TÌM HIỂU THƠ LỤC BÁT
Thơ
ca là nghệ thuật dùng từ ngữ độc đáo nhất là loài người đã có được.
Người Nhật có thể thơ haiku, người Trung Hoa có thể thơ Đường Luật,
người Ý có sonnet sau đó lan sang Anh , Pháp và trở thành tài sản của Âu
Châu, ... và Việt Nam chúng ta có thơ Lục Bát . Thơ Lục bát dường như
dễ làm ai cũng làm được nhưng để làm cho hay, thì không phải dễ dàng
chút nào . Trong tác phẩm Quốc Âm Từ Điện (1886), tác giả Phạm Đình Toái
nhận định rằng thể lục bát đã trở nên khá thông dụng đối với việc sáng
tác thi ca chữ Nôm từ các đời Trần Lê, thế kỷ XIII đến XVI. Bài thơ lục
bát sớm nhất còn được lưu trữ trong thư tịch là một bài hát Cửa Đình của
Lê Đức Mao (1462-1529). Trong tác phẩm Nam Phong Giải Trào, ông Trần
Danh Án cũng ghi được một số bài hát Cửa Đình theo thể lục bát từ thời
Lê.
Trong dòng văn chương bác
học, đến cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, địa vị thơ lục bát đã trở
nên vững vàng với sự xuất hiện của khá nhiều tác phẩm giá trị như Lâm
Tuyền Văn với gần 200 câu của Phùng Khắc Khoan (1528-1613), và Ngọa Long
Cương Văn với 136 câu cùng Tư Dung Văn với 236 câu của Đào Duy Từ
(1572-1634). Sang thế kỷ thứ XVIII và XIX, lục bát đã trải qua thời kỳ
cực thịnh với những tác phẩm danh tiếng như Nhị Độ Mai (không rõ tác
giả), Bích Câu Kỳ Ngộ (không rõ tác giả), Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy
Tự (1745-1790), Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du (1765-1820), Lục
Vân Tiên của Nguyễn Định Chiểu (1822-1888). Điều đáng lưu ý là thể lục
bát cũng đã được sử dụng trong một số tác phẩm bằng Hán văn như Phụng Sứ
Yên Đài Tổng Ca (472 câu) của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), thân phụ của
Nguyễn Huy Tự.
Trong dòng văn
chương bình dân, lục bát hầu như là thể thơ độc nhất độc nhất được sử
dụng trong kho tàng ca dao đồ sộ của dân tộc. Đối với người xưa, ngoài
tính cách giải trí, ca dao còn được mang mục đích giáo huấn con em. Thật
vậy, thời trước, rất ít người được cắp sách đến trường, nên phương tiện
để dạy dỗ các em về luân lý và các kinh nghiệm sống được gói ghém trong
văn chương truyền khẩu gồm ca dao, tục ngữ, và truyện cổ. Thêm nữa, lục
bát là thể thơ thường được dùng trong các lối hát dân gian như quan họ,
trống quân, hát chèo, hát đúm, hát xẩm, hát ru em, hát gặt lúa, hát giã
gạo, hát đưa đò, hát phường vải, hát chầu văn, và hò v.v.. Ngày trước,
ông Ngô Thời Nhiệm đã từng hãnh diện tuyên bố 'nước ta xứng đáng gọi là
một nước thơ'. Chắc chắn rằng nước thơ này sẽ không hiện diện nếu không
có sự hiện diện của thơ lục bát trong dòng văn học của dân tộc ta.
Quy Luật Thơ Lục Bát
'Lục bát' là 'sáu tám' vì theo thể thức, lối thơ này bao gồm cứ một
câu sáu chữ rồi đến một câu tám chữ. Thông thường, bài thơ mở đầu bằng
câu sáu chữ và kết thúc bằng câu tám chữ.
1.Khuôn khổ của thơ lục bát.
Một bài thơ lục bát không bị giới hạn bởi số câu trong bài. Bài thơ
có thể chỉ bao gồm hai câu nhưng cũng có thể kéo dài hàng ngàn câu như
Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du với 3254 câu, tức 1627 câu lục và 1627 câu
bát.
2. Luật bằng trắc trong thể lục bát
Một bài thơ lục bát bao gồm một hoặc nhiều cặp các câu thơ lục bát
mà trong đó, mỗi cặp thơ tuân theo quy luật sau đây (b = bằng; t = trắc)
- Câu lục: b B t T b B
- Câu bát: b B t T b B t B
Những chữ viết hoa bắt buộc phải theo đúng quy luật bằng trắc. Ngược
lại, những chữ còn lại không bắt buộc phải đúng luật. Vì vậy, thời
trước, các cụ thường dùng quy luật thơ Đường 'nhất, tam, ngũ bất luận;
nhị tứ lục phân minh' để ám chỉ luật thơ lục bát (câu này không nhắc đến
chữ thứ bẩy, tức chữ cuối trong mỗi câu vì theo luật thơ Đường, các chữ
thứ bẩy bắt buộc phải 'phân minh'. Đối với thơ lục bát, chúng ta chỉ
cần nhớ 'chẫn bó buộc, lẻ tự do' là đủ.
Hai câu sau đây trong truyện Kiều theo đúng hoàn toàn các âm bằng trắc nêu trên:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Ngược lại, trong hai câu sau, cũng trong truyện Kiều, tất cả các chữ
lẻ của cả câu lục lẫn câu bát đều ngược lại với âm bằng trắc liệt kê ở
trên. Sự kiện này không làm câu thơ bị sai luật vì như đã đề cập ở trên,
âm bằng trắc của các chữ lẻ được tùy tiện:
Được lời như cởi tấc son
Vó câu rong ruổi nước non quê người
3. Cách gieo vần
Cánh gieo vần trong thể lục bát như sau:
- Chữ cuối của câu 'lục' phải cùng vần với chữ thứ sáu của câu 'bát' tiếp theo.
- Chữ cuối của câu 'bát' phải cùng vần với chữ cuối của câu 'lục' kế tiếp.
Thí dụ như trong bốn câu thơ sau của Bùi Giáng:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không?
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Chữ 'sau' của câu lục thứ nhất vần với chữ 'mầu' của câu bát thứ
nhất. Chữ 'không' của câu bát này lại vần với chữ 'dòng' của câu lục thứ
hai, và chữ 'trong' của câu bát thứ hai.
4. Luật về thanh
Trong câu 'bát', tuy hai chữ thứ sáu và thứ tám đều là tiếng 'bằng',
nhưng không được cùng một 'thanh'. Nếu chữ thứ sáu thuộc thanh 'phù
bình' (chữ không có dấu) thì chữ thứ tám phải thuộc thanh 'trầm bình'
(chữ với dấu huyền), hoặc ngược lại.
Thí dụ: Bốn câu đầu trong bài 'Ngậm ngùi' của Huy Cận:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...
Trong câu thứ hai, 'đôi' là thanh phù bình (tiếng không dấu) và
'rầu' là thanh trầm bình (tiếng có dấu huyền). Trong câu thứ tư, 'hầu'
là thanh trầm bình và 'đây' là thanh phù bình.
5. Trường hợp đặc biệt:
Ngoại lệ về âm bằng trắc của tiếng thứ hai và thứ tư trong câu 'lục'.
Như đã nêu trên, trong câu 'lục', tiếng thứ hai phải là tiếng 'bằng'
và tiếng thứ tư phải là tiếng 'trắc'. Tuy nhiên, khi nào câu 'lục' chia
làm hai đoạn đều nhau (3/3), thì tiếng thứ hai có thể đổi thành 'trắc'
và tiếng thứ tư thành 'bằng'. Chẳng hạn như những câu sau đây trong
truyện Kiều:
- Tiếng thứ hai là tiếng trắc thay vì tiếng bằng:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Đau đớn thay / phận đàn bà
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
- Tiếng thứ tư đổi thành tiếng bằng:
Tưởng bây giờ / là bao giờ
- Tiếng thứ hai đổi thành trắc và tiếng thứ tư đổi thành bằng:
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi khóe hạnh, khi nét ngài
6. Lục Bát biến thể:
'Biến thể' có nghĩa là thể thức được thay đổi. Có nhiều cách biến thể trong thơ lục bát:
a.
Biến thể vần bằng:
thay đổi cách gieo vần ở câu Bát: Chữ cuối của câu lục cùng vần với chữ thứ thứ 'tư' của câu bát chứ không phải với chữ thứ 'sáu' như luật thông thường. Theo lối biến thể này, luật bằng trắc ở các chữ thứ hai và thứ sáu trong câu bát cũng phải thay đổi, tức là hai chữ này phải thuộc vần 'trắc' chứ không phải vần 'bằng' như trong luật gieo vần.
thay đổi cách gieo vần ở câu Bát: Chữ cuối của câu lục cùng vần với chữ thứ thứ 'tư' của câu bát chứ không phải với chữ thứ 'sáu' như luật thông thường. Theo lối biến thể này, luật bằng trắc ở các chữ thứ hai và thứ sáu trong câu bát cũng phải thay đổi, tức là hai chữ này phải thuộc vần 'trắc' chứ không phải vần 'bằng' như trong luật gieo vần.
Thí dụ như câu sau đây trong bài ca dao 'Tát nước':
... Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
It nữa lấy chồng anh lại giúp cho...
Chữ thứ tư trong câu 'bát' cuối cùng là chữ 'chồng' vần với chữ
'công' của câu 'lục' phía trên. Thêm nữa, chữ thứ hai, tức chữ 'nữa' và
chữ thứ sáu, tức chữ 'lại', là các tiếng trắc thay vì tiếng bằng.
b.
Biến thể vần trắc:
Chữ cuối của câu lục và chữ thứ sáu của câu bát cùng là âm trắc và hiệp vần với nhau. Thông thường, cách biến thể này chỉ được sử dụng trong hai câu dẫn nhập của bài. Những câu kế tiếp sẽ theo đúng luật thơ. Chẳng hạn như bài ca dao sau:
Chữ cuối của câu lục và chữ thứ sáu của câu bát cùng là âm trắc và hiệp vần với nhau. Thông thường, cách biến thể này chỉ được sử dụng trong hai câu dẫn nhập của bài. Những câu kế tiếp sẽ theo đúng luật thơ. Chẳng hạn như bài ca dao sau:
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi, mày đi đằng nào?
Trong kho tàng ca dao, chúng ta cũng bắt gặp một số câu biến thể vần
trắc gieo vần ở chữ thứ tư thay vì chữ thứ sáu trong câu bát:
Nước ngược, anh bỏ sào ngược
Anh chống chẳng được, anh bỏ sào xuôi
c.
Thay đổi số chữ trong các câu:
Lối thay đổi này thường thấy trong các bài ca dao. Tuy số chữ trong mỗi câu ít hơn hoặc vượt khỏi số quy định, nhưng những câu thơ vẫn gói gém tinh thần của luật âm vận trong thơ lục bát:
Lối thay đổi này thường thấy trong các bài ca dao. Tuy số chữ trong mỗi câu ít hơn hoặc vượt khỏi số quy định, nhưng những câu thơ vẫn gói gém tinh thần của luật âm vận trong thơ lục bát:
Em thuơng nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu
Lược thưa em biếng chải, gương tầu em biếng soi
Cái sập đá hoa em bỏ vắng không ngồi
Vườn hoa em bỏ vắng để mặc người quay tơ...
hoặc
Em có yêu anh, tam tứ núi anh cũng trèo
Ngũ lục sông anh cũng lội, thất bát cửu thập đèo anh cũng qua
Chén son em ơi, nguyện với ông trăng già
Càn khôn đưa lại để một nhà vui chung...
Tuy số chữ trong các câu thay đổi, nhưng các chữ in đậm trong hai
đoạn ca dao nêu trên vẫn theo đúng tinh thần vần và luật của thơ lục
bát. Nếu bó buộc phải theo đúng quy luật, các đoạn này có thể được viết
lại như sau:
Thương ai ngơ ngẩn bên cầu
Lược thưa biếng chải, gương tầu biếng soi
Sập hoa bỏ vắng không ngồi
Vườn hoa bỏ vắng mặc người quay to
và
Yêu em, mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Chén son nguyện với trăng già
Càn khôn đưa lại một nhà vui chung
Trong hai trường hợp nêu trên, bài thơ viết lại cho đúng quy luật nghe không hay bằng bài biến thể.
" Lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kì ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ "
BÙI GIÁNG
Thơ lục bát Việt Nam sanh ra từ Ca Dao.
Chữ
"Ca Dao" là chữ của Việt Nam, từng chữ rời của chữ này có nghĩa giống
như chữ "ca" và chữ "dao" trong Kinh Thi của Trung Hoa.
Kinh Thi, phần Ngụy Phong, bài Viên Hữu có câu: "Tâm chi ưu hữu, ngã ca thả dao" (nghĩa là: Lòng ta buồn, ta ca và dao).
Sách
Mao truyện viết: "Khúc hợp nhạc viết ca, đô ca viết dao" ( nghĩa là :
Khúc hát có nhạc đệm theo lời gọi là ca, còn hát trơn thì gọi là dao).
"CA
DAO là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình ,
phong tục của người bình dân". (Dương Quảng Hàm- " Việt Nam Văn Học Sử
Yếu)
Ca dao Việt Nam có những câu bốn
chữ, năm chữ, sáu tám, hay bảy sáu tám,..., đều có thể "ngâm được
nguyên câu", không cần tiếng đệm, như người ta ngâm thơ vậy.
Phần lớn ca dao được nhiều người thuộc là những câu sáu tám, chẳng hạn :
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Lấy chồng chẳng biết mặt chồng
Đêm nằm mơ tưởng, nghĩ ông láng giềng
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!
Trâu ơi, tao bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công...
Gió vàng hiu hắt đêm thanh
Đường xa dặm vắng, xin anh đừng về
Mảnh trăng đã trót lời thề
Làm chi để gánh nặng nề riêng ai !
Lấy chồng tử thủa mười lăm
Chồng chê tôi bé, chẳng nằm cùng tôi
Đến năm mười tám, đôi mươi
Tối nằm dưới đất, chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường, gãy một, còn ba!...
Con gà cục tác: lá chanh
Con lợn ủn ỉn: mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi:
Bà ơi ! đi chợ mua tôi đồng riềng.
Sáng trăng sáng cả đêm rằm
Anh đi qua cửa,em nằm không yên.
Mê anh chẳng phải mê tiền
Thấy anh lịch sự, có duyên, dịu dàng.
Thấy anh em những mơ màng
Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi.
Thấy anh chưa kịp ngỏ lời
Ai ngờ anh đã vội dời gót loan.
Thiếp tôi mê mẩn canh tàn
Chiêm bao như thấy anh chàng ngồi bên.
Tỉnh ra lẳng lặng yên nhiên
Tương tư bệnh nó phát liên miên cả ngày.
Nghĩ rằng duyên nợ từ đây
Xin chàng hãy lại nơi đây chút nào,
Cho thiếp tỏ thiệt thấp cao...
Mang bầu tới quán rượu dâu
Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
* NHỮNG THỂ CA DAO TRUYỀN THỐNG :
- Thể phú :
"Phú"
có nghĩa là trình bày, diễn tả, chẳng hạn như nói về người, về việc hay
vật gì thì trình bày, diễn tả cho người ta hình dung được người, việc,
hay vật ấy. Thí dụ:
Đường lên xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đồng
Ai ơi! đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạc, kìa sông Tam Cờ.
Em chớ thấy anh lắm bạn mà ngờ
Bụng anh vẫn thẳng như tờ giấy phong...
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông nghè
Ông nghè sai lính ra ve..
"Trăm lạy ông nghè, tôi đã có con!".
- Có con thì mặc có con!
Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.
- Thể tỉ :
Tỉ
là so sánh. Ở thể này, câu ca không nói thẳng như ở thể Phú, song lại
mượn cái khác để so sánh, ngụ ý hay gửi gắm một tâm sự gì. Thí dụ :
Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi
Gối mền, gối chiếu không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.
Ăn thì ăn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm
- Thể hứng :
Hứng
là do cảm xúc mà nảy nở tình cảm, có thể là vui, cũng có thể là buồn,
thấy ngoại cảnh mà có hứng, muốn nói lên nỗi lòng mình, cảnh tình riêng
của mình. Thí dụ :
Trên trời có đám mây vàng
Bên sông nước chảy, có nàng quay tơ
Nàng buồn nàng bỏ quay tơ,
Chàng buồn chàng bỏ thi thơ học hành...
Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa,
Sao cô mình lơ lửng mà chưa có chồng...
* THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI
Nguyễn Can Mộng đã viết trong cuốn Ngạn ngữ phong dao :
"Văn
vần nước ta phôi thai từ ngạn ngữ, rồi đến phong dao/ca dao thì thành
điều, thành chương, có thể ngâm nga được. Văn lục bát, hay song thất sau
này đều từ ở đấy cả."
Việc sưu tập và biên soạn tục ngữ, ca dao, và dân ca ở nước ta chỉ mới được bắt đầu từ khoảng hai trăm năm trở lại đây.
Hiện
nay, bài thơ lục bát cổ xưa nhất có niên đại rõ ràng, còn lưu giữ lại
đến nay là bài "Cảm tác" của Nguyễn Hy Quang, được sáng tác năm 1674.
Bài thơ đó như sau:
"Bốn bề cây cối lơ thơ
Thung thăng con cá vật vờ đàn ong
Ngẫm thay người thật khách song
Nhân tri kinh phật sinh không có lời
Đồng lần vật đổi sao rời
Một nền trải mấy muơi đời dân gia
Tới ta rằng của riêng ta
Nào trăm năm trước ắt là của ai
Làm chi cho vẩn lòng người
Của đời ắt để cho đời phân minh"
Vào nửa cuối thế kỉ 18, Trần Danh Án (hiệu Liễu Am) đã sưu tập và biên soạn "Quốc phong giải trào" và "Nam phong nữ ngạn thi".
Các
soạn giả trên đã ghi chép tục ngữ, ca dao bằng chữ Nôm, rồi dịch ra chữ
Nho và chú thích, có ý đem ca dao Việt Nam sánh với với thơ Quốc Phong
trong Kinh Thi của Tàu.
Vào
cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 mới thấy xuất hiện những sách sưu tập tục
ngữ, ca dao viết bằng chữ Nôm. Sang đầu thế kỉ 20 mới có những sách sưu
tập tục ngữ ca dao bằng chữ quốc ngữ.
Như vậy, có thể xác quyết rằng : Thơ lục bát Việt Nam bắt nguồn từ trong tục ngữ và ca dao mà ra.
"Lục"
(sáu), "bát" (tám), hay còn gọi là thể thơ sáu tám (6, 8) ám chỉ độ dài
của hai câu thơ: một câu gồm 6 chữ và một câu gồm 8 chữ. Câu sáu chữ đi
trước và câu tám chữ theo sau. Vần rơi vào chữ thứ sáu của câu tám.
Thí dụ :
Đêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương
Lối mòn cỏ nhợt mùi sương
Lòng quê đi một bước đường một đau.
(Kiều -Nguyễn Du)
Thơ
lục bát được coi là gia tài riêng của thi ca Việt, là nguồn cảm hứng
thơ đầu tiên và bất tận qua những lời ru bằng ca dao ngàn đời của mẹ :
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về
Bắt được con cá rô trê
Tròng cổ mang về cho cái ngủ ăn
*Lục bát biến thể :
Biến thể trong thơ lục bát là những câu thơ bị đổi cách gieo vần.
Trong
thơ "Lục bát chính thể", luật “Tứ Trắc Lục Bằng” trong câu 8 được tuân
thủ. (Câu 6 được tự do, linh động hơn, có thể không theo luật này)
Vài thí dụ về Lục bát chính thể:
Mai sau dù CÓ bao giờ
Đốt lò hương CŨ, so tơ phím này
Trông ra ngọn CỎ lá cây
Thấy hiu hiu GIÓ thì hay chị về
Hồn còn nặng MỘT lời thề
Nát thân bồ LIỄU đền nghì trúc mai
(Nguyễn Du-Kiều)
Nước non nặng MỘT lời thề
Nước đi đi MÃI không về cùng non
Nhớ lời nguyện NƯỚC thề non
Nước đi chưa LẠI, non còn đứng không
Non cao những NGÓNG cùng trông
Suối khô dòng LỆ chờ mong tháng ngày
(Tản Đà -Thề non nước)
Tâu rằng :-“Cha QUÁT ngày xưa,
Trước khi lâm TỬ dặn dò đinh ninh
Chớ nên cho QUÁT cầm binh
E rằng hại NƯỚC, thân mình cũng vong
Trước làm bại HOẠI gia phong
Sau làm xương TRẮNG máu hồng tuôn rơi
Việc quân há PHẢI việc chơi
Xin vua xét LẠI, chớ vời trẻ ranh”
(Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư)
Vài thí dụ về sự linh động trong câu 6 :
Chữ thứ tư có thể là thanh bằng, đặc biệt khi sử dụng thủ pháp "Ngắt mạch", kèm theo "Tiểu đối", hoặc "Tiểu đồng dạng ".
Ví dụ :
Nước trong xanh, TRỜI trong xanh
Êm êm tiếng hát , bập bềnh thuyền con
Yêu nhau đi, YÊU nhau đi
Ngày mai hai đứa biệt ly ngàn đời
Khi tựa gối, KHI cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày
Tuy
vậy hình thức này không thông dụng, chỉ nên lâu lâu điểm xuyết mà thôi.
Nếu lạm dụng, sẽ đánh mất sự hài hoà, thanh thoát của bài lục bát.
- LỤC BÁT BIẾN THỂ : dạng “Tứ Bằng Lục Trắc”
Thay
vì “Tứ Trắc Lục Bằng” như truyền thống lâu đời của Thơ lục bát chính
thể , nếu ta đảo ngược luật ấy thành “Tứ Bằng Lục Trắc”, thì ta sẽ có
được một thể Lục bát mới, đó là Lục bát biến thể dạng “Tứ Bằng Lục
Trắc”.
Chữ cuối câu 6 sẽ phải ăn vần với chữ thứ 4 của câu 8
Lục bát biến thể dạng này ít khi thấy toàn bài, mà chỉ thấy thỉnh thoảng đan xen trong Lục bát chính thể mà thôi
- Vài thí dụ về Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”:
Trèo lên cây bưởi hái Hoa
Bước xuống vườn CÀ , hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có CHỒNG
Như chim vào LỒNG , như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thửi nào ra
Mẹ già ở với nàng DÂU
Đoạn thảm vơi SẦU, con một cậy cha
Mười phần thương mẹ ở nhà
Chín phần thương vợ còn là thơ ngây
(Khuyết Danh-Thoại Khanh Châu Tuấn)
Thoắt thôi vợ nói cùng CHỒNG
Đặng bốn mươi ĐỒNG gặp buổi đúc chuông
..........................
Âu là một thái tử ĐÂY
Ban cho nhà NÀY chẳng tiếc làm chi
(Khuyết Danh-Phạm Công Cúc Hoa)
Bảy năm giao kết Đào viên
Trong nhà chăm chỉ, ngoài thềm siêng năng
Thạch Sanh hay lũ hay LAM
Ít ngủ hay LÀM, dậy sớm thức khuya
Lý gia hưng thịnh mọi bề
Tiền muôn bạc ức đề huề hơn xưa
(Thạch Sanh Lý Thông tân biên)
*LỤC BÁT "THÊM VÀO" :
Lục
bát thêm vào còn được gọi đùa là "Lục bát More" (chữ More nghĩa là thêm
vào...) Đó là một thể loại “thật tưởng như đùa, đùa y như thật”, xuất
phát từ Lục bát chính thể, hình thành bằng cách “thêm vào” mỗi câu một,
hai, ba chữ nữa.
Thể loại này rất thường thấy trong ca dao :
Thí dụ 1:
Thử so sánh hai câu sau đây
- Lục bát chính thể :
Yêu nhau MẤY núi cũng trèo
MẤY sông cũng lội, MẤY đèo cũng qua
- Lục bát biến thể “thêm vào” ( Thơ 6/8 thành thơ 7/10 )
Yêu nhau TAM TỨ núi cũng trèo
NGŨ LỤC sông cũng lội, THẤT BÁT đèo cũng qua
* Thí dụ 2 :
- Lục bát chính thể :
Em nhỏ thó, có duyên NGẦM
Khiến anh thương trộm nhớ THẦM bấy nay
- Lục bát biến thể “Tứ bằng lục trắc”
Em nhỏ thó, có duyên NGẦM
Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay
- Lục bát "More" Tứ bằng lục trắc :
(Thấy) em nhỏ thó (lại) có duyên NGẦM
Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay
- Lục bát More ngắt câu :
Thấy em nhỏ thó,
Lại có duyên NGẦM
Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay
* Thí dụ 3 :
-Lục bát chính thể :
Bước ngang nhà má tôi QUỲ
Vì thương con má sá GÌ thân tôi
Bước ngang nhà má, tay tôi xá, cẳng tôi QUỲ
Vì thương con má sá GÌ thân tôi
-Lục bát biến thể ngắt câu :
Bước ngang nhà má
Tay tôi xá
Cẳng tôi QUỲ
Vì thương con má sá GÌ thân tôi
Rõ ràng là nhờ "thêm mắm dặm muối" mà "Lục bát thêm vào" nghe lạ tai, thú vị hơn hẳn Lục bát chính thống vậy .
Ta thấy : trong câu 8, nếu chữ thứ 6 là Phù bình thanh (không dấu), thì chữ thứ 8 phải là Trầm bình thanh (dấu huyền)
Thí dụ :
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn LÒNG
Ngược lại , nếu chữ thứ 6 là Trầm bình thanh (dấu huyền), thì chữ thứ 8 bắt buộc phải là Phù bình thanh (không dấu)
Thí dụ
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu HỜN kém XANH
* LỤC BÁT TRẮC VẬN
Từ lâu, thơ Lục bát hầu như tất cả đều là vần bằng.
Tuy
vậy, vẫn có thể tìm thấy những thí dụ về "Lục bát trắc vận" trong kho
tàng ca dao Việt Nam, đặc biệt là ca dao phương Nam. Mới nghe qua thấy
có vẻ kỳ kỳ, nhưng có lẽ là Lục bát vần Trắc thật :
*Thí dụ 1 :
Tò vò mà nuôi con NHỆN
Ngày sau nó lớn nó QUẾN nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào ?
(Ca dao)
*Thí dụ 2: Thơ dân gian
Môi xẻ, mũi lân, mắt LỘ
Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em
"Lục bát " Trắc vận :
Môi thò lõ, lỗ mũi lân, con mắt LỘ
Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em
"Lục bát ", Ngắt câu, Trắc vận :
Môi thò lõ
Lỗ mũi lân
Con mắt LỘ
Khắp xứ này, không ai NGỘ bằng em
*Thí dụ 3 : Thơ dân gian
-Lục bát chính thể :
Mũi xúc xích, miệng chèm BÈM
Làng trên xóm dưới ai THÈM cưới cô !
-Lục bát Trắc vận :
Miệng chèm bèm, mũi xúc XÍCH
Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô !!!
Lục
bát trắc vận trong ca dao chỉ là "của hiếm", và thường dùng để đùa giỡn
thôi, nhưng dù sao vẫn tồn tại thể loại này trong thi ca, đặc biệt là
thi ca truyền khẩu Nam bộ. Có người cho rằng không có cái gọi là “Lục
bát trắc vận”, đó chỉ là một biến thái thêm bớt chữ của thể “Song thất”
mà thôi.
Thí dụ :
Miệng chèm bèm, mũi như xúc XÍCH
Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô
THƠ LỤC BÁT HIỆN ĐẠI :
Như vậy ,Thơ lục bát luôn được tiếp tục làm mới bởi các thế hệ người làm thơ Việt Nam .
Có
lẽ trường hợp đáng chú ý hơn cả là nhà thơ Du Tử Lê . Ông tiếp tục thử
nghiệm thể loại lục bát mà thế hệ ông đã bắt đầu từ trước năm 1975 , ở
miền Nam Việt Nam.
Thơ lục bát đã
được canh tân bởi một số nhà thơ thời Thơ Mới, trên tạp chí "Sáng Tạo"
rồi "Thế Kỷ Hai Mươi" , "Văn Học", "Văn", "Nghệ-Thuật" ...
Lục
bát được tiếp tục hiện đại hóa với ngôn ngữ tân kỳ, hình ảnh mới hơn,
bất ngờ, cũng như trong cách dùng chữ, ngắt câu. Khởi xướng bởi Cung
Trầm Tưởng (Tình Ca, Lục Bát Cung Trầm Tưởng), tiếp đó có Sao Trên Rừng
(Nguyễn Đức Sơn), Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển, Hoài Khanh, Kim Tuấn,
Hoàng Trúc Ly, ...
- Lục bát Cung Trầm Tưởng:
“Bù em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chung đồi
Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ.
Bù em xuôi có ngàn thơ
Vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường
Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu.
Thôi em xanh mắt bồ câu,
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau...”
(Kiếp Sau, Lục Bát Cung Trầm Tưởng)
- Lục bát Sao Trên Rừng:
“rồi mai huyệt lạnh anh về
ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa
trăng tà đổ bóng cây thưa
mộng trần gian đã hái vừa chưa em”
(Tịch Mạc, Lời Ru).
- Lục bát Hoàng Trúc Ly :
“xin em dừng lại môi mềm
giấc mơ thê thảm bóng chìm đêm sâu
tay xuôi mười ngón rụng sầu
xa nhau năm tháng cúi đầu nhớ nhau.
(… )
nhìn lên cửa khép lầu cao
bóng em chảy xuống vực sâu mắt buồn
về đêm khuya khoắt nhớ thương
mưa bay trước mặt, tủi hờn giăng ngang”
(Lá Hoa Duyên, Trong Cơn Yêu Dấu).
Lục
bát Du Tử Lê thì dùng lối cắt nát, chấm câu, xuống hàng, bỏ quên bằng
trắc, nhịp thơ 6, 8 đổi theo, v.v.. mà câu tiêu biểu thường được nhắc
tới là :
"tôi Lê.
Lê.
Lê.
Lê nào?"
Câu 6 chấm dứt cuối bài "Tôi Nào?" (trong tập Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà -Du Tử Lê, 1995).
Với
thơ lục bát, Du Tử Lê đã "khủng bố ngôn ngữ", nói như Bùi Bảo Trúc .
Ngoài ra, Du Tử Lê đưa ra quan niệm hoán vị (conversion concept) với
gạch chéo slash / làm phương tiện. Theo đó, nhịp đi của câu thơ được/bị
ngắt lại; tính và chiều đi tới của câu thơ bị/được cởi bỏ để thơ có tự
do chuyển động hai chiều và hoán vị, với ý sau này, ông tạo cơ hội cho
người đọc thực sự trở thành tác giả thứ hai :
"Và,
ngày cù sương:
bay lên /
nắng thâu phế liệu; em truyền nhiễm, thơ /
(...)
và chiều cù ta: chìm, rơi /
ai /
vai /
bồ tát /
tim /
ngồi ghế sau"
("Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà"-Du Tử Lê)
"... tôi ngồi, lưng mỏi thân xiêu /
nhủ tôi cơm áo còn nhiều đắng cay /
tôi ngồi, tôi gọi : Lê ơi /
bỗng nghe tiếng vọng từ đồi nghĩa trang /
tôi ngồi, tôi ngắm tôi tan,"
("Khi Trở Lại Làm Việc Ở Collins Radio", Thơ Tình Du Tử Lê).
Bài thơ chấm dứt ở câu sáu và với dấu phẩy.
Nhà
thơ Sử Mặc-Hoàng Xuân Sơn thì theo con đường lục bát mới cộng với lối
xử dụng dấu chấm câu hoặc không viết hoa , đã trở thành thông thường vào
cuối thế kỷ:
"Em qua /
em qua /
em qua /
đò giang trắc trở /
em qua được rồi /
em qua tới bợt em ngồi /
tới bờ em đứng khóc /
mùi mẫn /
em"
(Đầu Lệ, Huế Buồn Chi, 1993).
Lục bát Ngu Yên có bài đến gần thơ văn xuôi và như mở đường cho "Tân Hình Thức", khi ông viết liên tục cả khổ không xuống hàng:
"Hiểm
hoạ là mặt trăng hư, đêm nào cũng nóng rực như mặt trời, ngày đêm thiêu
đốt cõi đời, tìm đâu thi vị của thời trăng mơ, uổng chàng thi sĩ làm
thơ, mắt trăng đổi lớp bây giờ chuyên viên ..."
(Thời Hấp Hối, Hoá Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh, 1986)
.
Hoặc
ông viết hai câu liên tục như "quên" xuống hàng (Cha Đặt Tên Con Là
Thơ, tr. 11). Câu lục và câu bát xuống hàng mỗi chữ như rơi rơi (bài Tại
Sao Ta Lại Làm Thơ, tr. 10).
Nhà
thơ Huy Tưởng thì viết những bài thơ 14 chữ, tức gồm hai câu lục bát,
nhưng mang hình thức thơ tự do, như muốn nội dung hài-cú với 14 âm-tiết (
Hai-ku của truyền thống Nhật 17 âm-tiết) qua tập thơ "Hỏi Đường Cùng
Mây Trắng", xuất bản ở trong nước và xuất hiện trên tạp chí Hợp Lưu.
Trong
khi đó, nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, vào khoảng sau 1975, ngoài những thử
nghiệm thơ luật tam và tứ tuyệt, ông còn làm những bài lục bát ngắt đoạn
khổ ba câu :
"Nhụy cành em ngậm đã nhiều /
Nhả ra anh thử cắn liều thấu răng /
Lập loè hồn vía siêu thăng..." .
Lục-bát có khi trở thành" lục-cửu", hoặc các biến thể khác của 6 và 8.
Có
khi vì dùng chữ nước ngoài nên phải giữ số âm mà thiếu số chữ, hoặc giữ
số chữ mà dư số âm, nhưng thường là âm thanh hay chữ cho hợp với lục
bát đọc.
Nguyễn Nam An là một trong những người làm thơ phá luật dạng này:
"Vì em. Em đó. Là em!
Chạy theo thiên hạ có thêm vui buồn
đêm nằm một mảnh trăng thuông
Che ngực anh thổi cô đơn ra ngoài
Đóng cửa giùm một sớm mai
Giữ chân Từ Thức (như) giữ hoài vết son"
(Đêm-Từ-Thức, TiGi, 2000).
Có thể thấy : thơ lục bát như bị xâu xé giữa truyền thống và mỹ học hiện đại.
Lục
bát vốn đã được biến thể từ xưa, nay lại được cách tân dưới nhiều hình
thức, như : biến thể tự do về chấm câu và xuống hàng trong cái khuôn
tiên-thiên 6-8. Nhịp điệu đa dạng ra, câu sáu thì 1-5, 2-2-2, 2-3-1,
2-4, 3-3, câu tám thì 1-7, 2-2-2-2, 2-4-2, 3-5, 5-3, 4-4, v.v. Âm điệu
vẫn giữ hoặc không giữ, lục bát ba câu, chấm dứt ở câu sáu,...
Kết quả đáng ghi nhận là : về hình thức có đem lại cái mới cho con mắt, đem lại cách đọc đa dạng.
Nói chung dù cách tân như thế nào, nòng cốt vẫn phải là lục bát.
Thật ra, những cách tân nói trên đã có từ lâu trong lục bát truyền thống, xưa gọi là ngắt nhịp.
Nhịp
thơ là cái được nhận thức thông qua toàn bộ sự lặp lại có tính chu kỳ,
cách quãng, hoặc luân phiên theo thời gian của những chỗ ngừng, chỗ ngắt
và của những đơn vị văn bản như câu thơ, khổ thơ, thậm chí đoạn thơ.
Nhịp thơ giúp người nghe, người đọc cảm nhận được ý thơ một cách chính xác hơn.
Thơ lục bát truyền thống thường ngắt nhịp chẵn là 2/4 (2/2/2, 4/2), hoặc 4/4 (2/2/4, 2/2/2/2, 4/2/2).
Ví dụ:
Trời mưa ướt bụi/
ướt bờ
Ướt cây/
ướt lá/
ai ngờ ướt em .
(Ca dao)
Này chồng/
này mẹ/
này cha
Này là em ruột/
này là em dâu.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Nhưng
đôi khi để nhấn mạnh hay diễn tả những điều trắc trở, khúc mắc, mạnh
mẽ, đột ngột, tâm trạng khác thường, bất định… thì người ta đổi thành
nhịp lẻ 3/3, 1/5, 3/5…
Ví dụ:
Người quốc sắc/
kẻ thiên tài
Tình trong như đã/
mặt ngoài còn e
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Buồng không/
lặng ngắt như tờ
Dấu xe ngựa/
đã rêu lờ mờ xanh.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Lối ngắt nhịp này nếu được phô diễn theo lối xuống hàng thì thành "lục bát hiện đại", không khác ?
Nghe
nói ông Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh cặp lục bát có thể biến thành 256
cách phô diễn khác nhau, tùy cách chuyển vận vần, thanh và nhịp.
Xưa, cụ Phan Bội Châu đã làm thơ lục bát bằng chữ Hán, rất mượt mà.
Nay, Ian Bùi đã thử nghiệm làm thơ lục bát tiếng Anh, gây được tiếng vang ...
Thơ
lục bát (nói chung) là trên cả tuyệt vời, vì nó có khả năng chuyển tải
thi ca hơn hẳn, lại mang tính đặc trưng thơ Việt, ai cũng có thể làm
được. Vấn đề là ở người làm thơ có thành công hay không, có “nghề” hay
không, thơ có "hồn" hay không, và thơ lục bát đó có ngôn ngữ riêng, hay
chỉ mang hình thức sáu tám.
Kinh nghiệm cho thấy : làm một bài thơ Lục Bát không khó, nhưng làm một bài thơ Lục Bát hay, thì khó vô cùng ?
Có lẽ nguyên nhân chính là :
-
Thơ Lục Bát là thể thơ có nhiều vần bằng. Theo luật thơ lục bát thì
trong mười bốn chữ của một cặp thơ, chỉ có 5 chữ là tiếng trắc. Vì vậy,
nếu không khéo, bài thơ dễ trở nên nghèo nàn về giai điệu và mang vẻ "ê
a" của bài vè.
- Diện địa của một cặp
thơ lục bát quá rộng. Trong phạm vi 14 chữ, người làm thơ dễ có khuynh
hướng kể lể dài dòng , dẫn tới việc lạm dụng vai trò của câu lục mà đẩy
đưa, khiến câu thơ trở thành thừa thãi, bài thơ bị loãng do sử dụng vá
víu bốn chữ cuối của câu bát.
Ngoài
hai nguyên nhân trên, do đòi hỏi phải gieo cùng vần ở chữ cuối câu bát,
chữ cuối câu lục kế tiếp, rồi chữ thứ sáu của câu bát tiếp theo, khiến
người làm thơ đôi lúc bị lúng túng trong việc chọn chữ, nên dễ rơi vào
chỗ chọn chữ một cách gượng gạo để đáp ứng quy luật. Chỉ cần vài ba chữ
gượng gạo cũng đủ làm hỏng bài thơ lục bát rồi
Từ khảo sát trên, ta có thể khắc phục những cái khó trên bằng cách :
- Cố gắng biến câu sáu thành một câu độc lập, nhằm tránh nguy cơ câu sáu bị thừa thãi.
- Thỉnh thoảng nên dùng "tiểu đối" trong cả hai câu, đặc biệt là câu tám. (Tiểu đối là hình thức đối xứng trong một câu thơ ).
Theo hình thức này, câu thơ được chia thành hai vế bằng nhau, 3/3 cho câu lục và 4/4 cho câu bát.
Ví dụ:
Mai cốt cách/ tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ/ mười phân vẹn mười.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc/ nửa soi dặm trường.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Có lẽ ta cũng nên cố gắng cô đọng bài thơ, tránh khuynh hướng kéo dài lê thê, không chừng sẽ thành vè .
-
Có lẽ cũng không nên câu nệ quá đáng về vần, vần chính cũng hay, mà vần
thông cũng tốt, miễn là câu thơ trôi chảy tự nhiên. không bị gò bó, thơ
sẽ hay thôi .
Hiển nhiên ,Thi ca
thường đòi hỏi thử nghiệm, tìm tòi, sáng tạo cái mới cái lạ. Thông
thường , người làm thơ cảm nhận một thi hứng nào đó, rồi thể hiện thành
lời thơ, hai phương diện của một thể hiện nghệ thuật-cái Đẹp.
Và thực ra, thơ "hay", hay "không hay", cũng chẳng có khuôn mẫu nào.
Cái
khó cho người làm thơ có lẽ là : khi phải lập lại phong cách và ngôn từ
sẵn có, mà không sáng tạo gì, không thêm được cái mới, hay không thay
đổi gì, hoặc quá tập trung vào văn bản như một ám ảnh, để rồi đề tài có
khi hết chất thơ lúc nào không hay.
Từ
mới, tứ mới, tâm tình mới, sẽ đưa đến một hay nhiều hình thức mới khác,
phù hợp để ta diễn tả cái thi hứng mới của hôm nay. Như thế, thơ ấy có
thể sẽ truyền cảm đến người đọc cùng thế hệ, cùng thời đại.
Thi ca như là một khởi đầu chung thân, luân hồi, là một hiện-đại làm lại .
Cách tân là làm sống cái khả năng hiện đại đó, vì hiện đại, nghĩ cho cùng, không hề đối lập với quá khứ.
Hiện
đại là phổ quát, nhưng nếu chỉ phổ quát không thôi, e rằng sẽ giết chết
Thơ, vì thơ hôm nay cũng như thơ mỗi thời, phải có dấu ấn của thời đại
?
Nhà thơ Pháp Valéry cũng nói : "Prenons garde d'entrer dans l'avenir à reculons."
Trần Minh Hiền, Orlando ngày 24 tháng 11 năm 2015