Sunday, 20 December 2015

CHUYỆN TÌNH BUỒN CỦA TÁC GIẢ "NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU"



 Gia tài âm nhạc đồ sộ, với những bản tình ca sống mãi trong lòng người hâm mộ nhiều thế hệ, nhưng cũng như những bài hát của mình, cuộc đời riêng của Phạm Đình Chương bao trùm bởi một chuyện tình buồn...

Người con của gia đình nghệ sỹ
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) là một trong những nhạc sĩ có gia tài âm nhạc rất đồ sộ với nhiều bài hát đến nay vẫn được yêu thích: Hội trùng dương, Ly rượu mừng, Trăng mường Luông, Trăng rừng, Xóm đêm, Xuân tha hương…
Ngay từ thuở nhỏ, theo truyền thống gia đình, Phạm Đình Chương đã được học nhạc lý, nhạc cụ và cũng sớm bộc lộ tài năng âm nhạc trước tuổi. Sau Cách mạng Tháng Tám, gia đình Phạm Đình Chương hầu hết hòa mình vào cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc bằng việc tham gia ban văn nghệ kháng chiến. Những thành viên gia đình ông lặn lội khắp các chiến trường, đem giọng hát và các tác phẩm tài hoa đến với chiến sĩ, người dân mọi miền đất nước.
Những năm ấy, các thành viên trong gia đình Phạm Đình Chương, làm cách mạng một cách rất "nghệ sĩ", đã thành lập nên ban nhạc Thăng Long để sáng tác và hát lên những ca khúc yêu nước, chống ngoại xâm. Sau năm 1954, gia đình họ chuyển vào Sài Gòn sinh sống, ban nhạc Thăng Long lúc này cũng bắt đầu làm nên tên tuổi tại miền Nam. Những cái tên Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Thái Hằng (chị em gái của Phạm Đình Chương), Phạm Duy (chồng Thái Hằng) luôn "làm mưa làm gió" tại các phòng trà, tụ điểm âm nhạc của Sài Gòn.
Mối tình của chàng nhạc sĩ tài hoa
Thời điểm này, tham gia diễn cùng ban nhạc Thăng Long đôi khi còn có thêm một nữ ca sĩ- diễn viên mà danh tiếng, giọng hát và thân hình gợi cảm cũng nức tiếng Sài Gòn. Đó là Khánh Ngọc. Lúc này, Phạm Đình Chương đang tỏa sáng với những ca khúc thấm đẫm niềm hoài hương: Xóm đêm, Khúc giao duyên, Đôi mắt người Sơn Tây. Khánh Ngọc, với tiếng tăm và giọng hát quyến rũ, càng làm cho những ca khúc ấy vang xa.
Những đêm diễn bên nhau, sự đồng cảm của những tâm hồn nghệ sĩ khiến tình yêu dần nảy sinh. Họ tạo thành một cặp nhạc sĩ - ca sĩ nổi tiếng tài sắc thời bấy giờ. Mối tình ấy đã đi đến cuộc hôn nhân ngập tràn hạnh phúc. Họ có với nhau một đứa con kháu khỉnh.
Nửa hồn thương đau...
Nhưng niềm vui ngắn tựa gang tay, Phạm Đình Chương không biết rằng trái tim người ca sĩ vợ ông vốn đa tình và dễ lay động, mau đổi màu yêu thương. Khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp và ngây ngất trong men say hạnh phúc, thì Phạm Đình Chương nghe rất nhiều tin đồn về sự "ngoại tình" của vợ mình.
Rất nhiều người thân quen cho ông biết, bà Khánh Ngọc đã có hẹn hò với người khác, người tình của bà cũng là một nghệ sĩ nổi danh ở Sài Gòn. Yêu vợ say đắm, Phạm Đình Chương nhất quyết không chịu tin vào những lời đồn thổi ấy. Thế nhưng, niềm tin đã bị sụp đổ khi ông tận mắt trông thấy việc ngoại tình của vợ.

Bà Khánh Ngọc thời trẻ

Một người bạn, vì yêu quý và thương Phạm Đình Chương bị lừa dối, đã sắp đặt việc dẫn ông đi ăn ở một quán chè ngon nổi tiếng ở Nhà Bè, mà thực ra, người này đã biết trước rằng Khánh Ngọc và tình nhân thường lui tới nơi đây. Tận mắt chứng kiến cảnh ngoại tình, Phạm Đình Chương không nói được một lời, ông ôm ngực lảo đảo ra về. Điều đau đớn nhất với ông, người ngoại tình với vợ ông lại chính là một thành viên trong gia đình, là rể nhà ông.
Nhạc sỹ Phạm Đình Chương sinh năm 1929, mất năm 1991, trong một đại gia đình nghệ sĩ nổi tiếng từ thời trước Cách Mạng Tháng Tám. Cha ông là nghệ sĩ đàn tranh Phạm Đình Phụng. Trong gia đình, các con dâu rể, kể cả cháu đều là những nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ: Ca sĩ Thái Hằng, ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung, nhạc sĩ Phạm Duy, kịch sĩ Kiều Hạnh...

Bật mí về nhân vật thứ 3
Sau này, một đoạn hồi kí được cho cho là của "nhân vật ngoại tình" đã tiết lộ nguyên do dẫn đến mối tình "ngoài luồng" này là thời điểm Phạm Đình Chương thường có công việc đi xa, người vợ trẻ ở nhà, lui tới, đụng chạm cùng một thành viên trong gia đình, rồi từ đó nảy sinh tình cảm. Đều là những người nghệ sĩ, với trái tim dễ rung động và lối sống phóng khoáng, họ không dừng lại trước giới hạn cần thiết, mà lao vào nhau. Trong đoạn hồi kí này, "kẻ thứ ba" không bày tỏ niềm hối hận vì đã dan díu với nữ ca sĩ bốc lửa, mà chỉ bày tỏ sự tiếc nuối vì đánh mất tình anh em... Theo nhiều đồn thổi và lập lờ của báo chí Sài Gòn thời đó, người thứ ba trong câu chuyện trên chính là nhạc sĩ nổi tiếng P.D, anh rể Phạm Đình Chương, tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa ai xác nhận độ chính xác của thông tin trên.

Gia đình nhạc sỹ

Nói về Phạm Đình Chương, ngày tháng sau đó là thời gian tột cùng đau khổ với ông. Thương và còn si mê vợ, ông những mong bỏ qua tất cả để làm lại từ đầu. Thế nhưng, ý định không thành vì báo chí Sài Gòn thời ấy, nhất là những tờ "lá cải" đâu dễ gì bỏ qua câu chuyện gây sốc này. Bao nhiêu hình ảnh "ăn nem" của bà Khánh Ngọc, rồi cảnh tượng Phạm Đình Chương thất thểu ra về sau đêm "quán chè Nhà Bè" đều được bêu lên mặt báo không sót chi tiết nào. Chính dư luận và báo chí đã gián tiếp "ép" Phạm Đình Chương đến bước đường ly hôn.
Một mình nuôi con nhỏ, Phạm Đình Chương ngập chìm trong nỗi đau. Chính niềm cô đơn, tuyệt vọng đã giúp người nghệ sĩ thăng hoa trong những ca khúc thấm đẫm thương đau: Khi cuộc tình đã chết; Người đi qua đời tôi; Đêm cuối cùng; Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển... Và nhất là Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền).
Ca khúc khi vừa sáng tác đã tạo nên rung cảm mãnh liệt trong lòng người nghe, còn sống mãi và làm lay động trái tim đến tận ngày nay, nhưng ít ai biết nguồn gốc bài hát ấy. Nhiều giai thoại kể lại, bài hát bi ai này ra đời trong một đêm Phạm Đình Chương mất ngủ và đang trên bờ vực sống chết. Chuyện là, một đêm mưa đi diễn gặp lại vợ cũ, ông bày tỏ chân tình bằng cách muốn đưa bà về, nhưng bị Khánh Ngọc lạnh lùng cự tuyệt.
Bao kỉ niệm, bao yêu thương lẫn đau đớn trỗi dậy khi còn một mình trong căn phòng trống vắng, khiến ông những muốn tìm đến cái chết. Nỗi đau đớn đến bàng hoàng ấy đã được ông biến thành những điệu hát say đắm và day dứt:
Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao nghìn trùng bỗng xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Em ở đâu?
Anh ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn hoen mắt sâu...
Bài hát ấy, mỗi khi được Thái Thanh, em gái ông hát lên, đều khiến người nghe không khỏi rơi lệ cảm thương cho người nhạc sĩ chung tình với trái tim tan nát...
Còn bà Khánh Ngọc, năm 1961, bà sang Mỹ để học thêm về ngành điện ảnh và gặp một du học sinh Việt Nam, hai người đã kết hôn và có được ba người con. Nghe đâu, những năm tháng cuối đời, niềm ân hận vì chuyện ngày xưa thường trỗi dậy trong lòng. Những khi nghe Nửa hồn thương đau, bà đều sa nước mắt...

Trân Trân