BỘ QUẦN ÁO ĐẸP CỦA MÁ
Những
năm tháng đầu tiên sau 1975 cuộc sống dân miền Nam hầu như ai cũng trở
nên chật vất khó khăn vì nhà nước ngăn sông cấm chợ, vì chế độ thực phẩm
và hàng tiêu dùng bị hạn chế theo tiêu chuẩn tem phiếu, người khôn
ngoan lanh lợi bươn chải buôn bán chợ đen, người an phận như tôi thì
chấp nhận sống với đồng lương ít ỏi công nhân viên nhà nước, mỗi người
khổ một cách.
Chồng
tôi đi tù cải tạo một nách hai con thơ ba mẹ con tôi sống tạm đủ trong
chi li tính toán với đồng lương giáo viên tiểu học của tôi.
Ba
tôi mất trước đó vài năm, má và 3 đứa em tôi sống ở Hốc Môn chẳng xa
quận Gò Vấp là bao nên thỉnh thoảng tôi vẫn đạp xe về Hốc Môn thăm gia
đình.
Má
mở hàng cơm tấm ngay trước cửa, chủ yếu là bán cho bà con lối xóm chỉ
cầu mong kiếm lời được bữa cơm cho gia đình là may mắn lắm rồi..
Xưa
nay nhà tôi nghèo, nay càng nghèo thêm. Má lúc nào cũng mặc những bộ đồ
cũ thấy mà thương. Tôi nhớ trước đây má có mấy bộ đồ “vía” để dành khi
đi đám ma chay hay cưới hỏi thì má đã bán hết để kiếm thêm tiền làm
vốn ra nghề cơm tấm. Thời buổi mà những bộ quần áo đã mặc vẫn bán được,
vẫn có người mua, ở những khu chợ trời quần áo cũ được bày bán, kẻ mua
người bán tấp nập, trong đó có bao nhiêu người đã phải nhịn mặc bán đi
những bộ quần áo khá tốt của mình để lấy tiền chi dùng cho việc khác, và
bao nhiêu người nghèo chỉ đủ tiền mua sắm đồ cũ về mặc cho đỡ tốn
tiền..
Tôi xót xa tiếc mấy bộ đồ và trách má:
- Rồi má lấy gì mặc khi hữu sự ma chay cưới hỏi với xóm làng đây?
Má mỉm cười xuề xòa:
- Má vẫn còn một bộ đồ vía má ưng nhất mà.
- Con biết rồi, bộ đồ cổ lỗ sĩ chiếc quần Mỹ A đen và chiếc áo bà ba vải ni lông trắng chứ gì? Má chềt tên “Bà Bảy Mỹ A” rồi đó.
- Phải
rồi, đám ma hay đám cưới gì má cũng “xài” bộ quần áo này, chỗ chòm xóm
với nhau ai tính toán sự xấu đẹp sang hèn con ơi, miễn là có tấm lòng
đối nhân xử thế vớí nhau..
Rồi má nói đùa nhưng hãnh diện
- Chòm xóm đã gọi má là bà Bảy Mỹ A nên má …không muốn thay đổi đâu.
.Tôi
biết má nói cho tôi vui chứ ai mà không muốn quần nọ áo kia. Thương má
tôi nhất định sẽ sắm cho má vài bộ đồ khác coi như chút quà báo hiếu nhỏ
mọn của đứa con gái lớn nhất nhà tặng cho má, chứ các em tôi đang tuổi
dở dang ăn học làm gì ra tiền trong thời buổi khó khăn này.
Mỗi
năm tiêu chuẩn giáo viên của tôi được mua vài mét vải không đủ may mặc
cho ba mẹ con nói gì may cho má, mà vải hợp tác xã cũng chẳng đủ đẹp để
may đồ làm quà tặng, thà không tặng má thì thôi, nếu tặng thì nhất định
phải là hàng vải tốt mới xứng với người mẹ hiền của tôi lam lũ vì chồng
con suốt bao nhiêu năm nay...
Tôi
dành dụm từng đồng quyết chí không xài đến, có khi nhịn cả nhu yếu
phẩm, lãnh về là bán chợ đen để lấy tiền cho đến khi tôi đủ tiền mua
được hai khúc vải và may cho má hai bộ, một chiếc áo dài màu tím than
đậm và một bộ đồ bộ kiểu đồ tây màu dưa cải, hai bộ đều bằng vải “soa”
trông gía trị và đẹp đẽ hơn hẳn bộ quần Mỹ A của má.
Với
hai bộ này má đều có thể dùng chung cho đám buồn hay đám vui, muốn gọn
gàng má mặc bộ đồ tây, muốn trang nghiêm hơn má mặc áo dài. Cả hai bộ
màu sắc đều hợp với tuổi và sở thích của má..
Nhìn món qùa của tôi má dãy nảy lên:
- Chèng
ơi, con gái má lãng phí chi vậy, tiền may đồ cho má để dành mẹ con mày
còn bao nhiêu thứ cần xài, má đã nói bộ Mỹ A của má là đẹp là đủ rồi mà.
Tôi phải nài nỉ:
- Má
thương con thì nhận và mặc cho con vui. Hai bộ này vải tốt đắt tiền má
giữ xài đừng bán dù cần tiền cho bất cứ việc gì nghen má.
Nhìn nét mặt cầu khẩn của tôi má động lòng:
- Được rồi má hứa không bán lấy tiền đâu.
May cho má hai bộ đồ lòng tôi nhẹ hẳn ra, không lẽ cứ để má “nhất y nhất quởn” hoài, chắc cũng nhàm mắt hàng xóm láng giềng..
Một
lần tôi về Hốc Môn thăm nhà cũng là lúc hàng xóm có đám cưới, tôi tưởng
má sẽ diện bộ “soa” của tôi nhưng má vẫn mặc chiếc quần Mỹ A và áo bà
ba trắng.
Biết không thể dấu tôi được má ngại ngần giải thích:
- Má
xin lỗi con, hai bộ đồ con cho má không hề bán nhưng….cũng không còn
nữa, má tặng cho người khác rồi, một bộ cho người em bà con xa than thở
là đi đám cưới không có đồ đàng hoàng để mặc, bộ còn lại má cho bà Tư
hàng xóm mượn đi đám ma sui gia. Ngờ đâu bà ta lừa dối má, đem bộ đồ đi
bán lấy tiền xài .
Tôi không hài lòng:
- Nhà
mình có khá giả gì đâu mà má đem của cho người ta dễ dàng vậy? bộ kia
má lỡ cho rồi thì thôi, còn bộ đồ cho bà Tư mượn má phải đòi lại, bà Tư
tính tiền ra mà trả cho sòng phẳng, má hiền qúa bị người ta lợi dụng
lòng tốt của má đó.
- Con
ơi, nhà mình nghèo nhưng còn đủ ăn đủ mặc, má vẫn còn sức hàng ngày bán
nồi cơm tấm, ba đứa em con chưa nhịn đói ngày nào. Xóm này còn nhiều
nhà nghèo khổ hơn mình, hàng xóm ở với nhau từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới
giờ khác gì bà con họ hàng không lẽ vì bộ quần áo mà dứt tình sao? Bà Tư
đã khóc và xin lỗi má vì cần tiền mới làm liều như thế, nên má tuyên bố
với bà Tư là coi như tôi tặng bà bộ quần áo đó để lương tâm bà Tư thanh
thản mà má…cũng thấy vui.
Nghe
má giải thích tôi vừa buồn giận vừa cảm kích thương má, má hiền hậu và
bao dung không chỉ với chồng con trong nhà mà cả với chòm xóm gần xa, cứ
thấy ai than nghèo than khổ là má động lòng giúp gì được là giúp ngay,
kể cả chia cho họ lon gạo cuối cùng trong khạp hay đồng bạc ít ỏi trong
túi.
Tôi âu yếm trách má:
- Coi chừng có ngày nồi cơm tấm của má …lủng luôn đó, con nghe nói má bán thiếu và bị người ta quỵt tiền đúng không?
Má cười :
-
Thỉnh thoảng thôi, đâu phải người mua thiếu nào cũng qụyt tiền, mà có
thì coi như má…cứu đói người nghèo. Trời bù cho má cách khác, ngày nào
cũng bán hết hàng và có cơm ăn hàng ngày..
Thế
là má tôi vẫn ăn mặc xuề xòa nhất nhì trong xóm. Thường ngày với những
bộ quần áo cũ và “diện” bộ quần Mỹ A với chiếc áo bà ba ni lông mỗi khi
đi đám buồn đám vui trong xóm đã quá quen thuộc với mọi người. Thật
đúng là bà Bảy Mỹ A.
Sợ tôi tốn tiền may cho má bộ khác má dặn dò tôi mấy lần:
- Từ
giờ con khỏi may đồ cho má nữa, bộ quần Mỹ A, áo bà ba của má đủ mặc
cho tới chết rồi mặc chôn má luôn. Bộ quần áo này đã theo má cả chục năm
nay má quen và thương nó lắm.
- Con biết rồi, con thấy má mặc bộ này từ hồi con chưa lấy chồng tới giờ mà
Tuy
má nói thế tôi vẫn ước muốn có tiền sẽ sắm lại cho má mấy bộ đồ, không
lẽ lúc nào cũng có kẻ đến than thở và lừa dối má như lần trước.
Niềm ước mơ ấy tôi chưa thực hiện được thì má tôi qua đời
Buổi
trưa sau khi bán xong nồi cơm tấm má than mệt vào giường nằm rồi đi
luôn thật bất ngờ, hàng xóm bàn tán má tôi bị “trúng gió”. Ngọn gió nào
độc địa đã cướp đi mạng sống một người phụ nữ chân quê hiền hậu như má?
Thật ra má qua đời vì bị nhồi máu cơ tim.
Hàng
xóm ai cũng thương má đến chật nhà lúc tẩm liệm. chị em tôi đã mặc cho
má chiếc quần Mỹ A và chiếc áo bà ba trắng. Tôi rơi nước mắt nói:
- Cô
bác ơi má con từng dặn dò khi má chết thì mặc bộ đồ này, má nói đây là
bộ đồ ưa thích nhất của má, có lẽ không phải vì bộ đồ may đẹp mà vì bền
lâu đỡ phải tốn tiền may bộ khác.
Một bà hàng xóm cũng lau nước mắt:
-
Phải rồi, quần Mỹ A và vải ni lông thì đời nào mới rách. Theo tôi dù bộ
đồ có xưa cũ lỗi thời vẫn là bộ đồ đẹp nhật của bà Bảy, một người hiền
lành giản dị thương người khác hơn cả chính mình.…
Các bà hàng xóm khác cũng lên tiếng khen:
- Bà Bảy Mỹ A sống rất căn cơ hà tiện mà giúp ai thì hết lòng
- Người hiền nên ra đi nhẹ nhàng như gió thoảng, chỉ than mệt và đi nghỉ rồi nghỉ giấc ngàn Thu.
Hôm đám ma má bà Tư đến và qùy lạy trước quan tài má, bà khóc ròng:
- Chị
Bảy Mỹ A ôi, mặc dù chị đã nói tặng cho tôi bộ quần áo “soa” nhưng
trong lòng tôi vẫn còn mang nợ chị, xin chị nhận tôi ba lạy này cảm ơn
tấm lòng của chị.
Chắc má đã thanh thản ra đi và vui lòng với tất cả tình cảm thương mến của các con và chòm xóm dành cho má..
Ngày
nay mỗi khi khi đi mua sắm quần áo về, khóac lên người những bộ quần áo
đẹp vừa ý, mỗi khi các con tôi biếu tặng quần áo nhân dịp lễ Mẹ hay
mừng sinh nhật tôi, tôi lại ngậm ngùi nhớ đến má tôi, nhớ đến những bộ
quần áo cũ rích của má.
Chắc
số má không được mặc đồ đẹp, nếu còn má bây giờ má muốn mặc gì có nấy,
con cháu sẽ sắm cho má những bộ quần áo đẹp, những bộ quần áo sang dễ
dàng
Tôi
lại tự an uỉ rằng chiếc quần vải Mỹ A đen và áo ni lông trắng của má
vẫn là bộ quần áo đẹp nhất dưới mắt mọi người, từ người thân cận gần gũi
là chồng con đến hàng xóm láng giềng ..
Bà bảy Mỹ A, cái tên cũng đã quen thuộc trong lòng những người hàng xóm thuở ấy.
Nguyễn Thị Thanh Dương