MÙI
TẾT
Hồi còn nhỏ, ở quê nhà… Lúc đó tôi cỡ hơn 10 tuổi.
Mỗi
năm cứ vào gần hết tháng 12, gió từ cánh đồng phía tuốt ngoài ruộng, sau nhà thờ
Tin Lành thổi về với mùi rơm rạ còn mới. Mùa lúa vừa gặt xong còn trơ những gốc
rạ và những vũng nước bùn. Cái mùi nồng nồng, hăng hắt đưa vào hai cánh mũi của
tôi. Gió từ bờ sông phía bên kia nhà lồng chợ, cũng đưa thêm về cái man mát gay
gây. Những cơn gió cuối năm đôi
khi thốc mạnh làm cuộn lên những dề cát cuốn ụp vào người, tôi bụm hai tay che
mắt. Lúc đó, tôi nôn nao trong lòng vì biết rằng Tết sắp về… Ba má sẽ sắm cho tôi
bộ đồ mới.Tôi sẽ có một mớ tiền lì xì từ ba má và bà con thân thuộc…
Bọn trẻ con chúng tôi thì mừng rở, còn người
lớn thì cứ than thở: “Mới đó mà Tết tới nữa rồi…!”. Người lớn thi tất bật gồng
gánh, buôn bán quanh năm… công việc cứ bề bề ra, lo chưa xong thì Tết lại đến. Bọn
con nít như chúng tôi thì lại mong Tết về… đâu biết gì mà lo…
Gần sát ngày Tết, mặc dù vẫn còn bận rộn
với công việc buôn bán, má tôi cũng dành thời gian lo ngâm gạo, ngâm nếp, phơi
lá chuối để gói bánh ích, bánh tét. Chưng xong bánh tét, bánh ít đem treo trên
giàn, thì đến lo đánh bột làm bánh bông lan…
Lúc còn nhỏ, tôi thường quanh quẩn bên má
để giúp má hoặc để má sai vặt. Là đứa con trai lớn trong nhà, tôi thấy má làm một
mình cực quá nên không nở bỏ đi bắn cu li với bạn bè mà ở nhà phụ một tay với má.
Nồi bánh Tét xôi ùn ục…má kêu tôi thêm củi, tôi đút từng thanh củi vào lò. Má mở
nấp nồi thăm chừng. Khói bốc lên nhiều, má nghiêng đầu tránh hơi nước nóng, lấy
cây đủa dài xốc trở. Mùi lá chuối xông lên nghe thơm phức. Gần ngày Tết hơn nữa,
má cân bột, đếm trứng để làm bánh bông lan, thì tôi phụ đánh trứng, đánh bột. Công
việc phụ trợ của tôi được má thưởng cho ăn mấy cái
bánh thử nóng hổi hoặc mấy cái
bánh bông lan quá lửa, hơi đen đen nhưng thơm phức mùi vanila.
Ba bớt đi giao hàng vì cận Tết, ngồi tính sổ sách
cuối năm. Hai bên trước cửa nhà, ba đặt hai chậu bông cúc nở vàng.Trên bàn thờ
thì ba chưng bông vạn thọ. Cả nhà tôi thơm mùi bánh, mùi hoa, mùi nhang.
Người
lớn ai ai cũng xem ra bề bộn lo lắng, còn bọn trẻ chúng tôi thì thấp thõm đợi
ngày 30 Tết được tắm rửa sớm hơn mọi ngày và được ba má để sẳn bộ đồ mới cho ngày
mai mặc đi chơi.
Đêm 30 má lo sẳn một dĩa trái cây “Cầu, Dừa,
Đủ,
xoài (Xài)” và một bình cấm bông vạn thọ. Đúng 12 giờ khuya, phía bên nhà thờ Tin
Lành giựt chuông tinh toong. Ngôi chùa Phật phía bên sông đánh trống, bổ chuông
in ỏi. Má lâm râm khấn vái trước bàn thờ đặt trước sân. Ba đốt dây pháo đỏ treo
trên nhánh cây trước nhà, châm ngòi nổ đì đùng… Cả xóm chợ đâu đâu cũng đì đùn
tiếng pháo.Tụi con nít chạy hết nhà nầy qua nhà khác lượm pháo lép hoặc chưa nổ
kip bỏ vào túi áo… Có đứa vô ý bỏ vô cái pháo còn đang cháy ngòi, pháo nổ làm cháy
áo, phỏng bụng.
Mùi Tết, mùi nhớ quê hương. Mấy chục năm
rồi xa xứ. Khi hết tháng 1 mùa Đông còn đang lạnh, máy sưởi trong nhà chạy suốt
đêm ngày. Căn nhà trống hoe. Vợ chồng còn tất bậc với công việc ở hảng xưởng. Con
cái thì đi học… Đến cận ngày Tết Ta thì mới chạy ra chợ mua bánh chưng bánh tét
và vài chậu bông đem về chưng bàn thờ. Chuẩn bị nấu vài món ăn truyền thống như
thịt kho, dưa giá… Mùi vị ngày Tết không còn… chỉ còn là nỗi hoài nhớ… Khi qua đêm
trừ tịch, hai vợ chồng ngồi nhắc chuyện ngày xưa. Đêm 30 đi qua… Ngày mai lại tiếp
tục đi làm, con cái đi học. Bàn thờ cúng cơm ông bà chỉ là cái bằng chứng để lại
với khói nhang thơm nhẹ… Mấy đứa nhỏ còn cằn nhằn "Ba má đốt nhang nên mở cửa…" Tụi
nhỏ sợ khói nhang làm ngộp thở và hôi nhà… Kêu tụi nó khấn vái trước bà thờ ông
bà thì tụi nó chỉ đốt một cây nhang, chấp tay xá xá cho qua việc. Có khi chúng đi
làm, đi học thì chỉ hai vợ chồng dọn bàn cúng lạy… mà cũng chỉ nán lại trước bàn
thờ vài phút rồi đi lo công việc khác.
Người
lớn thì cố giữ lại truyền thống Tết được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Còn tụi nhỏ
thì… khó quá! Tôi đâm nghĩ “Khi đám già cuốn gói về đất hết thì chắc tụi nó cũng
quên cái vụ Tết nhứt nầy "Thật ra thì tụi nhỏ đâu có cái mùi Tết như mình có hồi
từ thuở nhỏ mà nhớ…"!
Huỳnh Tâm Hoài