CÀNH MAI NGÀY TẾT
Ông Hải đứng tại ngạch cửa nhà nhìn ra đường. Con đường nhỏ gập ghềnh trước nhà ông từ vài ngày nay đã trở nên rộn rịp. Những tiếng xốc mệt nhọc của xe cộ trong ngày thường, giờ đây trở thành tiếng reo vui để chờ đón những ngày Tết sắp đến. Đây là một xã thuộc huyện ngoại thành, nhưng giáp ranh với thành phố. Con đường nầy cũng là con đường chính nối liền thành phố với các xã, nên vào những ngày cuối năm, nhịp độ xe cộ càng tăng.
Hôm nay là ngày ba mươi tháng chạp, mọi người ngoài đường trông rất tất bật. Người khá giả thì mua sắm cho thật đầy đủ trong nhà, thiếu một thứ gì cũng không hài lòng. Người nghèo cũng làm hết sức mình để kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy, hầu mua thêm vài thứ tối thiểu cần có trong những ngày Tết.
Những chiếc xe lam chở người đi chợ Tết với thúng, rổ, giỏ xách v.v... đựng thịt, cá, gà, vịt, hoa, quả, bánh, mức, nhang, đèn v.v... chạy từ thành phố về. Những chiếc xe ba bánh chở chuối, dừa, cam, quít v.v...hấ p tấp chạy vào thành phố bán cho kịp buổi chợ chiều ba mươi Tết.
Ông Hải biết trong số người đang hoà mình với cảnh chuẩn bị Tết hôm nay phần đông nghèo lắm. Tuy nhiên những món hàng dù mua hay bán, dù ít hay nhiều, dù đặc biệt hay không, hôm nay nó đều mang một ý nghĩa thiêng liêng, đó là mua bán Tết. Mọi người đang mua bán Tết vơi một niềm hy vọng, hy vọng một năm mới, đời sống sẽ khá hơn.
Ông hiểu mọi người như thế và ông cũng cố tìm một niềm hy vọng, nhưng không thấy. Trái lại, đứng nhìn quang cảnh trên đường một lát, một cái chân còn lại của ông, mặc dù đã có cây nạng phụ giúp đã thấy mõi và hồn ông bỗng cảm thấy chùng xuống.
Đã từ lâu rồi, từ ngày bước chân vào đời lính, ông chưa bao giờ được hội nhập với mọi người một cách thoải mái, an vui trong dịp Tết. Những ngày Tết ở chiến trường lúc nào cũng căng thẳng, lo âu, đâu có ai thiết tha gì đến cái Tết. Đến khi bị thương thành phế binh, trở về gia đình với cuộc sống u buồn, lặng lẽ, ngày Tết đối với ông cũng chẳng vui gì.
Ông Hải nghĩ tới, nghĩ lui, thấy cuộc đời mình và đất nước mình lúc nào cũng chìm vào cơn ác mộng, chưa bao giờ được tỉnh thức. Một đất nước chiến tranh triền miên, xương máu chất chồng, tưởng đã quá tang thương, nào ngờ khi cuộc chiến chấm dứt, miền nam rơi vào tay Cộng Sản, dân tộc càng tang thương hơn nữa. Còn đời ông, một thượng sĩ phế binh với số tiền trợ cấp ít ỏi để phụ lo với vợ con trong cuộc sống đạm bạc, nay cũng không còn.
Ông đã sống co rút trong nhà. Đối với những kẻ vênh vênh tự đắc vì cho là mình làm cách mạng chiến thắng, dĩ nhiên ông không muốn thấy mặt họ. Còn với nhũng người chung quanh trong xã hội, kẻ mới, người cũ, vàng, thau lẫn lộn, ông không còn niềm tin. Có vài lần ông vô tình nghe đám thanh niên mới lớn gọi lén ông là ông Hải Cụt. Ba tiếng ông Hải Cụt làm cho ông thấy mình tàn tạ, già nua. Một ông già chờ chết ở tuổi bốn mươi chín.
Thấy mõi chân nhiều, ông Hải chống nạng đi đến và ngồi lên chiếc đi-văn ở góc nhà, nơi con Điệp đang trải rộng những tờ giấy báo ra và phết hồ vào để dán lên vách ván. Nhà ông lâu năm không thay vách nên mối, mọt ăn lỗ chỗ. Có chỗ phải vá bằng những miếng ván nhỏ ép lên, nên chỗ dầy, chỗ mỏng, gồ ghề.
Ông Hải nhìn bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn của con Điệp mà thấy ngậm ngùi. Có lẽ nó thấy nhà người ta dán giấy hoa nên bắt chước dán đỡ bằng giấy báo. Cái nhà cũ kỹ quá, không ai bắt nó phải làm đẹp. Vậy mà mỗi năm Tết đến, nó tìm đủ mọi cách làm cho sạch sẽ và mới mẻ.
Ông biết khi dán xong giấy báo để làm nền, con Điệp sẽ có những tờ giấy hình màu mè để dán rải rác lên. Nó sẽ chọn và ngắm nghía từng vị trí trước khi dán để trông cho đẹp mắt.
Nhìn những tờ giấy báo, ông Hải lại thấy tội nghiệp con. Những tờ báo nầy, con Điệp phải cất để dành cả năm mới đủ dán, vì thỉnh thoảng ông mới mua một tờ báo để tìm hiểu những biến chuyển, thật giả trong xã hội mới. Ông nhìn mặt con Điệp, thấy nó vui vẻ, vô tư. Ông tự hỏi, không biết nó có buồn không khi thấy nhà người ta đẹp đẽ, sang trọng hơn nhà nó ? Nhất là nhà bọn Cộng Sản ở rải rác quanh đây. Dù sao, thấy vẽ vô tư của nó, ông cũng an lòng phần nào.
Con Điệp thấy ông Hải đang chú ý đến việc làm của nó, nó cảm thấy phấn khởi nên ngưng tay một chút, ngắm lại " công trình " đã gần hoàn tất.
Nó nhìn ông Hải cười tươi :
- Ba, con định làm xong việc nầy, con sẽ rủ thằng Phước ra thành phố, chỗ má bán hoa, nếu má bán khá, con sẽ xin tiền mua một cành mai về chưng trên bàn thờ.
Ông Hải trầm ngâm một chút :
- Mai mắc tiền lắm đó con.
Con Điệp nói giọng tự tin:
- Thì con đợi tới chiều, lúc chợ gần tan, họ sẽ bán rẻ.
Ông Hải gật đầu nhẹ :
- Ờ... ra chợ hỏi má con xem sao.
Con Điệp nói rành rẽ :
- Chiều hôm qua, nhờ bán khá, má đã mua gần đủ đồ ăn Tết rồi. Thịt heo có rồi nè, bánh mứt có rồi nè, bánh ít, bánh tét cũng có rồi. Má nói hôm nay sẽ mua vài món ngon để cúng rước ông bà.
Có bao nhiêu đó mà con Điệp thấy đã đầy đủ lắm. Ông cố dấu sự ưu tư để chia sẻ niềm vui với con. Ông cũng cười :
- Năm nay cũng nhờ hoa vạn thọ của mình nở to và đẹp hơn những năm trước.
Con Điệp hí hửng :
- Vậy thì mình lấy cái hên của hoa vạn thọ đổi lấy hoa mai. Con thấy nhà người ta chưng cành mai to ở bàn khách, đẹp lắm. Nhưng mình chỉ mua được cành nhỏ thôi mà lại không có bàn khách đẹp, nên chưng trên bàn thờ để cúng ông bà luôn. Con rất thích hoa mai mà chưa có năm nào dám nói với má, vì thấy má không có tiền nhiều.
Ông Hải cảm động. Ông không ngờ con Điệp mới mười lăm tuổi mà đã có những suy nghĩ, tính toán chín chắn. Có lẽ cái khổ làm cho con nít già trước tuổi. Nếu vợ chồng ông không nghèo, chưa chắc con Điệp có tư tưởng như thế. Dù sao, trong cảnh khổ mà có đứa con biết suy nghĩ sâu xa, đó cũng là một điều may mắn.
Ông nghĩ đến thằng Phước, em con Điệp. Nó cũng có cái lí lắc, ham chơi của thằng con trai mười ba tuổi, nhưng nó cũng biết vâng lời cha mẹ những việc cần phải nghiêm túc. Nhờ vậy mà gia đình ông dù nghèo, nhưng nhìn chung cũng được an ủi phần nào, nhờ có hai đứa con ngoan.
Ông nghĩ tới bà Hải, vợ ông, hiện giờ cũng đang tất bật lo cho ba ngày Tết của gia đình mà thương xót. Bà Hải là một người đàn bà hiền lành, tần tảo. Khi ông còn đi lính, bà làm công nhân cho một xí nghiệp. Khi ông thành phế binh, bà vẫn còn làm việc, nên gia đình đủ sống. Cho đến sau năm 1975, ông không còn lãnh tiền trợ cấp nữa, thì bà cũng bị thất nghiệp. Bà phải lập tức tập buôn bán để cứu nguy gia đình. Bà đi tìm mua rau, trái ở các vườn rau lớn, đem ra chợ bán lẻ. Ban đầu bỡ ngỡ, khó khăn, sau cũng quen dần.
Mảnh đất nhỏ phía sau nhà ngày trước chỉ trồng vài luống rau cải để ăn, từ đó được tận dụng. Ông Hải cùng vợ con vung xới lại, trồng thêm rau cải, bầu bí v. v... để bán. Mỗi ngày bà Hải đi bán, ông chống nạng lần mò nhổ cỏ, tưới nước. Sự thu hoạch dù không đủ bán hàng ngày, bà vẫn phải mua thêm, nhưng cũng đỡ phần nào cho đời sống.
Rồi mỗi năm vào mùa đông, mảnh vườn đó lại được vợ chồng ông đổi sang trồng hoa vạn thọ để bán Tết. Ngày Tết hoa vạn thọ được đa số người nghèo mua về cúng ông bà, nên hoa vạn thọ dễ bán và được nhiều tiền hơn trồng rau cải. Những năm vừa qua cũng như năm nay, trong hai ngày 29 và 30 tháng chạp, từ trước rạng đông, bà Hải đã mướn xe chở hoa vào thành phố bán. Bà không bán hoa nơi chợ quận hoặc chợ xã, vì bán ở thành phố giá cao hơn và luôn tiện mua đồ về ăn Tết.
Ông Hải suy nghĩ miên man. Con Điệp đã hoàn tất công việc trang trí nhà cửa. Ông phải thầm công nhận nhờ con Điệp mà nhà trông có vẽ Tết. Ông nhìn quanh nhà rồi nhìn lên bàn thờ. Dù đây chỉ là một cái bàn cao làm bằng gỗ thô sơ, nhưng hiện giờ trông khá tươm tất vì chiều hôm qua con Điệp đã lau chùi sạch sẽ. Cái lư hương bằng sành để ở giữa đã được nó nhổ bỏ số chân nhang cũ để chờ cắm những cây nhang ngày Tết. Hai bên lư hương là hai dĩa trái cây. Một dĩa gồm bưởi, cam, quít, một dĩa chưng trái dưa hấu nhỏ có dán giấy đỏ. Bên cạnh là hai hộp trà và vài gói bánh rẻ tiền bọc giấy xanh, đỏ. Những thứ nầy bà Hải đã mua về hồi chiều hôm qua và con Điệp đã sắp xếp lên đó. Riêng cái bình hoa còn để trống. Có lẽ con Điệp hy vọng mua được hoa mai nên nó chưa ra vườn nhổ hoa vạn thọ cắm vào.
Năm nào nhổ hoa đi bán, bà Hải cũng chừa vài bụi đẹp nhất để cúng trên bàn thờ và bàn thiên trước sân. Còn con Điệp đã trồng sẵn hai chậu hoa cúc để hôm nay đem chưng trước hiên nhà. Ông Hải cũng hy vọng năm nay bà Hải sẽ có khả năng mua một cành mai để bù đắp lại công lao và tấm lòng của nó đối với gia đình.
*****
Thằng Phước chở con Điệp bằng chiếc xe đạp chạy về hướng thành phố. Nó chạy thật nhanh, chỉ tránh những ổ gà, còn những chỗ lồi lõm nhỏ, nó chạy tuốt qua làm cho con Điệp cứ bị lắc lư theo chiếc xe. Nhưng nó cũng mặc kệ không la thằng Phước. Từ người lớn đến kẻ nhỏ, hôm nay đều có quyền vội vã, dù có người không có nguyên nhân nào để vội vã. Thằng Phước nhỏ hơn con Điệp hai tuổi, nhưng nó to, cao hơn con Điệp, nên lúc nào hai đứa đi chung xe đạp, nó cũng dành chở con Điệp. Có khi nó còn chở má nó đi công việc gần trong xóm.
Hai chị em cùng mang tâm trạng náo nức. Con Điệp nhìn những người từ thành phố về, thỉnh thoảng thấy có người cầm nhánh hoa mai, làm nó càng ao ước thêm. Nó biết người ta có trồng mai ở vùng ngoại thành nầy, nhưng hầu hết đều mang vào thành phố bán, vì người ở ngoại thành ít có khả năng mua được hoa mai. Hoa mai giá mắc, nên chỉ có những người khá giả mới dám mua. Con Điệp nghe nói ngày Tết chưng hoa mai trong nhà sẽ được nhiều may mắn, nhưng nó không nghĩ đến điều đó. Nó chỉ thích cành mai mộc mạc với những đóa hoa vàng nho nhỏ, đơn sơ, mà trông xinh xắn, dễ thương. Nó cũng biết nhà nó nghèo, nhưng với sự yêu thích hoa mai của nó và lòng thương con của mẹ nó, Tết nầy nó có thể mua được một cành mai nho nhỏ.
Thằng Phước đang nghĩ đến phong pháo. Nghe con Điệp rủ ra chợ xin tiền má mua mai, nó tán thành liền. Nó cũng đang mong má nó bán đắt để xin tiền mua một phong pháo.Từ ngày rằm tháng chạp, các tiệm tạp hoá đã có bán pháo. Tiệm lớn bán pháo đại, pháo dây v.v... Tiệm nhỏ bán pháo chuột, pháo lẽ. Từ hôm đó đến nay, tiền quà bánh có mỗi ngày, thằng Phước phải nhịn ăn để mua pháo. Những đứa cùng trang lứa với nó trong xóm cũng vậy. Mỗi đứa hàng ngày mua được năm, bảy viên pháo, tụ hợp nhau trước sân, ngoài hẻm để đốt, tiếng đì đùng, đì đẹt, vang lên cả ngày.
Má thằng Phước năm nào bán Tết khá thì cho nó mua một phong để đốt từ từ. Còn năm nào không khá, nó phải mua pháo lẻ đốt đỡ. Ngoài ra, nó còn tranh giành với mấy đứa khác lượm những viên pháo còn sót lại mỗi khi các nhà khá giả đốt xong những dây pháo dài.
Thằng Phước vừa ngẩng mặt lên chạy xe, vừa nhìn qua hai bên đường. Tai nghe tiếng đì đạch, đì đùng ở hướng nào là nó quay sang để dòm, ngó. Trong những ngày cận Tết nầy, ở đâu có con nít là ở đó có tiếng pháo.
Nó vừa dòm ngó, vừa nao nức nói với con Điệp :
- Ngày Tết phải có pháo mới vui hén chị Điệp
Con Điệp lắc đầu nhẹ :
- Còn biết bao nhiêu chuyện vui khác. Mặc quần áo mới nè, ăn ngon nè, đi chơi nè..
- Mình có nhiều tiền đâu mà đi chơi. Nhưng có nhiều tiền em cũng để mua pháo đốt, vui hơn.
Điệp bỗng nghiêm giọng :-
- Nhưng phải nhớ không được đốt pháo quăng sát vào người ta đó. Chị ghét nhất là lũ con trai hay đốt pháo quăng hù con gái.
Thằng Phước cười :
- Em không có đâu. Nhưng em thấy mấy anh hay đốt pháo quăng gần các chị cho họ sợ chạy la oai oải.
- Ờ, ngày Tết tụi nó chọc cho người ta chữi cho vui đó.
Thằng Phước ngạc nhiên thấy con Điệp cay cú. Nó nghĩ con Điệp chắc đã bị chọc rồi. Riêng nó, nó thấy đó chỉ là hành động giỡn chơi thôi, nhưng vì nể con Điệp, nó không dám cải lại.
Hai đứa im lặng theo đuổi ý nghĩ riêng, cho đến khi đến ranh giới thành phố, chúng nó gặp ngay một cái chợ khá lớn. Khu bán hoa được bày lộ thiên ở vòng ngoài nhà lồng chợ.
Con Điệp bảo thằng Phước :
- Má bán hoa phía cuối chợ. Nhưng mình ngừng đây xem hoa một chút đi.
Thằng Phước ngừng lại, hai đứa xuống xe. Thằng Phước dắt xe đạp cùng con Điệp len lõi vào các dãy hàng hoa. Khu nầy chuyên bán hoa được trồng trong chậu, chăm sóc cẩn thận để bán cho khách mua về chưng ngoài hiên, ngoài sân. Nhiều nhất là hoa cúc vàng, cúc trắng, thược dược, hướng dương, mãn đình hồng. Ngoài ra còn hoa hồng, hoa lan v.v...Chợ gần xế chiều mà khách vẫn còn khá đông. Đời sống càng khó khăn, thời gian càng được tận dụng. Người ta kéo dài buổi chợ cuối năm để kiếm thêm ít tiền. Theo phong tục, giờ cúng rước ông bà về ăn Tết là đúng 12 giờ trưa ngày 30 tháng chạp, bị dời đến chiều, đến tối v.v...ở đa số người nghèo.
Đi đến cuối các dãy hàng hoa, ở một góc chợ cạnh đó, có một đám đông lố nhố với vài cành mai nhỏ được những bàn tay đưa lên cao, làm con Điệp chú ý. Nó đi nhanh lại,
thằng Phước dẫn xe theo sau.
Một người đàn ông lớn tuổi đang bán hoa mai. Trước mặt ông, những cành mai được xếp cách khoảng cẩn thận trọng trong chậu. Ông bán mai trông lù khù, chất phác. Khách mua vây quanh, đàn ông, đàn bà có đủ. Họ tự tay cầm mai lên để lựa roi hỏi giá, trả giá. Ông quay bên nầy rồi quay bên kia trả lời. Người lựa mai thì nhiều, người mua mai thì ít. Lợi dụng sự lù khù của người bán và đông người mua, một số người tham lam đã len lén, từ từ ra khỏi đám đông với những cành mai không trả tiền.
Đứng xem một chút, con Điệp đã biết rõ mọi việc. Ông bán mai có vẽ sợ mất hoa nên cố gắng chú ý. Nhưng đông người quá, ông không thể theo dõi kịp. Hoa càng vơi đi trong chậu mà tiền thì không thấy đâu làm ông càng bối rối, lo sợ. Con Điệp quýnh lên vì tội nghiệp ông, nhưng nó cũng bối rối, không biết làm cách nào để giúp.
Nó nói nhỏ với thằng Phước :
- Ông nầy hiền quá mà đi bán hoa có một mình, chắc bị ăn cắp hết.
Thằng Phước gật đầu :
- Ờ, nảy giờ em thấy có người lấy mai đi không trả tiền. Hay là chị nói với ông ấy đi.
Lời xúi dục của thằng Phước như một động lực làm cho con Điệp thêm can đảm. Vả lại, nó cũng đang rất bất mãn vì thấy có một bà cầm một cành mai, đưa cho đứa con gái lớn đứng ở ngoài, rồi trở vào cầm một cành nữa và đang len lén quay ra.
Con Điệp đến gần ông bán mai nói nhỏ :
- Bác ơi, bà kia mua hai cành mai, có trả tiền chưa, bả đang đi kìa bác.
Ông bán mai hốt hoảng quay nhìn theo hướng chỉ của con Điệp. Ông nói nhanh :
- Chưa, chưa. Cháu kêu bà ấy lại dùm bác. Co bác ơi, ai mua làm ơn trả tiền, ai không mua trả mai lại dùm tôi, tội nghiệp.
Trong khi ông bán mai kêu van với khách vây quanh, con Điệp bước nhanh theo mẹ con bà ăn cắp mai, nó gọi :
- Bà ơi, ông bán mai kêu bà trả tiền mai kia.
Bà ta quay lại, thấy con Điệp, bà hất hàm hỏi :
- Tao trả rồi, mầy là gì của ông ấy mà đòi tiền.
Điệp cãi lai :
- Ông ấy nói là bà chưa trả.
- Mầy vô hỏi lại ông ta đi.
Con Điệp sợ quay vào, bà ta sẽ đi mất, nó gọi lớn.
- Bác ơi, bà nầy nói...
Chưa dứt câu, bà ta đã tán bốp vào mặt nó :
- Đồ thài lai, cho mầy bép xép.
Bà ta dọng tiếp vào mũi con Điệp, xô nó té xuống đất rồi kéo đứa con gái đi như chạy.Thằng Phước vừa chạy đến, nó kéo con Điệp lên. Một người đàn ông phụ đỡ con Điệp đứng dậy. Mũi nó chảy máu có giọt, rớt xuống ngực áo. Bàn tay vì chống xuống đất nên bị trầy xước, rướm máu đỏ lòm.
Người đàn ông bảo :
- Đi tới trạm y tế băng bó đi, còn về ăn Tết.
Nói xong, ông ta bỏ đi. Con Điệp lấy vạt áo bụi mũi lại cho máu đừng chảy nhiều. Nó ngồi xuống, nhăn nhó vì đau, nhưng không khóc.
Thằng Phước lo sợ :
- Để em đi kêu má.
Con Điệp định bảo nó đừng đi, nhưng chưa mở miệng được, nó đã lên xe chạy đi rồi.
Trước khi đi, nó vòng lại, gọi ông bán mai :
- Bác ơi, chị cháu bị bà ăn cắp mai đánh chảy máu rồi. Cháu phải đi kêu má cháu.
Đang lu bu với khách, ông bán mai chưa kịp nói gì, nó đã chạy đi.
*****
Thằng Phước tìm một lát ở khu bán hoa rẻ tiền phía cuối chợ mới thấy má nó. Bà Hải đang ngồi dưới đất, trước đống hoa vạn thọ. Vì mỗi năm chỉ bán vào dịp Tết, nen không ai có chỗ cố định. Mọi người từ mọi nơi có thể đến và chọn một chỗ hiên chợ, trải tấm lót ở dưới, rồi trải hoa lên bán. Người bán cấp tốc, người mua cũng cấp tốc. Xong vài buổi chợ Tết, không còn ai nhớ đến ai.
Thằng Phước đến trong lúc bà Hải đang thối tiền cho khách, nó gọi :
- Má !
Bà Hải ngẩng lên, thấy gương mặt thất thường của nó, bà lo lắng hỏi nhanh :
- Có chuyện gì vậy Phước ?
Chị Điệp bị người ta đánh chảy máu rồi, má lên đây con chở lại đó. Bà Hải kêu lên :
- Trời đất ơi !
Bà vội vàng lấy tấm ny-lông phủ lên đống hoa vạn thọ, nói với bà bán hoa ngồi kế bên:
- Chị làm ơn coi chừng dùm tôi một lát.
Bà ta đang bận rộn, gật đầu vội vàng.
Bà Hải ngồi sau xe đạp cho thằng Phước chở. Bà nôn nóng hỏi chuyện con Điệp. Nó kể rõ đầu đuôi. Bà thở dài thườn thượt.
Khi thằng Phước chở bà đến nơi thì thấy con Điệp đang ngồi cạnh ông bán mai. Ông đã đưa cho nó cái khăn nhỏ để chùi máu mũi, nhưng máu vẫn còn ứa ra.
Gặp bà Hải, ông vội phân trần :
- Tôi chờ chị đến để nhờ cháu đây ( chỉ Phước ) coi chừng hoa. Tôi sẽ đưa cháu Điệp đến trạm y tế cầm máu cho cháu. Máu không cò ra nhiều, nhưng cứ rỉ rỉ mãi không tốt.
Bà Hải lưỡng lự :
- Cháu Phước đã nói với tôi rồi. Ông cũng bán hoa và gặp chuyện không may. Để tôi đưa cháu đi cũng được. Nhưng ông có biết trạm y tế ở đâu không ?
- Tôi ở xa đến đây bán nên không biết. Thôi để tôi gọi xích lô, họ sẽ biết chỗ chở chúng ta đến đó. Cháu vì giúp tôi mà bị thế nầy, tôi phải lo cho cháu.
- Nếu ông tính gọi xích lô thì để một mình tôi đi với cháu được rồi, ông đi theo thì phải bỏ việc bán hoa. Chúng ta đều nghèo cả. Ông đừng ngại gì hết.
Ông bán mai cảm động :
- Cám ơn chị rất nhiều, tôi làm phiền chị quá.
- Không có sao đâu ông, đâu có ai muốn vậy.
Ông bán mai gọi một chiếc xe xích lô cho bà Hải và con Điệp. Ông trả tiền xe trước, rồi nói với bà Hải :
- Chị đi dùm tôi nghe, để cháu Phước ở đây với tôi.
Bà Hải và con Điệp lên xe. Từ đó đến trạm y tế công cộng không xa. Nhưng cũng phải mất một hồi chờ đợi, con Điệp mới được cầm máu mũi và băng vết trầy ở bàn tay. Xong việc, họ trở lại chỗ ông bán mai. Bây giờ trời đã xế chiều. Chợ cũng đã thưa người.
Thấy mọi người trở lại bình an, ông bán mai và thằng Phước mừng lắm. Nảy giờ ngồi một mình, thằng Phước mới bình tĩnh suy nghĩ mọi việc. Má nó bỏ đống hoa vạn thọ đằng kia, không biết còn hay mất, lúc trở về không biết có còn bán kịp hay không ? Ý muốn của nó và con Điệp có lẽ không đạt được. Nó nhìn những cành mai trong chậu của ông bán mai mà nghĩ tới con Điệp. Mai có đẹp gì đâu mà con Điệp quá thích ? Cũng vì thích nên mới đứng xem lâu, rồi mới xảy ra chuyện bị đánh. Mà cũng tại nó xúi con Điệp nữa. Nghĩ đi, nghĩ lại, nó thấy tội nghiệp con Điệp. Nó định nếu má nó không bán được nhiều tiền, nó sẽ không đòi mua phong pháo, để nhường cho con Điệp mua một cành mai.
Vừa về đến chỗ ông bán mai, bà Hải nói :
- Đã xong chuyện rồi. Thôi ông ở lại bán hoa của ông, mẹ con tôi về chỗ của tôi.
Thằng Phước nhanh nhẩu nói :
- Để con chở má về chỗ trước, rồi trở lại chở chị Điệp sau.
Con Điệp bây giờ đã tỉnh táo trở lại, nó đã bớt đau, nó nói :
- Thôi, Phước chở má đi, để chị đi bộ từ từ qua đó.
Ông bán mai nói với bà Hải :
- Một lần nữa xin chị thông cảm và đừng buồn tôi. Chỉ vì chuyện của tôi mà làm thiệt hại cho chị.
Bà Hải lắc đầu :
- Không sao đâu, ông đừng bận tâm. Ở đời chuyện may rủi làm sao biết trước được. Con tôi nó làm việc phải, tại xui gặp kẻ gian ác mà thôi.
Ông bán mai chặc lưỡi :
- Chợ sắp tan rồi, chắc chị không còn bán được bao nhiêu.
Bà Hải cười buồn :
- Còn ông có bán được nhiều không ?
Ông bán mai cười thiểu não :
-Từ lúc cháu Điệp báo cho tôi bà kia ăn cắp mai, số người còn lại từ từ giản đi gần hết. Mai vơi đi nhiều mà tiền chẳng được bao nhiêu.Từ lúc đó đến giờ người mua cũng ít. Giờ chợ sắp tan rồi, chắc phải ế lại thôi.
Thằng Phước bỗng buột miệng nói :
- Vậy thì má cho tiền chị Điệp mua của bác một cành mai đi. Chị Điệp hôm nay ra chợ, chờ má bán xong sẽ xin tiền mua mai đó.
Ông bán mai kêu lên :
- Trời, bác tệ quá, không nghĩ ra điều nầy. Để bác cho cháu Điệp một cành mai.
Bà Hải ái ngại :
- Không được đâu. Ông đã bị mất mai, còn bán ế nữa. Chúng tôi làm sao dám nhận.
Ông bán mai nói như nài nỉ :
- Không sao, cành mai nầy coi như tôi tặng cháu Điệp vì cháu có lòng tốt đối với tôi.Vả lại , chợ sắp tan rồi, chắc gì tôi sẽ bán được số mai nầy.
Sợ bà Hải từ chối nữa, ông mau mắn lựa một cành mai đẹp nhất trong số mai còn lại. Cành mai với những nụ hoa vừa hé nở và nhiều nụ căn tròn, hứa hẹn sẽ nở đẹp những ngày sau. Ông đưa cành mai vào tận tay Điệp.
Hùynh Mai Hoa