Wednesday, 20 January 2016

HỒI-ÂM CHO TIẾN-SĨ BỘI-TRÂN ... ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )




HỒI-ÂM CHO TIẾN-SĨ BỘI-TRÂN ( ĐH Wollongong/ Australia )


                                        *Nguyễn-Tư

Thưa cô Bội-Trân, như đã hứa với cô trước đây, vì cô cho biết đang nghiên-cứu về vấn đề Văn-nghệ của người VN Hải-ngoại cho Đ.H Wollonggong ở đây… mà tôi là người đã sinh-hoạt trong lãnh-vực này với rất nhiều bộ môn (văn, thơ, tranh ảnh art…) suốt mấy chục năm, nên tôi cũng muốn đóng góp ít nhiều  ý nghĩ mà tôi biết và có thể, nếu thấy nó có ích cho việc chung, tránh tối đa những vấn đề “đụng chạm”, xin cô hiểu cho, rất tạ ơn…Và, vì thế  tôi chỉ trả lời những câu nào thực cần thiết cho Văn-nghệ mà thôi như đã thưa trước, phần “Tiểu sử” và “Tác phẩm” cô đã xem qua trong trang web của tôi: www.kvvnnt.com.au tôi nghĩ là đủ... Cần gì cô cứ lấy từ đó cũng được mà không cần xin phép…


HỎI:


Xin ông cho biết về cuộc sống của ông trước 1975. Những câu hỏi có thể khơi dậy những ký-ức không vui, xin thứ lỗi nếu như điều đó xảy ra: 


*Ông sinh ra ở tỉnh nào (của miền Trung), năm nào, ở binh-chủng nào, và phục vụ tại tỉnh / hay Saigon, cấp bậc gì? Ông bị đi “học-tập cải-tạo”trong bao lâu?


*Khi nào thì ông bắt đầu sáng tác Mỹ-thuật? Tác-phẩm đầu tiên là tác phẩm nào?


*Ông cho rằng hoạt-động Văn-nghệ của ông là "rong chơi", có phải ông muốn nói rằng ông không nhất thiết phải làm việc miệt-mài với văn-nghệ, thích thì làm, không thích thì thôi, và cũng không kiếm sống bằng công việc này?


*Khi nào thì ông trở về thăm VN lần đầu tiên sau khi rời khỏi VN? Cảm-tưởng của ông về "Home" như thế nào?


*Trong Photography,  ông chọn những góc nhìn và ánh sáng rất đối lập và gần như lập-thể. Nhưng tranh của ông thì rất hồn-nhiên. 


*Xin ông cho biết những triển-lãm mà ông đã tham dự tại Úc.


*Ông nghĩ gì về người Việt tại Úc và đời sống văn-hóa của người Việt tại Úc.

Cám ơn ông rất nhiều.

Thân,

Dr. BT


TRẢ LỜI:



*Về cội nguồn:

 Bố tôi người Quảng, con nhà nông dưới quê, nhưng học hành khá sáng dạ, nên ra Kinh-đô Huế thi đậu cao, được nhà vọng-tộc gã con gái một, là Mẹ tôi. Bố tôi dạy học ở Phan-thiết, rồi bị đổi đi nhiều Tỉnh vì nhu-cầu công viêc, nên anh chị em nhà tôi, (hơn 1 tá), mỗi đứa có khai-sinh mà nơi sinh đều khác nhau, và giọng nói cũng khác nhau tùy vào địa-phương mà Bố tôi làm viêc…Tôi thứ 9, coi như gần  áp út, đặc-biệt tôi xa nhà rất sớm vì hoàn-cảnh riêng, nhưng chỉ hướng về phương Nam, học mỗi lớp mỗi tỉnh, nơi nào được coi là thơ-mộng thì tôi đến ở học như Nhatrang, Đalat … rồi đi lính, làm việc và đi tù ở  miền Nam cho đến khi rời quê-hương lưu-xứ tới giờ .Như cô nói,quá-khứ bọn tôi, nó đã trở thành nỗi buồn sâu kín chung của cả một thế-hệ, mà họ lớn lên với cuộc chiến trên đầu, tôi chỉ là người SQ bị đông-viên vào QĐ có cấp bậc thấp nhất  là Thiếu-úy(thực sự là “Trung-úy giả-định). khi miền Nam sup đổ, ở ngành Bộ-binh  mà thôi, nhưng không vì thế mà không gian-nan đâu, làm sao tôi được ở Sàigon chứ?Tuổi ư ?Người Nghệ-sĩ không có tuổi, vì thế nên Trịnh-Công-Sơn đã xuất-bản tập nhạc dày cộm mà lại đặt tên “Những ca-khúc không năm tháng”  và đặc-biệt trên mỗi bản nhạc ông không bao giờ ghi năm tháng sáng-tác mà ông giải-thích là ông rất sợ thời-gian, chắc cũng giống như mọi người bình thường, - kể cả cô, là: “Ai cũng muốn mình sống thọ, nhưng lại không muốn mình già” hahaha …Danh họa Cézanne khi về già, mỗi lần muốn vẽ phải cột cây cọ vào tay để khỏi run, tôi vẽ tranh rất nhanh, không đẹp,  nhưng nét  vẽ rất nhuyễn như rồng bay phượng múa, lại tập tạ mỗi ngày,  vậy thì còn “bảnh chọe” mà, phải không hihihi. Tuổi tác mà làm gì, còn đi “cày”, còn vẽ tranh phụ-nữ đẹp, tay chưa run là “bốc” rồi !? Cô Nguyễn-Thị-Lộ ngày xưa , mới 16t đã “kết” với ông Nguyễn-Trãi về hưu chỉ vì họ ngưỡng mộ nhau về thơ phú, hay ông Nhạc-sĩ họ Trịnh  và Ca sĩ Hồng Nhung đã một thời mặn nồng nhau, dù tuổi đời rất cách biệt, đến nỗi ông ấy phải sáng tác vài bài nhạc mang chủ đề là “Bống” (cũng là tên nhà cô ấy) và đặc biêt hơn khi đang trình diễn ở Úc, nhưng nghe ông Trịnh qua đời, thì cô vội-vã bỏ hát, trở về SG xin chịu tang với những câu trả lời phỏng-vấn báo chí rất bùi-ngùi rằng : “Anh Sơn - với tôi, không những là người thầy, người anh, người bạn … mà điều quan trọng hơn là chúng tôi đã vào đời nhau …” thì “what’s wrong”  khi họ yêu nhau? Thôi , xin bỏ vụ này đi nha  “Diễm”!



*Về sự khởi đầu sáng tác Mỹ-thuật: 

 Thực sự tôi có năng khiếu Hội-họa từ bé nên ưa vẽ tranh bằng than củi lên tường vôi nhà, dĩ-nhiên là Mẹ tôi đánh đòn và cấm tiệt. Thời SV thì tôi ham chơi ảnh Art, tôi dám mua một máy ảnh “xịn” sản-xuất từ Nhật với giá 1 cây vàng thời đó là “gan” lắm, nhưng khi ra đi lính, rồi đi làm thì bỏ quên mọi thứ, chỉ làm Thơ và viết chuyện ngắn lai-rai, mãi tới khi vượt biên  mà hành-trang tôi mang theo chỉ có cuốn tự-điển Anh-Việt bỏ túi, bên trong có ép một cánh phượng khô (giờ tôi còn giữ) hồi tôi đi chấm thi Tú- tài 2 ở Sàigòn như một kỷ-niệm của Quê-hương mà khi ra đi tôi tự biết rất khó “trở về” theo cái nghĩa đẹp đẽ của nó …Đầu tiên lên đảo nhỏ Kuku (Indo) hòn đảo rất thơ mộng  trong gấu quần  đùi, tôi chỉ nhét đươc 5 đô Mỹ…nhờ 5 đô này tôi mua đươc 2 cái quần đùi, 2 áo lá, một cây bút Bic, 1 tập vở 100 trang  và thế là tôi bắt đầu viết… Tôi cũng làm nghề “phụ thợ hồ” cho một nhà thầu người Indo xây nhà cho Cao-ủy LHQ ở đó, để đươc vài  gói thuốc lá  mỗi ngày. Rồi tháng sau  ai cũng đều đươc chuyển qua đảo Galang (cũng thuộc Indo)là trại Tỵ nạn rất lớn   sức chứa trên 10 ngàn người, nhưng tôi lại cảm thấy buồn quá và cần tiền tiêu vặt (dù thân-nhân tôi ở Mỹ khá nhiều nhưng tôi không muốn nhờ vả, và tôi cũng đã chọn Úc để định-cư, dẫu nơi đây tôi chả có ai ). Ở Galang, tôi mới bắt đầu vào nghề viết chính-thức có nhuận-bút  trong tờ  nguyệt-san “Tu do Magazine” cùng với nhà văn Nguyễn-Mộng Giác (lúc này tôi chỉ vẽ tranh bằng bút Bic  trong tập học trò mà thôi). Khi đến Úc, tôi mới thấy viết lách là một nhu-cầu không thể thiếu với tôi được vì nỗi buồn của kẻ lưu-xứ ngày càng dài, càng lớn,  nhưng tới khi tôi về trú ngụ tại vùng hiu-quạnh và xa khu người VN là Casula năm 1994, tôi mới thực sự chơi tranh và ảnh Art qui-mô hơn và bớt lại phần Thơ Văn …Bức “Dung-nhan xa lạ”(tranh) và bức “Mùa Thu bên kia khung cửa sổ” (ảnh) được sáng-tác nơi đây …Và, hôm nay thì khá nhiều tranh ( chì, than chì, màu nước, ink, acrylic, nhưng phần lớn là oil)và ảnh …(màu lẫn đen trắng)…dù tôi không hề học một trường Art nào cả trong quá khứ cũng như bây giờ …



*Về vấn đề “rong chơi Văn-nghệ”: 

Tôi nhớ một câu của ông Duyên Anh viết đ ại  khái  “Ai nói mình là Nghệ sĩ mà có thể bỏ được sáng tác, thì người đó chưa phải làNghệ sĩ thực”. Đúng vậy, Văn nghệ là cái “nghiệp” hơn là cai “nghề”, như Simenon cũng nói vậy “Viết không phải là cái nghề mà là khuynh-hướng về sự bất-hạnh”. Tôi thấy đúng với kinh-nghiệm bản thân, vì trong nhiều lúc chán ngán tôi đã bỏ Văn-nghệ nhưng rồi không thể nào bỏ luôn đuợc, phải sáng-tác thôi, không nhiều thì ít…mới hiểu vì sao một Đại danh-họa người Pháp dường như là Cézanne khi già tay run không cầm cọ được, nên ông phải buộc cái cọ vào cánh tay mà vẽ như đã nói ở trên.Đúng là cái “nợ đời” Trời bắt  phải trả thôiTôi coi Văn-nghệ chỉ là “hobby”, giống như người ta ghiền Casino, cá ngưa, hay đá banh vậy …cốt là giải-trí và giải toả tâm-lý cho chính mình trước đã, ai chia xẻ được thì vui, không cũng tốt, nên tôi không làm Văn-nghệ theo “thị hiếu” như người ta , do vậy tôi hiểu tại sao nhà Văn khét tiếng của Mỹ  là Salinger chỉ xuất-bản một cuốn sách để đời “Bắt trẻ đồng xanh” đã được dịch ra mấy chuc ngôn-ngữ khắp thế giới, rồi thôi với lời tuyên-bố nảy lửa “Tôi chỉ viết cho tôi mà thôi” … chứ tôi không nghĩ nó có sứ-mệnh gì cao lớn như một số nhà Văn-nghệ - có thể tôi sai, nhưng đó là sự thực với tôi, bởi tôi không thể dối mình, dối người được .Và, dĩ-nhiên tôi không thể chạy trốn cuộc đời “hiện thực” này, để chui vào thế-giới  trong “siêu-thực” được, mà tôi thích nói về cái gì đã xảy ra trong quá-khứ hay đang xảy ra xung quanh tôi mỗi phút giây, của nguời, của mình, đã làm tôi xúc-cảm  để tạo nên tác-phẩm đi ra từ sự thực, dù nó “để làm gì” thì tôi không biết, và không cần biết …Nói như Danh-họa Picasso “Không phải tôi tưởng tượng ramà tôi thấy” . Với tôi, Văn-nghệ phải chuyển tải cái gì đó trong đời.không thể mù mịt như đám rừng được, sâu-sắc hay nông cạn là do tài-năng mỗi Nghệ-sĩ.. Làm Văn-nghệ với người VN chỉ tốn tiền và “mệt” với nó, lạng-quạng bị “chụp mũ” như chơi, vui đuợc chút đỉnh là may, tôi nghĩ không người VN nào sống nổi bằng “nghề” này dù trong nước hay Hải-ngoại, ngoại  trừ  “buôn” tranh, buôn sách, hay buôn nhạc… thì may ra …, nên tôi nhớ có người nói rằng “Thơ không phải để bán, mà thứ bán được thì không phải là Thơ” …chí lý vậy thay!

*Về vấn đề quê-hương:

 Câu “không đâu đẹp bằng quê hương” lúc nào cũng đúng, ngoại trừ những ai “mất gốc”, nhưng tôi cảm thấy lạc-lõng khi trở về như một người khách lạ, có lẽ do tôi đi xa khá lâu và bố mẹ đã mất, người thân không nhiều, nên tôi lại nhớ Úc, giống như nhạc TCS “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa ..” nhưng khi tôi ở tại Úc thì lại thấy bơ-vơ vì mặc cảm “ở đậu” thì tôi lại nhớ VN …Nói tóm , theo Tâm lý học dường như tôi là người có “nhị trùng bản ngã”(Dédoublement du moi ), hay nói rõ ra là “kẻ không có chỗ nương thân” như Rilke đã viết “Cet être sans abri”?!

*Về nhận xét của cô qua những Tác-phẩm của tôi:

 Theo cô ảnh Art của tôi “đã chọn theo góc nhìn và ánh sáng đối lập, còn tranh thì rất hồn nhiên …” Cô nói đúng, tôi luôn sử-dụng nguyên-tắc “contrast” nên tôi chả bao giờ chấp nhận chuyện người ta mặc áo dài VN mà mặc với quần cùng màu …Nó phá vỡ nguyên tắc này,  nên phải mặc quần trắng với áo dài màu sậm mới nổi. Contrast trong “màu sắc” mà cả trong “nội dung” nữa, như bức “Chiếc lá cuối cùng”( ảnh/ không có trong web của tôi) tôi chụp chỉ 1 chiếc lá nhỏ bé màu vàng nhạt còn sót lại trên nguyên một khu rừng trụi lá vào mùa Thu, bức này rất khó chụp, vì khi cô chụp rõ được chiếc lá để cho người ta thấy trên ảnh thì chắc-chắn sẽ mất khu rừng (vì cô phải chụp gần/close-up/gros plan) nhưng nếu muốn lấy nguyên khu rừng thì cái lá sẽ mờ đi ngay làm hỏng chủ-đề là chiếc lá cuối cùng(hot point)…nhưng tôi dung-hòa cách chup chiếc lá nhỏ bé vẫn rõ, mà khu rừng trụi lá vẫn mênh-mông, mới thấy “nghề chơi cũng lắm công phu “ ..Nguyên tắc này cô cũng thấy trong bức ảnh trong web của tôi www.kvvnnt.com.aulà bức “Tôi, và mênh-mông “, hay “Trên bờ cô-đôc” …đều theo nguyên tắc này .Về tranh hay ảnh, hoặc thơ tôi luôn chuông sự “giản-dị”, và “thực” (tôi ghét hư-cấu) nên tôi thích làm thơ 6/8, thể thơ rất dễ làm nhưng khó hay, vì chữ phải thực tượng-hình và ngắn thôi, nhưng ý phải hàm-súc cô đọng.. .dài mà rỗng-tuếch nó sẽ thành ra “”ngay…Nhưng 6/8  là loại thơ có âm điệu trầm buồn, vì đơn điệu (monotone) nghe rất dễ chán, nên tôi ưa làm thơ “6/8 phá thể” về hình thức để nó “action” hơn, bởi vì khi sang hàng, hay ngắt câu không phải tùy tiện được mà phải có dụng ý của tác giả muốn nói lên điều gì đặc biệt , đó mới là cái “hay”, cái “khó” của người làm thơ , thí dụ như khi tôi ngồi trong quán “Café Viễn xứ”  trên đảo Galang, được cô chạy bàn xinh xắn bưng cho ly sữa nóng …thì tôi viết bài thơ 6/8  phá thể có 2 câu thơ :

“Tay em dài ngón,
ngọc- ngà …

Nâng ly sữa,
ngọt đời ta giang-hồ ….”

Đem về đăng trên tờ “Tu do Magazine” do Nguyễn Mộng Giác làm Chủ-bút, thì ông chủ bút vỗ đùi đánh bép phán liền : “Hai câu này phá thể rất đắc ý nha” …bởi vì câu trên nếu không ngắt câu sang hàng thì nó chỉ có nghĩa :Tay em dài và ngón trắng nõn, nhưng nếu sang hàng kiểu đó thì nghĩa lại khác : Cánh tay em có ngón dài và trắng nõn . Còn câu dưới nếu để nguyên thì chỉ có nghĩa là : bưng ly sữa ngọt lịm cho anh chàng lãng tử, nhưng ngắt câu sang hàng như vậy thì nghĩa nó khác và đep hơn … tức là cô  chạy bàn có đôi bàn tay đẹp(ngón dài và trắng nõn), bưng ly sữa làm “ngọtngào” cuộc đời anh giang-hồ …mới romantic …..

Truyện thì tôi viết cốt ở lời đối-thoại, chứ nhân-vật rất ít , tranh cũng vậy - theo tôi, càng đơn-giản mà cô đọng, có “điểm nóng” để nói lên cái gì đó sâu-sắc khiến người xem suy gẫm là cách sáng-tác của tôi, nên tranh tôi ít màu, ít nhân-vật, ít nét, đơn-giản, thực, và back-ground không rậm nên nó “hồn nhiên” như cô nói là vậy  … …

*Về Triển-lãm ở Úc:

 (Có ghi chi tiết những nơi triển lãm của tôi trong web) Đại-khái là ban đầu tôi thường cùng vài người bạn triển-lãm trong những sinh hoạt Cộng đồng VN, như Chợ Tết, Đại-hội …nhưng khi thấy những người tổ chức họ chỉ muốn cho xôm tụ, chứ họ không có chút nào tâm hồn Văn nghệ nên họ không biết quí Nghệ sĩ và Tác phẩm, thế nên  họ chưng bày lung-tung với những thứ khác, tác phẩm hư không bồi thường, khác với các “Art Gallery” của Tây, họ rất trọng Nghệ sĩ, lẫn Tác phẩm . Khi nào có triển lãm thì đều có ký “contract” bảo hiểm giữa 2 bên, và họ giữ-gìn, chuyên chở Tác-phẩm  rất cẩn trọng bằng giấy bọc bên ngoài, lẫn giấy “buble” bên trong tránh bể vỡ, đem về là họ chứa trong phòng lạnh …. đặc biệt có in Catalogue giới thiệu Tác giả và Tác phẩm đặt tại phòng tranh , nơi đây có người chuyên nghiệp treo tranh và điều chỉnh hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn Nghệ thuật. Trong ngày Khai mạc họ gửi giấy mời Quan chức và Nghệ sĩ, kèm Catalogue đến tham dự đàng hoàng. Nếu tranh được di chuyển đi các nơi khác để triển lãm tiếp, thì họ gửi thư xin phép, và đến nơi triển lãm mới thì họ đều gửi thư về báo cho Tác giả biết nơi nào, lẫn số lượng người xem là bao nhiêu , kể cả những cuộc Triển-lãm Hải ngoại (Oversea Exhibition-Tour) thì họ vẫn cho mình biết tranh mình đang ở nước nào, cho nên tranh tôi có lúc ở nước khác tới 4 năm sau nó mới trở lại Úc mà mình vẫn an lòng. Thỉnh thoảng tôi cũng triển lãm tranh ở các phòng tranh của Bịnh viện để giúp người bịnh giải khuây như một công việc Nhân Đạo mà tôi vẫn hằng theo đuổi …Có lần đi thăm một người bạn bị bịnh nặng nằm ở Bịnh viện Alfred  Hospital rất lớn gần City, đi trên hành lang tình cờ tôi chợt nhìn thấy treo 2 bức tranh của tôi (dĩ-nhiên là bản copy) thì tôi rất ngạc nhiên và vui mừng ,vì không phải tôi tặng Bịnh viện mà chắc ai đó đã copy lại tranh gốc của tôi rồi tặng Bịnh viện giống ước muốn của tôi…Nói tóm: tuy Văn nghệ là một trò chơi với tôi, nhưng  tôi vẫn muốn chia xẻ và rao giảng cái Đep (viết hoa) cho những người khác, mà khả năng tôi có thể

*Vấn-đề Văn-hoá người VN Hải-ngoại


Người VN mình ưa tự-hào về “hơn 4000năm Văn-hiến” nhưng tôi không biết họ hiểu chữ “Văn-hóa” ra sao, mà mỗi lần có Hội-hè lễ-lộc của người VN hay với các sắc dân khác thì tôi chỉ thấy người mình chường 2 loại Văn-hóa đặc-biệt lúc nào cũng là cái “chả giò” và chiếc “áo dài”… tức là  chỉ “ăn”  “mặc” còn những sinh-hoạt tinh-thần khác thì rất ít khi thấy, dù trong Ban Chấp-hành CĐ bao giờ cũng có “Ủy-viên Văn-hóa, Văn-nghệ”, tôi nghĩ cô nên đến hỏi thăm người này về Sinh-hoạt VH VN tiện hơn…Tôi không dám lạm bàn vì đã lâu lắm rồi, tôi “qui ẩn” không muốn viết lách gì nữa, dù Chủ báo có tăng tiền cho tôi gấp đôi đó chứ - cám ơn những ưu-ái, nhưng khi trò chơi (tôi quan-niệm Văn nghệ là rong chơi mà) không còn thích-thú nữa thì nên buông, vì vậy tôi  không rõ lắm về sinh-hoạt Văn-hóa của CĐ.Tôi thấy mọi sinh hoạt Văn-nghệ của anh em Nghệ-sĩ VN Hải-ngoại đều có tính cách “Cá-nhân”, tự in sách, tự phát-hành, tự sáng tác rồi tự triển lãm… mà thôi…không được bất cứ sự giúp đỡ  nào từ phía Cộng-đồng… mặc dù Nghệ-sĩ thỉnh-thoảng có triển-lãm tranh giúp CĐ trong những dip Tết mà không hề được CĐ mời một ly café hay thư cám ơn nào cả… dù tiền bán vé vào cửa cả trăm ngàn như chơi … Cảm ơn cô nha /NT.


Thầy Nguyễn Tư Thiếp