Saturday, 1 October 2016

10 BỘ PHIM BỘ KHOA HỌC GIẢ TƯỞNG HAY NHẤT




Terminator Bloopers: 2  / 7:24


10 BỘ PHIM BỘ KHOA HỌC GIẢ TƯỞNG HAY NHẤT 


10. The Terminator, 1984

Chủ đề: 
Phiêu lưu, tương lai giả tưởng, du hành thời gian. “Nó tuyệt đối không bao giờ dừng lại cho đến khi ngươi chết”. Như một cú lao mãi tới trước trong đêm dài bất tận, bộ phim điện ảnh hoàn chỉnh đầu tay của đạo diễn James Cameron có thể là một bộ phim khoa học giả tưởng ly kỳ và hồi hộp hoàn hảo nhất.




Trí tuệ, hiệu ứng hình ảnh tech-noir (phong cách kết hợp giữa film-noir và giả tưởng được đặt tên theo tên một hộp đêm trong phim này: TechNoir nightclub), những pha hành động nghẹt thở… nhưng nổi bật nhất là diễn xuất tài tình của Linda Hamilton và Michael Biehn trong vai cứu tinh nhân loại trong cuộc chạy trốn nhân vật người máy hủy diệt của Arnold, kẻ đến từ tương lai nhằm tiêu diệt niềm hy vọng còn trong trứng nước của loài người.

Màn kinh điển đắt giá: Pha rượt đuổi/đấu súng trong hộp đêm TechNoir cứ như không bao giờ kết thúc!


9. The Matrix, 1999

Chủ đề: Phiêu lưu, tương lai giả tưởng. Bộ phim bom tấn của anh em nhà Wachowskis nâng dòng phim khoa học giả tưởng lên một tầm cao mới vào những năm cuối thập kỷ 90. Tiền đề bộ phim? - Thế giới ảo giác. Phần còn lại? - Những màn quay chậm (bullet time) ngoạn mục, các pha hành động ghê người và cả Phật giáo. Với sự liều lĩnh đầy tham vọng, anh em nhà Wachowskis đã khoác lên những nguồn tài nguyên cũ kỹ này một tấm áo hoàn toàn mới.




Màn kinh điển đắt giá: “Súng ống. Thật nhiều súng ống.” Khóa cò và lên đạn, Keanu phá tan nát những dãy phố…

8. Inception, 2010

Chủ đề: 
Không gian tiềm thức. “Tiềm năng của tâm trí con người là vô tận, thế nên quy mô của bộ phim cũng phải mang lại cảm giác như vậy”, tác giả/đạo diễn Chris Nolan đã nói về tác phẩm để đời của mình như thế. Với ngân sách đầu tư 160 triệu USD, một dàn diễn viên quốc tế tên tuổi, tài năng và quá trình quay phim xuyên suốt khắp cả bốn lục địa, ông đã thành công vượt xa tưởng tượng của mọi người.


Trong phim Leonardo DiCaprio và đội ngũ cộng sự là “những kẻ khai thác” (extractors), điều khiển hoạt động gián điệp ngay trong chính giấc mơ của các nạn nhân của mình - một ý tưởng kỳ vĩ dàn trải đều trên những cuộc chiến đấu khốc liệt trong tiềm thức đa tầng, mà ít nhiều gợi tưởng tới những bom tấn đàn anh (màn đấu tay đôi phi trong lực trong “Matrix” hay trận đấu súng trong rừng tuyết của James Bond). Nolan đã vẽ nên một địa đồ phức tạp nhất mà điện ảnh từng được khám phá: tiềm thức của con người.

Màn kinh điển đắt giá: Thành phố Paris tự gập đôi lại trong giấc mơ đầy ấn tượng.



7. Aliens, 1986
Chủ đề: Sinh vật ngoài hành tinh, tương lai, vũ trụ. Còn gì có thể ghê sợ hơn một con quái vật ngoài hành tinh? Dĩ nhiên là thêm cả triệu con như vậy… James Cameron đã đẩy nguyên bản gốc - bộ phim kinh dị khoa học giả tưởng Alien - vượt mức tối đa trong phần tiếp theo này, với nội dung ẩn dụ được che lấp khá kỹ càng về lực lượng quân đội Hoa Kỳ phải khuất phục trước một thế lực mạnh mẽ hơn (“Chiến tranh Việt Nam trong không gian”).


Vai diễn Ellen Ripley của Sigourney Weaver đã trở thành một trong những biểu tượng nữ anh hùng tiêu biểu nhất của điện ảnh.

Màn kinh điển đắt giá: Cuộc đấu tay đôi cuối cùng giữa Ellen Ripley và quái vật vũ trụ chúa. Kinh điển!



6. The Extra Terrestrial, 1982

Chủ đề: Sinh vật hành tinh lạ, không gian, thế giới nội tâm. Bàn tay phù thủy của Steven Spielberg chưa bao giờ huyền diệu hơn như trong bộ phim tâm lý gia đình đậm chất ly kỳ này. Phim kể về một cậu bé lẻ loi tình cờ kết bạn với một sinh vật đến từ hành tinh khác. Được Spielberg (và hãng Universal - lúc đó đầy lo lắng) xem như “một dự án mang tính cá nhân”, “E.T” đã mang về $793 triệu USD lợi nhuận từ phòng vé. Bằng cách nào mà một sinh vật hao hao một con rùa dị dạng lại khiến bao nhiêu trái tim rung động đến như vậy?



Màn kinh điển đắt giá: Chiếc xe đạp cất cánh và biểu tượng của hãng Amblin ra đời.


5. Star Wars, 1977

Chủ đề: Sinh vật hành tinh, quái thú, du hành vũ trụ. Kịch bản trên mặt giấy đọc như như một câu chuyện cổ tích - chàng anh hùng bay vào không gian cứu công chúa - đã trở thành hiện tượng điện ảnh phi thường toàn cầu. Nhờ công lao của kỹ xảo vi tính bậc nhất bấy giờ, một dàn diễn viên tuy vô danh nhưng tài năng và thế giới thiên hà xa xôi đầy tính thuyết phục mà George Lucas đã tạo nên. Hơn ba thập kỷ trôi qua, “Star Wars” vẫn giữ vững ngôi vị này với câu chuyện phim kỳ thú, khôi hài và cảm động nhưng không hề khiên cưỡng.




Màn kinh điển đắt giá: Bạn không thể chán xem cảnh Death Star nổ tung hết lần này đến lần khác.


4. Alien, 1979

Chủ đề: Quái vật vũ trụ, phiêu lưu, tương lai. 




Một cú ném ngoạn mục và hiệu quả của Ridley Scott vào không gian: con quái vật chui ra từ thân thể của các phi hành đoàn. Tuy nhiên, cái tạo nên năng lượng chính cho cú ném này chính là thiết kế ghê rợn của những con quái vật ngoài hành tinh ấy, thừa hưởng công thức của “Star Wars” và thêm vào yếu tố cộng hưởng của tâm lý - gợi dục. “Thế giới của Alien là một lời tuyên bố”, Scott nói, "Hãy làm cho khoa học giả tưởng thành hiện thực và… đáng sợ".
Màn kinh điển đắt giá: Thật khó lòng rời mắt khỏi con vật dính chặt vào mặt ấy…


3. A Space Odyssey, 1968

Chủ đề: Tương lai, du hành thời gian, vũ trụ, trái đất. Con người đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng vào năm 1969, thế nhưng Stanley Kubrick đã không thể chờ lâu đến thế. “2001: A Space Odyssey” đánh dấu một bước tiến vĩ đại cho điện ảnh thế giới một năm trước khi Neil Armstrong bước một bước nhỏ nhoi của nhân loại. “Tôi đã ngỡ ngàng trước kỹ xảo của bộ phim”, James Cameron nhớ lại, “Vì tôi không thể nghĩ ra chúng được làm thế nào”. Một cảnh sử dụng phông nền xanh (bluescreen) trong phim đã được phát triển thành kỹ thuật dùng cho “Avatar” sau này.




Màn kinh điển đắt giá: Cuộc du hành kỳ ảo kính vạn hoa của Keir Dullea sang một chiều không gian khác.


2. Star Wars: Episode V - The Empire Strikes Back, 1980

Chủ đề: Sinh vật hành tinh lạ, quái thú, du hành vũ trụ. Nhà phê bình điện ảnh quá cố Pauline Kael nói về “Star Wars”: “một tác phẩm vĩ đại không cần giấc mơ”. Tuy bà không đánh giá cao phần 3: “Return Of The Jedi”, nhưng bà rất thích “Empire” (phần 2 của loạt phim “Star Wars”). “Những cảnh phim cứ đeo bám trong tâm trí”, bà nói. Quả nhiên vậy, không chỉ những đại cảnh trong phim mà ngay cả những tiểu tiết miêu tả cảm xúc nội tâm của các nhân vật.




Màn kinh điển đắt giá: Khi nhân vật phản diện nói với nhân vật chính diện rằng, ông ta chính là cha ruột của anh.


1. Blade Runner, 1982

Chủ đề: Tương lai, phiêu lưu. Không khí phim trường khó chịu, những buổi chiếu thử thảm hại và doanh thu èo uột $14 triệu USD tại phòng vé (thật là cám ơn “E.T”.). Nhưng thời gian đã minh chứng cho tất cả. Khó mà nghĩ ra một phim khoa học giả tưởng nào kể từ “Metropolis” lại có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến vậy: Ý tưởng phim đen - tương lai giả tưởng của “Blade Runner” vẫn tiếp tục hiện hữu trong cuộc sống và phim ảnh ngày nay: điện thoại truyền hình, scan võng mạc, sinh sản vô tính cho người…




 
Sau khi được tái bản mất đi phần “voiceover” hay kết thúc có hậu, “Blade Runner” cuối cùng hoàn toàn hội đủ tư cách trở thành một bộ phim “cult” khoa học giả tưởng kinh điển, với vai cảnh sát về hưu của Harrison Ford trở lại để truy lùng và tiêu diệt băng chống đối đào tẩu trong bối cảnh thành phố Los Angeles năm 2019. Phỏng theo tiểu thuyết của Philip K. Dick, nhà biên kịch David Peoples đã thâu tóm cái cảm giác bồn chồn tội lỗi nặng tính thời sự lúc bấy giờ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.
Màn kinh điển đắt giá: Cái chết quay chậm của Zhora, rơi xuyên qua các tầng kính. Bi thảm và tuyệt đẹp.