Tuesday 3 November 2015

GÌ CŨNG CƯỜI - NGUYỄN VĂN VĨNH


Nguyễn Văn Vĩnh ( 1882 - 1936 )


Gì cũng Cười ( 1913) Đông Dương Tạp Chí

(NGUYỄN VĂN VĨNH )

An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.
Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền . Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.
Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.
Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.
Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế...
Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.
Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa.
Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng viết bài nghị luận “Xét tật mình” đăng trong Đông Dương tạp chí trong đó có phần nói về cái tật “Gì cũng cười”: “An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười.

Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi… Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác… thực không có gì tức bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng hì hì mà đáp…”.Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền.

Hóa ra người Việt mình từ xa xưa đã có tật gặp gì cũng cười, dù phải dù trái, hoặc bất cứ ở đâu cũng cứ dùng cái cười đi trước… Có người bảo như thế có tác dụng làm giảm đi những nỗi lo toan, suy tính trong mọi sinh hoạt đời thường, mà cốt chỉ để chan hòa tình nghĩa xóm làng và thế thái nhân tình.
Thật ra lý luận đó chỉ đúng một phần, vì chính cái nụ cười không đúng nơi, không đúng chỗ chẳng phải đã làm cho dân ta chậm tiến và bộc lộ rõ cái tính xuề xòa đó thôi sao.
Hơn nữa gặp gì cũng cười còn biểu lộ bản chất “bình dân hóa” trong mọi hoàn cảnh, làm mất thời giờ, tốn công sức, làm mất phương hướng… nhất là ở chốn hội họp, nơi tôn nghiêm, nơi làng xã… Bạ đâu cười đó thể hiện sự thiếu suy nghĩ, hời hợt.
Người ta thuật lại buổi lễ hết sức trang nghiêm tại ngôi nhà thờ nọ, chẳng may vị linh mục bị vấp vào chân ghế khiến phải chao đảo, giáo dân cười ầm lên.
Hoặc tại buổi lễ cầu siêu ở ngôi chùa nọ có đông phật tử đến dự, chẳng may vị sư bị cây nhang chao nghiêng vào áo cà sa, khiến vị này dùng tay phủi phủi… thế là rộ lên tiếng cười phá vỡ bầu không khí trang nghiêm.
Hay trong các cuộc hội thảo, hội nghị… chỉ cần cử tọa có vài sơ suất hay vụng về nào đó là tất cả vỡ lên tiếng cười. Cử tọa cứ trình bày thao thao bất tuyệt còn phía dưới vừa cười, vừa to nhỏ rỉ tai nhau chuyện vặt vãnh, nhai kẹo, hút thuốc…
Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, người nước ngoài thường nhắc đến Việt Nam đất nước của nụ cười, của sự thân thiện. Nhưng ta nên tách biệt nụ cười “đúng lúc, đúng chỗ, đúng sự việc” nếu không sẽ là nụ cười vô duyên, làm mất cảm tình và gây thất bại trong mọi cuộc giao tiếp.
Người Tây phương hoặc ngay như Nhật Bản, Hàn Quốc rất ít có nụ cười không đúng mục đích nên dân mình thường cho là họ lầm lì, ít thông cảm với người khác…


 TIỂU SỬ NGUYỄN VĂN VĨNH

Nguyễn Văn Vĩnh nổi bật với quan điểm duy tân cấp tiến. Thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, và được sang Pháp công tác, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương, ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm. Những yếu tố này ở nước ta lúc bấy giờ chưa có...

1. Tiểu sử:

- Nguyễn Văn Vĩnh có biệt hiệu là Tân Nam Tử, sinh ngày 15/6/1882 tại làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân rất nghèo, không phải từ một gia đình "danh gia vọng tộc", "khoa bảng".
- Ông bước vào đời từ một cậu bé 8 tuổi, nghèo khó, kéo quạt ở trường hậu bổ đình Yên Phụ. Năm 12 tuổi, nhờ học mót mà ông thi đỗ khóa học chính thức và được hiệu trưởng cho phép học lại khóa học thông ngôn do quá nhỏ tuổi.
- Năm 1898, ở tuổi 16, ông tốt nghiệp trường thông ngôn Hà Nội (Collège des Interprêtes) và được bổ nhiệm làm thư ký tòa sứ Lào Kay. Sau đó, ông được thuyên chuyển qua Hải Phòng, Bắc Ninh, và Hà Nội. Sau 2 năm học thông ngôn, ông đọc tất cả những gì rơi vào tay mình với một tinh thần say mê văn hóa, văn học - Năm 1906, ông được cử sang Pháp tham dự hội chợ đấu xảo (Foir d'exposition), tại Marseille. Sau khi trở về nước, ông từ chức thư ký tòa sứ, để làm nghề văn, làm báo, và hoạt động chính trị.
- Khởi đầu, vào ngày 20/3/1907, làm chủ bút tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo.
- Năm 1908-1909: ông chủ trương tờ Notre Journal.
- Năm 1910, ông ra tờ Notre Revue được 12 số báo. Cùng năm đó ông làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn.
- Năm 1913, ông trở về Hà Nội, làm chủ bút tờ Đông Dương Tạp Chí.
- Đến năm 1915, kiêm chủ bút tờ Trung Bắc Tân Văn. Cả ba tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí, và Trung Bắc Tân Văn đều do ông Schneider, người Pháp sáng lập.
- Năm 1919, Đông Dương Tạp Chí đổi làm học báo, ông kiêm chức chủ nhiệm. Đồng thời, ông mua lại tờ Trung Bắc Tân Văn ra mắt hàng ngày.
- Năm 1920, ông là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát lớn để trình diễn các vở hài kịch của Molière như: Trưởng giả học làm sang, Người biển lận...
- Năm 1924, cùng với những người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên trong điện ảnh Việt Nam (phim câm) được quay tại cảnh quan Chùa Láng - Hà Nội.
- Năm 1927, ông cùng người Pháp Vayrac thành lập tủ sách Âu Tây Tư Tưởng (La pensée de l'Occident) để xuất bản các sách do ông dịch thuật.
- Năm 1931-1934: ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Annam Nouveau. Ngoài ra, ông còn là hội viên hăng say hoạt động cho hai học hội Trí Tri, và Khai Trí Tiến Đức.
Về hoạt động chính trị, từ 1908, ông là hội viên Hội Đồng Thành Phố Hà Nội.
- Từ 1913, trong nhiều khóa liên tiếp, ông được tín nhiệm làm hội viên Hội Đồng Tư Vấn Bắc Kỳ (tức Viện Dân Biểu thời đó) và có chân trong Đại Hội Nghị Kinh Tài Đông Dương, một cơ quan tư vấn tối cao của chính phủ Đông Pháp. Ngoài ra, ông còn là hội viên của hai Hội Nhân Quyền Quốc Tế tại Việt Nam (Ligne des droits de l'homme) và Hội Tam Điểm Quốc Tế (Franc Maconnerie).
- Vào năm 1934-1935, lúc kinh tế suy thoái, và tài chính ấn quán bị thua lỗ, ông chuyển hướng, và hợp tác với một người bạnPháp Clémenti sang Lào để tuyển công nhân khai thác mỏ tìm vàng;. Phóng sự "Một tháng với những kẻ tìm vàng" là tác phẩm cuối đời của ông. Vì hành trình gian khó vất vả nơi đất khách quê người, ông lâm bệnh kiết kỵ và mất vào ngày 02/5/1936, gần Tchépone, Lào trên đường đưa ông về quê nhà. Một tuần sau, đám tang của ông được tổ chức tại Hà Nội với những người đưa tiễn "dài hàng cây số".


2. Sự nghiệp:

Ông có thiện chí muốn xây dựng một nền quốc văn vững chắc cho dân Việt. Cho nên, ông đã nỗ lực đặt hết tâm trí vào công việc biên khảo, trước tác, ký sự, và dịch thuật.
Về Trước Tác, Biên Khảo và Ký Sự:
Ông đã viết những bài luận thuyết và ký sự đăng trên báo chí, có tính chất giáo dục và chính trị, với ước vọng cải thiện lối sống và tập quán hủ lậu của dân Việt, để xây dựng một xã hội công bằng cho dân chúng. Các bài luận thuyết của ông trên báo Đông Dương Tạp Chí như sau:
Xét Tật Mình (Số 6 ĐDTC)
Phận Làm Dân (Số 48, ĐDTC)
Chỉnh Đốn Lại Cách Cai Trị Dân Xã (Số 61, ĐDTC)
Nhời Đàn Bà (Số 5, ĐDTC).
Hương Sơn Hành Trình (Số 41 45, ĐDTC).
Về Dịch Thuật:
* Những tác phẩm chữ Việt được dịch ra Pháp văn như:
Kim Vân Kiều Tân Diễn (Số 18, ĐDTC).
Xích Bích và Hậu Xích Bích (bộ mới số 66 68, ĐDTC).
* Những tác phẩm chữ Pháp được dịch ra Việt Văn như:
  • Văn Luận Thuyết: Luận Lý Học (từ số 15, ĐDTC), Triết Học Yếu Lược (từ số 28, ĐDTC).
  • Văn Ngụ Ngôn: Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine (1915).
  • Văn Truyện Ký:
Truyện Trẻ Con (Contes de Perrault),
Chuyện Các Bậc Danh Nhân Hy Lạp của Plutarque (Les vies parallèles des hommes illustres de la Grèce et de Rome),
Sử Ký Thanh Hoa của Vayrac (Le parfum des humanités).
  • Tiểu Thuyết:
Truyện Gil Blas de Santillane của Lesage
Tục Ca Lệ của Lesage
Truyện Mai Nương Lệ Cốt của Abbé Prévost (Manon Lescaut),
Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ của Alexandre Dumas (Les Troix Mousquetaires)
Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo (Les miscrables)
Truyện Miếng Da Lừa của Honoré de Balzac (La peau de chagrin)
Đàn Cừu Của Chàng Panurge của Emile Vayrac
Rabelais của Emile Vayrac (Notice sur Rabelais)
Tê-Lê-Mác Phiêu Lưu Ký của Fénélon (Les aventures de Télémaque),
Qui-li-ve Du Ký của J. Swift (Les voyages de Gulliver).
  • Hài Kịch: Tác giả Molière:
Trưởng Giả Học Làm Sang (Le Bourgeois Gentilhomme)
Người Biển Lận (L'avare)
Giả Đạo Đức (Tartuffe)
Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire).
3. Đánh giá về học giả Nguyễn Văn Vĩnh:

Nếu đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc cụ là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ quốc ngữ và là nhà dịch thuật xuất sắc thì chưa đầy đủ và thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn cũng là đóng góp lớn nhất ở cụ chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của Việt Nam mang tính khai sáng.

Cụ cũng là người biết dùng văn học và văn hóa để thấm sâu vào lòng người, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại. Với người chủ soái của nền văn hóa sử dụng chữ quốc ngữ này, tiếc rằng, đã có những giai đoạn lịch sử bị nhìn nhận sai lệch... Với người làm sử chúng tôi, có những điều không phải lúc nào cũng được nói ra, nhưng đã nói ra thì không được nói sai sự thật.


GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN
Ông là người học rộng, biết nhiều, lại có lịch duyệt, thiệp liệp tư tưởng học thuật của Âu tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng phong tục của dân ta, muốn đem những quan niệm phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng, nhưng cũng chịu khó tìm tòi và biểu lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của các chế độ, tục lệ xưa của các mối mê tín, dị đoan cũ; vì thế, có người hiểu lầm mà trách ông muốn đem những điều tin nhảm, những cái hủ tục mà tán dương và khôi phục lại (như trong việc in cuốn Niên lịch thông thư trong có biên chép ngày tốt ngày xấu và kê cứu các thuật bói toán, lý số).
Văn ông bình thường giản dị, có tính cách phổ thông, tuy có châm chước theo cú pháp của văn tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta. Ông lại chịu khó moi móc ra trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những từ ngữ có màu mè để diễn đạt các ý tưởng (cả những ý tưởng mới của Âu tây) thành ra đọc văn dịch của ông tưởng chừng như đọc văn nguyên tác bằng tiếng Nam vậy. Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp vậy.
Theo Giáo sư Dương Quảng Hàm, “Việt Nam Văn Học Sử Yếu”
Ông là người có công lớn và đầu tiên trong việc xây dựng nền văn chương Việt nam bằng chữ quốc ngữ. Với thái độ sống và thế đứng trong xã hội, ông thu hút được người đồng thế hệ cùng đem văn tài ra cộng tác với ông trong việc xây dựng nầy. Từ người nhỏ tuổi nhất như Phạm Quỳnh 21 tuổi, Tản Đà 25, đến người nhiều tuổi như Phan Kế Bính 38, Nguyễn Hữu Tiến 39, và người ngang tuổi như Trần Trọng Kim 31, tất cả đều thấy cái thú chơi chữ và thí nghiệm về văn chương, để dần dần vững tâm dám nghĩ đến những công trình biên khảo hay sáng tác lớn.
Trong khi ông sửa soạn người cho bước tiến tương lai như Phạm Quỳnh, Tản Đà, thì bằng các thể văn, các bài viết, ông cũng tạo ra những mẫu mực văn chương cho đời sau học theo, cùng nương theo đấy mà tiến hơn nữa”.

Lê Văn Siêu, “Văn Học Sử Thời Kháng Pháp 1858 -1945”


Kim Chi Sưu Tầm