Friday 12 August 2016

HOA HỒNG TRẮNG ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )



HOA HỒNG TRẮNG

*Nguyễn-Tư

Ngôn-ngữ tự nó là một nghịch-lý (paradoxe) mà ý nghĩa lại nằm nơi quy ước phía sau. Người ta nói:"hoa hồng trắng"nó cũng dị kỳ như nói"nói vậy chứ không phải vậy!?". Đã"hồng"sao lại còn"trắng"?Và, khi nói:"nói vậy chứ không phải vậy"có nghĩa rằng giữa lời nói (ngôn ngữ) và sự thực (tức "Chân lý": được Luận-lý học định nghĩa như sự "trùng hợp giữa phán-đoán - jugementvà thực-tế") không giống nhau. Nhưng người ta quên rằng:"nói vậy, chứ không phải vậy"cũng là một câu nói - một chuỗi ngôn ngữ, điều đó chúng ta cũng phải ngầm hiểu:"nói vậy chứ không phảivậy" cũng"không phải vậy!?". Cho nên, rốt cùng: ngôn ngữ không phải là phương tiện chính xác để chuyên chở ý nghĩa, nên người Trung hoa đã phán:"Ý tại ngôn ngoại"(ý nằm ngoài lời) là thế!. Bởi vậy, nhóm từ ngữ"hoa hồng trắng"chỉ còn lại ý nghĩa đơn thuần là biểu-tượng (symbole) tình cảm của những người mất Mẹ, chứ không dừng lại ở ý nghĩa một chiếc "hoa", cho dù chữ"hồng"(rose) là một tính-từ chỉ màu sắc đã trở thành danh-từ chỉ một nhóm hoa có gai với nhiều màu sắc khác nhau (trắng, đỏ, vàng, nhung sậm...) chứ không nhất thiết phải màu hồng. Cái đỏ thắm xinh đẹp của màu hồng, không còn là ý-niệm (notion) của sự sáng chói, tươi-tắn, rực-rỡ, tin yêu...như câu hát ngày nào:

"Đời ta bao vui tươi như hoa hồng thắm..."

Và, màu trắng trinh-nguyên, nguyệt-bạch, nó cũng không còn ý nghĩa trong sáng, thơ ngây... như lời thơ của tuổi 20:

"Anh về giữa một dòng sông trắng,
Là áo sương mù, hay áo em?" (Thơ Nguyên-Sa)

Mà"hoa hồng trắng” bây giờ cài lên áo ai trong dịp lễ Vu-lan, trong "mùa Báo-hiếu"là ý niệm của sự mất-mát, chia lìa, xót thương, ngăn cách như đôi vợ chồng Ngâu, để cho đời sau có kẻ hát rằng:

"Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu?
Một người ngồi đây, trông hoa trôi theo nước chảy phương nào?"("Hẹn hò" - nhạc Phạm-Duy)

"Về đâu?"và"phương nào?"là những câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, là những than-van dấu kín không muốn gọi tên, của những người mất nhau đời-đời kiếp-kiếp. Sông Ngân trong"hoa hồng trắng"không còn là nơi hẹn-hò cố định từ cái chu-kỳ tháng 7 mưa bay, có nước mắt tỉ-tê gặp người hạnh-ngộ dù trong phút giây cũng cam lòng, như Ngưu-lang và Chức-nữ ngày xưa. Dẫu sao, chiếc cầu"Ô thước"cũng là cái gạch nối mang nặng Tình Người. Chỉ tội-tình cho những ai phải đứng bên này những yêu dấu, bị cách ly bởi những chấn song vô-hình mà vẫn phải nghe thấy nhau trong nỗi nhớ xa-xăm tháng ngày cúi mặt. Mẹ đã ở bên kia cuộc đời, mà vẫn âm vang như còn đây tóc trắng – hình ảnh cuối cùng con đã ghi dấu trong lòng như một "vết-thương-không-chịu-lành" mà con phải mang theo nơi trái tim rạn nứt của một kẻ lưu-vong lạc-loài trên đất khách có khi tưởng đã mất phương về!??? Làm sao con quên được phút giây khi Mẹ già nua, đứng vn cửa, tay run-run nhìn con như một người rất lạ, sau 19 năm xa cách mà thời cuộc đã biến con thành "người-tù-rách-nát" đã tìm đường về nhà, như con chim tìm về tổ xưa của Mẹ nó, từ một vùng cực Nam đất nước, chỉ vì "món nợ" núi sông con đã lỡ gánh trên vai của người trai thời loạn... Đó là cuộc hạnh-ngộ tìm nhau, nhưng - thực ra, Mẹ đâu có biết rằng đó cũng là lần cuối cuộc đời "mẹ con" mình có nhau chỉ để vĩnh-ly miên-viễn sau đó hay không? Mẹ không biết, nhưng con thì biết nó rất rõ, vì con không dám nói thực cho Mẹ hay đó thôi, bởi con về thăm Mẹ lần này, là cốt chỉ để "từ biệt" Mẹ, thay cho những chuyến ra đi sắp tới mà con không ở cạnh Mẹ để nói lời cuối đó mà, mặc dù ngày xưa Mẹ vẫn hay mắng con là thằng"trớ trinh" - một hình thức dối trá Mẹ rất ghét, khi con chỉ lén giấu những viên thuốc tể không muốn uống, rồI bóp bẹp chúng đút dưới ngạch cửa mà Mẹ tình cờ khám phá ra, nhưng con vẫn một mực gân cổ chối phăng đi tội nói dối bé thơ của mình để quả-quyết với Mẹ rằng: "Mẹ ơi, đó là cứt gà, chứ không phải thuốc tể đâu Mẹ!!"là loại thuốc có màu đen được vo tròn như hòn bi, dù có tẩm chút mật cho ngọt để dễ uống, nhưng con rất sợ vì nó vẫn hôi mùi thuốc Bắc quá, ruột nó đắng nghét nuốt không vô, bắt phát ói, đâu có được ngọt-ngào thơm-tho như những viên kẹo mè tẩm bột trắng phau gói trong những miếng lá chuối xanh, mà thỉnh-thoảng Mẹ cũng hay mua cho mấy anh em con từ ngoài chợ Huyện. Thế là ăn đòn nhừ tử về tội"phí của và nói dối". Vậy mà bây giờ con vẫn không chừa, dù trong trại Cải-tạo ngày nào mà con không được dạy-dỗ kỹ lưỡng như kinh nhật-tụng: "Các anh phải thành thực khai báo, thì sẽ được CM khoan hồng! CM thử lòng thành của mấy anh tới đâu đó thôi, chứ CM biết hết, biết hết mới thắng được thằng Mỹ đấy!?". Con đã "học-tập tốt"nên mới được về thăm Mẹ đó chứ!? Nhưng, Mẹ ơi, đôi khi sự "thành thực" của mình lại chỉ dẫn đến những tai-ương cho chính mình và có thể làm cho kẻ khác "đau" không phải trong một hai ngày mà là
suốt cả một đời người đó Mẹ -"Toute la vérité n'est pas bonne à dire" - không phải mọi sự thực đều nên nói ra, đó mà!? Con có thể nào nói "thực" với Mẹ lúc này, những gì con sắp làm trong nay mai được, bởi vì như vậy cũng bằng như con "giết" Mẹ mà thôi, giết một bà già từng đẻ ra thịt xương mình, nuôi mình lớn khôn, rồi cho học hành thêm chút chữ nghĩa với người ta, những mong cho mình "ấm thân" sau này, nhưng rốt cùng Mẹ đã chìm trong hơn mười mấy năm trời lửa đạn vây quanh, chỉ biết ngồi tựa cửa ngóng con, trái tim có lúc phải muốn nhảy ra ngoài lồng ngực mỗi khi Mẹ chợt nghe những tiếng nổ ì-ầm rung lên trên từng mái rạ trong xóm nhỏ vốn đã xác-xơ từ lâu, mà "người đi" thì vẫn cứ biền-biệt không về - kể cả hai bên - vì chúng nó phải bận long-đong, có khi phải giết nhau để sống sót , mải trôi theo chiều dài oan-khiên của Mệnh Nước?
                                     


Tháng ngày nhỏ dại, từng muỗng cơm mẹ đút mệt nhoài, với những lời dỗ-dành mật ngọt:"Ăn đi, chóng ngoan, mẹ thương!"là những dấu ái tuổi thơ hiếm-hoi không bao giờ phai nhạt, lẫn với những răn đe khi con quay mặt đi cố tránh những muỗng cơm còn lên hơi ấm, bên giữa có miếng cá nhỏ được rút sạch xương, thì Mẹ lại gắt:"Hư, không chịu ăn, tao kêu chuột cắn bây chừ!". Lớn khôn hơn một chút chỉ có con "ngu", vẫn cứ muốn quanh-quẩn bên Mẹ hoài, trong khi các anh chị chỉ sợ Mẹ sai làm việc nhà, nên lại tìm cách rong chơi bên ngoài cho khoẻ, lại đỡ bị đòn những khi Mẹ bực sảng. Chỉ có con bên cạnh nên Mẹ hay sai con những việc lặt-vặt như: quét nhà, gãi lưng, bắt gió trên trán mỗi khi Mẹ bị nhức đầu, hay lúc may vá Mẹ hay nhờ con xỏ kim giùm Mẹ vì mắt Mẹ đã kém. Mỗi lần đi đâu ra ngoài Mẹ thường bảo con nhìn thử mặt Mẹ có dính lọ bếp hay
không vì ở nhà mình chỉ có một tấm kiếng treo tường nhưng con chim bồ câu vô tình bay va vào làm bể mất. Mẹ cũng hay sai con lấy cho Mẹ cái ghế đòn gỗ nhỏ thấp tè, để Mẹ ngồi xắt rau cho heo, hoặc Mẹ ra giếng để giặt áo quần... Nhưng con vui nhất là mỗi lần làm xong việc gì đúng như ý Mẹ muốn thì Mẹ đều cười, để lộ hàm răng đen nhánh hạt huyền khen con:"Giỏi!"và con đứng mừng rơn, hai tay ôm đầu, cũng cười nhe cả mấy cái răng cửa sún ra. Nhưng điều quan trọng
hơn lời khen ấy, đó là những dịp để con tự thấy con được "gần-gũi" Mẹ, dù Mẹ chẳng bao giờ vò đầu con một cách âu-yếm như vò đầu mấy đứa em con khi chúng nó ngả người vào lòng Mẹ nũng-nịu, với lời Mẹ nói nựng ngọt-ngào kéo dài ra như chừng cho chúng nó đủ thời gian uống hết những thân thương mà Mẹ riêng dành cho chúng nó bằng câu:"Mấy Út cưng của Mẹ ơi!"đến con nghe mà phát thèm, phát ước mơ. Chúng nó bao giờ cũng được ưu-đãi hơn con nhiều, chả bị đòn hay làm việc gì hết, quà thì chúng nó được phần lớn hơn mà thực tình con không hiểu được lý-do tại sao, với chút lòng ganh tỵ - đôi khi ra mặt, đến nỗi có lúc hờn dỗi Mẹ, nên con thường bỏ những bữa cơm như một thứ phản-đối mà Mẹ bảo con rằng:"Như vậy là xấu lắm, biết không?"nhưng "xấu" như thế nào thì Mẹ không bao giờ giải-thích cho con rõ, ngoài chuyện Mẹ chỉ bảo khơi-khơi rằng chúng nó là"em"thế thôi, làm cho con bối-rối không ít, rồi mơ hồ tự hỏi:"Như thếlàm em thì mới được Mẹ âu-yếm hay sao? Nếu vậy thì con không thèm được đẻ ra trước đâu!"như có lần con đã nói với Mẹ y vậy, nhưng Mẹ lại chỉ cười nhẹ và mắng con là:"Cái thằng này nguvà nhiều chuyện quá!" . Con thất vọng vô cùng, nên không muốn tìm hiểu làm chi nữa, rồi từ đó con tự cảm thấy buồn, lẫn cô-quạnh, vì như có cái gì đó “có chỗ không đành" trong suy nghĩ bé nhỏ của con, nhất là những đòn roi cho con ngày càng thêm lên, khi đời sống của gia-đình mình mỗi ngày một sa-sút đi nhiều hơn, cũng theo chiều dài của Lịch-sử mà chả ai lựa chọn được bao giờ....

Những kỷ-niệm tuổi thơ đó - với tôi, nó không nằm trong chiếc"hoa hồng trắng"vốn nhiều buồn tủi trên áo ai kia của"mùa Báo hiếu", nó cũng không nằm trong chiếc"hoa hồng đỏ" nồng-nàn, đầy hãnh-diện của những người còn Mẹ, mà nó nằm ngay trong trái tim tôi rạn nứt, mỏi-mòn...Tôi đã
sống như ý Mẹ tôi muốn ngay từ lúc bé:"Con trai phải mạnh bạo, phải phỉ chí tang-bồng, không được ủy-mị quanh-quẩn bên Mẹ hoài nó hèn-hạ đi, biết không?" cộng với những la mắng tàn-tệ, đánh đập thường xuyên từ nhiều phía trong nhà, tôi như con kiến nhỏ bò trên miệng chén lửa, vì vậy, tôi đã muốn "ra đi" từ những ngày tôi còn tấm bé khi tôi tự thấy cái khoảng cách giữa tôi và
những thành viên trong gia đình ngày càng dài ra bằng những trận đòn khốc liệt, liên tục, chì-chiết thảm-thê, mà đôi khi tôi không rõ lý do, nói rõ ra rằng tôi không có"tuổi thơ!", là tuổi phải được cưng chiều, phải được âu-yếm, được vỗ-về mật ngọt, được nhỏng-nhẻo vòi-vĩnh và được tha-thứ mọi lỗi-lầm chứ không phải sự trừng phạt, xua đuổi trong sợ hãi, xa cách miên-man như con chó ghẻ trong nhà của một người chủ khó tính!??

Tôi là ngọn "cỏ bồng" chưa kịp trưởng thành đã chợt vút bay vào 4 hướng lạc loài theo sức đẩy của chiếc "cung dâu" là lời ước mơ của Mẹ tôi lúc đó. Tôi là con chim non đứng trên bờ tổ lặng nhìn những giông tố bão-bùng đang đón chờ mình ở cuối đường Định mệnh với đôi cánh nhỏ bé mong-manh - thực ra, không đủ sức để cưu-mang những rối-rắm của cuộc đời và tôi đã vấp ngã triền-miên như đứa trẻ con lần mò trên con đường lầy lội. Nhưng tôi đã không ân-hận và tiếc
nuối điều gì, bởi vì tôi tìm cách tự vỗ-về mình là tôi "lựa chọn" - lựa chọn khoảng trời xanh mênh-mang hơn là cái bờ tổ hạn-hẹp... nơi đó tôi là con chim con "tật nguyền" (mà người ta vẫn thường gọi là"hư"hay"brebise galeuse" - chiên ghẻ, hoặc"black sheep" như ở đây) không được chia mồi bình thường... Ngay cả trong dòng họ Nguyễn tôi, trong những ngày lớn khôn khi trở về thăm làng tôi mới khám phá ra một điều buồn tủi do những người bà con quý mến tôi kể lại: các Bác tôi không có con trai nối dõi, nhưng chẳng ai muốn chọn tôi làm"Thừa tự"cho họ cả, tôi đã bị "sauté"không ngần-ngại trong sự lựa chọn của họ, mà như thông lệ là họ phải chọn "tôi" theo số thứ tự
từ trên xuống dưới trong 4 đứa con trai của gia đinh tôi, mặc dù lúc đó tôi còn rất bé, đâu có biết gì, mà thực sự bản chất tôi chẳng "ham-hố" gì của ai, tính cho đến bây giờ, khi tôi chỉ có biết "cho"chứ chưa hề biết"lấy" của ai cái gì cả - nhưng ở đời,trong bất cứ sự "từ chối" nào, bao giờ cũng đem lại cho người ta những hụt-hẫng thương đau dai-dẳng - như thể chính tôi là hiện thân của con số "13" đầy tai ương, mà ai cũng muốn né tránh, được biểu lộ bằng con số "12bis" thay thế, khi người ta muốn ghi số nhà của mình trên các đường phố... Nói tóm:tôi cũng là một thứ "cùi hủi" trong chính dòng họ bề-thế của mình nữa ngay từ thời bé dại! Nhưng các Bác tôi có biết đâu rằng, khi lớn lên, tôi chẳng làm gì sai trái hết để phải sỉ-nhục dòng họ, nếu như không muốn nói rằng tôi là người duy nhất mang lại “chút” vinh-hạnh cho gia tộc, kể cả lòng tử-tế mỗi khi tôi trở về quê thăm viếng...
                                                                           



Nhiều khi, tôi tự kiểm-tra lại đời mình coi thử mình "thừa thải" những gì và "hụt-hẫng" những gì trong khoảng đời sau lưng? Câu trả lời thường là nỗi lặng câm, kèm theo một nụ cười buồn khó hiểu. Trong tuổi thơ, tôi chưa bao giờ được cái hạnh-phúc của đứa trẻ tự choàng cho mình tấm áo mới, chưa bao giờ cảm nghiệm được nỗi reo vui của một chú bé con nhún-nhẩy cầm chiếc đèn giấy hoa nghêu-ngao đi trong phố hát rằng:

"Tết Trung Thu em xách đèn đi chơi,
Em xách đèn đi khắp phố phường,
Đèn ông sao với đèn cá chép"…

Mà chỉ có những "vạt lông bò" bám cứng vào đáy quần dày mo, lẫn với thứ mồ hôi đen kịt của loài thú hiền lành này chạy dọc xuống hai bờ chân, tạo thành một thứ mùi lợm giọng đến độ khi lớn khôn mỗi lần về phố phường rong chơi, tôi không còn dám ăn "phở bò" nữa, giống như những người lính trận còn sống sót trở về sau những cuộc đụng độ, không dám ăn món “Cà-ri”, nếu như có lần, khi mặt trận yên tĩnh trở lại, mà họ đã tình cờ nhìn thấy đồng đội mình nằm chết dưới những hố cá-nhân máu thịt vàng khè hòa lẫn với những miếng da người cuốn cong lên như da bê thui, lẹm màu đen của thuốc đạn, khi tử-thi trước đó có mang trái khói vàng trên người, mà vô-phúc "lãnh đủ" một trái lựu đạn của địch thảy xuống! Chao ôi, thời thơ ấu của tôi.



Rồi những ngày lớn khôn, ít khi nào tôi gặp mặt được người thân, kể cả những lúc tôi đã phải gắng sức để trở"nên người" theo cái nghĩa phù-vân và tầm thường nhất của nó, mà người ta vẫn hay mong-mỏi hoặc nói đến một cách hãnh-diện về con em của mình ở các sân trường Đại-học, khi tôi chỉ tự choàng cho mình chiếc áo thụng đen, xong đội cái mũ vuông có tua trong ngày Tốt-nghiệp mà không hề có ai "đủ thân" để chứng-kiến những thành tựu - xét ra, đâu phải dễ-dàng gì, để tôi đủ niềm vui mà chụp một tấm hình kỷ-niệm, ghi dấu cho quãng đời học-hành khổ nhọc như mọi người, lẫn với những vinh-quang từ một ngôi trường mà không ít những người trẻ như tôi ước mơ thời đó!? Tôi lại càng không được trông thấy ai thân, ở những trại lính tôi chỉ toàn cơm "nhà bàn" quanh năm, mà có thể sự tử-sinh là những hứa-hẹn thê-thảm rình-rập cuối đường,thì mong gì được thấy ai ở bên kia bờ rào kẽm gai của trại tù để lòng đỡ tủi, khi tôi đã trở thành một người"ngã ngựa", vì món nợ núi sông tôi đã lỡ vận vào người! Vậy thì "hoa hồng" nào dành cho tôi, hở em yêu dấu? Mẹ tôi đã không biết tôi ở"phương nào?"và đã"về đâu?"bên kia dòng sông Ngân vô-định. Mùa "Báo hiếu" này tôi sẽ làm gì cho Mẹ, giữa những ray-rứt không nguôi-ngoai, ray-rứt của những kẻ"vong nhân" ngay chính trên cuộc đời này trong mùa "xá tội":

"Tháng bảy ngày rằm xá tội vong-nhân"(Ca dao)

Tháng 7 này tôi không có "hoa hồng trắng", bởi vì tôi đã không được vuốt mắt mẹ tôi trong buổi lâm chung, có nghĩa là mẹ tôi - với tôi, bà vẫn còn sống. Tôi cũng chẳng có "hoa hồng đỏ", bởi vì tôi đâu "có mẹ" ngay từ buổi ấu thời, có nghĩa là - với tôi, bà đã không còn!? Tôi vẫn muốn tự nhủ mình rằng:"Vết thương nào rồi cũng phôi-pha!”. Thời-gian sẽ lấp đầy những khoảng trống trong hồn như những dòng phù-sa vô tình xoá đi những vực thẳm, nhưng cũng chính thời gian đã khoét sâu thêm những cơn đau, vì thời gian đã ôm choàng quá khứ được lặp lại trên những chu-kỳ gần như cố-định, mà loài người không muốn quên đi. Bởi vì họ không thể sống mà không có quá-khứ, được khơi lại một cách trịnh trọng bằng những lễ-nghi, nhất là ở một nơi - xét ra, họ chả còn gì để
bám víu, nếu không là quá-khứ. Mà quá-khứ, tự nó thường là những đau buồn, "hoa hồng trắng" làm cho nỗi nhớ tràn đầy và ray-rứt hơn là "hoa hồng đỏ".Phù-sa, có thể lấp đi những vực thẳm, nhưng phù-sa là phần bào mòn của một nơi khác, hẳn đã làm đau lòng sông không ít. Vậy thì niềm đau tự nó không mất đi mà nó chỉ chuyển dịch trên cơ thể của con người, vốn sức chịu đựng ngày càng mòn-mỏi. Vẫn cứ mùa Vu-Lan, mùa của những "bông hồng cài áo", để nhớ lại những
đôi mắt thực mềm của những người Mẹ thân yêu, dù còn sống hay đã chết. Đôi mắt của mẹ bao giờ cũng "mềm" và "ướt" như đôi mắt của em, nên đã có lần tôi ghi trong nhật-ký khi mới chỉ học lớp 10:

"Mẹ đã dạy con khóc,
Mà Mẹ lại không dạy con cười!
Lớn lên con trở thành người lang-thang..."(Thơ Nguyễn-Tư)

Hoặc như mới đây, mà tôi xem đó như một thứ "Dụ-ngôn của loài thú hoang":

"Em hãy cho tôi mượn đôi mắt của em,
Đôi mắt mang những giọt lệ mềm của Mẹ,
Để tôi hôn lên đó như một lời tạ lỗi,
Vì tôi đã làm khổ Mẹ tôi một đời!?...
Em hãy khóc giùm tôi một thời,
Vì tôi đã bỏ nhà mười chín năm ròng-rã...
Khi trở về từ trại tù,
Thì mắt Mẹ tôi đã lòa,
Không còn nhận ra tôi là ai?
Ngoài cái giọng nói "ngang-ngang",
Của "thằng mất dạy!",
Mà bà phải cố thương yêu,
Vì đã lỡ mang nặng đẻ đau,
Để sản-sinh ra nó!?..." (Thơ Nguyễn-Tư)

Bởi vì "Mẹ" hay "em" đều là những người đàn bà - loại người được trời sinh ra với những tuyến lệ thực lớn để chịu đựng cuộc đời, trong đó hẳn có tương lai mờ-mịt của những đứa con, nhất là trong thời buổi đao-binh:

"Ru con mắt chảy hai hàng,
Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo" (Ca dao)

Cuộc chiến tương-tàn càng khốc-liệt, mẹ đông con, nên nỗi lo mẹ càng nhiều, càng rộng. Mẹ chẳng bao giờ ngủ được yên khi giữa đêm bỗng dưng mẹ chợt nghe "Tiếng bom rung từng liếp cửa"( NhạcTrịnh-Công-Sơn) vì nơi đó có thể đang có mặt những thằng Sáu, thằng Chín, thằng Mười của Mẹ... mà Lịch sử đã vô tình biến chúng nó thành những "kẻ thù" không thấy mặt nhau!? Mẹ sẽ nhạt-nhoà nước mắt, khoác vội chiếc áo the thâm rách tả-tơi, tay cầm nắm nhang bốc khói
ngùn-ngụt, lọng-cọng ra đứng giữa sân khuya, chắp tay vái đi khắp bốn phương Trời, mười phương Phật với ý-nguyện thầm kín nhất của một người đàn bà Việt nam, đã từng mang nặng đẻ đau nhiều lần, là chỉ mong sao cho những đứa con bà đang đánh nhau, chúng nó được bình yên. Điều này được biểu lộ rõ ràng trong lần về phép của con, mẹ đã trao cho con món quà lạ-lùng nhất của một bà Mẹ trong thế-giới loài người, là chiếc áo giáp nhà-binh rộng phùng-phình mẹ đã
mua ở một khu chợ trời, từ một số tiền mẹ phải góp-nhóp lần hồi mới đủ, trong một khoảng thời gian khá dài lâu, bằng cách Mẹ kiên-nhẫn bán những thúng trái cây òi-ọp mẹ hái trong vườn, mà đạn bom đã tàn phá hơn phân nửa. Như vậy là người đã nuôi cây, và cây cũng đã nuôi người, vì nhờ chiếc áo giáp tình-nghĩa thiêng-liêng đó mà con mới sống được cho đến bây giờ, dù lúc này mẹ đã không còn nữa! Con nhớ rõ lời mẹ dặn rất thiết-tha khi mẹ trao chiếc áo giáp cho con
như một lời nhắn-nhủ tử sinh muốn con không được phép chểnh-mảng về mạng sống của mình khi lâm trận:"Con đừng bao giờ quên rằng Mẹ chỉ có thể đẻ con ra được có một lần mà thôi" vì Mẹ vốn biết con là thằng rất lì lợm, dạy không được ngay từ lúc bé, và ít khi quan-tâm tới bản thân mình, còn coi nhẹ mọi chuyện ở đời như chẳng có gì quan-trọng, kể cả mạng sống của chính mình! Nghe nói trước khi mất, trong giờ phút hấp-hối, Mẹ chỉ ước có 2 điều: một là Mẹ muốn biết rõ hiện giờ con ở đâu, mà không chịu về cho Mẹ thăm lần cuối!? Điều mơ ước thứ hai là Mẹ muốn được an-táng ở một nơi gần với 2 ngôi mộ của 2 người anh song-sinh đã mất cách nhau có một ngày khi họ mới vừa nên 4, mà mọi người trong nhà đều giấu Mẹ chỉ vì lúc đó Mẹ đang sinh người chị thứ Năm, sợ Mẹ bị bịnh "sản hậu" mà chết mất. Mẹ muốn nằm giữa 2 ngôi mộ nhỏ tí teo, như thủa Mẹ mới sinh ra 2 anh ấy, mà Mẹ sợ lộn, nên Mẹ tự bứt tóc mình cột vào cổ tay của
anh Ba và đặt anh ấy phía bên tay mặt của Mẹ như Mẹ đã kể với con. Mẹ cũng đã lấy 2 cuống rốn khô cột lại với nhau, gói trong cùng một miếng giấy, với niềm mong ước rằng anh em sẽ phải biết yêu thương nhau sau này như con của bà Âu-Cơ và ông Lạc-Long trong cổ sử vậy. Không hiểu lúc ấy, Mẹ có nhớ ra cho rằng, trong 50 đứa con theo Cha xuống biển, có một đứa vì quá thương Mẹ, nên nó đã trụt lại phía sau để tìm Mẹ nó hay không? Rồi nó bị lạc, trôi giạt lên mãi tận
miệt Bắc-ninh(?) sống một mình, lập-nghiệp luôn ở đó. Có phải người đó là tiền thân của con hay không? - đứa con chỉ xin được ngủ dưới chân Mẹ thôi cũng cam lòng, sau khi đã bị nhừ đòn, bị tống khứ ra hè trong đêm giông bão dưới cơn thịnh nộ của trời đất vào một mùa Đông thủa ấy xa-xưa, chỉ vì Mẹ muốn con trở "nên người". Con đã lạc Mẹ ở ngần ấy tuổi, tuổi của loài chim non, cần sự ấp-ủ, che chở, từ đôi cánh và hơi ấm của Mẹ nó. Và, vào một buổi sáng bình minh, đứng trên bờ tổ, nó ngây thơ nhìn khoảng trời rộng trước mặt với nỗi ngập-ngừng e sợ. Thế nhưng khoảng trời xanh đầy mộng-mị đó, thấp-thoáng với những buồn tủi riêng mình, hốt-nhiên nó đã vỗ cánh bay cao... bay cao đến cuối trời u tối, như một mũi tên vô-định, mà cái đích sau cùng - đôi khi, chỉ là những ăn-năn lúc nó chợt cảm-nghiệm ra rằng: dường như nó đã là một phần trong
nỗi đau cuối đời của Mẹ nó, như con đã vô tình trở thành điều ước mơ thứ nhất của Mẹ trong buổi lâm chung...

Tôi đã viết bài này vào một đêm khuya trong mùa "Xá tội", với đôi mắt long-lanh những giọt đắng, mà tôi cố nén cho chúng chảy ngược vào lòng. Và dường như vừa có một chuyến tàu vội-vã chạy qua cây cầu phía sau nhà, thở những hồi còi dài buồn trong sương đục, nhưng lòng tôi lại tỉnh-táo lạ thường, bởi vì tôi đang muốn nhìn thấy rõ lòng mình còn cầm giữ được những gì, và đã mất-mát những gì, dù những phiến buồn cứ dính chặt vào quá-khứ như một thứ nhựa đường nóng bỏng trong những câu thơ mà tôi nhớ mù mờ như hơi sương:

"Lửa đến từ những ngưỡng cửa của cuộc đời,
Đốt cháy mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng"

Hỡi em yêu dấu! Hỡi Mẹ không cùng! Tôi yêu em một lần như yêu Mẹ một đời, bởi vì em có đôi mắt ướt giống đôi mắt của Mẹ tôi, đôi mắt buồn quá đỗi, buồn như thể chưa được buồn bao giờ! Tôi chả có được "nụ hồng" nào cho em, cho Mẹ, bởi vì tôi đã không có Mẹ, không có Em, mà vẫn phải nghĩ rằng mình có Mẹ, có Em. Thôi thì, hãy chọn một giây phút nào đó trong cuộc đời vốn hệ-lụy, phù-du này mà nghĩ tới nhau, dù có phải đối-diện với khoảng không, với đêm đen trước mặt trong mùa Xá tội, nhưng với tấm lòng bao dung của con người, mọi chuyện đều sẽ trở thành Hạnh-phúc - Hạnh-phúc của những kẻ tự thấy mình cũng phảI "sống" ,sau khi đã"chết"và chết nhiều lần. Từ ngữ"Hạnh-Phúc"của kiếp người, thực sự, nó không nằm ở chỗ"được"hay "mất"mà ở chỗ "có nhau", hay "không có nhau", thì kể gì một nụ hồng "trắng" hay "đỏ" trong cuộc đời đầy bạc-bẽo này, để cài lên ngực áo của những ai kia, mà bên dưới có nhịp đập âm-thầm của những con tim... khi mình đã lỡ "nặng tình" nhau,dù không trọn vẹn...


             (Trích "Những dòng rời cho Mẹ", tâm-bút Nguyễn-Tư, sắp XB)