Saturday 6 August 2016

"EM HỎI ANH, BAO GIỜ TRỞ LẠI" ( Nguyễn Hà )




"EM HỎI ANH, BAO GIỜ TRỞ LẠI"


Những khi nhìn thấy hình ảnh các chú, các bác thuơng phế binh VNCH sống bên lề xã hội Việt Nam hiện nay, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh hai cha con một thuơng phế binh ở chợ Gò Vấp gần xóm nhà tôi ngày nào.

Tôi sanh ra và lớn lên ở Gò Vấp, một quận lỵ bình dân ở ngoại ô Sài Gòn.
Khi tôi 13 tuổi, ba tôi phải đổi đi xa làm công chức ở tận Phước Long Bà Rá, một tỉnh lỵ rừng sâu nước độc giáp ranh giới Cao Miên. Má tôi ở lại Gò Vấp để chăm nom cho anh em tôi đi học ở Sài Gòn.

Tối tối, khi Đài Truyền Hình Số 9 có chương trình gì hay, tôi hay đạp xe đến nhà thằng bạn để xem TV ké ở nhà nó vì nhà tôi không có TV.
Trên đường về, tôi có thú hay tạt ngang chợ Gò Vấp để ngắm các cửa hàng buôn bán sầm uất buổi tối và nhất là trầm trồ các xe hàng bán chè sâm bổ lượng. Lần nào tôi cũng chỉ nhìn cho đỡ thèm rồi tiu nghĩu đạp xe về, vì trong túi không có tiền!
Nhưng may mắn thay, cứ vài tháng ba tôi được phép về thăm nhà vài ngày. Trong những ngày phép đó, hầu như lần nào ba tôi cũng dẫn cả nhà ra chợ Gò Vấp cho chúng tôi tha hồ ăn mì hay ăn sâm bổ lượng.

Vào một buổi tối thứ bảy trong ngày về phép của ba tôi, trong lúc gia đình tôi đang ngồi quay quần trong quán chè ở dãy phố đầu chợ, tôi bỗng nghe tiếng ai hát sau lưng.

"Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về..."

Nghe hay hay, tôi quay đầu lại nhìn. Thì ra đó là tiếng hát của một thằng bé và một người đàn ông. Thằng bé, chắc trạc tuổi tôi, đang cõng một người đàn ông cụt cả hai chân, vừa hát vừa bán vé số dạo. 

Nhìn kỹ tôi nhận ra người đàn ông cụt chân ấy là một thuơng phế binh, đầu tóc bù xù, mặc áo lính, trên ngực đeo tấm thẻ bài.
Thằng bé hát một câu, người thuơng phế binh hát một câu:

"Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm...
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân."

Tuy không kèn không trống đệm theo , nhưng giọng người thuơng phế binh nghe vô cùng tha thiết. Khi hát câu "anh trở về bại tướng cụt chân", người thuơng phế binh cụt cả hai chân có vẻ nửa như uất hận, nửa như chấp nhận số phần.
Tôi nhận ra thằng bé và người thuơng phê binh chính là hai cha con, vì có ai đó ở bàn bên kia kêu lên:
"Hai cha con Tư Nghĩa giờ này mới tới hả. Ê Tư Nghĩa tới đây làm với tao một ly đi mậy!"

Hai cha con tạm ngưng hát. Thằng bé cõng cha nó đến bàn kia rồi đặt cha nó ngồi bệt xuống đất để cha nó uống rượu đế với người quen. Người thuơng phế binh xương xẩu gầy gò, thế mà khi được mời rượu và thuốc lá, chú ấy uống và hút liên tục không nghỉ!

Thấy thằng nhỏ đứng ngơ ngáo, má tôi bảo nó lại, mua  giùm nó vài tờ vé số rồi kêu một ly chè cho nó ăn. Má tôi hỏi chuyện nó:
"Má con đâu rồi mà để con đi bán vé số với ba con?"

Thằng bé trả lời:
"Dạ con cũng hổng biết nữa. Từ nhỏ con ở với bà ngoại con dưới Hốc Môn. Tía con đi lính bị cụt chưn về, thấy ngoại con nghèo quá, tía dẫn con ra chợ Gò Vấp bán vé số kiếm tiền sống"

Thằng bé vừa ăn xong ly chè thì tía nó cũng vừa nhậu xong. Tía nó kêu:
" Cõng tía đi bán tiếp đi con!"
Khi đi ngang qua bàn chúng tôi, người thuơng phế binh không quên cúi đầu cám ơn ba má tôi rồi dục thằng con cõng đi sang tiệm khác.

Đi sang mấy tiệm khác rồi mà chúng tôi vẫn còn nghe văng vẵng những câu hát của hai cha con người thuơng phế binh:

"Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa..."

Tôi suy nghĩ về thằng bé trạc tuổi tôi. Còn ba má tôi thì trong một thoáng, tuy không nói ra lời, tôi biết hình ảnh người thuơng phế binh làm ba má tôi nghĩ đến người anh lớn của tôi trong quân đội. Anh tôi đang đóng quân ở Đồng Xoài.

Thời buổi chiến tranh, trong xóm tôi hầu như nhà nào cũng có người đi lính. Và chiến tranh đã đem lại những tình cảnh đau buồn đến với nhiều gia đình trong xóm. Tôi nhớ hôm đó, bà Lý đầu xóm đang trên đường đưa đám tang của người con trai nhà hàng xóm (vừa hy sinh ở An Lộc), bà nhận được giấy báo tử cho biết đứa con trai út của bà cũng mới vừa mất xác ở Hạ Lào. Tội nghiệp bà Lý khóc như người chết lên chết xuống! Không ai biết phải an ủi sao cho vơi đi sự mất mát lớn lao của bà. Ai cũng lắc đầu chép miệng "Chiến tranh mà!"

Trở lại chuyện hai cha con người thuơng phế binh, thỉnh thoảng đi ngang chợ Gò Vấp, tôi thấy họ vẫn còn đi bán vé số ngoài chợ. Có điều người thuơng phế binh càng ngày càng tiều tụy hơn nhiều.
Có lần từ nhà bạn tôi về tối khuya, hàng quán đóng cửa hết, tôi thấy hai cha con họ trải báo nằm dưới hàng hiên một cửa tiệm. Thằng bé đã ngủ, nhưng cha nó thì ngồi bên cạnh nó, một tay cầm điếu thuốc, vừa hút vừa ho xù xụ. Tay kia chú xoa xuống hai khúc chân cụt. Chắc chú trầm ngâm không biết tương lai của hai cha con sẽ đi về đâu?

Kỳ nghỉ hè năm đó, má tôi đem các anh em chúng tôi lên Phước Long thăm ba tôi và để gia đình đoàn tụ trong ba tháng hè của chúng tôi. Tuy trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng ba tháng hè ở miền rừng xanh đất đỏ ở Phước Long là những ngày tháng thần tiên của các anh em tôi. Hiếm có người ở Sài Gòn mà có dịp đi tắm suối, đi câu cá, đi bắn chim rừng bằng giàn ná mỗi ngày như các anh em chúng tôi!

Hết ba tháng hè, má tôi lại dẫn chúng tôi đón xe đò về Gò Vấp để kịp tựu trường.
Ba tháng ở xa, tôi cũng thấy nhớ nhớ hai cha con người thuơng phế binh bán vé số ở chợ Gò Vấp, không biết bây giờ họ ra sao, có hát bài gì mới không?

Tối hôm đó đạp xe qua chợ Gò Vấp, tôi thấy thằng bé bán vé số trở lại. Nhưng ngạc nhiên thay, nó chỉ đi có một mình, không thấy nó cõng tía nó đâu cả!

Sau này tôi mới biết là tía nó đã mất tháng trước. Người ta nói là tía nó uống rượu và hút thuốc nhiều quá nên vừa bị lao phổi vừa bị viêm gan. Một buổi sáng người thuơng phế binh qua đời trên một gian sạp bỏ trống qua đêm trong chợ Gò Vấp. Thằng nhỏ giờ chỉ còn một mình, phải tự tìm kế mưu sinh.

Có lẽ không còn người cha thuơng phế binh cụt chân bên cạnh, nó không hát bài "Kỷ vật cho em" của Phạm Duy, vì câu "anh trở về, bại tướng cụt chân" không hợp nữa.
Không biết nó học ở đâu mà tôi nghe nó vừa cầm xấp vé số, vừa rao hát bài khác:

"Mai đây hòa bình
Khung trời quê mình rộng bao la
Ðàn chim tung cánh bay xa
Bắc Nam rồi không còn ngăn cách..."

Thằng bé coi hốc hác quá. Hai mắt nó thâm quầng. Trên ngực nó đeo tấm thẻ bài của tía nó để lại. 
Tía nó mất đi, không có gia tài gì để lại cho nó ngoài tấm thẻ bài của một người thuơng phế binh. Người thuơng phế binh ấy không hy sinh ở chiến trường, chỉ bị cưa mất hai chân sau một trận chiến ác liệt, nhưng rồi cũng bỏ thây trong một đêm mưa buồn vắng lạnh ở ngoài đường xó chợ!

Thằng bé đi qua hết tiệm ăn này đến quán nhậu khác. Có người mua vài tấm vé số, có người thuơng, cho nó một khúc bánh mì, một tô cháo nhỏ.

Sắp tới giờ giới nghiêm, mọi người vội vã thu xếp ra về.
Tôi cũng đạp xe nhanh về nhà.
Đêm đó không biết tại có đảo chánh hay vì chiến tranh đang leo thang, tôi nghe tiếng súng nổ gần chợ. 
Đạp xe đến cuối chợ rồi mà tôi vẫn còn nghe văng vẵng tiếng hát của thằng nhỏ bán vé số:

"Mai đây Hòa Bình.
.....
Nam Bắc ơi. Quê hương, Tình người
Việt Nam Ơi! Việt Nam Ơi!
Hòa Bình Ơi! Hòa Bình Ơi!"
(Trầm Tử Thiêng)

Tiếng hát yếu ớt của thằng bé, con người thuơng phế binh, xen lẫn với tiếng đại bác vọng về thành phố, nhất là câu "Mai đây hòa bình..." làm tôi thấy ngậm ngùi muốn khóc!

Gò Vấp thân yêu của tôi, đêm đó sáng rực hỏa châu khắp cả một góc trời...

Và từ đêm đó đến nay, tôi vẫn mong cho tương lai thằng bé cũng được sáng sủa như ... những viên đạn hỏa châu trên vòm trời chợ Gò Vấp năm nào!

Nguyễn Hà
(Trích trong tập "Bến Mưa Sài Gòn, Nguyễn Hà")