Friday, 26 August 2016

CHỦ NHÂN GÀ KFC & HÀNH TRÌNH KINH DOANH Ở TUỔI 60




CHỦ NHÂN GÀ KFC & HÀNH TRÌNH KINH DOANH Ở TUỔI 60


Với công thức món ăn tuyệt hảo và một nghị lực phi thường, Harland Sanders đã đưa món gà rán của mình đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới và trở thành một huyền thoại về khát vọng và nghệ thuật kinh doanh hiện đại.

Harland Sanders (1890 - 1980) là một cậu bé giàu nghị lực. Sinh ra trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ bé, ông phải làm nhiều việc để kiếm sống như giúp việc ở trang trại, lái tàu, lính cứu hỏa, bán bảo hiểm…

Sau nhiều năm thăng trầm với hàng tá công việc khác nhau, vào năm 40 tuổi, Harland Sanders bắt đầu gắn bó với công việc nấu nướng mà ông yêu thích từ nhỏ. Đó là một quầy thức ăn đặt tại trạm xăng của khu phố Corbin. Khi đang làm việc tại trạm xăng, nhận thấy nhu cầu của hành khách dừng chân tại đây, ông đã nảy ra sáng kiến chế biến một món ăn tiện lợi để phục vụ cho đối tượng khách này. Và đó là món gà rán mà ông quen gọi là món thay thế bữa ăn ở nhà. Với loại bột dùng quen thuộc, ông kết hợp với 10 loại thảo mộc và gia vị khác nhau để trộn gà trước khi chiên, tạo nên món gà rán đặc biệt được nhiều người yêu thích và ủng hộ.

h2-130913-1368603260_500x0.jpg

Khi lượng khách ngày càng đông, ông mở một quán ăn bên đường, sau đó phát triển thành nhà hàng với 142 ghế ngồi. Món ăn của ông dần trở thành món đặc trưng của bang Kentucky. Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nghệ thuật ẩm thực của bang, Thống đốc bang đã phong tặng Harland Sanders tước hiệu Kentucky Colonel - Đại tá danh dự bang Kentucky.
Harland Sanders không ngừng nghiên cứu những công thức chế biến gà rán khác nhau. Năm 1939, trong khi chuẩn bị món gà rán cho thực khách, ông đã thêm vào loại gia vị thứ 11 và loại gia vị này đã làm hoàn thiện món gà rán mà bấy lâu ông vẫn dày công nghiên cứu. Harland Sanders cho biết: “Với loại gia vị thứ 11 đó, tôi đã được dùng miếng gà rán ngon nhất từ trước đến nay”.
Nhưng cuộc đời của Harland Sanders không dừng lại ở thành công đó. Năm 1950, một dự án đường cao tốc liên bang cộng với sự xuống dốc của nền kinh tế đã đưa Sanders vào con đường phá sản. Ông phải bán lại cơ nghiệp với số tiền chỉ vừa đủ để đóng thuế. Gia tài duy nhất còn lại chỉ là tờ séc 105 USD tiền trợ cấp xã hội. Một lần nữa niềm đam mê và niềm tin vào chất lượng của món ăn đã cho ông nghị lực “vượt bão”, ông dùng toàn bộ số tiền này đầu tư cuộc hành trình dọc dài đất nước, bán những gói gia vị và cách chế biến gà rán đồng nhất cho những chủ nhà hàng độc lập trên toàn nước Mỹ. Nơi nào ưng ý, ông bắt tay ký ngay hợp đồng với thỏa thuận ăn chia 5 xu trên mỗi con gà mà quán bán được.
Ở tuổi 60, cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi và an hưởng niềm vui, Harland Sanders lại tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh như một lẽ sống duy nhất ở đời. Ông gõ cửa từng cửa hàng, trổ tài chế biến món gà lừng danh của mình và dù 1.009 lần bị từ chối nhưng ông không bao giờ bỏ cuộc. Tinh thần dám nghĩ dám làm và không từ bỏ đã giúp Sanders thành công lần nữa. 10 năm rong ruổi, ông đã có hơn 600 nhà hàng nhượng quyền ở khắp nước Mỹ và Canada.

h3-922945-1368603261_500x0.jpg

Việc kinh doanh đã phát triển, vượt quá tầm kiểm soát nên ông đã bán thương hiệu lại cho một nhóm người. Họ lập nên Kentucky Fried Chicken Corporation và mời Sanders làm “Đại sứ Thiện chí”. Năm 1986, nhãn hiệu “Kentucky Fried Chicken” được Pepsi Co mua lại và năm 1991 ra mắt logo mới là KFC. Năm 2002, KFC thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn YUM! Restaurants International. Ngày nay, KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất với hơn 10.000 nhà hàng tại 92 quốc gia.
Sự thành công của Sanders không chỉ nhờ có niềm đam mê và nghị lực vượt khó mà quan trọng hơn cả là thái độ phục vụ và sự cam kết về chất lượng món ăn. Ý tưởng đặt bếp ngay sau quầy để cho khách hàng quan sát được quá trình chế biến thức ăn giúp mang lại cho khách niềm tin vào chất lượng vệ sinh của cửa hàng. Đặc biệt, với sự tinh tế và cầu toàn, Sanders chọn sơn màu trắng cho cửa hàng để mọi vết bẩn kịp thời được phát hiện và xử lý tức thì. Ông muốn bàn ăn của khách phải sạch sẽ và sáng sủa nhất có thể. Ông thường có những chuyến ghé thăm bất ngờ tới các cơ sở để xem xét việc chế biến món gà nhằm chắc chắn rằng món gà được chế biến theo đúng công thức và tuân thủ quy trình vệ sinh thực phẩm. Cả đời ông đã du lịch 250.000 dặm mỗi năm để ghé thăm những cửa hàng ăn KFC trên khắp thế giới.
Ngày nay, mặc dù ông không còn nữa nhưng hình ảnh Ngài Đại tá với gương mặt phúc hậu, đôi kính dày, chòm râu bạc cùng nụ cười rạng rỡ vẫn luôn sống mãi trong lòng những ai yêu món gà KFC nổi tiếng của ông. Những bài học về sự chăm chỉ và hoàn hảo trong phục vụ khách hàng của ông sẽ mãi là bài học quý giá cho những ai muốn thành công trên bước đường kinh doanh của mình.