, mong sao có thể nhanh trả lời những thắc mắc của chị.
Khi ổn định việc học, Dung lập tức hỏi thăm bạn bè cách đi đến nơi anh ở. Sau khi tra danh ba,̣ Dung biết chắc anh vẫn còn sống nơi đó. May mắn là từ nhà anh tới nơi Dung học không xa lắm! Vì muốn biết rõ thực hư, Dung không hề liên lạc báo trước. Trưa chủ nhật, cô đến bấm chuông cửa nhà anh. Dung không cầm được nước mắt khi nhìn thấy anh. Mười mấy năm, anh thay đổi đến nỗi nếu gặp ở ngoài đường chắc Dung không nhận ra. Nhìn anh khắc khổ, tóc đã bạc phân nửa và điều Dung bất ngờ nhất là anh không phải đứng mà ngồi trên một chiếc xe lăn bằng điện.
Sau bao nhiêu chuyện xóm làng thì Dung nói chuyện chị. Nhưng Dung không giữ lời hứa với chị, Dung kể hết. Từ chuyện chị lao xuống sông trốn về nhà ngay đêm tân hôn đến chuyện chị vẫn vò võ chờ tin anh, chị sống ngay trong căn nhà cũ và cả chuyện chị nhờ Dung đến thăm anh. Dung kể hết bởi Dung nghĩ chị không việc gì phải chịu thêm nỗi đau nào nữa. Dung hỏi anh tại sao tự nhiên biến mất biền biệt như thế và sao anh thành nông nỗi như thế này?
***
Vào ngày mà Dung trao tờ giấy chị hẹn anh tối nay đi trốn đi, thật ra mẹ chị đã theo dõi và bà cũng theo chân Dung tới nhà anh. Khi Dung tung tăng ra về, bà vào gặp anh, khóc lóc, van lạy anh. Bà nói anh hãy vì hạnh phúc của chị, lấy anh thì chị sẽ khổ cả một đời. Thêm vào tính chồng bà không dễ gì bỏ qua chuyện chị trốn theo anh. Bà xin anh hãy đi khỏi xứ ngay đêm nay, bà sẽ cho anh một số vốn để lập nghiệp nơi khác và ba anh có tiền để trị bệnh. Đúng ra, thông thường thì anh không bao giờ làm theo ý bà nhưng nhìn cha bệnh, mạng như ngọn đèn trước gió, bỏ trốn với chị, cha anh sẽ ra sao? Nói chi có thể trị bệnh cho ông nên cuối cùng anh đã nhận lời.
Anh dẫn cha xuống xuồng đi xứ khác ngay đêm với sự trợ giúp của một người thân tín của bà. Nhưng cuối cùng thì tất cả số tiền cũng không cứu được mạng ông. Cha chết, thất chí, anh theo nhóm người đi lao động. Đưa đẩy thế nào, anh sang đến đây, lập gia đình, cứ tưởng hạnh phúc đã mỉm cười. Nhưng một tai nạn lao động khiến anh chấn thương cột sống, liệt hẳn nửa thân người. Vợ anh ly dị như một điều tất yếu xảy ra. Hiện anh sống khá ổn cùng với khoản trợ cấp và một công việc bán thời gian nhẹ nhàng.
Nhìn anh kể, Dung đọc được trong mắt anh nỗi đau đáu về chị. Dung biết anh hẳn còn yêu chị lắm, nhất là khi nghe kể chị đang sống ra sao, Dung thấy mắt anh đầy nước. Trao anh lá thư của chị, Dung cho anh địa chỉ, kêu anh tự nói với chị những gì anh muốn nói. Dung không giúp chị nói dối anh nên cũng không muốn giúp anh nói dối chị, khi anh đề nghị đừng nói hiện trạng của anh cho chị biết, sợ chị buồn, lại khóc. Anh không muốn chị phải khổ vì mình nữa.
Khi Dung hỏi anh có nghĩ đến chuyện nối lại tình với chị không? Anh nói ngày xưa anh lỗi hẹn, đã "bán" tình yêu của chị để lấy khoản tiền từ mẹ chị. Dù là vì cha già nhưng lòng tự trọng không còn thì sao anh dám gặp chị. Ngày trước, khi vẹn nguyên, anh đã không về tìm chị mà đi cưới vợ. Bây giờ, anh đã ra như thế này, thôi thì cứ để chị giữ hình ảnh tốt đẹp về anh.
Trước ngày kết thúc khóa học một tuần, Dung có báo cho anh biết. Dung sẽ về Việt Nam vào tuần sau. Anh nhờ cô đến nhà đem ít quà về cho chị kèm một phong thư. Khi tiễn Dung ra cửa, anh nói:
- Anh biết kêu em nói dối là không đúng và em không chịu như thế.Nhưng xin em thương lấy chị, anh bây giờ chẳng thể bù đắp được gì ngay cả làm một người chồng. Chị vẫn còn kịp để có hạnh phúc mới. Lẽ nào em lại muốn chị khổ tiếp khi gắn chặt nửa đời còn lại với anh. Không phải sự thật nào cũng phải biết em ạ! Có những điều không nói vẫn tốt hơn. Em lớn rồi em hiểu phải không?
***
Ngày Dung về cũng tới, chị đón Dung ngay ở bến sông. Khi lên bờ, Dung trao cho chị gói quà nói anh gửi, nói anh vẫn còn sống, khoẻ mạnh và anh có thư cho chị. Dung thấy má chị ửng hồng, mắt long lanh như mười mấy năm về trước. Buổi chiều, Dung lại đi bộ sang nhạ̀, thấy chị ngồi giữa đám bông bí vàng đang trổ nhìn mông lung, Dung kêu đến tiếng thứ ba, chị mới giật mình. Chị bảo phải đi cắt lục bình về cho đám heo và lũ vịt háu ăn. 
Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ cắm sào gần mép nước, Dung hỏi:
 - Heo chị nuôi hồi nào lớn vậy, mà nuôi chi nhiều vậy chị, sao chị làm hết được công việc?
 Chị trả lời :
 - Hồi em đi bên đó, chị bắt mấy con về nuôi cùng bầy vịt. Chị tính cuối năm chị bán rồi gom luôn khoảng tiền chị để dành, chị sửa cái nhà cho nó khang trang hơn.
Tiếng của Dung nói tiếp:
- Nhà vầy sửa gì nữa chị? Chị mới cất ba năm trước thôi mà.
Tiếng chị nhẹ như gió:
 - Chị tính sửa thêm cho anh Thành có về... à không, có dẫn gia đình về thì có chỗ tốt hơn để ở.
Dung không ngăn nổi sự tò mò trong lòng hỏi dồn:
- Trong thư anh nói sao, anh nói anh về hả chị?
Chị im lặng, cúi mặt xuống đưa liềm cắt đám lục bình...
Biết mình lỡ lời, Dung cũng im lặng. Dung đưa tay níu một đám lục bình lớn vừa trôi ngang. Tự dưng trong Dung miên man một câu hỏi: "Trong đám lục bình này có đám lục bình nào ngày xưa chị đã nương thân bơi về nhà trong đêm không? Đám lục bình này có lớn bằng đám đó không?".
Chợt Dung nghe tiếng cái liềm rơi trên xuồng. Dung xoay lại nhìn thì chị Hạnh đã quăng cái liềm giữa lòng xuồng, hai tay chị ôm mặt khóc nức nở. Dung chưa biết chuyện gì xảy ra, chị đã nói trong tiếng nấc:
- Chị biết chị là kẻ vong phụ, ngày xưa chị không đến nơi hẹn như đã hứa nên anh oán chị. Chị đâu có dám mong nối tình. Chị biết chị bị tiếng chồng bỏ, chị cũng không muốn anh mang tiếng thị phi gì, chỉ muốn được nhìn anh lại một lần. Vậy mà anh cũng nỡ khước từ. Anh nói có gia đình hạnh phúc, anh không muốn gặp chị, không bao giờ anh trở về nữa, chị quên anh đi. Lúc em chưa về, chị còn hy vọng mơ mộng có một đứa con với anh để an ủi những tháng ngày còn lại. Chị thiệt là không biết xấu hổ cho thân phận mình...
Dung chạy lại ôm lấy chị. Nhìn đôi vai nhỏ của chị run lên từng hồi, vài sợi tóc bay bay theo gió, Dung muốn nói với chị: "Thật ra đêm đó không ai đến nơi hẹn và những gì anh nói với chị trong thư đều là giả. Anh thương chị biết bao". Nhưng những lời anh nói với Dung hiện lên trong đầu như chặn ngang cổ họng Dung lại.
Nước mắt chị ước đẫm vai áo Dung chị nói trong tiếng nấc ngắc quãng:
- Sao ngày xưa chị còn bám vô đám lục bình làm chi? Không buông tay chết luôn cho rồi. Chị còn chờ cái gì đây, chị sống để làm gì đây?
Dung ôm chặt lấy chị hơn, không biết phải trả lời hay an ủi chị ra sao. Mắt Dung nhìn ra khoảng sông mênh mông sóng nước.
Trời chạng vạng tối, lục bình lặng lẽ trôi kín cả mặt sông...

Song Nhi