Monday 20 June 2016

CƠN MƠ... ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )




CƠN MƠ...


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Cứ mỗi lần có một chuyến tàu lớn đưa đồng-bào tạm-trú tạ đảo Kuku đi Galang thì thế nào cũng có màn mua bán lại những căn nhà lá trên bãi biển giữa người đi và những kẻ đến sau, dù những căn nhà đó không biết do ai làm? Và làm lúc nào? Có lẽ do những người đầu tiên đến đây. Họ mua bán đổi chác , bù tiền, “cò kè” y hệt như ngôi nhà của họ ở Việt-Nam, nhất là những người giàu có, ra đi mà mang theo được nhiều tiền. Bọn nhà nghèo như Diễn thì cứ vẫn tiếp-tục ở trong những cái chòi rách tả-tơi. Diễn ngồi trong quán café nhìn ra con đường dẫn xuống Cao-ủy LHQ sáng nay bỗng “nhộn” dáng người, điều đó làm cho chàng biết thế nào ngày mai cũng có chuyến đi và chàng nghĩ ngay đến một cái chòi nhỏ nào đó để chàng sửa lại sơ-sơ mà nằm một mình, bởi vì khu nhà tập-thể ở mé rừng đã giột nát mà lại đông người, lúc nào cũng nghe tiếng trẻ khóc, tiếng cạo soong nồi, tiếng chửi bới giành nhau từng chỗ nằm, tiếng chửi thề ồn-ào của mấy thằng thanh-niên so-đo từng công-việc chia cắt không đều cho những người độc-thân bỏ cuộc phải sống chung…

   Diễn móc vài chục rupias (tiền Indo) đưa cho con bé con ông chủ quán, lấy gói thuốc Hero, loại rẻ tiền nhất ở đây mà chàng đã đổi công làm phụ thợ hồ ở cao-ủy bỏ vào túi, rồi cúi người thật thấp chui ra khỏi mái tôn nóng hực trên đầu, với dụng-ý sẽ đi một vòng quanh nhà kho, là nơi có nhiều căn nhà lá bỏ trống, mục nát, không còn ai bán buôn gì được. Diễn đứng tần-ngần trước một căn, mà hai cái mái của nó đã muốn chạm xuống mặt đất. Nó còn đứng vững được để gọi là “cái nhà” vì mái lá nó ngã áp vào thân cây dừa.Ở đây người ta không thích những căn nhà cạnh những cây dừa, kể từ ngày có một người bị chết bẹp trong mái lá, chỉ vì một buổi chiều mưa giông, gió biển thổi mạnh, đất cát lại mềm bởi nước mưa, nên làm ngã một cây dừa. Ngày bằng lòng đặt mấy cây vàng Kim-thành vào tay ông chủ tàu, ai cũng tự coi mình như bỏ đi, nhưng khi đã vượt qua được cái biển mênh-mông đầy bão-tố,tai-ương chầu -chực từng giây… nêǹ khi bước chân được lên đất rồi, thì họ đâm ra quý đời sống ngay. Một cơn ho nhỏ cũng làm cho họ lên nhà thương xin thuốc liền. Họ khai đủ thứ bịnh để xin cho được nhiều thuốc về để ở đầu giường…Tắm biển, họ chỉ ở gần bờ, hụp xuống sơ-sơ rồi vô.Họ sợ ra sâu, vì lỡ có con cá mập nào đó cắc-cớ rong chơi, mà buồn miệng đớp thử, thì “kẹt” vô cùng. Cũng nhờ vậy mà Diễn còn được căn nhà, nếu sửa sơ nó lại bằng cách vào rừng chặt vài khúc cây về, chống đỡ nó lên một thời-gian cũng phù-du như những khoảng thời-gian khác mà chàng đã sống trong cuộc đời.Gió dưới biển thổi lên từng đợt mạnh, lôi cuốn những mảnh giấy vụn, và những bọc nylon đựng gạo của Cao-ủy phát, bay tứ tung, lẫn với tiếng lao-xao của những hạt cát va vào những lon bia rỗng nghe vui tai…Diễn ra ngồi trước cửa nhà, trên cái phần gốc dừa quỳ xuống, có lẽ do những cơn bão xa xưa. Căn nhà chàng cũng hơi vui so với những căn nhà khác, vì nó ở ngay trên con đường từ nhà thương lên Cao-ủy tuốt bờ biển, nên vào những buổi chiều khi cơm nước xong, người ta thường đổ xuống biển ngồi chơi, hoặc vào Cao-ủy xem T.V màu. Diễn để hai tay ra phía sau gáy, rồi nằm ngửa lên thân cây dừa ở thể hơi nghiêng, ngậm điếu thuốc phì-phà, nhìn trời mây… Từng bầy muỗi đói trong nhà bay ra vi-vu, mà qua chút ánh sáng hoàng-hôn trên biển, người ta có thể thấy được những đường bay xoắn trôn ốc của chúng, Đó là lối bay của những đàn ong mà chàng thường thấy trong những lần đi lấy mật ở quê nhà, hồi còn bé.Lối bay thật đẹp mắt và cũng thật là “tình” bởi vì chị ong chúa bay đến đâu thì mấy anh ong đực bay đến đó,làm thành một cái vòng “cận-vệ” xung quanh, mà chẳng con nào cắn con nào! Một xã-hội tình-nghĩa và lớp-lang như thế, nên loài ong ở đâu người ta cũng thấy sự gắn bó, sự xây-dựng suốt đời…trong lúc loài người chạy trốn nhau, hết thế hệ này đến thế hệ khác, và trong lúc chạy như vậy, vẫn không quên kiếm cái gì đó để trục lợi trên những đồng-loại của mình! Như những căn nhà không có bằng khoán ở đây. Diễn đang mả̃i-mê nhìn đàn muỗi tan dần vào khoảng không trước mặt, bất chợt chàng nghe tiếng khóc của một đứa trẻ thơ lè-nhè và lời dỗ-dành của mẹ nó, đi từ hướng biển lên: “Con đừng khóc nữa, để rồi mai mẹ xin ban Đại-diện căn nhà tốt hơn, thế nào cũng có cái võng cho con đu đưa mà? Ở đây mà dễ dầu gì có cái võng như bên nhà bà Nội con được? Không có thì mẹ sẽ gởi tiền nhờ mấy ông Indo vào đất liền kiếm cho con. Thôi con nín đi, ngang chướng quá, không ai chịu nổi đâu! Biết vậy hồi hay, tao bỏ mày lại với phía Nội mày cho rảnh”.Giọng người đàn bà có vẻ trở nên giận-dữ hơn ỏ phần cuối câu nói.Nhưng điều rõ hơn, mà Diễn có thể thấy được là nỗi bùi-ngùi của người đàn bà khi nói đến ba chữ: “phía Nội mày” như một dứt khoát tình-cảm nào đó đã xảy ra…mà đứa bé chỉ là một níu kéo sau cùng….

   Dưới khoảng ánh-sáng mù-mờ của những chiếc đèn ống từ quán của người Indo hắt lên, và những vì sao nhấp-nháy trên bầu trời biển khơi quá rộng. Diễn nhìn thấy được vóc dáng của hai mẹ con người đàn bà. Người mẹ hãy còn trẻ, khoảng độ hai mươi ngoài, đứa bé gái khoảng bốn tuổi. Hai mẹ con nắm tay nhau đi trên con đường mòn nhỏ đầy những cát mịn. Người mẹ mặc cái váy dài rộng phùng-phình, loại váy của những bà đầm già mặc trong nhà, xin từ kho áo quần của Cao-ủy, đứa bé mặc áo thun ngắn tay và một cái quần may bằng vải sọc ở V.N. loại vải chỉ có khuynh hướng cuốn
lên và ngắn đi từ-từ như tình-cảm của con người. Người mẹ cố đi chậm lại để chờ đứa bé bước theo, mà miệng nó vẫn lằm-bằm một điều gì, pha lẫn với tiếng thút-thít. Người mẹ dừng lại, ngồi xuống, đưa tay kéo chiếc quần đứa bé lên, và lặng-lẽ hôn nhẹ lên mái tóc của đứa con một cách âu-yếm. Gió thổi dạt mái tóc người đàn bà qua một bên, làm cho Diễn thấy cần cổ trắng ngần của người đàn bà, hiện rõ trong khoảng đen chập-chờn, bởi những ngọn dừa chao-động dưới ánh-sáng neon xanh-xao, gợi lại cho chàng nỗi nhớ xa-xăm, về một thời nào đó đã trải qua, mà kết-luận cũng chỉ là những ngậm-ngùi..Chàng vẫn lặng-lẽ nằm trên gốc dừa nghiêng, sần-sù nứt-nẻ như da của một người già. Diễn đưa tay mò trong túi áo, rút ra một điếu thuốc đã nhàu, chàng nhẹ-nhàng kéo thẳng nó ra, và gắn lên môi hút. Ánh lửa của que diêm lóe lên, làm
người đàn bà giật mình, đứng lại nói:

   -Trời ơi, anh nằm giữa đường mà im khe, làm tui hết hồn…
   -Hai mẹ con cô đi đâu mà về khuya vậy?

  Người đàn bà chỉ vào đứa bé nói:

   -Con nhỏ này nè, đêm nào cũng đòi dắt đi coi T.V tuốt dưới Cao-ủy mà có chịu yên cho đâu, cứ coi nửa chừng lại đòi về, và mãí cằn-nhằn về vụ cái võng. Ở đây ăn chực nằm chờ, mà làm như ở bên nhà không bằng, khổ ơi là khổ!

   Đứa bé đứng lặng-thinh, hai tay ôm sát chân mẹ nó. Đôi mắt đen xinh. Người đàn bà nhìn vào căn nhà tối thui, hỏi vẻ thắc-mắc:

   -Sao mà anh không thắp đèn đuốc chi hết trơn vậy?

   Diễn cười lên sằng-sặc, làm người đàn bà ngạc-nhiên, hỏi
tiếp:

   -Thiệt đó chứ, sao anh lại cười?

   -Đèn đuốc “chó” gì, ở có một mình. Cơm nước thì đâu có nấu nướng, khúc bánh mì và lon đồ hộp là xong, giải-quyết gọn từ chiều rồi. Tối ra gốc dừa nằm chơi, có buồn ngủ thì đánh phóc lên chiếc sạp đó là “thăng” ngay. Đâu có dùng đèn vô cái khoảng
nào, cô? Lại thêm cho mấy con muỗi bâu vào…

   -Nhà anh mua lại của mấy người sắp đi hở?

   -Tiền đâu mà mua? Làm phụ thợ hồ cho Cao-ủy, mỗi ngày nó phát cho một cây Hero là quá rồi. Nhà sập, người ta bỏ không thèm ở, tôi vào rừng đốn cây, mới sửa lại khi chiều đó cô. Ở chung với mấy thằng nhóc con trong kia, tụi nó ồn-ào quá, chịu không nổi.Nhà này người ta chê vì nó sắp sập, mà lại bên cái gốc dừa, nên ai cũng sợ chết…

   Người đàn bà mỉm cười khôi-hài:

   -Bộ anh không sợ chết sao?

   -Thà chết vì cây dừa, còn hơn ở trong đó mà nghe chúng nó giành nồi niêu soong chảo, chửi bới om-sòm…Hai mẹ con cô cũng ở trong đó phải không?

   -Dạ, tui thì sao cũng được, nhưng con nhỏ này nó ngủ võng quen rồi, nên trong đó nằm dưới đất, nó trở mình khóc sáng đêm, làm phiền họ quá, tui thấy cũng kỳ, nhưng biết làm sao đây?

   Nghe nói thế, Diễn cầm cái hộp diêm, quẹt một cây soi cho người đàn bà đó thấy bên trong căn nhà rồi nói:

   -Cô xem thử cái võng bằng dây gai này của chủ cũ bỏ lại, coi nó nằm được không?

   Người đàn bà cúi đầu bước vào, đưa tay đè thử lên chiếc võng,rồi nói:

   -Được, được anh à, còn tốt lắm!

   Con bé đưa mắt nhìn theo có vẻ như thèm thuồng. Người mẹ nhìn con bé mỉm cười hỏi:

   -Con thích cái võng này không Linh?

   Con bé khép-nép ôm sát người mẹ nó và bẽn-lẽn gật đầu.

   Diễn mỉm cười vui-vẻ nói:

   -Thôi, cô đem vô trong đó cột cho nó ngủ đi, kẻo nó đòi hoài, tội-nghiệp!

   -Rồi anh nằm trên cái gì?

   -Thôi mà, lấy đi! Tôi mở cho.

   -Nhưng mà trong đó là hội-trường rộng mênh-mông, đâu có chỗ nào
mà cột võng, anh?

   -Ừa nhỉ?

   -Hay tôi để lại cho cô căn nhà này, tôi đi kiếm căn nhà khác.

   -Đâu được, anh vất-vả lắm mới có căn nhà này chứ bộ?

   -Tôi đàn ông, con trai, hồi trước có đi lính và tù hơi lâu, nên khổ quen rồi, nằm đâu mà chẳng được? Nói thực đấy, hai mẹ con cô về đây mà ở. Đàn bà mà nằm ở trong chỗ tập-thể như vậy cũng khó-khăn lắm, nói xin lỗi chứ…

   Diễn nói đến đó bỏ lửng, vì nó sắp phải đụng đến những điều không tiện nói ra, có liên-quan đến vấn-đề vệ-sinh của đàn bà, nên chàng yên-lặng giây lâu, rồi tiếp:

   -Nếu tôi bỏ căn nhà này, thì tôi chỉ tiếc mỗi cái gốc dừa quì này mà thôi.Trời chiều lòng mình nên cho nó nghiêng-nghiêng, tối-tối ra đây nằm phả khói, nhìn sao … cũng thấy vui…

   Người đàn bà cười lớn, nói giễu:

   -Thôi thì, tối anh ra nằm trên gốc dừa ôm nó mà ngủ luôn đi!

   -Với điều-kiện là hai mẹ con cô phải về đây mà ở, tôi mới có lý-do để ngủ gốc dừa chứ?

   Cả hai người đều cười lớn như họ đã quen nhau từ lâu…Rồi người đàn bà vẻ mặt trở nên nghiêm-trang nói:

   -Thôi, bây giờ tôi nói như thế này nhé?

   Cô cứ nói đi, không sao đâu!Điều quan-trọng là chiếc võng cho bé Linh và một chỗ ở tạm kín-đáo cho một người đàn bà như chị, chứ tôi có hề gì? Đời lính và đời tù đã dạy cho tôi về sự chịu đựng và lòng bao-dung đối với kẻ khác. Vật-chất nó chỉ nuôi được thân xác con người, nói rõ hơn là những bắp thịt, chứ nó có nuôi tâm-hồn của ai đâu?

   -Dạ, thỉnh-thoảng tôi mới nghe được một người như anh nói thế.Điều đó rõ ràng nhất trong nhà hội, ngày nào mà không nghe người ta chửi nhau chỉ vì giành một chiếc chiếu rách, một cái soong lủng…Nhưng tôi vẫn thấy kỳ-cục khi tôi, bỗng dưng đến đây, rồi lại  “đuổi” anh ra gốc dừa…Nói chơi cho vui, chứ kỳ lắm anh à. Mặc dù
đó là lòng tốt của anh đối với hai mẹ con tui, nhất là cái võng cho bé Linh. Thôi thì để cho “dễ coi” một chút, tui đề-nghị như thế này nhé?

   -Vâng, cô cứ nói đi.

   -Anh nhường lại cái võng cho hai mẹ con tôi, võng rất bự, nó cũng tiện cho việc tui nằm ru cho cháu nó đỡ sợ, còn anh thì vẫn nằm cái sạp bên đây, cũng để cho tôi đỡ sợ, chứ ở đây một mình, tôi cũng không dám. Thân đàn bà, con mọn mà anh?

   -Cô nói cũng phải, nhưng “mang tiếng” chết. Riêng với tôi thì chẳng sao, tôi sợ cho cô đó.

   -Ăn nhằm gì anh? Điều quan-trọng là do ở mình đấy chứ.

   Suy-nghĩ một giây lâu, Diễn nói vẻ thành-thật:

   -Điều mà tôi áy-náy nhất trong việc này, không phải tôi sợ mang tiếng cho tôi, bởi vì tại sao mình lại đi sợ hãi điều nó ở ngoài mình? Nhưng những lầm-lẫn, có khi nó vẫn làm mình buồn lòng, dù biết rằng trong thâm-tâm mình cũng thanh-thản, tỉ dụ như tôi vẫn ngại là cô nghĩ tôi tạo điều-kiện để “tán” cô như mọi người, nhưng
cô là kẻ ở trong cuộc, cô biết rõ sự việc hơn ai hết, phải không?

   -Tôi biết anh sẽ nói điều đó như một thái-độ bình-thường.Nhưng nếu vậy, thì chẳng bao giờ tôi muốn ở đây cả.

   -Thôi thì sao cũng được. Tùy cô! Miễn sao bé Linh và cô vui-vẻ là được rồi. Có lẽ khoảng nửa tháng nữa tôi đi Galang, “ăn đời ở kiếp” gì ở đây đâu cô?

   -Một ngày mà thực lòng cho nhau, cũng quý chứ anh?

   Câu nói của người đàn bà trở nên dịu-dàng dâng tràn lên ánh mắt long-lanh, như có cái gì đó vừa buồn tủi vừa mộng-mơ…

                                                
   Chiều nào Diễn cũng thấy hai mẹ con bé Linh đều ra ngồi gốc dừa hứng mát. Thỉnh-thoảng bé Linh chạy vòng-vòng chung quanh căn nhà,rồi ngồi xuống lượm những chiếc vỏ ốc biển bỏ vào túi. Người mẹ ngồi lặng-lờ đôi mắt mơ-màng nhìn ra hướng biển xanh.Bất cứ một người con gái nào, khi đã trải qua thời-kỳ làm đàn bà rồi, thì cái nhìn về đời sống bao giờ cũng đổi thay, đổi thay đến không còn dấu vết gì của tuổi thanh-xuân, mặc dù họ hãy còn rất trẻ. Bởi vì thực-tế đời-sống mà họ đã trải qua để làm một người đàn bà, nó không giống như những ước mơ của tuổi mới lớn lên, bao giờ cũng được vẽ ra với lòng thành của một người lãng-mạn. Có lẽ đó là thời-kỳ hạnh-phúc nhất của một đời người, bởi vì nó chỉ xảy ra một lần trong đời mà không bao giờ tái-phát. Người đàn bà vẫn để mặc đứa bé gái tự chơi một mình. Những lúc như vậy, có lẽ nàng đang nghĩ đến những điều đã xảy ra bên kia bờ biển xanh, nó có liên-quan không ít với cái câu: “phía bên Nội mày”, khi nàng bực-bội về những ngang-chướng của bé Linh, mà nàng không khuất phục nổi. …

Diễn đi làm phụ thợ hồ ở Cao-ủy về, sau khi đã ra biển để nguyên cái quần dài mà lặn xuống nước, cho cuốn trôi đi những nhọc-nhằn của một ngày vác những thùng san-hô để làm bê-tông. Chàng bước đi thanh-thản như mọi buổi chiều, trên tay lúc nào cũng cầm cái bọc nylon, trong đó có một cây thuốc Hero, mà người thợ cả Indo đã trả một ngày công cho chàng. Thực ra, nỗi buồn tủi không tránh được, khi chàng ngửa tay nhận món thù-lao tội-nghiệp đó, nhưng chàng cũng tự̣ an-ủi rằng: “Mình làm trâu ngựa cho kẻ thù đồng loại đã bao năm trời tù cật-lực đâu có đồng xu nào?”.Dù vậy Diễn vẫn không cầm được nước mắt, khi chàng một mình đứng mãi ngoài bãi xa, nước tới đầu gối, cong người, cố vớt những phiến san-hô bén ngọt, bỏ vào một cái thùng thiếc đựng dầu hôi cũ rích, có vẽ hình con gà bên ngoài, dưới đáy rỉ sét đã lủng
ra từng lỗ nhỏ, rồi vác lên vai, từng giọt nước biển mặn chát chảy thành dòng, khô đi, để lại trên người chàng những vệt muối trắng dài, nổi lên làn da đen sạm, giống như chàng đang quàng một tấm vải sọc nâu. Diễn tủi thân không phải vì công việc cực nhọc,bởi vì sự lam-lũ ở đây, không bằng cái góc của một ngày tù cải-tạo bên nhà, nhưng chàng tự cảm thấy lẻ-loi vô cùng, khi trong mấy ngàn người tỵ-nạn ở đây, chỉ có một mình chàng lặn-lội ngoài biển làm công việc đó, để chỉ nhận một thứ thù-lao tượng-trưng, mà trong đó chàng có thể thấy được sự chèn ép của con người. Nhưng
nếu chàng từ-chối công việc đó, thì chàng sẽ phải đương đầu với một quá-khứ mà chàng cố quên đi, vả lại, lấy gì đắp-đổi vào những khoảng trống chi-dụng hàng ngày thật nhỏ-nhoi, bởi vì khi bước chân lên đảo, Diễn cũng chả chờ mong gì một sự trợ giúp của thân-nhân đã ra được Hải ngoại trước xa chỉ vì lòng tự-trọng không muốn ngửa tay xin xỏ ai điều gi, dù là ruột thịt. Và điều buồn tủi hơn, cho đến giờ phút này, nghĩa là lúc chàng đã bước chân lên vùng đất tự-do, chàng vẫn còn nhìn thấy những ngựa trâu, những áp-bức, những  chèn ép của những người chuyên sống trên lưng của kẻ khác, dù ở đây cũng chỉ là một nước nghèo…    Mãi suy-nghĩ như thế, Diễn đã tới căn nhà bé nhỏ của mình từ lúc nào không hay, khi người đàn bà từ-tốn đứng dậy, hỏi:

   -Sao hôm nay về trễ quá vậy anh?

   -Thấy buồn-buồn, nên ra cầu tàu ngồi một lát.

   Người đàn bà có vẻ áy-náy, thành-thực hỏi:

   -Sự có mặt của hai mẹ con em trong căn nhà này, có là nguyên-nhân của những nỗi buồn đó không anh? Bởi vì…bởi vì…

   Trời ơi! Sao lại nói thế hở Ly? Lâu nay Ly không mường-tượng ra được một căn nhà mà nơi đó có một người đàn bà trẻ ngồi mộng-mơ bên những nụ cười của một đứa trẻ thơ sao? Đoạn Diễn cười lên sặc-sặc mang lại cho người đàn bà một chút niềm tin.

   Người đàn bà mỉm cười, nói giọng âu-yếm:

   -Em vẫn ngồi đây chờ anh về ăn cơm đó chứ. Khi chiều Ly có hái được ít rau sam ( một loại rau màu hồng mọc hoang đầy trên đảo) nấu tí canh với Pâté (do Cao-ủy phát), nó có vẻ “quê nhà”̀ lắm…!.

   Diễn cười vẻ ngạc-nhiên, nói giọng ngọt-ngào:

   -Cám ơn Ly, tôi ăn khúc bánh mì ở shop rồi, sao bữa nay lại “tình” quá vậy Ly?

   -Thôi mà, chọc quê hoài em “xí” gốc dừa của anh cho mà xem.

   Người đàn bà nói giọng nhỏng-nhẽo và đi vào trong nhà lo dọn cơm. Diễn đưa cái bọc nylon cho bé Linh bảo để trên đầu sạp cho chàng, rồi lại ngồi trên gốc dừa nói vọng vào:

   -Ly à.

   -Gì vậy anh? Em dọn cơm hai anh em mình ăn cho vui nghe.

   -Ừa, nhưng chiều nào dường như Ly cũng ra ngồi một mình ở gốc dừa này phải không?

   -Dạ, có sao không vậy anh?

   -Không sao cả, nhưng tôi thấy những khi như vậy, Ly có vẻ xa-xăm - một loại xa-xăm đang ăn mòn đời-sống, bởi vì khuôn mặt Ly lúc đó thấp-thoáng điều gì đó không yên-ổn hiện lên nơi đôi mắt của Ly…Và,đó chính là lý do khiến tôi không dám về sớm trong những buổi chiều, bởi vì tôi rất trọng đời-sống riêng tư của kẻ khác!

   Người đàn bà vẫn im-lặng, lúi-cúi lau từng cái chén và nói giọng ngậm-ngùi:

   -Ly xin lỗi anh nghe, cũng không ngờ những khoảng đời-sống riêng tư của em, nó lại có “chỗ” trong suy-nghĩ của một người. Em cám ơn anh.!

   Người đàn bà nói giọng thấp xuống:

   -Thôi, vào ăn cơm đi anh, em vừa mới hâm tô canh xong, anh kêu dùm con bé Linh cho em chút.

   Trong bữa cơm đạm-bạc, chỉ có canh rau sam, và một ít thịt hộp. Ba người ngồi quây-quần quanh một tờ giấy báo, bên cây bạch-lạp mập-mờ, trong căn nhà lá ọp-ẹp, ở một nơi mà họ không bao giờ định tới, lại có những chia sẻ cho nhau từ những mảnh đời chưa hề thố-lộ, nhưng nó vẫn thấp-thoáng trên đôi mắt của từng người. Ly bới cơm ra từng cái chén nhựa xanh, như san-sẻ những tình-cảm của chính lòng mình. Nàng cầm cái thìa múc từng muỗng canh đỏ hồng màu rau quê mẹ để chan lên những hương ấm tình nồng, mà nàng chợt bắt gặp trong những lúc tưởng chừng như đời nàng đã hết, khi bố của Linh chỉ còn là chiếc bóng mờ, đủ để gợi lại cho Ly những cơn buồn tủi. Diễn với nỗi khốn cùng của một người tù vừa mới được về sau sáu năm trâu ngựa. Một thời-gian cũng đủ để cho một người đàn bà thường tình lãng quên, và xếp đặt cho mình một đời sống khác không có những bận tâm. Và Linh, một cô bé chỉ
biết yêu cái võng hơn mọi người, với người bố chỉ là một khái-niệm mơ-hồ trong tuổi thơ, được đồng-hóa như một lỡ-lầm của người mẹ, khi bà xem đó chỉ là một rủi-ro tình-cờ của cuộc-đời hằn lên những thù hận, biểu lộ qua bức tường tình-cảm cách ngăn: “phía Nội mày”. Ly bùi-ngùi nói với Diễn:

   -Đã lâu, bây giờ em mới thấy một bữa cơm có vẻ gia-đình, anh
Diễn.

   Diễn lặng-lẽ giây lâu, rồi mỉm cười nói giọng cay đắng:

   -“Gia-đình” của những người không có gia-đình!

   Người đàn bà chợt nhìn lên khuôn mặt của Diễn như chừng muốn kiểm-nghiệm lại cái lòng thành nơi người vừa mới nói ra câu nói đó, vì nàng không hiểu bốn chữ” “không có gia-đình” nó chỉ có ý-định ám-chỉ những người không có thân-nhân tại đây, hay nó bao-hàm cái ý-nghĩa bơ-vơ từ bên kia? Bởi thực ra, hai người cùng chưa nói ra lời tâm-sự nào, kể từ lúc quen nhau, ngoài những buồn tủi riêng tư được nhìn thấy trên những ánh mắt bất chợt ở những lúc họ ngồi một mình. Người đàn bà lại cúi xuống bưng chén cơm lên ăn một cách hững-hờ, vừa nói:

   -Thực-sự, em rất ân-hận về những buổi chiều ngồi nơi gốc dừa, mà từ đó anh đã nhìn thấy nơi đôi mắt em một nỗi xa-xăm đến độ làm anh e-ngại như anh đã nói. Nó cũng bằng như nỗi ân-hận, khi có một lần nào đó, em chợt thấy anh mặc cái áo sơ-mi rách tả-tơi nơi bả vai, có lẽ vì do anh vác những thùng san-hô ngoài bãi, anh ngồi
một mình trên chiếc tàu hư nhìn ra biển khơi. Em muốn mọi người ở đây đừng nên níu kéo những quá-khứ của đời mình. Nó chỉ làm cho phần đời còn lại thê-thảm hơn thôi…

   -Đó là điều ai cũng mong muốn, nhưng có ai tự cầm con dao đâm vào quá khứ của mình mà lòng không quặn đau đâu em? Tôi sợ những buổi chiều và những đêm hôm Ly à!

   -Em biết chứ. Và em cũng thế, nên hằng đêm em vẫn mơ mình có những giấc ngủ yên-bình như con bé Linh, khi em vẫn không chợp được mắt. Mà nhìn nơi cái sạp anh, thấy trống không, và loáng-thoáng nghe tiếng của que diêm anh bật lửa cháy lên mỗi khi anh đốt thuốc trong tiếng húng-hắng ho nơi cái gốc dừa quì, mà em đã gặp anh lần đầu…Có lẽ “con dao” là những điếu thuốc, mà cơn ho cũng là những trở mình của quá-khứ. Khổ anh hỉ?

   -Những đêm như vậy tôi thường nghe cô ru bé Linh ngủ bằng những lời hát buồn quá! Lần sau, cô đừng hát như thế nữa! Tôi chịu không nổi! Không phải tôi khó, nhưng thực lòng, khi nghe những lời ru đó, tôi có cảm-tưởng như cô đang cầm một con dao…đâm vào ngực tôi. Giọng cô lại ngậm-ngùi quá đỗi, như có những giọt nước mắt ở đằng sau những lời ru!

   “Chim lạc bầy còn thương cây nhớ cội,
   Người xa người, tội lắm người ơi!...”

   Người đàn bà rưng-rưng nước mắt, rồi đứng dậy lại nơi đầu võng, lấy cái khăn nhúng nước vắt khô lau mặt đứng ở cửa sau thật lâu. Một lát, người đàn bà trở lại, bưng chén cơm của bé Linh đút cho nó một cách chậm-chạp, rồi quay ra phía Diễn nói:

   -Anh gắng ăn cho hết phần cơm, ngày mai còn đi làm. Những buổi trưa nhìn ra bãi thấy một người như anh - Trời sinh ra anh đâu phải để vất-vả như vậy , anh còng lưng lom-khom dưới nước mò san-hô, em cầm lòng không đậu, mà cũng không biết nói sao nữa. Hay anh nghỉ phứt cho rồi, để em bán chiếc nhẫn này mua café, thuốc lá …cho anh cũng được.

   Diễn mở trừng đôi mắt nhìn người đàn bà trong nỗi bùi-ngùi,vừa khó chịu nói:

   -Ly nỡ nào trả “ơn” cho tôi bằng cách đó sao? Tôi không muốn nói đến cái ơn tôi đã nhường cho Ly một số tiện-nghi, nhưng ơn của nhau là những chia-sẻ thực lòng, từ những buồn bã trong đời sống.Đừng Ly! Đừng làm buồn lòng nhau, khi chúng mình đã biết quý trọng nhau…

   Người đàn bà vội nói nhanh, như chừng sợ sự hiểu lầm sẽ có cơ-hội đi xa hơn:

   -Anh hiểu lầm em rồi anh Diễn. Điều quan-trọng không phải ở chỗ em bán chiếc nhẫn vàng của em, mà ở chỗ em không muốn thấy anh đau tủi trong những công việc, nhất là khi anh đã đến được đây. Em biết không phải những công việc đó dành cho một người như anh, em cũng biết không phải anh đi làm vì cần thuốc lá…Anh tha lỗi cho em, anh Diễn, quả thực em vụng-về…

   -Tôi không còn ở đây bao lâu đâu Ly, Ly đừng nói như thế nữa! Tôi buồn.

   -Dạ, em xin lỗi anh mà!

   -Thực sự thì Ly chẳng có lỗi gì với tôi cả, mà lỗi ở chiếc nhẫn nó đã được làm bằng kim-khí quý, dù sự “quý” cũng chỉ là điều người ta gắn cho nó mà thôi, nhưng cái quý của chiếc nhẫn, nó lại không có cái nghĩa quý của tấm-lòng-con-người…

   Em cũng biết vậy, nhưng sao em vẫn muốn có một cái gì đó cho anh, đồng nghĩa với sự chia sẻ, chiếc nhẫn này đâu có đáng giá gì anh!.

   -Nhưng tôi nghĩ nó “đáng giá” khi Ly đặt nó vào một vị-trí nào đó, ở một khoảng thời-gian nào đó trong cuộc đời của Ly.

   -Bây giờ lại tới phiên anh cầm “con dao”…. Giọng người đàn bà giễu cợt.

   Người đàn ông liếc ngang nhìn người đàn bà mỉm cười, nói trong thân-tình: “Em bậy ghê cho rồi!” Đoạn nhìn qua bé Linh hỏi đùa: “Mẹ bá-láp quá phải không Linh? “Con bé chẳng biết mô-tê gì, cũng gật đầu lia-lịa, trong tiếng cười ồ của cả hai người nơi căn nhà lá ọp-ẹp, chập-chờn dưới ánh nến lung-linh…

                                                              
Hôm nay là ngày cuối cùng của Diễn ở hòn đảo nhỏ bé này, nên chàng nghỉ việc sớm hơn mọi bữa. Chàng đem giao trả đầy đủ những dụng-cụ mà chàng đã lãnh nơi Cao-ủy. Gồm có một cái thùng thiếc đã lủng nhiều lỗ, một cái cào sắt và một đôi găng tay tả-tơi. Tên thợ cả Indo an-ủi vài lời. Hắn vẫn trả công bằng một cây thuốc Hero
như thường lệ, kèm theo hai lon đồ hộp và một cái bọc nylon, trong đó có một vài món đồ vệ-sinh cá-nhân như kem, bàn chải, xà-bông, kim chỉ, gương lược…thường dùng để phát cho người tỵ-nạn khi họ vừa mới bước chân lên đảo. Diễn ngồi nơi bậc cấp của văn-phòng nói chuyện với tên thợ cả, mà chính hắn đã làm giàu trên những
giọt mồ-hôi của người tỵ-nạn như chàng. Xong chàng nói vài câu từ-giã thông-thường của kẻ sắp ra đi, sau khi Diễn đã xếp chiếc áo sơ-mi rách vai lại và bỏ gọn vào một cái thùng rác gần đó….

   Nắng chiều ngã dài trên ngọn đồi sân bay, thấp-thoáng những ngôi mộ nhỏ của những người tỵ-nạn không may đã chọn chốn này làm nơi an-nghỉ sau cùng…Bỗng dưng Diễn bùi ngùi nghĩ đến một ngày nào đó có thể không xa, trung-tâm tiếp cư này sẽ hủy bỏ, rồi chẳng ai tới đây làm gì. Cây cối sẽ mọc lên trở lại xanh um, những
căn nhà lá mục nát. Trong đó có căn nhà của chàng, mà chàng đã tốn công lặn-lội trong rừng để chặt từng khúc cây vác về dựng lại…Nơi đó có những bữa cơm đạm-bạc của những con người không hề quen biết nhau bao giờ, nhưng quây-quần bên nhau với những chia sẻ ngọt-ngào, có loáng-thoáng những giọt nước mắt, những nụ cười tưởng như chẳng bao giờ quên, xen lẫn với những cơn ho vô-tình, những lời hát
cất lên từ một tấm lòng rách nát. Và còn những ai từ nơi chốn nào trên vùng đất thương đau trôi dạt đến đây, cũng chỉ để tiếp nối những dòng đời buồn thảm như thế này, rồi ra đi khắp bốn phương trời ở những nơi mà có lẽ họ chẳng bao giờ gặp lại trong lúc sống cũng như lúc chết đi…

   Diễn trở về căn nhà ọp-ẹp, không nhìn thấy Ly ngồi nơi gốc dừa như mọi hôm, chỉ có bé Linh đứng nơi cửa, vừa trông thấy chàng từ hướng biển đi lên, trên tay khệ-nệ những gói đồ, con bé vụt chạy ra la to:

   -Cậu Diễn đã về! Cậu Diễn đã về , mẹ ơi! Có đồ nhiều lắm!

   Người đàn bà ngồi nơi bếp chẻ củi lo nấu bữa cơn chiều, vội-vã chạy ra đứng nhìn theo. Diễn đưa gói đồ cho bé Linh cầm.Nó săm-soi chỉ-chỉ gì trong đó.Ly có vẻ ngạc-nhiên của sự về sớm của Diễn, khác với mọi hôm là mãi tới tối chàng mới về. Vả lại
thấy có nhiều đồ hộp, Ly cứ ngỡ là Diễn đã mua thêm ở shop nên nàng buột miệng than:

   -Trời ơi, anh mua đồ chi mà nhiều vậy? Đồ hộp còn thiếu chi đây. Vừa nói nàng vừa chỉ cái bọc treo trên xà nhà. Diễn mỉm cười nói:

   -Đâu có Ly, thằng thợ cả nó cho.

   -Chà, sao bữa nay nó tử-tế quá vậy? Cái thằng “chết dịch” bóc lột người ta, còn bày đặt…

   -Những ân-cần bao giờ cũng là triệu-chứng của những cuối cùng đó Ly.

   Người đàn bà vẻ ngạc-nhiên, hỏi nhanh:

   -Nó đuổi anh rồi hở? Anh nghỉ cho khỏe, tội “chó” gì mà anh làm “mọi” cho nó chứ?

   -Mình đuổi nó!

   -Anh nói sao?

   -Nghỉ rồi, ngày mai tôi đi Ly à. List đi dưới Cao-ủy đã có rồi!…

   Người đàn bà như khựng lại lặng câm, rồi lủi-thủi đi vào nhà vẻ mặt buồn thiu hướng ra cửa sau đứng làm thinh.Không nói thêm lời nào và nàng lại bếp ngồi xuống, đưa tay đẩy những que củi cháy dở-dang…Lúc đó Diễn lấy một cái thau, múc nước mưa rửa mặt, luôn tiện rửa tay cho bé Linh, vừa dặn-dò:

   -Ngày mai cậu Diễn đi rồi, bé Linh nhớ ở lại với mẹ, đừng ngang chướng nghe chưa!

   -Dạ, nhưng đi đâu vậy cậu Diễn? Linh và mẹ có đi không?

   Đi chứ, ai cũng phải đi hết, nhưng Linh và mẹ đi sau.

   -Cậu có đem cái võng đi theo không?

   -Không đâu, cậu tặng cái võng đó cho Linh rồi mà.

   Con bé vỗ tay cười sung-sướng, rồi chợt hỏi:

   -Còn cái sạp cậu có mang đi không?

   Diễn phì cười vì những suy-nghĩ thành-thực của trẻ con, và nói lớn:

   Trời ơi, cái sạp nặng muốn chết, đem theo làm chìm tàu của người ta sao. Hơn nữa nó là của Cao-ủy, chứ đâu phải của cậu. Ở đây cậu chỉ có mỗi cái gốc dừa, mà nó bám chặt dưới đất, làm sao cậu mang nó đi?

   Con bé nghe nói cái gì cũng để lại cho nó hết. Nhất là cái võng, nên nó cười lên sặc-sặc, làm người đàn bà gắt:

   -Linh, con ồn quá nghe chưa, dọn chén đũa, rồi mời cậu Diễn ăn cơm.

   Câu nói của Ly làm con bé cụt hứng rồi tiu-nghỉu vào lau chén…

   Trong bữa cơm chiều, không-khí có vẻ nặng-nề, mỗi người theo đuổi một lối suy nghĩ. Vẻ mặt buồn-buồn, người đàn bà cất tiếng hỏi:

   -Ngày mai anh đi thực rồi hở?

   -Đi thực, thông-báo ghi 8 giờ, phải có mặt trước Cao-ủy để làm thủ-tục xuống tàu.

   -Em biết ngày đó, nhưng sao vẫn thấy buồn quá!.

   Người đàn ông nói an-ủi:

   -Còn gặp nhau ở Galang nữa mà.?

   -“Gặp nhau” đâu phải là điều làm cho người ta mơ ước? Anh hiểu điều em muốn nói chứ, anh Diễn?

   -Hiểu, rất hiểu, từ cái ngày Ly bắt đầu nghĩ đến chuyện Ly nấu cho tôi một bát canh rau sam, và lúc ấy Ly cầm cái thìa múc từng muỗng canh đỏ hồng đổ vào chén của tôi, khi đó khuôn mặt Ly trở nên dịu-dàng kỳ-lạ, có chút long-lanh của nước mắt, trong nụ cười nhỏ. Ly nói rằng: “Đã lâu, em mới có một bữa cơm có vẻ gia-đình đúngnghĩa”…

   -Em cũng chỉ là một người đàn bà, nhưng điều quan-trọng hơn, là một người đàn-ba- không-có- hạnh-phúc…!

   -Tôi quý Ly ở điểm đó. Tôi yêu người đàn bà ở những thầm-lặng, cho đến ngày nay, nghĩa là lúc tôi sắp ra đi, Ly mới nói những câu này, mặc dù tôi có vẻ đã băn-khoăn về một câu nói tình-cờ Ly thốt ra, trong cái đêm đầu tiên, Ly dẫn bé Linh đi trong bóng tối mà cằn-nhằn: “Hồi hay, tao để lại cho phía bên Nội mày…”Tôi nghĩ bất cứ một người đàn bà nào, khi họ nói ra được câu đó, thì chắc hẳn họ rất khổ-tâm…

   Người đàn bà cố nhìn ra chỗ khác, giấu những giọt nước mắt rưng-rưng khi nghe Diễn nói thế, rồi nghẹn-ngào:

   -Cám ơn anh những ngày phù-du ở đây.

   -Phù-du ở ngày tháng, nhưng không phù-du ở nỗi lòng. Tôi nghĩ thế, không biết có đúng hay không?

   -Trong cuộc chia tay nào, cũng có những sự ân-cần như anh đã nói khi chiều về món quà của thằng thợ cả Indo, tặng anh ngày cuối cùng.

   -Ly nói cũng đúng, nhất là một người đã có kinh-nghiệm về sự “chia tay” như Ly, nhưng ở đời đâu phải chỉ có những người như bố bé Linh? Mặc-dù tôi chưa bao giờ nghe Ly chắc tới, dù nhắc chỉ để hận-thù. Nhưng cứ nhìn vào câu cằn-nhằn mà tôi đã lặp lúc nãy, thì biết Ly là người thua lỗ trong cuộc chia tay này. Ngày mai tôi đi, chắc cũng có những nỗi buồn riêng, thí-dụ bãi san-hô trước Cao-ủy, hay cái gốc dừa mà tôi vẫn nằm hút thuốc trong những đêm khuya tôi không ngủ được. Tôi gởi lại cho Ly hết cả đó. À, mà quên, quà cho Ly chiếc lược và chiếc gương soi trong bọc nylon kia. Lược để xếp đặt những sợi tóc cho ngay-ngắn, trước những cơn lốc tình-cảm
dạt-dào, gương để soi mà nhìn lòng mình trong đôi mắt. Ngày gặp lại ở Galang, nếu có, tôi sẽ nhìn vào đôi mắt của Ly thật lâu…

   Người đàn bà cố nở một nụ cười thật mềm-mại trong bữa cơm cuối cùng với một người “bạn đường tình-cờ”̀, đúng theo cái nghĩa thông-thường của nó.

   -Đêm đó, Diễn ngủ không được chút nào. Lòng bồn-chồn khó tả.Chàng nằm hút thuốc liên-miên ở gốc dừa, tay sờ lên những chiếc rễ cây sần-sù, mà Ly cũng thường có thói quen mân-mê trên đó, chợt chàng nghe tiếng mớ ngái-ngủ của Ly đong-đưa theo chiếc võng kẽo-kẹt với giọng ru đứt khoảng não-nề:

   “À..ơi, à ời … chim…lạc..bầy, còn…thương….”
  
   Diễn đứng bật dậy, chạy vào nhà, lấy tay vỗ-vỗ lên người Ly,nói: “Ly mớ ngủ rồinghe”. Ly choàng thức giấc mơ-màng nhìn Diễn, rồi lại nhắm mắt lè-nhè:

  “Ng..ười xa..người…t..ội..l..ắm…

   Diễn lặng-lẽ bỏ ra ngoài, rồi lủi-thủi một mình đi về hướng biển, lúc đó chỉ còn những tiếng ì-ầm của sóng Đại-dương và một màu đen thẩm ngoài khơi, dày đặc…

                                                                           
*Nguyễn-Tư