Thursday, 20 October 2016

NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC





NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC


 Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật đặc biệt sinh ra từ cuộc sống của những người nông dân Việt Nam, và địa điểm xem nổi tiếng nhất là Nhà hát múa rối nước Thăng Long ở Hà Nội.

Múa rối nước được ca ngợi trên báo nước ngoài
Hàng thế kỷ qua, nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam được giải trí bằng một loại hình rối đặc biệt - múa rối trên nước. Những người điều khiển rối phải đứng ở địa hình nước ngập tới ngang ngực, sau một bức màn làm phông nền sân khấu và chỉnh từng động tác của các con rối gỗ bằng que, dây đặt dưới mặt nước. Trong khi đó rối sẽ nhảy múa lên trên mặt nước để khán giả nhìn thấy. 
Một dàn nhạc truyền thống Việt Nam cũng có mặt trong buổi biểu diễn tạo nhạc nền để các ca sĩ hát lên câu chuyện do chính các con rối kể. Nước không chỉ che giấu các dây nối với rối, các chuyển động của người điều khiển mà có còn tạo nên những hiệu ứng cho màn biểu diễn thêm sinh động như sóng, té nước, và ánh sáng lung linh, mờ ảo hơn. 
Múa rối nước được sinh ra từ các làng xã nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 11. Nguồn gốc của nó chính là những cánh đồng lúa nước sau mùa gặt, dân làng tổ chức ăn mừng mùa vụ bội thu. Sau đó, những ao làng trở thành sân khấu cho các buổi biểu diễn, dần dần múa rối nước được biết tới nhiều hơn, phát triển thành một nghệ thuật. 

Chủ đề của các buổi diễn cũng xuất phát từ cuộc sống thường ngày của người nông dân Việt Nam, những câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết. Chuyện đồng áng, chài lưới hay các lễ hội cũng là đề tài thường thấy trong múa rối nước. Các buổi diễn hiện đại gồm nhiều đoạn ngắn hơn là một câu chuyện dài, đưa khán giả đi theo một hành trình khám phá, từ cuộc sống làng Việt xưa, các mùa gặt hái cho đến điệu múa của những con vật thần bí chỉ có trong truyền thuyết.
Những con rối được làm từ gỗ và quét sơn để chống ngấm nước, tăng độ bền. Mỗi con rối đều đứng được bằng 2 chân và có cân nặng khoảng 9 - 14 kg. Chuyển động của chúng trên sân khấu được đồng bộ với vận động của các bộ phận điều khiển, yêu cầu sự phối hợp chính xác, khéo léo và dẻo dai của 2 đến 3 người cùng lúc.
Rối thường được cố định bằng một bệ nổi làm bằng thanh tre dài. Tấm bệ này bao gồm một đuôi lái và các chốt làm nhiệm vụ như bản lề kết nối bộ dây điều khiển và phần thân rối. 
Chi tiết các dây nối luôn được giữ bí mật khi chế tạo rối hàng thế kỷ qua. Kể cả ngày nay, các làng có phường múa rối vẫn muốn biểu diễn, phát triển thêm các động tác khó, phức tạp hơn.
Những người làm nghề diễn rối nước thường gặp phải các căn bệnh liên quan tới nước như thấp khớp, nhiễm khuẩn khi tập luyện. Ban đầu họ thường phải uống nước mắm, trà gừng để tăng khả năng chịu lạnh lúc ngâm mình dưới nước để diễn. Ngày nay, các nghệ nhân đã có bộ quần áo chống nước để thay thế. 
Nhà hát múa rối nước Thăng Long ở Hà Nội là một địa chỉ nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới xem. Nhà hát thành lập năm 1969 và từng đưa loại hình nghệ thuật độc đáo này tới nhiều nơi trên thế giới.