Thursday, 5 November 2015

CÂY CỔ THỤ SÁCH TUỔI HOA ĐÃ RA ĐI - BÌA HÌNH - HOẠ SĨ VI VI




Người ta đọc được những dòng chia sẻ :
Ông Simon NGUYỄN BÍCH VÂN
Bút hiệu Nguyễn Trường Sơn, Hà Châu
Chủ bút BÁN NGUYỆT SAN TUỔI HOA
Giám đốc TỦ SÁCH TUỔI HOA


CÂY CỔ THỤ SÁCH TUỔI HOA ĐÃ RA ĐI


Đã mệnh chung vào lúc 12 giờ 45 trưa Thứ Tư 20 tháng 5 năm 2015 (giờ Paris), hưởng thọ 97 tuổi. Tang lễ sẽ được cử hành tại Paris, Thứ Ba ngày 26 tháng 5 năm 2015.
Vâng, những dòng chia sẻ đơn giản, chứ không phải cáo phó, như một thông báo trong muôn vàn thông báo của đời sống, được đăng trên Blog của tuoihoaonline.
Và rồi một thông báo khác sau đó :
“Buổi tưởng niệm nhà văn Nguyễn Trường Sơn sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng Sáu, năm 2015 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, 1538 N. Century Blvd. Santa Ana, CA 92703. Thánh lễ do Đức Giám Mục Dominic Mai Thanh Lương và Linh Mục Bill Cao cử hành.
Nhà văn Nguyễn Trường Sơn đã góp phần đáng kể vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam trong những thập niên 1960 và 1970. Ảnh hưởng tốt đẹp của tạp chí Tuổi Hoa và tủ sách Tuổi Hoa cho đến nay vẫn là dấu ấn không phai mờ trong tâm hồn rất nhiều độc giả Tuổi Hoa thời niên thiếu.”
Ly không có mặt trong buổi tưởng niệm ấy. Nhưng Ly sẽ tưởng niệm bác suốt đời.

Sao Ly lại nghĩ bác là cây cổ thụ nhỉ? Một cây cổ thụ lặng lẽ, nghiêm trang trong một khu vườn đầy hoa lá và tiếng chim! Đó là khu vườn xinh xắn an lành nơi mảnh đất quê hương: Khu vườn Tuổi Hoa.
Cái tên “Tuổi Hoa” tự nó đã đầy ý nghĩa sống động. Nhưng cụ thể hơn cả, nó là tên của một bán nguyệt san dành cho tuổi học trò, và sau này cũng là tên của một tủ sách chuyên xuất bản những truyện dài: Tủ Sách Tuổi Hoa.
Các anh chị trong tòa soạn gọi Bác là “Anh Cả”, chỉ có Ly gọi Bác bằng “Bác”, bác Trường Sơn.
Mấy ai biết nhiều về cuộc đời của bác? Chỉ sau khi bác ra đi, mọi người mới có dịp nhắc nhở:
“Sự nghiệp viết báo của ông Nguyễn Trường Sơn khởi đầu từ Hà Nội, thập niên 1950. Hai tác phẩm đầu tiên là Măng Chột (báo Đạo Binh Đức Mẹ) và Xóm Giáo (phát động thành lập đoàn liên minh Thánh Tâm), cả hai đều ký bút hiệu Hà Châu.
Sau khi vào Nam, nhà văn Nguyễn Trường Sơn bắt đầu nghĩ đến việc giáo dục thanh thiếu niên một cách lâu dài hơn. Tiền thân của tờ báo Tuổi Hoa là một quyển truyện mỏng “Đường Vào Hang Cọp” với nội dung khuyên trẻ em nên biết nghe lời người lớn, những bậc đã có kinh nghiệm trong cuộc sống.


Sau khi phát hành, tác phẩm này được tiếp nhận rất nồng hậu và ông nghĩ ra một chuyện lớn hơn, “dài hơi” hơn, đó là ra một tờ báo. Từ đó bán nguyệt san Tuổi Hoa ra đời. Khi báo đã đứng vững, ông cho phát hành tiếp tủ sách truyện Tuổi Hoa với ba loại: “Hoa Đỏ” dành cho tuổi thanh thiếu niên thích phiêu lưu mạo hiểm, “Hoa Xanh” dành cho tình cảm nhẹ nhàng của thiếu nhi, và ít lâu sau đó là “Hoa Tím” dành cho lứa tuổi mới lớn với ít nhiều mộng mơ. Truyện “Chú Thỏ Đế” là “sản phẩm” đầu tiên được đón nhận, và ông bắt đầu thành lập hẳn tủ sách Tuổi Hoa.” (Theo Nhà văn Quyên Di.)




15 tuổi, đang học lớp Đệ Tam (lớp 10), Ly “cả gan” gửi bài cho Tuổi Hoa, theo lời khuyến khích của Thầy Hoàng Đăng Cấp dạy Toán ở lớp Ly học và cũng là một cây bút của Tuổi Hoa. Truyện ngắn đầu tiên của con bé viết về chiến tranh, và… lại được đón nhận. Con bé đi vào khu vườn ngập hoa lá bằng những bước chân rụt rè. Cây cổ thụ - lúc đó ở tuổi trung niên - mỉm cười khuyến khích con bé. Và cứ thế, những truyện ngắn Ly đã nắn nót viết tay – thời đó làm gì có computer! – rồi “đem nộp”, đã thường xuyên có mặt trên Bán nguyệt san Tuổi Hoa. Khi có bài đăng, Ly được tặng một số báo Tuổi Hoa. Có lẽ những ai đã sống “thời Tuổi Hoa”, đều đồng ý rằng đa số học trò muốn mua sách báo thì phải nhịn quà sáng, vì giá sách báo “không hề rẻ”. Nhưng thật dễ thương, có bạn đã “làm giàu” cho mình bằng cả một tủ sách báo do chắt chiu mà sắm được, và quý như vàng.




Trong thế giới văn chương của Miền Nam Việt Nam thời đó, không có ai “dạy viết” cho ai cả, trừ quý thầy cô dạy Việt Văn trong nhà trường, nhưng đó lại là một chuyện khác. Vào khu vườn Tuổi Hoa, như đã có một vùng đất được vun bón, những cây trái hoa cỏ cứ việc tăng trưởng. Mà chính những tác phẩm của bác Trường Sơn là chất liệu quý giá đã góp thêm phần màu mỡ cho đất. Chính những tác phẩm của bác đã là những bài “dạy viết” tuyệt vời!


Chưa hết, nếu không nói đến chuyện “được trả tiền nhuận bút” sẽ là một thiếu sót rất lớn. Viết truyện ngắn đăng báo, là sẽ được trả tiền nhuận bút. Báo nào cũng vậy, chứ không riêng báo Tuổi Hoa. Vì vậy người đọc cũng thấy câu này rất thường trên các báo: “Bài được đăng trên báo này rồi xin đừng gửi cho báo khác”. Tuy là viết thì có nhuận bút, nhưng viết trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu, không phải một phương tiện. Các cây bút trẻ thời đó không viết vì tiền.

Mùa hè, sau khi thi đậu Tú Tài 1, Ly được nhận vào làm “cô cò” cho tòa soạn Tuổi Hoa. (Thời ấy kỹ thuật in là đúc từng chữ rời bằng chì. Muốn xếp từ ngữ “báo”, thợ xếp chữ phải lần lượt bốc chữ b, chữ á và chữ o. Cứ vậy ghép lại thành trang sách, in tạm ra để sửa kỹ mọi sai sót trước khi lên máy in. Người trách việc coi bản in tạm, sửa lỗi gọi là “thầy cò” vì thường do các chú, các bác lớn tuổi phụ trách.)

Thế là ngoài chuyện học hành, Ly có thêm “nghề”. Mỗi buổi chiều Ly đến tòa soạn, ngoài công việc “cô cò” Ly còn nhận các thư từ của độc giả để phụ bác Trường Sơn phân loại, trả lời, hoặc sắp xếp cho bác tiện việc đọc để chọn đăng. Công việc rất yên lặng vì ít ai vào tòa soạn trong ngày thường, trừ khi có việc cần.

Còn muốn thấy cảnh nhộn nhịp không khó, chỉ việc bước vài bước ra phía sau là sẽ đến nhà in, dùng chung cho báo Đức Mẹ và báo Tuổi Hoa. Ở đó, tiếng máy in chạy rập rình suốt buổi, át hẳn tiếng người nói. Có khoảng sáu, bảy người làm việc, từ sắp chữ, lên khuôn, in thử, rồi sau mấy lần sửa chữa dưới bàn tay của “cô cò”, các bản in chính thức sẽ ra đời, được đóng gáy, ráp bìa, đem đi phát hành.

Mà vui nhất có lẽ là chiều Thứ Bảy, các anh chị trong Ban biên tập tụ họp về, cùng với thân hữu và độc giả khắp nơi, ghé chơi chuyện trò, ca hát.

Một số cây bút Tuổi Hoa, đi lính, đã sớm đền nợ nước ở tuổi còn rất trẻ. Tòa soạn có những lúc đắm chìm vào nỗi buồn của đất nước.

Loại “Hoa Tím” ra đời trễ nhất, sau hai loại “Hoa Xanh” và “Hoa Đỏ”. Ly là người sớm viết cho loại này, cũng với sự khuyến khích của bác Trường Sơn. Ban đầu, vì nghe nói loại “Hoa Tím” dành cho tuổi mới lớn, tuổi mơ mộng, có “chút chút” yêu đương, nên một số phụ huynh e ngại loại truyện này, cấm các con nhỏ xem. Càng bị cấm thì các bạn càng tò mò, lẽ đương nhiên. Nhưng Tủ Sách Tuổi Hoa đã đi vững chắc với đường hướng của mình, dần dần các cây bút và các tác phẩm loại “Hoa Tím” đã được “giải oan” và trở thành người bạn thân thiết của độc giả học trò.


 


Tòa soạn Tuổi Hoa đóng cửa ngay sau ngày 30 tháng Tư 1975

Ly không biết các thành viên của Tuổi Hoa đã đi đâu, ra sao. Cái biến cố to lớn ấy đã thay đổi tất cả. Ly, cây bút tuổi học trò, có hai truyện dài “được” nằm trong danh sách bị cấm. Như một cây non bị bứng ra khỏi khu vườn yên vui, vứt vào một vùng đá đen, xung quanh toàn những cây gai hung tợn, cây non lập tức héo úa. Ly muốn gượng dậy, nhưng rồi không được. Ly thà cất cây bút của mình vào một nơi không được nhớ đến, hơn là phải bẻ cái ngòi bút cho cong. Ly tự đặt một dấu chấm hết cho việc viết lách của mình, không muốn liên lạc với một ai.

Tình cờ về sau Ly được biết bác Trường Sơn cùng gia đình đã qua sống bên Pháp.

Bây giờ, bác chọn thời điểm 40 năm để ra đi vĩnh viễn. Một khoảng thời gian dài! Khoảng thời gian ấy có làm cho tâm tư của Bác mòn mỏi? Bác hẳn đã hơn ai hết nhớ thương mảnh vườn mà Bác đã khai mở và vun đắp. Nhưng dù sao, nghĩ đến bác Trường Sơn, Ly thường nghĩ đến hình ảnh người mang trên tay những hạt giống. Bác sống nửa sau của cuộc đời và ra đi ở bên Pháp. Nhưng những hạt giống lành Bác đã gieo khắp nơi, từ khu vườn hoa gấm một thời.

Có một mảnh đất mà Ly không thể không nhắc đến. Nơi đó được xem là một “Tủ Sách Tuổi Hoa” thời hậu 75. Mà người khai mở mảnh đất ấy lại là Thục Đoan, một bạn trẻ sống tại Hoa Kỳ, chưa từng là cây viết của Tuổi Hoa. Bạn vì lòng yêu mến Tuổi Hoa và hiểu được nhu cầu của độc giả, đã làm một cuộc sưu tầm các tác phẩm của Tuổi Hoa và nhờ người đánh máy lại để thành lập “Tủ Sách Tuổi Hoa online”. Nhờ đó, Ly đã hăng hái đánh máy hết các truyện ngắn, truyện dài của mình gửi cho bạn đăng. Bạn cùng với một số bạn khác cũng tìm tòi và đánh máy, đăng gần hết các tác phẩm của Tuổi Hoa. Một Tuổi Hoa “ảo” mà thật, đang vươn lên trong thế giới mở của văn hóa văn nghệ ngày nay.

Mà không chỉ là những tác phẩm cũ được hồi sinh, thực tế các cây bút của Tuổi Hoa đã sống lại, tiếp tục đứng lên.

Hình ảnh một cây cổ thụ sừng sững mà rất đỗi khiêm nhường, lặng lẽ truyền sức sống cho cả một thế hệ, Ly sẽ mãi nhớ và tri ân bác suốt đời. Bác Nguyễn Trường Sơn ơi! Xin Bác yên nghỉ.



Cam Li Nguyễn Thi Mỹ Thanh từ quốc nội

TỦ SÁCH TUỔI HOA



Ở Nam Bộ trước 1975, truyện ngắn, truyện dài thường có thể đọc trên báo hàng ngày (nhật trình) hay đến tiệm sách dù đọc chùa, đi mướn hay mua về. Phần đông là những chuyện dài tình cảm, lâm ly bi đát của các bà Tùng Long, Lan Phương... Vài nhà văn mà đương sự còn nhớ là Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thụy Long, Hồ Trường An, Bình Nguyên Lộc, Chu Tử, Hoàng Hải Thủy... Vài tác giả chuyên sáng tác chuyện miền Tây như An Khê, Lê Xuyên qua các tác phẩm Gừng Cay Muối Mặn, Loan Máu Biển Hồ, Vợ Thày Hương... Giới trẻ thời đó rất thích đọc chuyện tình yêu của Dung Saigon và Võ Hà Anh. Đối với các em thiếu nhi thì ngoài loạt truyện khá nhảm nhí từ các truyện của Tàu, của Hồng Kông như truyện Chú Thoòng... còn có nhiều truyện Tuổi Hoa.
NXB Tuổi Hoa nằm tại đường Kỳ Đồng - SG (ngày nay là Lý Chính Thắng). Phải chăng đây là tiền thân của báo Hoa Học Trò ngày nay? Hàn không rõ nhưng tủ sách này một thời từng gây đam mê cho giới trẻ SG qua 3 loại Tuổi Hoa :

- Hoa Đỏ (Trinh thám, mạo hiểm)
- Hoa Xanh (Tình Cảm nhẹ nhàng)
- Hoa Tím (Tình Yêu Tuổi Mới Lớn)

Nói chung, truyện Tuổi Hoa theo tôi không nhảm nhí và chọc cười như chuyện Chú Thoòng vì nhẹ nhàng, trong sáng. Và Tuổi Hoa từng được sự cộng tác của họa sĩ
 Vi Vi qua nhiều bìa vẽ khá dễ thương khi bạn xem lại bìa truyện. Khi ấy đọc truyện là một loại du lịch khá vừa túi tiền cho giới trẻ. Ngoài truyện, NXB Tuổi Hoa còn phát hành bán nguyệt san (báo mỗi tháng 2 kỳ) với nhiều chuyện ngắn, chuyện dài, thơ...

HÌNH BÌA CỦA HOẠ SĨ VI VI










 




 































HOẠ SĨ VI VI VÀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

Có một cậu bé từng nhiều lần ăn đòn của cha vì mê vẽ tranh. Sau này, niềm đam mê của cậu đã chiến thắng mọi trở ngại và giúp cậu trở thành một hoạ sĩ tài ba. Cậu bé đó giờ là họa sĩ Võ Hùng Kiệt, hiện đang ngụ cư tại Mỹ. Trong hai ngày 12 và 13 tháng 7 vừa qua, ông làm triển lãm kỷ niệm 50 năm cầm cọ của mình tại 14841 Moran ST. Westminter, CA 92638.

Từ đòn roi của cha nên nghiệp

Họa sĩ Võ Hùng Kiệt sinh năm 1945 tại Vĩnh Long, Việt Nam. Hiện cư ngụ tại Spring Valley, CA, USA. Vivi là bút danh ghép từ hai chữ Việt Nam – Vĩnh Long đã thành một huyền thoại trong tuổi thơ của hàng triệu triệu trái tim thanh thiếu niên Việt Nam qua các tranh bìa của tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Xanh và các truyện tranh thiếu nhi. Trong hai ngày tại phòng triển lãm họa sĩ Vivi Võ Hùng Kiệt đã dành cho người yêu thích tranh của ông một bữa tiệc nghệ thuật thật thịnh soạn. Thịnh soạn vì đây là những tác phẩm tích lũy của 50 năm trong nghiệp vẽ của nhà họa sĩ nổi danh từ năm đầu vào trường vẽ Quốc gia trang trí mỹ thuật của thập niên 1960 tới nay. Qua 50 năm cầm cọ, để lại cho đời hàng ngàn tác phẩm không chỉ có dấu ấn về nghệ thuật, mà còn có ý nghĩa thực dụng là những mẫu tranh làm tem, làm tượng đài, làm lịch. Họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt và gia đình sống đơn sơ và ẩn dật ở một thành phố nhỏ, trong một mái nhà toàn tranh, dành hết thì giờ để sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Những người bạn, người thân thiết bên ông và cả những người từng yêu mến ông đều biết rằng, con đường đến với nghệ thuật của ViVi vô cùng gian nan. Từ nhỏ, Kiệt đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh, có từ giấy nào cũng mải mê vẽ, rồi vẽ lên tường, vẽ xuống đất. Vì gia đình quá nghèo, cha của cậu bé Kiệt ngày đó chỉ muốn con đi học làm kỹ sư, bức sĩ hay một ngành nghề nào đó có tiền. Vì đam mê quá nên cậu nhiều lần bị cha cầm roi “vút”. Nhưng điều đó không làm giảm đi nhiệt huyết dường như đã ăn vào máu của Kiệt. Cậu vẫn âm thầm tâm niệm một ngày kia phải đi theo nghề vẽ. Đến năm 1958 khi mới 13 tuổi, cậu bé Kiệt đã chính thức được giao nhiệm vụ vẽ bìa và truyện tranh cho tờ Tuổi Xanh.
Vì đam mê vẽ tranh mà năm 1961 Võ Hùng Kiệt đã phải tìm cách đi tu tại trường dòng Sư Huynh La San (Nha Trang) để có nhiều thời gian vẽ tranh. Ngoài học chương trình văn hóa ở đó, Kiệt và các bạn thường phải có những buổi sinh hoạt tập thể với nhau. Họ thường ngồi ở ven biển ngắm cảnh và ghi lại những hình ảnh của buổi sinh hoạt. Sau lần đi dạo vùng ven biển ở trại lính Đồng Đế, phía bên kia đèo Rù Rì, Võ Hùng Kiệt đã vẽ bức tranh cảnh biển Nha Trang. Ai nấy khi thấy hình vẽ đều trầm trồ khen ngợi. Ngay cả sư huynh Bề Trên Gaston, một họa sĩ từng du học ở Belgique về cũng phải ngẩn ngơ thán phục, thốt lên: “Một tài năng họa sĩ đang ở giữa chúng ta”. Kể từ hôm “tài năng họa sĩ” lộ danh, Kiệt được mời vào ban biên tập làm báo, phân chia công tác đảm trách “tranh bìa và truyện bằng tranh” cho Tờ Thông Tin Liên Lạc BẠN của Sơ Tập Viện (sau này đổi tên là Chuẩn Viện La San) tại La San, Nha Trang. Sau vài số làm tốt, Sư Huynh Giám Tỉnh Bernard Bường liền xin để Kiệt đảm nhận thêm phần trình bày cho tập san LIÊN LẠC của Tỉnh Dòng Sài gòn. Bề Trên Gaston, xuất thân từ trường nghệ thuật Ecole de Saint Luc tại Belgique, phát động chương trình thi đua nghệ thuật trong Sơ Tập Viện, bao gồm tranh vẽ, điêu khắc, nắn hình tạc tượng. Võ Hùng Kiệt có dịp phát huy tài năng nghệ thuật hội họa đã, điêu khắc và tạc tượng. Kiệt được giải nhất. Năm 1963, Võ Hùng Kiệt lên Nhà Tập, mặc áo dòng La San, và được mang tên là Frère Vauthier Tân.
Năm 1964 Võ Hùng Kiệt cởi chiếc áo dòng tu và vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Từ năm thứ nhất đã bắt đầu vẽ tem bưu họa. Năm 1965 được giải nhất trong cuộc thi vẽ mẫu tem tổ chức hằng năm ở miền Nam. Từ đó bằng tài năng, cứ thế mà “phất” đến bây giờ.
Ông Võ Hùng kiệt tâm sự: “Tôi bắt tay vào vẽ con tem đầu tiên với chủ đề “Toàn dân đoàn kết...”, hình vẽ tem này được giải nhất. Qua năm thứ hai, tôi tham gia vẽ các bức tranh tem như “Y phục cổ truyền Việt Nam”, “Cụ đồ nho”, “Cô lái đò”…ngoài ra có nhiều đề tài khác nữa. Tôi chiếm luôn ba giải nhất. Tiếp đó tôi vẽ thêm “Thú vui ngày tết” và chiếm luôn hai giải nhất và nhì. Lúc đó thật là vui”
Nói về cha mình, ông rất “sướng”. ViVi không hận cha. Ông cho rằng nhờ có đòn roi của cha đã gây cho ông cái quyết tâm theo nghiệp vẽ. Một lần ông tâm sự với bạn bè: “Nếu không có đòn roi của cha, làm sao có ViVi bây giờ. Nhớ ngày tôi còn trọ học ở nhà người bạn để học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, cha tôi tìm được, còn đuổi đánh một trận. Nghĩ lại càng thấy vui”

Tình yêu quê hương

Năm 1982 họa sĩ Võ Hùng Kiệt sang định cư tại Canada và chuyển về Mỹ năm 1995. Từ những ngày ly dời quê hương, ông luôn luôn dành cho quê những tình cảm thân ái. Những hình ảnh mộc mạc dân giã nơi quê lúc nào cũng được gìn giữ trong tâm khảm để trở thành những hình ảnh nghệ thuật. Bằng chứng là ông vẫn vẽ rất nhiều tranh về những vùng quê mình sinh sống thủa thiếu thời đó là các bức tranh “Tiếng sáo Trương Chi”, “Bãi biển đá”, “Cô gái trên sông”... Ông có cả trăm bức vẽ về hình ảnh dung dị của quê hương Việt Nam, đó cũng là cảm hứng bất tận của người con luôn hướng về Tổ quốc. Ngoài ra ông còn cộng tác vẽ cho các báo ở Mỹ và Canada hình ảnh về Việt Nam, vẽ tranh cho báo của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Năm 2000 ViVi Võ Hùng Kiệt đã vẽ một loạt tác phẩm về đề tài lịch sử Việt Nam mang tên “Việt sử bằng tranh”. Ông tâm sự: “Hội họa là ghi lại những màu sắc và hình ảnh cho mai sau. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là họa sĩ Việt Nam, người Việt Nam”. Đã bước qua tuổi lục tuần. Người Việt ở nước ngoài này đã thành công và còn giữ được phong độ, vẽ được nhiều thể loại như tranh vẽ, tranh minh họa, truyện tranh, bìa sách báo... Đến ngày nay, Võ Hùng Kiệt đã có cả trăm giải thưởng về hội họa và vẽ tem thư. Rất nhiều giải thưởng quốc tế tài trợ như Unicef, Unesco v.v.
Mái tóc ông đã bạc, nhưng vẫn say mê làm việc, yêu đời, ông thấy mình được an ủi, may mắn. Còn sống ngày nào, ông còn muốn ghi lại cảm xúc của mình qua tranh vẽ. Như tên Vivi mà ông đã chọn làm bút hiệu, “Vi” ngoài cái chữ viết tắt của chữ Vĩnh Long, vì ông là người ở Vĩnh Long, còn có nghĩa là Việt Nam. “Vi” còn thêm một nghĩa nữa là nhỏ nhỏ. “Vivi” còn nho nhỏ hơn nữa. Ông chỉ muốn là người làm được những việc thật nhỏ bé. Gia đình ông không ai theo nghề vẽ. Ngay cả ba đứa con ông cũng không đứa nào theo nghề vẽ của bố. Ông cũng không khuyến khích các con theo nghề của mình, bởi nghề của ông chẳng giàu có gì. Ông muốn các con được làm những gì mình thích, có thời gian thì luôn hướng về quê, và phải học nói cho sành sõi tiếng quê, không thể để mất gốc. Ngay cái bút hiệu cũng rất Việt rồi, và, trong ông, vẫn là dòng máu Việt chảy mãi.

Qua nhiều tìm tòi, vẫn vẽ về hình ảnh quê

Nghệ sĩ nào cũng có những lúc thấy bế tắc trong nghệ thuật. ViVi Võ Hùng Kiệt cũng vậy, nhiều khi ông gặp khó khăn trong lúc vẽ, khó khăn đó là những lúc có ý tưởng, nhưng không diễn đạt được. Hoặc vẽ xong không vừa ý mình đề ra. Ông thường lấy ý tưởng từ những câu hát trong cao dao hoặc cổ văn. Ví như câu hát “Trăm con chim mộng về bay đầu giường”, là ý tưởng ông chưa vẽ được. Vì bố trí hình ảnh, bố cục, màu sắc thế nào đây, khi nắm vững kỹ thuật rồi mà ý tưởng chưa tới, bố cục chưa xong, vẽ ra chẳng đạt. Theo ông, trong lĩnh vực nghệ thuật, người nghệ sĩ khi sáng tác là giúp cho người thưởng ngoạn, đưa ra cho người thưởng ngoạn những gì mà họ tìm kiếm. Người nhạc sĩ viết nhạc, khi tấu lên khiến người nghe cảm động, rung động trước những âm thanh mà họ nhìn thấy, đó là một bài hát thành công. Khi vẽ cũng vậy, người họa sĩ phải chọn cho mình một phương tiện tốt nhất để diễn tả ý tưởng, đường nét, màu sắc để làm cho người xem cảm nhận được những ý tưởng mà họa sĩ muốn trình bày. Họ cũng phải thấy đâu là đẹp, thế nào là màu sắc. Con đường hội họa 50 năm qua của ViVi có thể là dài đối với một đời người, nhưng con đường nghệ thuật là bất tận. Ông vẫn tiếp tục vẽ, vẽ mãi và chưa thấy mệt mỏi. Ông sống hạnh phúc với gia đình, với niềm đam mê. Vợ ông là ca sĩ Diễm Châu ( ( vừa là hoạ sĩ Cát Đơn Sa) , xinh đẹp và nổi tiếng một thời... Dù đam mê, bận việc, nhưng ông vẫn dành thời gian chăm sóc vợ, gia đình. Diễm Châu cũng rất thông cảm với công việc của chồng, hết lòng ủng hộ chồng trên con đường nghệ thuật. Đặc biệt, dù đã sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng bà vẫn giữ những nét giản dị, mộc mạc của người con gái Việt. Với bà, bí quyết để gìn giữ hạnh phúc gia đình là phải hiểu và thông cảm cho nhau. Có lẽ hình ảnh người vợ cũng in đậm trong sáng tạo nghệ thuật của Võ Hùng Kiệt, bộc lộ qua những bức vẽ chân dung thiếu nữ Việt với những đường nét tinh tế, sắc thái dịu dàng...



Võ Hùng Kiệt cũng gặp gỡ nhiều họa sĩ Việt Nam định cư tại nước ngoài như họa sĩ Kiệt Smith, họa sĩ Hương Alaska...Họa sĩ Hương Alaska rất thành công và nổi tiếng ở Canada. Chính bà đã khuyên ViVi nên học hỏi cách vẽ, tìm thị trường tranh bán cho khách Mỹ. Nhưng ông họa sĩ luôn hướng về Tổ quốc này thấy mình khó có thể làm được như vậy. Ông nói: “Tôi là một họa sĩ có tâm hồn Việt Nam, tôi không thay đổi theo cách vẽ khác, tôi chỉ làm những gì mình thấy quen thuộc và yêu thích. Tôi đã vẽ như vậy cả nửa thế kỷ rồi”.



Mới đây, ViVi còn vẽ tranh khỏa thân. Ông cho biết sau lần triển lãm kỷ niệm 50 năm cầm cọ nầy sẽ có cuộc “triển lãm bỏ túi” với tranh khỏa thân ViVi. Với bản tính trầm lặng, hòa nhã và lúc nào cũng có nụ cười trên môi, ông trải qua nhiều thăng trầm trên con đường nghệ thuật, cả những đau yếu đau yếu về thể xác, nhưng vì say mê với nghệ thuật nên tạo cho ông nghị lực để vượt qua. Mỗi lần gặp bạn bè, dù sức khỏe không cho phép nhưng ông vẫn chén tạc chén thù nhiệt tình. Mỗi lần bạn bè gọi điện hẹn nhau, Diễm Châu vợ ông ráo trước: “Ảnh bệnh mới khỏi, uống tầm tầm nhé”. Khi gặp nhau, đệ tử của Lưu linh xem như không có chuyện gì đã xảy ra, cứ cụng ly tỳ tỳ, quên mất cả lời vợ. Gia tài của ông là bao nhiêu bức tranh nhỉ. Dễ có đến mấy ngàn bức mà người ngoài không thể liệt kê cho đủ. Ngay cả chính tác giả của những bức tranh đó cũng chẳng nhớ mình đã vẽ ra bao nhiêu tranh. 50 năm cầm cọ, ViVi sáng tác không ngừng để lại cho đời cả một khung trời sắc màu. Một khung trời ngun ngút nhớ trời quê. Có lẽ, vợ ông nói không sai: “ViVi đã vẽ một góc trời Việt và đặt bên đất Mỹ”. Ông ôm vợ cười, bả lả, sảng khoái trong buổi chiều về lại đất nước mến yêu ...


Chân dung tự hoạ của Hoạ Sĩ ViVi