Saturday 28 November 2015

CÂY LOQUAT - ÍCH LỢI DƯỢC THẢO




Cây Loquat - Lợi ích dược thảo /10:03

Dược Sĩ Trần Việt Hưng

                    Cây Loquat ( Sơn Trà )





Sơn trà Nhật hay Tì Bà có nguồn gốc tại vùng Ðông-Nam Trung Hoa và có thể tại vùng phía Nam Nhật Bản, tuy nhiên có lẽ đã được du nhập vào Nhật từ thời xa xưa. Cây được ghi nhận là đã được trồng tại Nhật từ hơn 1000 năm truớc. Tây phương chỉ biết đến cây này vào 1690 qua sự mô tả của nhà thực vật Kaempfer. Ông Thunberg quan sát được cây tại Nhật vào 1712, nên đã mô tả cây với nhiều chi tiết hơn. Cây được trồng tại Công viên Quốc gia Pháp tại Paris vào 1784 và được đưa từ Quảng Ðông sang trồng tại Công Viên Hoàng Gia Anh tại Kew vào 1787, sau đó cây được trồng phổ biến trong vùng Riviera, Malta và các quốc gia ven Ðịa Trung Hải như Algeria. Từ 1818, những chủng cho quả rất ngon đã được phát triển tại Anh (cây có thể trồng ngoài trời tại những khu vực tương đối ấm áp ở những vùng phía Nam Anh quốc.
Sau đó cây được phát triển tại Ấn Độ và Ðông Nam Á (?), tại những vùng có cao độ trung bình tại East Indies, Úc, Tân Tây Lan và Nam Phi.



Những di dân gốc Hoa được xem là đưa cây đến Hawaii.
Tại Tân thế giới, cây được trồng tại khu vực phía Bắc của lục địa Nam Mỹ, Trung Mỹ, và từ Mexico sang đến California, Florida (Hoa Kỳ). Riêng tại Hoa Kỳ, cây có mặt tại Nam Florida từ 1867 và cả Carolina nhưng cây hầu như không cho quả khi trồng tại các vùng từ phía Bắc Jacksonville trở lên. Từ cuối thế kỷ 19, nhà nghiên cứu về cây CP Taft đã chọn lựa được nhiều giống khá tốt nhưng việc trồng cây không mấy phát triển. Mãi đến 1960, các cây 'lùn' được tạo bằng cách ghép cành vào các gốc quince đã giúp cây được trồng rộng rãi hơn nhất là tại Do Thái. Tại các vùng phía Bắc Hoa Kỳ và Âu Châu, cây được trồng làm cây cảnh và trồng trong các nhà kiếng.
Tại Ấn Độ và một số nơi khác, cây được khai thác thương mãi. Nhật là nước có sản lượng cao nhất thế giới với 17 ngàn tấn quả/ năm.Tại Ba Tây riêng tỉnh Sao Paulo có đến 150 ngàn cây sơn trà. Ðài Loan và Trung Hoa cũng là những quốc gia xuất cảng sơn trà.



Tên khoa học và các tên khác:
Eriobotrya japonica thuộc họ thực vật Rosaceae
Tên thực vật tương đương: Mespilus japonica
Tên Anh ngữ: Japan (Japanese) plum, Japanese medlar
Ý: Nespola giappones; Pháp: Néflier du Japon, bibassier; Ðức: Japanische mispel, wollmispel; Tây Ban Nha: nispero
Tại Trung Hoa cây còn được gọi là Tỳ Bà (pipa); Nhật: biwa
Tên Eriobotrya do tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'thành cụm như bông gòn'.
Tên Anh ngữ 'loquat' từ tiếng Quảng Đông 'lu-kwyit'= lu quất.



Ðặc tính thực vật:
Cây sơn trà Nhật thuộc loại tiểu mộc cao 5-6 m, thân tròn và ngắn, phân cành nhiều, nhánh non có lông trắng mịn giống như bông gòn. Lá đơn, thuôn, hình giáo, mọc so le, tụ ở ngọn cành, dài 12.5-30 cm, rộng 7.5-10 cm. Phiến lá dày và cứng, mép lá có răng: mặt trên màu xanh lục xậm và bóng, xù xì; mặt duới có lông mềm màu xám hay vàng nhạt. Hoa màu trắng, thơm mùi hạnh nhân, xếp thành chùm ngắn, mỗi chùm có đến 30-100 hoa. Hoa có 5 cánh, lớn 1.3-2 cm. Quả màu vàng-cam, có lông to, hình dạng bầu giống quả mận hoặc hơi trón, dài 3-4 cm, xếp thành chùm từ 4 đến 30 quả, khi chín ăn được. Quả có thể chứa 1-10 hạt, trung bình chỉ từ 3 đến 5 hạt màu nâu xậm lớn chừng 1.5 cm.
Cây trổ hoa trong các tháng 9-11, ra quả trong các tháng 4-5.
Cây thụ phấn nhờ ong, tuy nhiên cũng có một số chủng có thể tự thụ phấn
Sơn trà Nhật đã là chủ đề nghiên cứu khá sâu rộng của các nhà trồng cây ăn trái nhằm cải thiện phẩm chất của quả về độ lớn và về hương vị. Hiện nay đã có đến trên 800 chủng sơn trà khác nhau (Tại Nhật có khoảng 46 chủng quan trọng, Algeria có 15 chủng, Hoa Kỳ trồng khoảng 8 chủng tại California). Các chủng thường được xếp vào 2 nhóm: Nhóm 'Nhật' và nhóm 'Tàu "
Nhóm 'Tàu" gồm các cây có lá mảnh mai, quả hình dạng trái lê, hay gần như tròn, thịt chắc màu cam xậm ít nước, vỏ dày màu cam tương đối hơi chua, nhiều hột nhỏ.
Nhóm 'Nhật', cây có lá rộng hơn, quả thuôn bầu dục, vỏ quả vàng nhạt, thịt trắng nhạt, nhiều nước, và khá chua, hột lớn nhưng ít, có khi chỉ 1 hột.



Vài chủng đáng chú ý:
Big Jim: gốc tại San Diego, California, quả từ tròn đến thuôn, bầu dục, đường kính 2.7-3 cm. Vò màu vàng cam nhạt, dày vừa phải, dễ lột. Thịt màu cam-vàng, khá ngọt. Quả chín trong các tháng 3-4. Cây có sức chịu đựng cao, mọc thẳng, cho rất nhiều quả.
Early Red: do C.P. Taft sáng tạo năm 1909. Quả to cỡ trung, dạng quả lê, mọc thành chùm. Vỏ màu cam-đỏ có đốm trắng, dai và chua. Thịt màu cam, nhiều nước, ngọt và vị khá ngon. Quả có 2-3 hột, chín sớm khoảng cuối tháng Giêng, Hai tại California.
Tanaka: đặt tên theo Tiến Sĩ Yoshio Tanaka. Quả rất to, thường bàu dục, cân nặng 60-90 gram. Vỏ màu cam-vàng, rất đẹp mắt. Thịt cứng, màu cam sáng, thơm, hơi chua đến ngọt, vị rất ngon. Quả chín chậm (tháng 5 tại California), nếu không hái kịp, để trên cây, quả sẽ héo nhưng không hư. Cây có sức chịu đựng và sản lượng cao.
Advance: Quả cỡ trung bình, dạng từ giống quả lê đến bàu dục, thuôn. Vỏ dày và dai màu vàng xậm; thịt màu trắng, trong và rất nhiều nước. Vị hơi chua, khá ngon. Cây thuộc loại 'lùn' chỉ cao 0.5 m, tự thụ phấn.
Mogi: Chủng được chọn lựa rất kỹ, rất phổ biến tại Nhật (chiếm trên 60% tổng số cây sơn trà trồng tại Nhật). Quả nhỏ, thuôn bàu dục, cân chừng 40-50 gram. Vỏ màu vàng nhạt, thịt tương đối ngọt. Quả chín sớm (đầu mùa Xuân). Cây rất mẫn cảm với khí hậu lạnh.
Victory (Chatsworth Victory: Quả lớn , bàu dục. Vỏ màu từ vàng đến cam, bên phía chịu ánh sáng mặt trời chuyển sang màu hổ phách. Thịt màu trắng hay màu kem, mọng nước, khá ngọt. Trồng rất phổ biến tại vùng Tây Úc.




Giá trị dinh dưỡng:
100 gram quả (phần ăn được) chứa:
- Calories 43
- Chất đạm 0.43 g
- Chất béo 0.20 g
- Chất xơ 0.50 g
- Calcium 18 mg
- Phosphorus 27 mg
- Sắt 0.28 mg
- Magnesium 13 mg
- Potassium 266 mg
- Sodium 1 mg
- Kẽm 0.050 mg
- Ðồng 0.040 mg
- Manganese 0.148 mg
- Beta-carotene 1528 IU
- Thiamine 0.019 mg
- Riboflavine 0.024 mg
- Niacin 0.180 mg
- Vitamin C 1 mg
Về phương diện dùng làm thực phẩm: Vỏ quả sơn trà rất dễ lột, quả sau khi bỏ vỏ và hột có thể ăn tươi, có khi ăn chung với chuối, cam bóc múi và cơm dừa bào. Sơn trà có thể thắng (sên) nước đường, có thể dùng làm nhân bánh, làm nước sốt. Tại Taiwan, sơn trà được ngâm trong nước đường và đóng hộp. Quả được làm mứt, làm jelly (tại California).



Thành phần hóa học:
Ngoài thành phần dinh dưỡng của quả kể trên, một số bộ phận của cây còn chứa nhiều hoat chất khác nhau.
Quả: trong quả có các chất đường hữu cơ như levulose, sucrose..; các acid hữu cơ malic, citric, tartaric và succinic; phytosterols (beta-sitosterol, campesterol)
Bã quả, sau khi ép nước, còn chứa Beta-carotene (33%), gamma-carotene (6%); cryptoxanthin (22%), lutein, violaxanthin, neoxanthin
Hột chứa Amygdalin (có thể chuyển thành Cyanhydric acid=HCN). Chất béo gồm Sterol, beta-sitosterol triglyceride, sterol-ester, diglycerides..các acid béo như linoleic, palmitic, linoleic và oleic.
Lá chứa một số hợp chất loại triterpenes, tannins, Vitamin B và C, các flavonơid glycosides; Amygdalin.
Hoa chứa nhiều tinh dầu thơm; Oleanolic acid, Ursolic acid; Saponins loại triterpenoid.



Các nghiên cứu khoa học về sơn trà:
Ða số các nghiên cứu về các hoạt tính sinh học của sơn trà được thực hiện tại Nhật và Trung Hoa.
Hoạt tính chống ung thư của sơn trà:
Nghiên cứu tại Phân khoa Dược Ðại Học Okayama, Tsushima (Nhật) ghi nhận các flavonoids và flavonoid glucosides (loại glycopyranoside) ly trích từ lá sơn trà, gọi chung là các polyphenols có khả năng diệt bào chống lại một số giòng tế bào ung thư miệng nơi nguời (như tế bào ung thư màng miệng loại sarcoma, ung thu hạch nước bọt).
Ngoài ra các polyphenol này cũng ức chế được sự khởi hoạt của các sinh kháng thể của siêu vi trùng Epstein-Barr nơi tế bào Raji. Hoạt tính này được xem là do các polyphenols Roseoside và Procyanidin B-2 (Journal of Agricultural and Food Chemistry Số 50-2002).
Tác dụng làm hạ đường trong máu:
Nghiên cứu tại Viện Khoa Học Trung Hoa (Nam Kinh) ghi nhận dịch chiết từ lá khô sơn trà bằng alcohol 70% (EJA-0) , thử nghiệm trên chuột bình thường và chuột bị gây tiểu đường bằng alloxan, với các liều 15, 30 và 60 gram (trọng lượng thô)/ kg có hoạt tính giúp hạ mức đường rõ rệt nơi chuột bị tiểu đường gây ra bởi alloxan: liều 30 gram/kg EJA-0 hiệu nghiệm hơn liều phenformin 100 mg/kg. Ngoài ra dịch chiết sesquiterpenes tổng cộng từ lá cũng có hoạt tính hạ đường rõ rệt, và không gây độc tính dù dùng liều cao (LD50= 400.1g/kg) (American Journal of Chinese Medicine Số 35-2007).
Một nghiên cứu khác ghi nhận hợp chất Nerolidol-3-O-alpha + rhamnopyrosyl (1->4)-alpha-l-rhamno pyranosyl (1->2)-[alpha-l-rhamno pyranosyl(1->6)]-beta-dglucopyranoside, ly trích từ lá sơn trà khô có hoạt tính làm hạ đường trong máu nơi chuột thử nghiệm. Hoạt tính này có thể so sánh với tác động cùa các thuốc thuộc nhóm glicazide (Phytomedicine Số tháng 7 năm 2007).
Nghiên cứu tại Ðại Học Napoli (Ý) ghi nhận các hợp chất loại glycoside 1-3 và các triterpenoids poly hydroxylated 5-6, lấy được từ dịch chiết lá sơn trà bằng Methanol, có những tác dụng gây giảm lượng đường trong nước tiểu và trong máu của chuột bị gây tiểu đường bằng cách biến đổi di thể và cả trong chuột bình thường.(Planta Medica Số 57-1991).



Hoạt tính trị sưng phổi kinh niên (Chronic bronchitis):
Các hợp chất acid loại triterpene trong lá sơn trà được ghi nhận là có tác động trên các cytokine (gây phản ứng sưng-viêm) và điều hợp hoạt động của các đại thực bào nơi phế nang (alveolar macrophage) của chuột bị gây sưng phổi kinh niên. Các thử nghiệm tại Truờng Dược Ðại Học Anhui (Trung Hoa) đã chứng minh được là là các hợp chất trên ức chế được sự khởi động các NF-kB nơi đại thực bào phế nang dẫn đến điều hạ các hoạt động của THF-alpha, IL-1, PGE(2) và LTB(4) là những hợp chất có những vai trò quan trọng trong tiến trình sưng-viêm nơi chuột bị sưng phổi kinh niên (Inflammation Research Số 56-2007).




Tác dụng chống đông máu:
Nghiên cứu tại Ðại Học Quốc Gia Hán Thành (Korea) ghi nhận một số hợp chất glycoside loại sesquiterpene, ly trích từ lá sơn trà, có hoạt tính ức chế Yếu Tố mô (Tissue factor= TF, tissue thromboplastin là một glycoprotein dính nơi màng tế bào, có hoạt tính gây gia tăng sự đông máu) Liều hữu dụng gây ức chế 50% hoạt động của TF là 20 micoM/TF units. (Archives of Pharmacy Research Số 27-2004).
Hoạt tính bảo vệ và cải thiện hoạt động của gan:
Hạt sơn trà chứa các acid béo chưa bão hòa linolenic và linoleic cùng betasitosterol, có thể ly trích bằng dung dịch alcohol 70% và methabol. Các dịch chiết này khi thử trên chuột bị gây sưng gan bằng dimethylnitrosamine cho thấy có những hoạt tính như giúp giảm các chỉ số AST, ALT và hydroxyproline (Các chỉ số này tăng cao nơi những bệnh nhân bị sưng gan), đồng thời các triệu chứng xơ gan cũng giảm hạ và cải thiện (Biology and Pharmacy Bulletin Số 25-2002).




Sơn trà trong Ðông Y:
Dược học cổ truyền Trung Hoa dùng lá cây sơn trà làm thuốc dưới tên Tỳ Bà diệp (Pí pà yè ). Dược liệu là lá của cây sơn trà trồng tại các vùng Trung, Ðông và Nam Trung Hoa, nhất là Quảng Đông, Giang Tây. Lá có thể thu hoạch quanh năm. Nhật được Kampo gọi là biwayò.
Vị thuốc được xem là có vị đắng, tính hàn tác động vào các kinh mạch thuộc Phế và Vị , có các khả năng trị liệu:
Chuyển biến= Hóa Ðàm, Thanh Nhiệt Phế, Giáng Phế khí , dùng trong các chứng Phế 'nhiệt' gây ho với các triệu chứng ho khan, hay ho với đàm đọng nơi cổ họng, kèm theo tức ngực. Trong các trường hợp này: Lá tỳ bà được dùng chung với Hạnh nhân (Xing-ren).
Ðiều hòa Vị, Thanh Ví nhiệt' và giáng Vị Khí dùng các chứng buồn nôn, ói mửa, nấc cụt, ợ hơi gây ra do Vị 'nhiệt'. Dùng chung với Hoàng Cầm (huang-qin) và Hương phụ (cỏ cú) khi bị ói mửa và ợ hơi. Dùng chung với Bạch mao can nếu ói mửa ra máu.
Liều thường dùng trong Ðông Dược là 4.5 đến 12 gram lá khô hay 15-30 gram lá tươi. Lá tỳ bà thường được tẩm mật ong rồi sao (để tăng thêm tác dụng 'nhưận Phế) hay tẩm nước gừng tươi để tăng tác dụng trị nôn, ói mửa. Lá tỳ bà cần làm sạch hết các lông măng để tránh gây khó chịu nơi cổ họng.
Không nên dùng lá tỳ bà trong truởng hợp ói mửa do Vị 'hàn', và trong các trường hợp ho do hàn khí nhập Phế.



Tại Ấn Độ: Cây được gọi là lagat, lokat. Quả được dùng giải khát và chống nôn mửa; nước sắc lá dùng trị tiêu chảy. Hoa dùng làm thuốc trị ho, long đờm

Vài phương thức sử dụng trong dân gian:
Tại Trung Hoa: Quả sơn trà hay quả tỳ bà được dùng trong dân gian, theo kinh nghiệm để:
- Trị các truờng hợp sưng cổ họng kinh niên và cấp tính: Dùng 90 gram quả tươi, bỏ vỏ và hột, thêm 15 gram đường, chưng cách thủy trong 30 phút. Ăn quả và uống nước ngày 2 lần: sáng và chiều tối.
- Trị khát nước nhiều, khô cổ họng; nước tiểu ít và đỏ: Dùng 250 gram quả thật chín, bỏ vỏ và hột rồi ăn sống ngày 2 lần.
- Trị ho: Dùng 9-15 gram hạt, nghiền nát. Thêm 3 lát gừng tươi. Nãu lửa nhỏ trong 5-10 phút. Uống ngày 2 lần.
- Trị táo bón nơi người cao niên: Dùng 9-15 gram hạt, nghiền nát, đun lửa nhỏ; lược lấy nước thêm 30 gram mật ong, và uống ngày 1 lần.



Tài liệu sử dụng:
Fruits of Warm Climates (Julia Morton)
Loquat Fruits Facts (California Rare Fruit Growers)
Chinese Herbal Midicine Materia Medica (Bensky/Gamble)
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện Dược Liệu)
Medicinal Plants of China (J. Duke & Ed. Ayensu)
Medicinal Plants of India (SK Jain & Robert DeFilipps)





Kim Chi Sưu Tầm